1. Belarus bắt các nhà lãnh đạo Kitô giáo phản đối bạo lực của chế độ và chiến tranh nhắm vào Ukraine

Những người bảo vệ nhân quyền cho rằng chế độ đang nhắm mục tiêu truy tố các nhà lãnh đạo tôn giáo nổi bật trong cộng đồng địa phương của họ nếu họ công khai phản đối bạo lực của chế độ sau cuộc bầu cử tổng thống gian dối năm 2020 hoặc phản đối vai trò của Belarus trong cuộc xâm lược mới của Nga vào Ukraine. Nhà của một số linh mục Công Giáo và những người khác đã bị đột kích vào cuối tháng 3 năm 2022.

Trong số hai linh mục Công Giáo bị nhắm mục tiêu vào tháng 3 ở Vùng phía bắc Vitebsk, cha Aleksandr Baran đã bị kết án tù 10 ngày, trong khi cha Andrzej Bulczak – một công dân Ba Lan đã phục vụ 14 năm ở Belarus – đã bỏ trốn khỏi đất nước trước phiên tòa có thể sẽ bỏ tù ngài dài hạn.

Vào ngày 25 tháng 3, cảnh sát đã đột kích vào nhà của Mục sư Tin Lành Baptist Roman Rozhdestvensky ở Cherikov, và vào nhà Cha Vasily Yegorov, một linh mục Công Giáo nghi lễ Đông phương, ở Mogilev. Cha Yegerov đã bị sách nhiễu vì dán một khẩu hiệu “Ukraine, hãy tha thứ cho chúng tôi” trên xe của mình.

Các cuộc đột kích vào cuối tháng Ba diễn ra khi những người Công Giáo và những người theo đạo Tin lành đang ở giữa Mùa Chay.

Cha Aleksandr Baran, người đã bị kết án tù 10 ngày, nhận xét rằng chế độ đang “can thiệp vào cuộc sống của mỗi người, vào đời sống của Giáo Hội, họ muốn chà đạp nhân quyền và bịt miệng mọi người.” Bình luận sau khi bị bắt, Cha Aleksandr Baran nói: “họ đã chuẩn bị cho việc bắt giữ tôi; đã có hàng đống giấy tờ và một số tài liệu khác về tôi nằm sẵn ở đó.”


Source:Forum 18

2. Đức Thánh Cha Phanxicô tặng sách cho các linh mục hiện diện trong Thánh lễ Truyền Dầu

Đức Thánh Cha Phanxicô tặng một cuốn sách viết bằng tiếng Ý cho các linh mục có mặt trong Thánh lễ Truyền Dầu hôm Thứ Năm Tuần Thánh, có tựa đề “Chứng nhân, chứ không phải quan chức”, trong đó Đức Cha François-Xavier Bustillo của Ajaccio đưa ra những hướng dẫn cho các linh mục đang phục vụ trong thế giới luôn thay đổi ngày nay.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tặng cuốn sách này như một món quà cho các linh mục tham dự Thánh lễ Truyền dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô, có những trích dẫn Kinh Thánh và triết học, những suy ngẫm về các sự kiện hiện tại và Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, sử dụng ngôn ngữ hiện đại và chia sẻ những giai thoại phong phú.

Cuốn sách đưa ra những ý tưởng cho thừa tác vụ mục vụ, và kêu gọi sự chú ý đến những thách thức cũ và mới: từ sự sa đà trên các phương tiện truyền thông xã hội đến nguy cơ biến giáo xứ chỉ thành một văn phòng hành chính.

Tác giả của cuốn sách cũng trích dẫn một loạt nhân vật, từ Kierkegaard, Camus, Nelson Mandela đến Martin Luther King, cũng như một nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình Ý.

Cuốn sách cũng đề cập đến các chủ đề như khiêm tốn và quan hệ cha con, buồn chán và các chiến lược chính trị. Đặc biệt, cuốn sách tập trung vào các sự kiện hiện tại, bao gồm cả những thói quen mới đến từ đại dịch.

Tất cả được làm phong phú thêm với các trích dẫn Kinh thánh, các giáo huấn của Giáo hội, và đặc biệt là huấn quyền của Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô, nhằm đào sâu bản chất của chức linh mục và nền tảng, ơn gọi và sứ mệnh của nó. Cuốn sách xem xét những thách thức chính mà thừa tác vụ linh mục phải đối mặt, bắt đầu với thách thức phải luôn là “nhân chứng” và “người mang sự sống”.

Đức Cha François-Xavier Bustillo, một tu sĩ Dòng Phanxicô, đã trở thành Giám mục của Ajaccio, Corsica, vào năm 2021.

Cuốn sách của ngài đưa ra một phân tích thú vị và rõ ràng về thực tế ngày nay, nhấn mạnh rằng tiêu đề cuốn sách đã nhấn mạnh sự cần thiết phải trở thành những nhân chứng Phúc âm đích thực trong thế giới ngày nay, và phải vượt qua nguy cơ chỉ được dân chúng nhìn nhận như là người có thẩm quyền chính thức hơn là một mục tử.

Với sự tinh tế hiện đại, ngôn ngữ dễ hiểu và vô số giai thoại, Đức Cha Bustillo, một nhà thần học và chuyên gia về mục vụ, đưa ra một bài suy niệm sâu sắc về chủ đề ngày càng phức tạp liên quan đến những thách thức mà chức linh mục phải đối mặt ngày nay dưới ánh sáng của thời hiện đại, những biến đổi, thường mang tính cách mạng, đang diễn ra nhanh chóng trong thế giới ngày nay.


Source:Vatican News

3. Nghị viện Âu Châu lên án nhà lãnh đạo Chính thống giáo Nga

Russia's Patriarch Kirill defends invasion of Ukraine, stoking Orthodox  tensions | National Catholic Reporter

Nghị viện Âu Châu, hội đồng lập pháp của Liên Hiệp Âu Châu, đã thông qua một nghị quyết về việc gia tăng đàn áp ở Nga.

Trong nghị quyết, Nghị viện Âu Châu nói rằng họ “lên án vai trò của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, người đứng đầu Giáo Hội Chính thống giáo Nga, vì đã cung cấp vỏ bọc thần học cho cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraine.”

Nghị viện cũng “ca ngợi lòng dũng cảm của 300 linh mục thuộc Giáo hội Chính thống Nga, những người đã ký một lá thư lên án hành động xâm lược, đau buồn trước thử thách của người dân Ukraine và yêu cầu ‘ngừng chiến tranh.’

Nhiều quan sát viên cho rằng, không chỉ có Putin, cả Thượng Phụ Kirill cũng có thể bị truy tố vì tội ác chiến tranh do Nga gây ra tại Ukraine.

Trong một hành động báng bổ không thể tưởng tượng nổi, hôm 13 tháng Ba, Thượng Phụ Kirill đã trao ảnh Đức Mẹ cho tướng Nga và cầu xin Đức Mẹ cho quân Nga mau thắng.

Gần đây, tại Nhà thờ Chính của Lực lượng Vũ trang được trang hoàng lộng lẫy được khai trương cách đây hai năm ở Kubinka, ngoại ô Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill nói với một nhóm quân nhân và nữ quân nhân rằng Nga là một quốc gia “yêu chuộng hòa bình” và đã phải hứng chịu nhiều thiệt hại do chiến tranh.

“Chúng tôi tuyệt đối không gây chiến hay làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho người khác”, Thượng Phụ Kirill, một đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin nói.

“Nhưng chúng ta đã được nuôi dưỡng trong suốt lịch sử của mình để yêu quê hương đất nước. Và chúng ta sẽ sẵn sàng bảo vệ nó, vì chỉ có người Nga mới có thể bảo vệ đất nước của mình”.

Sự ủng hộ của ông đối với cuộc can thiệp quân sự, trong đó hàng nghìn binh sĩ và dân thường Ukraine đã thiệt mạng, đã khiến một số người trong Giáo Hội Chính thống giáo trong nước cũng như các nhà thờ ở nước ngoài có liên hệ với Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa tức giận.

Lời tuyên bố của Thượng Phụ Kirill cho rằng Nga là quốc gia “yêu chuộng hòa bình” diễn ra trong bối cảnh thế giới bàng hoàng trước vụ thảm sát kinh hoàng ở thị trấn Bucha do quân Nga gây ra. Xác người nằm la liệt trên đường phố, tay bị trói giật ra sau và họ bị bắn đằng sau ót. Ít nhất 410 thi thể đã được tìm thấy. Nhiều người bị xô xuống hố chôn tập thể. Nhiều phụ nữ chết trần truồng chứng tỏ họ đã bị hiếp dâm trước khi bị giết chết.


Source:Catholic World News