Ngoại trưởng Vatican thăm Ukraine

1. Nhà Thờ Chính Tòa tại Nigeria bị tấn công

Một đám đông đã tấn công một nhà thờ Công Giáo ở Nigeria trong bối cảnh các cuộc biểu tình đòi thả hai nghi phạm trong vụ giết một sinh viên Công Giáo.

Giáo phận Sokoto cho biết trong một tuyên bố rằng các thanh niên đã tấn công vào Nhà thờ Công Giáo Thánh Gia ở Sokoto, tây bắc Nigeria, sau khi cảnh sát bắt giữ hai sinh viên liên quan đến vụ sát hại Deborah Samuel.

Samuel, một sinh viên tại Đại học Sư phạm Shehu Shagari ở Sokoto, đã bị đánh và thiêu sống vào ngày 11 tháng 5 sau khi bị cáo buộc đăng những phát biểu “báng bổ” về Hồi giáo trong một nhóm WhatsApp.

Giáo phận Sokoto cho biết: “Chính quyền bang Sokoto đã tuyên bố lệnh giới nghiêm 24 giờ để giúp ngăn chặn các cuộc biểu tình đang diễn ra của thanh niên Hồi giáo ở thủ đô bang ngày nay.”

“Trong cuộc biểu tình, các nhóm thanh niên do một số người lớn dẫn đầu đã tấn công Nhà thờ Công Giáo Thánh Gia ở Bello Way, phá hủy cửa kính nhà thờ, cửa kính của Văn phòng Đức Cha Lawton và phá hoại một chiếc xe buýt cộng đồng đang đậu trong khuôn viên.”

“Nhà thờ Công Giáo Thánh Kevin, ở Gidan Dere, East By-pass, cũng bị tấn công và bị cháy một phần; các cửa sổ của khu bệnh viện mới đang được xây dựng, trong cùng một khuôn viên, đã bị vỡ tan tành”.

“Những kẻ tấn công đã được giải tán kịp thời bởi một đội cảnh sát cơ động trước khi họ có thể gây thêm thiệt hại.”

“Những kẻ lưu manh cũng tấn công Trung tâm Bakhita nằm dọc theo Đường Aliyu Jodi và đốt cháy một chiếc xe buýt trong khuôn viên.”

Đức Cha Sokoto Matthew Hassan Kukah cảm ơn thống đốc bang Aminu Tambuwal đã áp đặt lệnh giới nghiêm để dập tắt các cuộc biểu tình, và cám ơn lực lượng an ninh đã ngăn chặn thiệt hại thêm cho các cơ sở của giáo phận”.

Giáo phận nói thêm: “Trái ngược với thông tin đang lưu hành, chúng tôi muốn bác bỏ tin cho rằng đã có một cuộc tấn công cách này cách khác vào tư dinh của Đức Cha Matthew Hassan Kukah.”

“Vị giám mục kêu gọi các Kitô hữu tiếp tục tuân thủ luật pháp và cầu nguyện cho sự bình thường trở lại. Tất cả các thánh lễ ở Sokoto đã bị đình chỉ cho đến khi lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ”.

Sokoto là một thành phố chủ yếu là người Hồi giáo với hơn 600.000 người ở cực tây bắc Nigeria, một quốc gia được phân chia gần như đồng đều giữa người Công Giáo và Hồi Giáo.

Đức Cha Kukah, đã lãnh đạo giáo phận Sokoto từ năm 2011, bày tỏ “sự bàng hoàng sâu sắc” trước “vụ giết người khủng khiếp” đối với anh Samuel trong một tuyên bố ngày 11 tháng 5.

Ngài nói: “Chúng tôi lên án vụ việc này với những lời lẽ mạnh mẽ nhất và kêu gọi các nhà chức trách điều tra thảm kịch này và bảo đảm rằng công lý được thực hiện.”


Source:Catholic News Agency

2. Ngoại trưởng Vatican thăm Ukraine

Ngoại trưởng Vatican thăm Ukraine

Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh, đã đến Kyiv khi Tòa thánh tìm cách cân bằng mối quan tâm của mình đối với người Ukraine với nỗ lực duy trì một kênh đối thoại với Nga.

Đức Cha Gallagher đã đến Kyiv vào hôm thứ Tư và hôm thứ Sáu, ngài có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba. Chuyến viếng thăm này ban đầu được lên kế hoạch trước Lễ Phục sinh nhưng đã bị hoãn lại sau khi Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhiễm COVID-19.

Chuyến đi diễn ra khi Tòa thánh cố vạch ra một ranh giới mong manh trong việc cố gắng duy trì mối quan hệ mới được cải thiện với Giáo Hội Chính thống giáo Nga trong khi cung cấp sự hỗ trợ cho các tín hữu Ukraine “tử đạo”. Đồng thời, Tòa thánh cũng đang hòa giải việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên tố cáo ngành công nghiệp vũ khí và “sự điên rồ” trong việc tái trang bị cho Ukraine với giáo lý Công Giáo trong đó nói rằng các quốc gia có quyền và nghĩa vụ phải đẩy lùi một “kẻ xâm lược bất chính”.

Sách giáo lý Công Giáo, điều 2310 nêu rõ trong trường hợp quốc gia bị xâm lược bất chính, “Nhà cầm quyền có quyền và bổn phận đề ra cho các công dân những nghĩa vụ cần thiết để bảo vệ tổ quốc. Những ai phục vụ tổ quốc trong quân đội, là những người phụng sự cho an ninh và tự do của các dân tộc. Khi chu toàn đúng đắn nhiệm vụ của mình, họ thật sự góp phần vào công ích và vào việc gìn giữ hòa bình.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói với đài truyền hình nhà nước RAI khi thông báo về chuyến đi của mình. “Đúng, Ukraine có quyền tự vệ và họ cần vũ khí để làm điều đó, nhưng phải thận trọng trong cách thực hiện”.

Đức Cha Gallagher, một nhà ngoại giao Vatican 68 tuổi đến từ Liverpool, trở thành đặc sứ thứ ba của Đức Giáo Hoàng được Đức Phanxicô cử đến khu vực, sau khi hai vị Hồng Y thân tín đến Ukraine và các nước giáp biên giới để đánh giá nhu cầu nhân đạo của những người tị nạn Ukraine và mang lại cho họ sự đoàn kết của Đức Giáo Hoàng.

Đức Phanxicô đã bị một số người chỉ trích vì từ chối lên án đích danh Nga hoặc đích danh Tổng thống Vladimir Putin, mặc dù ngài đã tăng cường chỉ trích cuộc chiến “man rợ” và gần đây đã gặp gỡ vợ của hai binh sĩ Ukraine đang cầm cự tại nhà máy thép bị bao vây ở Mariupol, một cử chỉ “sự quan tâm và tham gia của chúng tôi vào nỗi đau khổ của những gia đình này,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói.

Đường lối trung dung của Đức Phanxicô là bằng chứng về truyền thống ngoại giao của Tòa thánh, đó là không gọi đích danh những kẻ xâm lược và nỗ lực duy trì các con đường đối thoại rộng mở với cả hai bên trong một cuộc xung đột. Cái gọi là “Ostpolitik” này đã được áp dụng trong Chiến tranh Lạnh nhằm duy trì quan hệ với các chế độ Cộng sản, bất kể chúng đang đàn áp các tín hữu Công Giáo trên thực địa.

Trong trường hợp của Ukraine, Tòa thánh không muốn cắt đứt mối quan hệ mới được cải thiện với Giáo Hội Chính thống Nga, vốn đã có một bước tiến lớn vào năm 2016 khi Đức Phanxicô gặp Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga tại Havana.

Đức Phanxicô cho đến nay đã từ chối lời mời từ Tổng thống Volodymyr Zelenskiyy đến thăm Ukraine, gần đây ngài nói rằng ông muốn đến Mạc Tư Khoa trước. Đức Phanxicô cho biết ngài đã yêu cầu sớm gặp Tổng thống Nga Putin, nhưng nhà lãnh đạo Nga chưa trả lời.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô đã hủy một cuộc gặp đã được lên kế hoạch vào tháng 6 với Kirill, là người đã biện minh cho cuộc chiến của Putin trên cơ sở ý thức hệ. Đức Phanxicô cho biết các nhà ngoại giao của Vatican – có lẽ là Đức Tổng Giám Mục Gallagher và Đức Hồng Y Pietro Parolin cho rằng một cuộc gặp gỡ như thế sẽ gây ra nhiều ngộ nhận và chẳng giải quyết được điều gì,

Nhưng Vatican vẫn đang theo đuổi các nỗ lực ngoại giao của mình với hy vọng ít nhất có thể mang lại một lệnh ngừng bắn.

“Tòa thánh có ơn gọi này,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói với RAI. “Chúng tôi cố gắng không bao giờ đặt mình vào phe này hay phe kia, mà tạo ra một không gian để đối thoại vì hòa bình, và tìm ra giải pháp cho những xung đột khủng khiếp như thế này.”


Source:AP

3. Thượng phụ Kirill gọi Orban là một trong số ít các chính trị gia Âu Châu ủng hộ các giá trị Kitô giáo

Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã chúc mừng Viktor Orban về việc ông được bầu lại làm thủ tướng Hung Gia Lợi gần đây, nêu bật công lao của ông trong việc bảo vệ đạo đức truyền thống.

“Bạn là một trong số ít các chính trị gia Âu Châu quan tâm nhiều đến các vấn đề ủng hộ các giá trị Kitô Giáo, củng cố thể chế gia đình truyền thống và các quy tắc đạo đức công vụ. Tôi biết bạn là người tích cực bảo vệ các Kitô Hữu bị đàn áp ở Trung Đông và ở các nước Phi Châu,” vị giáo chủ nói trong một thông điệp chúc mừng được đăng trên trang web của Nhà thờ Chính thống Nga hôm thứ Hai 16 tháng 5.

Thượng phụ Kirill lưu ý rằng trong những năm gần đây, phần lớn nhờ sự hỗ trợ của Orban và sự tham gia cá nhân, mối quan hệ tốt đẹp đã phát triển giữa nhà nước Hung Gia Lợi và Giáo Hội Chính thống Nga.

“Tôi đánh giá cao sự quan tâm và chăm sóc của bạn đối với các nhu cầu của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa thuộc giáo phận Hung Gia Lợi, với sự hỗ trợ đầy đủ của các cơ quan chức năng đang khôi phục và xây dựng thành công các nhà thờ Chính thống giáo. Trong số đó có Nhà thờ Đức Mẹ An Nghỉ ở Budapest, một viên ngọc kiến trúc của thủ đô,” vị giáo chủ nói và bày tỏ hy vọng rằng sự hợp tác này sẽ tiếp tục trong tương lai.

Kết luận, Thượng Phụ Kirill cầu chúc Orban “sức mạnh của tinh thần và thể chất, sự giúp đỡ của Chúa, và thành công không ngừng trong sự phục vụ cao cả và có trách nhiệm đối với đất nước và nhân dân của mình.”

Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban đã lên án cuộc xâm lược Ukraine, nhưng ông đã không chỉ trích trực tiếp Tổng thống Vladimir Putin và nói rằng ông không đồng ý với các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu. Mặc dù không đồng ý, ông đã không phủ quyết các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với Mạc Tư Khoa. Tuy vậy, ông đã không cho vận chuyển vũ khí cho Ukraine qua ngã Hung Gia Lợi.

Hôm 3 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban đã nói với ngài khi họ gặp nhau vào cuối tháng 4 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch chấm dứt cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 9 tháng 5 – Ngày Chiến thắng của Nga. Điều đó đã không xảy ra.


Source:Interfax

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *