Ngôi nhà của nữ tu Lucy Kurien, nơi đón tiếp và trợ giúp các nạn nhân của bạo lực ở Ấn Độ

«Mục đích của Maher – “Nhà của Mẹ” là tạo ra một xã hội không cần đến Maher». Đây là những lời ngắn gọn nhưng đây đủ của một tu sĩ Dòng Tên Francis D’Sa khi giới thiệu công việc của sơ Lucy Kurien, người đã thiết lập  ở Ấn Độ từ năm 1997 một ngôi nhà với mục đích trợ giúp các phụ nữ bị lạm dụng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Lịch sử Ấn Độ đã từ lâu nói về những hoàn cảnh đau thương của các phụ nữ Ấn Độ: bị thiêu sống, bị tạt axit, bị hãm hiếp ở mọi lứa tuổi và sau đó bị bỏ rơi trên đường phố, bị bỏ đói đến chết, bị tra tấn hay bị giết từ người chồng vì lý do của hồi môn, bị bán làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ… Người ta vẫn còn nhớ lại câu chuyện thương tâm của một bé gái mới tám tháng tuổi bị một người họ hàng cưỡng hiếp và trường hợp của một người vợ trong lúc ngủ đã bị người chồng lừa dối lấy đi một quả thật; cô chỉ phát hiện được điều này khi tỉnh dậy, quả thận đã bị lấy để bán  ở chợ đen như một  vật trao đổi vì đã không nộp của hồi môn. Đó là những hình ảnh làm cho hoàn cảnh thật ảm đạm, những tội ác này lại thường diễn ra dưới mắt những đứa trẻ trong gia đinh, gây những hậu quả nghiêm trọng về sự phát triển cho chúng.

 

Theo Indu Prakash Singh, tác giả của nhiều cuốn sách viết về tình trạng phụ nữ ở Châu Á;  ở Ấn Độ hiện nay dường như có hai hệ thống pháp luật song song, một cho phái nam và một cho phái nữ. Nhà nghiên cứu cho biết các dữ liệu rất khó tìm, nhưng thực tế cho thấy những vụ giết người vì của hồi môn đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Trên 90 phần trăm các vụ bạo hành phụ nữ và trẻ em  được ghi nhận là do tai nạn gia đình, 5 phần trăm là do tự tử, chỉ có 5 phần trăm còn lại được cho là nguyên nhân của một vụ giết người.

Một số phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của các tội ác này đã có cơ hội gặp sơ Lucy. Người ta có thể đọc được câu chuyện của họ qua cuốn sách có tựa đề Women Healing Women: A Model of Hope for Oppressed Women Everywhere (Hohm Press, 2009) giới thiệu những công việc thiết thực, hữu ích của người nữ tu Công giáo này, người mà ngày nay vẫn còn đi khắp thế giới để làm chứng cho sứ vụ của mình. Ví dụ người ta đọc được câu chuyện về một cô dâu trẻ bị bố chồng hãm hiếp. Cô tuyệt vọng trở về với gia đình của mình. Đáp lại, cha của chính cô yêu cầu cô tự sát vì không muốn nghe điều ô nhục này. Cô dâu trẻ đã được cứu. Trên thực tế, những trường hợp may mắn như vậy rất ít, còn hàng ngàn trường hợp như vậy không được biết đến.

Sơ Lucy sinh năm 1956 tại ngôi làng nhỏ Kolayad ở Kerala, cha mẹ cô là mẫu gương tuyệt vời, là động lực cho sự nhiệt tâm thi hành sứ vụ tông đồ của cô. Chính cô nói: “Tôi mang ơn cha mẹ tôi rất nhiều. Cha mẹ là món quà tuyệt vời, là mẫu gương cho cuộc sống của tôi. Tình yêu của cha mẹ mà tôi nhận được, đó là món quà mà tôi cũng muốn trao ban lại cho người khác”. Gia đình Lucy thuộc về đẳng cấp Bà la môn, giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn Độ, nhưng ngay từ nhỏ bố mẹ cô dạy con mình biết chia sẻ những gì họ có với những người nghèo khổ. Năm hai mươi tuổi Lucy vào Dòng Sisters of the Cross; quyết định này theo cô không đơn giản, bởi vì cô đã có một công việc ổn định ở Mumbai, cô không muốn từ bỏ tự do, bao gồm cả tự do kinh tế. Tuy nhiên, lời mời gọi của Thiên Chúa và người nghèo lại có sức quyến rũ đối với cô hơn.

Trở thành nữ tu, trong hơn hai thập kỉ, cùng với các Kitô hữu, người Hồi giáo, người Hindu và các nữ tu thuộc các Hội dòng khác, sơ Lucy đã quản lý Maher (có nghĩa là “Nhà của Mẹ”), là nơi trú ngụ cho các phụ nữ và trẻ em thuộc mọi giai cấp và tôn giáo bị bạo hành, ngược đãi.

Maher – “Nhà của Mẹ” được khai sinh vào ngày 2 tháng 2 năm 1997 do sơ Lucy và Cha Francis D’Sa, một linh mục dòng Tên. Trong cùng ngày ngay lập tức có hai phụ nữ bị ngược đãi được đón tiếp. Ban đầu người dân trong làng không chấp nhận sự hiện diện của ngôi nhà này, nhưng rồi với sự kiên nhẫn và sự tử tế họ đã vui vẻ đón nhận.

“Nhà của Mẹ” mở cửa 24 giờ một ngày trong cả năm. Các phụ nữ đến với ngôi nhà này họ không chỉ được đón tiếp như một nơi tạm trú, mà còn được chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý và tư vấn pháp luật. Nếu có thể, mục tiêu cuối cùng của các thiện nguyện viên là khôi phục những phụ nữ bị thương và bị ngược đãi này trở lại với môi trường xã hội. Hơn nữa, trung tâm còn quan tâm theo dõi và hỗ trợ sau khi những người này đã được ổn định và rời khỏi trung tâm.

Có rất nhiều hoạt động mà “Nhà của mẹ” thực hiện trong nỗ lực phục hồi nhân phẩm và tự do cho phụ nữ. Nhiều người trong số họ bị tổn thương đến nỗi họ không còn nhớ mình là ai nữa. Chính vì thế những người đến đây  được đón tiếp và chăm sóc như những người con trong gia đình.

Mấu chốt thành công của “Nhà của Mẹ”  là một nhóm phụ nữ chăm sóc những phụ nữ khác. Trên thực tế, nhiều người làm việc ở đó đã là nạn nhân, bây giờ họ lại tiếp tục giúp đỡ những nạn nhân khác.

Với sự quan tâm rất lớn đến từng chi tiết, “Nhà của Mẹ”  hoạt động không đơn lẻ, nhưng có sự phối hợp cộng tác chặt chẽ với cộng đồng xung quanh. Ra đời trên thực tế là nơi trú ngụ của phụ nữ bị ngược đãi, cộng đồng đã mở rộng vùng hoạt động để giải quyết các vấn đề kinh tế khẩn cấp, các vấn đề về sinh thái, hỗ trợ cho các làng lân cận, giúp đỡ những người ở xa, cố gắng xóa việc phân chia giai cấp trong xã hội.

Muốn tóm tắt sứ mệnh của Maher – “Nhà của mẹ” và của sơ Lucy một cách đầy đủ, chúng ta có thể nói về việc “chữa lành và hòa giải”. Tính đặc thù của công việc được thực hiện trên thực tế nằm ở khả năng cung cấp các câu trả lời thiết thực và thực tiễn cho những bất công to lớn mà người Ấn gặp phải, trở thành nguồn hy vọng cho phụ nữ và trẻ em bị đánh, hãm hiếp, làm nhục, nạn nhân của việc khai thác và giết người, bị áp bức trên khắp thế giới. Ngôi nhà của sơ Lucy thực sự là “Ngôi nhà của mẹ” cho phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi. (L’osservatore Romano 14 -3- 2018)

Ngọc Yến

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *