Người giáo dân Đa Minh với việc Giảng Thuyết (2/3)

NGƯỜI GIÁO DÂN ĐA MINH
VỚI VIỆC GIẢNG THUYẾT (phần 2/3)

Đối thoại và hiệp thông

Dưới ánh sáng của ba điều vừa được nhắc tới – một là Giáo hội huynh đệ, hai là giai đoạn đầu của Dòng như nhóm giảng thuyết thánh, và ba là sự hiệp nhất của gia đình Đa Minh – tôi mời gọi anh chị em suy nghĩ về chủ đề cho năm nay: “Người giáo dân Đa Minh với việc giảng thuyết”, và lấy đó làm chủ đề gợi ý suy tư cho chúng ta. Những điều đã nói trên sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng chủ đề này mở ra những chân trời khá rộng, hầu có thể hiểu rõ hơn sự dấn thân của người giáo dân trong Gia đình Đa Minh cần thiết ra sao đối với sứ vụ giảng thuyết của Dòng.

“Người giáo dân, với ơn gọi của mình, tìm kiếm nước Thiên Chúa qua việc tham gia vào những công việc trần thế và bằng cách sắp đặt thế giới theo kế hoạch của Thiên Chúa. Họ sống trong môi trường trần thế, nghĩa là đảm nhận những bổn phận và công việc khác nhau của thế giới. Họ sống trong những hoàn cảnh đời thường của gia đình và xã hội, có thể nói cuộc sống của họ được đan dệt bằng những sinh hoạt trần thế. Ở đó, họ được Thiên Chúa mời gọi làm việc để thánh hóa thế giới ngay từ bên trong, như men cho đời, qua việc đảm nhận trách vụ của họ dưới sự hướng dẫn của tinh thần Tin Mừng” (GH 31). Trong cái nhìn tổng quát đó, kiểu nói “người giáo dân Đa Minh” giúp ta lưu tâm đến một sự khác biệt nào đó của những con người, nam cũng như nữ, ngày hôm nay đang muốn, nhờ ân sủng của Bí tích Thánh tẩy, tham gia vào sứ vụ của chúa Kitô, đó là theo gương cha thánh Đa Minh, “làm cho sự hiện diện của Đức Kitô giữa lòng nhân loại trở nên sống động” (Luật Sống 1968, Lời ngỏ). Là người giáo dân, họ đều được “mời gọi làm cho sự hiện diện của đức Kitô được lan toả giữa lòng thế giới, để sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa được mọi người nhận biết và đón nhận” (Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, số 3). Và tất cả đều được mời gọi thực hiện điều đó bằng cách đóng góp vào việc thiết lập “gia đình” Đa Minh, một gia đình được sai đi rao giảng Tin Mừng.

daihai2015c.JPG

Là giáo dân Đa Minh, “khi trung thành với ơn gọi, họ nỗ lực để mình được thấm nhuần tinh thần của thánh Đa Minh: nhờ chuyên cần chiêm ngắm Thiên Chúa, cùng với việc cầu nguyện và học hỏi, họ kín múc được một đức tin vững chắc; mỗi người tùy theo ân huệ và điều kiện sống của mình, sẽ làm chứng niềm tin của mình cách mạnh mẽ, ngõ hầu soi sáng cho người tín hữu cùng chung một niềm tin với họ,và cả những người chưa được đón nhận ánh sáng Chúa Kitô. Vì thế, nhờ họ, Dòng có thể đạt tới mục đích của mình một cách đầy đủ hơn. Người giáo dân Đa Minh cố gắng nhận ra và chia sẻ những nỗi khổ đau, âu lo và khát vọng của con người. Được ánh sáng Tin Mừng hướng dẫn theo tinh thần Giáo hội, cùng với tất cả những người thiện chí, qua việc phục vụ chân lý, họ cổ võ tất cả những gì là chân thực, công bình và thánh thiện, và họ sẽ ra sức trợ giúp tất cả mọi người, bao nhiêu có thể, trong tinh thần vui tươi và tự do chân thành” (Luật sống 1968, Lời ngỏ).

Trong số những người giáo dân Đa Minh, chắc chắn các thành viên Huynh đoàn giáo dân Đa Minh có một vị trí quan trọng, vì như là thành viên của Dòng, họ lựa chọn dấn thân suốt đời bằng lời hứa đóng góp theo cách riêng biệt của họ vào sứ vụ của Đức Kitô. Như vậy, họ nối kết việc dấn thân của mình với Lời hằng sống, không chỉ bằng cuộc sống của một người đã được rửa tội, nhưng còn bằng cách sống hài hoà cam kết của họ với cuộc sống mà họ muốn biến thành lời “rao giảng”, phục vụ cho cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại. Đồng thời, họ nối kết việc giảng Lời Chúa vào trong đời sống của Dòng, khi không ngừng qui chiếu việc giảng thuyết này với thể chế của Giáo hội Chúa Kitô, qua việc tìm kiếm sự hiệp thông và hiệp nhất. Như anh chị em đã biết, ngày nay chúng ta phải suy nghĩ về sự phong phú trong các Huynh đoàn, cùng nhau tìm hiểu xem làm thế nào chúng ta thực hiện tốt hơn việc đón nhận, thúc đẩy và nối kết sự đa dạng ấy, một sự đa dạng nhưng quy tụ nơi một chứng từ cụ thể chung, chứng từ bằng đời sống của người giáo dân muốn thi hành sứ vụ giảng thuyết.

Người giáo dân cũng có thể chọn những cách thế khác để tham gia vào sứ vụ trên và thuộc về “Gia đình Đa Minh” mà không cần tham gia hình thức huynh đoàn : chẳng hạn nhiều Hội dòng nữ Đa Minh có các hội đoàn giáo dân liên kết với họ, một số tu viện hay hoạt động đặc thù của anh chị em Đa Minh cũng có những hội như thế; tham gia Phong trào Giới Trẻ Đa Minh thế giới; Tình nguyện viên Đa Minh; tham gia các Huynh đoàn của cha Lataste và những phong trào được ngài lập theo tinh thần Bêtania. Mỗi nhóm này đều có cách thức dấn thân riêng của mình vào gia đình Đa Minh.

Và, cũng như các gia đình, chúng ta cũng có những bạn hữu, mặc dù không bày tỏ rõ ràng sự gắn bó, nhưng cùng chia sẻ một sứ vụ, qua việc cộng tác theo nghề nghiệp của họ, nhằm liên đới chặt chẽ với tinh thần của thánh Đa Minh (ví dụ, dạy học, xuất bản, truyền thông), hay những chọn lựa loan báo Tin Mừng (chẳng hạn nhiều giáo dân dấn thân cho việc rao giảng Kinh Mân Côi theo truyền thống Đa Minh). Ý tưởng về gia đình Đa Minh, về sự hiệp thông Đa Minh, cho phép chúng ta nối kết các chiều kích đó lại, cùng với nữ đan sĩ, nam tu sĩ, nữ tu hoạt động, huynh đoàn giáo dân cũng như huynh đoàn linh mục, nhân danh việc rao giảng Tin Mừng, là sứ vụ chung phục vụ Nước Trời, trong sự tôn trọng và tính độc lập của mỗi ơn gọi riêng. (xc. Tài liệu Bolonia)

Sự phong phú đó rất quan trọng để làm sáng tỏ mối dây liên đới giữa người giáo dân Đa Minh với việc giảng thuyết. Phải nhấn mạnh ngay rằng hạn từ “giảng thuyết” được sử dụng với nghĩa rộng nhất, và vẫn phải tôn trọng bản chất riêng của việc giảng trong phụng vụ như kỷ luật Giáo hội quy định. “Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ” ! Rao giảng Lời Chúa, loan báo Nước Thiên Chúa, công bố Tin Mừng, giảng Tin Mừng bình an, làm lan toả sự hiện diện của Đức Kitô… Tất cả những kiểu diễn tả đó vọng lại lời của ngôn sứ Giôen: mọi người sẽ là ngôn sứ, mọi người sẽ lên tiếng “nhân danh Đức Chúa”.

Những kiểu nói của Công đồng Vatican II cho thấy rõ ràng bản chất riêng của ơn gọi giáo dân là truyền giáo. Chính trong ý nghĩa đó mà chúng ta đặt mối dây liên hệ giữa người giáo dân Đa Minh với sứ vụ giảng thuyết của Dòng. Đặc trưng này mang hai ý nghĩa. Một mặt do môi trường riêng của người giáo dân, nơi đó người giáo dân Đa Minh sống và làm chứng, và cũng nơi đó, qua việc phục vụ Tin Mừng, họ giúp cho Dòng hoàn thành sứ mạng của mình, tức là “đạt đến mục đích cách đầy đủ hơn”. Mặt khác, do những gì họ đóng góp cho Dòng và cho sự hiệp thông Đa Minh, và đó cũng là một cách thức bổ túc khác để góp phần hoàn tất sứ mạng của Dòng. Chính những người phụ nữ trở lại khiến thánh Đa Minh ý thức việc cần thiết phải bảo vệ họ. Và chính những người nghèo ở Vôđoa đã cho thấy rõ ràng cách sống triệt để có sức làm chứng cho Tin Mừng như thế nào.

Theo tôi, người giáo dân Đa Minh có thể giúp cho việc giảng thuyết của Dòng đạt đến cùng đích cách trọn vẹn hơn bằng chính cuộc sống của người giáo dân, điều đó được thực hiện bằng nhiều cách thế khác nhau. Cũng giống như các nam nữ tu sĩ của Dòng, việc giảng thuyết của người giáo dân Đa Minh được đâm rễ từ ngay trong kinh nghiệm sống của họ. Bởi đó, sự phong phú do những đóng góp riêng biệt của người giáo dân Đa Minh cho việc giảng thuyết của Dòng đến từ kinh nghiệm của đời sống gia đình và nghề nghiệp, kinh nghiệm về tình phụ tử, kinh nghiệm về đời sống trong Giáo hội, kinh nghiệm của một người trẻ trong xã hội đương thời, kinh nghiệm riêng của một người đã được rửa tội phải làm chứng về niềm tin của mình trong gia đình hay trong nhóm bạn hữu hàng ngày họ tiếp xúc quen biết, cả những người không chia sẻ cùng một niềm tin, thậm chí đôi khi không tỏ ra thiện chí muốn chia sẻ…

Hơn nữa, họ cảm nhận được những khó khăn trong việc làm chứng đức tin theo một cách thức riêng : tại nhiều nơi trong thế giới hiện nay, hoàn cảnh sống thường nhật của giáo dân khiến họ phải đối diện với sự thờ ơ, chủ nghĩa hoài nghi và vô tín, rất khác so với trường hợp của các tu sĩ, và điều đó phải làm giàu cho việc giảng thuyết của toàn Dòng. Cũng vậy, qua cuộc sống gia đình, sự nghiệp và chính trị, người giáo dân hiểu được rằng đối với người Kitô hữu, những đòi hỏi phải sống tình huynh đệ và chân lý, vốn hướng dẫn họ góp sức làm thay đổi thế giới, một hình thức rao giảng được kết nối một cách căn bản với bậc sống của họ, thì cũng phù hợp với việc giảng thuyết chung của toàn “gia đình giảng thuyết”

Qua tất cả những kinh nghiệm này mà người ta có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa, về sự hiện hữu của Người, Lời của Người và sự Quan Phòng của Người… Nói nhân danh Thiên Chúa, là để cho Thiên Chúa gợi hứng cho lời nhân loại của ta, sao cho những lời đó làm chứng cho sự hiện diện và cho “sự sống ở với chúng ta” của Đấng vĩ đại hơn tất cả chúng ta. Nhưng cũng là để lặp lại nơi chúng ta, nơi tận cùng kinh nghiệm của chúng ta, kinh nghiệm huyền bí mà chính Thiên Chúa, nơi Con của Người, đã muốn có từ thân phận loài người.

Người ta dễ hiểu rằng sự bổ túc cho nhau giữa việc giảng thuyết của những người giáo dân và việc giảng thuyết của các nam nữ tu sĩ sống đời thánh hiến trong gia đình Đa Minh, là kết quả của sự bổ túc giữa các kinh nghiệm của đời sống con người. Từ quan điểm này, cần nhấn mạnh rằng một trong những trách nhiệm của gia đình Đa Minh là phải tổ chức sao cho những kinh nghiệm phong phú đó – dĩ nhiên không phải chỉ là những công việc truyền giáo cụ thể – được đối thoại với nhau, và dạy cho nhau về sự hiện diện và quan phòng của Thiên Chúa. Tôi thấy rằng, thường chúng ta xem là hiển nhiên việc chúng ta đang cùng nhau lưu tâm đến tính cách đặc thù của kinh nghiệm người Đa Minh ngày nay trong các bậc sống khác nhau, rằng chúng ta cũng hiểu biết cách sống của những thành viên khác trong gia đình Đa Minh… cuối cùng chúng ta thường cho rằng có thể xây dựng “gia đình” của chúng ta mà không nói gì đến chính nền tảng của việc giảng thuyết, trong khi đó chính là nền tảng của ân sủng nơi mỗi người. Để phục vụ cho cuộc đối thoại của Thiên Chúa với nhân loại, chúng ta phải dành thời gian, và phương tiện, để lắng nghe được những tiếng vang vọng từ rất nhiều cuộc đối thoại mà Thiên Chúa đang thực hiện trong trần gian này.

Khởi đi từ chính những nhận xét ấy, chúng ta có thể nói rằng người Giáo dân Đa Minh đang làm phong phú cho cách thức mà qua đó Dòng phải học mỗi ngày, đó là “yêu mến thế giới”, một thế giới mà chúng ta được sai đến để rao giảng, không phải chỉ bằng những phân tích khôn khéo và chí lý về thế giới, mà còn dám để cho mình chịu thương tích do những kinh nghiệm phong phú về thế giới, mà các thành viên gia đình Đa Minh đang sống. Hơn nữa, khi sống như thế, Dòng trong sự phong phú của mình, cũng học cách để cho chính mình được ghi dấu bởi những cách diễn tả khác nhau của Lời, nẩy sinh từ những kinh nghiệm đó. “Một tay cầm Kinh Thánh, còn tay kia cầm tờ báo” là câu nói được ưa thích của một số cha anh chúng ta. Kinh nghiệm được chia sẻ sẽ làm giàu cho thái độ này.

Và chính khởi đi từ cách hiểu như thế về Dòng trong toàn thể tính của mình, có thể càng ngày càng tăng cường xác tín rằng một trong những bổn phận của việc rao giảng Tin Mừng là cho phép mỗi người thấy được chỗ đứng của họ trong Vương Quốc mà chúng ta loan báo, để họ nhận ra trách nhiệm của mình, và đến lượt họ, cũng chấp nhận để được sai đi. Trong Dòng, người giáo dân Đa Minh có nhiệm vụ nhắc nhở những thành viên khác về sự thật hiển nhiên hàng đầu này: đó là trong Giáo hội, người giáo dân không phải chỉ là những người đón nhận việc giảng dạy, đón nhận việc loan báo Tin Mừng và những chăm sóc mục vụ, nhưng đúng hơn họ được mời gọi để trở nên những thành viên tích cực cho những hoạt động đó.