Người Thợ Mộc Thầm Lặng: Thánh Giuse dạy người tu sĩ Đa Minh điều gì

 

Vào mùng 8 tháng 12 năm 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khai mạc năm thánh Giuse.   Đây là điểm mốc quan trọng vì nó đánh dấu 150 năm Đức Chân Phước Piô IX tuyên bố  thánh Giuse  là bổn mạng của Giáo hội, và ngày 8 tháng 12 cũng là ngày lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, là người đã thành hôn với thánh Giuse. Là tu sĩ Đa Minh, chúng ta có thể học được rất nhiều điều từ đời sống đức hạnh của thánh Giuse. Ở đây, người viết xin gợi lên đôi điều suy tư nhân dịp năm thánh Giuse qua việc dõi theo đời sống của ngài nhằm gợi hứng cho người tu sĩ Đa Minh sống đời sống cầu nguyện, học hành và ba lời khuyên Phúc Âm.

Người tu sĩ Đa Minh có thể theo gương đời sống thinh lặng và cầu nguyện của thánh Giuse. Thinh lặng là một trong  những yếu tố rất quan trọng của đời sống chiêm niệm. Nếu không có sự thinh lặng, thì sẽ không thể trở thành một nhà giảng thuyết thực thụ. Đọc lại cuộc đời của thánh Giuse, chúng ta không tìm thấy nhiều lời viết về ngài trong Kinh Thánh, nhưng ngài được nhắc đến một cách âm thầm về tình yêu xả kỷ của ngài [1]. Chính trong sự âm thầm đó, thánh Giuse đã chu toàn vào việc cộng tác chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ghi nhận rằng bằng sự âm thầm hy sinh phục vụ vào công cuộc cứu độ của Thiên Chúa, thánh Giuse đã diễn tả một cách sống động về vai trò làm cha của mình. Bằng trái tim và mọi khả năng, thánh Gi- use đã âm thầm làm tình yêu được triển nở ngay từ chính gia đình.[2]  Đó như là một lời giảng hùng hồn từ chính việc làm âm thầm của ngài.

Hơn nữa, người tu sĩ Đa Minh có thể tìm được sự hứng khởi từ đời sống cầu nguyện của thánh Giuse. Chúng ta có thể nhận thấy điều này từ những bản văn của Tin Mừng thánh Matthêu sau đây:

–        Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở- cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su (Mt 1:19-25).

–        Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2:13)

–        Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (Mt 2:19-20).

–        Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô- đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na- da-rét (Mt 2:22-23).

Từ những bản văn này, chúng ta có thể nhận ra rằng thánh Giuse có một đời sống cầu nguyện mật thiết với Thiên Chúa. Có thể nói, giống như Đức Maria, thánh Giuse cũng được “đầy tràn Thánh Thần” của Thiên Chúa. Chính nhờ đời sống cầu nguyện sâu đậm như vậy, ngài đã nghe được tiếng Chúa mách bảo để soi dẫn ngài giúp Gia Đình Thánh vượt qua những khó khăn của sự bách hại. Rõ ràng, đời sống lặng lẽ âm thầm và cầu nguyện của thánh Giuse trở thành gương sáng người tu sĩ Đa Minh để thực thi sứ vụ giảng thuyết.

Người tu sĩ Đa Minh có thể học từ sự bảo vệ giá trị gia đình của thánh Giuse. Tin Mừng Thánh Mathêu nhấn mạnh một cách đặc biệt về những lời tiên báo Đấng Mêsia được hoàn thành một cách cụ thể nhờ sự cộng tác của thánh Giuse: Từ sự ra đời của Đức Giêsu tại Belem (2:1-6) đến hành trình của Hài Nhi tới Ai Cập, nơi mà thánh Giuse đưa gia đình đi lánh nạn. Trong tất cả những điều đó, thánh Giuse đã cho thấy rằng ngài có một đức tin vững mạnh; đó là sự tín thác vào Thiên Chúa để rồi ngài bảo vệ Thánh Gia Thất. Nhìn ở góc độ sâu hơn, ngài đã bảo vệ chính thiên tính và nhân tính của đức Giêsu từ hành trình lánh sang Ai Cập vì lệnh sát hại các con đầu lòng của vua Hêrôđê. Từ sự gợi hứng đó, người tu sĩ Đa Minh cũng có sứ mạng thể bảo vệ những đạo lý tinh tuyền vốn được mặc khải từ Thiên Chúa. Để làm được điều đó, linh đạo học hành trở thành một con đường giúp ta truy tầm sự thật, loan báo sự thật và bảo vệ sự thật. Trong thời đại hôm nay, những học thuyết tương đối, chủ nghĩa cá nhân, và chủ nghĩa khoa học đang trở thành những cơn “sóng dữ” làm trôi dạt các giá trị và tâm thức tôn giáo cũng như gia đình. Những học thuyết này dễ làm cho con người không tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa hoặc thay đổi giá trị truyền thống của gia đình. Do đó, việc học sẽ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ chân lý đức tin Công Giáo. Theo như lời của cha Timothy Radcliffe, việc học chính là hành vi của niềm hy vọng vì nó diễn tả sự xác tín rằng đời sống của người tu sĩ Đa Minh và những thách đố của cuộc đời cho ta một ý nghĩa nào đó về chân lý đức tin.[3]

Người tu sĩ Đa Minh có thể học từ mẫu gương vâng phục của thánh Giuse. Trong thời đại chúng ta, lời khấn vâng phục được xem là “lập dị” bởi vì thế giới chúng ta đang sống    đề cao sự tự do cá nhân như là một giá trị tuyệt đối.[4] Hơn nữa, chủ nghĩa cá nhân đã cắm rễ sâu vào tâm thức của con người khi họ tự cho rằng những gì tốt cho mình là đủ. Vì thế, lối sống đó dẫn đến một thái độ dửng dưng với thiện ích chung của cộng đoàn. Điều gì tốt cho tôi thì tôi mới làm.[5] Những yếu tố này khiến cho việc chúng ta không dám cam kết lời khấn vâng phục. Lời khấn vâng phục không phải là việc chúng ta tuần phục toàn bộ vào thẩm quyền cao nhất, nhưng đúng hơn là sự khám phá ra những phương thế mới để cùng cộng tác một cách có trách nhiệm và đầy sáng tạo vì ích lợi cứu độ các linh hồn.[6] Về phương diện này, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa của lời khấn vâng phục từ gương thánh Giuse.

Ngài đã cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa một cách tích cực, sáng tạo và đầy trách nhiệm. Hai lần Thiên Chúa đã nói với Giuse trong giấc mơ qua lời của Sứ Thần, và ngài lập tức đáp trả điều của Thiên Chúa đã mời gọi. Ngài đã đưa Đức Maria lánh sang Ai Cập, mặc dù trong lòng còn thấy hồ nghi về bào thai của Đức Maria. Nhưng vì Chúa đã phán, nên thánh Giuse đã vâng theo. Hơn nữa, việc trốn sang Ai Cập có thể làm ảnh hưởng đến công việc của ngài, làm mọi sự trong đời sống gia đình bị đảo lộn; hành trình đó có thể khiến ngài phải đối diện với những khó khăn phía trước. Nhưng dù hoàn cảnh có thế nào, ngài đã thưa “xin vâng,” giống như lời Đức Maria đáp trả với Sứ Thần trong ngày truyền tin.[7] Rõ ràng, người tu sĩ Đa Minh, với lời khấn “xin vâng,” sẽ khám phá ra hành trình tự do mà chúng ta thực sự đang khao khát, dù đôi khi còn có chút “hồ nghi” về việc bài sai của mình. Ở nơi hành trình này, chúng ta sẽ khám phá ra những điều mới mẻ mà Thiên Chúa muốn mời gọi chúng ta lên đường.

Người tu sĩ Đa Minh có thể noi gương đời sống khiết tịnh của thánh Giuse. Thánh Giuse thường được nhắc đến với tước hiệu “Rất Thánh Khiết Tâm” trong kinh cầu “Rất Thánh Khiết Tâm Thánh Giuse” mà chúng ta thường đọc. Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích rằng tước hiệu này không đơn thuần là dấu chỉ của tình yêu thương nhưng nó còn cho thấy một tâm hồn không chiếm hữu.[8] Đời sống khiết tịnh không đơn thuần chế ngự những suy nghĩ và hành vi liên quan đến tình dục, nhưng nó còn giúp ta dám đi vào một mối tương quan không chiếm hữu. Chỉ khi nào tình yêu có sự trinh khiết, thì lúc bấy giờ mới là tình yêu thực sự. Một tình yêu chiếm hữu sẽ trở thành ngục tù và làm cho người khác lâm vào cảnh cùng cực, bị đày đọa.[9] Thánh Giuse đã biết sống như thế nào là một tình yêu không chiếm hữu. Ngài không bao giờ cho mình là trung tâm. Ngài không nghĩ cho mình, nhưng thay vào đó là ngài chăm sóc cho đời sống của Đức Giêsu và Maria.[10] Do đó, với lời khấn khiết tịnh, người Đa Minh được mời gọi đáp trả một tình yêu không chiếm hữu để có thể dấn thân chăm sóc tha nhân.

Cuối cùng, người tu sĩ Đa Minh có thể học gương thánh Giuse về đức thanh bần hay khó nghèo. Lời khấn khó nghèo hay thanh bần không chỉ là việc khước từ của cải trần thế nhưng còn thể hiện qua việc coi sóc “cá biển, chim trời, và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất” một cách hài hòa và trật tự theo đúng công trình sáng tạo của Thiên Chúa (St 1,26). Sự trông coi này không chỉ khoanh tay đứng nhìn, nhưng làm cho tài sản hoa màu ruộc đất được sinh sôi nảy nở. Điều này có thể bắt gặp qua sự cần mẫn làm việc của Thánh Giuse. Ngài là một thợ mộc nhiệt huyết làm việc để chăm sóc gia đình. Từ thánh Giuse, Đức Giêsu đã hấp thụ những giá trị, phẩm giá và niềm vui về ý nghĩa những hoa trái từ sức lao động của con người. Cũng thế, khi người tu sĩ Đa Minh khấn lời sống khó nghèo, chúng ta đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu, đó là vì lợi ích Tin Mừng. Lời khấn khó nghèo cho chúng ta sự tự do để trao tặng chính mình để chúng ta chu toàn việc coi sóc các linh hồn. Cũng giống như các lời khấn khác, đời sống khó nghèo nhắm đến đức ái; đó là sự dấn thân chăm sóc vì người nghèo.[11] Điều này đã được minh chứng từ các bậc tiền nhân của chúng ta qua gương sáng của các thánh dòng, chẳng hạn như thánh Martino, vị thánh của người nghèo.

Từ những dòng suy tư ở trên, cuộc đời của thánh Giuse trở thành nguồn cảm hứng cho người tu sĩ Đa Minh. Kinh Thánh không nói nhiều về ngài, nhưng đời sống và việc làm của ngài là lời giảng hùng hồn nhất. Nguyện xin thánh Giuse bổn mạng của Giáo hội và của tu sĩ cầu bầu cùng Chúa cho tất cả anh chị em Đa Minh.

Toàn Ninh, OP

 

[1] Boniface Llamera, Saint Joseph, trans. Mary Elizabeth (St Louis: B. Herder Book Co., 1961), 132.

[2] Francis, “Patris Corde,” http://www.vatican. va/content/francesco/en/apost_letters/documents/pa- pa-francesco-lettera-ap_20201208_patris-corde.html

[3] Timothy Radcliff, “The Wellspring of Hope: Study and the Annunciation of the Good News,” in Sing a New Song (Springfield, IL.: Templegate Pub- lishers, 1999), 55.

[4] Timothy Radcliff, “Vowed to Mission,” 34.

[5] Charles E. Curran, Catholics Social Teaching 1891 — Peresent: A Historical, Theological, and Ethi-cal Analysis (Washington, D.C.: Greorgetown Univer-sity Press, 2002), 145.

[6] Diarmuid O’Murchu, Poverty, Celibacy, and Obedience (New York: A Crossroad Book, 1999), 16.

[7] Francis, “Patris Corde.”

[8] Ibid.

[9] O’Murchu, Poverty, 16.

[10] Francis, “Patris Corde.”

[11] Radcliff, “Vowed to Mission,” 45.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *