1. Nữ tu 80 nghiện cờ bạc bị kết án tù vì biển thủ từ trường Công Giáo Los Angeles
Trong một diễn biến thật đau lòng, một nữ tu Công Giáo và là hiệu trưởng trường trong nhiều năm đã bị kết án một năm tù vì tội biển thủ hơn 800,000 đô la từ một trường tiểu học ở khu vực Los Angeles.
Sơ Mary Margaret Kreuper khai trước tòa: “Tôi đã phạm tội, tôi đã phạm luật và tôi không có lý do gì để bào chữa. Hành động của tôi đã vi phạm lời khấn của tôi, các điều răn, luật pháp và trên hết, là sự tin tưởng thiêng liêng mà rất nhiều người đã đặt vào tôi. Tôi đã sai và tôi vô cùng xin lỗi vì những đau đớn và khổ sở mà tôi đã gây ra cho rất nhiều người”.
Sơ Kreuper 80 tuổi đã nhận tội vào tháng 7 năm 2021 vì tội lừa đảo và tham ô.
Sơ thừa nhận đã chuyển hơn 835,000 Mỹ Kim tiền quyên góp, học phí và lệ phí từ Trường Thánh Giuse ở Torrance từ năm 2008 đến năm 2018. Sơ được cho là đã sử dụng số tiền này để đánh bạc, đi du lịch và các chi phí cá nhân khác.
Một cuộc kiểm toán vào năm 2018 đã phát hiện ra vụ tham ô.
Ngoài thời gian thụ án, Thẩm phán Tòa án Quận Hoa Kỳ Otis D. Wright II cũng buộc Sơ Kreuper phải trả hơn 825.000 đô la cho trường như một khoản bồi thường.
Sơ Kreuper là hiệu trưởng tại Trường Công Giáo Thánh Giuse trong 28 năm.
Một nữ tu khác ban đầu liên quan đến vụ án đã không phải đối mặt với bất kỳ cáo buộc nào. Cả hai nữ tu đều nghỉ hưu vào năm 2018.
Các nữ tu là thành viên của Tỉnh Dòng Nữ Tu Thánh Giuse Cardondelet của Los Angeles. Vào năm 2018, cộng đồng đã từ chối bảo vệ hành động của hai nữ tu.
“Là một cộng đồng tôn giáo, chúng tôi sẽ không bảo vệ hành động sai trái của các nữ tu”, cộng đồng viết trong một tuyên bố năm 2018. “Điều đã xảy ra là sai. Các Sơ của chúng tôi hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn họ đã đưa ra và phải tuân theo pháp luật.”
Source:Catholic News Agency
2. Tin tức xác nhận vị Giám mục Anh giáo đã nghỉ hưu Peter Forster trở thành người Công Giáo
Peter Forster, một cựu Giám mục Anh giáo của giáo phận Chester, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo ở Tô Cách Lan năm ngoái, một trang tin tức của Anh Giáo đã đưa tin. Ông là giáo sĩ hàng đầu thứ ba của Anh Giáo trở thành người Công Giáo trong năm qua.
Church Times, một trang tin tức Anh giáo độc lập, đã xác nhận tin này trong một báo cáo ngày 4 tháng 2. Đức Cha Forster đã viết các bài đánh giá thường xuyên cho ấn phẩm cho đến hết năm 2019.
Đức Cha Forster đã lãnh đạo Giáo phận Anh giáo Chester trong hơn 22 năm và là giám mục phục vụ lâu nhất trong Anh Giáo, theo Premier Christian News. Giáo phận cũ của ngài có khoảng 273 giáo xứ. Đức Cha nghỉ hưu vào tháng 9 năm 2019 ở tuổi 69 và chuyển đến Tô Cách Lan cùng bà vợ Elisabeth.
Tin tức về sự cải đạo của Forster khiến ông trở thành giám mục Anh giáo thứ ba gia nhập Giáo Hội Công Giáo trong năm ngoái. Michael Nazir-Ali, cựu Giám mục Anh giáo của Rochester, đã được tiếp nhận vào Giáo Hội vào tháng 9 và được thụ phong linh mục Công Giáo vào ngày 30 tháng 10. Jonathan Goodall, Giám mục Anh giáo của Ebbsfleet, đã từ chức vào tháng 9 để hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công Giáo.
Đức Cha Forster từng là thành viên của Ủy ban Anh Giáo và Công Giáo Rôma. Church Times cho biết: Ngài đã chỉ trích sự “trôi dạt” trong các mối quan hệ đại kết “từ tầm nhìn về sự hiệp nhất hữu hình trọn vẹn đến tầm nhìn về cơ bản đã bị suy yếu trong đó chấp nhận sự đa dạng.”
Vị giám mục Anh giáo đã nghỉ hưu từng ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ trong Anh giáo và giáo phận Chester là nơi đầu tiên có giám mục nữ. Đồng thời, ông cũng chỉ trích đường lối của Anh Giáo đối với các giám mục nữ và cách thức điều này ảnh hưởng đến mối quan hệ với các Giáo Hội Kitô khác. Ông cho rằng thật là “đáng kinh ngạc” khi Ủy ban Quốc tế Anh giáo- Công Giáo Rôma đã không công bố bất cứ điều gì về việc phong chức cho phụ nữ.
Anh Giáo đã tách khỏi Giáo Hội Công Giáo vào thế kỷ 16, áp dụng một nền thần học và các thực hành bí tích khác biệt. Người đứng đầu Anh Giáo là quốc vương nước Anh, hiện là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Giáo Hội Công Giáo nói chung không công nhận các thánh chức của Anh giáo là có giá trị về mặt bí tích.
Source:Catholic News Agency
3. Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nhận xét cay đắng rằng quốc gia ngài chỉ là con cờ trong cuộc xung đột Mỹ Nga đang leo thang
Theo Đức Tổng Giám Mục Svatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Nga xung quanh Ukraine chủ yếu là do sự leo thang xung đột “giữa Nga và thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ”
Theo Đức Tổng Giám Mục, “Chúng tôi đã đạt đến đỉnh điểm của một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm và gây hấn chống lại Ukraine”. Ngài nhấn mạnh rằng quê hương của ngài thực sự đã bị Nga tấn công trong 8 năm qua.
Ngài nói: “Sự leo thang mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay không chỉ đơn giản là sự tiếp diễn của cuộc chiến ở Donbass, hay hậu quả của việc sáp nhập Crimea. Chúng ta đang chứng kiến sự leo thang xung đột giữa Nga và thế giới phương Tây, đặc biệt là Mỹ”
Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nhận xét cay đắng rằng quốc gia ngài chỉ là con cờ trong toàn bộ bối cảnh toàn cầu của cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ngài nói rằng lịch sử và vị trí địa lý của Ukraine khiến nó trở thành quốc gia bị “dễ thương tổn nhất. Chúng tôi đang ở tiền tuyến”.
“Cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ là một vấn đề đối với người Ukraine. Nó có hậu quả đối với toàn thế giới, đối với Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ và các nước thành viên NATO.”
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đã phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ của Đức Giáo Hoàng tổ chức.
Ngài nói: “Chiến tranh là câu trả lời tồi tệ nhất cho các vấn đề, và chỉ ra rằng hy vọng của người Ukraine ngày nay nằm ở sự cầu nguyện và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, để tránh leo thang chiến tranh”.
Đức Cha nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang tận mắt chứng kiến một sự sùng bái thần tượng thực sự về bạo lực đang gia tăng trên thế giới. Chúng ta, với tư cách là những Kitô hữu, phải nói ‘không’ thật to với hành động quân sự như một giải pháp cho các vấn đề. Chỉ có đối thoại, hợp tác và đoàn kết mới có thể giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và khủng hoảng”.
Năm 2011, sau khi người tiền nhiệm về hưu, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk trở thành giám mục trẻ nhất lãnh đạo Giáo Hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Đông phương hiệp thông với Rôma. Ngài từng học tại Trung tâm Nghiên cứu Triết học và Thần học Don Bosco ở Buenos Aires, nơi ngài trở nên thân thiết với Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, ngày nay là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
Hai vị đã gặp nhau nhiều lần ở Rôma, và người Ukraine cảm thấy đủ tự tin để sửa sai vị Giáo Hoàng Á Căn Đình khi ngay từ đầu triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã nói cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine là một “cuộc chiến huynh đệ tương tàn”. Người Ukraine coi đây không phải là một cuộc xung đột dân sự mà là một cuộc xâm lược của nước ngoài.
Nga đã xâm lược đất nước này sau khi những người biểu tình ủng hộ dân chủ và ủng hộ Liên minh Âu Châu lật đổ chính phủ của Tổng thống Ukraine Victor Yanukovych do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn vào năm 2014. Cuộc “Cách mạng Phẩm giá” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đức Tổng Giám Mục Shevchuk và Giáo Hội Công Giáo Đông phương Ukraine.
Cuộc lật đổ đã dẫn đến sự leo thang nhanh chóng của cuộc khủng hoảng, với việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 và tuyên bố độc lập khỏi Ukraine của những người ly khai thân Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk của nước này.
Bạo lực tiếp theo trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa lực lượng ly khai và quân đội Ukraine kể từ đó đã giết chết hơn 14,000 người và buộc khoảng 1.5 triệu người phải di tản trong nước.
Vào Giáng Sinh vừa qua, Nga đã bố trí hơn 100,000 quân và thiết bị quân sự dọc theo ba khu vực trọng yếu ở biên giới với Ukraine, làm dấy lên lo ngại. Các nỗ lực ngoại giao đang diễn ra nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, mặc dù nhiều nước, bao gồm Mỹ và Liên Hiệp Âu Châu, đã cam kết hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Đức Tổng Giám Mục Visvaldos Kulbokas, đại diện của Đức Giáo Hoàng tại Ukraine, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đang theo dõi tình hình với “mối quan tâm”, mặc dù nói rằng ngài không thể cung cấp thêm chi tiết về các bước ngoại giao mà Tòa thánh đang thực hiện.
Tuy nhiên, Sứ thần Tòa Thánh đã nhấn mạnh đến giá trị của lời cầu nguyện “đối với việc hoán cải trái tim, đặc biệt là trái tim của các chính trị gia và phe dân quân”.
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói thêm, “Mặc dù đa số người Ukraine theo Chính thống giáo, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức quan trọng nhất trên thế giới. Mỗi lời nói của ngài đối với tình hình Ukraine, được nói trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hoặc trong những dịp khác, đều rất quan trọng đối với chúng ta”.
Ngài nói thêm: “Người dân của chúng tôi rất chú ý đến từng lời mà Đức Thánh Cha ngỏ với ‘Ukraine thân yêu’ và những đau khổ của người dân Ukraine. Nhưng điều mà người dân Ukraine chờ đợi nhất từ Đức Giáo Hoàng là chuyến thăm của ngài tới Ukraine. Khả năng chuyến thăm của ngài là kỳ vọng cao nhất của chúng tôi, và chúng tôi cầu nguyện rằng một ngày nào đó chuyến đi này sẽ được hiện thực hóa”.
Nhấn mạnh rằng con đường chiến tranh không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện tại, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk đề xuất ba câu trả lời cho tình hình, từ quan điểm “tôn giáo” chứ không phải quan điểm chính trị, hai câu trả lời đầu tiên là cầu nguyện và “đoàn kết với những người khó khăn”, “Đặc biệt là với những người già và dân số nghèo ở biên giới phía đông Donbass.
Ngài nói: “Câu trả lời thứ ba yêu cầu chúng ta trở thành những Kitô Hữu, là những người rao giảng về niềm hy vọng. Chúng ta tin rằng Chúa ở cùng chúng ta. Chúng ta phải có ánh sáng này và báo trước tin vui cho những người đang sợ hãi, họ mất phương hướng, họ đói, họ lạnh”
Source:Crux
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo ở Ấn Độ đã than thở về việc loại bỏ bài thánh ca “Abide With Me”, nghĩa là “Ở Lại Với Thầy”, khỏi các lễ kỷ niệm hàng năm đánh dấu Ngày Cộng hòa.
Theo truyền thống, bài hát được phát trong buổi lễ “Beating Retreat”, nghĩa là “Đánh Trống Thu Quân” diễn ra vào ngày 29 tháng Giêng, ba ngày sau Ngày Cộng hòa, cử hành vào ngày 26 tháng Giêng.
“Beating Retreat” hay “Đánh Trống Thu Quân” là một buổi lễ quân sự có từ thế kỷ 17 ở Anh và lần đầu tiên được sử dụng để triệu hồi các đơn vị tuần tra gần đó về lâu đài. Sau này, “Đánh Trống Thu Quân”, không còn ý nghĩa “thu quân” nguyên thủy nữa, cũng không chỉ giới hạn trong việc “đánh trống”, mà là một buổi biểu diễn đặc biệt của các ban quân nhạc với mọi loại nhạc cụ, và thường được thấy ở các thuộc địa cũ của Anh thuộc Khối thịnh vượng chung.
“Abide With Me” hay “Ở Lại Với Thầy” – do nhà soạn nhạc người Tô Cách Lan Henry Francis Lyte viết vào năm 1847 – là bài thánh ca Kitô Giáo yêu thích của Mahatma Gandhi và đã trở thành bài hát chính trong buổi lễ “Đánh Trống Thu Quân” kể từ năm 1950. Nó nổi tiếng hơn nữa khi được chơi trong đám cưới của Elizabeth II với Hoàng thân Philip vào năm 1947 và được cho là đã được ban nhạc chơi trên tàu Titanic khi con tàu bị chìm vào năm 1912.
Bài thánh ca Kitô giáo đã bị Thủ tướng Narendra Modi theo chủ nghĩa dân tộc Giêrusalem bỏ đi để thay bằng bài hát “Aye Mere Watan Ke Logon”, nghĩa là “Hỡi Đồng Bào Của Đất Nước Tôi” của Kavi Pradeep, một bài hát yêu nước được viết sau cuộc chiến tranh Ấn Độ – Trung Quốc năm 1962.
Các quan chức chính phủ cho biết không có lý do gì để chơi một bài thánh ca của Anh 75 năm sau khi độc lập, mặc dù nó có liên quan đến Gandhi.
Đức Cha Thomas Menamparampil, Tổng Giám mục hiệu tòa Guwahti, nói với Crux rằng một người Ấn Độ trung bình cũng cảm thấy “bị tổn thương nghiêm trọng với bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạ cấp hình ảnh của Mahatma Gandhi,” người đã phổ biến “Ở Lại Với Thầy” ở Ấn Độ.
Xa hơn việc loại bỏ một bài Thánh Ca Kitô Giáo, Đức Tổng Giám Mục âu lo rằng “cuộc đấu tranh bất bạo động cho tự do của Gandhi đang bị xem là một đường lối chính trị lỗi thời khi cả thế giới nhìn vào nó với sự ngưỡng mộ. Con đường thuyết phục này đại diện cho sức mạnh của trí thông minh và sự kiên định trong quyết tâm của xã hội.”
“Vinh quang của Mahatma không chỉ đơn thuần là đã tránh được sự hung hãn trong cuộc chiến giành tự do của mình; nó còn bao gồm việc mang lại các giá trị đạo đức và sự nhạy cảm của con người trước một tình huống chính trị đối đầu và một thế giới bạo lực rộng lớn. Thậm chí việc có suy nghĩ tôn trọng đối thủ và đưa ra cách thuyết phục nhẹ nhàng trong thời kỳ Chiến tranh giữa các quốc gia chỉ gào lên các từ ngữ loại trừ và hận thù thì quả là đáng kinh ngạc.”
Source:Crux
5. Ecuador: mưa và lũ lụt trên khắp đất nước, 25 người chết ở Quito. Các giám mục cho rằng đó là “Những thảm họa có thể tránh được”
Cho đến khi chúng tôi thực hiện chương trình này ít nhất đã có 25 người chết, 6 người mất tích và 53 người bị thương. Đó là con số thiệt hại do thời tiết xấu ở Quito, thủ đô của Ecuador, nơi một dòng bùn tràn vào một số ngôi nhà trong lâu đài Belisario Quevedo. Nhưng thời tiết xấu trong những ngày gần đây đã và đang ảnh hưởng đến một phần lớn đất nước, ở vùng Amazon, vùng núi Andean và vùng ven biển, với thiệt hại khủng khiếp, vẫn chưa thể định lượng được.
Theo Đức Tổng Giám Mục Luis Gerardo Cabrera Herrera, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ecuador, gọi tắt là CEE, “những thảm họa này là có thể tránh được. Trong những ngày gần đây, với nỗi đau đớn, chúng tôi đã thấy bao nhiêu anh chị em của chúng ta phải chịu đựng những cơn mưa dữ dội, lũ lụt do nước sông lên, và các hủy hoại môi trường khác. Chúng tôi tiếp tục tìm thấy xác của trẻ em, thanh niên, người lớn và người già. Là một Giáo Hội, chúng tôi ngay lập tức đặt mình phục vụ những người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng ở Coca, Sucumbíos, Tena, Latacunga, Babahoyo, Montalvo, Durán, Quito và nhiều nơi khác”. Tuyên bố của Đức Cha Chủ tịch CEE nhấn mạnh rằng Caritas ở cấp quốc gia, giáo phận và giáo xứ đã không ngừng bảo đảm “thức ăn nóng, chăn, đệm, thực phẩm, chăm sóc y tế, trợ giúp tinh thần”.
Nhưng “nhiều thảm họa trong số này có thể tránh được nếu mỗi người hành động có trách nhiệm, đặt lợi ích cá nhân lên trước lợi ích chung; nếu nhà nước lấy sự sống chết của người dân làm trục hành động của nó; nếu chúng ta tôn trọng thiên nhiên như một món quà của Đấng Tạo Hóa chứ không phải như một tài sản để khai thác”.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi cảm ơn tất cả những người Công Giáo Ecuador, những người nam nữ có thiện chí, những người tin tưởng vào hành động mục vụ của Giáo Hội, đã tham gia cứu trợ ngay lập tức cho hàng trăm nạn nhân, cũng như cảnh sát, quân đội, nhân viên cứu hỏa, dịch vụ khẩn cấp, những người làm việc không mệt mỏi và không có trong tay bao nhiêu tài nguyên. Cam kết của chúng tôi, ngoài hành động nhanh chóng, không dừng lại ở việc đồng hành với những người đã mất người thân, những người đã mất công sức của cả cuộc đời, bị chôn vùi trong bùn; nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp hành động và chung sức để cuộc sống có thể bắt đầu lại”.
Source:SIR
6. Nhật ký trừ tà số 175: Ác quỷ từ truyền hình
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #175: Demons from Television”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 175: Ác quỷ từ truyền hình”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nhóm của chúng tôi đã trừ quỷ ở một số ngôi nhà, các nhà xứ, trường học và các tòa nhà quanh các nhà thờ. Một trong những thành viên trong nhóm thường có mặt là một người có sự nhạy cảm về tâm linh. Những người như vậy thường có thể cho chúng ta biết vị trí của ma quỷ, loại ma quỷ nào, và chúng đã bị trục xuất ra chưa.
Luôn luôn, ma quỷ sẽ tập trung ở những khu vực đã diễn ra các hành vi tội lỗi, và đặc biệt là các hành vi ma quỷ. Chúng tôi thường tìm thấy ma quỷ ở những nơi quan hệ tình dục bất chính. Chúng tôi cũng tìm thấy một con quỷ trong văn phòng của một người thực hành Reiki.
Reiki được quảng cáo là một kỹ thuật chữa bệnh bằng năng lượng giúp thư giãn, giảm căng thẳng và lo lắng thông qua đụng chạm nhẹ trên thân thể người bệnh. Những người thực hành Reiki sử dụng bàn tay của họ để cung cấp năng lượng cho cơ thể bệnh nhân, cải thiện lưu thông huyết mạch và cân bằng năng lượng để hỗ trợ chữa bệnh.
Một người Nhật Bản tên là Mikao Usui đã phát triển reiki vào đầu những năm 1900, bắt nguồn từ thuật ngữ rei trong tiếng Nhật, có nghĩa là “phổ quát” và ki, dùng để chỉ năng lượng sinh lực quan trọng chảy qua mọi sinh vật. Giờ đây, reiki được sử dụng trên toàn thế giới, nhưng không thiếu các trường hợp kết hiệp với những lời kêu gọi năng lực ma quỷ.
Một người bị quỷ ám có một số ma quỷ trong không gian làm việc của người ấy. Điều tồi tệ nhất là một khu vực nơi các nghi lễ huyền bí đã được thực hiện và các bức tượng tôn giáo bị biến dạng: nó hoàn toàn bị thống trị bởi Satan!
Sau khi thực hiện các phép trừ tà ở một nơi trong vài năm, tôi nhận thấy một mô hình. Ở những nơi có ti vi, tất cả những người có khả năng nhạy cảm tâm linh đều ghi nhận một con quỷ trên ghế chính trước ti vi. Đôi khi tôi biết những người có liên quan đến địa điểm đó và tôi không nghĩ rằng tất cả họ đều đã xem nội dung khiêu dâm hoặc các hình ảnh dâm ô tỏ tường. Tại sao hầu như luôn có một con quỷ ở nơi đó?
Sau khi suy tư về những gì chúng ta đang xem trên màn hình ngày nay và những gì xã hội coi là “bình thường” dù đó là những hình ảnh kích dục và chứa đầy bạo lực. Những gì bị coi là phản cảm chỉ cách đây vài thập kỷ nay được coi là có thể chấp nhận được để xem hàng ngày. Xã hội của chúng ta có thể không coi những nội dung dâm ô đó là cơ hội cho tội lỗi, nhưng ma quỷ thì xem đó là cơ hội bằng vàng để cướp linh hồn người ta!
Xem những nội dung như vậy sẽ không dẫn đến việc bị quỷ nhập ngay lập tức, nhưng điều đó là lời mời ma quỷ vào nhà. Và những con quỷ hiện diện càng mạnh, chúng sẽ càng gieo rắc nhiều hỗn loạn, xung đột và cám dỗ. Sự hiện diện nhất quán của ma quỷ trước ti vi phải khiến chúng ta có ý thức và cảnh giác hơn về những gì chúng ta xem. Có một số chương trình tốt trên truyền hình, nhưng có nhiều chương trình rất nguy hiểm cho linh hồn chúng ta.
Thay vì mở cửa cho ma quỷ bằng cách xem những chương trình sa đọa như vậy, tại sao chúng ta không đọc kinh Mân Côi trong phòng khách của gia đình hàng ngày? Làm như thế, chúng ta mời Đức Trinh Nữ và các thiên thần xinh đẹp vào nhà của chúng ta.
Source:Catholic Exorcisms