Nhà ông nhà mình

Trằn trọc, xoay trở người mãi mà không sao chợp mắt được, bà ngồi dậy, bật điện xem đồng hồ, đã ba giờ sáng rồi ư? Nhìn sang bên cạnh, thấy ông đang ngủ ngon lành, tiếng ngáy khò khò vọng lên trong màn đêm yên tĩnh, bỗng làm cho… “ cục tức” của bà lại trỗi dậy bò lên chặn ngang họng. Bà bực mình cầm cái gối bịt vào mũi ông, tiếng ngáy im bặt, ông ú ớ giật mình choàng tỉnh. Đưa mắt nhìn xuống cuối giường, thấy bà đang ngồi im như một pho tượng, ông khẽ hỏi: “ Sao bà không ngủ thêm chút nữa”, thấy ông hỏi vậy bà lại càng sôi gan: “ Sao với chả trăng, từ tối qua đến giờ đã nhắm mắt được tí nào đâu mà thêm với nếm. Mà từ mai ông ngủ riêng giường đi, ngáy như kéo gỗ tôi không chịu được”.

Ông vừa cười vừa nói : “ Ơ! Trước kia bà vẫn bảo là tiếng ngáy của tôi như một bản nhạc không lời đưa bà vào giấc ngủ êm đềm, thiếu nó là bà không ngủ được, hôm nay giở chứng lại chê hẩm chê hôi”. Ông vừa dứt câu thì bà đã xối xả: “Trước kia khác, bây giờ khác, trước kia tôi cứ tưởng tôi đang ở trong nhà mình, nhà của tôi của ông. Nhưng chiều qua tôi mới biết là… đã gần trọn cuộc đời, mà tôi vẫn chỉ là người ở nhờ trong nhà của ông mà thôi”. Ông ngạc nhiên: “Bà nói gì tôi không hiểu”, bà nhấm nhẳng: “ Phải, ông toàn lo những việc đại sự, thì làm sao mà hiểu được một người không bao giờ ra khỏi cái xó bếp như tôi”. Đang dở giấc ngủ, chẳng nghĩ ngợi gì nữa, ông khoát tay: “Thôi! Tôi ngủ đây, không nói chuyện với bà nữa, càng nói càng thấy đi lạc về tận đẩu tận đâu”. Chỉ một lúc sau, tiếng ngáy đã lại tấu lên điệp khúc quen thuộc đã mấy chục năm nay, bà lẩm bẩm mấy câu rồi bỏ ra ngoài hiên ngồi, lặng lẽ lật lại “vết thương” từ chiều qua đến giờ vẫn còn… bỏng rát.

… Chả là, chiều qua khu dân cư có tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi ở nhà văn hóa của khu, gần nhà ông bà. Thấy mấy cụ đi sớm đang ngồi nghỉ ở bên hiên, nên ông qua mời các cụ vào nhà mình sơi nước. Các cụ tấm tắc khen nhà ông bà sạch sẽ, gọn gàng, sân vườn xanh mát, cảnh trí sắp đặt đậm nét thôn quê, mang lại cảm giác bình yên thư thái. Một cụ nói: “ Tuổi già chẳng mong muốn gì hơn là có một căn nhà nhỏ xinh ấm cúng, sân vườn có cây xanh bóng mát. Để mỗi sáng bình minh thức dậy, hay mỗi khi hoàng hôn về, thong thả tản bộ trong vườn, tỉa mấy cành lá nhỏ, ngắm bông hoa vừa hé nụ thì còn gì hơn. Hai ông bà phải là người có tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên lắm, nên mới tạo dựng nên một ngôi nhà đẹp và thanh bình như thế này”. Bà bỗng thấy ông cao giọng: “ Kiểu cách nhà cửa, bài trí nội thất cũng như sân vườn, cây lá hoa cành, rồi tiền bạc, công sức, tất cả đều là một tay tôi làm nên. Còn bà nhà tôi thì có biết gì đâu, suốt ngày chỉ quanh quẩn nồi niêu, xoong chảo, giang sơn của bà ấy không vượt ra ngoài cái xó bếp”.

Bà thấy mắt mình mờ sương, sao ông lại phủ nhận công lao của bà một cách phũ phàng như vậy. Dù rằng đồng tiền trong nhà chủ yếu là do ông làm ra thật, nhưng chỉ có vậy và có vậy mà thôi. Vâng! Thời trẻ ông đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới ghé về nhà mấy hôm thăm vợ con và dúi cho bà chút tiền. Bà cất giữ, cóp nhặt dần, rồi mua gạch ngói, xi măng, sắt thép và thuê thợ đến sửa lại căn nhà. Đêm đêm, một mình bà thui thủi nhặt gạch, đập cạo vữa cũ, thu dọn xà bần, lội ao vớt rui mè… Từ lúc khởi sự đến khi căn nhà hoàn thành, chẳng bao giờ và chẳng việc gì thấy có bóng dáng bàn tay của ông dính vào, nhưng bà không buồn, vì bà biết ở nơi xa ông cũng đang phải vất vả làm ăn kiếm tiền.

Làng quê bà trước kia, đất nhà nọ thông liền với vườn nhà kia, chẳng có rào giậu gì cả, mà nếu có thì cũng là chỉ mấy câu duối hoặc vài bụi ô rô thưa thớt. Vì vậy, trâu bò, lợn gà, chó mèo, cứ thỏa thích phóng uế bừa bãi. Khi trời nắng ráo còn đỡ, vào những ngày trời mưa thì… ôi thôi, chẳng còn gì để nói. Thế là bà lại cóp nhặt và vay mượn thêm để làm sân, xây tường bao quanh vườn, rồi cổng ngõ đàng hoàng. Sau khi nhà cửa, sân vườn, đã kín trên bền dưới, mỗi khi ông gửi tiền về, bà chi tiêu tằn tiện một phần nhỏ cho cuộc sống của mấy mẹ con, phần còn lại bà cố gắng dành dụm để năm nay sắm bộ bàn ghế, sang năm mua cái kệ, rồi tivi, giường tủ. Tuy bà chỉ dám sắm những vật dụng cần thiết và rẻ, chứ tiền đâu mà rinh về những đồ đắt giá, nhưng dưới bàn tay khéo léo cùng đôi mắt thấm mỹ vốn có của bà, căn nhà thật trang nhã, ngăn nắp và đẹp mắt. Mấy năm sau,ông không đi làm xa nữa, mà về ở hẳn nhà để sớm hôm được gần vợ gần con.

Vốn là người yêu thiên nhiên và gắn bó với cuộc sống thôn quê, đi đâu bà cũng để ý tìm tòi, thu lượm những cây cỏ, hoa lá, đem về nhà trồng. Dù đó chỉ là những loài cây quen thuộc nơi làng quê, những bụi hoa dại của đồng nội, chúng chẳng có giá trị gì về tiền bạc, nhưng chúng làm thỏa mãn cái tâm hồn lãng mạn, có phần hơi đa sầu đa cảm của bà. Trong làng ngoài xóm thời ấy, có người còn dè bỉu bà, đem cây về cho chật nhà, đói có chặt cây mà ăn thay cơm được hay không, bà chỉ cười chẳng nói gì, vì biết nói gì, khi mà bà yêu chúng bằng cả niềm đam mê. Chứ không phải như bây giờ, có những đại gia bỏ ra một đống tiền để rước về những cây cảnh đủ mọi kiểu thế, dáng vẻ và màu sắc, chỉ để phô trương thanh thế và tỏ ra là mình là dân “chịu chơi”. Đó! Bà đã hết lòng với gia đình, đã vượt lên mọi khó khăn để ông được nở mặt nở mày với bạn bè. Đời đã có câu: “của chồng công vợ” thật là đúng, vợ chồng bổ túc cho nhau, giúp đỡ nhau, cùng nhau kiến tạo gia đình, để gia đình ngày thêm hoàn thiện về mọi mặt. Thế nhưng ông đã vô tình hay cố tình không nhìn nhận những cố gắng của bà, nếu là cố tình, thì ông coi bà là ai trong cái gia đình này.

… Hừng đông đã ló rạng đỏ ửng, một ngày mới đã bắt đầu, bà ể oải đứng dậy cầm cái chổi ra vườn quét dọn. Những chiếc lá vàng rơi rụng bay  trong gió xào xạc, nghe như tiếng lòng bà đang vụn vỡ ở cái tuổi cũng đã vàng như lá, bà suy nghĩ mông lung, ruột gan rối như tơ vò. Đang miên man, bà giật mình khi tiếng của ông đưa bà trở về thực tại: “Bà lại đây mà xem, cây Bạch Trà đã nở hoa rồi”. Vừa dứt lời, ông chạy lại nắm tay bà kéo về phía góc sân: “Đẹp quá phải không bà? Không rực rỡ như Hồng Trà, nhưng Bạch Trà trông quý phái và thanh tao hơn nhiều”. Ông cúi xuống nâng những bông hoa còn đọng những giọt sương đêm, óng ánh và long lanh như ngọc. Bà chợt thấy mềm lòng, chắc tại chiều qua ông muốn thể hiện cái uy của mình trước các cụ, lại kèm thêm mấy ly “nước nói” rửa họng nữa, nên ông bốc khói. Thôi thì: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, chuyện chiều qua cứ coi như là rượu nó nói cho lành, việc của bà bây giờ là lại vào cái xó bếp yêu quý, để làm phận sự của người xây tổ ấm. Bà bảo ông: “Tôi vào làm bữa sáng đây, ông đi dạo quanh vườn một chút cho sảng khoái, rồi vào ăn sáng”.

Một lát sau, bà bưng ra hai tô bún bốc khói nghi ngút, đặt trên cái bàn nhỏ kê dưới tán cây Lộc vừng. Ông nhanh nhẹn đi đến bên mấy cái thùng xốp trồng đủ loại rau thơm, lúi húi hái hái, rửa rửa, rồi đem lại để vào cái đĩa mà bà đã dọn sẵn. Thỉ thoảng, vài cánh hoa Lộc vừng nhỏ xíu rơi xuống vương trên hai mái tóc muối tiêu đang kề sát bên nhau. Khung cảnh thật thanh bình và thơ mộng, tình già trong bình minh thức giấc.

 Mờ – inh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *