1. Nhà truyền giáo người Pháp bị hành hung năm 2015 và bị bắt cóc năm 2021 trở về Haiti
“Một vùng đất đã chiếm giữ trái tim anh ấy và gần như đã lấy đi mạng sống của anh ấy”: Đây là cách mà tờ báo Ouest-France trình bày về sự gắn bó của linh mục truyền giáo người Pháp Michel Briand với Haiti.
Ở tuổi 68, ngài sẽ sớm trở lại hòn đảo nơi ngài đã bị bắn và bắt cóc bởi một băng đảng. Được hỗ trợ bởi hiệp hội Solidarité Ouest-France, ngài dự định sẽ quay lại với những người đã chào đón ngài trong 37 năm. “Đó là một câu chuyện tình yêu. Tôi đã phát hiện ra một dân tộc quan tâm và khao khát sự thay đổi”.
Đến Haiti vào năm 1986, nhà truyền giáo của Hội Thánh Giacôbê này đã phục vụ 20 năm tại một số khu vực của đất nước. Cuối tháng 8 năm 2015, ngài bị một tên cướp hành hung và bắn suýt chết. Sau khi nhập viện ở Pháp, ngài trở về Haiti, nơi ngài lại bị bắt cóc cùng 9 người khác vào năm 2021, và được thả sau vài tuần, sau khi tiền chuộc được trả cho chúng.
“Bất chấp những gì tôi đã phải chịu đựng, tôi vẫn sẽ ở lại đó và tôi tiếp tục là một viên đá nhỏ của hy vọng cho những người dân ở đây”. Trong khi người Haiti sống “với nỗi sợ bị bắt cóc”, ngài tin rằng người dân phải tìm thấy hy vọng. Ngài nói: “Không phải tiền mới có thể cứu được đất nước, nhưng linh hồn của người Haiti mới là yếu tố then chốt”.
Source:Aleteia
2. Công nghị Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương
Từ ngày 07 đến ngày 15 tháng Bảy này, Công nghị các giám mục Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, sẽ tiến hành dưới quyền chủ tọa của Đức Tổng Giám Mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk.
Công nghị này được Đức Tổng Giám Mục Trưởng gửi thư ngày 16 tháng Năm để triệu tập và dự kiến sẽ nhóm tại thủ đô Kiev, nhưng vì tình hình chiến tranh, nên được dời sang thành phố Przemysl, mạn đông Ba Lan. Theo giáo luật, tất cả các giám mục Công Giáo Ukraine Đông phương đều có nghĩa vụ tham dự công nghị này. Các giám mục về hưu và các thành viên Thánh Hội đồng được nồng nhiệt mời tham dự.
Trong hai năm 2020 và 2021, Công nghị các giám mục Ukraine tiến hành dưới dạng trực tuyến vì đại dịch.
Giáo Hội Công Giáo Ukraine Đông phương được thành lập năm 1595, khi một số giám mục, linh mục và giáo dân tách rời khỏi Chính thống giáo và xin hiệp nhất với Tòa Thánh. Họ vẫn được giữ nguyên phụng vụ và kỷ luật Đông phương, trong đó giáo sĩ không buộc phải sống độc thân như trong Công Giáo Latinh. Hiện nay Giáo hội này có khoảng năm triệu tín hữu tại Ukraine, và 13 quốc gia khác, trong đó có Mỹ, Canada, Australia, Brazil và nhiều nước Âu châu khác. Đây là Giáo hội đông tín hữu nhất trong số 22 Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương.
Ngày 2 tháng 7 vừa qua, Đức Phanxicô đã dành cho Hãng tin Reuters một cuộc phỏng vấn. Trong cuộc phỏng vấn với Philip Pullella, phóng viên kỳ cựu về Vatican của Reuters, Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài không có ý định từ chức, và viễn ảnh này “chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi” khi ngài lên lịch thăm thành phố L’Aquila, và lăng mộ của Đức Giáo Hoàng Celestine V, người đã từ chức vào năm 1294. Ngài cho rằng ngài có thể từ chức trong tương lai, nếu thấy mình không thể hoàn thành vai trò của mình, nhưng nhấn mạnh rằng điều đó không có xác suất diễn ra sớm. “Chúa sẽ cho biết,” ngài kết luận.
3. Tôn phong hai chân phước tử đạo tại Á Căn Đình
Thứ Bảy, ngày 02 tháng Bảy năm 2022, Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô, chủ sự lễ tôn phong hai vị tử đạo tại Á Căn Đình lên bậc chân phước.
Đó là cha Pedro Ortis de Zárate, thuộc giáo phận Jujuy, và cha Juan Antonio Solinas, dòng Tên. Lễ tôn phong được cử hành tại thành phố Orán, ở miền cực bắc Á Căn Đình. Hiện diện tại buổi lễ, có Đức Tổng Giám Mục Miroslaw Adamczyk, Sứ thần Tòa Thánh, Đức Hồng Y Mario Poli, Tổng giám mục thủ đô Buenos Aires, cùng với nhiều giám mục, linh mục và đông đạo đức tín hữu.
Chân phước Pedro Ortiz sinh năm 1626, gốc miền Basco bên Tây Ban Nha, di cư sang Á Căn Đình, lập gia đình năm 17 tuổi và được hai người con. Sau khi vợ qua đời, Pedro ủy thác hai người con cho mẹ vợ và đi tu làm linh mục, làm cha sở tại giáo phận Jujury từ năm 1659, khi được 33 tuổi. Cha rong ruổi khu vực giáo xứ rộng lớn, giúp đỡ các bệnh nhân và người nghèo, xúc tiến việc xây cất các nhà thờ và nhà nguyện với tài sản riêng.
Còn chân phước Juan Antonio Solinas, gốc đảo Sardegna bên Ý, gia nhập dòng Tên và theo thỉnh nguyện, cha được bề trên gửi sang Á Căn Đình hoạt động trong các cứ điểm truyền giáo.
Hai vị quen được gọi là “những vị tử đạo Zenta”, vì họ đã tạo một giáo điểm truyền giáo cho các thổ dân, tại tại Forte San Miguel thuộc vùng thung lũng Zenta, gần thành phố Oran. Tại giáo điểm này, hai vị thiết lập nhà nguyện Đức Mẹ Maria và có hàng chục dự tòng.
Một hôm, có 500 thổ dân bản xứ thuộc bộ lạc Toba và Mocovi võ trang, kéo
tới, nói là muốn chào đón các thừa sai và các tín hữu, đồng thời muốn sống an bình hòa hợp với các thừa sai. Họ được các thừa sai đón tiếp, tuy các vị cũng cảm thấy lo âu.
Sáng ngày 27 tháng Mười năm 1683, như thường lệ, các thừa sai cử hành thánh lễ và phân phát lương thực, y phục và các vật dụng khác, nhất là nói về Thiên Chúa cho các thổ dân. Ban chiều khi các vị bắt đầu dạy giáo lý thì các đoàn thổ dân võ trang bắt đầu tấn công và giết hại hai linh mục cùng với 18 giáo dân, trong đó cũng có vài thổ dân bản xứ.
Án phong chân phước cho các vị tử đạo ban đầu bao gồm cả 18 giáo dân, nhưng vì thiếu các tài liệu lịch sử về các giáo dân ấy, nên vào năm 2002 án phong chỉ còn lại hai linh mục. Ngày 13 tháng Mười năm ngoái (2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho phép Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận cuộc tử đạo của hai vị linh mục Tôi tớ Chúa, mở đường cho lễ phong chân phước.