Nhức nhối đời tu

Ơn gọi thánh hiến là một hồng ân nhưng không, là sáng kiến tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho những ai được Người kêu gọi và tuyển chọn. Họ là những người được thánh hiến cho Thiên Chúa qua việc minh nhiên hay mạc nhiên cam kết sống ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh – Khó nghèo – Vâng phục theo tinh thần Tin Mừng. Họ là những người sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Dẫu vậy, người thánh hiến vẫn không thôi là con người với đầy những yếu đuối, mong manh, giới hạn. Chính tội lỗi, thế gian và xác thịt là những yếu tố tạo nên những nhức nhối của đời tu ngày nay. Nhiều nam tu, nữ tu đang từng ngày từng giờ phải nỗ lực chống lại cám dỗ phản bội những điều mình đã cam kết trong ngày khấn dòng.

Thỉnh thoảng ngồi một mình, tôi thường miên man nhớ lại ngày lần đầu tiên bước lên khấn dòng. Ngày ấy sao mà linh thiêng sốt sắng đến lạ lùng! Tu sĩ nào bước lên bàn thánh, trước mặt vị Giám mục, hay bề trên dòng đôi mắt cũng rưng rưng lệ. Thế nhưng, tâm tình sốt sắng và khát khao dấn thân phục vụ cứ mai một theo thời gian. Đời tu cứ dần dần thiếu đi lửa – một chất xúc tác cần thiết để làm cháy lên tình yêu và khát khao dâng hiến. Phải chăng thế gian mà người tu sống có quá nhiều thứ cám dỗ, gọi mời? Thế gian với biết bao cơn cám dỗ êm ái, ngọt ngào nhưng cũng không kém phần mãnh liệt. Cơn cám dỗ của đam mê, tiền bạc, lạc thú làm cho người tu dần phản bội ngay chính Giao ước mà chính môi miệng họ đã thề hứa trước mặt Thiên Chúa và Cộng đoàn.

Cám dỗ phản bội Chúa trong việc sống Lời khấn Khiết tịnh. Ngày tuyên khấn, người tu thề hứa từ nay sẽ dâng hiến trọn vẹn thân xác và linh hồn cho Chúa, thế nhưng thời gian đắp đổi xoay vần, thế gian với biết bao cám dỗ gọi mời, đã khiến họ không dễ giữ được lời khấn hứa. Trong bốn bức tường của Tu viện, khi gặp đau khổ, thử thách, thay vì sốt sắng chạy đến Chúa, người tu lại bị cám dỗ hướng tâm hồn về phía đằng sau cánh cổng nhà dòng, muốn tìm đến một bờ vai khác đỡ nâng, thay vì tìm sự an ủi, chia sẻ, đỡ nâng từ các chị em trong Cộng đoàn. Lời hứa “suốt đời chỉ yêu Chúa thôi yêu” giờ đây sao nhạt nhòa, nghe không thấy vào tai, không thấy trái tim rung động, tâm hồn cũng hết cảm xúc. Dù buông xuôi tất cả để chạy theo một bóng hình, chạy theo những lời yêu thương, đường mật của tình ái, nhưng có thể một phút chốc, họ cảm giác như đã phản bội lại giao ước tình yêu với Chúa.

Cám dỗ phản bội Chúa trong việc sống Lời khấn Khó nghèo. Người tu thề hứa với Chúa sẽ từ bỏ mọi sa hoa trần thế, để điểm tô cho đời dâng hiến bằng những nét đẹp của sự đơn sơ, khó nghèo. Người tu cam kết từ bỏ của cải vật chất, sang hèn để chỉ chọn Chúa làm gia nghiệp vĩnh viễn đời mình. Thế nhưng, cuộc đời tận hiến thật không hề đơn giản, bởi xung quanh người tu, thế lực của đồng tiền ngày đêm vây hãm. Người tu bị cám dỗ chao đảo, ngả nghiêng, vật vờ trước sức mạnh quyền thế, danh vọng, giầu sang khiến họ quên đi giao ước thuở ban đầu. Ai cũng bị cám dỗ sắm sửa cho mình những đồ dùng tiện nghi, những iphone, ipad đắt tiền, những máy tính đời mới, những loại xe hạng sang, hạng nhất để mong sao cho bằng bạn bằng bè. Nhiều tu sĩ bị cám dỗ chạy đua theo mốt thời thượng và ít quan tâm những thứ ấy có thật sự cần thiết với mình hay không?

Cám dỗ phản bội Chúa trong việc sống Lời khấn Vâng phục. Ngày nay, người tu nhất là các tu sĩ trẻ bị cám dỗ vâng mà không phục, vâng theo kiểu “miệng phục mà tâm không phục”. Bề ngoài các tu sĩ có vẻ vâng phục một cách mau mắn nhưng bên trong tâm hồn thì có thể còn kêu ca, càm ràm, chống đối, đôi khi nổi loạn. Ngày nay, khi con người đề cao chủ nghĩa cá nhân, thì việc vâng phục là chuyện không hề đơn giản. Bởi lẽ, khi vâng phục, tu sĩ phải từ bỏ chính mình. Do đó, vâng phục trở thành một vấn đề nhức nhối, phức tạp đối với người thánh hiến trong thế giới ngày nay.

Như vậy, những cám dỗ và những thất bại về việc sống ba lời khuyên Phúc âm trên đây xét cho cùng bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng căn tính đời tu. Người tu theo Chúa nhưng không biết theo Ngài để làm gì? phải sống đời tu ra sao? phải hành động như thế nào?

Để khắc phục tình trạng trên, người tu cần trở về với Chúa, nối lại mối tương giao với Ngài. Khi có Chúa, người tu không còn tìm kiếm của cải, vật chất, sang hèn; không còn cần bờ vai nào để tựa nương, bởi ngoài Chúa ra không ai có thể lấp đầy tâm hồn trống rỗng. Ước chi nhờ ơn Chúa trợ lực, người tu luôn luôn tỉnh thức để nhận ra những cơn cám dỗ êm đềm, ngọt ngào của thế gian gọi mời, để luôn luôn chọn Chúa làm cùng đích và lẽ sống đời mình.

 

Tâm Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *