16 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”
17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau : “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’ và ‘Thầy đến cùng Chúa Cha’ ?” 18 Vậy các ông nói : “’Ít lâu nữa’ nghĩa là gì ? Chúng ta không hiểu Người nói gì !” 19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông : “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói : ‘Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy’. 20 Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.”
Khi sắp bước vào Cuộc Thương Khó, những giờ phút cuối thầy trò ngồi bên nhau, Thầy Giê-su dặn dò, động viên khích lệ, trấn an các môn đệ: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian.” Thầy ví Cuộc Thương khó sắp tới của Thầy như cảnh người phụ nữ sắp sinh con. Cho dù phải lo buồn sợ hãi vì đau đớn tột cùng, nhưng bà chịu được vì hy vọng một đứa con của mình, kết quả của tình yêu sẽ được ra đời. Khi sinh con rồi thì mẹ quên hết cả đớn đau, vì được nhìn thấy, yêu thương, và được chăm sóc cho đứa con yêu do chính mình sinh ra.
Lúc này nỗi lo sợ buồn phiền cũng sắp trùm lên cả Thầy và trò. Thầy mượn hình ảnh đó để nhóm lên trong các ông hy vọng sẽ đạt tới niềm vui trọn vẹn chắc chắn khi Thầy phục sinh vinh hiển. Các ông sẽ phải khốn khó, “cùng chết” với Thầy trong Cuộc Thương Khó, nhưng rồi họ sẽ cùng hưởng niềm vui Phục Sinh chiến thắng, niềm vui bất tận không ai có thể lấy đi được cùng với Thầy mình. Đau khổ chẳng là gì so với niềm vui lớn lao òa vỡ sau này. Lòng họ sẽ tràn ngập, chan chứa niềm vui và không có gì ngăn cản được bước chân hăng hái, ra đi lên đường tung gieo Tin Mừng khắp nơi.
Con người thường nhìn đau khổ bằng cái nhìn thật bi đát. Nhưng với Thầy Giê-su, đau khổ không hướng về quá khứ nhưng mở đường cho tương lai. Con đường lên núi Sọ là một chuỗi dài những khổ đau tủi nhục và tuyệt vọng. Nhưng chính con đường ấy lại mở lối cho sự Phục Sinh vinh quang. Thầy dạy cho môn đệ và mỗi chúng con hôm nay, đừng ngồi để than vãn trách móc trong đau khổ, nhưng hãy biết hướng về ngày mai. Nếu chỉ kêu than và chịu đựng một cách miễn cưỡng thì đau khổ vẫn mãi mãi là khổ đau. Nhưng nếu con người biết hướng về Thập giá của Thầy Giê-su, họ mới khám phá ra được ý nghĩa và giá trị của những đau khổ ấy. Như thế, đau khổ không đè bẹp con người, nhưng đưa con người đến niềm vui trọn vẹn. Sau này, chính Chúa đã trấn an ông Phao-lô trong một thị kiến: “Đừng sợ ! Cứ nói đi, đừng làm thinh, vì Thầy ở với anh ; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này”. Ông đã an tâm ở lại thành đó một năm rưỡi mà dạy cho họ lời Thiên Chúa.
Ngày nay chúng con thường chùn bước trước khó khăn gian khổ, sợ phiền lụy mất mát, sợ bị khen chê…mà sống co cụm, không dám vượt lên để sống cho Tin Mừng. Xin cho chúng con biết tìm đến mà kín múc sức mạnh nơi Lời Chúa, nơi Bí Tích Thánh Thể, trong Thánh Lễ mỗi ngày. Chính nơi đây chúng con được thanh luyện, thay đổi trở nên con người mới. Cánh cửa tâm hồn chúng con sẽ được mở tung, lòng tràn ngập niềm vui trọn vẹn mà hân hoan bước đi tung gieo Tin Mừng khắp nơi.