Vài ý nghĩa về sự chân thành
Chắc là các bạn trẻ đang học tiếng Anh đã nghe đến từ này: “sincerity” (Tính thành thật, sự chân thành, thật lòng). Nguyên thủy của hạn từ này từ tiếng Latinh: sin-cera, tức là không có-sáp. Chuyện xa xưa bắt nguồn từ việc các nhà điêu khắc hay sử dụng sáp ong để ẩn đi các lỗ hổng trên các tác phẩm của họ. Các diễn viên thường cũng dùng mặt nạ làm từ sáp để diễn kịch. Từ đó, sự chân thành được hiểu là thái độ không che giấu một điều gì, không mang mặt nạ bằng sáp, không hóa trang, không che đậy sự thật.
François de La Rochefoucauld cho rằng sự chân thành là “trái tim rộng mở”. Ta tìm thấy nó hiếm hoi nơi con người, vì những gì ta thấy nơi một con người thường chỉ là một lớp hóa trang mỏng mà người đó cố làm để giành được lòng tin của người khác. Dù sao đối với sự chân thành của một người, chúng ta luôn tin rằng ít nhiều họ vẫn trung thực với ta hơn so với những người khác. (Cfr. François de La Rochefoucauld, Châm ngôn, 1678).
Trong nền văn hóa hiện đại ngày nay, khi việc nắm bắt sự thật là một thách đố lớn với con người, sự chân thành bị xem là một đức tính “không rõ ràng”: hoặc là một “nhân đức” hoặc có thể là sự “khờ dại”. Người ta còn gọi chân thành là sự ranh ma được che đậy, một “nhân đức tàn ác”. Nhiều người tuyên bố họ sống là để phục vụ sự thật, nhưng thật ra họ chỉ phục vụ thứ “sự thật nào đó” có lợi cho mình, chứ không phải sự thật đi đôi với tình yêu, với lòng tốt, với việc tôn trọng người khác và giá trị vốn có của chính cuộc sống.
Trong thực tế, ý nghĩa đầu tiên của sự chân thành là nói những gì ta nghĩ và tin rằng đó là sự thật, hoặc ít nhất, lời nói phải phù hợp với suy nghĩ của mình. Ý nghĩa thứ hai, sự chân thành trong hành động: việc mình làm gắn kết với những gì đang được nói. Ý nghĩa thứ ba , sự chân thành không phải ngay lập tức liên hệ đến mối tương quan với người khác, mà là mối liên hệ thân mật với chính mình, ngay từ trong bản thân của ta trước nhất. (Cfr. Andrea Tagliapietra, La virtù crudele. Filosofia e storia della sincerità, Einaudi Editore, 2003)
Sự chân thành nhìn từ quan điểm luân lý
Theo lời cha Luiz Carlos de Oliveira, C. Ss. R., sự chân thành là gương phản chiếu Chân Lý. Sự chân thành sẽ trở thành tấm gương phản chiếu sự thật của các nhân đức khác. Người sống thực cho thấy sự thật của bản thân mình qua sự chân thành. Sự chân thành là đức tính đảm bảo tính lâu bền cho mọi mối tương quan, cho chúng ta sự chắc chắn về những gì chúng ta đang là, đang có hay ngược lại. Với lòng chân thành, chúng ta không che giấu khuyết tật cũng như không ngần ngại tỏ bày những gì tốt đẹp và khả năng nơi mình. Đó là tính minh bạch của cõi lòng.
Thiếu sự chân thành là thiếu đi một nét đẹp trong ơn gọi của chúng ta, những người con của Thiên Chúa – Đấng là Nguồn Chân lý. Nền tảng của sự chân thành là sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, cùng với Chúa Giêsu – là Sự thật và là gương sống cách chân thành. Ngài biết như thế nào là trái tim của mình. Sự chân thành đã in dấu trong ánh mắt của Ngài và cũng tỏ lộ cho người khác thấy: “Chúng tôi biết rằng Thầy luôn nói sự thật” (Mt 22, 16).
Với sự chân thành, chúng ta tôn trọng cả bản thân mình và những người khác, mặc dù ta không bao giờ biết được sự thật về người khác. Thật không may, chúng ta đang sống trong một thời đại không thiếu sự gian lận, trộm cướp, thông tin sai sự thật, hàng giả và mọi sự dữ khác đến từ toan tính của con người. Chúng ta không biết đâu là những lời đúng sự thật, đâu là tính trung thực, sự chân thành. Nguy hại hơn chúng ta có thể đánh mất niềm tin vào bất cứ ai. Và đây không phải là một điều tốt trong xã hội. Bạn hoặc tôi có thể nói dối để ăn cắp hay để tiến thân. Bạn hay tôi có thể nghe nói rằng “ai không biết mánh khóe là ngớ ngẩn”. Mà đây có phải là cách ứng xử tốt nhất cho xã hội?
Vấn đề mà các bạn trẻ thắc mắc là: Tôi sống trung thực mà người khác cứ gian dối thì sao? Phải hành động thế nào cho đúng? Sự chân thành luôn đòi hỏi một giá phải trả khá cao, nhưng có giá trị của nó. Trung thực mang lại cho ta hòa bình nội tâm – một tâm hồn bình an khiến bạn thêm yêu cuộc sống và không ngại khó khăn. Bạn cứ tiếp tục sống trung thực đi, vì “Sự thật sẽ giải phóng con người” như Chúa Giêsu giải thích.
Sự chân thành xuất phát từ tình yêu thương lẫn nhau và là sự trung thành với sự thật. Đôi khi thay vì nói dối một cách công khai, người ta ẩn nấp sự việc đằng sau một nửa sự thật, chuyện lừa đảo được che đậy đằng sau một việc xem ra chính đáng; đôi khi đó lại là sự im lặng đáng ngờ. Sự thật có lúc phải được giữ kín trong một thời gian dài vì lợi ích của một ai đó, nhưng dù sao ta cũng phải biết rằng không thể che giấu mãi sự thật. Mọi người có quyền được biết sự thật. Luôn luôn nói sự thật là một liệu pháp tạo sự nhất quán trong đời sống của một nhân cách. Sống một “cuộc đời hai mặt” trong đức tin và luân lý, một người sẽ dần dần trở thành trống rỗng và mất tính hài hòa trong đời sống nhân bản và tinh thần. Cách riêng, người kitô hữu được mời gọi thêm rằng nếu những người khác không trung thực, ta không được thỏa hiệp với họ bằng sự gian dối. Chúng ta cần phải trung thực với Thiên Chúa bằng cuộc sống của chính mình và qua các mối tương quan chân thành với những người khác.
Một số đề xuất để giáo dục sự chân thành
Một điều liên quan đến giáo dục salêdiêng mà chúng ta vẫn cổ vũ cho nhiều người chính là xây dựng mối tương quan giáo dục. Đây là công việc của cõi lòng, của sự chân thành (Don Bosco). Chúng ta có thể chia sẻ với nhau một vài đề xuất giáo dục sau đây, cách riêng, vài điểm nhấn cho các bạn trẻ.
Trong giáo dục, người ta đã không thái quá khi nói rằng sự chân thành nên được dạy ngay từ thuở “còn nằm trong nôi”. Thực tế cho thấy rằng đứa trẻ có thể cảm nhận rất sớm ánh mắt yêu thương hay sự ôm ấp, vỗ về của người mẹ. Cũng có nhiều đứa trẻ đã “nổi loạn” rất sớm vì biết rằng cha mẹ đã không chân thành với chúng, khi nhìn xem chúng là một gánh nặng và được sinh ra chỉ vì “tai nạn”, vì “vỡ kế hoạch”.
Đối với các bậc làm cha mẹ ngày hôm nay, chúng ta đã nghe nói nhiều về gia đình bị “rối loạn chức năng”, bởi vì không có sự hợp nhất và yêu thương. Tại sao vợ chồng sống bất đồng? Đứa trẻ có thể hỏi: Tại sao cha mẹ hứa sẽ yêu thương và tôn trọng sự sống, họ lại đánh nhau? Nguyên nhân sâu xa là vì không có sự chân thành, sự chân thành để biết nói và nghe người khác nói về khiếm khuyết của mình, biết khiêm tốn, can đảm để chấp nhận hay thay đổi. Điều này rất cần vì chỉ từ sự chân thành với nhau, ta mới tìm thấy sự thật, và trong sự thật, con người sẽ thể tỏ hiện cho người khác thấy mình là ai. Sống trong giả dối, cuộc sống sẽ kéo theo một chuỗi lừa dối và trắng đen lẫn lộn. Tác hại trước hết là ta “tự dối lòng mình”, và tiếp theo là ta “lừa dối người khác”. Và những gì có thể được xây dựng trên sự lừa dối, nếu không phải là một cuộc hôn nhân thất bại, một gia đình dễ tan vỡ?
Bạn trẻ, nếu bạn đã lớn và đang trong thời gian tìm hiểu một người bạn đời và chuẩn bị kết hôn, tốt hơn hết là hãy trung thực với nhau. Hãy tìm hiểu và học biết nhân cách của nhau, bởi vì nếu bạn quyết định kết hôn vào ngày mai, bạn đã biết người đứng trước mặt mình là ai và bạn sẽ chia sẻ cuộc sống của bạn thế nào với người đó trong tương lai. Bạn biết đó sẽ không là một người lạ nhưng là người mà bạn yêu thương. Trong sự chân thành, bạn biết người ấy quan trọng thế nào đối với mình. Trong sự chân thành, bạn có thể phải “cung cấp thông tin” để hiểu nhau hơn. Hãy đừng chơi trò giả dối bây giờ để bạn có thể tránh nhiều điều “bất ngờ và khó chịu” sau này cho mình và cho một thế hệ nữa.
Đối với các bạn trẻ đang lớn, chân thành là một đức tính có giá trị cần được luyện rèn. Don Bosco nhắc đến hai điều khuyên dành cho các bạn trẻ. Điều đầu tiên là bạn hãy thành thật với cha mẹ và với những người có trách nhiệm giáo dục bạn, đừng bao giờ che dấu những thất bại của bạn, hay ít nhiều phủ nhận chúng. Hãy tập nói sự thật với lòng can đảm, vì việc nói dối đối với người Kitô hữu là xúc phạm Thiên Chúa, làm cho bạn dần trở thành đệ tử ma quỉ, chúa tể của những lời nói dối, và sau đó làm cho bạn thành kẻ nói dối, dễ dàng lừa thầy phản bạn. Điều thứ hai, bạn hãy học cách sống theo lời khuyên và cảnh báo của những người có trách nhiệm trên mình, áp dụng chúng như là những quy tắc cho cuộc sống và cho công việc của bạn. Phúc cho bạn nếu bạn làm như vậy; bạn sẽ sống những ngày an vui thời tuổi trẻ và mọi hành động của bạn sẽ đi theo chiều hướng tốt đẹp. “Hãy mang đến cho cha một bạn trẻ biết sống chân thành, cha sẽ làm cho bạn ấy trở thành một vị thánh. Ngược lại, những bạn nào đi trên con đường khác, họ sẽ bị dẫn đến nơi hư mất” (Cfr. Don Bosco, Il giovane provveduto). Nơi những người trẻ mới lớn, nét tâm lý đặc trưng của lứa tuổi khiến họ sợ nói sự thật về người khác và ngay cả về chính mình vì sợ đánh mất sự tôn trọng nơi bạn bè. Họ muốn bứt phá từng chút một khỏi ràng buộc từ gia đình, ném mình nhiều hơn nữa vào thế giới của bạn bè với mong muốn được tự do. Đây cũng là nguồn gốc của các cuộc xung đột với cha mẹ, và bạn trẻ hay làm những cuộc nổi loạn nhỏ để đáp trả lời khuyên hay để bác bỏ ý kiến của người lớn. Trường hợp không thể, họ sử dụng những lời nói dối để thoát khỏi kiểm soát của cha mẹ hoặc để che giấu một việc gì đó chẳng lành, chẳng hạn kết quả học tập thấp, mối tương quan với những người bạn không tốt, việc thường xuyên vắng nhà, đi lang thang hay về nhà muộn, việc sử dụng tiền mà không được phép, và cuối cùng là những kinh nghiệm đầu tiên của khói thuốc và các cuộc phiêu lưu vào thế giới “người lớn”.
Việc nói dối của bạn trẻ trong những năm qua đang gia tăng, và cách nào đó chính là một “vết chàm” trong giáo dục. Mọi sự bây giờ sẽ trở thành những “lời nói dối đáng buồn” trong tương lai, cho các mối quan hệ tình cảm, mối quan hệ hôn nhân và gia đình, nơi làm việc, trong môi trường kinh doanh và đời sống chính trị. Đối với người làm việc giáo dục-mục vụ với giới trẻ, đây là điều không thể xem nhẹ: hãy hiểu họ và làm cách nào để các bạn trẻ có sự tin tưởng, có thể can đảm tỏ lộ những ưu tư hay vướng mắc của mình qua những lúc trò chuyện hay qua việc xưng tội, tập cho họ sống can đảm, chân thành với chính mình.
Don Bosco hiểu những khó khăn của những người trẻ tuổi khi phải trung thực, phải nói cho người khác nghe những gì là khuyết điểm hay những sai lầm, vướng mắc của mình, ngay cả khi phải thực hành Bí tích Giao hòa. Ngài kể lại một giấc mơ. Đây là giấc mơ về “Những người trẻ tuổi với một ổ khóa nơi miệng”. Don Bosco kể lại rằng trên một con đường đi từ xóm Becchi đến Capriglio, ngài gặp một người đàn ông lạ. Người ấy mời ngài nhìn xem một cổ máy, và đặc biệt, xem cái bánh xe lớn nơi có một ống kính được đặt ở trung tâm của bánh xe: “Bây giờ, xin mời Ngài đặt mắt vào ống kính để nhìn xem bên trong!”.
Don Bosco kể: “Cha nhìn vào … và… thật tuyệt, bên trong, cha thấy có tất cả các bạn trẻ của Nguyện xá đang vui chơi. Có điều lạ là cha nhìn thấy bảy bạn trẻ trong hành vi đáng ngờ với ổ khóa ở miệng. Ba người trong số họ còn dùng bàn tay bịt tai của mình. Cha ngạc nhiên và hơi lo buồn bởi sự kì lạ ấy, cha hỏi lý do gì mà các bạn ấy bị khóa miệng lại như vậy. Người đàn ông trả lời:
– Ngài không hiểu à? Đây là những người muốn giữ im lặng.
– Nhưng vì cớ gì mà giữ im lặng? Cha hỏi lại.
– Họ muốn giữ im lặng!
Sau đó, cha nhận ra rằng những gì ông ta nói với cha có liên quan đến việc xưng tội. Đó là các bạn không muốn nói về sai phạm của mình, và khi cha giải tội hỏi thì hoặc là các bạn không muốn trả lời, hoặc lảng tránh, hoặc nói những gì không đúng sự thật. Họ trả lời “không” trong khi sự thật là “có”. Người đàn ông nọ tiếp tục:
– Ngài có thấy ba đứa trẻ, cùng với cái ổ khóa ở miệng, họ đang dùng tay để bịt đôi tai của mình? Đây là những bạn không chỉ muốn giữ im lặng mà còn không muốn lắng nghe bất kỳ lời khuyên của cha giải tội. Họ là những người nghe những lời của những ai có trách nhiệm, nhưng với họ điều đó chẳng quan trọng. Bốn bạn trẻ khác lắng nghe những lời kêu mời hay khuyên răn của ngài, nhưng không biết áp dụng các lời khuyên ấy cho có hiệu quả.
– Vậy, làm thế nào để các bạn ấy được tháo bỏ cái khóa đó? Cha hỏi.
– Họ phải loại bỏ sự kiêu căng nơi trái tim mình!” (MB VI, 901).
Những gì Don Bosco đã nói với các thanh thiếu niên của ngài về sự chân thành không chỉ liên quan đến việc xưng tội mà còn có thể áp dụng cho các tình huống khác trong cuộc sống, để làm cho những người trẻ tuổi biết sống ngay thẳng và trung thực. Đây là những gì mời gọi chúng ta, nếu chúng ta muốn có những công dân lương thiện cho xã hội tương lai. Để hiện thực hóa điều này, những người trẻ tuổi cần phải có trước mắt mình mô hình của người lớn trung thực và minh bạch trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, biết cách gợi ý và lắng nghe. Tất nhiên việc này không dễ dàng trước sức mạnh của thế giới truyền thông, khi người ta ít bận tâm về việc đặt lại các giá trị đạo đức thật cho thanh thiếu niên, và người trẻ vẫn thường thấy những kẻ nói dối và tham nhũng chiếm vị trí và có uy tín trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa. Những lời nói dối của trẻ em là chuyện “bình thường”, nhưng sẽ trở nên “không bình thường” khi chúng trở thành người lớn, và theo thói quen sẽ có nguy cơ lớn dần lên đến tầm dối trá của một xã hội, nếu chúng ta không lưu tâm. Cần chăng sự chân thành nơi những người lớn, để người trẻ trong tương lai có một bệ phóng vững chắc mà bay lên.
Lê An Phong, SDB
Nguồn: fmavtn.org