NỮ TU ĐA MINH VIỆT NAM
300 NĂM HIỆN DIỆN
1715 – 2015
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
+ 01 : Lời ngỏ, tổng quát
+ 02 : Nhà mụ, nhà phước xưa
+ 03 : Lề luật và sinh hoạt nhà phước
+ 04 : Nữ tu Đa Minh trước 1996
+ 05 : Nữ tu Đa Minh sau 1996
+ 06 : Địa chỉ Đan viện và các hội dòng nữ Đa Minh
Lề luật nhà mụ
Về Lề luật, tài liệu cổ nhất hiện nay là lá thư năm 1791 của đức cha Alonsô Phê, gửi chung cho dòng Mến Thánh Giá và chị em dòng ba thánh Đa Minh, với “năm ba điều đã có trong hai lề luật ấy cho các Mụ và chị em phải giữ như nhau”.
Ngài liệt kê 11 khoản, nhấn mạnh luật lớn nhất là mến Chúa yêu người, việc sắm sách lề luật cho từng người, việc để mọi sự làm của chung, chăm lo cho chị em ăn mặc cùng uống thuốc cho đủ, tinh thần nội vi đặc biệt với người khác phái, và cổ võ việc học hành.
Sau đó là thư của cha chính Gatillepa Hoan năm 1799 và cha chính Amandi Chiêu năm 1828.
Ngoài những hướng dẫn đạo đức và kỷ luật tu trì, cha chính Hoan qui định chị em chỉ được lễ tết và đi thăm đức giám mục, cha chính và cha xứ ; cổ võ đọc kinh chung, và qui định mẫu roi mới để đánh tội.
Cha chính Chiêu qui định chỉ nhận thỉnh sinh từ 16 tuổi; chị em ở 5 năm được coi là người nhà; chỉ được khấn sau 30 tuổi và 10 năm gia nhập. Ngài cũng mở rộng việc giao ước năm 1787, cầu nguyện cho chị em Đa Minh qua đời, áp dụng cho các nhà Mến Thánh Giá.
Năm 1836 cha chính Hermosilla Vọng (20) gửi thư nhắc lại tầm quan trọng của ba lá thư trên, nhấn mạnh việc chị em phải dùng ngày lễ nghỉ để cầu nguyện và học chữ … việc chăm sóc chị em bệnh tật và cho phép chuẩn tuổi khấn nếu cần. Ngài cũng chỉnh đốn những sai sót về việc giữ của riêng, ăn mặc lụa là, cho vay kiếm lời; và chỉ thị phải đơn giản trong quà cáp, và nếu cần, xin miễn phần đóng góp với giáo phận.
Đặc biệt, bản “Lề luật nhà Mụ” được đức cha Barnabê Cezon Khang cho in bằng chữ nôm năm 1865 tại Phú Nhai, là bản lề luật riêng cho các nữ tu Đa Minh (21).
“… Phép sau này có một chị em đã vào nhà Dòng thứ Ba ông Thánh Duminhgô phải giữ mà thôi. Vì chưng các chị em ấy đã dốc lòng bỏ gánh phần đời cùng đã có lòng dâng mình cho Đức Chúa Lời cùng giữ ba sự : một là chịu lụy, hai là ở khó khăn, ba là giữ mình sạch sẽ, bắt chước các chị em đồng trinh Dòng thứ hai ông Thánh Duminhgô, cho nên trong Lề-Luật này thêm một hai sự thuộc về chị em Dòng thứ Hai ấy, cùng một hai sự vừa phải thôi cho được hợp ý cùng nhau mà đi đàng nhân đức” (22).
Đức cha Barnabê Khang cũng xác định chị em thuộc gia đình Đa Minh, và là thành viên chính thức của Dòng, gồm dòng nhất, dòng nhì và dòng ba.
“… Dòng thứ Ba thật là dòng như các dòng thánh Ighêrixa, nhất là các anh em chị em ở làm một như đã nói trong điều trước cùng mặc áo dòng và tập cùng khấn giữ Lề Luật dòng thứ Ba. Vì sự ấy, dòng này chẳng phải như họ kia họ nọ, thí dụ như họ Rôsariô hay là họ chị em Mến Câu Rút Đức Chúa Giêsu, cùng các họ khác nữa. Dòng này thật là dòng thánh, các Đức thánh Pha Pha đã nhận cùng kể vào trong các dòng thánh Ighêrixa (23).
Sách Lề luật được chia thành 18 điều, được in kèm với bốn lá thư đã nêu trên cùng với bản giao ước cầu nguyện, và buộc mỗi nhà phải đọc hàng tháng.
- Điều kiện gia nhập : các thỉnh sinh phải trải qua thời gian sống thử, được sự đồng thuận của cộng đoàn và đồng ý của cha bề trên, và được mặc áo dòng vào ngày ấn định.
- Áo dòng, vì trong nước có cấm đạo, không thể mặc áo “lông chiên” hay “gai trắng”, nên chị em ăn mặc như mọi người, chỉ hay mầu trắng đen, thêm áo vải (ảnh) đã làm phép, mà “chẳng nên bỏ áo ấy bao giờ”.
- Đào tạo : thời gian tập từ một đến ba năm, nhấn mạnh tinh thần khiêm nhường, biết “venia” xin lỗi chị em, học nghề thích hợp và hăng hái làm việc lành.
- Tuyên khấn. Đến 25 tuổi có thể khấn theo ba nội dung “một là chịu lụy, hai là ở khó khăn, ba là giữ mình sạch sẽ, mà (cha) Bề trên cho khấn sự nào trong ba sự ấy thì cũng nên khấn” (24) … “Khi đã khấn đoạn thì chẳng nên ra khỏi nữa, nhưng mà hoặc có ai muốn ra, thì chẳng có phạm tội …”
- Kinh nguyện : nguyện ngắm mỗi ngày một giờ, hoặc suy niệm cuộc thương khó Chúa chia thành bảy giờ như giáo dân dòng ba Đa Minh (25). Mỗi ngày lẫn chuỗi một trăm rưởi, đọc và nghe sách đạo đức, mỗi thứ sáu có đánh tội, mỗi tháng phải xưng tội chịu lễ.
- Ăn chay : ngoài luật chung, chị em ăn chay thứ bảy kính Đức Mẹ, lễ thánh Đa Minh (4-8), lễ thánh Catarina Sienna (30-4) và các ngày áp lễ.
- Mọi sự là của chung : của cải góp chung để bề trên chia ra cho chị em. Quà cáp hay đồ ký gửi : tiền bạc, quần áo, sách vở phải xin phép, và bề trên phải kiểm tra định kỳ.
- Phép tắc khi ra ngoài : luôn đi chung hai người, và nên lần hạt chung để tránh nói những lời vô ích. Nên khuyên bảo kẻ khô khan và giao hòa những kẻ tranh chấp.
- Thăm viếng kẻ liệt. Các dì an ủi, giúp họ lãnh các bí tích và giúp đỡ cả về phần xác nếu cần.
- Bổn phận coi sóc chị em bệnh nặng : chăm sóc, khích lệ hi sinh, tìm thầy và thuốc chữa, chẳng nên tiếc sự gì.
- Cầu cho chị em trong nhà qua đời, mỗi người đọc ba tràng trăm rưởi và hiệp lễ ba lần. Với chị em ở nhà khác : mỗi người đọc một tràng trăm rưởi và hiệp lễ một lần.
- Trừ thư từ qua lại với cha Bề trên, bà mụ đọc tất cả các thư từ và quyết định cho gửi hoặc nhận thư.
- Việc bầu cử : nhiệm kỳ bà mụ và chỉ Ả là ba năm, có thể tái nhiệm một lần, trừ khi được Bề trên chuẩn chước. Để đắc cử phải có số phiếu quá bán. Sau một tháng bầu không thành, các chức vụ sẽ do Bề trên chỉ định.
- Bề trên có bổn phận nhắc nhở chị em tuân thủ luật về nguyện ngắm, ăn chay, hãm mình và đi đàng phúc đức… sắp xếp công việc làm ăn và nhu cầu cần thiết. Cũng phải chỉ định người làm quản lý và chăm sóc kẻ liệt.
- Thánh hóa việc lao động bằng cầu nguyện và vâng lời. Khi phân công tác cần quan tâm đến sức khỏe. Ưu tiên dành ngày nghỉ chúa nhật cho đọc sách và cầu nguyện.
- Bốn bậc lỗi và hình phạt. Gồm lỗi nhẹ, lỗi nửa nặng nửa nhẹ, lỗi nặng và lỗi rất nặng.
- Luật không buộc thành tội, hình phạt chỉ để loại bỏ gương mù và tạo cơ hội giúp chị em sống xứng với “kẻ đã dâng cả và mình mà thờ phượng Chúa cho nên”. Khi lo việc chung hay công tác mục vụ mà không thể giữ chay, đánh tội, nguyện ngắm như ở nhà, chị em vẫn được phúc như kẻ làm các việc lành ấy ở cộng đoàn.
- Với các bà mụ : sửa trị riêng chị em khi lỗi còn kín; sẵn sàng chuẩn miễn cho chị em bị ngăn trở, và giảm bớt hình phạt khi thấy thiện chí của chị em.
Nhận định : Tuy có nhiều quy định khá tỉ mỉ, ta vẫn thấy thấp thoáng những nét đặc thù trong linh đạo Đa Minh. Việc kết hợp những yếu tố căn bản của nề nếp tu trì, phụng vụ chung, học hành và sứ vụ; tinh thần tự do, dân chủ, khả năng linh hoạt của luật với hoàn cảnh cá nhân, và luật chuẩn miễn, vốn là sợi chỉ đỏ để nối kết đời sống chiêm niệm và hoạt động.
Những hướng dẫn hai công đồng Đàng Ngoài
Bước sang thế kỷ XX, hoạt động tông đồ của chị em được phát triển theo những hướng dẫn của hai công đồng giám mục Đàng ngoài tại Kẻ Sặt 1900 và Kẻ Sở 1912, phần bàn “Về các người nhà dòng nam và nhà dòng nữ”.
Theo công đồng Kẻ Sặt đoạn VII phần III : (26)
Công đồng qui định chỉ nhận chị em từ 15 đến 30 tuổi. Không nhận bà góa hay bổn đạo mới, trừ khi được giám mục chuẩn. Xác định các nhà dòng chỉ chung nhau trong lời nguyện, còn tài sản thì riêng biệt theo nhà, nhưng vẫn cổ võ chia sẻ cho các nhà gặp khó khăn.
Số 12. Cho khỏi chia trí nhiều đàng và cho khỏi nhiều sự rầy rà khó lòng, có điều này đáng ước ao, là chị em thôi đừng cấy lấy ruộng nương, nhất là những ruộng xa nhà mụ, song ta còn làm thinh cho chị em làm lấy những ruộng không cách xa nhà mụ hơn một giờ đồng hồ, miễn là không trọ ngoài nhà mụ ban đêm, dù vì lẽ nào cũng vậy. Ví bằng có ruộng khác xa hơn thì phải phát canh cho bổn đạo.
Ta khuyên chị em hãy tập làm những việc xứng hợp đấng bậc mình hơn, thí dụ : đan phên, đan chiếu, dệt vải, chăn tằm, bắt tràng hạt, may áo Đức Bà hay là làm những đồ quen dùng trong nhà thờ; làm bấy nhiêu việc ấy thì cũng đủ mà nuôi mình, nhất là khi các đấng giữ việc trong các địa phận có ý mua ở nơi nhà mụ (cứ giá chợ) cả vải phát cho người nhà thày nhà tràng, cả chiếu phên cùng những đồ khác như vậy.
Số 14. Khi có thể liệu được thì sẽ giao cho chị em nhà mụ nhận việc coi sóc nhà tiểu nhi và nhà thương đã mở cho người bản cuốc, cùng việc dạy kinh bổn cho trẻ nữ và cho người đàn bà; song le có khi nào sai ai ra ngoài dạy kinh bổn ở nơi bổn đạo mới hay là bổn đạo cũ chẳng kì, thì phải chọn những chị em đã có tuổi, và phải sai ít là hai người đi vuối nhau, rồi tuần lễ nào đến ngày lễ cả những kẻ ấy phải về nhà mụ, phần thì cho được xem lễ và xưng tội chịu lễ, phần thì cho được trình lại các việc vuối bà mụ. Hoặc nhà mụ xa lắm thì phải đến nơi thày cả bản xứ làm lễ.
Về chị em sai đi tìm và rửa tội trẻ ngoại đạo rình sinh thì, phải cắt người đã đến bốn mươi tuổi trở lên và là người chắc chắn, đã tập các nhân đức lâu năm.
Công đồng Kẻ Sở, đoạn V bàn : “Về các người nhà dòng nam và nhà dòng nữ” (27)
Số 4. Tòa công đồng đã định các người nhà mụ annam về dòng chị em Mến câu rút và dòng Ba ông thánh Duminhgô, khi đọc kinh làm việc phần linh hồn trong nhà nguyện nhà mụ, và khi ra nhà thờ, phải đội khăn trùm đầu. Những người đã vào sổ nhà mụ rồi thì dùng khăn mùi thâm, những kẻ mới nhận hãy còn đang thử, thì đội khăn trùm trắng.
Số 6. Các nơi có giữ Mình Thánh trong nhà thờ thì những người nhà mụ bản cuốc phải cứ giờ nào tiện, mà hằng ngày đến chầu Mình Thánh chung vuối nhau.
Số 10. Các người nhà mụ phải học chữ nôm latinh, gọi là cuốc ngữ, kẻ còn ít tuổi phải siêng năng chăm chút cho chóng thuộc; kẻ có tuổi cũng phải học tùy sức mình để mà xem trơn được các thứ sách đạo, sách đời có ích cho mình.
Số 15. Tòa công đồng hết lòng ước ao cho các chị em nhà mụ được chuyên tập dần dần về việc coi sóc các tràng nữ nhi ấu học. Lại khuyên các chị em mở tràng trong nhà mụ, để tập tành cho trẻ nữ biết làm các việc đàn bà hằng ngày phải lo trong cửa nhà, như là may vá, thêu dệt và nhiều việc khác như vậy, nhất là để dạy dỗ chỉ dẫn chúng nó ăn ở ăn nói cho có nết na, đạo đức, tề nhường.
Nhà phước Đa Minh giáo xứ Trung Đồng, Thái Bình
Về những việc người nhà mụ phải làm.
Tài liệu sau trích trong Sử ký địa phận Trung 1916, tác giả trình bày chung hoạt động chị em Đa Minh cùng với chị em dòng Mến Thánh Giá (28)
“Các người nhà mụ bất kỳ về dòng thứ ba ông thánh Duminhgô, hay là về dòng mến Câu rút, thì mặc thường như các đàn bà bên này quen mặc, nhưng mà chỉ được phép mặc áo vải thâm, hay vải nâu mà thôi, vốn đi chân không và phải ở một nhà vuối nhau.
Lúc vào nhà mụ thì chẳng phải nộp gì cho nhà Mụ sốt, một là khi ai mới vào, mà có đem theo tiền của gì, thì phải nộp cho bà Mụ để lo liệu buôn bán, hay là làm cách khác tùy tiện mà sinh lời lãi cho nhà chung, mà đến sau kẻ ấy không ở được, thì phải giả lại nguyên vốn cho nó. Lại bởi vì các nhà mụ túng thiếu không đủ ăn, cho nên các chị em phải chịu khó làm ăn, kẻ thì phải đi làm ruộng nương, kẻ thì đi chợ búa, kẻ thì đi bán thuốc viên chính nhà mụ làm.
Thường thường quen nhận vào nhà mụ từ mười lăm tuổi, đừng kể những kẻ làm bõ ngãi thì phải nhiều tuổi hơn.
Sau nữa, đừng kể ơn riêng Đức Chúa Lời thương chọn các kẻ vào nhà Mụ mà dâng mình làm tôi Đức Chúa Lời, cùng tập tành đi đàng nhân đức, thì các nhà mụ còn sinh ra nhiều ích chung cả thể nữa. Vậy trước hết trong các nhà mụ được độ tám mươi người đi bán thuốc từng đôi và chuộc trẻ ngoại đạo, cùng rửa tội khi chúng nó liều mình chết, cho nên hàng năm các nhà mụ chuộc được và đổ nước cho nhiều trẻ ngoại đạo lắm.
Các người nhà mụ lại dạy kinh cho các đàn bà và trẻ nữ bổn đạo mới, cho được chịu phép rửa tội cho phải phép. Trong lúc cấm đạo thì các nhà mụ còn sinh ra nhiều ích cả thể hơn nữa, bởi vì khi ấy các người nhà mụ phần thì được thông tin tức, hay là đưa thư cho các đấng tử vì đạo, phần thì lo liệu đưa lương thực cho các đấng thầy cả, và các thầy cùng các người nhà Đức Chúa Lời đang phải giam cầm trong ngục vì sự đạo, và có khi cậy các bà ấy đưa Mình thánh cho các đấng ấy nữa.
Vả lại khi vua chúa đã tha đạo, thì các đấng Bề trên lại sai các người nhà mụ đi khắp mọi nơi mọi xó trong Địa phận, mà khuyên dụ những đàn bà, hay là những con gái vua Tự Đức đã bắt lấy chồng ngoại đạo. Trong Địa phận ta bấy giờ có hơn một nghìn đàn bà con gái đã phải ép lấy chồng ngoại đạo. Mà những người nhà mụ đã khuyên được non bốn trăm người ăn năn giở lại cách mau chóng lắm.”
Ghi chú (tiếp theo phần trước)
- Cha chính Hoan 1790-99, cha chính Chiêu 1809-20 & 1826-36. Cha chính Vọng 1838-41 cũng là thánh giám mục Liêm (1841-61)
- Dòng nữ Đaminh Tam Hiệp phổ biến bản dịch ngày 12.2.1972.
- Tựa “Lề luật riêng các chị em dòng thứ ba ông thánh Duminhgô”
- Như trên, lời Tựa.
- Chữ Bề trên trong bản luật là cha chính Dòng hoặc cha phụ trách.
- Tí: Chúa bị bắt; Dần: bị đòn đánh; Mão: vác thánh giá; Thìn: đóng đinh; Ngọ: chịu chết; Mùi : tháo đinh; Thân : an táng trong mộ.
- Công đồng hội lần thứ I Miền Bắc Kỳ, Kẻ Sở 1915, tr 62-66
- Công đồng Miền Bắc Kỳ, Hà Nội 2012, tr 69-73
- Sử ký Địa phận Trung, trang 335-337.