Nữ Tu Đa Minh Việt Nam 300 năm hiện diện (4/5)

NỮ TU ĐA MINH VIỆT NAM
300 NĂM HIỆN DIỆN
1715 – 2015

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

+ 01 : Lời ngỏ, tổng quát
+ 02 : Nhà mụ, nhà phước xưa
+  03 : Lề luật và sinh hoạt nhà phước
+ 04 : Nữ tu Đa Minh trước 1996
+ 05 : Nữ tu Đa Minh sau 1996
+ 06 : Địa chỉ Đan viện và các hội dòng nữ Đa Minh

CÁC HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH TRƯỚC 1996

1. Hội dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu

Thực hiện ý muốn công đồng chung Đông Dương 1934, đức cha Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn, giám mục Bùi Chu (1935-48) đã tiến hành việc cải tổ các nhà phước Đa Minh và Mến Thánh Giá Bùi Chu, bằng cách lập dòng Đức Mẹ Mân Côi (ngày 18-7-1946), đặt trụ sở tại Trung Linh, với chủ trương quy tụ cả hai đơn vị trên.

Trong số 14 nhà Phước Đa Minh, có bảy nhà gia nhập Dòng Mân Côi (Trung Linh, Hạ Lao, Kiên Lao, Ninh Cường, Liên Nội, Liên Ngoại và Liên Thượng). Bảy nhà còn lại là Bùi Chu, Phú Nhai, Quần Cống, Trung Lễ, Trung Lao, Sa Châu, Liễu Đề, do bà Êmilia Sê đại diện, đã trình bày lên đức cha nguyện vọng được tiếp tục sống theo tinh thần cha thánh Đa Minh, và xin cải tổ thành Dòng Đa Minh có lời tu thệ. Chị em kiên trì chờ đợi, tin tưởng và hy vọng vào Chúa.

opxua_1951b.jpg

Niềm tin tưởng đó đã được Thiên Chúa đáp lời. Tháng 8 năm 1950, đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi về nhận giáo phận Bùi Chu. Lắng nghe thỉnh nguyện của chị em, đức cha nhờ linh mục Alonso Bá OP, giáo sư giáo hoàng chủng viện An-bê-tô Nam Định, với sự hỗ trợ của cha Phêrô Nguyễn Triền Miên OP, soạn nội quy cho chị em. Bản hiến pháp mới dựa vào tu luật thánh Augustinô và hiến pháp Dòng nam, đã được đích thân đức cha đệ lên Tòa thánh xin châu phê (19-11-1950).

Trong khi chờ đợi, đức cha đặt trụ sở tại nhà phước Bùi Chu, mở tập viện, nhà thử và đệ tử viện. Việc hướng dẫn dược trao cho cha Giuse Hồ Huệ Bá, giám đốc đại chủng viện Quần Phương. Vị này đề nghị mời cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền, dòng Đa Minh, lúc đó đang ở Hải Dương về phụ trách huấn luyện cho chị em, việc này được đức cha chấp thuận.

Ngày 21-3-1951, hồng y Petrus Fumasoni Biondi, Bộ Trưởng Bộ Truyền Giáo, châu phê tu luật. Ngày 30-4-1951, đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi công bố sắc lập Dòng, gọi là Hội dòng Nữ Đa Minh Việt Nam tại Bùi Chu, thánh hiệu Catharina thành Sienna. Ngày 3-8-1951, 37 chị thuộc lớp tập đầu tiên lãnh tu phục, ngày 4-8 năm sau, 27 chị tuyên khấn. Từ đó, mỗi năm Dòng đều có tập sinh và khấn sinh.

Tháng 4-1953, cha Giuse Hiền về làm bề trên tu viện Saint Thomas Nam Định, cha Giuse Phạm Năng Tĩnh, bí thư Tòa giám mục nhận phụ trách việc huấn luyện chị em. Khi đó, số chị khấn là 55, số tập sinh và đệ tử là 100. Sau hiệp định Genève, 12 chị khấn đã ở lại với giáo phận.

Năm 1996 Hội dòng có 172 chị em tại 40 cơ sở. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu học hỏi của chị em, Hội dòng cũng đã thiết lập một cộng đoàn tại tỉnh Sông Bé, Phú Cường. Trụ sở : Tu viện Đa Minh Bùi Chu, Xuân Ngọc, Xuân Thủy.

op_xua1962b.jpg

2. Hội dòng Nữ Đa Minh Tam Hiệp

Năm 1954, trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước, một số chị em Dòng Nữ Đa Minh Bùi Chu, trong đó có Bề trên cả Êmilia Nguyễn Thị Sê, hai chị Tổng Cố vấn, chị Tổng Quản lý, chị Giám tập, các Tập sinh và một số chị em khác chuyển vùng hoạt động vào phía Nam.

Như tổ phụ Abraham, chị em đã tiến bước trong niềm tin, dù tương lai phía trước của Dòng khi đó rất mịt mù. Những ngày đầu ở miền nam trong thân phận tha hương, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lại thường xuyên phải di chuyển chỗ ở, chị em thật vất vả cơ cực. Mãi đến tháng 10 năm 1955 chị em mới tìm được mảnh đất ở Tam Hiệp để cắm lều.

Năm 1962 theo thông tư ra ngày 3 tháng 5, Thánh Bộ truyền giáo quyết định : chiếu theo Giáo luật 1917 khoản 492 điều 2, Các Hội dòng di cư tại Việt Nam, từ nay thuộc thẩm quyền Giám Mục địa phương nơi các nhà đang ở. Như vậy các chị em tại Miền Nam trực thuộc giám mục Sài gòn, và chính thức biệt lập với Nhà Mẹ và giáo phận gốc theo pháp lý. Năm 1965, giáo phận Xuân Lộc được thành lập, hội dòng thuộc về giáo phận này.

Tuy nhiên, vì tình xưa nghĩa cũ, sau 1975, chị em Đa Minh Tam Hiệp vẫn giữ mối quan hệ lệ thuộc với nhà Bùi Chu. Dẫu thế, trong quá trình hoạt động, do nhu cầu phát triển, chị em Đa Minh miền Nam, theo sự hướng dẫn của Thánh Bộ Các Hội dòng Sống Đời Thánh hiến và Tu Đoàn Tông đồ, đã tiến hành thủ tục xin Tòa Thánh cho phép được tự trị. Ngày 14.07.1995, Dòng được chấp thuận chính thức với danh xưng Dòng Nữ Đa Minh Tam Hiệp, Thánh hiệu Catarina thành Sienna, trực thuộc Giáo phận Xuân Lộc.

Năm 1996, hội dòng Đa Minh Tam Hiệp có 224 nữ tu, thuộc 23 cộng đoàn hoạt động tại 6 giáo phận. Trụ sở : 134/4 Kp5 Tam Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai.

op_xua1962c.jpg

3. Hội dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm

Tại miền nam, để nuôi dưỡng tinh thần các chị em nhà phước Đa Minh các giáo phận, tạo môi trường thích hợp cho việc đào tạo các nữ tu trong hoàn cảnh mới, đức cha Phạm Ngọc Chi mời các cha Bề trên đại diện năm giáo phận Bùi chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh và Lạng Sơn cùng với cha chính Conde Thập OP, cha Hoàng Mạnh Hiền OP, bàn về việc lập dòng nữ Đa Minh trên vùng đất mới.

Sau khi thảo luận, hội đồng quyết định thành lập tập viện cũng như đệ tử viện trên đồi Thánh tâm, Hố nai và chia sẻ với nhau kinh phí xây cất. Hội nghị ủy thác cho đức cha Giuse Trương Cao Đại OP, lãnh đạo việc cải tổ và xin cha Hoàng Mạnh Hiền với kinh nghiệm trước đây, đảm nhiệm việc huấn luyện chị em.

Công việc xây cất cơ sở được tiến hành gấp rút. Ngày 30-10-1955, ngôi nhà Thánh Tâm tiếp nhận 100 đệ tử của năm địa phận đến tu học. Ngày 1-2-1956, tròn 80 chị em các nhà phước đã về đây. Đó là lớp tập đầu tiên lãnh tu phục ngày 29-04 và năm sau 30-4, 56 chị tuyên khấn lần đầu.

Ngày 15/11/1955, các vị bản quyền năm giáo phận đệ trình lên Thánh Bộ Truyền giáo một đơn xin ba điều : lập dòng nữ Đa Minh cho mỗi giáo phận (trừ Bùi Chu đã có rồi) ; mở tập viện chung ở Hố nai ; cho phép nữ tu Đa Minh Việt Nam dùng nội qui của dòng nữ Đa Minh Bùi Chu đã được chuẩn y.

Ngày 10/04/1956, Thánh Bộ trả lời chấp thuận hai điều sau nhưng chỉ cho phép lập một Hội dòng nữ Việt Nam cho tất cả : “… để với số nữ tu đông đảo với nếp sống nhiệm nhặt, rất có thể được toà thánh khen ngợi… Như thế cũng như Ấn Độ và Nhật Bản, nước Việt Nam sẽ có thể tự hào có một Hội dòng bản xứ rất hữu ích cho công cuộc truyền giáo”.

Ngày 21.1.1958, đức cha Simon Hoà Nguyễn Văn Hiền, giáo phận Sài Gòn, ban sắc thành lập Hội dòng Đa Minh Việt Nam, thánh hiệu Catarina, cũng thuộc quyền giám mục và sử dụng nội qui dòng nữ Đa Minh Bùi Chu. Ngày 12-11-1958, cha Tổng quyền Michel Brown chính thức sát nhập Hội dòng vào Đại gia đình Đa Minh. Từ năm 1965, hội dòng thuộc về giáo phận Xuân Lộc mới được thành lập. Năm 1969 số nữ tu đã lên tới 316. Nhưng đến năm 1972 vì lợi ích giáo hội, Toà thánh chập thuận việc thành lập Hội dòng Rôsa Lima, nhiều nữ tu được tự do chuyển qua Hội dòng mới.

Năm 1996, Hội dòng Đa Minh Thánh Tâm có 12 cộng đoàn với 165 nữ tu. Trụ sở tại 155/5 Kp 9, Tân Biên, Biên Hòa, Đồng Nai.

op_xua1962f.jpg

4. Hội dòng Nữ Đa Minh Rôsa Lima

Nữ tu Rosa Lima nguyên thuộc các nhà phước Hải Phòng, Thái Bình và Bắc Ninh. Từ năm 1659 đến 1969 chị em tham dự các lớp tập tại Hố nai dưới sự hướng dẫn của cha Giuse Hoàng Mạnh Hiền OP. Nhưng như trong đơn xin ngày 10-11-1955, qua các Bề trên giáo phận, chị em vốn ước nguyện được phục vụ Giáo hội theo tinh thần thánh Đa Minh trong tổ chức riêng của từng giáo phận. Khi đó Thánh Bộ Truyền giáo chưa chấp thuận.

Từ năm 1968, chị em tiếp tục trình bày nguyện vọng của mình lên toà thánh và các giám mục liên hệ. Đáp lại nguyện vọng đó, Toà thánh đã cử đức cha Lạng Sơn đã vào nam, André Jacq Mỹ OP, nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình hoàn cảnh và điều nghiên việc thành lập tân Hội Dòng. Sau khi thăm dò ý kiến chị em, đức cha chỉ định bà Diana Nguyễn Thị Nghi làm tổng đại diện và đặt trụ sở tạm tại Thủ Đức.

Sau khi được Thánh bộ Truyền giáo chấp nhận, tháng 9 năm 1971, lớp thử đầu tiên gồm 46 chị em qui tụ tại học xá Nam Đồng, Vũng Tàu. Ngày 25-3-1972 lớp tập đầu tiên được lãnh tu phục tại tập viện An Ninh, Thủ Đức. Ngày 30-04 năm sau, 41 chị tuyên khấn.

Ngày 4-11-1972, toà thánh châu phê Hội dòng mới với thánh hiệu Rosa Lima, sắc lệnh được đức cha Phanxicô Xavie Trần Thanh Khâm công bố ngày 1-1-1973. Cũng năm đó, ngày 19-5-1973, Bề trên Tổng quyền Ancieto Fernandez đã chính thức nhận Hội dòng gia nhập vào gia đình Đa Minh.

Về tổ chức, Hội dòng Rosa Lima có ba miền theo ba giáo phận gốc. Các tu xá trực thuộc tu viện, tu viện trực thuộc bề trên miền. Quyền hạn bề trên miền trong miền của mình như bề trên tổng quyền trên toàn Hội dòng. Cả ba miền cùng chung một hiến pháp và một tập viện.

Ngày 17/11/1974, ban quản trị và một số chị em đến trụ sở chính thức của Hội dòng tại số 37/5b Xuân Hiệp I, xã Linh Xuân, Thủ Đức. Năm 1996 Rosa Lima có 403 chị em, hoạt động tại 50 cơ sở lớn nhỏ.

Các trụ sở Miền Mân Côi (Thái Bình) : 106/5, kp 5, Tân Biên, Biên Hòa. Miền Vô Nhiễm (Bắc Ninh) : 1/78b Dân Chủ, Thủ Đức và Miền Mông Triệu (Hải Phòng) : 510 Tam Hà II, Linh Đông, Thủ Đức.

op_xua1962e.jpg

5. Hội dòng Nữ Đa Minh Lạng Sơn

Nhà phước Đa Minh Lạng Sơn đầu tiên được quy tụ năm 1918, khi đức ông Bertrand Cothonay OP Chiểu mời chị Maria Nguyễn Thị Nha, từ nhà phước Văn Tiên, Bùi Chu đến tổ chức cộng đoàn. Dần dần chị em có 9 cộng đoàn với 50 dì.

Cộng tác với anh em Thuyết giáo, chị em đã đóng góp nhiều để phát triển con người và củng cố Giáo hội địa phương. Không nề quản vất vả thiếu thốn, chị em phục vụ tại các giáo xứ và đồng bào thiểu số trong địa phận.

Từ năm 1955, chị em tham gia cuộc cải tổ nhà phước các địa phận Dòng để có lời khấn công khai theo giáo luật và có mặt từ lớp tập đầu tiên ở Hố Nai. Đến năm 1958, qua thư cha Bề trên giáo phận Micae Nguyễn Khắc Ngữ, chị em có chung tập viện với trụ sở nữ tu Đa Minh tại Tam Hiệp và tham gia sinh hoạt với Hội dòng này.

Ngày 8-12-1978, Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố thành lập hội dòng Đa Minh Lạng Sơn, thánh hiệu Đức Mẹ Mân Côi. Ngày 19-06-1980, Hội dòng gia nhập gia đình Đa Minh, dưới thời Tổng quyền Vincent de Couesnongle.

Năm 1996, hội dòng có 85 nữ tu thuộc 16 cộng đoàn tại Lạng Sơn, Đà Lạt, Long Xuyên, Xuân Lộc và Sài Gòn. Trụ sở : số 25/2, đường 26 tháng 3, phường 16, quận Gò Vấp.

Hoạt Động Các Nữ Tu Đa Minh trước 1996

Nói chung, các hội dòng nữ Đa Minh Việt Nam ở giai đoạn đầu mới thành lập, đều ưu tiên cho công tác huấn luyện và phát triển nhân sự. Tuy nhiên, chị em cũng đã tham gia vào nhiều hình thức hoạt động tông đồ, xã hội, và văn hoá.

Đặc biệt, từ năm 1969, nhiều chị em tham gia các khóa thần học ba năm do các cha dòng Đa Minh mở cho nữ tu tại Học Viện Đa Minh Thủ Đức, các lớp Sedes Sapientiae (Tòa Đấng Khôn Ngoan). Số nữ tu Đa Minh chiếm đến 3/4 trong tổng số khoảng 100 nữ tu mỗi khóa, đều đặn ba buổi mỗi tuần, tham dự các giảng khóa : Luận lý, Tâm lý, Xã hội, Tín lý, Luân lý, Kinh Thánh, Giáo hội học, Giáo sử, Phụng vụ, và Huấn giáo …

Trước 1975, các hội dòng nữ Đa Minh tại miền nam đã có được 600 nữ tu phục vụ tại 73 cơ sở và giáo điểm (29). Ngoài công tác mục vụ và huấn giáo tại các giáo xứ, hoạt động của chị em mở rộng đến nhiều dạng thức sứ vụ tông đồ, văn hóa, xã hội khác. Các hội dòng xây dựng và điều khiển nhiều trường trung học và tiểu học, tổ chức các lưu xá cho học sinh, mở các trại cô nhi, dấn thân phục vụ tại các bệnh viện và các công trình từ thiện. Một số chị em cũng được chọn và gửi đi du học nước ngoài. Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam đã ký giao ước cầu nguyện với từng Hội dòng nữ Đa Minh.

Sau 30-4-1975, chị em có nhiều cơ hội hơn để làm việc mục vụ, nhất là tại những vùng xa xôi thiếu linh mục. Ngoài các lớp giáo lý cho đủ lớp tuổi, giáo lý tân tòng, giáo lý hôn nhân và hướng dẫn giáo lý viên, các nữ tu còn đặc trách nhiều hội đoàn như : thiếu nhi Thánh Thể, con Đức Mẹ, các bà mẹ Công giáo hoặc Dòng Ba Đa Minh. Về mặt xã hội, nhiều hợp tác xã thủ công được thành lập, nhiều lớp huấn nghệ đan thêu, nhiều giáo viên, y sỹ nhà nước và đặc biệt là các nhà trẻ dân lập ngày càng được nhiều người tín nhiệm.

Trong hướng phát triển sinh hoạt gia đình Đa Minh, nhiều tu sỹ nam nữ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, cầu nguyện để tìm hướng đi trong tương lai hoặc cộng tác trong sứ vụ. Các Hội dòng cũng đã lưu ý nhiều hơn việc nâng cao khả năng kiến thức của chị em, để có thể phục vụ đắc lực và hữu hiệu hơn.

  1. Catalogus Tỉnh dòng 1975 trang 61-74: Đaminh Tam Hiệp và Lạng Sơn 191 nữ tu, 22 cơ sở ; Đaminh Thánh Tâm 153 nữ tu, 13 cơ sở ; Đaminh Xuân Hiệp 256 nữ tu, 38 cơ sở.