Nữ Tu Đa Minh Việt Nam 300 năm hiện diện (5/5)

NỮ TU ĐA MINH VIỆT NAM
300 NĂM HIỆN DIỆN
1715 – 2015

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

+ 01 : Lời ngỏ, tổng quát
+ 02 : Nhà mụ, nhà phước xưa
+  03 : Lề luật và sinh hoạt nhà phước
+ 04 : Nữ tu Đa Minh trước 1996
+ 05 : Nữ tu Đa Minh sau 1996
+ 06 : Địa chỉ Đan viện và các hội dòng nữ Đa Minh

CÁC HỘI DÒNG NỮ ĐA MINH TỪ 1996

Liên Hiệp Nữ Đa Minh Việt Nam 1996

Từ năm 1983, trong tinh thần về nguồn linh đạo Dòng, một số anh em Đa Minh đã xướng xuất những cuộc gặp gỡ hàng tháng giữa các thành phần tu sĩ nam nữ Đa Minh tại tu viện Mân Côi, Gò Vấp. Với sự tham gia tích cực của các hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, Thánh Tâm, Rosa Lima và Lạng Sơn.

Trong các buổi sinh hoạt ấy, anh chị em đã cùng nhau nghiên cứu, dịch thuật, học hỏi, trao đổi, chia sẻ các đề tài liên quan đến linh đạo và tinh thần Dòng. Hai nguồn tài liệu chính ban đầu là cuốn Les Dominicains của anh em Đa Minh Pháp và cuốn Tinh thần Dòng của cha Walgrave OP.

Sau đó, buổi gặp gỡ tương tự được tiến hành tại các cộng đoàn chị em. Con đường về nguồn này được tiếp nối bởi các tài liệu hàng tháng của văn phòng Tỉnh Dòng.

lienhiep1.jpg

Ngoài ra, trong hướng đi chung của các Tổng hội Dòng Đa Minh từ cuối thập niên 1980, cổ võ sự hợp tác “cùng nhau thi hành sứ vụ” giữa các anh chị em trong Gia đình Đa Minh, Tỉnh dòng Đa Minh đã tổ chức ngày truyền thống Gia đình Đa Minh vào dịp lễ các thánh Dòng đầu tháng 11, và các buổi giao lưu, học hỏi cho từng thành phần riêng biệt: các bề trên, các dì giáo, các buổi giao lưu học viện, tập viện, và thỉnh viện.

Đặc biệt, hai cha Giám tỉnh Giuse Đoàn Thiệu và Giuse Đinh Châu Trân, đã rất tích cực gợi ý và nhiệt thành cổ võ cho sự liên kết các Hội dòng nữ Đa Minh Việt Nam. Phần chị em, nhận thấy đây là một đường hướng mới và là cơ hội giúp các Hội dòng phát huy những yếu tố chung, để cùng hợp tác, tương trợ, và cùng dấn thân vì lợi ích Giáo hội, nên các chị em đã cùng gặp gỡ, cầu nguyện, lắng nghe Chúa Thánh Thần và đón nhận những sự hướng dẫn ; đồng thời, có những chuẩn bị cần thiết cho sự liên kết trong tương lai.

Ngày 2.5.1991, tại trụ sở Tỉnh Dòng ở Phú Nhuận, dưới sự chủ tọa của cha giám tỉnh Đinh Châu Trân, các Bề trên và đại diện bốn Hội dòng Tam Hiệp, Thánh Tâm, Xuân Hiệp và Lạng Sơn, đã bàn thảo và nhất trí đề ra một tiến trình cụ thể :

+ Thống nhất một kiểu tu phục cho tất cả chị em, khởi sự từ lễ thánh Đa Minh 8-8-1991.

+ Soạn một bản Hiến Pháp chung cho các Nữ tu Đa Minh tại Việt Nam. Kế hoạch này được thực hiện qua 4 giai đoạn : 1) Phác họa bản Dự thảo Hiến Pháp dựa vào những bản Hiến Pháp hiện hành của các Hội Dòng thành viên. 2) Thử nghiệm. 3) Đưa ra Tổng Hội các Hội Dòng để duyệt y. 4) Đệ trình Đấng bản quyền phê chuẩn.

Cuộc họp này đặt nền tảng cho những sự kỳ diệu Thiên Chúa sẽ tiếp tục thi ân cho các nữ tu Đa Minh trên đất Việt. Theo sự ủy nhiệm của cha giám tỉnh Đinh Châu Trân, cha nguyên giám tỉnh Đoàn Thiệu nhận làm cố vấn giúp chị em trong việc soạn thảo Hiếp Pháp chung này.

ban_hienphap.jpg

Ban soạn thảo Hiến Pháp chung bắt đầu chương trình làm việc từ tháng 11-1991. Cha cố vấn Giuse trực tiếp làm việc thường xuyên với các chị chuyên viên. Trong giai đoạn khởi sự, Ban Soạn thảo còn được sự hỗ trợ tích cực của cha Đa Minh Chu Quang Đương, OP. Và từ tháng 8-1993, cha Giuse Phan Tấn Thành OP. đã tận lực giúp đỡ chị em.

Sau gần ba năm làm việc, bản Dự thảo Hiến Pháp Chị Em Đa Minh được hình thành và phổ biến về các Hội Dòng xin góp ý kiến. Đến tháng 9-1995, sau khi đã đúc kết các ý kiến, sửa lại văn bản và tái duyệt xét, bản Dự thảo Hiến Pháp được chính thức phổ biến để thử nghiệm trong các Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam.

Để chuẩn bị cho sự ra đời của Liên Hiệp, các Bề Trên thuộc các hội dòng Đa Minh tại miền Nam đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ.

– Ngày 20-9-1994, với tư cách Bề trên Hội Dòng được lập sớm hơn, chị Bề trên Rosa Đinh Thị Ngọc Hương (Đa Minh Tam Hiệp) đã triệu tập phiên họp chung tại Trụ sở tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam. Phiên họp này bàn cụ thể về việc thành lập hiệp hội các dòng nữ Đa Minh tại Việt Nam.

– Ngày 19-8-1995, có sự hiện diện của Cha Giuse Phan Tấn Thành, các Bề trên và các chị đại diện của bốn Hội Dòng nữ nhóm họp để tiếp tục thảo luận về đường hướng liên kết.

– Ngày 12-2-1996, nhân dịp kinh lý tỉnh dòng Việt Nam, hai vị Phụ tá Tổng quyền : cha Kevin Toomey OP và cha Jean Jacques Pérennes OP, đã có cuộc gặp gỡ với các bề trên và chị em đại diện các Hội Dòng Nữ Đa Minh. Chị em đã trình bày với các ngài về định hướng thành lập hiệp hội các Hội Dòng Nữ Đa Minh Việt Nam và Học viện Liên Dòng.

totnghiep.JPG

Ngày ra trường một lớp Học viện thánh Tôma

Sau đó, qua lá thư gửi Bề trên các hội dòng Đa Minh Việt Nam ngày 22-02, với tư cách đại diện Bề trên tổng quyền Timothy Radcliffe OP, cha Kevin Toomey OP đã kêu gọi các hội dòng liên kết chặt chẽ với nhau trong nhiều phương diện. Ngài cũng gợi ý những điểm rất cụ thể về tính chất của tổ chức và việc soạn thảo bản quy chế như Giáo luật ấn định.

– Ngày 25-2-1996, với sự hiện diện của cha phụ tá tổng quyền Kevin Toomey OP và cha giám tỉnh Giuse Đinh Châu Trân OP, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Bề trên các Hội Dòng đã thống nhất sẽ tiến hành thành lập ban thường vụ của hiệp hội vào thời điểm gần nhất.

– Ngày 10-3-1996 đã ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử của chị em Đa Minh Việt Nam, tại trụ sở hội dòng Đa Minh Thánh Tâm, đại diện bốn hội dòng đã nhóm họp để thảo luận về mô hình tổ chức. Hội dòng Đa Minh Bùi Chu vì đường xa cách trở, không thể tham dự buổi họp, nhưng đề nghị và được chấp thuận tham gia Liên Hiệp. Các đại biểu đã bỏ phiếu chấp thuận chọn mô hình tổ chức và danh xưng chính thức của tổ chức là LIÊN HIỆP NỮ ĐA MINH TẠI VIỆT NAM.

Ban điều hành tiên khởi của Liên Hiệp gồm :

+ Chủ tịch : Chị Isabelle Trần Thị Kim Hường
+ Phó : Chị Agnès Nguyễn Thị Thịnh
+ Thư ký: Chị M. Constance Trần Thị Sâm
+ Thủ quỹ: Chị Maria Bùi Thị Điểm

Các Hội Dòng cũng đề cử các chị đại diện vào Ban thường vụ. Chị Rosa Đinh Thị Ngọc Hương được mời sinh hoạt cùng Ban Thường Vụ với tư cách là cố vấn.

Các Ban Thường Vụ kế tiếp sẽ điều hành Liên Hiệp theo bản Nội quy do Ban Thường Vụ tiên khởi soạn thảo. Kể từ đây, thành viên của Ban Thường Vụ là các Bề Trên Tổng Quyển của mỗi Hội Dòng của Liên Hiệp.

Vào thời điểm 1996 chị em đã có 1.049 nữ tu hoạt động tại 141 cộng đoàn.

lienhiep3.jpg

Cùng Nhau Phục Vụ Lời

Với mục tiêu chung “Cùng Nhau Phục Vụ Lời”, sau ngày thành lập Liên hiệp, chị em các Hội Dòng Nữ Đa Minh tại Việt Nam đã hợp tác với nhau trong nhiều lãnh vực : từ huấn luyện, đào tạo, đến phụng vụ và sứ vụ…

Nhận thức việc học tập các thánh khoa sẽ giúp các nữ tu Đa Minh trẻ trở nên những người nữ giảng thuyết trong công tác mục vụ huấn giáo, Học viện Liên Dòng Thánh Tôma đã được khai giảng ngay từ niên khóa 1996-1997, với chương trình hai năm học. Từ năm 2001, chương trình được nâng lên thành ba năm. Mới đầu học viện được tổ chức ngay tại Trung tâm mục vụ giáo xứ Đa Minh Ba Chuông. Đến khi giáo xứ Đa Minh chuẩn bị xây dựng thánh đường mới, các lớp học dời về cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế, số 38 Kỳ Đồng.

Các khóa thường huấn dành cho các bề trên và các huấn luyện viên được tổ chức thường xuyên vào tháng 10 mỗi năm. Ngoài ra, Ban điều hành Liên Hiệp đã tham dự những khóa học, và tham dự những cuộc họp do Hiệp hội Nữ tu Đa Minh thế giới tổ chức tại hải ngoại.

Về phụng vụ, từ năm 1997, các Hội Dòng đã thống nhất một mẫu nghi thức khấn dòng. Và để gắn kết sâu xa hơn cả khi sống cũng như lúc chết, các Hội Dòng có giao ước cầu nguyện cho các chị em qua đời.

Năm 2004, sau chín năm thử nghiệm, bản Hiến pháp Chị Em Đa Minh Việt Nam được tu chính và phổ biến cho các Hội Dòng.

Trong những năm đầu thành lập, chị em đã phát hành hai tập san “Đuốc Sáng”. Chị em cũng đã cùng nhau thi hành sứ vụ tại hai thí điểm truyền giáo : Cà Mau và Trảng Tranh, được đánh giá cao về tinh thần tông đồ, sự hòa đồng và dấn thân cho sứ vụ chung. Chị em cũng hợp tác với tỉnh dòng Đa Minh, tích cực tổ chức những chuyến cứu trợ và đóng góp giúp đỡ đồng bào bị thiên tai tại miền Bắc hoặc miền Trung, và cùng nhau thực hiện các công cuộc bác ái xã hội khác.

Bên cạnh đó, Liên Hiệp đã hỗ trợ bước đầu cho sự hình thành của nữ đan viện Đa Minh tại Việt Nam. Những thành viên đầu tiên của Đan viện từng giữ các chức vụ quan trọng trong các Hội dòng.

Năm 2006, với năm Hội Dòng thành viên và một Hội Dòng ứng viên là Đa Minh Thái Bình, nhân số của chị em như sau : 1.468 nữ tu (1.055 khấn trọn, 413 khấn tạm), 91 tập sinh, 129 tiền tập sinh, 695 thỉnh sinh, 49 tận hiến, gồm 127 cộng đoàn hiện diện tại 13 giáo phận trải dài trên cả ba giáo tỉnh, và một tỉnh dòng tại hải ngoại.

Chị em Liên hiệp nữ Đa Minh sẽ có những bước tiến mới trong tinh thần tôn trọng, đối thoại, sẵn sàng tương trợ và cùng nhau dấn thân phục vụ Lời ở mọi biên cương Thánh Thần sai chị em tới, để ngọn đuốc sáng Đa Minh mãi bừng cháy lên.

gddm_1992.jpg

GIA TĂNG SỐ HỘI DÒNG

Hội Dòng Nữ Đa Minh Thái Bình

Sau biến cố 1954, số chị em các nhà phước giảm nhiều. Thậm chí, có nơi chỉ còn một chị ở lại cầm cự “giữ đất giữ nhà”. Dầu sao đến năm 1990, các nhà phước Thái Bình còn khoảng 50 chị em. Con số tuy không nhiều nhưng đó là “nguồn nhân lực nòng cốt” cho việc lập Hội dòng tương lai.

Năm 1990, ngay khi về nhận giáo phận Thái Bình, đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang đã nghĩ đến việc cải tổ các Nhà Phước. Ngài trao việc đó cho bà Maria Nguyễn Thị Thanh, bà Nhất nhà phước Thái Bình.

Năm 1991, từng lớp các chị em nhà phước Thái Bình được gửi vào miền Nam để học tập và tuyên khấn tại hội dòng Đa Minh Rosa Lima, Miền Mân Côi. Sau 10 năm cải tổ, số các chị em nữ tu Đa Minh Thái Bình đã tăng lên nhiều.

Ngày 25.03.2004, Đức Cha Phanxicô Nguyễn Văn Sang công bố Sắc lệnh thành lập Dòng nữ Đa Minh Thái Bình thuộc với tước hiệu Đức Maria Trinh Nữ Vương.

Năm 2014 sau 10 năm thành lập, hội dòng Đa Minh Thái Bình có 13 cộng đoàn, thi hành sứ vụ tại tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên, tại 2 tu viện, 1 tu xá, 9 tu sở và 1 điểm hiện diện. Nhân sự gồm 74 chị khấn trọn, 52 chị khấn tạm, 4 tập sinh, 5 tiền tập sinh và 43 Thỉnh sinh.

Ba Hội Dòng Khai sinh Một Ngày

Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, trong tinh thần truyền giáo để Lời Chúa được vang xa. Trong tổng hội Hội dòng Rosa Lima tháng 12 năm 2012, ba hội dòng mới được khai sinh, thuộc ba giáo phận mới. Đó là :

Đa Minh Phú Cường – Đức Mẹ Mân Côi.
Đa Minh Bà Rịa – Đức Mẹ Vô Nhiễm
Đa Minh Bắc Ninh – Đức Maria Mẹ Thiên Chúa.

op_danvien01.jpg

Nữ Đan Viện Thánh Linh Xuân Lộc

Ý tưởng thành lập đan viện Đa Minh đã được anh em Đa Minh cổ võ từ trước năm 1975. Nhưng do hoàn cảnh mãi đến năm 1996, trong những cuộc viếng thăm của các Bề trên Tổng Quyền và phụ tá tổng quyền, ước muốn ấy mới được thôi thúc lại. Tỉnh hội 1999 đã chính thức cổ võ và đề ra một tiến trình chuẩn bị. Và ngày 23-10-2002 được coi là ngày khai sinh Đan Viện Đức Maria Thánh Linh tại Việt Nam, khi một số chị em đã chính thức đăng ký tham gia tiến trình ấy, qua phiên họp tại Tu Viện Alberto, Phú Nhuận, với sự hiện diện của nữ tu Mary Figura, bề trên đan viện Farmington Hills, và chị

Từ năm 2003 lần lượt các nữ đan sĩ Việt Nam có lời khấn đơn và khấn trọn. Sau một thời gian tạm trú tại phụ xá Lạc Quang, Sài Gòn, cộng đoàn đã đến ngụ tại cơ sở hiện nay, thuộc xứ Ngũ Phúc, Hố Nai.

Ngày 25.03.2014, tại thánh đường giáo xứ Ngũ Phúc, giáo phận Xuân Lộc, đức cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh đã chủ sự thánh lễ công bố sắc lệnh thành lập Đan Viện Nữ Đa Minh đầu tiên tại Việt Nam, với tước hiệu Đan viện “Đức Maria Thánh Linh”.

op_nay2014.jpg

Dự tỉnh Đức Mẹ La Vang

Dự tỉnh Đức Mẹ La Vang trước đây là Gia đình Đa Minh Thánh Thể, đã được đức cha Đa Minh Nguyễn Văn Lãng thành lập năm 1978, được cha giám tỉnh Gioakim Nguyễn Văn Liêm chủ sự nghi thức nhận tu phục cho những chị em tiên khởi. Ngày 19-2-1979, chị em gia nhập Gia đình Đa Minh và ngày 25-3-1979, chị em có lớp khấn đầu tiên.

Hiện nay chị em đã sáp nhập và trở thành Dự tỉnh Đức Mẹ La Vang, thuộc Hội dòng Đa Minh Mân Côi Monteil. Trụ sở: 38D Hoàng Diệu, Xuân Thanh, Long Khánh.

Như vậy tại Việt Nam vào tháng 3-1915, ngoài Đan viện, có chín hội dòng Nữ Đa Minh và một Dự Tỉnh, với hơn 2.200 nữ tu hoạt động. Đó là chưa kể đến các Hội dòng nữ đang thời kỳ thăm dò : Đa Minh Mân Côi Pháp, Đa Minh Truyền Giáo, và Đa Minh Truyền Tin.

Thống kê các hội dòng Nữ Đa Minh tháng 3-2015

Hội dòng                  Khấn trọn Khấn tạm   Tổng số   Tập sinh

OP Bùi Chu                  213               63          276           33 *
OP Tam Hiệp                 245            105          350           38 *
OP Thánh Tâm             310             100          410           39 *
OP Rosa Lima              146               69            215           21 *
OP Lạng Sơn               170               111          281           10
OP Thái Bình                79                51            130             5
OP Phú Cường            190               40            230           15
OP Bà Rịa                    127                54            181           11
OP Bắc Ninh                 48                40              88           11
OP Đức Mẹ La vang     26                20              46             8

Tổng                           1.554             653         2.207       196

(*) Bốn hội dòng có hai năm tập

Trong năm 2015, có 108 nữ tu vĩnh khấn và 114 nữ tu tiên khấn,
nâng tổng số chị em Đa Minh hiện nay lên 2.321 nữ tu.

Xin coi bản tin “Mùa thánh hiến 2015”