Nữ tu Inah Canabarro Lucas là nữ tu cao niên nhất thế giới và Linh mục cao niên nhất tại Trung Quốc qua đời

1. Nữ tu cao niên nhất thế giới là sơ Inah Canabarro Lucas, người Brazil, 116 tuổi

Nữ tu Inah Canabarro Lucas là nữ tu cao niên nhất thế giới và Linh mục cao niên nhất tại Trung Quốc qua đời

Chị Inah Canabarro Lucas sinh ngày 08 tháng Sáu năm 1908, tại São Francisco de Assis, rửa tội năm lên 17 tuổi. Sau một thời kỳ sống tại Montevideo, thủ đô của Uruguay, chị chuyển về Tijuca gần thành Rio de Janeiro để dạy tiếng Bồ và toán học. Năm 1934, khi được 26 tuổi, chị khấn trọn đời trong dòng Thánh Têrêsa và từ năm 1980, chị sống trong một tu viện của Dòng thánh Têrêsa ở thành phố Porto Alegre.

Hồi năm 2018, khi được 110 tuổi, chị Canabarro nhận được thư chúc mừng của Đức Thánh cha Phanxicô. Hồi tháng Giêng 2021, chị được chích ngừa dịch Covid-19. Dầu vậy, năm sau đó, 2022, chị bị nhiễm Corona virus, nhưng chị vượt thắng sau đó và trở thành người cao niên nhất chiến thắng được bệnh này.

Người cháu của chị là ông Cléber Canabarro, 84 tuổi, nói với báo Folha de São Paulo rằng mới đây, nữ tu Inah bị đưa vào nhà thương vì bị đau. Nhưng sau khi khám bệnh, các bác sĩ không thấy chị có bệnh nào, vì đó chỉ là hậu quả của tuổi già.

Chị được coi là người cao niên nhất, sau khi bà Tomiko Itoola, người Nhật bản, qua đời hồi cuối tuần trước, theo sách các kỷ lục thế giới Guinness World Records.

Trước chị Canabarro, nữ tu cao niên nhất thế giới là chị Lucile Random, người Pháp, thuộc Dòng Nữ tử Bác ái thánh Vinh Sơn Phaolô, qua đời ngày 17 tháng Giêng năm 2023, khi được 118 tuổi và 340 ngày. Chị qua đời trong giấc ngủ vì những lý do tự nhiên. (Tổng hợp 5-1-2025)

2. Linh mục cao niên nhất tại Trung Quốc qua đời

Linh mục cao niên nhất tại Trung Quốc, cha Giuse Quách Phúc Đức (Guo Fude) đã qua đời ngày 30 tháng Mười Hai năm 2024 vừa qua, tại Giáo phận Tể Ninh (Jining), Tỉnh Sơn Đông (Shandong), hưởng thọ 105 tuổi.

Cha Quách Phúc Đức thuộc vào số rất ít các linh mục thụ phong trước khi khai sinh Cộng hòa nhân dân Trung Quốc năm 1949 và còn sống. Theo trang mạng Tín Đức (Xinde) của Công giáo ở Hoa Lục, có 25 linh mục thuộc số này.

Cha Quách Phúc Đức thuộc Dòng Ngôi Lời, sinh ngày 01 tháng Hai năm 1920 trong một gia đình Công giáo nhiệt thành ở huyện Tảo Trang (Zaozhuang), gia nhập tiểu chủng viện Duyện Châu (Yanzhou) năm 13 tuổi, và Đại chủng viện Đại Trang (Daizhuang) sáu năm sau đó. Năm 1947, thầy Quách được thụ phong linh mục rồi được gửi sang Manila học bổ túc. Năm 1950, tức là một năm sau khi đảng cộng sản lên nắm chính quyền tại Trung Quốc, cha trở về nước thi hành sứ vụ trong thời điểm khó khăn.

Cha đã từ chối tham gia các hoạt động tố giác các giáo sĩ khác, và từ khước cộng tác với chế độ. Năm 1959, cha bị bắt và trải qua tám năm rưỡi trong tù và bị cáo về tội ”khuynh đảo chống nhà nước”. Trong thời Cách mạng văn hóa 1967, cha Quách Phúc Đức bị cáo làm gián điệp cho ngoại bang và năm 1979, cha được trả tự do nhưng rồi bị bắt lần thứ ba vào năm 1982 vì tiếp tục truyền đạo. Tổng cộng, cha trải qua 25 năm trong lao tù và mãi đến cuối thập niên 1980, cha mới được thi hành sứ vụ tại Tể Ninh, giảng dạy vài năm tại Chủng viện và tiếp tục phục vụ các cộng đoàn Công giáo địa phương cho đến cuối thập niên 1990.

Trong cuốn hồi ký nhân dịp kỷ niệm 100 tuổi, cha Phúc Đức kể lại ”Nhà tù đã trở thành nơi tôi có thể suy tư, cầu nguyện và tăng trưởng tinh thần. Thời gian bị cầm tù đã cho tôi sức mạnh để đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống và tiếp tục phụng sự Chúa, với ý thức rằng mỗi thử thách là thành phần trong kế hoạch của Chúa. Kinh nghiệm của tôi trong tù đã dạy tôi rằng những giàu sang trần thế thật là phù du, trong khi niềm tin nơi Thiên Chúa là sự phong phú đích thực duy nhất”.

Lòng trung thành với Thiên Chúa trong những thăng trầm mà cuộc đời lâu dài và có nhiều khúc quanh của cha Phúc Đức đã được Đức cha Gioan Lữ Bồi Sâm (Lu Peisen), đương kim Giám mục Giáo phận Duyện Châu (Yanzhou) nhắc đến trong lễ nghi an táng. Ngài nói: ”Cha Quách Phúc Đức đã hiến trọn cuộc đời để viết lên trang sử tuyệt vời về lòng vị tha và yêu thương, dùng chính cuộc sống của mình như cây bút và thời gian như mực để viết. Ngày nay, nhiều người còn nhớ đôi mắt sâu xa nhưng nồng nhiệt của cha, câu nói của cha gợi hứng cho vô số các linh mục trẻ và tín hữu. Cha nói: ”Linh mục không phải là một nghề trần thế, nhưng là một ơn Chúa ban. Các cha phải phục vụ dân, nhưng không để mình bị lây nhiễm tinh thần thế tục; phải yêu thương tất cả mọi người, không tìm kiếm điều gì cho bản thân; các cha trước tiên phải học cúi mình và rửa chân cho tha nhân, để xứng đáng đến gần Mình Máu Thánh Chúa Kitô”. (Asia News 4-1-2025)

https://www.asianews.it/notizie-it/Shandong:-la-morte-di-p.-Guo-Fude,-il-prete-pi%C3%B9-anziano-della-Cina-62221.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *