Soeur Maria Nguyễn Thị Kim Hoa hiện là Phó Trưởng khoa Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế. Với tay nghề cao và tấm lòng tận tâm với trẻ, bác sĩ Kim Hoa là nhân vật chủ chốt trong kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, thắp sáng hy vọng sống cho nhiều bệnh nhi…
Tận tâm với nghề
Từ một cô gái học chuyên toán, nguyện ước muốn dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và theo nghề y, soeur Nguyễn Thị Kim Hoa hiện là tu sĩ tại Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm (TP. Huế). Trở thành viên chức tại BVTW Huế năm 2013, TS.BS. Kim Hoa dành hết tâm sức cho công tác chuyên môn. Để chuẩn bị cho lộ trình ghép tế bào gốc tự thân (GTBGTT), BVTW Huế cử TS.BS. Kim Hoa đi học ở TP. Hồ Chí Minh, Mỹ, Nhật…
GTBGTT (hay còn gọi là ghép tủy) là quá trình thay thế các tế bào máu gốc bất thường bằng những tế bào máu gốc khỏe mạnh. Tế bào gốc được lấy từ chính bản thân bệnh nhân, lấy từ máu ngoại vi huy động hoặc dịch tủy xương. Bệnh nhân sẽ được điều trị hóa chất nhằm loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại, sau đó truyền tế bào gốc để phục hồi hệ thống, giúp rút ngắn giai đoạn suy tuỷ.
Tháng 11/2019, Trung tâm Nhi triển khai GTBGTT cho bệnh nhi mắc các bệnh lý ung thư khối mô đặc và hạch bạch huyết. Nhớ lại những ngày đầu triển khai kỹ thuật này, TS.BS. Kim Hoa rất lo lắng và áp lực song tất cả đều diễn ra một cách an toàn. Mỗi một lần truyền tế bào gốc, ê kíp thực hiện gồm 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng, 1 kỹ thuật Khoa Huyết học; đội ngũ này tiếp tục được đào tạo, nâng cao năng lực.
Khi đã làm chủ kỹ thuật, TS.BS. Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, mỗi bệnh nhi có một quy trình điều trị khác nhau. Sau khi dùng hóa chất liều cao, thời gian chờ tủy “mọc” lại, bệnh nhân sẽ có các biến chứng về nhiễm trùng. Trường hợp khiến TS.BS. Kim Hoa nhớ mãi là một trẻ nhỏ người dân tộc thiểu số 2 tuổi, bị u nguyên bào võng mạc di căn. Trong quá trình ghép, bệnh nhân sốc nhiễm trùng trở nặng nhưng may nhờ sự theo dõi xử lý sát nên bé được cứu sống. “Thường quá trình theo dõi ghép phải xem trẻ có những biến chứng, phát hiện, xử trí kịp thời mới giúp trẻ phục hồi sức khỏe”, BS. Kim Hoa cho hay.
Chị Lê Thị Loan, mẹ bé Nguyễn X.B. (2014) ở Hà Tĩnh mắc bệnh ung thư hạch. B. được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2, rồi vào BVTW Huế điều trị, ghép tủy. Sau khi thu tế bào gốc, vào thuốc vòng hóa chất cuối cùng thì B. bị xuất huyết bàng quang, đau đớn, bỏ ăn. Nhìn con, ruột gan chị như thắt lại. Sự động viên của đội ngũ y bác sĩ, trong đó có TS.BS. Kim Hoa đã tạo điểm tựa tinh thần giúp mẹ con chị vượt qua giai đoạn khó khăn nhất kể từ lúc điều trị.
Với tâm niệm cứu người, nữ tu sĩ khoác áo blouse không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực chuyên môn. PGS.TS. Phan Hùng Việt, Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Nhi, Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế người hướng dẫn luận văn tiến sĩ của BS. Kim Hoa nhận xét: “Làm luận án nghiên cứu rơi vào thời điểm COVID-19, gửi mẫu xét nghiệm ra phòng xét nghiệm nước ngoài khó khăn, tốn kém vô cùng, song soeur vẫn âm thầm, kiên trì vượt qua. Tất cả nhằm mong cứu nhiều bệnh nhân dù gặp không ít trở ngại. Soeur cũng là con người khiêm nhường trong học thuật, có tâm, có đức”.
Thắp lên sự sống, san sẻ yêu thương
Đến tầng 5 Trung tâm Nhi khoa sẽ bắt gặp vô vàn những hình ảnh, câu chuyện rơi nước mắt đến từ khắp mọi miền đất nước. TS.BS. Kim Hoa bảo gương mặt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên các bé khiến tình yêu thương trẻ trong trái tim nữ tu sĩ ấy ngày càng lớn dần. “Trong buổi đọc kinh sớm, mình đều cầu mong cho các bé vượt qua”, soeur Kim Hoa trải lòng.
Bác sĩ điều trị trong lĩnh vực Nhi khoa thường đối mặt với áp lực từ bệnh nhân và người nhà. TS.BS. Kim Hoa luôn gần gũi, tạo sự thân thiện với trẻ; làm công tác tâm lý và giải thích cặn kẽ cho gia đình. Điều này cũng giúp nữ bác sĩ nắm rõ nhiều hoàn cảnh gia đình; biết rõ tâm tính, sở thích bệnh nhi. Trên cơ sở đó, cùng với Phòng Công tác xã hội của bệnh viện, soeur còn kết nối với mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí phẫu thuật, sinh hoạt phí hàng tháng cho hàng chục trường hợp khó khăn.
N.H.Đ. sinh ra trong một gia đình làm nghề biển ở Quảng Bình. Bé mắc u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Hơn một năm trị liệu, kinh tế gia đình kiệt quệ. Nhận tin con được GTBGTT, gia đình bé vui mừng đến rơi nước mắt. “Hy vọng sống của con được thắp lên từ tình yêu thương của mọi người trong đó có BS. Kim Hoa. Giờ bé đã khỏe hơn nhiều rồi, mẹ bé Đ. khoe.”
Mỗi lần khoa tổ chức hoạt động dành cho bệnh nhi, BS. Kim Hoa là một trong những người sát cánh chăm lo, tìm cách tạo niềm vui cho trẻ. Từ biểu diễn văn nghệ, thời trang, trò chơi…các em như quên những cơn đau để hòa mình cùng bạn bè. Những món ăn trẻ yêu thích, những món quà chia sẻ cùng nhau dịp lễ tết ở Khoa Nhi Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy tiếp thêm nghị lực và bồi đắp tình yêu thương cho bệnh nhi. Điều trị thành công các ca bệnh nan y, soeur Kim Hoa cho hay có sự góp sức to lớn của đội ngũ y bác sĩ trong khoa. Trải qua những tháng ngày điều trị và sống trong tình yêu thương, chẳng hề ngạc nhiên khi nhiều bệnh nhi nơi đây có chung ước mơ lớn lên sẽ trở thành bác sĩ.
Chị Nguyễn Thị Thúy My, mẹ cháu N.T.T.N. ở Kon Tum vẫn xúc động nhớ lại thời gian con chiến đấu với bệnh tật. “Ở cùng con, tôi mới thấu hiểu hết sự vất vả, căng thẳng, áp lực, bận rộn của đội ngũ y bác sĩ. Đặc biệt, TS.BS. Kim Hoa là người luôn sát cánh, chỉ bảo động viên, giúp đỡ hỗ trợ cháu trong quá trình điều trị cháu mới mạnh khỏe trở lại như hôm nay. Tận tâm khảm mình tôi chỉ biết nói lời cảm ơn”, chị My nói.
ThS.BS. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế nhận xét: “BS. Kim Hoa là nữ tiến sĩ Nhi khoa đầu tiên, người đóng vai trò chủ chốt trong GTBGTT. Soeur có chuyên môn tốt, làm việc tận tâm, tận lực và là nữ tu có tấm lòng nhân hậu. phong cách sống gần gũi, giản dị nên soeur được các bệnh nhi và bố mẹ các cháu yêu thương. Ngoài điều trị, BS. Kim Hoa còn dốc hết sức nối các nguồn lực hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị. Lãnh đạo bệnh viện ghi nhận sự đóng góp của TS. BS. Nguyễn Thị Kim Hoa trong lĩnh vực GTBGTT tại đơn vị.”
Theo GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc BVTW Huế, Bệnh viện đã trang bị máy móc trang thiết bị hiện đại, phòng ghép tủy đạt chuẩn quốc tế. Bên cạnh việc hội chuẩn đa chuyên khoa hàng đầu trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật, Canada, Singapore…nhằm tối ưu hóa trong điều trị tối đa mô thức.
“Cùng với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao như TS.BS. Nguyễn Thị Kim Hoa, kỹ thuật GTBGTT tại BVTW Huế đã được thực hiện thường quy, chuyên nghiệp. Thời gian đến, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai GTBGTT cho các bệnh nhi bị mắc các bệnh lý suy tủy, ung thư máu hay Thalassemie để nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỹ thuật GTBGTT và đem lại sự sống mới cho nhiều bệnh nhi”, Giám đốc BVTW Huế khẳng định.
Đến nay, Trung tâm Nhi GTBGTT 30 ca, trẻ nhỏ nhất là 2 tuổi, và trẻ lớn nhất là 8 tuổi. Trong số đó, có 26 ca bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, 2 ca u nguyên bào võng mạc di căn và 2 ca lymphoma không Hodgkin tái phát. Với con số này, BVTW Huế xếp thứ hai trong cả nước về GTBGTT điều trị bệnh lý u đặc trẻ em.
Tuệ Ninh
Nguồn: https://baothuathienhue.vn