Phóng sự Ngày Đời Sống Thánh Hiến 2020 tại Vatican và Lời cầu nguyện cho các linh mục, tu sĩ

Lúc 5 giờ chiều ngày thứ Bảy ngày 01.02.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kỷ niệm Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ 24 bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Đây là ngày kỷ niệm đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết định vào năm 1997.

Trong thông điệp Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới lần thứ nhất, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giải thích rằng ngày này có ba mục đích:

Trước hết, đó là cơ hội để chúng ta ngợi khen Chúa một cách trang trọng và cám tạ Ngài vì hồng ân lớn lao của cuộc sống thánh hiến đã và đang làm phong phú cũng như linh hoạt các cộng đoàn Kitô với vô số đặc sủng và các hoa trái của rất nhiều cuộc sống hoàn toàn được tận hiến cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

Thứ hai, ngày này nhằm mục đích quảng bá các kiến thức về đời sống tận hiến và lòng yêu mến cuộc sống thánh hiến trong toàn thể dân Chúa.

Lý do thứ ba liên quan trực tiếp đến những người tận hiến. Các vị được mời gọi cử hành cùng nhau một cách long trọng những điều kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện trong họ, khám phá ra những tia sáng từ tôn nhan Thiên Chúa đang dõi chiếu đường đời của họ và có một ý thức sinh động hơn về sứ mệnh không thể thay thế của họ trong Giáo Hội và trên thế giới. Trong một thế giới thường bị kích động và mất tập trung, những người tận hiến cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến để trở lại nguồn mạch ơn gọi của họ, và để tái khẳng định cam kết hiến dâng cuộc sống cho Chúa.

Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong năm Phụng Vụ, không có ngày lễ nào thích hợp hơn để cử hành Ngày Đời Sống Thánh Hiến Thế Giới cho bằng ngày Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh. Ngài nhận xét rằng “Việc dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh là một biểu tượng hùng hồn cho sự hiến dâng trọn vẹn cuộc sống của tất cả những ai được kêu gọi để trình bày trong Giáo Hội và trước thế giới các nét đặc trưng của Chúa Giêsu – đó là trong sạch, khó nghèo và vâng phục.”

Đồng tế với Đức Thánh Cha trong thánh lễ, có Đức Hồng Y João Aviz de Braz, người Ba Tây, Tổng Trưởng Bộ các Dòng Tu, Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký José Rodríguez Carballo, các chức sắc của Bộ này, một số các cha Bề trên Tổng quyền, và các linh mục dòng, trước sự hiện diện của 9000 tu sĩ nam nữ và giáo dân.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép nến và một cuộc rước tiến lên bàn thờ do 50 tu sĩ nam nữ đại diện cho các hình thái đời sống Thánh Hiến khác nhau.


Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa” (Lc 2:30). Đây là những lời của ông Simêôn, mà Tin Mừng trình bày như một người đơn sơ “công chính và sùng đạo” (v 25.). Nhưng trong tất cả những người đàn ông đứng trong đền thờ ngày hôm đó, chỉ có ông là người duy nhất nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ông ấy thấy điều gì? Thưa một hài nhi: một đứa bé nhỏ nhoi, mong manh và đơn sơ. Nhưng nơi hài nhi ấy, ông nhìn thấy ơn cứu độ, bởi vì Chúa Thánh Thần cho ông nhận ra nơi hài nhi dịu dàng ấy “Đấng Kitô của Chúa” (v. 26). Đón nhận hài nhi vào vòng tay mình, ông nhận thấy, trong đức tin, rằng nơi hài nhi ấy, Thiên Chúa đã thực hiện những lời hứa của Người. Và như thế, ông Simêôn, có thể ra đi trong bình an vì ông đã được thấy ân sủng đáng giá hơn cả mạng sống (x. Tv 63: 4), và ông không còn trông mong điều gì khác hơn.

Anh chị em cũng vậy, những anh chị em tận hiến thân yêu, là những người nam nữ đơn sơ, đã nhìn thấy kho báu đáng giá hơn tất cả những của cải thế gian. Vì kho báu ấy, anh chị em đã để lại những thứ quý giá, như những của cải, như việc hình thành nên gia đình riêng của mình. Tại sao anh chị em làm điều đó? Thưa vì anh chị em đã yêu mến Chúa Giêsu, anh chị em nhìn thấy mọi thứ nơi Người và, bị cuốn hút bởi ánh mắt của Người, cho nên anh chị em giã từ những thứ còn lại. Cuộc sống tận hiến là tầm nhìn này. Đó là nhìn thấy những gì là quan yếu trong cuộc sống. Đó là chào đón món quà của Chúa với vòng tay rộng mở, như ông Simêôn đã làm. Đây là những gì mắt của người tận hiến nhìn thấy: đó là ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ vào tay họ. Người tận hiến là một trong những người nhìn vào bản thân mình mỗi ngày và nói: “ Tất cả mọi thứ là một hồng ân, tất cả mọi thứ đều là ân sủng”. Anh chị em thân mến, chúng ta không xứng đáng với đời tu, đó là một món quà tình yêu mà chúng ta đã nhận được.

Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Đây là những từ chúng ta lặp lại mỗi đêm trong Kinh Tối. Với những lời ấy, chúng ta kết thúc một ngày và nói “Lạy Chúa, ơn cứu rỗi của con xuất phát từ Ngài, tay con không phải là hai bàn tay trắng, nhưng đầy tràn ân sủng của Chúa”. Khi chúng ta nhìn lại, khi đọc lại lịch sử đời mình, chúng ta thấy ân sủng trung tín của Chúa ở đó, không chỉ trong những khoảnh khắc tuyệt vời của cuộc sống, mà cả trong những mỏng dòn, yếu đuối, và đau khổ. Tên cám dỗ, ma quỷ, cứ nhất mực nhắc đến những bất hạnh của chúng ta, và hai bàn tay trắng của chúng ta. Nó nói rằng trong nhiều năm qua anh chị em chẳng cải thiện được chút nào, anh chị em đã không đạt được những gì anh chị em có thể, họ không cho phép anh chị em làm những gì anh chị em đã được dẫn dắt, anh chị em không luôn luôn trung thành, anh chị em không có khả năng vân vân và vân vân. Mỗi người trong chúng ta đều biết câu chuyện này, và những lời lẽ này rất rõ. Chúng ta thấy rằng điều này có phần đúng đấy và chúng ta chạy theo những ý nghĩ và cảm xúc làm chúng ta hoang mang. Và chúng ta có nguy cơ mất đi la bàn của mình, là sự nhưng không của Chúa. Bởi vì Chúa luôn yêu thương chúng ta và hiến thân cho chúng ta, ngay cả trong những bất hạnh của chúng ta. Thánh Giêrôm đã trao cho Chúa nhiều điều nhưng Chúa cứ đòi hỏi thêm nữa. Thánh nhân nói với Chúa: “ Nhưng, Lạy Chúa, con đã trao cho Chúa tất cả mọi thứ, tất cả mọi thứ, còn gì nữa đâu?”. Chúa trả lời “Hãy trao cho Ta cả tội lỗi của con, những khổ đau, và những bất hạnh của con”. Khi chúng ta dán mắt nhìn lên Chúa, chúng ta mở lòng mình ra cho ơn tha thứ là điều canh tân chúng ta và chúng ta được củng cố nhờ lòng trung tín của Chúa. Ngày hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi mình: “Tôi đang hướng cái nhìn của tôi vào ai: vào Chúa hay vào tôi?” Ai biết làm thế nào để nhìn thấy trước hết ân sủng của Thiên Chúa thì phát hiện ra thuốc giải độc cho những ánh mắt ngờ vực và trần tục.

Có một cám dỗ treo lơ lửng trên đời tu: đó là cám dỗ có một cái nhìn trần tục. Đó là ánh mắt không còn thấy ân sủng của Thiên Chúa như là nhân tố chính của cuộc sống và tìm kiếm những điều thay thế: một chút thành công, một niềm an ủi trìu mến, hay cuối cùng tôi cũng làm được điều tôi muốn. Nhưng cuộc đời tận hiến, khi nó không còn xoay quanh ân sủng của Thiên Chúa nữa, thì quay trở lại với bản ngã của mình. Nó mất đi động lực, ngả về phía sau, và trì trệ. Và chúng ta đều biết những gì sẽ xảy ra khi đó: chúng ta đòi hỏi không gian của chúng ta và quyền lợi của chúng ta, chúng ta để cho mình bị lôi kéo bởi những tin đồn và ác ý, chúng ta nhận nổi giận với tất cả mọi thứ sai lệch dù nhỏ đến đâu và chúng ta hát kinh cầu của những lời than thở, về những người khiếu nại, “các cha khiếu nại”, “các sơ khiếu nại” với anh em, chị em, cộng đồng, Giáo Hội, xã hội. Chúa không còn được nhìn thấy trong mọi thứ, mà chỉ còn thế gian với sự năng động của nó, và trái tim co lại. Vì thế, ta trở thành con người của các thói quen và thực dụng, trong khi bên trong nỗi buồn và sự ngờ vực tăng dần, suy thoái thành sự cam chịu. Đây là những gì cái nhìn trần tục dẫn đến. Thánh Têrêsa vĩ đại nói với chị em mình: “Khốn cho các nữ tu cứ lặp đi lặp lại ‘họ đã đối xử bất công với tôi’, khốn thay!”

Để có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống, chúng ta phải cầu xin cho biết cách cảm nhận được ân sủng của Thiên Chúa dành cho chúng ta, như ông Simêôn. Tin Mừng lặp đi lặp lại ba lần rằng ông quen thuộc một cách thân mật với Chúa Thánh Thần, là Đấng hằng ngự trên ông, linh báo cho ông, và thúc đẩy ông (xem câu 25-27). Ông quen thuộc với Chúa Thánh Thần, với tình yêu của Chúa. Cuộc sống tận hiến, nếu vẫn vững vàng trong tình yêu của Chúa, sẽ thấy được vẻ đẹp. Ông thấy rằng đức thanh bần không phải là một cố gắng cam go, mà là một sự tự do siêu việt, mang lại cho chúng ta Thiên Chúa và tha nhân như những gì giàu có thực sự. Ông thấy rằng đức khiết tịnh không phải là một sự vô sinh khắc khổ, mà là cách để yêu mà không cần chiếm đoạt. Ông thấy rằng đức vâng lời không phải là kỷ luật, mà là sự chiến thắng trên thói vô chính phủ của chúng ta theo phong cách của Chúa Giêsu. Đề cập đến đức thanh bần và đời sống cộng đồng thì tại một trong những vùng đất động đất kia, ở Ý, có một tu viện dòng Biển Đức đã bị phá hủy và một tu viện khác đã mời các nữ tu chuyển đến ở với họ. Nhưng họ chỉ ở lại đó một thời gian ngắn: họ không hạnh phúc, họ nghĩ về nơi họ đã rời đi, về những người ở đó. Và cuối cùng họ quyết định trở lại tu viện cũ của mình, mà nay chỉ còn là hai căn nhà lưu động. Thay vì lưu lại một tu viện rộng lớn, thoải mái, họ quay lại sống như những con ruồi ở đó, cùng nhau, nhưng hạnh phúc trong nghèo khó. Điều này chỉ mới xảy ra năm ngoái. Một chuyện thật đẹp!

Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Ông Simêôn thấy nơi Chúa Giêsu nhỏ bé, khiêm nhường, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, và ông tự xác định mình như người tôi tớ. Thật vậy, ông nói: “Muôn lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ này được an bình ra đi.” (câu 29.). Những người nhìn sự vật như Chúa Giêsu nhìn, thì học được cách sống để phục vụ. Họ không chờ đợi những người khác bắt đầu, nhưng chính họ bắt đầu tìm kiếm người hàng xóm của mình, như ông Simêôn tìm kiếm Chúa Giêsu trong đền thờ. Hàng xóm trong đời tận hiến của tôi là ở đâu? Đây là câu hỏi: Nơi nào là hàng xóm trong đời tận hiến? Trước hết là trong cộng đồng của chính mình. Chúng ta cần phải xin cho được ân sủng để biết làm thế nào để tìm kiếm Chúa Giêsu nơi những anh chị em được trao cho chúng ta. Chính ở đó, chúng ta có thể bắt đầu đưa đức ái vào thực hành: ngay tại nơi chúng ta sống, bằng cách chào đón những anh chị em của mình trong sự nghèo khó của họ, như khi ông Simêôn chào đón Chúa Giêsu đơn sơ và khó nghèo. Ngày nay, nhiều người chỉ nhìn thấy nơi tha nhân những trở ngại và phức tạp. Chúng ta cần có một ánh mắt tìm kiếm người lân cận của chúng ta, một ánh mắt đưa những người ở xa đến gần hơn. Các tu sĩ nam nữ, những người bắt chước Chúa Giêsu, được mời gọi nhìn vào thế giới, với một ánh mắt thương cảm, một ánh mắt tìm kiếm những người ở xa; một ánh mắt không lên án, nhưng khuyến khích, giải phóng, an ủi, một ánh mắt của lòng trắc ẩn. Đó là một ánh mắt lặp lại cụm từ trong Phúc Âm, khi nói về Chúa Giêsu, “Ngài chạnh lòng thương”. Đó là cách Chúa Giêsu ngự xuống trên mỗi người chúng ta.

Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Đôi mắt của Simêôn nhìn thấy ơn cứu độ bởi vì đôi mắt ấy đang mong chờ điều đó (xem câu 25). Đó là đôi mắt chờ đợi, và đầy hy vọng. Đôi mắt ấy tìm kiếm ánh sáng và rồi đã thấy ánh sáng của các dân nước (xem câu 32). Đôi mắt tuy đã già nua, nhưng bừng sáng trong hy vọng. Ánh mắt của những người tận hiến nam nữ chỉ có thể là ánh mắt của hy vọng, biết làm sao hy vọng. Khi nhìn xung quanh, chúng ta thấy rất dễ mất hy vọng: bao nhiêu những điều không đúng như lòng mong muốn, sự suy giảm ơn gọi… Cám dỗ có cái nhìn trần tục, vô hiệu hóa mọi hy vọng, vẫn luôn lơ lửng ở đó. Nhưng chúng ta hãy nhìn vào Tin mừng và thấy ông Simêôn và bà Anna: họ đã già, và cô đơn, nhưng họ không mất hy vọng, vì họ đã ở lại trong tình hiệp thông với Chúa. Bà Anna “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (v. 37). Đây là bí quyết: đừng bao giờ xa lạ với Chúa, Đấng là nguồn mạch của hy vọng. Chúng ta trở nên mù lòa nếu chúng ta không trông lên Chúa mỗi ngày, nếu chúng ta không tôn thờ Ngài. Hãy thờ phượng Chúa!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì hồng ân cuộc sống tận hiến và xin Chúa cho chúng ta một cách nhìn mới, biết cách nhận ra ân sủng, biết cách tìm kiếm người lân cận của mình, và biết hy vọng. Rồi mắt chúng ta cũng sẽ thấy ơn cứu độ.

Lời nguyện giáo dân

Mở đầu phần lời nguyện giáo dân, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Được Chúa Thánh Thần qui tụ để kỷ niệm cuộc gặp gỡ giữa Chúa Kitô và dân Người, chúng ta hãy kết hiệp với Đức Maria và Thánh Giuse để dâng lên Thiên Chúa Cha của chúng ta những ý nguyện sau:

1) Xin Chúa ban cho Đức Thánh Cha ơn khôn ngoan và bền đỗ. Xin Chúa thương xót chúng con.
2) Xin Chúa bảo vệ các Giám mục và Linh mục trong sự thật và bác ái. Xin Chúa thương xót chúng con.
3) Xin Chúa hướng dẫn những người tận hiến bước đi trong sự thánh thiện và niềm vui trọn vẹn. Xin Chúa thương xót chúng con.
4) Xin Chúa nâng đỡ các Kitô hữu bị bách hại, xin cho họ giữ vững hy vọng và dũng cảm theo Chúa bất chấp mọi nghịch cảnh. Xin Chúa thương xót chúng con.
5) Xin Chúa khơi dậy trong tâm hồn những người cai trị lòng mong muốn những điều tốt đẹp và nhiệt tâm đối với người dân. Xin Chúa thương xót chúng con.
6) Xin Chúa hoán cải trái tim những người tội lỗi bằng ân sủng và lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
7) Xin Chúa canh tân nơi những người phối ngẫu Kitô giáo tình yêu và sự quảng đại tha thứ. Xin Chúa thương xót chúng con.
8) Xin Chúa ban cho chúng con nhiều ơn gọi linh mục và đời sống tận hiến. Xin Chúa thương xót chúng con.
9) Xin Chúa an ủi những người cô đơn và những ai bị bỏ rơi với sự hiện diện và đồng hành của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
10) Xin Chúa mở cửa thiên đàng cho ai đang hấp hối và các tín hữu đã ra đi trước chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.

Sau các lời nguyện này, Đức Thánh Cha cầu nguyện như sau:

Lạy Cha, nơi Con Cha được dâng vào đền thờ, Cha đã cho chúng con thấy rõ ràng cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước cũ và mới, cúi xin Cha cho Giáo hội trải nghiệm niềm vui hân hoan khi cùng với Đức Maria và mọi người bước đi trong ánh sáng rực rỡ của Cha.
Vì Chúa Kitô, Chúa chúng con. Amen


Source:Libreria Editrice Vaticana

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *