Sách tháng Đức Bà: Ngày XXVI – Việc thứ tư người ta quen làm để tôn sùng Ðức Mẹ là năng đọc kinh Kính mừng

1. Trong các kinh người ta quen đọc để cầu xin Ðức Mẹ, chẳng có kinh nào đẹp lòng Ðức Mẹ cho bằng kinh Kính Mừng.

Ðó là những lời Sứ thần truyền tin cho Ðức Mẹ, là lời bà thánh Isave ca ngợi Ðức Mẹ, cũng là lời Giáo Hội thêm vào để tung hô Ðức Mẹ.

Ðọc kinh Kính Mừng, người ta nhắc lại cho Ðức Mẹ tin vui mừng Sứ thần đã đem đến cho Người, và phúc trọng Thiên Chúa ban cho Người được làm Mẹ Con Thiên Chúa. Ðọc kinh Kính Mừng, người ta ca ngợi những phúc cả cao đầy ở nơi Ðức Mẹ từ lúc chịu thai, khi ở thế gian và trót đời Người.

Ðọc kinh ấy, người ta tóm lại những lời ca tụng Ðức Mẹ trong các sách của mọi thời đại.

 

Ðức Mẹ đã tỏ cho bà thánh Melthiđa biết không kinh nào làm đẹp lòng Ðức Mẹ cho bằng kinh Kính Mừng. Chẳng những thế, không kinh nào sinh nhiều ơn ích cho người ta bằng kinh ấy.

Thánh Bênađô kể: Chẳng lần nào ta đọc kinh ấy mà Ðức Mẹ chẳng ban ơn. Một ngày kia, ông thánh đi qua tượng Ðức Mẹ vừa đi vừa đọc kinh Kính Mừng. Ðọc vừa xong, ông thánh thấy Ðức Mẹ gật đầu tỏ ý bằng lòng.

Thầy Alanô, dòng Ða Minh nói: “Khi tôi đọc kinh Kính Mừng, các thánh nam nữ trên trời reo mừng, các quỉ dữ hỏa ngục kinh khiếp, tôi cảm thấy hết lo buồn, hết khô khan thấy thêm lòng ghét tội và đầy lòng mến Chúa”.

Không ai có thể diễn tả hết sự ngọt ngào êm ái của kinh Kính Mừng.

Có nhiều tích làm chứng Ðức Mẹ đã ban nhiều ơn cho những người sốt sắng đọc kinh Kính Mừng. Có người bị những cơn cám dỗ mãnh liệt, kêu xin Ðức Mẹ và đọc kinh Kính Mừng liền được khỏi ngay.

Có người suốt đời khô khan tội lỗi, chỉ đọc mỗi ngày một kinh Kính Mừng mà đến giờ chết, Ðức Mẹ hộ giúp được ăn năn hối cải. Có những người bị quỉ dữ cám dỗ làm khổ, được khỏi, vì đọc đi đọc lại kinh Kính Mừng. Nhiều người bị tai nạn hầu chết mà được Ðức Mẹ cứu thoát, là vì miệng họ không ngớt đọc kinh Kính Mừng.

2. Vì là một kinh đẹp lòng Ðức Mẹ nhất, nên ta hãy đọc kinh ấy cho sốt sắng. Từ rạng đông, ban trưa, đến lúc chiều tối, theo tiếng chuông, ta hãy dâng lên những lời ca ngợi chào mừng Ðức Mẹ đầy ơn phúc: đây Sứ thần truyền tin cho Ðức Mẹ được làm Mẹ Thiên Chúa. Ðây Ngôi Hai đã bỏ trời xuống thế trong lòng Trinh Nữ Maria! Theo tiếng chuông Ave, hàng ngàn giáo dân hãy cúi đầu đồng thanh:

“Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng tôi. . .” Tiếp đến lời chào: “Kính mừng Maria” sốt sắng vang dội.

Khi gặp những cơn cám dỗ cheo leo, hãy mau đọc kinh Kính Mừng.

Sáng ngày khi thức dậy, buổi tối khi đi ngủ, cũng đừng quên nhớ đến Ðức Mẹ và đọc kinh Kính Mừng.

Phải đọc kinh ấy với một tâm hồn sốt sắng, đơn sơ như người con ca ngợi Mẹ, thành thực như Sứ thần chào kính Mẹ.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ có phúc trọng hơn mọi phụ nữ. Xưa Mẹ đã được Sứ thần Thiên Chúa hết lòng cung kính kính mừng Mẹ. Nay chúng con cũng hết lòng mượn lời Sứ thần ca tụng kính mừng Mẹ muôn đời hạnh phúc.

Thánh Tích :

Có một học sinh tên là Antoniô, đậu tú tài, cha mẹ mừng rỡ thưởng cho anh ta rất nhiều tiền, lại cho đi du lịch bên Balê, một kinh thành có tiếng xa hoa, với những tòa nhà lộng lẫy, với những lối ăn chơi thỏa thích.

Trước khi Antoniô lên đường, có một bà nhờ Antoniô một việc, là vào nhà thờ Ðức Mẹ thắng trận ở Balê, đọc một kinh Kính Mừng cầu nguyện cho bà ấy.

Antoniô vốn khô khan, thấy bà nhờ việc ấy thì không được hài lòng mấy, phải miễn cưỡng nhận lời bà ấy dặn. Antoniô lưu lại Balê 15 ngày, rong chơi khắp mọi nơi. Mãi đến lúc ra về, Antoniô mới nhớ đến lời bà lão dặn. Lựa lúc vắng người, Antoniô lẻn vào nhà thờ Ðức Mẹ, quỳ một xó, anh liền cảm thấy mình đầy tội lỗi. Rầu nét mặt, đôi mắt đã bắt đầu sa lệ, giọt lệ thống hối đầu tiên.

Chợt lúc ấy có linh mục chính xứ vào nhà thờ, thấy Antoniô đứng khóc liền hỏi: “Con đi đâu? Có việc gì? Sao lại khóc?”. Antoniô chẳng thưa lại và vẫn nức nở khóc. Linh mục cầm lấy tay Antoniô nói rằng: “Ðây hẳn là một chiên lạc được Ðức Mẹ dắt về cùng Chúa. Con hãy tạ ơn Ðức Mẹ, Người đã hết lòng thương con”.

Antoniô gạt nước mắt thưa: “Lạy Cha, con là kẻ có tội, xin Cha cứu lấy con”. Thầy Cả khuyên bảo, yên ủi và giúp Antoniô xét mình xưng tội. Antoniô xưng tội, rước lễ sốt sắng và lưu lại mấy ngày tạ ơn Ðức Mẹ rồi mới về, trong lòng vui sướng nhẹ nhàng.

Về đến nhà, anh kể lại đầu đuôi câu truyện cho mọi người biết hiệu lực của kinh Kính Mừng trong nhà thờ Ðức Mẹ thắng trận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *