Gần 2h đêm, cơn gió lạnh lẻ loi ngấm vào da thịt, tôi khoác thêm chiếc áo và lần bước trong bóng đêm. Lại ra đi – sứ mệnh của đôi chân! Tạ ơn Chúa vì những lúc cần con Ngài lại cất tiếng gọi mời qua những con Người rất dễ thương quanh con:
– Chị nói rồi cứ đi đi, để chị gọi cháu nó.
– Em nói rồi cô cứ đi đi mọi việc rồi sẽ ổn! Lại phải thu gọn mọi thứ lại phải vác Ba-lô ra đi theo tiếng gọi của con tim.
– Chào Bác Tài xế. Con chào tất cả mọi người! (hay – Cám ơn Bác tài. Cám ơn tất cả mọi Người!)
Đó là câu cửa miệng mà xuất phát từ sâu thẳm trong tôi mỗi khi bước chân lên xe, cho dù đó chỉ là chuyến xe khách bình thường.
Tôi bỏ lại nỗi lo bên lề đường, theo lời mời gọi bước đi. Chuyến xe âm thầm xé bóng đêm lao về phía trước mặc dù chở nặng hàng hóa và nặng tâm tình của đoàn Người mang ”Nụ cười” đi trao cho người anh em. Điểm đến là Số 6 LaCua, thuộc giáo hạt Cà Mau, giáo phận Cần Thơ.
– Cha Phó đang đứng bên lề đường nhá đèn xe kìa. Tiếng ai đó đang reo…
Trời còn tờ mờ, cơn gió lạnh buốt từng hồi, cả Cha Sở và Cha Phó đích thân khoác áo lạnh ra tận nơi đón đoàn, cùng chất hàng hóa xuống ghe. Cả đoàn nhanh chân cuốc bộ chừng cây số để đến đích an toàn. Tôi tiễn, rồi tôi đưa, tôi chứng kiến giây phút tay bắt mặt mừng, tôi nhìn ngắm từng nét mặt mang hình hài dáng dấp của Đức Ki-tô xinh đẹp buổi sớm mai, lòng rạng tỏa niềm vui. Nghe ai đó nói Cha Sở đang vác đồ kìa không chụp hình, tôi sững người chưa chấp nhận rằng đó là Cha. Lại những ngạc nhiên đi kèm, tôi đưa máy lên cao chớp vội bức hình, lòng nghĩ ngợi. Thật là Cha?!
Tôi nhận ra một điều không có ngón tay đưa lên cao để chỉ xuống, mà tất cả các bàn tay nắm vào nhau để cùng chung chia công việc. Hình ảnh các “Mục Tử” lăn xả vào giữa bầy chiên luôn đẹp lung linh và sáng ngời trong lòng dân Chúa. Tôi đã đi và đã từng gặp nhiều những Mục Tử của lòng Chúa mong ước, ngồi xuống xoa dịu vết đau cho bầy chiên, cúi xuống để nâng đỡ những con chiên bị thương tích, lao vào cứu nguy những con đang trong nguy cơ khẩn cấp. Bước chân đẹp rảo quanh đời!
Hàng hóa được nhanh chóng chuyển lên phân chia, mọi người ăn vội vã chút bánh mì rồi lại lặn lội ra đi đến với những người nghèo khổ, bệnh tật, người cần được xoa dịu và sẻ chia. Tôi âm thầm bước theo họ, bước chân xinh xắn, vuốt tròn, đôi tay mịn màng ân sủng của ơn ban. Đón chúng tôi là ông lão một mình đơn độc chống chọi với bệnh tật, là bà lão cô độc trong căn chòi mái lá khô giòn, là người chồng bệnh cùi, trong giai đoạn không còn lỡ ngồi quạnh hiu trông ngóng tin vợ từ giường bệnh nặng nơi bệnh viện với đứa con khờ khờ.
Tôi nhìn cảnh Người Sài Gòn sang trọng vất vả cheo leo qua cây cầu khỉ để đến an ủi những phận nghèo, gợi cho tôi hình ảnh một Đức Maria khăn gói leo suối trèo rừng để đến với người chị họ mang tin mừng, mang niềm vui của cứu độ đến với hài nhi trong cung lòng chị. Trân quý chút quà mang sẻ chia, nhưng trân quý hơn là sự hiện diện là lời ân cần thăm hỏi, là hình ảnh Đức Ki-tô được dán nhãn khắp nơi qua từng cử chỉ hành động việc làm của người Ki-tô- hữu. Tôi đi bên họ, để thấu hiểu, để cảm thông, và hơn hết là để nhận sự bình an trong tâm hồn vì chính mắt được nhìn thấy nét đẹp vẫn trải dài trên mọi nẻo đường phủ kín mảng tối của sân-si- đố kị nơi không ít những tâm hồn chai lỳ vô cảm với việc tốt mà lại là mảnh đất màu mỡ của tội ác và xấu xa đang lan nhanh ra xã hội.
Điểm dừng chân cuối cùng là một cặp gia đình đã được trở về với Chúa 1 năm, rất xa nhà thờ, mỗi lần đi lễ phải đi bộ rất xa, cầm theo chiếc nón bảo hiểm để nhỡ có ai có lòng tốt thì cho quá giang. Anh bệnh không thể lao động được, trên thân hình chị chứa đầy di chứng của chất độc màu da cam, mụn đầy khắp người, xòe bàn tay khoe cái mụn phình to trong lòng bàn tay, chị nói mấy ngày nay đau nhức không làm việc nhà được. Niềm hy vọng tràn đầy của chị là có được cháu trai là sinh viên năm thứ 2 của Trường Đại Học Cần Thơ (Tôi biết từ một nơi hẻo lánh thuộc Cà Mau xa xôi) mà đậu Đại Học Cần Thơ thì em phải nỗ lực học tốt đến dường nào. Em đúng là niềm tự hào của anh chị, em đã đụng chạm vào tim tôi, đụng chạm vào cái cảnh nghèo khổ chen chân vào Đại Học và phải vất vả mưu sinh của thời chúng tôi. Tôi cúi đầu thầm ngưỡng mộ hai Người, tôi lục lọi trong cái túi chứa máy chụp hình có 1 tờ tiền duy nhất, tôi nhét nhẹ vào tay chị, một chút lì xì cho anh chàng sinh viên như sự đáp trả cuộc đời vì có lần ai đó cũng đã chìa tay ra trả cho tôi suất cơm khi tôi chỉ còn những đồng tiền cuối cùng, hoặc có người bạn đã chìa ra xấp tiền, cho tôi đóng học phí để khỏi bị cấm thi. Ân tình ấy cứ thôi thúc tôi đáp trả khi gặp các sinh viên đúng bản nghèo như chúng tôi ngày ấy. Tôi cảm thấy lòng bình yên!
Trên đường về chúng tôi được dừng lại nhà Bác trong Ban Hành Giáo uống ly nước dừa ngọt lịm nghĩa tình, nghe những câu chuyện “một ngọt hai mặn” mưu sinh của bà con, rồi chuyện trắc trở khó khăn khi đi lễ giữ đạo niềm tin cứ như mong manh đứt rời vì nhà Chúa quá xa, vì con còn lam lũ với miếng cơm manh áo đời thường nên tạm gác Chúa qua một bên. Chuyện học hành của con em thì bấp bênh dính líu với con cua, con sú ngoài đồng, nghe sao mà nó mù mù xa xăm.
Trưa, lòng nhiều người nôn nao bụng cồn cào mà nồi cơm chưa chịu chính mà sống nhăn răng, tôi thấy Cha Sở rất nhanh nhẹn vào cuộc như thợ nấu chuyên nghiệp, quạt lấy quạt để, gấp than chất lên nắp nồi mồ hôi nhuể nhãi miệng lẩm bẩm xin ơn Thánh Thần mang lửa thiêng và gió hồng ân đến, một lúc lâu thì cả Hai cha và đoàn cũng được một bữa ăn ngon y chang bữa lễ “ Vượt Qua” của người Do Thái ngày xưa. Xin tri ân tình yêu!
Đón bà con trong tâm tình rất yêu thương với bữa ăn nhẹ được chăm chút cho từng Cụ Già, nhìn Sơ Trưởng đoàn cứ lăn xả vào công việc một cách đam mê không biết mệt mỏi tôi lại muốn lần mò ra Sứ Vụ cao cả nơi con người thân hình và giọng nói tỉ lệ nghịch với nhau. Chân thoăn thoắt, tay hết việc này bắt việc kia, miệng nở nụ cười, lòng lo lắng cho mọi người ăn có ngon không, có no không, các em nhỏ có đầy đủ không? Tôi tự hỏi Đức Ki-tô ơi sao Ngài mang nhiều bộ mặt thế? Sao người trộn lẫn giữa nhân trần muôn hình vạn trạng thế, trong bóng dáng các cụ già lặng lẽ bên chiếc bàn tròn và bát nuôi nóng hổi, ánh mắt thất thần xa xăm, khuôn mặt chất phát hiền lành. Bên hình hài các em nhỏ rất dễ thương, không ồn ào manh động, ngoan ngoãn kiên nhẫn đứng xếp hàng để chờ tới lượt mình được vui chơi, nét đẹp của sự văn minh vẫn tỏa rạng sống động nơi vùng xa xôi này.
Tết này khỏi phải lo gạo, tôi nghe đâu đó lời thì thầm của Bà ngoại nói với đứa cháu mình khi hai Bà cháu đang kệ nệ quà sẻ chia của đoàn. Trước khi nhận quà các cụ được sẻ chia kiến thức “ Niềm vui tuổi già” và được tận tay đón nhận tình thương mà có các bàn tay nắm lại làm nên.
Tôi đứng đó bên góc cạnh cuộc đời để nghe lỏm câu chuyện của họ. Tôi đứng đó giữa cái nắng chiều hanh hanh để nhìn các em nhỏ được vui chơi một cách hiền hòa, được các anh chị ân cần chỉ bảo, nó văn minh y hệt cái nơi chờ đợi để bước vào máy bay, chỉ khác ở chỗ con người ở đây không được khoác những chiếc quần áo sang chảnh, ánh mắt ngây ngô ngơ ngác và lòng đang mở rộng hứng đón niềm vui. Nhìn các em rồi nhìn xa cao trên nóc nhà thờ trong sâu thẳm tâm hồn tôi vọng về lời nói của Cha Sở Phêrô Nguyễn Chí Hùng lúc ban trưa mà tôi tranh thủ hỏi chuyện.
Trình độ dân trí ở đây đã thấp mà ngày càng trên đà đi xuống. Muốn cứu thế hệ này chỉ có cách duy nhất là đầu tư cho giáo dục. Việc này không phải dễ nhưng Cha vẫn ấp ủ chương trình mang ánh sáng văn hóa hè đến đụng chạm khơi dậy lòng yêu thích học tập của các em, hỗ trợ kèm cặp, phụ đạo kiến thức. Chỉ có vai trò giáo dục chân chính, hòng mang lại ánh sáng chiếu rọi đời các em. Cha đang ưu tư cho một lộ trình “Cõng vác con chữ về làng” về sâu tận ngõ ngách triệt tiêu cái tư tưởng con cái mới mười mấy tuổi đầu bắt nghỉ học kiếm tiền của bậc cha mẹ vì tầm nhìn còn hạn hẹp.
Sâu trong ánh mắt Người Mục Tử nỗi lo cho đàn chiên hằn lên vết nhăn. Tôi ngước mắt nhìn lên cây thánh giá cao chót vót hướng thẳng lên trời và tin rằng với tấm lòng của nhiều người, từ nhiều nơi sẽ giúp Cha kéo dần các em lên để tất cả cùng chạm tay vào “ Thập giá cứu thế” Đường đi Cà Mau xa xôi cách trở, Đường đến với họ đạo số 6 La Cua khó khăn nhưng trong niềm tin có Đức Mẹ luôn là ánh sao lạ chỉ đường sẽ có nhiều những người Sài Gòn đặt bước chân đẹp của mình đến để dẫn dắt một thế hệ trẻ bước ra khỏi vòng xiết của nghèo nàn tri thức, để giáo hội có được cánh đồng rực rỡ hoa màu và niềm vui của cánh đồng truyền giáo nở rộ khoe sắc với mùa xuân.
Cảm ơn một chuyến đi. Cảm ơn mọi người đã cho tôi sờ mó và cảm nhận được lòng quảng đại yêu thương phục vụ qua bát cơm chìa ra của mọi người cho người nghèo, qua niềm vui trên đoạn đường vô tình gặp, qua bến ghé phục vụ để rồi cũng được vụ phục trên chuyến về nơi các gia đình đón tiếp. Xin tri ân Chị Sơ giọng nhỏ nhẹ mà trái tim to vời vợi cho tôi hiểu ý nghĩa sứ vụ của đời phục vụ trong yêu thương. Xin chân thành cảm ơn!
Tieu Ho