Chọn phá thai (pro choice) hay chọn phò sự sống (pro life). Ủng hộ phá thai hay ủng hộ sự sống các thai nhi, mỗi bên đều có những lập luận để biện minh cho quyết định và chọn lựa của mình.
Những người chủ trương phá thai cho rằng họ có quyền làm như vậy, vì đó là quyền tự do chọn lựa: my body, my choice. Ngược lại, những người chống phá thai thì coi đó như những chọn lựa chết người, giết chết một bào thai, một mạng sống. Những bào thai cũng có quyền sống, có quyền được làm người, mặc dù không có tiếng nói để tự biện minh cho chính mình. Nhưng “khi nào một sự sống bắt đầu?”
Thomas Aquinas:
Con người một tạo vật đặc biệt, “nhân linh ư vạn vật”, được Thượng Đế tạo dựng bao gồm cả hồn lẫn xác. Nhưng “Khi nào một sự sống bắt đầu?” Đây là chủ đề đã được Nữ Tu Renée Mirkes, Giám Đốc Center for NaProEthics, một phân khoa đạo đức học của Học Viện Thánh Phaolô VI, Omaha, NE trình bày trên The Catholic THING, ngày 18 tháng Năm, 2022, qua tựa đề Aquinas on When Human Life Begins. [1]
Đối với những người phò sự sống thì phá thai là loại bỏ một mạng sống. Nhưng sự sống bắt đầu từ lúc nào? Sáu tháng? Sáu tuần? Hoặc sớm hơn? Từ trứng vừa thụ thai. Thời gian bắt đầu sự sống cũng là lý do mà những người ủng hộ phá thai dùng để bênh vực cho quyết định của họ. Tại Hoa Kỳ hiện nay trong những tiếng nói ấy, đặc biệt có tiếng nói của tổng thống Joe Biden, mặc dù trước đó khi còn là một thượng nghị sỹ, chính ông đã đòi thu hồi án lệnh ‘Roe chống Wade’ ồn ào nhất. Ngoài ra, ông cũng còn là một tổng thống Công Giáo!
Theo nữ tu tiến sỹ Mirkes, để có câu trả lời này, chúng ta cần tìm hiểu sâu hơn về quan niệm, ý kiến của các vị tiến sỹ bậc thầy như thánh Thomas Aquinas, thánh Augustine, và ngay cả Aristotle bởi vì căn bản của sự sống không chỉ được công nhận dưới cái nhìn vật chất, mà còn phải được nhìn nhận bằng cái nhìn siêu hình, cái nhìn luân lý và đạo đức. Như vậy làm thế nào những nhà khoa bảng theo trường phái Thomas có thể hòa hợp với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về phá thai?
Một mặt, Thomas Aquinas ở thế kỷ thứ 13 dựa trên khoa sinh vật học của Aristotle và Trung Cổ đã cho rằng khoảng 40 ngày cho con trai, và 80 ngày cho con gái là thời gian tương xứng để linh hồn với những quyền năng tinh thần phức tạp có thể nhập vào bào thai sau khi thụ thai (delayed hominization). Theo ngài, ở ngay giây phút thụ tinh “vật chất” (matter) của việc mang thai không tương xứng với khuôn mẫu thực thể (the “substantial form”) của linh hồn. Và dựa trên lý luận của Aristotle khi cho rằng chỉ khi phôi thai đạt đến mức độ hình thành cao hơn mới hoàn chỉnh hình hài con người (organization by a human form) với linh hồn có khả năng suy nghĩ, Thomas Aquinas đã kết luận “Thiên Chúa không hiệp nhất thân xác và linh hồn cho đến khi phôi thai phát triển (God did not unite the body and soul until later in embryonic development.)
Ngược lại với trường phái Plato và Pythagoras cho rằng thân xác là cái “mồ” (tomb) hoặc “nhà tù” (prison) của linh hồn, và rằng linh hồn được trút vào trong thân xác là ngoại lai đối với nó, Aristotle coi linh hồn như một mô thức tự nhiên (natural form) của thân xác. Linh hồn không chỉ là một cái gì đặc biệt, hợp nhất và cộng tác của thân xác con người, nó cũng không bao giờ chống lại, hoặc không có liên quan với thân xác.
Mặt khác, dưới khám phá mới mẻ về phôi thai học của thế kỷ 21 – thì phôi thai con người là một sinh vật được thành hình ngay lập tức từ sự phân bào của tế bào đơn thuần đầu tiên. Trái tim của nó bắt đầu đập khoảng 21 ngày sau khi thụ tinh. Hoặc 5 tuần lễ sau khi người phụ nữ tắt kinh. [2]
Tóm lại, mặc dù lý thuyết Aristotle /Thomas xây dựng trên khoa sinh vật học không chính xác, nhưng cũng nêu lên được sự thật, đó là có sự xuất hiện của linh hồn. Và điều xảy ra tức thời dựa trên DNA lúc thụ thai, đưa đến kết luận: “Sinh mạng hoặc ‘vật chất’ của một phôi thai được hình thành bởi trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông. Phôi thai (embryo) là con người bởi vì thân xác của nó là con người.” Nó không phải là một mớ những tế bào hỗn mang trong bụng người phụ nữ mà những người cánh tả cực đoan, những người chủ trương phá thai muốn bỏ là bỏ.
Augustine (354-430)
Trước Thomas Aquinas rất lâu, Augustine qua một số tác phẩm chính của mình cũng đã đề cập đến phôi thai học (embryology), bao gồm Enchridion, On Marriage and Concupiscence, Against Julian, The City of God, the various Dialogues, and Confessions. Augustine cũng xây dựng lý thuyết của mình trên tư tưởng của Aristotle, mặc dù không phân tích sâu hơn một cách chính xác việc xảy ra này, cũng như việc một phôi thai được nhìn nhận như một con người bé nhỏ giá trị ngay từ lúc thụ thai. Tuy nhiên, những tài liệu của Augustine cho thấy ngài đã vật lộn với tư tưởng về giây phút đón nhận linh hồn (ensoulment). Dù linh hồn nhập vào thân xác lúc nào, nhưng với ngài, phá thai là một trọng tội. [3]
Phá thai là giết thai nhi
Sáu tháng? Sáu tuần? Hoặc sớm hơn? Thời gian đó thai nhi đã có sự sống chưa. Và sự sống con người bắt đầu từ lúc nào? Ai biết rõ? Nếu biết thì sao vì đây là “my body! my choice!” – Thân thể của tôi. Chọn lựa của tôi. Đó là lý do mà những người ủng hộ phá thai và chọn lựa phá thai cho là đúng.
Nhưng như Augustine, Thomas Aquinas, và Aristotle thì vấn đề không nằm ở chỗ là khi nào một phôi thai trở thành một bào thai, cũng như phá thai lúc nào là hợp pháp, là được phép. Con người phải được cấu tạo từ giây phút đầu tiên trong bụng mẹ. Cái gọi là một vật thể sống, một phôi thai ấy đã là “người”, đã có “sự sống” ngay từ giây phút đầu tiên giữa sự gặp gỡ của trứng và tinh trùng.
Thomas Aquinas có thể không đúng dưới cái nhìn của khoa học ngày nay, nhưng đã đúng khi cho rằng “Phôi thai con người là một sinh linh được thành hình ngay lập tức từ một tế bào đơn thuần…” Vì thế dưới cái nhìn về luân lý trước đó, Augustine đã cho rằng phá thai là một trọng tội.
Tóm lại, đây là một trận chiến giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa cứu người và giết người. Phá thai rõ ràng là một tội ác nghiêm trọng cần được chấm dứt! Nó không chỉ thuộc phạm vi cá nhân của người mẹ, mà còn ảnh hưởng đến những mạng sống vô tội!..
Ts. Trần Mỹ Duyệt
_______
Tài liệu tham khảo
1. Renée Mirkes.Aquinas on When Human Life Begins.
The Catholic THING. Wenesday, May 18, 2022
2. Heart development – Wikipedia
https://en.wikipedia.org › wiki › Heart_development
3. Katherine Brind’Amour.
St. Augustine (354-430) | The Embryo Project Encyclopedia
https://embryo.asu.edu › pages › st-augustine-354-430