1. Iran loan báo người đàn ông ở dơ nhất thế giới Amou Haji qua đời sau khi đồng ý tắm lần đầu tiên sau 67 năm
Một người đàn ông Iran đã từ chối tắm rửa trong hơn nửa thế kỷ vì lo lắng nó sẽ khiến mình bị ốm đã tử vong sau khi tắm.
Amou Haji – được mệnh danh là “người đàn ông ở dơ nhất thế giới” đã từ bỏ việc tắm rửa cách đây 67 năm sau khi tin rằng nó sẽ mang lại vận rủi, và cuối cùng giết chết mình.
Các phương tiện truyền thông chính thức của Iran cho biết Haji vẫn khỏe mạnh bình thường, mặc dù có thông tin cho rằng ông ta đã ăn đồ sống và uống nước dơ từ các vũng nước.
Những người hàng xóm của ông đã thuyết phục ông đi tắm vài tháng trước, sau đó các quan chức địa phương ra tay buộc ông phải tắm rửa cho hợp vệ sinh. Nhưng sau đó họ xác nhận ông ốm nặng sau khi tắm và đã qua đời.
Những người hàng xóm đã hành động sau khi nghe tin rằng ông cô đơn, và việc không tắm rửa khiến ông không thể kết bạn với bất cứ ai.
Người ta cũng nói rằng Haji đã hút những chiếc ống chứa đầy côn trùng và ăn thịt nhím chưa nấu chín.
Các chuyên gia quan tâm đến việc nghiên cứu sức khỏe của Haji đã ghi lại rằng, mặc dù ông thiếu vệ sinh cá nhân và chế độ ăn uống thịt thối rữa và nước không sạch, ông nhìn chung không bị bệnh.
Phó giáo sư về ký sinh trùng học, Tiến sĩ Gholamreza Molavi, thuộc Đại học Khoa học Y tế Tehran, đã tiến hành các xét nghiệm trên Haji, kiểm tra ông ta về ký sinh trùng, các dạng viêm gan và AIDS, cũng như các bệnh nhiễm trùng và bệnh tật khác.
Molavi nói rằng, trong điều kiện môi trường không bảo đảm vệ sinh của Haji, sự phát triển của một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ có thể là chìa khóa cho sức khỏe tương đối tốt của ông ấy.
Dấu hiệu duy nhất của tình trạng sức khỏe kém là bệnh giun xoắn, một bệnh truyền qua thực phẩm do một loại ký sinh trùng cực nhỏ gọi là trichinella gây ra, trong trường hợp của Haji dường như không gây ra triệu chứng gì.
Trichinella gây ra khi ấu trùng nở ra trong thịt chưa nấu chín, thường là từ gấu hoặc chó. Sau một tuần, chúng có thể đào sâu vào các cơ lân cận để tạo thành các u nang nhỏ.
Haji được cho là có học thức tốt và cập nhật thông tin chính trị gần đây, bất chấp lối sống hẻo lánh của ông ấy. Gần đây ông được cho là đã thảo luận về những ưu và nhược điểm của Cách mạng Pháp và Cách mạng Nga.
Haji phàn nàn rằng dư luận quốc tế đã khiến cuộc sống của ông trở nên khó khăn và mặc dù hàng xóm của ông vẫn tôn trọng ông, Haji nói rằng mọi người thỉnh thoảng sẽ chế nhạo ông, và thậm chí ném đá ông.
Thông tấn xã chính thức của Iran, IRNA dẫn một nguồn tin cho biết: “Lần đầu tiên cách đây vài tháng, dân làng đã đưa ông vào phòng tắm để tắm rửa.
Haji được cho là đã trốn tránh thành công hai nỗ lực khác của dân làng buộc ông ta phải tắm rửa.
Trong một lần, một nhóm thanh niên người dân địa phương cố gắng đưa ông ta đi tắm nhưng Haji đã bỏ chạy. Sau đó, những người đàn ông trong làng đưa Haji vào một chiếc xe hơi và tìm cách đưa ông xuống sông, nhưng Haji đã mở cửa và thoát khỏi chiếc xe đang di chuyển.
Người dân địa phương đã từ bỏ việc cố gắng tắm rửa cho Haji, cho đến khi họ được hỗ trợ bởi chính quyền địa phương.
Ông đổ bệnh ngay sau đó. Haji đã qua đời vào hôm Chúa Nhật 23 tháng 10 tại nhà riêng ở làng Dejgah, thuộc tỉnh Fars, miền Nam nước này.
Các báo cáo cho biết Haji đã 94 tuổi vào thời điểm ông qua đời, mặc dù các báo cáo trước đó cho rằng ông chỉ mới 87 tuổi.
Source:Seven News
2. Nhà trừ tà nói rằng có 3 cách Satan thích chia rẽ vợ chồng
Trong một buổi trừ tà, Satan thừa nhận rằng hắn ghét cay ghét đắng khi thấy vợ cHồng Yêu mến nhau.
Cha Ambrogio Villa, một linh mục và nhà trừ quỷ của giáo phận Milan, đã giải thích trong một bài giáo lý về những cám dỗ cụ thể mà Sa-tan sử dụng để tấn công các cặp vợ chồng. Thật vậy, “Cách đầu tiên, cách quan trọng nhất mà Satan chia rẽ gia đình, là thông qua tội lỗi,” Cha Villa nói.
Sa-tan tấn công các cặp vợ chồng như thế nào?
Cha Villa liệt kê ba cách mà Sa-tan chia rẽ gia đình, thông qua các tội thiếu sót và sai phạm: bằng cách làm chúng ta phân tâm khỏi việc cầu nguyện; bằng cách làm trầm trọng thêm chủ nghĩa cá nhân của chúng ta; và bằng cách xoay chuyển cách chúng ta sống theo tình dục của mình.
Trước hết, Sa-tan chia rẽ gia đình bằng cách ngăn cản chúng ta cầu nguyện, đặc biệt là việc cầu nguyện trong gia đình. Nhiều gia đình không còn cầu nguyện cùng nhau, như thường lệ trong quá khứ. Ví dụ, trước đây khá phổ biến khi các gia đình cùng nhau lần chuỗi Mân Côi; ngày nay truyền thống đó đang phai nhạt, Cha Villa giải thích.
Cuộc tấn công thứ hai của ma quỷ đối với gia đình là sự đề cao chủ nghĩa cá nhân. Sa-tan nuôi dưỡng thái độ này theo một số cách. Ví dụ, nó khơi mào những cuộc tranh luận trong đó vợ chồng nói những lời gay gắt và gây tổn thương cho nhau; bằng cách làm cho mỗi người nghĩ rằng họ có thể đưa ra quyết định về tài chính mà không cần bất kỳ ý kiến đóng góp nào của người kia; và bằng cách khuyến khích họ quyết liệt bảo vệ quyền lợi của mình mà không cần quan tâm đến quyền lợi của người kia.
“Satan quá đề cao và làm trầm trọng chủ nghĩa cá nhân đến nỗi nó dẫn đến sự phá hủy gia đình,” Cha Villa nói. Chủ nghĩa cá nhân hủy hoại “gia đình, một thiết chế sống dựa trên sự trao đổi của tình yêu.”
Cha Villa giải thích rằng Satan cũng chia rẽ vợ chồng bằng cách làm mất cân bằng tính dục của họ – hoặc khuyến khích thái quá và vi phạm, bao gồm cả nội dung khiêu dâm hoặc ngoại tình, hoặc ngược lại: ngăn chặn hoàn toàn mối quan hệ tình dục của họ.
Source:Aleteia
3. Tại Sao Chúng Ta Phải Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn?
Tháng 11, Giáo Hội dùng cả tháng để cầu nguyện cho các linh hồn, được bắt đầu bằng Lễ Các Đằng Linh Hồn vào ngày 2 tháng 11. Nhiều nơi trên thế giới vẫn gọi tháng 11 là tháng cầu cho các đẳng linh hồn.
Tại sao chúng ta cần cầu nguyện cho các linh hồn? Khi họ còn sống, họ đã làm gì mà khi chết đi chúng ta phải cầu nguyện cho họ?
Đức Tin của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng, Con người sau khi chết sẽ xảy ra ba tình trạng; Được lên Thiêng Đàng, xuống Hoả Ngục hay vào Luyện Hình hay Luyện Ngục.
Thiên Đàng, khi một người sống theo luân lý Công Giáo, luôn kính sợ Thiên Chúa và sống theo giới răn của Ngài. Thiêng Đàng là phần thưởng Thiên Chúa dành cho họ vì công trạng và sự mong ước khi họ còn sống. Thiên Đàng là hạnh phúc bất diệt, là sự sống đời đời và là sự hiệp thông trọn hảo với Thiên Chúa, các Thiên Thần, và các Thánh.
Hỏa Ngục, là những người khi còn sống, đã từ chối ân sủng của Thiên Chúa. Những người ta biết tỏ tường điều tốt xấu nhưng vẫn phạm tội chống lại Thiên Chúa và tha nhân để chọn điều xấu. Hoả Ngục là những người biết được lòng yêu thương và lòng thương xót của Thiên Chúa nhưng vẫn khước từ và không bao giờ hoán cải.
Luyện Ngục, đó là những người sau khi chết, được Chúa hứa ban Thiên Đàng nhưng vẫn phải cần một thời gian thanh luyện vì có những tội lỗi họ đã phạm khi còn sống. Giáo Lý Công Giáo định nghĩa Luyện Ngục là “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa với Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng” (số 1030).
Có một điều là những linh hồn nơi luyện hình không thể cầu nguyện cho chính họ, và họ phải hoàn toàn nhờ vào lòng thương xót và lời cầu nguyện của những người đang còn sống.
Khi một người đã qua đời, chúng ta cũng không thể biết được chính xác linh hồn đó sẽ lên Thiên Đàng, hay xuống hoả ngục, hay sẽ vào chốn Luyện hình vì có những công trạng hay tội lỗi mà chỉ có mình Thiên Chúa và linh hồn đó biết mà thôi, vì vậy việc cầu nguyện cho người qua đời là hết sức cần thiết.
Ngay từ thuở đầu, Giáo Hội luôn cầu nguyện cho những người qua đời, đặc biệt trong Thánh Lễ và các phụng vụ chung. Trong Thánh Lễ, tất cả các Kinh Tạ Ơn đều có phần cầu nguyện cho các linh hồn. Kinh Tạ Ơn II ghi rằng: “Xin Chúa cũng nhớ đến anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại, và mọi người, đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc chúng con đã ly trần trong tình thương của Chúa. Xin cho hết thảy được vào hưởng ánh sáng Tôn Nhan Chúa.” Cũng vậy, trong Phụng Vụ các Giờ Kinh dành cho các tu sĩ và giáo sĩ đọc hàng ngày, đều có lời cầu nguyện dành cho người qua đời đặc biệt là phần Kinh Chiều. Kinh Chiều Chúa Nhật I ghi rằng: “Vì lòng từ bi cao cả Chúa, xin thương đến những người đã qua đời, – và cho họ được vào an nghỉ trong Nước Chúa.”
Tuy nhiên bổn phận của chúng ta là những người Kitô Hữu chúng ta cũng phải đọc kinh cầu nguyện cho các Linh Hồn, tại sao?
Lửa Luyện Tội là có thật: Ở Roma, tại Nhà Thờ Thánh Tâm có một viện bảo tàng trưng những chứng tích các linh hồn hiện về xin cầu nguyện cho họ. Các chứng tích cho thấy trên các sách kinh, khăn bàn thờ, hay trên mặt bàn bị cháy nám in hình bàn tay hay các ngón tay. Họ hiện về xin cầu nguyện cho họ để mau thoát lửa luyện tội và để lại các chứng tích như một bằng chứng. Các Thánh hiện về cũng cho biết, lửa Luyện tội cũng không khác mấy so với lửa Hoả Ngục.
Họ là người thân yêu của chúng ta: Những người qua đời, chắc chắn trong số là những người thân yêu của chúng ta, ông bà cha mẹ anh chị em bạn hữu của chúng ta. Họ đã là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của chúng ta, nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục, chúng ta phải biết cầu nguyện cho họ. Mặc dù nếu chúng ta không có bà con bạn bè thân thuộc, chúng ta cũng phải cầu nguyện cho các linh hồn, vì qua bí tích Rữa Tội, tất cả đều là anh chị em của chúng ta.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói trong một buổi trưa đọc Kinh Truyền Tin: “Truyền thống Giáo hội luôn thức giục chúng ta cầu nguyện cho những người đã qua đời, đặc biệt là dâng lễ cầu cho họ. Đó là các giúp đỡ tốt nhất mà chúng ta có thể làm cho các linh hồn, nhất là các linh hồn bị bỏ rơi. Nền tảng của việc cầu nguyện cho các linh hồn là tình hiệp thông trong Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô”.
Thân phận chúng ta: Cầu nguyện cho các linh hồn trong Luyện hình cũng là một cách để nhớ đến thân phận của chúng ta. Có thể khi nhắm mắt lìa đời chúng ta cũng sẽ vào Luyện Hình để chịu sự thanh luyện của Thiên Chúa. Vì vậy khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi để sống tốt hơn và thánh thiện hơn đời sống Kitô hữu của chúng ta để ước mong khi chết chúng ta được Chúa hưởng phúc Thiên Đàng.
Tập cho con cái biết cầu nguyện: Cầu Nguyện cho các linh hồn và tập cho con cái cầu nguyện cầu nguyện cho các linh hồn là điều hết sức cần thiết cho con cái sau này. Nếu chúng ta không cầu nguyện cho các linh hồn và không tập cho con cái cầu nguyện cho các linh hồn thì khi chúng ta nằm xuống, ai sẽ cầu nguyện cho chúng ta?
Sinh Ơn Ích cho chính chúng ta: Cầu nguyện cho các linh hồn không những giúp các linh hồn mau hưởng phúc Thiên Đàng nhưng còn sinh ơn ích cho chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta không những trở nên những người gần gủi với Thiên Chúa, là những người biết nghĩ đến và yêu thương người khác, là người sống vị tha và không ít kỷ. Những việc làm này đều được Thiên Chúa ghi nhận và chúc phúc cho đời sống của chúng ta.
Niềm Vui cứu rỗi: Cầu nguyện cho các linh hồn thật sự mang rất nhiều hiệu quả thiết thực. Chắc chắc các linh hồn trong luyện ngục sẽ được “rút ngắn” thời gian thanh luyện vì lời nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó chúng ta được gặp anh chị em của chúng ta trên Thiêng Đàng và biết rằng chính những lời nguyện và hy sinh của chúng ta đã giải thoát họ sớm chốn Luyện Hình. Khi chúng ta vào Thiêng Đàng rất nhiều linh hồn đến cảm ơn chúng ta vì những lời nguyện và hy sinh nhỏ chúng ta đã làm cho họ.
Rất dễ làm: Cầu nguyện cho các linh hồn không những rất dễ và lại còn có nhiều cách khác nhau. Đọc kinh Vực Sâu, một vài kinh Kình Mừng hay một vài kinh Lạy Cha, ngắn hơn thì đọc kinh cầu các Linh Hồn (Chúng con cậy vì danh Chúa….) trước khi ngủ hay trong lúc đi bộ. Sốt sáng hơn thì đọc một chuổi mân côi cầu nguyện cho các Linh Hồn. Chúng ta có thể xin lễ cầu nguyện cho các linh hồn và cùng hiệp thông với Linh mục trong Thánh Lễ đó. Hy sinh, hãm minh và làm việc bác ái để cầu cho họ là những điều rất cần thiết. Thăm viếng Nghĩa Trang và phần Mộ của người thân yêu đặc biệt là trong tháng 11, Mùng 2 Tết và ngày Giỗ của họ là những điều rất ý nghĩa và thiết thực.
Các Linh Hồn luôn mong chờ những lời cầu nguyện và những hy sinh nhỏ bé của chúng ta.
4. Halloween và Lễ Các Đẳng Linh Hồn
Những ngày cuối tháng 10, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta đưa những tin liên quan đến việc chuẩn bị cho lễ hội Halloween. Nào là những biểu tượng, trò chơi, nào là những trang phục quái lạ và nghệ thuật trang điểm khuôn mặt quái dị như những thây ma đang bị thối rữa ….
Halloween là từ rút gọn của “All Hallows Eve” trong tiếng Anh, nghĩa là “đêm trước ngày Lễ các Thánh”. Trước thế kỷ X, dân Celtic ở Tây Âu mừng ngày đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11 bằng việc tổ chức lễ hội đình đám và đêm trước đó là những nghi thức tưởng nhớ những người đã khuất.
Nhưng thực ra việc tưởng nhớ và cầu nguyện cho người đã chết đã có từ thời Cựu Ước (x. 2 Macabê 12,44-46) và vẫn được duy trì trong thời Tân Ước; khi cộng đoàn các tín hữu họp nhau cử hành nghi thức bẻ bánh và cùng nhau nghe lại những câu chuyện sống đạo anh hùng của các thánh tử đạo.
Dần dần, các cộng đoàn mở rộng việc tưởng nhớ đến những tín hữu đã tử vì đạo nhưng không được biết tới, và đến những tín hữu là chứng nhân sống Tin Mừng nhưng không tử đạo.
Vào năm 835, Giáo Hội Công Giáo đã quy định lấy ngày 1 tháng 11 hàng năm là ngày Lễ kính các Thánh nam nữ và ngày hôm sau là Lễ cầu cho các linh hồn để nhắc nhở tất cả các tín hữu, còn sống hay đã chết, có công trạng hay không đều được hợp nhất với nhau trong một Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Khi phong trào Cải Cách bắt đầu vào thế kỷ XVI, những người Tin Lành đã bác bỏ tín điều các Thánh thông công và tập tục cầu nguyện cho người chết. Từ đó, ngày vọng Lễ các Thánh (Halloween) đã mất dần ý nghĩa nguyên thủy của nó.
Halloween đã biến thành một lễ hội trần tục và bị thương mại hóa. Lễ hội đã mất đi tính thánh thiêng và những người tham dự lễ hội không còn biết đến những vị thánh tốt lành, những mối tương quan gắn bó giữa người sống và người chết.
Lễ hội Halloween ngày nay đã biến tướng thành những hình thức ăn chơi mang dáng dấp của những trò ma thuật hay những tập tục mê tín dị đoan về người chết. Vài năm trở lại đây, lễ hội này cũng đã du nhập vào Việt Nam và được nhiều người đón nhận, nhất là các bạn trẻ đang tập tành lối sống phương Tây.
Người Việt Nam thường lấy chữ hiếu làm trọng, nhà có người qua đời được gọi là “nhà hiếu”. Chữ hiếu cũng đã được cha ông ta nâng lên thành đạo: Đạo Hiếu. Đạo Công Giáo cũng luôn nhắc các tín hữu hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên. Trong kinh Mười điều răn, điều răn thứ bốn buộc các Kitô hữu phải thảo kính cha mẹ và kinh Thương linh hồn bảy mối cũng khuyên răn ta phải cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết.
Trong các bậc tổ tiên, có những vị đã biết đưa tinh thần Tin Mừng vào cuộc sống đời thường. Các Ngài dám chiến đấu quên thân để chiếm hữu được Chúa và lập nên những công trạng được Giáo hội tôn vinh lên bậc hiển Thánh. Cũng có những vị âm thầm sống hiền hòa, bác ái, vị tha, tín thác vào tình thương của Thiên Chúa mà chỉ có Chúa mới biết và ân thưởng. Cũng có những vị tuy đã sống cuộc đời Kitô hữu nhưng cũng còn có những thiếu sót do yếu đuối và thân phận bất toàn.
Giáo huấn của đạo Công Giáo cho biết có thiên đàng để thưởng người lành, có địa ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Các linh hồn chính là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân … trước đó đã từng sống kiếp làm người với những tội lỗi như chúng ta. Họ là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về nơi mà họ đã được Thiên Chúa tạo dựng từ bụi đất.
Nơi đó họ không còn khả năng lập công chuộc tội và trông chờ vào chúng ta là những người còn sống. Nhưng thường thì người sống thường hay quên kẻ chết vì không còn dịp gặp mặt; có chăng chỉ là những ngày giỗ, tết. Khi thực hiện mầu nhiệm tín điều các Thánh cùng thông công, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn. Khi cầu nguyện cho họ là ta thể hiện lòng biết ơn, tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái.
Vì thế, đạo Công Giáo dành trọn tháng 11 hằng năm, là tháng cuối cùng trong niên lịch phụng vụ, để cầu nguyện cho các linh hồn đồng thời để nhắc nhở chúng ta nhớ đến những ngày cuối cùng của thế giới và của mọi người chúng ta. Trong tháng này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được các Kitô hữu thực hiện như: xin lễ, đọc kinh cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang, chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn…
Hãy bình tâm để đừng sa đà vào một lễ hội còn xa lạ, có lẽ không phù hợp với truyền thống dân tộc và người Kitô hữu chúng ta. Thay vào đó hãy xin lễ, dùng những lời kinh, tiếng hát để cầu nguyện cho các linh hồn được đón nhận trong tình thương của Thiên Chúa. Với tín điều các thánh cùng thông công, chúng ta tin tưởng các linh hồn luôn hiện diện trong cuộc sống của chúng ta như Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Những kẻ Cha đã ban cho con, con muốn rằng con ở đâu thì họ cũng ở đấy với con”.