Lá Thư Đặc Trách
Thư Tháng 2 / 2015
Cộng Đoàn Giáo Xứ Loan Báo Tin Mừng
Anh chị em thân mến,
Bản chất của giáo xứ chính là Giáo hội Phổ quát hiện diện tại địa phương. Giáo xứ cũng có đầy đủ những phẩm tính của Giáo hội phổ quát, và dĩ nhiên cũng có những trách nhiệm của Giáo hội phổ quát. Do đó giáo xứ cần phải thể hiện mệnh lệnh của Chúa Giêsu ban cho các tông đồ và ban cho Giáo hội:
“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo…” (Mc 16,15)
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chị em lương dân thường khá ngại ngùng trước bầu không khí khép kín của các “làng công giáo”. Có nhiều lý do sâu xa trong lịch sử, nhưng cũng phải nhìn nhận rằngcác giáo xứ tại Việt Nam thường khá khép kín, hoặc nhiều khi, nhất là ở những vùng quê, người Kitô còn có thái độ thù nghịch đối với các anh chị em người lương. Mặt khác nhiều giáo xứ không quan tâm đến sứ vụ truyền giáo và bằng lòng với những sinh hoạt sầm uất trong nội bộ của giáo xứ.
Thật sự , việc loan báo Tin Mừng không phải là một việc “làm thêm”, nhưng nằm trong bản chất của Giáo hội. Cũng thế, mỗi người Kitô hữu đều lãnh nhận sứ vụ loan báo Tin Mừng. Do đó, một khi giáo xứ thiếu quan tâm truyền giáo, một khi người Kitô hữu không nhận ra trách nhiệm loan báo Tin Mừng, thì phẩm tính Giáo hội sẽ bị biến chất. Một giáo xứ đóng kín và thiếu “gương soi” sẽ không còn nhận ra khuôn mặt chân thật của chính mình. Dĩ nhiên gương soi của Giáo hội là chính đức Giêsu Kitô, là Thầy, là Hôn Phu và là Chúa của Giáo hội. Nhưng khuôn mặt Giáo hội cũng tỏ lộ rõ ràng hơn khi được soi vào phản ứng của lương dân. Một khi đối diện với lương dân trong ý thức sống động về sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo hội sẽ dễ nhận ra những vết hằn, những khiếm khuyết giá trị nhân bản trên khuôn mặt của mình. Ngược lại, khi không được “soi gương”, bộ mặt các giáo xứ thường rơi vào tình trạng ganh đua, ý thức quá nặng nề về danh giá, những biện pháp kỷ luật mang tính đối phó… Không ít điều kỳ dị, hoặc kinh dị, hoặc quái dị, trong nề nếp sinh hoạt giáo xứ nhưng lại thể hiện thường xuyên và được như chuyện bình thường trong đời sống đạo. Những điều ấy khiến cho bộ mặt Giáo xứ giống như một tổ chức trần thế hơn là phản ảnh mầu nhiệm Nước Trời.
Giáo xứ là cộng đồng cơ bản của Giáo hội, nơi đây người Kitô hữu sống thật đời sống đức Tin của mình, với các phụng vụ bí tích, với các sinh hoạt đoàn thể và với những tương quan đời thường của cuộc sống thường ngày. Bình thường, người Kitô hữu hiệp thông với Giáo hội, cũng như sống sứ mạng của Giáo hội tại chính Giáo xứ của mình. Chính tình nghĩa hiệp thông sống động và chân thực giữa các thành viên trong giáo xứ cũng đã là một lời chứng sống động về Tin Mừng Nước Trời. Bởi vì, giáo xứ trước tiên không phải chỉ là một đơn vị hành chánh, nơi để xin giấy tờ và làm các thủ tục bí tích, mặc dù điều đó luôn là cần thiết; nhưng trước tiên giáo xứ một gia đình, phản ảnh khuôn mặt Gia đình Giáo hội. Nói cách khác, đó chính sự sống của Chúa Giêsu là Đầu Nhiệm Thể, lan truyền xuống các chi thể của Giáo hội, thể hiện ra trong đời sống thường ngày của giáo xứ; và điều không thể bị cắt xén trong sự sống này là sứ vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân.
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
“Thương nhau như Thầy”, đó không phải chỉ là một bài học luân lý, nhưng chính yếu là sức sống yêu thương mà người môn đệ kín múc được nơi cội nguồn tình yêu của chính Thầy.
Sự liên đới của người Kitô hữu với nhau nơi giáo xứ là một sự liên đới vừa là “siêu nhiên” vừa là “tự nhiên”; vừa có tính chất “tinh thần”, vừa là có tính “xác thể”. Tình yêu thương Kitô giáo không phải chỉ là một tình cảm, mà cũng không phải chỉ là một tư tưởng trừu tượng; không phải chỉ là một “ý hướng đạo đức”, mà cũng không phải chỉ là tổ hợp công tác chung; không phải chỉ là một thực tại “thiêng liêng”, mà cũng không phải chỉ là tương trợ vật chất. Tình yêu thương Kitô giáo là một sự sống, sự sống thật với tất cả những yếu tố cụ thể, lời ăn, tiếng nói, thăm hỏi, hợp tác, tâm sự vui buồn… nhưng quan trọng nhất, đó là một tình thương đến từ Đầu của Nhiệm Thể, đến từ Thánh Thần hiệp nhất của đức Kitô.
Ta thường thấy những thứ “hiệp nhất”, hoặc “tình thương” của con người luôn chao đảo giữa những thái cực khác nhau, khi thì nghiêng bên này, khi thì lệnh bên kia, khi đạt được khía cạnh này thì lại đánh mất khía cạnh kia….
Do đó, một khi giáo xứ không thể hiện được sứ mạng chính Chúa Kitô đã trao phó, sứ mạng loan báo Tin Mừng, thì chắc chắn phẩm tính Giáo hội của giáo xứ và phẩm tính đức Tin của người Kitô hữu trong giáo xứ sẽ bị méo mó; sự sống thật của Chúa Giêsu bị thay thế bằng những phương thức tính toán vụn vặt của con người.
Đối với người Kitô hữu, tình yêu của Đức Giêsu tìm được một “không gian” cụ thể để thể hiện, tìm thấy một “đơn vị căn bản” để sống, đó chính là giáo xứ; và lời chứng của đức tin Kitô giáo trước tiên nằm trong chính đời sống chứng tá của Giáo hội:
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Nhưng đó không phải là một thứ “tình yêu đóng kín”, thiếu tính phong phú của ân sủng. Ngược lại tình yêu và sự hiệp nhất trong Giáo xứ chỉ có thể chân thực, phát xuất từ Chúa và chỉ có thể thoát khỏi những nề nếp ganh đua, danh giá, nặng hình thức và giả tạo, khi trổ sinh hoa trái trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Ước mong sao, trong năm nay, sinh hoạt của các huynh đoàn sẽ gắn bó với giáo xứ nhiều hơn, và cùng với giáo xứ dể thiết tha loan báo Tin Mừng đức Giêsu Kitô cho muôn dân.