Thánh Đa Minh Tổ Phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo (4/6)

PHẦN II. CHÂN DUNG VỊ TỔ PHỤ

Lm. Phanxicô X. Đào Trung HIệu OP

Chân phước Phaolô VI nhận định về thánh Đa Minh, vị tổ phụ như sau : “Ta rất khâm phục vị linh mục có trí óc quảng bác này, đã khéo léo tổng hợp những truyền thống khác nhau, đúc kết bằng một phương châm chiêm niệm và hoạt động, và ngay từ đầu đã tổ chức Dòng của người một cách vừa uyển chuyển lại vừa bền vững”. Vậy, đâu là con đường cha đã đi để đáp ứng nhu cầu thời đại, tổ chức nếp sống và hướng dẫn cộng đoàn tiên khởi Dòng phát triển cách phong phú và phục vụ Giáo Hội hữu hiệu suốt tám thế kỷ qua ?

dominic28.gif 9/ Huynh đoàn thuyết giáo Toulouse

Tháng 4-1215 vẫn được coi là thời điểm khai nguyên của Dòng. Hai thanh niên thị dân Toulouse là Thomas và Seila tuyên hứa trong tay cha Đa Minh. Căn nhà Seila trao tặng trở thành tu viện đầu tiên của Dòng. Họ hứa gì đây ? Chắc hẳn là hứa chuyên giảng thuyết và sống cộng đoàn theo gương các tông đồ. Ít lâu sau thêm bốn người nữa. Cha Jordano viết tiếp : “Từ đó, cha con Đa Minh ở Toulouse ai cũng hết sức khiêm nhường và luyện tập đời sống tu trì”. Giám mục Foulques tặng cho cộng đoàn nhà thờ thánh Romano để cử hành phụng vụ chung, sinh hoạt được mô phỏng theo kinh sĩ đoàn Osma : để tài sản chung, sống nghèo khó và tuân phục … Họ mới chỉ là một huynh đoàn địa phận.

Do kinh nghiệm về khả năng Kinh Thánh của anh em lạc giáo, cha Đa Minh chưa vội tung anh em đi hoạt động, Ngài thêm một yếu tố mới vào cộng đoàn : việc học hành, chính Ngài cùng sáu môn sinh tiên khởi đến đăng ký học với giáo sư Alexandre Stavenby tại trường nhà thờ chính tòa Toulouse. Cha muốn chuẩn bị nhân sự cho xứng đáng để đảm nhận sứ vụ “thuyết giáo” của Dòng tương lai.

Trước đây, ngoài các giám mục, đã có những nhà giảng thuyết nổi tiếng như Robeto thành Abrisselle (+1177), như Noberto (+1134) vị sáng lập Prémontrés và thánh Bênađô (+1153) … nhưng đó mới là những cá nhân, còn cha Đa Minh lại muốn tất cả tập thể cùng tham dự vào sứ vụ Lời Chúa này. Cuối năm 1215, Đa Minh cùng giám mục Foulques về Roma, hai vị xin Đức Thánh Cha châu phê cộng đoàn Dòng với danh xưng “Anh Em Thuyết Giáo”. Những người khác ở lại Toulouse tiếp tục việc đèn sách.

Giai đoạn này, Công đồng Latran IV vừa ra quyết định cấm lập Dòng mới. Thế nhưng việc giảng thuyết và học hỏi lại được công đồng chung khuyến khích. Nên đức Innôcentê III ủng hộ việc lập Dòng và khuyên Cha Đa Minh về chọn một tu luật có sẵn. Ngài hứa sẽ châu phê Dòng sắp lập.

10/ Thành lập Dòng

Mùa xuân 1216, các anh em ở Toulouse cùng Cha Đa Minh bàn luận việc chọn tu luật. Được mọi người cho nhất trí, cha đã chọn tu luật Thánh Augustino và đề ra một số tập tục làm viên đá đầu tiên xây nền cho hệ thống pháp lý của Dòng. Thánh Augustino tiến sĩ, vốn là mẫu gương thuyết giáo, truyền bá Lời Hằng Sống và bênh vực đức tin trọn vẹn. Hơn nữa, Cha Đa Minh đã có kinh nghiệm sống tại kinh sĩ đoàn Osma, cũng dựa trên tu luật Augustino, vừa đặt nền cho đời tu, lại không ràng buộc chặt chẽ về tổ chức. Tuy vậy, Cha Đa Minh không vội vã thiết định hiến pháp, Ngài muốn chờ thời gian để thử nghiệm.

Tháng 10 năm đó, anh em chung sức xây dựng tu viện bên cạnh nhà thờ Romano với khu nội cấm, xây cho mỗi người một phòng nhỏ vừa đủ để nghiên cứu và nằm nghỉ. Phần Cha Đa Minh, lên đường qua Roma lần thứ ba. Ngày 22-12-1216 Đức Honorio III ban hai sắc lệnh công nhận Dòng như một hội kinh sĩ triều.

Sắc lệnh thứ nhất “quyết định thành lập theo ý Chúa tại nhà thờ này (Romano Toulouse) theo tu luật Thánh Augustino”. Sắc luật thứ hai : “… Xét rằng các tu sĩ chúng con sẽ là những chiến sĩ Đức tin ánh sáng thế gian, Ta công nhận Dòng cùng mọi tài sản đó dưới sự chỉ huy và bảo vệ của Ta”.

Sau đó một tháng, sắc lệnh ngày 21-01-1217, Đức Thánh Cha chấp thuận hoàn toàn ý định của Cha Đa Minh, thành lập “Dòng Anh Em Thuyết Giáo” (Ordo Praedicatorum). Đức Honorio III gọi các tu sĩ là “lực sĩ vô địch của Đức Kitô với khiên đức tin và mũ chiến cứu rỗi” (Ep.6,16), đừng sợ những người giết thân xác (Mt.10,18), hãy chiến đấu chống lại kẻ thù Đức Tin bằng lời Thiên Chúa, sắc bén hơn gươm hai lưỡi (Dt.4,12).”

daminh_angelico.jpg

11/ Đoàn sủng của Dòng

Dòng Thuyết Giáo đã được ủy nhiệm trách vụ truyền giảng Lời Chúa. Dòng muốn cung cấp cho các giám mục một đội ngũ các nhà giảng thuyết được đào tạo cẩn thận, để hỗ trợ các ngài trong trách vụ lớn lao ấy. Sau này việc giảng được mở rộng đến nhiều Dòng khác, còn khi đó vốn là sứ mạng riêng và là bổn phận đầu tiên của Anh Em Thuyết Giáo.

Trong sắc lệnh thành lập Dòng, Đức Honorio III từng nói : “Thiên Chúa không ngừng làm Giáo hội phong phú bằng những con cái mới, đã muốn Giáo hội thời nay giống Giáo hội thời sơ khai, muốn truyền bá Đức Tin, nên đã gợi hứng cho chúng con chọn đời sống khó nghèo và kỷ luật, cùng tận hiến cho việc giảng Lời Chúa, loan báo Danh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta khắp hoàn cầu”.

Mười sáu anh em tiên khởi, gồm 8 Pháp, 7 Tây Ban Nha và 1 người Anh, đang tụ tập đầy thân ái quanh Cha Đa Minh. Bỗng nhiên, Ngài ra một quyết định bất ngờ, Ngài triệu tập anh em, nói với họ : “Tôi quyết định phái anh em đi khắp nơi. Từ đây anh em không còn sống với nhau trong chốn này nữa”. Mọi người đều choáng váng trước quyết định này. Bá tước Monfort, giám mục Toulouse và nhiều người phản đối. Nhưng Cha Đa Minh vẫn giữ quyết định phân tán. Ngài đáp : “Tôi biết việc tôi làm” và “hạt giống được gieo vãi mới sinh hoa kết quả, nếu giữ mãi trong bao nó sẽ hư mất” .

Hôm đó là lễ Mông Triệu 15-8-1217, tại Prouille, quen được gọi là lễ Hiện Xuống của Dòng vì như ngày Lễ Ngũ Tuần thuở xưa, các Tông đồ cũng được phân tán đi mọi nơi. Cha Đa Minh phái bảy anh em đến Paris “để học, rao giảng và lập tu viện“, bốn người qua Tây Ban Nha, ba người ở lại Toulouse. Cha Đa Minh cũng ở lại đó đến 13-12 rồi đi Roma.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *