Thánh Đa Minh, con người cầu nguyện (05/15)

15ngay-op.gif

dm36.jpgKhông bao giờ Thánh Đa Minh đi nghỉ ngơi mà trước đó không dành thời giờ để cầu nguyện, và thường là với những tiếng rên siết, thở dài và nhấn mạnh, đến nỗi nhiều lần gây tiếng động làm anh em thức giấc… Như vậy, thánh nhân dành nhiều giờ để cầu nguyện hơn là nghỉ ngơi… Người hạn chế những lời nói vô ích và luôn nói với Thiên Chúa hay về Thiên Chúa (VIE tr. 44, chứng từ của anh Guillaume de Montferrat, trong án phong thánh tại Bologna.

Tất cả những ai sống với Đa Minh, tất cả những ai tiếp xúc với thánh nhân, dù gần hay xa, tất cả những nhân chứng được hỏi trong án phong thánh, tất cả đều nhấn mạnh đến cường độ lời cầu nguyện của Đa Minh. Thánh Đa Minh cầu nguyện như là hít thở. Thánh nhân không phải là người dùng thời giờ để viết sách, ngay cả những sách về việc cầu nguyện. Người cầu nguyện. Người dành phần lớn thời giờ để cầu nguyện. Người đi vào việc cầu nguyện cách tự nhiên và dễ dàng hơn nhiều người đi vào giấc ngủ. Thiếp ngủ tự nhiên là một ân huệ của tuổi niên thiếu. Đa Minh là một trẻ em theo Tin Mừng, một đứa trẻ tắm mình trong cầu nguyện khi có thời giờ. Và điều ấy xảy ra đặc biệt vào ban đêm. Với Thánh Đa Minh, ban đêm là giờ cầu nguyện.

Ngay từ khi là một tu sĩ trẻ, Đa Minh đã tỏ ra là một con người chuyên tâm cầu nguyện.

Như cây ô-liu trổ sinh hoa trái hay như cây hương nam vút lên trời, thánh nhân ngày đêm sử dụng mảnh đất là nhà thờ, để không ngừng cầu nguyện và chuộc lại thời gian suy niệm, hầu như là không ra khỏi khuôn viên tu viện. Thiên Chúa đã ban cho thánh nhân một ân sủng đặc biệt là cầu nguyện cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, và những kẻ muộn phiền : thánh nhân đem những nỗi khổ đau của họ vào trong nơi thánh thâm sâu là lòng thương cảm của mình, và những dòng lệ nóng hổi tuôn trào từ đôi mắt chứng tỏ lòng nhiệt thành đang thiêu đốt tâm hồn Người. Thánh nhân có thói quen qua đêm bằng việc cầu nguyện. Cửa đóng lại, và Người cầu nguyện với Chúa Cha. Vào cuối những lời kinh, Người có thói quen thốt ra những tiếng rên, những tiếng thổn thức từ tâm hồn. Người không thể giữ lại, và những tiếng kêu này, phát ra cách tự nhiên, có thể nghe được rõ ràng từ trên cao (LIB s. 12).

Như ngọn đèn trong đêm, Đa Minh thực hiện lệnh truyền của Chúa : Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn (Lc 21,36). Thánh nhân không chỉ cầu nguyện nơi miệng. Trọn vẹn con người của Đa Minh đều rơi vào cầu nguyện, Người cầu nguyện với cả thể xác và tâm hồn. Người bừng lên vì Chúa của mình. Người cháy lửa yêu mến Chúa. Với Thánh Đa Minh, cầu nguyện là đáp trả một sự thúc bách. Không có thời giờ mất đi cách vô ích. Điều mất đi, đó là các linh hồn. Những ai lâm cảnh muộn phiền, có nguy cơ tuyệt vọng. Cần phải can thiệp ngay.

Điều gây cảm động nơi Thánh Đa Minh là sự vận dụng toàn bộ con người vào việc cầu nguyện. Thánh nhân không chỉ cầu nguyện với cái đầu hay trái tim. Người cầu nguyện với cả đôi tay, cánh tay, lưng, đôi chân và bàn chân. Lời cầu nguyện của Người trên môi miệng, nhưng cũng không thiếu các cử chỉ.

Và hơn thế, còn là những dòng lệ tuôn trào từ đôi mắt. Chúng diễn tả cách cụ thể mối hiệp thông sâu xa với nỗi niềm của những người khổ đau. Đó  không phải là những giọt nước mắt tình cờ, do hoàn cảnh gây xúc động trong chốc lát. Đó là những dòng lệ thường xuyên, vì thánh nhân luôn có trong mắt mình cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế cũng như cuộc khổ nạn của những người đương thời.

Tại ngôi trường học của Thánh Đa Minh, người ta học cầu nguyện với tất cả con người của mình. Để có thể noi gương bắt chước Người, trước tiên cần phải quan sát Người, như chị Cécile đã không ngừng nhìn ngắm Thầy của mình cầu nguyện. Nội dung lời cầu nguyện của Người được diễn tả qua các hành động. Chúng nói lên tất cả. Dưới đây là một vài thời điểm chính yếu.

Để thật sự hiện diện trước Đấng ta muốn ngỏ lời, trước hết phải phủ phục trong đức tin. Vì thế, Thánh Đa Minh cầu nguyện bằng cách khiêm tốn sấp mình trước bàn thờ, như thể là chính Chúa Giê-su Ki-tô, được  biểu tượng qua bàn thờ, đang đích thân hiện diện thật sự (M 1).

Để diễn tả thái độ khiêm nhường, điều xứng hợp duy nhất đối với người ý thức về sự bất xứng của mình, đó là trở nên một với bùn đất – l’humus – và phủ phục thân mình cùng với tất cả con người của mình. Thánh Đa Minh thường cầu nguyện, mặt úp xuống đất (M 2).

Vì việc cầu nguyện Ki-tô giáo trước tiên là noi gương Chúa Ki-tô cầu nguyện, và vì việc cầu nguyện của Chúa Giê-su Ki-tô đạt tới mức hoàn hảo trên thập giá, nên người Ki-tô hữu hiểu rằng cần phải đi qua thập giá mới bước vào việc cầu nguyện thật sự. Chiêm ngắm thập giá, ôm lấy thập giá, nép mình vào thập giá, như Fra Angelico thường vẽ về thánh Đa Minh, đó là kéo dài hy tế của thánh lễ, đó là đi vào chính việc cầu nguyện của Chúa Giê-su. Vì vậy, thánh Đa Minh đặc biệt ưa thích chiêm ngắm Chúa chịu đóng đinh. Người dành cho thánh giá lòng tôn kính đặc biệt. Người thường bái gối trước thánh giá.

Trong tất cả các tư thế cầu nguyện, tư thế gây tác động hơn cả là tư thế đứng. Công đồng chung đầu tiên, – Công đồng Nicea năm 325, truyền dạy các tín hữu của Đức Ki-tô phục sinh phải đứng khi đọc kinh nguyện thánh thể, để chứng tỏ mình là những người đã phục sinh. Thánh Đa Minh thích đứng mà cầu nguyện. Người đứng đó, đôi tay mở ra như dấu chỉ dâng hiến, như người lãnh nhận mọi sự, người kín múc từ cạnh sườn Đức Giê-su dòng nước cần thiết để sống.

Khi ở tu viện, Cha Đa Minh thường đứng trước bàn thờ, đứng thẳng trên đôi chân, không dựa vào đâu cả, đôi tay mở ra trước ngực như một cuốn sách đang mở (M 5).

Để nên một với Chúa Cứu Thế dâng hiến mình trên thập giá, thánh Đa Minh quí chuộng đặc biệt hình thức cầu nguyện, tay dang ra theo hình thánh giá. Không có chứng cứ nào nói đến việc Người được ghi các dấu thánh, như vị thánh cùng thời là Phanxicô. Người cũng không xin điều này. Nhưng Người muốn chu toàn lời mời gọi của Chúa là mang lấy thập giá để xứng đáng được gọi là môn đệ của Chúa. Người ta thấy nhiều lần khác Thánh Đa Minh cầu nguyện, hai tay giang thẳng ra theo hình thánh giá, thân thẳng đứng, như có thể (M 6).

Và cũng với tư thế đứng, Thánh Đa Minh thể hiện hình ảnh như một mũi tên trên cánh cung. Người hướng về Chúa, Người vươn mình, hay đúng hơn Người để mình hướng về Chúa nhờ sức mạnh của Thánh Thần, Đấng hiện diện nơi chúng ta như động lực mạnh mẽ của việc cầu nguyện.

Người ta thường thấy thánh nhân hướng toàn thân về trời, theo cách thức một mũi tên trên cánh cung hướng thẳng về bầu trời. Người giơ thẳng tay vươn cao khỏi đầu, đôi ban tay nắm lấy nhau hay hé mở như là để lãnh nhận điều gì đó từ trời (M 7).

Thánh Đa Minh đắm mình trong việc cầu nguyện, như trong được đặt trong một cái nồi, để được sáng ngời, được thanh tẩy, được biến đổi và chưng cất mọi ý nghĩa, mọi dự phóng để trở thành một của lễ hoàn hảo. Không phải là thánh nhân cầu nguyện với thân xác, nhưng chính thân xác trở thành lời cầu nguyện. Người đã diễn tả tuyệt vời điều thánh Phaolô đã viết : “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, chúng ta cũng rên xiết trong lòng, đang khi chờ đợi Thiên Chúa cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,23). Những tiếng rên xiết của Đa Minh khi cầu nguyên, những tư thế khác nhau của thân thể Người, và cả việc cầu nguyện lúc đêm khuya, tất cả minh chứng sự biến đổi do việc cầu nguyện nơi Người.

Đa Minh không cầu nguyện cho mình. Như Đức Ki-tô, thánh nhân cầu nguyện cho người khác. Thánh nhân để Chúa khởi sự nơi mình việc tái tạo các tạo vật, như Chúa muốn về thế giới : Muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22).

Nét độc đáo trong việc cầu nguyện của Thánh Đa Minh ở chỗ đó. Lời cầu nguyện của Người có tính tích cực, lời giảng của Người cũng thế. Vì lời cầu nguyện không khác lời giảng. Lời cầu nguyện là hình ảnh của lời giảng lúc đêm khuya. Ban ngày, người gieo giống đi gieo hạt, ban đêm, Chúa làm cho hạt giống lớn lên. Ban ngày, Thánh Đa Minh hiến mình cho người khác qua việc giảng thuyết, và ban đêm Người hiến mình cho Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Việc này không thể tách rời khỏi việc kia, tương tự như việc nắn tượng và đưa vào lò nung. Chỉ có một công việc, một mục đích phát xuất từ cùng một mối bận tâm, đó là ơn cứu độ các linh hồn.