Thánh Đa Minh Tổ Phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo (5/6)

PHẦN II. CHÂN DUNG VỊ TỔ PHỤ

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

12/ Phát triển Dòng, việc tổ chức

Trong vòng sáu tháng ở Roma, Cha Đa Minh đã xin Tòa Thánh nhiều giấy giới thiệu cho anh em lập tu viện tại các địa phận. Các văn thư này tái xác nhận danh xưng và sứ vụ thuyết giáo của Dòng. Ngài trao tu phục cho hai anh em Jacinto và Ceslao những người sẽ mở mang Dòng tại Ba Lan và truyền bá Tin Mừng đến tận Kiev thuộc nước Nga.

Đặc biệt Cha Đa Minh tuyển chọn Réginalđô d’Orléans, giáo sư luật khoa, một nhân vật đặc sắc trong việc giảng thuyết, dạy học và quản trị. Bất ngờ Réginaldô lâm bệnh nặng và được khỏi cách kỳ diệu nhờ lời cầu nguyện của Thánh Phụ. Đức Mẹ đã hiện ra xức dầu, phái đi rao giảng và trao áo Dòng mới. Cuối năm đó, Cha Đa Minh cử Réginaldô đến coi sóc tu viện mới lập ở Bologne. Chỉ một thời gian ngắn, vị này đã làm cho sinh hoạt tại đây sinh động và phát triển nhanh chóng.

Phần Cha Đa Minh, từ tháng 5-1218 đến tháng 7-1219, Ngài đi một vòng thăm hết các cộng đoàn từ Ý, qua miền Nam nước Pháp, Tây Ban Nha, Paris đến Bologne. Tại mỗi tu viện ngài nhận thêm tu sĩ và cử họ đi thiết lập thêm nhiều tu viện.

Tại Paris, số anh em đã lên đến 30 tu sĩ, đã tận dụng được mọi khả năng giảng dạy trong thành phố đại học này. Ngoài ra Jordano de Saxe, người sẽ kế vị Thánh Đa Minh, vừa tốt nghiệp thần học, đã ngỏ ý xin nhập Dòng. Quả là một năm đầy thành công. Không những vì số tu sĩ và tu viện gia tăng, mà hơn thế nữa, Cha Đa Minh đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm của anh em. Phải sống đời tu thế nào, phải chu toàn sứ mệnh cách nào, phải thể hiện nghèo khó làm sao và cần đặt ra những luật lệ gì làm nền tảng vững chắc cho sứ vụ cũng như việc quản trị ?

Đến Bologne, Cha Đa Minh tràn đầy hân hoan vì thấy cộng đoàn mới lập được một năm, đã đủ sức bay trên đôi cánh của mình. Dưới sự hướng dẫn của cha Réginaldô, cộng đoàn đã qui tụ nhiều sinh viên và cả những giáo sư nổi tiếng như Roland de Crémone. Cha Đa Minh ở lại đảm trách tu viện Bologne và phái Réginaldô đến làm Bề Trên tu viện Paris. Tiếc rằng, chỉ vài tháng chưa đủ để Réginaldô biến đổi Paris như với Bologne, thì Ngài đã qua đời. Thế nhưng, Chúa Quan Phòng đã gởi đến nhân vật sẽ kế vị Cha Đa Minh : Jordano de Saxe. Vị này vượt trên tất cả trong việc chiêu mộ nhân sự : dưới thời Ngài làm bề trên tổng quyền (từ 1222-1237) trên 1000 người đã nhập Dòng.

Cha Đa Minh giờ đây đã sẵn sàng sống những năm cuối cùng và phong phú nhất của đời ngài. Cha tìm cách xác định căn tính của Dòng và đưa Dòng đến tình trạng ổn định cần thiết. Cha muốn minh định sứ vụ rõ rệt cho Dòng và tìm ra những phương thế để chu toàn sứ vụ đó. Cần phải có luật lệ đặc sắc và một tổ chức hữu hiệu để đạt tới điều này.

Trước khi làm điều này, cha Đa Minh nhiều lần đến giáo triều ở Viterbe, xin đức thánh cha cấp một loạt chứng từ giới thiệu mới. Trong những tháng ở Roma, ngài lập đan viện nữ ở Saint Sixto theo sự ủy thác của đức giáo hoàng. Sau đó, ngài gởi thư đến các cộng đoàn, yêu cầu bầu đại diện đi tham dự Tổng hội, dự trù vào tháng 5 năm 1220.

Thực vậy, đã đến lúc đưa Dòng vào giai đoạn mới. Nếu năm 1216 mới chỉ có một hai cộng đoàn với mười mấy anh em, chưa ai đủ kinh nghiệm và hiểu biết để thiết lập luật lệ quản trị cho một Dòng đầu tiên trong lịch sử, nối kết đời tu chiêm niệm với sứ vụ hoạt động. Thì nay những lý tưởng cha Đa Minh, đã được thử luyện trong thực tế. Qua chuyến kinh lý của ngài đã mường tượng thấy cơ chế quản trị cho một Dòng phổ quát với sứ vụ giảng thuyết, cho việc đào tạo tu sĩ, cho việc học hành và sống nghèo khó. Khi triệu tập Tổng hội, cha biểu lộ ý muốn thực hiện dân chủ theo đường lối đại biểu và góp ý.

dominic13.jpg

13/ Tổng hội 1220

Khai mạc Tổng hội tiên khởi vào lễ Hiện Xuống 17-5-1220, hai yếu tố nền tảng việc quản trị Đa Minh đã được bộc lộ : trách vụ vị Tổng quyền và vai trò của Công hội. Khi Tổng hội khai mạc, các nghị phụ kinh hoàng bỡ ngỡ thấy cha Đa Minh xin từ chức: “Tôi đáng xuống chức vì tôi không thể chu toàn trách vụ nữa”. Câu nói vừa biểu lộ đức khiêm tốn vừa bắt nền từ thực tế. Một phần sau Tổng hội, Dòng ít cần sự cổ động của cha và đã đủ khả năng tự hoàn thành con đường của mình. Đàng khác, sức khỏe của cha Đa Minh cũng trong tình trạng báo động : nhiều năm hoạt động tận lực, việc khổ hạnh khắt khe và các hành trình thường xuyên đã ảnh hưởng không ít đến thể lực của ngài. Anh em không chấp thuận việc từ chức này. Cha Đa Minh vâng theo ý cộng đoàn, nhưng cha quy ước rằng, khi ngài quản trị, công đồng có quyền tối cao. Chính ngài hứa vâng lời Tổng hội. Dù là người chủ tọa công hội, bề trên chỉ là nhân vật số một theo nguyên tắc bình đẳng. Mỗi người, qua lá phiếu, đều tham dự vào quyền bính bằng nhau. Công hội là quyền tối cao trong Dòng, quyền hành pháp, lập pháp lẫn quyền tài phán.

Tổng hội 1220 đã thêm vào Hiến pháp phần tự ngôn, chấp nhận cho bề trên một quyền quan trọng, đó là quyền chuẩn miễn: “Trong tu viện mình, bề trên có quyền chuẩn miễn cho anh em mỗi khi ngài thấy thích hợp, chủ yếu là những gì xem ra gây cản trở cho việc học hành, giảng thuyết hay vì lợi ích các linh hồn, bởi vì như đã biết, Dòng chúng ta ngay từ khởi đầu đã được thành lập để chuyên chú việc giảng thuyết và ơn cứu độ các linh hồn. Việc học của chúng ta theo nguyên tắc, phải hăng hái tận dụng các năng lực, giúp chúng ta có thể nên hữu ích cho linh hồn tha nhân”.

Bản văn cô đọng sứ vụ và tinh thần dòng Đa Minh. Việc chuẩn miễn giúp Dòng dễ dàng chu toàn sứ vụ và hòa hợp những nhu cầu của sứ vụ với những yêu sách của đời tu trì. Hai chiều kích cần thiết để thực hiện đúng tôn chỉ của Dòng, được thu tóm mà vẫn giữ nguyên mức độ quyết liệt. Thực vậy, phải nỗ lực mới có thể hòa điệu đời sống chiêm niệm với sinh hoạt của một Dòng lãnh trách nhiệm loan báo Tin Mừng. Đúng ra tính quyết liệt này vẫn hiện hữu trong chính giáo hội : “Hăng say hoạt động mà vẫn trung kiên chiêm niệm” (Hc. Phụng Vụ số 2).

Dầu sao, lý tưởng cha Đa Minh đề ra, nối kết đời sống thánh thiện cầu nguyện với sứ vụ tông đồ không phải là không thể thực hiện. Cứ đọc cuộc đời ngài ta thấy rõ : ngài vừa để Thánh Thần hướng dẫn, vừa chìm sâu trong cầu nguyện chiêm niệm. Nếu nhà chiêm niệm là người gắn bó với kinh nguyện và luôn hướng tư duy mình về Thiên Chúa, thì thực sự, cha Đa Minh đã cầu nguyện ngày đêm. Ngài giảng, ngài hoạt động, ngài đăng trình, nhưng ngài cầu nguyện mọi lúc. Luôn luôn ngài hướng về Thiên Chúa.

Ngay trong trường hợp này, tính quyết liệt của hai yêu cầu vẫn không thể thỏa mãn đồng thời, chính vì thế cha Đa Minh sáng tạo ra luật chuẩn miễn vì nhiệm vụ” (Một sáng tạo trong lịch sử đời tu), để dễ dàng học hành rao giảng và tất cả vì ơn cứu độ các linh hồn. Hơn nữa, việc chuẩn miễn bảo đảm cho các con cái ngài khi học, giảng hoặc thực hiện bất cứ công tác sứ vụ nào, đều là phụng sự Thiên Chúa và tuân thủ Hiến pháp y như họ ở trong nguyện đường tu viện. Sự chuẩn miễn giúp họ uyển chuyển, năng động và sống tự do như con cái Thiên Chúa, giải phóng họ khỏi những ràng buộc cản trở công tác của họ trong thế giới. Và để gia tăng sự tự do này, cha Đa Minh về sau xác định luật Dòng, xét như là luật không buộc thành tội.

dm26.jpg

14/ Nối kết các yếu tố

Cha Đa Minh muốn Dòng gồm những người sống Tin Mừng. Giáo hội giao cho Dòng sứ vụ loan báo Lời Chúa. Cha Đa Minh qua kinh nghiệm, biết rằng Lời này, chỉ thực sự được loan báo, một khi đã được suy niệm, chiêm ngưỡng trong cầu nguyện trước nhan Thiên Chúa. Dĩ nhiên, ngài đã chỉ thị phải học hỏi Sách Thánh cách có hệ thống, nhưng ngài cũng biết rằng Lời Chúa là một thực tại trên cao, không thể thấu triệt bằng tiến trình thuần túy lý trí. Lời loan báo phải là hoa quả điều đã được thưởng nếm trong cầu nguyện và chín mùi trong tình yêu. Ngài muốn con cái mình là những nhà cầu nguyện có kinh nghiệm về Lời Chúa. Cùng với việc học, đời sống cầu nguyện là điều kiện thiết yếu trong đời sống tông đồ của họ.

Tổng hội 1220 còn đưa ra những quy luật về giảng thuyết, học hành, sống khó nghèo, về việc kinh lý, tổ chức các tu viện và việc triệu tập tổng hội. Khi bó buộc mỗi tu viện phải có một giáo sư, tổng hội đặt nền cho việc huấn luyện Đa Minh. Tổng hội cũng nhấn mạnh đến những đòi hỏi của nếp sống khó nghèo. Nếu năm 1216 đã quyết định :“Không sở hữu của cải để những việc trần thế không cản trở tác vụ rao giảng, và Dòng chỉ sống nhờ bổng lộc”, thì nay tổng hội ấn định sẽ “chẳng còn sở hữu hoặc bổng lộc dưới bất cứ hình thức nào”. Dòng phó thác cho Đấng Quan Phòng và sự quảng đại của các tín hữu. Các nhà giảng thuyết đi từng đôi một như những người loan báo Tin Mừng (Mt.10), ra đi “không mang bao bị, không nhận vàng bạc, tiền nong lẫn tặng phẩm, chỉ trừ lương thực và sách vở”.

Tổng hội đã hoàn tất. Dưới sự hướng dẫn của cha Đa Minh, các đại biểu, có lẽ không quá 30 vị, nhưng gồm những nhà thần học của Paris và các luật gia khoa đời cũng như khoa đạo của Bologne, đã hoàn thành một công trình tuyệt vời. Các vị đã thiết lập cho Dòng một cơ cấu quản trị vững chắc, với những luật lệ khôn ngoan hỗ trợ việc chu toàn sứ vụ. Công trình của cha Đa Minh có thể nhờ đó trở nên vĩnh cửu.

dm_phepla02.jpg

15/ Thêm một năm hoạt động

Sau tổng hội, cha Đa Minh lãnh sứ vụ do đức thánh cha ủy thác, tổ chức việc giảng thuyết tại khu vực Bắc Ý. Đến vùng Lombardie, ngài thăm các tu viện ở Milan, Bergame và chuẩn bị lập tu viện ở Plaisance. Trở lại Bologne, cha quyết định việc lập nữ đan viện cho chị Dianna Andalo và các bạn. Được ngài hướng dẫn, chị Dianna tuyên khấn năm 1219. Tháng 12-1220, trước khi đi Roma, cha ủy thác cho bốn anh em lo việc xây cất đan viện, nhưng sau khi cha qua đời công việc mới tiến hành được.

Cha Đa Minh ở lại Roma đến giữa tháng 5-1221. Ngài tường trình lên đức thánh cha việc rao giảng ở Lombardie cũng như những việc trong Dòng. Ngài ổn định nữ đan viện Saint Sixto, và giảng tại các thánh đường, chú tâm đến việc tuyển mộ, đưa ra những chỉ thị cho các nữ đan sĩ và anh em, khi đó đã dọn đến Sabina thừ tháng 2-1221.

Tháng ba, cha Đa Minh cử hai anh em đến Sienna, chuẩn bị việc lập các đan viện ở Metz, Spira và Lund tại Thụy Điển. Ngài cũng xin được đức thánh cha giấy giới thiệu Dòng với các giám mục vùng Amiens, Plaisance và dân cư xứ Sigtuna cũng như Thụy Sĩ. Cha còn xin được cho Dòng quyền sử dụng “bàn thờ lưu động”: nhờ đó anh em có thể dâng lễ trong nhà nguyện tạm thời, trước khi xây thánh đường, thay vì phải cử hành phụng vụ tại nhà thờ các xứ đạo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *