Thánh Lễ Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 6

Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật 13/11, Đức Thánh Cha đã dâng thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô cùng với rất đông những người nghèo nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ 6. Đức Thánh Cha khai triển bài giảng với hai điều Chúa Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng, đó là: “đừng để mình bị lừa dối” và “hãy làm chứng”.

Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ Chúa Nhật 33 thường niên. Trong bài giảng, ngài giải thích bài đọc Tin Mừng về “nhiều người nói về vẻ đẹp bề ngoài của Đền Thờ và trầm trồ với những phiến đá của Đền Thờ, còn Đức Giêsu lại hướng sự chú ý của chúng ta đến những biến cố tai hoạ và thảm kịch đánh dấu dòng lịch sử nhân loại.”

Ngài khẳng định: “Đền Thờ nào được xây dựng bởi bàn tay con người rồi cũng qua thôi, giống như tất cả những công trình khác trên thế giới này. Điều quan trọng là cần biết phân định về thời gian mà chúng ta đang sống, để luôn là những người môn đệ trung thành của Tin Mừng ngay giữa lòng những biến cố thăng trầm khổ đau của lịch sử.”

Đức Thánh Cha khai triển bài giảng với hai điều Chúa Giêsu đã nói trong bài Tin Mừng, đó là: “đừng để mình bị lừa dối” và “hãy làm chứng”, ngài nói:

Đừng để mình bị lừa dối

Những người nghe Đức Giêsu rao giảng đang bận lòng với câu khỏi khi nào thì những biến cố đáng sợ mà Đức Giêsu rao giảng sẽ xảy ra, và sẽ xảy ra thế nào. Điều đầu tiên mà Đức Giêsu dạy họ đó là: “Hãy coi chừng, đừng để mình bị lừa dối. Sẽ có nhiều người nhân danh Thầy mà nói: “chính Ta đây”, hoặc “thời điểm đã đến rồi”. Đừng theo họ” (Lc 21,8). Đức Giêsu còn thêm: “Khi anh em nghe nói có chiến tranh loạn lạc, thì đừng sợ hãi!” (Lc 21,9). Chúa nói điều này vào chính thời điểm này làm cho chúng ta an tâm. Vậy Đức Giêsu muốn giải thoát chúng ta khỏi sự lừa dối nào? Người muốn giải thoát chúng ta khỏi cám dỗ đọc những thảm kịch bi đát nhất theo cách mê tín dị đoan, như thể ngày tận thế đã đến gần rồi và những nỗ lực dấn thân của chúng ta cũng chẳng còn có thể mang lại điều gì tốt đẹp nữa. Nếu nghĩ theo hướng này, chúng ta sẽ buông mình cho nỗi sợ hãi lèo lái chúng ta. Với nỗi sợ ấy, có lẽ chúng ta sẽ tò mò lao mình tìm kiếm những câu trả lời bệnh hoạn từ tử vi, bói toán, đồng bóng… là những điều đang có đầy rẫy trong cuộc sống của chúng ta. Ngày nay nhiều Kitô hữu tìm đến bói toán, tử vi như thể đó là tiếng nói của Thiên Chúa. Hoặc chúng ta sẽ chạy theo những lý thuyết ảo tưởng được tung ra bởi những người tự xưng mình là “đấng cứu thế” nhưng lại ngầm chứa đầy mưu mẹo và huỷ hoại. Không có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tất cả những điều ấy. Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: “Đừng để mình bị lừa dối”. Đừng để mình bị hoa mắt bởi những sự tò mò cả tin. Đừng đối diện với những biến cố xảy ra trong tâm thế sợ hãi. Nhưng trước hết, hãy học cách đọc mọi biến cố bằng cặp mắt đức tin. Hãy xác tín rằng ở gần Thiên Chúa thì “ngay cả một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu!” (Lc 21,18).

Nếu đúng là lịch sử nhân loại đã được đánh dấu bởi vô số những biến cố thảm kịch, cùng với những tình huống bi đát của chiến tranh loạn lạc và tai hoạ, Đức Giêsu vẫn khẳng định rằng: tất cả những điều này không phải là điểm kết. Tất cả những điều này không nên là nguyên do khiến cho chúng ta bị tê liệt trong nỗi sợ hãi, hoặc đẩy chúng ta trốn tránh trong lời biện hộ rằng tất cả đã mất hết rồi và mọi nỗ lực trong đời chúng ta đều vô ích. Môn đệ của Chúa là những người không để cho mình bị tê liệt trong nỗi cam chịu, không ẩn trốn trong sự nhát đảm, kể cả trong những tình huống khó khăn nhất, bởi vì Thiên Chúa của họ là một vị Thiên Chúa của sự Phục Sinh, của niềm hy vọng, là Đấng luôn nhấn mạnh rằng: với Người chúng ta luôn có thể ngẩng cao đầu, làm lại và bắt đầu lại từ đầu. Thế thì trước khó khăn thử thách, một người Kitô hữu cần luôn tự vấn mình thế này: “Thiên Chúa đang nói gì với chúng ta ngang qua giây phút khủng hoảng này?”. Hôm nay tôi cũng đặt câu hỏi này: Chúa nói với chúng ta điều gì trước một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba này? Trước những biến cố tiêu cực đang diễn ra, mang lại nghèo đói và đau khổ, người ấy sẽ tự hỏi mình: “Đâu là điều tốt tôi có thể làm một cách cụ thể?” Đừng chạy trốn, nhưng hãy tự hỏi: “Chúa muốn nói gì với tôi và tôi có thể làm gì cho sự thiện?”

Cơ hội làm chứng

Thế nên chúng ta hiểu tại sao ngay sau lời dạy “đừng để mình bị lừa dối”, Đức Giêsu hướng chúng ta đến một lời dạy tích cực: “Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy” (Lc 21,13). Cơ hội để làm chứng. Tôi muốn nhấn mạnh đến chữ này: cơ hội. Có nghĩa là dịp tốt để có thể làm điều gì đó tốt đẹp, khởi đi từ chính những tình huống không tốt đẹp của cuộc sống. Đây là một nghệ thuật đặc trưng của Kitô giáo: Chúng ta không chỉ dừng lại như là nạn nhân của những gì xảy ra, nhưng chúng ta đón nhận những cơ hội hàm chứa trong tất cả những gì đang xảy ra. Chúng ta nhìn ra những mặt tốt, và tin rằng có thể xây dựng lại khởi đi từ những tình huống tiêu cực. Mỗi khủng hoảng mở ra một khả thể mới và mang đến một cơ hội để lớn lên. Nhưng thần dữ đẩy chúng ta đi đâu với khủng hoảng này? Nó muốn chúng ta biến khủng hoảng thành xung đột và luôn luôn đóng lại, không lối thoát. Không, chúng ta sống khủng hoảng như những con người, như những Kitô hữu, nhưng không biến nó thành xung đột. Chúng ta sẽ hiểu điều này nếu chúng ta đọc lại những biến cố trong cuộc đời mình: trong cuộc sống, thường thì những bước tiến quan trọng đều khởi đi từ những kinh nghiệm khủng hoảng, thử thách, mất quyền điều khiển và mất sự an toàn chắc chắn. Thế thì chúng ta có thể hiểu lời mời gọi mà Đức Giêsu hôm nay ngỏ với tôi, với bạn, với mỗi người trong chúng ta: khi chung quanh mình là những biến cố đau thương, khi chiến tranh và xung đột có vẻ đang lấn át, khi mà động đất, đói kém, bệnh dịch đang xảy ra, chính bạn, bạn đang làm gì? Bạn làm ngơ để khỏi phải suy nghĩ? Bạn lo giải trí vui chơi để trốn tránh việc dấn thân? Bạn quay lưng đi để khỏi phải nhìn thấy? Bạn thoái lui và cam chịu trước những gì xảy ra? Hay những điều xảy ra đó có trở thành cơ hội để bạn làm chứng cho Tin Mừng không? Ngày nay mỗi chúng ta phải tự hỏi trước bao nhiêu tai họa, trước cuộc chiến tranh thế giới thứ ba quá tàn khốc, trước cái đói của bao trẻ em, của biết bao người: Tôi có thể phung phí, lãng phí tiền bạc, lãng phí cuộc sống, lãng phí ý nghĩa cuộc sống của tôi mà không có can đảm và bước tiếp không?

Trong ngày quốc tế người nghèo này, lời của Chúa Giêsu vang lên mạnh mẽ như một tiếng động cơ phá vỡ chứng điếc lác nội tâm, là chứng bệnh khiến chúng ta không còn nghe thấy tiếng kêu đau khổ bị bóp nghẹt của những anh chị em nghèo khổ nhất. Ngày nay, chúng ta đang sống trong những xã hội đầy thương tích, và chúng ta phải chứng kiến điều mà Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta, những cảnh bạo lực, bất công, bách hại. Chúng ta phải đối diện với cuộc khủng hoảng xảy ra do biến đổi khí hậu và bệnh dịch, là những tai hoạ còn để lại nhiều hậu quả tiêu cực không chỉ về mặt thể lý mà còn tâm lý, kinh tế, xã hội. Ngày hôm nay, chúng ta thấy dân này nổi lại chống dân kia, chúng ta lo lắng khi chứng kiến các cuộc chiến tranh và xung đột leo thang cách mạnh mẽ khiến cho nhiều người vô tội phải chết và nọc độc của thù hận tràn lan. Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta đang nhìn thấy vô số anh chị em phải di cư để tìm kiếm một niềm hy vọng, họ cố gắng rồi lại bị dập vùi. Nhiều người đang phải sống trong tình trạng bấp bênh vì thiếu công ăn việc làm, phải làm việc trong những điều kiện bất công và phi nhân. Ngày nay, người nghèo luôn là nạn nhân chịu nhiều thiệt thòi nhất trong mọi cuộc khủng hoảng. Nhưng nếu trái tim của chúng ta đã bị bóp nghẹt và trở nên thờ ơ, chúng ta sẽ không còn có thể nghe thấy tiếng kêu rên yếu ớt của họ, không còn có thể khóc cùng họ và cho họ, không còn có thể nhìn ra bao nhiêu nỗi cô đơn và lo lắng trong những góc khuất bị quên lãng trong chính thành phố của chúng ta.

Chúng ta hãy gióng lên tiếng chuông mạnh mẽ và rõ ràng từ lời Tin Mừng: đừng để mình bị lừa dối. Chúng ta đừng nghe những ngôn sứ giả chuyên loan báo tai hoạ. Chúng ta đừng để mình bị mê hoặc bởi tiếng còi réo của chủ nghĩa dân tuý, chuyên lợi dụng những nhu cầu của người ta để đưa ra những giải pháp dễ giãi và vội vã. Chúng ta đừng bước theo những “đấng cứu thế” giả tạo, là những kẻ nhân danh lợi nhuận để đưa ra những công thức thật ra chỉ làm lợi cho một số ít người và đẩy người nghèo dạt ra bên lề. Ngược lại, chúng ta hãy làm chứng: chúng ta hãy thắp lên ngọn nến hy vọng giữa bóng đêm. Giữa những tình huống bi thảm, chúng ta hãy đón nhận cơ hội làm chứng cho Tin Mừng về niềm vui và hãy xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Chúng ta hãy can đảm dấn thân cho công bằng, công lý và hoà bình, hãy đứng về phía những người yếu đuối nhất. Đừng chạy trốn khỏi lịch sử chỉ để bảo vệ chính mình, nhưng hãy chiến đấu để cho lịch sử này một dung mạo khác biệt hơn.

Nhận được sức mạnh từ Chúa

Chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh cho cuộc chiến này từ đâu? Từ việc đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha và là Đấng hằng tỉnh thức gìn giữ chúng ta. Nếu chúng ta mở cửa trái tim cho Người, người sẽ giúp chúng ta lớn lên trong khả năng yêu thương. Sau khi đã nói về những cảnh bạo lực khủng khiếp, Đức Giêsu đã kết luận thế này: “Một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đi” (Lc 21,18). Đây là lời mà chúng ta nên lặp lại luôn luôn, nhất là trong những giây phút đau đớn nhất: Thiên Chúa là Cha và luôn ở cạnh tôi. Người biết tôi và yêu tôi. Người hằng gìn giữ tôi và chẳng ngủ quên bao giờ. Người chăm sóc cho tôi, và chẳng một sợi tóc nào trên đầu của tôi bị mất đi. Còn tôi, tôi đáp lại điều này thế nào? Hãy nhìn vào những anh chị em thiếu thốn, nhìn vào văn hoá vứt bỏ này, vứt bỏ những người nghèo, những người ít có cơ hội, vứt bỏ những người già, những trẻ chưa được sinh ra… Vứt bỏ tất cả. Hãy nhìn vào tất cả những điều này và tự hỏi xem tôi có thể làm gì trong lúc này với tư cách là Kitô hữu?

Là những người được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta hãy quyết tâm yêu thương những người con cái của Thiên Chúa bị ruồng bỏ. Chúa ở đó. Có một truyền thống lâu đời mà ngay cả ngày nay ở một số ngôi làng của Ý vẫn còn giữ là bữa tối Giáng sinh người ta để lại một chỗ trống cho Chúa, Đấng chắc chắn sẽ gõ cửa ngang qua một người nghèo đang gặp khó khăn. Trái tim của bạn luôn có chỗ trống cho những người đó không? Trái tim tôi có một chỗ sẵn cho những người đó hay chúng ta quá bận rộn với bạn bè, những sự kiện xã hội, những nghĩa vụ? Là những người được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta hãy quyết tâm yêu thương những người con cái của Thiên Chúa bị ruồng bỏ, và hãy chăm sóc người nghèo. Đức Giêsu, Đấng đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, đang hiện diện trong họ. Chúng ta hãy mang lấy cảm thức trách nhiệm với chính họ, để không một sợi tóc nào của họ bị mất đi. Chúng ta đừng biến mình trở nên giống như những kẻ mà Tin Mừng hôm nay kể lại: họ đứng đó trầm trồ trước vẻ đẹp của những phiến đá Đền Thờ nhưng lại không nhận ra những Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa, là chính con người, đặc biệt là những người nghèo. Chính nơi gương mặt của những người nghèo, nơi lịch sử cuộc đời họ, nơi những thương tích của họ, có sự hiện diện của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã nói như thế. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng Thánh Lễ tiếp tục, và sau Thánh lễ, tại đại thính đường Phaolô VI, khoảng 1.300 người nghèo được phục vụ một bữa ăn nóng trong khi tại quảng trường thánh Phêrô một phòng khám lưu động để khám sức khỏe và chăm sóc y tế miễn phí cho những người nghèo vẫn hoạt động trong những ngày này.

Văn Yên, SJ – Vatican News

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *