Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói: “Trong bài thánh vịnh đáp ca chúng ta đã cầu nguyện: ‘Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.
Hai phụ nữ
“Đây là kinh nghiệm mà hai phụ nữ trong hai bài đọc đã trải qua. Một người vô tội bị vu khống và một người tội lỗi. Cả hai đều bị kết án tử hình. Một số Giáo phụ trong Giáo hội đã nhìn thấy nơi hai người phụ nữ này một hình ảnh của Giáo hội: thánh thiện, nhưng với những người con tội lỗi”.
Hai nhóm đàn ông
Đức Thánh Cha giải thích “Cả hai người phụ nữ đều tuyệt vọng, nỗi tuyệt vọng của nhân loại. Nhưng bà Susanna tin cậy Chúa. Cũng có hai nhóm đàn ông, đều là những người phục vụ Giáo hội: các thẩm phán và các vị thầy của Lề Luật. Họ phục vụ tại tòa án và giảng dạy Lề Luật. Hai nhóm này khác nhau. Nhóm đầu tiên, những người buộc tội bà Susanna, là những kẻ bất chính, đồi bại, những vị thẩm phán tham nhũng, khuôn mặt điển hình trong lịch sử. Trong Tin Mừng cũng vậy, Chúa Giêsu lấy lại dụ ngôn quan toà bất chính và bà goá quấy rầy, quan tòa bất chính không tin vào Chúa và không quan tâm đến những người khác. Các tiến sĩ luật không bất chính, không đồi bại, nhưng là những kẻ đạo đức giả. Và những người phụ nữ này, một người rơi vào tay những kẻ đạo đức giả và người kia rơi vào tay những kẻ bất chính: không có lối thoát”.
Phản ứng của hai phụ nữ
“Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Cả hai phụ nữ đều gặp phải một thung lũng tối: dẫn đến cái chết. Người đầu tiên tin tưởng Chúa và Chúa can thiệp. Người thứ hai, thật tội nghiệp, biết mình có tội, xấu hổ trước mọi người. Tại sao trong cả hai trường hợp đều có sự hiện diện của dân chúng, Tin Mừng không nói, nhưng một điều chắc chắn là người phụ nữ tội lỗi này đã âm thầm cầu nguyện, cầu xin sự giúp đỡ”.
Thiên Chúa can thiệp
Đức Thánh Cha tiếp tục nói về cách Thiên Chúa hành động như thế nào trong cả hai trường hợp bị kết án: “Chúa đã hành xử như thế nào trước dân chúng? Đối với người phụ nữ vô tội, Chúa đã cứu bà, trao công lý lại cho bà. Đối với người phụ nữ tội lỗi, Chúa tha thứ cho bà. Đối với các thẩm phán bất chính, Chúa kết án họ; Đối với những kẻ đạo đức giả, Chúa giúp họ hoán cải, và đối với dân chúng Chúa nói: ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’, và họ bỏ đi hết kẻ trước người sau. Ở đây, Thánh tông đồ Gioan nói mỉa mai ‘Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi’.
“Chúa cho họ thời gian để ăn năn; đối với người bất chính Chúa không tha thứ, đơn giản vì kẻ bất chính không có khả năng xin tha thứ, họ đã đi quá xa. Họ đã mệt… Không! Kẻ bất chính không mệt: họ không có khả năng. Sự bất chính cũng đã lấy đi khả năng mà tất cả chúng ta cần phải có đó là xấu hổ, cầu xin sự tha thứ. Sự bất chính tiếp tục hủy hoại, khai thác bóc lột dân chúng trong mọi lãnh vực, như trong trường hợp người phụ nữ này. Kẻ bất chính đặt mình vào vị trí của Chúa”.
Thiên Chúa đã hành động cho hai phụ nữ này: Đối với bà Susanna, Thiên Chúa giải thoát bà khỏi tay những kẻ đồi bại, và người kia, Chúa nói: ‘Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!’ Chúa để cho bà ra đi. Và đối với dân chúng, trong trường hợp đầu tiên, dân chúng ca tụng Chúa; trong trường hợp thứ hai, dân chúng học biết được lòng thương xót Chúa.
Ai cũng có tội
Đức Thánh Cha áp dụng Lời Chúa cho các tín hữu: “Mỗi người chúng ta đều có những câu chuyện của riêng mình. Mỗi chúng ta đều có tội riêng. Và nếu anh chị em không nhớ tội nào, hãy suy nghĩ một chút: anh chị em sẽ tìm thấy chúng. Anh chị em hãy tạ ơn Chúa nếu anh chị em nhận ra tội lỗi của mình, bởi vì nếu anh chị em không nhận ra tội mình, anh chị em là những kẻ bất chính. Mỗi chúng ta đều có tội cá nhân. Chúng ta hãy hướng về Chúa, Đấng xét xử theo công lý nhưng lại rất nhân từ. Chúng ta không phải xấu hổ vì chúng ta ở trong Giáo hội, chúng ta chỉ xấu hổ vì chúng ta tội lỗi. Giáo hội là mẹ của tất cả. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa nếu chúng ta không bất chính, không phạm tội. Và mỗi người hãy nhìn cách Chúa Giêsu hành động như thế nào trong những trường hợp này, hãy tin tưởng vào lòng thương xót Thiên Chúa. Và hãy cầu nguyện, với niềm tín thác vào lòng thương xót Thiên Chúa, cầu xin ơn tha thứ. Vì Chúa dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”.
Ngọc Yến – Vatican