Thiên khảo luận Truyền Giáo Học – Quá trình lịch sử công cuộc truyền giáo

CHƯƠNG II 

QUÁ TRÌNH LỊCH SỬ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

Muốn hiểu Giáo hội, và tiến trình phát triển của Kitô giáo, thì phải nhìn lại lịch sử. Thời gian hai mươi thế kỷ đã ghi lại rất nhiều biến cố làm những bài học dệt nên như một ngành “khoa học thực tiễn,” ngành Truyền giáo học. [1]

Câu chuyện bắt đầu với Ðức Giêsu Nadarét; sau khi bị giết chết, Ngài đã sống lại và truyền cho các môn đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15; x. Mt 28:18-20). Chẳng bao lâu sau (lối năm 30), Phêrô khởi sự việc rao giảng Tin mừng ở Giêrusalem. Lúc đầu, các tông đồ sinh hoạt trong môi trường Do thái giáo, không nghĩ đến chuyện thiết lập một tôn giáo mới.

Hai biến cố đã thúc đẩy các vị thay đổi lập trường: dân ngoại được rửa tội và dân Do thái, nói chung, không chịu tin nhận Ðức Giêsu là Ðấng Kitô. Dù tin vào hoạt động của Thần Khí, nhưng sử gia ý thức rằng Người thường dùng những sự kiện lịch sử làm “chất xúc tác.” Vậy, khi bị bách hại, cộng đồng ở Giêrusalem đã buộc phải tản mác ra ngoài (x. Cv 8): Philípphê rao giảng ở Samaria (dân ‘lạc giáo’) và Xêdarêa (thành phố dân ngoại); một số kitô hữu khác đi đến đảo Sýp và thành Antiôkia (x.Cv 11:19-20). Antiôkia trở thành trung tâm truyền giáo đầu tiên. Và cứ lần theo các đường thương mại, Tin mừng đã lan đến bờ Ðịa Trung Hải và Biển Ðen; rồi các thừa sai tiếp tục tiến xa hơn về phía bắc: sang tận Âu châu, và về phía nam: xuống đến Ai cập.

Vị thừa sai được biết đến rõ nhất là Phaolô thành Tácxô. Sau khi trở lại (vào những năm 34/35), ngài đã hăng say, can trường đi gieo hạt giống Tin mừng tại nhiều thành phố vùng Tiểu Á và Hylạp qua ba cuộc “hành trình tông đồ” cam go vào những năm 46-49, 50-53, 54-58; rồi cuối cùng đã đến Rôma và  tại đây ngài đã chịu tử đạo chẳng bao lâu sau khi Phêrô bị đóng đinh, trong cuộc Nêrô bách hại (năm 64). Phaolô thiết lập nhiều giáo hội địa phương và cắt đặt các thừa tác viên để tiếp tục sứ mệnh của ngài. Hoạt động truyền giáo của thánh Phaolô tiến hành theo bốn nguyên tắc sau đây:

— ưu tiên của kerygma (= sứ điệp, x. Rm 15:15, Gl 1:15, Pl 1:18, vv,);

— chứng tá đời sống (x. Cv 18:21, Pl 3:17, vv);

— thích nghi (x. 1Cr 9:19-23);

— thiết bị các cộng đoàn với đầy đủ thừa tác viên (x. Cv 14: 23, 20:28, Tt 1:15). [2]

Dường như các tông đồ và các giảng viên khác cũng tiến hành theo cung cách ấy. Và như thế, từ từ Tin mừng lan rộng trong khắp đế quốc Rôma, đặc biệt là nhờ hoạt động của nhiều thừa sai vô danh, như các bà vợ, các binh sĩ, những người buôn bán, v.v. Không rõ ai đã sáng lập các giáo hội mẹ như  như Rôma, Antiôkia, Alêxănđria… Những ai đã tỏ ra dễ dàng nhất trong việc đón nhận đức tin? Ðó là những người sống niềm đợi trông, như các nhóm Do thái đạo đức, các tân tòng trong Do thái giáo, những người nghèo, nô lệ, di dân, v.v.

Thật ra, Giáo hội hòa nhập vào trong xã hội theo một nhịp độ tương đối chậm và không đều. Khi hoàng đế Clauđiô trục xuất dân Do thái khởi Rôma (năm 51/52), số người tin vào Ðức Kitôâ đã khá đông, nhưng dư luận chưa coi họ như là nhóm đặc biệt. Ðến thời Nêrô bách hại (64), thì khác, dân chúng đã phân biệt người kitô với Do thái. Một trăm năm sau, trong thời giáo hoàng Cornêliô, cộng đồng kitô ở Rôma đông khoảng 30.000 người (2 hoặc 5% dân số thành phố). Tại vùng nước Pháp, năm 314 công đồng Arles đã nhóm họp với 16 giám mục Pháp và 3 Anh. Tại Tây ban nha, khoảng năm 300, cộng đồng Elvira cũng đã nhóm họp với 19 giám mục. [3]

Hồi thế kỷ thứ hai, theo báo cáo sử gia Pliniô gửi cho hoàng đế Trajanô (năm 112) [4] thì Tiểu Á là vùng có đông kitô hữu nhất. Phía Ðông đế quốc, công cuộc truyền giáo cũng thịnh đạt. Một tiểu vương là Abgar, đã chịu phép rửa tội (khoảng các năm 206-214), và nước Osrhoene đã theo Kitô giáo. Thủ đô Edessa đã trở thành trung tâm kitô giáo quan trọng nhất tại Trung đông; từ đó Kitô giáo sẽ lan rộng ra cho đến Trung quốc. Tại vùng Trung đông này, Giáo hội dùng tiếng Siry và khai triển một nền thần học không Hylạp. Công cuộc truyền giáo tại vùng Ácmênia đã khởi đầu với một nô lệ trở lại tại Capađôxia, là Grêgôriô “Soi sáng” (The Illuminator). Ông đã rửa tội cho nhà vua là Tiriđates II (năm 295) và được phong chức Catholicos, tức giáo chủ, của Ácmênia. Tại một nước láng giềng Ácmênia là Gêócgia, nữ nô lệ Nino, một khi trở thành vợ của vua nước Gêócgia, đã làm cho chồng tin vào Ðức Kitô; và từ đó, một giáo hội cường thịnh phát sinh.

ÐẶC TÍNH CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO BAN ĐẦU

Trước thời Cônxtăntinô, Giáo hội không có tổ chức hoặc dự án truyền giáo quy mô. Mỗi cộng đồng tự động đảm nhận công tác rao giảng Tin mừng cho dân ngoại; thêm vào đó, các tín hữu nhiệt thành hằng tìm cách rộng rãi phổ biến Lời Chúa. Ðời sống kitô thể hiện qua cuộc sống đạo gương mẫu, nhưng rất đơn sơ về cơ cấu tổ chức: bất cứ kitô hữu xứng đáng nào cũng có thể trở thành giám mục, linh mục, thừa sai để đi sáng lập một cộng đoàn giáo hội khác.

Giữa xã hội, người kitô ra sức sống như những công dân tốt, nhưng cũng không phải vì thế không mạnh dạn gạt bỏ những điều không thể chấp nhận được (các đền chùa, đấu trường, rạp xiếc, nhà tắm tập thể, những hành động bất lương hoặc dị đoan, v.v.). Họ khước từ việc tôn thờ hoàng đế và nhiều tư tưởng cùng chủ hướng của nền triết học La-Hy, được coi như căn tính của xã hội thời đế quốc Rôma. Vì thế, những người theo đạo thường là thuộc tầng lớp ngoài lề hoặc giới trí thức không xu thời. Không hội nhập văn hóa cho lắm! Vì không rập theo mos majorum (‘lề thói tổ tiên’) nên họ bị gọi là ‘kẻ thù của nhân loại’ và là tertium genus (‘loài giống thứ ba’), tức là vừa Rôma vừa ngoại quốc, lai căng. Ngôn ngữ họ dùng, nghe lạ tai vì chứa nhiều đặc ngữ và ý niệm Do thái. Cả ở Rôma, họ cũngï nói tiếng Hylạp, thứ tiếng phổ thông ở Ðông phương. Họ cũng không để các thứ tiếng địa phương du nhập vào phụng vụ và thần học: ở Ðông phương họ dùng tiếng Hylạp, còn bên Tây phương thì tiếng Latinh. Chỉ tại một số miền có tinh thần dân tộc mạnh mới dùng tiếng bản xứ, như Cốpt, Xiry, Ácmênia, v.v.

SẮC CHỈ CÔNXTĂNTINÔ BAN BỐ TẠI MILANÔ

Năm 313, hoàng đế Cônxtăntinô chấp nhận Kitô giáo là religio licita, tôn giáo hợp luật, và được tự do sinh hoạt. Và năm 380 hoàng đế Thêôđôxiô đặt Kitô giáo làm tôn giáo chính thức. Các quyết định ấy không phải là có hậu quả đối với việc truyền giáo:

Trước hết, Giáo hội bắt đầu sống công khai và tiến hành việc thiết đặt tổ chức cơ cấu có hệ thống. Cho đến thập kỷ đầu thế kỷ 4, Kitô giáo chỉ hiện diện và sinh hoạt giống như một phong trào thiêng liêng, ít quan tâm đến việc tổ chức phẩm trật, phụng vụ, giáo luật, v.v. Thứ đến, vì thường phải hoạt động ngoài vòng hợp pháp và bí mật nên Giáo hội thời đầu thường sống tách biệt khỏi giới chính trị. Từ nay thì khác, được quốc gia ủng hộ, Giáo hội có thể dùng đến những phương tiện truyền giáo đại chúng.

Giáo hội dồn cả chú tâm vào nỗ lực ‘kitô hóa’ các đồng bào trong vùng, ít khi nghĩ đến dân ngoại (một thí dụ: thánh Âugutinô đã không nghĩ đến việc truyền giáo cho dân chúng chung quanh). Giáo hội ‘kitô hóa’ văn hóa và phong tục: biến các đền thờ thành nhà thờ, lấy các ngày lễ thần linh làm dịp lễ kitô giáo, lành mạnh hóa những cuộc biểu diễn dã man, v.v., nhưng không thay đổi hệ thống chính tri, pháp luật, v.v.; vì thế mà chế độ nô lệ chẳng hạn, vẫn còn tồn tại. Phong trào truyền giáo lan dần ra các vùng ‘nhà quê’ (pagani) nhằm rửa tội và huấn luyện dân chúng trong đức tin; một thí dụ điển hình là công trình hoạt động của thánh Máctinô thành Tours, Pháp (316-397).

THỜI TRUNG CỔ

Ðầu thế kỷ 5, ‘dân ngoại’ (barbarians) xâm chiếm đế quốc Rôma. Các dân tộc này (Frank, Lombard…) giữ đạo riêng của họ; dân Goth theo lạc giáo Ariô. Ở tây Âu, cơ cấu xã hội sụp đổ, một mình Giáo hội sống còn. Sứ mệnh cụ thể bấy giờ của Giáo hội là dẫn đưa các dân ấy vào Giáo hội và khôi phục trật tự kitô giáo, tức là khai hóa, làm cho họ quen dần với văn minh, kỹ nghệ và đạo đức. [5]

Thời ấy, cơ cấu phẩm trật của Giáo hội gồm có hai giới: giáo dân và giáo sĩ, thường được quan niệm như là giới thụ động và giới chủ động. Phía xã hội thì cũng vậy: cấp trên nắm quyền và có sáng kiến, cấp dưới cứ phải răm rắp vâng theo. Vì thế, để thu nạp đại chúng, Giáo hội gia công chinh phục không phải là từng cá nhân, song là toàn thê dân tộc, toàn bộ cơ cấu chính quyền, bởi nếu nhà vua trở lại thì toàn dân cũng chịu phép rửa.

Trong số các lương dân trở lại trước hết, nổi tiếng nhất là dân Frank (Pháp), đã trở lại khi vua Clovis chịu phép rửa dịp Giáng sinh năm 496. Rồi sau đó là những dân theo lạc giáo Ariô; đáng kể nhất là dân Vidigoths, ở Tây ban nha: họ theo vua Rêcarêđô khi vua này được rửa tội trong công đồngTôlêđô III (năm 589). Cũng tương tự như thế, dân Ba lan đã theo vua Mieczyslav để gia nhập Giáo hội năm 966; dân Hungari theo vua Stêphanô để trở lại (năm 985), còn dân Nga thì theo Vlađimir (năm 988) v.v.

Thói lệ ấy ăn sâu vào trong phương sách truyền giáo của thời Trung cổ: chinh phục lãnh đạo trước đã để rồi cả dân tộc cùng theo. Mặt khác, thời ấy không có chuyện phân biệt giữa chính trị và tôn giáo: xâm chiếm một nước là buộc con dân nước đó phải theo tôn giáo của mình; theo cách thức đó, Charlemagne đã buộc dân Saxon phải chịu phép rửa (năm 782), Olag Tryggvason đã ép dân Na uy (năm 1000) theo đạo, v.v. Nhiều Dòng hiệp sĩ cũng áp dụng chính sách này; đôi lúc, đó cũng chính là mục đích của Dòng.

Tuy nhiên, trong thời Trung cổ, các đan sĩ chính là những vị anh hùng đã can đảm rao giảng Tin mừng và truyền bá đức tin. Có công đặc biệt là Vincent Lerins thành Marseille (khoảng năm 410), Xêdariô thành Arles (410-542), thánh Biển Ðức và đan viện Montecasino (khoảng năm 520-530); từ các nơi ấy đã phát sinh nhiều vị thánh từng ảnh hưởng sâu đậm đến việc biến đổi xã hội Châu Âu.

Ai Len là một trường hợp đáng đặc biệt lưu ý: sau khi được Germain d’Auxerre phong chức“giám mục vùng Ai Len” (432), Patrick, gốc người Anh, đã dấn thân đi truyền giáo. Ngài hoạt động hăng say, khôn ngoan và khéo léo đến độ đã biến “hòn đảo xanh” thành “hòn đảo thánh.” Ai Len là giáo hội Châu Âu duy nhất không có tử đạo và không tổ chức theo kiểu Latinh (không chia thành địa phận). Chẳng bao lâu sau, Ai Len làm nẩy lên hàng ngàn “đan sĩ phiêu cư” đi khắp Châu Âu rao giảng Phúc âm. Trong số các đan sĩ này, có những thừa sai lừng danh như Côlumba (521-597), Côlumbanô (543-615), gốc Ai len, và Bônifaxiô, gốc Anh quốc, là vị tông đồ lừng danh nước Ðức (680-754). Thời ấy, giám mục Rôma không trực tiếp để tâm cho mấy đến công việc truyền giáo, trừ thánh Grêgôriô Cả (540-604) là vị giáo hoàng đã phái Âugutinô Canterbury sang truyền giáo bên Anh quốc. Nhưng từ thế kỷ 13, Tòa Thánh đã trực tiếp đảm nhiệm công việc truyền giáo coi đó là bổn phận của mình.

Trở ngại lớn nhất là Hồi giáo: quân của họ xâm lăng chiếm bá các nước kitô giáo ở Bắc Phi và Trung Ðông, rồi tiêu diệt đế quốc Bydănxiô. Tại Châu Âu, Giáo hội dồn dập trải qua nhiều cơn khủng hoảng vì các lạc giáo, vì những trận xung đột với các chính quyền phong kiến, cũng như vì tội mại thánh trong thừa tác vụ, và cuối cùng là vì ảnh hưởng tiêu cực của các cuộc viễn chinh chữ thập.

CÁC DÂN TỘC XLAVƠ TRỞ LẠI

Sống tại các đồng bằng mạn bắc sông Ða-nuýp và mạn đông sông Ôđer thì có các dân thuộc chủng tộc Xlavơ; một số trong các dân này di trú về phía nam (Crôát, Xécb…), và một số khác đi về phía đông (Nga). Trước thời Charlemagne (742-814), chỉ có dân Crôát là đã được truyền giáo; sau này, hai đế quốc kitô (Frank và Bydănxiô) sẽ cạnh tranh với nhau để dành thắng thế về cả tôn giáo lẫn chính trị, đưa lại những hậu quả thê thảm và khốc liệt như còn thấy cho đến ngày nay.

Năm 863, phó tế Cônxtantinô (lấy danh hiệu là Xyrillô) và em là linh mục Mêthôđiô đã tới miền Môravia trong tư cách là đại diện của hoàng đế Micae II. Hai vị đã chuẩn bị rất chu đáo: đã học tiếng địa phương, đã phát minh một loại chữ cái đặc biệt (bản vần chữ cái Xyrillíc) để viết tiếng địa phương và đã phiên dịch các sách thánh ra thứ tiếng ấy. Dùng loại chữ ấy, hai vị đã soạn ra văn bản của phụng vụ Xlavon; đó sẽ là khí cụ rất hữu hiệu trong nỗ lực kitô hóa các dân tộc khác, như Bungari, Kiev, Nga… Xyrillô qua đời tại Rôma (869); Mêthôđiô được phong chức giám mục (ở Rôma) và được phái đi Môravia; nhưng đã có chuyện xung đột với giáo hội Ðức: ngài bị giam và qua đời năm 885.

Các môn đồ Mêthôđiô rao giảng Tin mừng tại Bungari và miền nam Balan. Năm 864 Bungari thua trận Bydănxio và vua Boris đã xin chịu phép rửa: thượng phụ Phôxiô cử hành bí tích và hoàng đế Micae III làm bõ đỡ đầu. Từ Bungari đức tin đã được truyền lan qua Nga.

Dã man, dân Hungari (không phải là Xlavơ) đã bị Ôttô I (Ðức) đánh bại (955). Hoàng tử Stêphanô lấy vợ công giáo là Ghidêla, nước Baviera, rồi lên ngai, và đã dẫn cả toàn dân đến với Phép rửa cùng “với Thánh Phêrô.” Nhà vua cho xúc tiến việc thiết lập hàng giáo phẩm và thành lập Dòng Biển Ðức để huấn luyện dân chúng trong đức tin.

Theo mô mẫu ấy, dân Balan cũng theo Kitô giáo khi vua Miscô (hoặc Mieczyslav) lấy vợ công giáo là Ðôbrôvka và chịu phép rửa năm 966.

Cư trú tại thảo nguyên Ðông Âu thì có dân Russ, và Bydănxiô đã có quan hệ với họ. Khi hoàng hậu Olga thành Kiev theo Kitô giáo (954-5), có người đã nuôi hy vọng lớn cho một cuộc trở lại quy mô, nhưng dân chúng không chịu theo. [6] Năm 987/8, vua Vlađimir đã xuống sông Dnieper với đông đảo dân chúng để chịu phép rửa: một cuộc trở lại vì những lý do trộn lẫn, vừa tôn giáo vừa chính trị; dù sao thì toàn dân cũng đã theo, và ông được mệnh danh là “tông đồ dân Nga.” Thật ra, suốt mấy thế kỷ trước, dân chúng đã được nghe giảng về đạo, nhất là từ thời Yaroslav (1016-1054): ông thiết lập hàng giáo phẩm tại các trung tâm Kiev và Nôvgôrốtđ. Dùng tiếng xlavon (không phải tiếng địaphương, phụng vụ đã đóng một vai trò quả là độc đáo, có sức thu hút được đông đảo dân chúng. Kitô giáo đã làm cho các dân tộc khác nhau ấy trở thành một quốc gia, và coi kitô tính và Nga tính chỉ là một. Cao trào kitô giáo đã lên đến tột đỉnh lúc Yvan IV “Dữ tợn” (The Terrible) lên ngôi (1547) ở Maxcơva, “Rôma thứ ba.” Giáo hội Nga đã lớn rộng thêm dần về phía Xiberi và cho đến Alaska.

THỜI ĐẠI MỚI CỦA CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

Một số cải cách thực hiện trong các thế kỷ 11 và 12 đã đổi mới Giáo hội ở Tây Âu; đó là công trình của những phong trào do Cluny và Citeaux cổ xướng. Trong thế kỷ 13, một mẫu tu sĩ mới xuất hiện: các dòng khất thực, đặc biệt là dòng Phanxicô và Ðaminh. Không thuộc giáo hội địa phương, họ trực thuộc giáo hoàng Rôma, và vì thế, môi trường hoạt động của họ là thế giới. Phía nội bộ, họ phải chống cự với lạc giáo và cả một hàng giáo sĩ hư hỏng; phía đối ngoại, họ xả thân cho công cuộc truyền giáo. Hai đối tượng họ lưu tâm đến cách riêng là: Hồi giáo và Châu Á. Những ai có đầu óc đều hiểu rằng chiến tranh không phải là lối hành động phù hợp với tinh thần Phúc âm, và vì thế cũng chẳng phải là phương thế chính đáng dùng để giành giật cho thật nhiều môn đồ về với Chúa; nhưng là phải ‘rao giảng’ verbo et exemplo, tức là qua lời nói và gương sống. Thánh Phanxicô đã qua Ai cập để trình bày cho nhà vua về Ðức Kitô (năm 1219). Raimund Llull (1235-1316) là người đầu tiên đã đề xuất một phương pháp truyền giáo có thể nói là “tân thời”: muốn chinh phục người Hồi thì phải nói tiếng của họ, học biết về tôn giáo của họ, chung sống với họ như những người bạn… Ông bị giết chết vì đạo ở Tunis. Thánh Ðaminh cũng đã muốn đi giảng Tin mừng cho dân cuman (Thổ nhỉ kỳ); anh em Dòng ngài làm việc ở giữa dân này hồi năm 1221. Nhưng đến năm 1241, quân Mông cổ đã tiêu diệt giáo hội tại đó.

Ðầu thế kỷ 13, quân Mông cổ xuất hiện ở Ðông Âu: biến cố được hiểu vừa như là một mối đe dọa mà cũng vừa như là một niềm hy vọng. Giáo hoàng sai sứ giả đi gặp các khan Mông cổ, với ý là lập liên minh chống lại người Hồi và yêu cầu được tự do truyền giáo. [7] Khan Kubilai (1214-1294) đã xin gửi thừa sai đến. Bước theo “đường buôn lụa,” các tu sĩ Phanxicô và Ðaminh đã tới Trung Á và Trung quốc. Trong lãnh địa Mông cổ, dòng Phanxicô đã thiết lập hai giáo phận, sống du mục và ăn mặc như dân địa phương. Năm 1286, hy vọng đã bừng lên khi hoàng hậu Yailak trở lại, rồi sau đó khan Toqtai cùng toàn thể gia định đã lãnh nhận phép rửa (1290). Năm 1291, Gioan Môntêcorvinô, ofm, đã tới Kambaliq (Bắc kinh), giảng Tin, mừng mang lại kết quả tốt đẹp, và đã đưa vua Georg, nước Ongut, từ Cảnh giáo về với Giáo hội công giáo. Giáo hoàng Clêmentê V bổ nhiệm Môntêcorvinô làm tổng giámmục (1307) với một số giám mục khác, và truyền thành lập tu viện Phanxicô tại Trung quốc. Hồi thế kỷ 14, đã có hàng trăm Giáo hội rải rác ở trong vùng Trung Á. Tại vùng Nam Á, có Giócđan Cathala de Severac, dòng Ðaminh, làm việc ở Quilon (Ấn độ); năm 1329, Ðức Gioan XXII bổ đã nhiệm vị này làm giám mục tại đấy, nhưng rồi Giáo hội ấy đã tàn dần.

CẢNH GIÁO

Những thừa sai đầu tiên rao giảng Tin mừng ở Châu Á đều thuộc Giáo hội Canđê cũng gọi là Asiry hay Nestôriô. Họ ở phía ngoài đế quốc Rôma, trong miền Trung lưỡng hà. Ba tư bách hại họ dữ dội đến nỗi hồi thế kỷ 4, Giáo hội Canđê đã có hơn 16.000 vị tử đạo. Có lẽ để cho thấy mình không thuộc quyền đế quốc Bidănxio, hội đồng Ctêsiphon (năm 486) đã từ chối giáo lý chính thống của công đồng Canxêđôn. Tuy nhiên, họ vẫn nhiệt tâm truyền giáo. Trong thế kỷ 4, họ giảng đạo ở Bahrain; qua hai thế kỷ 6 và 7, họ đã có Giáo hội ở giữa các dân Tácta, Thổ nhỉ kỳ, Mông cổ, Ấn độ, Trung quốc và Mã lai. Năm 635, đan sĩ Olopen tới Trung quốc; năm 781, bia Sigan-fu được dựng (hiện giờ ở Tây an), có khắc tên 70 giáo sĩ. Giáo hội Cảnh giáo đã có nhà thờ và đan viện trong khắp Châu Á, với 20 tổng giám mục và 200 giám mục hồi thế kỷ 13. Nhưng, đến cuối thế kỷ 15, họ đã bị quân Hồi tiêu diệt hầu như toàn bộ. [8]

* * *

Trong các thế kỷ 13-14, đà truyền giáo dâng cao và tiến phát thật lạ lùng. Các dòng khất thực và Giáo hội Cảnh giáo đã thiết lập nhiều cộng đồng kitô trong các vùng kéo dài từ Ethiôpi cho đến Trung quốc, Ấn độ và Xibêri. Nhưng đến cuối thế kỷ 15, tất cả đều sụp đổ. Tại sao? Hồi giáo chiếm Ba tư năm 651, và năm 1043 đã chinh phục miền trung Châu Á, rồi xâm lăng Ấn độ năm 1186. Ở Trung quốc, nhà Minh đánh đuổi triều Mông cổ (1363-1368) và dấy lên thái độ bài ngoại. Tệ hơn cả là chiến dịch tàn bạo của Tamerlan, tức Timur Lang (Hồi giáo) ở Trung Châu Á và Ấn độ; ít có cộng đồng kitô sống sót. Thêm vào đó, ở Châu Âu và vùng cận đông đã có dịch hạch, gọi là “thần chết đen” (Black Death): tại Châu Âu, ¼ dân số và hơn ½ số các tu sĩ đã thiệt mạng; tại Ba tư, tất cả các thừa sai đều chết. Mặt khác, Kitô giáo sống chia rẽ, cạnh tranh với nhau, không chịu hợp tác. Ðó có thể là những lý do thấy được; còn lý do thực sự và sâu xa thì chỉ mình Chúa biết. Tuy nhiên, các chuyên viên cũng nêu lên một điểm: cả Công giáo lẫn Cảnh giáo đều sống ỷ vào quyền bính, giáo quyền, chỉ để cho một mình giáo sĩ đóng giữ vai trò tích cực, dành công tác truyền giáo cho riêng “các chuyên viên.” Cộng đồng mà tổ chức, sinh hoạt rập theo kiểu ấy thì không thể tự túc được, không thể thực thi sứ mạng chia sẻ Tin mừng với dân ngoại được, và rồi sẽ tàn rụi dần đi giữa một môi trường không thân thiện.

CÔNG TÁC TRUYỀN GIÁO TỪ THỜI HẬU CÔNG ĐỒNG TRENTÔCHO ĐẾN THẾ KỶ 20

Ðó là thời gian kể từ thế kỷ 16 cho đến công đồng chung Vaticanô II, bởi trong giai đoạn này, mẫu dạng theo đó, các thừa sai thiết lập Giáo hội, chính là mẫu dạng đã được công đồng Trentô (1554-1563) ấn định.

Suốt trong các thế kỷ 16-18, đã có hai cách tổ chức công tác truyền giáo: một là chế độ bảo trợ của Tây ban nha và Bồ đào nha (patronato/padroado), hai là cách thức của bộ Propaganda Fide, tức bộ Truyền giáo của Tòa thánh.

Chế độ bảo trợ

Do hai Trọng Sắc Tòa thánh là Inter caetera (1493), của giáo hoàng Alêxăndrô VI, và Universalis ecclesiae (1508)  của đức Julio II, hai nước Tây ban nha và Bồ đào nha được ủy thác (“ủy thác giáo luật”) nhiệm vụ truyền giáo trong những miền họ đô hộ. Chính quyền chịu trách nhiệm về an ninh cùng việc chuyển dịch của các giáo sĩ, và đôi khi về cả việc tài trợ cho các giáo hội địa phương. Trong những vùng hai nước cai trị, như Châu Mỹ Latinh và Phi luật Tân, giáo hội được thiết lập vững chắc; còn tại Châu Phi và Châu Á, nơi Bồ đào nha không nắm được thực quyền, thì tính cách nước đôi của chế độ bảo trợ như thế đã gặp phải nhiều trục trặc.

Bồ Đào Nha ở châu Á

Vasco da Gama tới Ấn độ năm 1498; chẳng bao lâu sau, tức là vào năm 1533, địa phận Goa được thiết lập với thẩm quyền trên toàn vùng từ Châu Phi cho đến Viễn đông. Nhiều tu sĩ đến với các thuyền Bồ và bắt đầu rao giảng Tin mừng khắp nơi: Ấn độ, Tích lan, Malacca, Inđônêxia… Tại miềntây nam Ấn độ, các thừa sai đã gặp thấy Giáo hội Malabar và đã ra sức dẫn nhập họ vào Giáo hội Công giáo Latinh; kết quả có nhưng cũng khó tránh khỏi những hậu ý nước đôi. Nói chung, đợt thừa sai đầu tiên đã không nghĩ gì đến điều mà bây giờ gọi là công tác “hội nhập văn hóa” và không chú tâm đến việc bản xứ hóa Giáo hội qua nỗ lực gầy dựng giáo sĩ địa phương. Như thế, có lẽ vì họ là tu sĩ dòng.

Năm 1542, Phanxicô Xaviê đến Goa. Ngài lặn lội rao giảng Tin mừng khắp vùng bờ biển miền tây Ấn độ, rồi sau đó đi qua Malacca, đến đảo Maluco, Nhật bản (1549), để cuối cùng đã cập bờ nam Trung quốc và qua đời tại đó (1552)… Như vậy ngài đã mở cửa cho Tin mừng ở khắp vùng miền nam và đông Châu Á, để sau đó nhiều thừa sai sẽ đến tiếp tục công trình truyền giáo quy mô. Xaviê được coi là vị thừa sai lớn nhất trong thời đại này.  Năm 1557, Bồ đào nha kiến lập Áo môn và năm 1564 Dòng Tên đã đặt cơ sở tại đó, làm hậu cứ và trung tâm truyền giáo. Nếu cần phải nói đến các thừa sai tiếng tăm nhất đã từng hoạt động dưới chế độ bảo trợ của Bồ đào nha thì phải kể ra các vị sau đây: Alétxănđrô Valinhanô, Máttêô Ricci, Rôbéctô de Nobili, Ðắc Lô…

Tại Ấn độ, đã có mặt người kitô từ xa xưa (“kitô hữu của thánh Tôma tông đồ”); thời Trung cổ, họ đã được một ít thừa sai đến giúp đỡ. Nhưng công tác truyền giáo theo cách thức mới đã chỉ bắt đầu với Bồ đào nha. Giữa nhiều thừa sai đã làm việc tại Ấn độ, nhưng nổi bật nhất là thánh Gioan Britô và Rôbéctô de Nôbili, SJ (1577-1656). De Nôbili hoạt động ở miền nam Ấn độ từ năm 1606, và đã thực sự trở nên theo tinh thần hội nhập văn hóa, một người brahmin giữa các người brahmin. Cuộc tranh luận về lễ chế Malabar bắt đầu với sự bắt đầu có mặt tại Ấn độ của thẩm quyền Propaganda Fide. Suốt cả một thế kỷ, tức là cho đến năm 1704, lúc Tin lành đổ bộ vào Ấn độ, chỉ có một mình thừa sai công giáo không thôi lo việc truyền giáo. Nhưng ngoài Goa ra, tại Ấn độ, Giáo hội đã tiến phát rất chậm.

Lịch sử truyền giáo tại Thần quốc Mặt trời (Nhật bản) là một bài học bi đát. Dòng Tên đầu tư nhiều nhân sự vào nước này; dòng Phanxicô cũng sai phái nhiều tu sĩ đến. Nhưng đến cuối thế kỷ (1600) chỉ có lối 300.000 kitô hữu với khoảng 150 thừa sai. Bắt đầu hồi năm 1597, các cuộc bách hại đã trở thành có hệ thống và đạt tới mức tàn bạo tột độ vào năm 1613: Giáo hội bị diệt vong.

Bị Nhật bản trục xuất, các thừa sai Dòng Tên đã trở về hậu cứ Macao, và từ đã sang truyền giáo tại Việt Nam: năm 1615, ở Ðàng Trong, và năm1626, ở Ðàng Ngoài, với kết quả hết sức khả quan. Năm 1659, các đức cha Pallu và Lamber de Lamotte được bổ nhiệm làm Ðại diện tông tòa tại các khu truyền giáo ở Việt Nam; nhưng đến năm 1664, một thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris (Missions Etrangères de Paris) mới đến Hội An; cuộc xung đột với chế độ bảo trợ khởi đầu. [9]

Trung quốc đóng chặt cửa đối với người ngoại quốc. Từ Áo môn, dòng Tên đã thử đi vào. Năm 1583, Cha Ruggieri và Ricci được phép vào ở lại Quảng đông, và năm 1598, Máttêô Ricci đã lên tới Bắc kinh. Việc truyền giáo bắt đầu. Có khiếu đặc biệt trong việc học ngôn ngữ, cọng với khả năng thích ứng sắc bén, Ricci đã thành công trong nỗ lực chinh phục nhiều người hoa, cả đến những người trong giới quan lại, theo đạo. Nhiều thừa sai các dòng cũng bắt đầu đến truyền giáo, nhưng lại theo một phương pháp khác hẳn. Vì nhiều lý do, các thừa sai này từ chối mọi hình thức thích ứng, và như thế, đã vô tình biến Trung quốc thành “chiến trường thần học” (“Tranh luận về lễ chế”), gây hại lớn đến hoạt động truyền giáo.

Thiên sử Giáo hội Triều tiên (Ðại hàn) viết nên thì quả là độc đáo: khi Nhật bản xâm lăng Triều tiên (1592-99), có một ít ngưới bản xứ đã chịu phép rửa; sau đó, một số các kitô hữu này chịu chết vì đạo ở Nhật bản, và 9 trong số các vị này đã được phong thánh; nhưng nhóm kitô đầu tiến ấy đã biến mất hẳn. Giáo hội Triều tiên ngày nay đã không do các thừa sai sáng lập: khi phái đoàn Triều tiên đi Bắc kinh nộp thuế (1777), một số văn sĩ  đã mua được cuốn Thiên chủ chính ý do cha Ricci biên soạn; họ đã đọc, học và chấp nhận giáo lý; rồi sau đó, khi một phái đoàn trở lại Bắc kinh (1783), một học giả đã được cha J. de Grammont rửa tội. Trở về Seoul, ông truyền giáo cho thân nhân bạn bè và rửa tội cho họ; công việc truyền đạo thành công đến độ khi cha Chu, người Trung quốc, là linh mục đầu tiên đi qua Triều tiên, thì đã thấy cả một cộng đoàn 4.000 kitô hữu. Năm 1801, cha Chu và 300 kitô hữu khác bị giết vì đạo; Giáo hội đã lớn lên với con số 10.000 tín hữu. Họ liên tục bị bách hại cho đến năm 1883. Các thừa sai làm việc tại Ðại hàn từ thời đó đến nay là linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris.

Bộ truyền giáo và châu Á

Thật ra, Bộ Truyền giáo được lập nên trước hết cũng là vì và cho Châu Á. Qua trọng sắc Inscrutabili Divinae công bố năm 1622, đức Grêgôriô XV cho thấy rõ ý của Toà thánh muốn dấn thân trực tiếp lo cho công cuộc tuyền giáo tại châu Á (và một phần nào cả Châu Phi nữa) và giảm bớt ảnh hưởng của Bồ đào nha. Chủ ý là đẩy mạnh tinh thần truyền giáo, đào tạo các thừa sai và xuất bản cùng phổ biến tài liệu, sách báo cần cho công tác ấy. Trong chủ hướng đó, năm 1651 nhà in của Propaganda đã xuất bản cuốn Phép Giảng Tám Ngày của cha Ðắc Lộ. Năm 1959 Thánh Bộ đề xuất một bản huấn thị rất đáng thán phục với đoạn viết như sau:

“…Chư huynh đừng bao giờ tìm cách sửa đổi, cũng đừng tìm lý lẽ để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tuc, phong hóa của họ, trừ khi có những điều hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý thô bỉ hơn là mang theo cả nước Pháp, nước Tây ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác từ bên trời Âu sang cho dân Á đông? Không phải mang những thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến những lễ nghi và tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý ấy muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác.

“Có thể nói tự nhiên ai ai cũng cho cái của mình và nhất là của quê hướng xứ sở mình là hơn tất cả, và yêu mến những báu vật đó hơn những cái ngoại lai: nguyên việc sửa chữa những quốc lệ của người ta cũng đủ gây lòng oán hận sâu đậm rồi, nhất là những tập tục cổ đã có lâu đời nhất mà các tiền nhân vẫn có thể nhớ tông tích; càng tệ hơn nữa nếu chư huynh hủy bỏ những tập tục đó để đem phong tục của quý quốc mà thay thế vào! Vậy đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đến đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy; trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ.

“Ðiều gì đáng khen, thì hãy khâm phục và ca tụng. Còn điều gì không đáng thì đừng để cao om sòm theo kiểu ba phải; nhưng hãy khôn ngoan đừng phê phán, cũng đừng kết án một cách thiếu suy nghĩ và quá đáng. Nếu điều gì thực sự xấu, thì nên chống đối bằng thái độ dè dặt và thinh lặng hơn là bằng lời nói; song dĩ nhiên khi tinh thần người ta đã sẵn sàng chấp nhận chân lý, chư huynh sẽ lợi dụng những cơ hội thuận tiện để từ từ và âm thầm nhổ bỏ nó đi.” [10]

Tiếc là sau này Bộ và Tòa thánh đã quên bẵng đi văn kiện ấy. Chỉ thành công trong việc cổ vũ công tác đào tạo hàng giáo sĩ địa phương. Năm 1664, Hội Thừa sai Paris (Missions Étrangères de Paris)được thiết lập và trở thành khí cụ đặc thù của Bộ Truyền giáo tại Châu Á. Ngay từ đầu, Bộ đã bổ nhiệm một số Ðại diện tông tòa cho Việt Nam (1659) như François Pallu (Ðàng Ngoài) và Pierre Lambert de la Motte (Ðàng Trong); từ đó, xuất hiện một ‘dạng’ giám mục mới, không có ngôi tòa riêng, trực thuộc Rôma, tựa như các “giám mục phiêu cư” thời Trung cổ.

Chính sách thời đó của Bộ Truyền giáo là tập trung quyền quyết định về Rôma theo “tinh thần” công đồng Trentô, và giữ thẩm quyền trên các vùng “không công giáo.” Nhưng vì muốn rút nhiều miền ra khỏi ách bảo trợ Bồ đào nha, nên đã phải dựa vào Pháp. Ðể đào tạo linh mục địa phương, năm 1627, Bộ thành lập chủng viện ở Rôma, tức là đại học Urbaniana hiện nay, và một nhà in đa ngữ. Bộ cũng khuyến khích thành lập những hội dòng mới với mục đích truyền giáo, và duy trì các tổ chức gọi là “hiệp hội giáo hoàng truyền giáo.” Như thế, hoạt động truyền giáo ở khắp nơi trong Giáo hội được tổ chức cùng phối hợp một cách chặt chẽ hơn với phương thức tiến hành hữu hiệu hơn; tuy nhiên, cũng phải nhận là vì thế mà tinh thần truyền giáo trong các Giáo hội địa phương bị sa sút, nguội lạnh đi.

Tranh luận về nghi lễ

Không thể kể lại lịch sử công cuộc truyền giáo ở Châu Á mà không đề cập đến vấn đề này. [11] Ở Trung quốc (và Ấn độ) Dòng Tên đã thử tìm cách thích nghi cách sống đạo với bối cảnh văn hóa Trung quốc và Ấn độ. Bất đồng ý bắt đầu chớm nở giữa các nhóm thừa sai. Năm 1670, sách Lễ bằng chữ nho đã được in ở Bắc Kinh. Sau đó, khi các thừa sai khác đến, họ ngạc nhiên, nghỉ làm như thế là làm sai giáo lý, nên đã tố cáo Dòng Tên lên Tòa thánh. Ðó là điểm bùng nổ của một cuộc tranh luận sôi nổi, sẽ kéo dài từ 1633 cho đến 1742. Không chỉ các Dòng và Tòa thánh không thôi, mà còn nhiều đại học Châu Âu cũng tham gia vào cuộc tranh luận. Năm 1645, căn cứ vào một bản phúc trình của Dòng Ðaminh, Bộ Truyền giáo đã kết án các “nghi lễ” mới. Nhưng, đến năm1656, sau khi cứu xét một tài liệu Dòng Tên đệ trình, Bộ lại chấp thuận.

Cần phải giải quyết và làm cho sáng tỏ ba điểm: Tên dùng xướng Danh Thiên Chúa, việc tôn kính Ðức Khổng tử và tổ tiên. Cha Ricci đã dùng từ Thiên hoặc Thiên Chúa; phe bài nghi lễ cho rằng Thiên là một tạo vật và vì thế “thờ Thiên” là bái thờ ngẫu thần, còn nghi lễ kính Khổng tử và các tổ tiên là những nghi thức sùng bái ngẫu tượng. Phía Dòng Tên thì coi đó chỉ là những nghi lễ văn hóa và dân sự.

Dù chỉ vì thiện chí mà mọi bên tranh luận, thì vụ bất đồng ý kiến ấy đã phương hại trầm trọng đến hoạt động truyền giáo tại Ðông Á. Ðã rắc rối, vấn đề càng trở nên rắc rối hơn trước tiên là bởi bị lẫn lộn với vụ xung đột giữa Bộ Truyền giáo và Bồ đào nha, giữa Dòng Tên với nhiều Dòng khác, thứ đến là bởi xảy ra giữa lúc cuộc tranh cãi về học thuyết Ơn trợ giúp [De auxiliis] cũng như về chủ thuyết của Giănxen [Jansenisme] đang sôi nổi ở Tây phương, và cuối cùng là bởi trùng vào lúc phong trào bài Dòng Tên đang dâng cao tại Châu Âu. Tại Châu Á, nhiều Dòng tu đã gây gương mù gương xấu, làm cho tính cách đáng tin của Kitô giáo mất đi sức năng chinh phục. Trong vụ tranh luận về “nghi lễ,” nhiều (tám vị) giáo hoàng đã lên tiếng. Ðức Clêmentê XI kết án “nghi lễ” hai lần vào các năm 1704 và 1715. Thấy thế, hoàng đế Khang Hy đã lên tiếng can thiệp. Vị này đã nhận nhiều tu sĩ Dòng Tên – như Adam Schall, Ferdinand Verbiest, Giuseppe Castiglione, v.v. – vào làm việc tại một số dịch vụ ở Bắc kinh, và nhờ họ mà Kitô giáo được phép sinh hoạt tự do khắp trong nước (1692). Phật lòng đến cực độ khi nhận được sắc lệnh của giáo hoàng, hoàng đế đã lập tức trục xuất khỏi Trung quốc Maillard de Tournon, là vị đại diện Tòa thánh đã mang sắc lệnh đến, và đến năm 1706 thì ra lệnh buộc tất cả các thừa sai không đồng quan điệm với Dòng Tên, phải rời khỏi Trung quốc. Như vậy, dư luận Châu Âu phân biệt rõ hai phía: một bên là Dòng Tên với lương dân, và bên kia là các Dòng Ða minh, Phanxicô, v.v. với Tòa Thánh! Cuối cùng, năm 1742, đức đã Biển Ðức XIV dứt khoát kết án các “nghi lễ” và cấm chỉ các cuộc tranh luận liên quan đến vấn đề. Trọng sắc năm 1715 buộc phải dùng danh từ “Thiên Chúa” và cấm dùng các từ “Thiên” và “Thượng đế,” để xưng danh “Ðức Chúa Trời”; ngoài ra, còn  cấm cả việc tôn kính tổ tiên và buộc phải cất bỏ bàn thờ trong các gia đình, cất khỏi các nhà thờ tấm bảng ghi chữ “Kính Thiên” chính hoàng đế đã đích thân truyền viết.

Khó mà lường được những hậu quả khốc hại do vụ tranh cãi về “nghi lễ” gây nên: ở Trung quốc Kitô giáo bị cấm cách; ở Việt Nam, Ðại hàn và Nhật bản việc truyền giáo đã khó khăn, còn phải gặp khó khăn chồng chất thêm. Viện cớ, phía chống đối Dòng Tên tại Châu Âu xúi giục các nhà cầm quyền trục xuất Dòng Tên khỏi Bồ đào nha và vùng bảo trợ (1759), khỏi Pháp (1764) và Tây ban nha, khỏi Châu Mỹ Latinh và Phi luật Tân (1767) v.v.; buộc lòng phải nhượng bộ trước áp lực dồn dập, năm 1773, đức Clêmêntê XIV đã quyết định giải tán Dòng Tên. Không một biến cố nào trong lịch sử Giáo hội đã phương hại trầm trọng đến hoạt động truyền giáo cho bằng vụ này. Cuối thế kỷ 18, Trung quốc có chừng 250.000 tín hữu công giáo. Thiên sử bi đát ấy đã kết thúc với quyết định của đức Piô XI công bố ngày mồng 8 tháng 12 năm 1939, cho phép cử hành các “nghi lễ” đã từng bị kết án.

Ở Ấn độ, vụ tranh luận về “nghi lễ Malabar” cũng đã xảy ra tương tự. Dù Gioan Brito có được phong chân phước năm 1741, thì các “nghi lễ” cũng vẫn bị kết án sau đó, vào năm 1744. Thật ra, trước đó, De Nobili đã viết một bản phúc trình “biện hộ” với kết quả là giáo hoàng và hồng y Bellarmino (họ hàng với De Nobili) chấp thuận cách hành sử của các thừa sai trong vụ ấy (năm 1615, 1623). Nhưng đến năm 1704, Maillard de Tournon tới Pondichery và đã kết án các nghi lễ Malabar. Sau nhiều  cuộc tranh luận sôi nổi ở Rôma, năm 1739, đức Clêmentê XII, năm 1739, buộc các thừa sai phải thề hứa tuân theo các huấn lệnh cấm chỉ những “tục lệ Malabar.” [12]

Công tác truyền giáo dưới chế độ bảo trợ Tây Ban Nha

Các vùng này gồm có Châu Mỹ Latinh và Phi luật tân. [13] Sau khi người Tây ban nha đặt chân tới Châu Mỹ Latinh vào năm 1492, thì một quá trình chông gai phức tạp khởi đầu trong nhiều lãnh vực: chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn minh, nhân chủng học, v.v., và một phần nào đó, tất cả các lãnh vực ấy làm như liên hệ chặt chẽ với nhau. Như thế là nhờ sự việc không bao lâu trước đó Tây ban nha đã được thống nhất, và Giáo hội trong nước đã dấn thân sâu rộng vào trong cuộc cải cách. Công việc truyền giáo bắt đầu từ năm 1493, nhưng nếu đã tiến phát cường thịnh thật sự thì chính là nhờ các dòng tu từng sống qua cao trào cải cách, như Phanxicô (1501), Ðaminh (1510), Ðức Bà thương xót(1519), Âugutinôâ (1532), Dòng Tên (1548), v.v. Trong thế kỷ 16, đã có hơn 5.000 thừa sai Tây ban nha làm việc trên cánh đồng truyền giáo. Chính ủy ban đặc trách của nhà vua đích thân chọn những tu sĩ có đời sống đạo đức cao để làm gương sáng, và để đặc biệt sống khó nghèo.

Kể từ năm 1534, đã có những nữ thừa sai đến Mêhicô để lo việc giáo dục giới thanh thiếu nữ bản xứ. Hai thế kỷ sau đó, đã có 130 nữ đan viện tại Châu Mỹ Latinh. Giáo sĩ triều (chẳng hạn như Vasco de Quiroga, thánh Toribio Mogrovejo, v.v.) cũng đã nhiệt thành dấn thân vào nỗ lực truyền giáo.

Giữa cảnh bạo lực của chiến tranh và bóc lột, các tu sĩ đả trở thành nơi nương tựa cho dân bản xứ.Phương pháp dùng đến gần giống như phương pháp thời Trung cổ: tu viện là trung tâm giáo dục nhằm đào tạo về tôn giáo, văn hóa cũng như nông nghiệp. Nhiều làng ấp đã được thiết lập để đón những nhóm dân sống rải rác về sống và sinh hoạt chung; trong số các khu trù mật như thế, nổi tiếng nhất là các khu vực gọi là Reducciones ở Paraguay; giữa thế kỷ 18, đã có hơn một triệu thổ dân sống trong các khu như thế. Về mặt văn hóa, Giáo hội lập nên nhiều nhà in để phát hành ấn bản trong các thứ tiếng địa phương (hồi thế kỷ 16, chỉ ở Mêhicô không thôi đã có 81 cuốn Giáo lý bằng tiếng địa phương). Về mặt giáo dục, thì đã có 6 đại học hồi thế kỷ 16, và con số ấy đã lên đến 25 trong thế kỷ 18, 25, cọng với nhiều trường các cấp khác. Từ năm 1503, đã có nhiều bệnh viện được thiết lập; trong thế kỷ 16, tại Mêhicô không thôi, đã có 149 bệnh viện với nhiều cơ sở có thêm trường y học).

Giáo hội địa phương được tổ chức theo kiểu mẫu Tây ban nha, nhưng nhiều lúc cũng theo mẫu dạng mới là “địa phận-tu viện” hoặc Reducción. Các giám mục được nhà vua ủy thác nhiệm vụ “bảo hộ thổ dân” chống lại lạm quyền địa phương. Ðã có nhiều công đồng miền, [14] qua đó, Giáo hội tiến hành công tác theo cung cách đoàn thể và rất tự do đối với chính quyền. Khuyết điểm lớn nhất của chế độ này là không chú tâm cho đủ đến việc đào tạo giáo sĩ bản xứ. Vì việc truyền giáo đi đôi với cuộc xâm chiếm toàn châu, nhiều khi nhà nước lạm dụng quyền và bóc lột thổ dân. Dù luật pháp Tây ban nha cấm chỉ việc bắt buộc thổ dân Châu Mỹ làm nô lệ, và đi bắt người da đen ở Phi châu đem về, nhưng lại cho phép mua nô lệ người da đen do Tin lành bán. Thánh Phêrô Claver († 1654) là vị tông đồ người nô lệ da đen ở Colombia.

Giữa thế kỷ 18, phần lớn dân chúng sống tại Châu Mỹ kể từ California cho tới Chilê đều là công giáo, với một lối sống đạo đặc thù: các người dân lai (mestizo) sống đạo theo kiểu bình dân, biểu hiện rõ qua một dạng mỹ thuật “lai,” mỹ thuật barốc-bản xứ tuyệt đẹp. Hai thế kỷ 19 và 20 đã ghi lại một chặng sử bi đát với hàng loạt cuộc cách mạng lẩn quẩn nối đuôi nhau, đẻ ra những chính thể kém cỏi làm cho vùng Châu Mỹ Latinh hiện đang phải vật lộn hầu thoát cho khỏi tình trạng thiếu mở mang.

Phi luật tân cũng thuộc khu vực truyền giáo do Tây ban nha bảo trợ. Công tác truyền giáo khởi sự từ năm 1565, do các Dòng Âugutinôâ, Ðaminh, Phanxicô và Dòng Tên; một thế kỷ sau, đa số dân Phi đã được rửa tội, trừ miền nam hồi giáo ra. Năm 1579, địa phận Manila được thiết lập và năm 1595 đã trở thành tổng giáo phận. Do dòng Ðaminh sáng lập năm 1645, đại học Santo Tomás là đại học đầu tiên ở châu Á tổ chức theo kiểu Châu Âu. Ðiểm yếu ở vùng này vẫn là tình trạng thiếu giáo sĩ địa phương; tuy nhiên tín hữu tiếp tục kiên cường giữ vững đức tin công giáo trước các đợt sóng tuyên truyền quy mô và vũ bão do các tôn phái Tin lành tung ra trong thế kỷ 20. Hiện nay, đại đa số người dân Phi là tín hữu công giáo. Công cuộc truyền giáo tại vùng này quả đã thành công.

CHÂU PHI

Cho đến thế kỷ 6, Kitô giáo sống rất mạnh tại Bắc Phi. Giáo hội Ai cập đã được khai sinh từ thời các tông đồ. Ðời tu trì cũng bắt tại đó (với các thánh Phaolô Thêbê và Antôn). Alêxănđria đã từng được kể là trung tâm trí thức kitô giáo, với nhiều nhân vật tên tuổi như Clêmentê, Origênê, Ðyđimô, v.v., và là cứ điểm lợi hại và đầy năng động cho việc đẩy mạnh công cuộc truyền giáo sang các nước Suđan, Êthiốp. [15]

Aksum là một vương quốc nằm trong vùng Êthiốp hiện nay. Thánh Athanasiô, thượng phụ Alêxănđria, đã phong Frumenxiô, người Syri, là giám mục và sai đi truyền giáo. Vị này thành công trong việc chinh phục vua Êdania (330-335) về với đức tin và nhà vua đã chịu nhận phép rửa. Sau đó nhiều đan sĩ tiếp tục công tác rao giảng Tin mừng trong khắp miền, dịch Kinh Thánh và sách phụng vụ ra tiếng Ge‘ez, còn dùng cho đến bây giờ. Dù Hồi giáo chiếm các nước phía bắc hồi thế kỷ 8, thì Êthiốp cũng vẫn giữ nguyên đức tin kitô giáo.

Miền Nubia (nằm giữa Aswan và Khartum) đón nhận đức tin từ hồi thế kỷ 4 và trong thế kỷ 6, đã trở thành một nước hoàn toàn kitô giáo.

Hồi thế kỷ 1, miền bắc Phi, từ Liby cho đến Marốc bây giờ, là một tỉnh thuộc đế quốc Rôma, và cũng vì lý do ấy mà đã đón nhận Tin mừng rất sớm. Ðó là miền quê hương của Téctullianô († 240), các thánh Xyprianô († 258) và Âugutinôâ (354-430), v.v.  cũng như của ba giáo hoàng, là: Victor († 199), Menchiađes († 314) và Gêlaxiô († 496); bởi trong thế kỷ 4, đã có hơn 400 giám mục tại miền đó. Nhưng các Giáo hội ấy gần như thường xuyên tranh cãi nhau vì bảo thủ quan điểm khác nhau về giáo lý và về cách thức hành đạo, cũng như vì thiên nặng về óc dân tộc, nên đã đi đến chỗ chia rẽ, ly khai, trở thành yếu nhược, rồi sau đó bị tiêu tan dần với cuộc chiếm đóng của quân Hồi.

Công cuộc truyền giáo giai đoạn hai khởi đầu với cuộc Bồ đào nha đổ bộ lên mạn tây Châu Phi: vào Sênêgal năm 1444, vào Ghana năm1482, vào Nigêria năm1514, v.v. Nhưng không mang lại kết quả lâu dài. Vua nước Côngô trở lại công giáo và gần phân nữa con dân cũng theo; nhiều thanh thiếu niên được gửi qua Bồ đào nha theo học trong các chủng viện. Một người con của vua, Don Enrique, được phong chức giám mục (1518). Vụ người Bồ buôn bán nô lệ đã làm hại nhiều đến việc truyền giáo. Nước Côngô tách khỏi chế độ bảo trợ của Bồ đào nha để trực thuộc Bộ Truyền giáo (1640). Nhưng khi ấy Hà lan và Anh giữ vai chủ chốt trong việc buôn bán nô lệ, gây trở ngại lớn đến hoạt động của các tu sĩ công giáo tại miền tây Phi.

Bên mạn đông Phi, Bồ đào nha bắt đầu truyền giáo từ cuối thế kỷ 15. Nhưng các nhóm kitô đã không tồn tại lâu dài được. Sau khi được sáng lập, Bộ Truyền giáo đã gửi các tu sĩ  Capuchinô đến hoạt động tại lục địa Châu Phi, còn các tu sĩ dòng Vinh Sơn thì làm việc tại Mađagasca (1648); nhưng vì khủng hoảng tôn giáo xảy ra tại Châu Âu hồi thế kỷ 18, nên đã buộc phải hoãn bỏ hết mọi công tác.

Êthiốp là một trường hợp đặc biệt. Ðã đi theo Ai cập trong cuộc tranh luận về thuyết nhất tính, tách khỏi Rôma, Giáo hội này vẫn sống còn, và hằng can trường chống trả mọi hình thức tấn công từ phía Hồi giáo. Thời thế kỷ 16, Dòng Tên đã thử tạo cơ hội hiệp nhất giữa họ và Rôma bằng cách phái gửi thừa sai được giáo hoàng bổ nhiệm làm thượng phụ, như J. Núnõez Bareto, Andrés de Oviedo, Melchior Carneiro và Pedro Páez. Năm 1622, hoàng đế trở lại công giáo; nhưng ít lâu sau, tình hình trở nên tệ hại: các vụ tranh chấp đã xảy ra giữa các đan sĩ cốpt và công giáo, cũng như giữa một vài tôn phái; thượng phụ công giáo áp dụng một chính sách sai lầm; cọng thêm vào đó làø việc vận động từ phía tin lành Hà lan; hậu quả là nhiều thừa sai bị giết, đạo công giáo bị cấm cách, công cuộc truyền giáo rơi vào cảnh thất bại.

*    *    *

Cuối thế kỷ 18, Giáo hội đã sống qua một giai đoạn lịch sử bi đát. Ở Châu Âu, “thời đại ánh sáng” và cuộc cách mạng Pháp đã “chế tạo” ra thái độ thờ ơ [đối với] tôn giáo và não trạng bài giáo sĩ. Ở Châu Phi, sự hiện diện của Kitô giáo không được coi là đáng kể. Tình trạng tại Châu Á thì không đồng nhất: Phi luật tân là nước công giáo; Giáo hội có mặt tại Ấn độ với chừng một triệu tín hữu, tại Tích lan với chừng 6 trăm ngàn tín hữu, tại Trung quốc với chừng 3 trăm ngàn tín hữu, và bị bách hại tại Việt Nam, Ðại hàn và Inđônêxia (do Tin lành Hà lan); còn tại Nhật bản thì bị khử diệt. Tương lai quả là mờ mịt, vô vọng…

TRUYỀN GIÁO THỜI THUỘC ĐỊA

Trong lối ba mươi năm đầu thế kỷ 19, công cuộc truyền giáo đã gặp phải khủng hoảng trầm trọng: không chỉ ngưng hoạt động toàn diện, mà còn phải bước những bước thụt lùi tại nhiều nơi. [16]Cho đến thời đức Grêgôriô XVI (1831-1846) – nguyên bộ trưởng Bộ Truyền giáo – phong trào truyền giáo mới bước trở lại vào thời kỳ phục hưng. Ðó cũng là lúc Châu Âu bắt đầu đi   chiếm thuộc địa ở các Châu Á và Phi. Vì thế, đã có tình trạng thực dân và thừa sai cùng đi với nhau và cùng đến ở những nơi giống nhau, dù là với những chủ đích khác nhau. Ở Châu Âu, chính sách bài giáo sĩ đã phương hại nặng nề đến các hoạt động của Giáo hội: năm 1834, Bồ đào nha và Tây ban nha giải tán các dòng tu và tịch thu hết mọi tài sản; ở Pháp, những đạo luật tục hóa đã làm cho suối ơn gọi khô cạn dần đi. Nhưng Thần Khí vẫn không ngừng đổi mới Giáo hội.

Thứ nhấùt, trừ các thuộc địa Bồ đào nha ra, từ nay, khắp nơi chỉ còn có một chế độ truyền giáo duy nhất, đặt dưới quyền chỉ thị của Bộ Truyền giáo. Rôma trực tiếp bổ nhiệm thủ lãnh các cộng đồng tín hữu. Có bốn bậc giáo khu: vùng truyền giáo, hạt phủ doãn tông tòa, hạt đại diện tông tòa, và địa phận. Từ 20 hồi năm 1800, con số các lãnh địa truyền giáo đã tăng lên đến 600 trong năm 1956.

Thứ hai, toàn thể Giáo hội đều ý thức rõ hơn về trách nhiệm truyền bá Tin mừng và quan tâm tích cực hơn đến tác vụ truyền giáo: báo chí và sách vở phát hành hàng loạt kể từ năm 1803; năm 1924 đếm được 467 loại tạp chí khác nhau về truyền giáo; các hiệp hội truyền giáo đua nhau chào đời: từ năm 1818 cho đến năm 1925, đã có 270 hiệp hội được thiết lập. Các dòng tu bừng dậy theo đà phục hưng: năm 1814, Dòng Tên “sống lại” sau nhiều năm bị giải tán; cùng năm ấy, nhiều dòng mới được thành lập nhằm chuyên lo việc truyền giáo: 25 tại Pháp, cọng với 28 tại các nước khác.

Nhiều văn kiện đã được các giáo hoàng công bố liên quan đến công tác truyền giáo, trong số có: 6 thư của đức Lêô XIII, thông điệp nổi tiếng Maximum illud (1919) của đức Bênêđíctô XV, các thông điệpRerum Ecclesiae (1926) của đức Piô XI, Evangelii praecones (1951) của đức Piô XII, Evangelii nuntiandi(1975) của đức Phaolô VI, vàø Redemptoris missio (1990) của đức Gioan Phaolô II.

Về nhân sự, trong giai đoạn này có hai điểm mới: các tu sĩ chuyên về giáo dục đã có mặt và góp phần rất đắc lực khắp nơi trên cánh đồng truyền giáo, và con số các dòng nữ hoạt động truyền giáo đã lên tới 200 trong năm 1925.

Liên quan đến việc tổ chức cơ cấu các Giáo hội, đức Piô XI đã có những quyết định mới mẽ: năm 1923 ngài bổ nhiệm giám mục đầu tiên ở Ấn độ; đó là đức cha Roche, thuộc tầng lớp thấp trong xã hội Ấn; và tiếp đó là sáu giám mục Trung quốc (1926), một giám mục Nhật (1927), rồi thêm ba giám mục Trung quốc (1933), một giám mục Ấn và một giám mục Việt nam, v.v. Ngài trao 40 lãnh địa cho giáo sĩ địa phương. Ðà này sẽ không ngừng cho đến khi các Giáo hội địa phương được thiết lập hoàn chỉnh, đủ sức tự túc.

———————

Trong thế kỷ 19, tình hình trở nên bi đát tại nhiều nước Châu Á. Trung quốc bách hại Giáo hội cho đến khi các “hiệp ước bất bình đẳng” (1842-1860) bảo đảm tự do tín ngưỡng. Các thừa sai đã phải hoạt động dưới quyền bảo trợ của Tây phương. Óc bài ngoại vẫn còn mạnh và bùng nổ lớn hồi năm 1900, với vụ giết hại 5 giám mục, 30 linh mục và hơn 30 ngàn giáo hữu. Óc bài ngoại ấy vẫn còn lộ rõ trong dịp phong thánh các tử đạo Trung quốc (1.10.2000). Thời ấy, tại Trung quốc đã có 82 hạt đại diện với khoảng 740.000 tín hữu và 471 linh mục người Hoa (Dòng Tên mở nhà tập ở Thượng Hải năm 1862). Dù phải sống giữa bối cảnh chính trị và xã hội rất khó khăn ấy, thì Giáo hội cũng đã tăng triển gấp đôi trong chỉ 12 năm. Ðến năm 1930, số tín hữu công giáo đã lên tới hơn 2 triệu rưởi. Năm 1939, sắc chỉ cấm các “nghi lễ” đã được bãi bỏ. Năm 1943, đức Piô XII thiết lập phẩm trật: Ðức Cha Thiên làm tổng giám mục Bắc kinh và sau đó được phong hồng y. Khi cộng sản chiếm quyền vào năm 1947, thì đã có hơn 3 triệu rưởi kitô hữu với 2.676 linh mục địa phương, và 60 hội dòng gốc Hoa.

Chế độ cộng sản Trung quốc đã cố tình và ra sức tiêu diệt Giáo hội. Các thừa sai ngoại quốc bị trục xuất; một thứ giáo hội “yêu nước” xuất hiện, châm ngòi cho cuộc ly khai. Giáo hội không được phép liên lạc bất cứ dưới hình thức nào với nước ngoài. Nhưng đức tin vẫn trường tồn và đã thắng cuộc: cuối thế kỷ XX, số kitô hữu có lẽ đã lên đến 5 triệu hoặc hơn nữa; cuộc ly khai hiện rõ dần (năm 1997, có 70 giám mục “chính thức” và 60 “bất hợp lệ”). Xem ra Giáo hội [toàn bộ] Trung quốc đã bắt đầu hưởng được phần nào tự do và đã có thể tin tưởng nhìn về tương lai…

Khi công tác truyền giáo bị chặn đứng ở Trung quốc lục địa, thì Giáo hội ở Ðài loan lại tăng lên.Ða số các thừa sai bị Trung cộng trực xuất đã đến làm việc tại đảo này. Lúc đầu, đã có khá nhiều người trở lại. Năm 1952 giáo phẩm được thiết lập. Số tín hữu công giáo đã lên đến 400.000 trong thập kỷ 1970, nhưng sau đó đã bắt đầu giảm dần: cuối thế kỷ chỉ còn 290.000 (tức 1,34% dân số) với 7 địa phận; công việc truyền giáo thu lượm được kết quả nhiều hơn ở giữa các nhóm dân thiểu số.

Tại Triều tiên, Kitô giáo đã bị bách hại suốt trong thế kỷ 19. Sau khi vị linh mục duy nhất bị giết năm 1801, các giáo hữu đã xin giáo hoàng gửi một linh mục khác đến; nhưng cho đến năm 1836 mới có một linh mục Hội thừa sai Paris [MEP] đến Seoul theo dạng “chui.” Những cuộc bách hại (1846: thánh Anrê Kim chịu tử đạo; 1866: hai giám mục và nhiều linh mục bị giết), gây khó khăn lớn, làm đình trệ công việc truyền giáo; dù sao, năm 1900, cũng đã có 44 ngàn kitô hữu Ðại hàn. Dưới chế độ Nhật bản (1905-1945), tự do tôn giáo có giới hạn đã được phần nào tôn trọng. Rồi trong các năm 1950-53, cuộc chiến đã đưa đến tình trạng chia cắt Triều tiên làm đôi: cộng sản cai trị miền bắc, quốc gia cầm quyền ở miền nam. Tại miền nam, Giáo hội tăng triển mạnh: giáo sĩ bản xứ rất đông, hàng giáo phẩm một trăm phần trăm Ðại hàn. Cuối thế kỷ XX, số tín hữu công giáo đã lên tới hơn ba triệu (7,6% dân số), sống trong 14 địa phận. Năng động truyền giáo dâng cao, hùng hậu tại trong nước cũng như ở nước ngoài.

Tại Nhật bản, một thời không còn thấy bóng dáng của Giáo hội; đất nước cứ khư khư đóng kín cho đến năm 1853, khi hải quân Mỹ buộc phải mở cửa. Năm 1860, một linh mục Hội Thừa sai Paris đã đến lập nhà nguyện đầu tiên ở Hakôđatê. Chẳng bao lâu sau, 10 ngàn tín hữu công giáo sống ngầm xuất hiện và trở nên cốt lõi của Giáo hội trong giai đoạn mới. Năm 1868, giới cầm quyền áp dụng trở lại chính sách bách hại, nhưng các chánh phủ Châu Âu đã can thiệp: chế độ khoan dung tôn giáo được chấp thuận năm 1873, và đến năm 1889 thì tự do tôn giáo được nhìn nhận. Ngay sau đó (1891), Ðức Lêô XIII đã thiết lập hàng giáo phẩm; Ðông kinh trở thành giáo tỉnh. Ðông đảo thừa sai làm việc trong khắp nước; năm 1913, Dòng Tên mở đại học Sophia, và năm 1919, khâm sứ Tòa thánh đặt cơ sở tại thủ đô. Năm 1927, một người Nhật được phong làm giám mục chính tòa ở Nagasaki. Hy vọng lớn đã bừng lên! Nhưng số tân tòng thì vẫn thưa thớt. Thời chiến tranh (1940-1945), mọi giám mục tại Nhật đều phải là người Nhật. Khi thất trận, dân chúng mới bắt đầu biết tự do là gì; cũng vì thế mà họ không cảm nhận ra được hấp lực và tầm thiết yếu của tôn giáo. Dù đã có nhiều thừa sai đến hăng say hoạt động, có nhiều cơ sở, cũng như đã từng có nhiều ơn gọi, thì đến cuối thế kỷ 20, Giáo hội cũng chỉ có 16 giáo phận trong ba giáo tỉnh, với con số vẻn vẹn không đầy một nửa triệu tín hữu, tương đương với 0.36% dân số.

Trong thời Gia Long (1802-1820), Việt Nam sống trong bầu khí khoan dung tôn giáo. Nhưng dưới thời Minh Mạng (1820-1840) thì lại khác: Kitô giáo bị cấm chế (1825), bắt bớ hết sức khắt khe; suốt trong 50 năm dài, những vụ tra tấn dã man rùng rợn, những cuộc hành quyết hung bạo đã liên tục xảy ra. Khó mà đếm cho hết được số các kitô hữu đã chịu chết vì đạo. Tòa thánh chỉ định thêm giám mục cho nhiều nhiệm sở: Sài Gòn và Qui Nhơn (1844), Vinh (1846), Bùi Chu (1848), Huế và Phnom-penh (1850). Thời Tự Ðức, bởi Pháp can thiệp, cuộc bách hại giảm dịu bớt một phần; nhưng đến năm 1885, thì đã có gần 40 ngàn kitô hữu bị tàn sát; tuy thế, cũng chính năm ấy, đã có hơn 20 ngàn dự tòng được rửa tội; quả thật: “Máu tử đạo là hạt giống kitô hữu.” Thời Pháp thuộc, Kitô giáo tiến phát  khả quan. Năm 1934, công đồng miền Ðông Dương (Inđôchina) đầu tiên nhóm họp. Thời Bắc Nam chia cắt (1954), Việt Nam có khoảng một triệu rưởi tín hữu công giáo trong 20 triệu dân.

Việt Nam có rất nhiều ơn gọi. Năm 1933, đức Piô XI phong giám mục Việt Nam đầu tiên là đức cha Nguyễn Bá Tòng. Thời từ sau 1954, tại miền Bắc, dưới thể chế cộng sản, giáo sĩ thiếu đến mức trầm trọng, còn giáo dân thì không có phương tiện và cơ hội để được đào luyện cho đủ trong đời sống đạo; tại miền Nam, Giáo hội tiến phát đều đặn. Năm 1960, hàng giáo phẩm được thiết lập trong khắp nước với ba giáo tỉnh: Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Sau 1975, đất nước thống nhất, Giáo hội bị giới hạn, nhưng vẫn tiếp vươn lên trong đà tiến phát về lượng và phẩm.

Ấn độ đã sinh hoạt đạo đức và truyền giáo theo chế độ bảo trợ của Bồ đào nha suốt trong ba thế kỷ; đến năm 1834, một đại diện tông tòa được bổ nhệm, và tiếp liền sau đó, còn có nhiều vị khác. Giới cầm quyền đô hộ Anh bảo đảm cho có tự do tôn giáo; nhưng cho đến năm 1886, trong nội bộ Giáo hội vẫn còn những vụ xung khắc với quyền hành của Bồ đào nha. Năm 1845 hội nghị Pondichery được triệu tập, đặt dưới quyền của các cha Hội Thừa sai Paris, với chủ đích đẩy mạnh việc mở mang hàng giáo sĩ địa phương. Nhưng dù sao thì công việc truyền giáo giữa các tín đồ Ấn độ giáo cũng không mang lại được nhiều hoa quả. Trường hợp đặc biệt là miền Chotanagpur: các thừa sai Dòng Tên Bỉ đến đó năm 1877; cha Lievens bắt đầu làm việc với lớp tiện dân, là lớp dân thường bị các đẳng cấp cao trong xã hội bóc lột. Cha dấn thân bênh vực họ, và trong chỉ 5 năm đã có gần 80 ngàn người gia nhập Giáo hội; đà trở lại cứ tiếp tục và đến năm 1925, thì đếm được 200 ngàn người công giáo giữa các người dân ấy. Việc truyền giáo tại Ấn độ cũng đã gặp nhiều khó khăn. Khí cụ đặc biệt đã là hoạt động giáo dục: Dòng Tên mở trường tại nhiều nơi: chỉ tính tại Chatanagpur không thôi thì trong năm 1925 đã có 500 trường học bình dân. Khi Ấn độ dành được độc lập vào năm 1948, thì chừng 50 trường công giáo bậc đại học cấp một (Colleges) đã sẵn có mặt tại nhiều nơi trong nước.

Một khi điều ước với Bồ đào nha ký xong, đức Lêô XIII đã thiết lập hàng giáo phẩm (Latinh) tại Ấn độ (năm 1886). Vấn đề đặc biệt lưu ý là quan hệ giữa hai lễ chế Latinh và Malabar. Sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, đức Piô X cũng đã thiết lập hàng giáo phẩm Malabar (1911), dù là với khoản hứa tôn trọng lễ chế này.

Từ thập kỷ 50, nhà cầm quyền Ấn không cho phép các thừa sai ngoại quốc vào làm việc trong nước; mặt khác, phong trào ái quốc chủ nghĩa (Ấn giáo) gây ra nhiều cớ phiền nhiễu chống các tôn giáo khác. Dù vậy, Giáo hội Ấn thời cuối thế kỷ 20 đã thực sự trưởng thành với hơn 16 triệu kitô hữu (1,5% dân số), 91 địa phận Latinh, 21 địa phận Malabar và 3 địa phận Malankara. Ơn gọi có nhiều; ngoài ra, không phải là nhỏ con số các thừa sai Ấn hiện đang phục vụ tại các nước. Còn tại trong nước, thì do ảnh hưởng của “thần học về các tôn giáo,” đà truyền giáo đã bị giảm sút đi nhiều.

Tại các nước khác trong vùng Nam Á, Giáo hội đã dốc lực làm việc suốt trong hai thế kỷ 19 và 20, nhưng hoa trái thu lượm được thì chẳng có bao nhiêu. Tích lan có tự do tôn giáo từ năm 1860 (dưới chế độ Anh thuộc), và hàng giáo phẩm được thiết lập năm 1886. Ðược phục hưng từ ngày đất nước độc lập (1947), Phật giáo gây rất nhiều khó khăn cho Kitô giáo. Hiện giờ, Giáo hội Tích lan có lối một triệu 220 ngàn tín hữu công giáo (tương đương với 6,6% dân số) trong 11 địa phận; chính quyền vẫn tiếp tục cấm các thừa sai nước ngoài vào làm việc trong nước.

Công cuộc truyền giáo có hệ thống tại Hồi quốc chỉ khởi đầu giữa thế kỷ 19. Hàng giáo phẩm được thiết lập năm 1950. Hiện giờ có 6 địa phận với hơn một triệu tín hữu, hầu hết đều thuộc các nhóm dân thiểu số (0,7% dân số). Hồi giáo là quốc giáo: 97% dân số là tín đồ Hồi giáo. Banglađesh cũng là nước Hồi giáo; tại đây, chỉ vẻn vẹn có 280 ngàn tín hữu công giáo (0,19% dân số) trong 6 địa phận.

Thái lan tiếp nhận thừa sai từ hồi thế kỷ 16, nhưng rất ít người Thái theo kitô giáo. Giáo hội bị bách hại nhiều lần: trong những năm 1687, 1765, 1859, 1874, và nhất là trong thời gian từ 1940 cho đến 1944. Phật giáo là quốc giáo; đại đa số tín đồ Kitô giáo đều là người gốc các nhóm dân khác sống trong nước. Hiện giờ, tại Thái lan, Giáo hội công giáo có 10 địa phận với 250 ngàn kitô hữu (0,42% dân số). Tại Ai Lao còn thưa thớt hơn nữa: chỉ có 4 hạt đại diện tông tòa với chừng 42 ngàn kitô hữu (0,73% dân số). Miến Ðiện đã có thừa sai đến hoạt động từ năm 1500, nhưng cho đến năm 1850, công tác truyền giáo mới được tổ chức theo hệ thống. Năm 1955 Tòa thánh thiết lập hàng giáo phẩm; nhưng đến năm 1966, các thừa sai đều bị trục xuất. Hiện nay, tại Miến điện có 12 địa phận, phần lớn nằm trong các vùng sinh sống của các dân tộc thiểu số; số kitô hữu – cả công giáo lẫn tin lành – chỉ tương đương với 3% dân số.

Inđônêsia đã sống qua một quá trình truyền giáo phức tạp. Dù hạt giống đức tin kitô đã được gieo vào miền đất này từ thời Phanxicô Xaviê, nhưng chưa đâm rễ thật sự. Là thuộc địa của Hòa lan, một nước ít có thiện cảm đối với Công giáo, Inđônêsia tất cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng về mặt ấy. Cho đến giữa thế kỷ 19 Giáo hội mới bắt đầu hoạt đôïng truyền giáo thật sự tại đấy. Giáo sĩ triều Hòa Lan rồi các thừa sai Dòng Mill Hill, Dòng Tên, Dòng Ngôi Lời, v.v. đã bắt đầu làm việc tại các đảo giữa nhiều chủng tộc khác nhau. Cuối thế kỷ 19, Hòa Lan cho phép hoạt động tự do hơn và được nhận thêm nhiều thừa sai hơn. Ðảo Timor (dưới quyền bảo hộ của Bồ đào nha) và đảo Flores là những nơi có nhiều người trở lại hơn cả; các khác thì chẳng có mấy; năm 1928, tại Inđônêsia chỉ có chừng 211 ngàn tín hữu công giáo. Sau đó, nhờ chương trình đào tạo thêm nhiều thừa tác viên địa phương, cũng như nhờ việc mở thêm nhiều trường học, số tân tòng đã tăng lên nhanh. Năm 1998, số tín hữu công giáo thống kê được là 5 triệu 195 ngàn (tương đương với 2,78% dân số) với 2 ngàn 585 linh mục và 35 địa phận. Dù luật pháp đặt nhiều điều khoản nhằm giới hạn các hoạt động công giáo – chẳng hạn như không cho phép các thừa sai nước ngoài vào làm việc – thì Giáo hội nước này cũng vẫn tiến mạnh. [17]

——————

Thái Bình Dương là một vùng biển cả, nằm về phía đông và cả phía nam miền Ðông Á, rộng mênh mông với vô số đảo và không biết bao nhiêu là ngôn ngữ. Cho đến thế kỷ 19, công tác truyền giáo có tổ chức mới bắt đầu có mặc ở trong vùng. Giữa thế kỷ 17, Dòng Tên đã thử rao giảng Tin mừng ở đảo Guam (với chân phước De San Vitores, chịu tử đạo năm 1672). Nhưng bởi hoàn cảnh địa dư cũng như văn hóa, ngôn ngữ quá khó khăn mà phương tiện lại không có, nên công việc đã bị bỏ dở. Trong thế kỷ 19, Âu châu, Hoa kỳ và Nhật bản đã chiếm các đảo; do đó, việc tổ chức truyền giáo cũng phải tùy vào các nước cai trị. Ngoài ra, còn phải đối diện với một thực trạng tế nhị khác, đó là sự có mặt trên nhiều đảo của các nhóm Tin lành đã đến trước và đã đặt cơ sở khá quy mô. Ðặc biệt có công là Dòng Marist (Ðức Maria); thuộc Dòng này thì có thánh Phêrô Chanel, chịu chết vì đạo năm 1841 tại đảo Futuna. Nhiều Dòng nữ và các giáo lý viên đông đảo đã góp phần rất tích cực vào việc tạo điều kiện cần thiết cho Giáo hội chóng đạt đến mức trưởng thành. Năm 1966, hàng giáo phẩm được thiết lập tại Pôlynêdy, Mêlanêdy, Micrônêdy và Papua Tân Guinê (tại nước này, 34% dân số là tín hữu công giáo).

Úc đại lợi đã có thể được coi trong thời đầu, như là một “trại tù”: năm 1834, trên “đại đảo” có 20 ngàn tù nhân công giáo (đại số là gốc Ai len, bị chính quyền đô hộ Anh đưa đi đày). Năm 1841, Ðức Grêgôriô XVI thiết lập hàng giáo phẩm. Việc truyền giáo cho thổ dân không thành công cho mấy. Nói chung, Giáo hội có lớn lên là nhờ số người – phần đông là người kitô hoặc là những người tương đối sẵn sàng đón nhận đức tin kitô – đến lập cư đông đảo, cũng như nhờ nỗ lực cộng tác của giáo dân trong các hoạt động tông đồ. Hiện nay, tại Úc có 32 địa phận, trong đó, một số thuộc lễ chế đông phương.

Tân tây lan đã có dịp biết đến Kitô giáo qua trung gian những người công giáo gốc Ai len đến lập cư đầu tiên hồi năm 1829. Vào năm 1848, hai địa phận được thành lập. Dòng Marist đảm nhận việc truyền giáo cho dân Maori: công lao hẳn lớn! Hiện có 505 ngàn tín hữu công giáo (giữa 3 triệu 570 ngàn dân) sinh hoạt trong 6 địa phận.

———————

CHÂU PHI

Các thế kỷ 19 và 20 là, về mặt truyền giáo, thời đại của Châu Phi. [18] Hội nghị Berlin (1885) đã chia lục địa thành những phần thuộc địa của Châu Âu; nhờ đó mà các dân tộc bản xứ hưởng được một thời an ninh. Ðầu thế kỷ 19, việc truyền giáo bắt đầu với nỗ lực vận động giải phóng nô lệ (từ các nhân vật như: Mẹ Anne-Marie Javouhey, Cha Libermann, D. Comboni, v.v.). Cha Libermann sáng lập Dòng Mẫu Tâm Ðức Mẹ, mà sau đó, tức vào năm 1848, đã được phối hợp làm một với Dòng Thánh Thần (Spiritans) để làm việc ở Phi châu. Dòng Truyền Giáo Lyon cũng đã hoạt động đắc lực, nhất là trong những buổi khởi đầu các công tác tại miền tây Châu Phi. Ở mạn đông Châu là miền thuộc quyền vua hồi xứ Zanzibar, khó mà triển khai được một hoạt động truyền giáo nào. [19] Ở Mađagascar, Kitô giáo bị cấm cách vì cuộc chiến chống Pháp bùng nổ (1835); dù vậy, công chúaRasoamanarivo (†1894, được phong chân phước năm 1989) vẫn nâng đỡ cộng đồng. Năm 1896 chân phước J. Berthieu, SJ, chịu chết vì đạo. Hiện giờ, 41% dân số là tín hữu công giáo; tỷ lệ tín hữu tin lành cũng tương đương như vậy.

Nước Congô đã được đặt dưới quyền bảo hộ của vua Bỉ. Tác vụ truyền giáo tiến phát nhanh và mạnh nhờ công sức hoạt động tận lực của các thừa sai Bỉ. Cho đến thế kỷ 20, hàng trăm thừa sai đã phải thiệt mạng do khí hậu, dịch bệnh, v.v. Nhưng Giáo hội đã có mặt khắp nơi trong nước. Kitô giáo được quảng bá rất rộng rãi trong vùng này, gồm các nước Congô, Uganda, Ruanda và Burundi. Giáo hội lập nhiều trường học và bệnh viện, đặt nền móng cho cơ cấu tổ chức của hàng giáo phẩm. Số người trở lại đông đến độ vào giữa thế kỷ 20, số tín hữu công giáo đã lên đến 40% dân số. Giá phải trả cũng thật cao: từ sự hy sinh của các tử đạo Uganda bị thiêu sống năm 1885, cho đến vụ các thừa sai bị ám sát ở Congo trong thập kỷ 60, rồi cuối cùng là thảm cảnh giệt chủng tại Ruanda và các miền chung quanh hồi năm 1994, khi một triệu người bị giết hại, cọng với hàng triệu người buộc phải bỏ quê hương và tất cả lại đằng sau để đi di cư lánh nạn trong những năm sau đó.

Năm 1867, hồng y Charles Lavigerie được trao phó phận vụ làm tổng giám mục Anger; ngài là người sáng lập dòng “Các Cha Trắng” (Pères Blancs/White Fathers), một dòng có công lớn tại Châu Phi; nếu phải thất bại ở miền bắc, thì trái lại, Dòng đã thực sự thành công tại miền nam, phía Sahara: đức Lêô XIII ủy thác cho họ trách vụ lo cho công việc truyền giáo tại miền “Các Hồ Lớn” (Tanzania, Kenya,Nam Suđan, v.v.). Nhiều Dòng tu làm việc với người da đen. Mạn đông Phi, một hạt phụ doãn tông tòa được thiết lập năm 1862 ở Zanzibar, là “chợ” buôn bán nô lệ của người hồi. Từ cứ điểm này, các thừa sai tiến sâu vào lục địa cho đến Uganda và Zimbawe. Lúc đầu, các thừa sai chỉ có thể làm một số việc như mua lại các nô lệ và mở những cô nhi viện… và như thế, các vị đã thực sự trở thành hạt giống của nhiều cộng đồng kitô. Khó khăn, trở ngại chồng chất: Hồi giáo, óc dân tộc, chiến tranh, các cuộc rối loạn, v.v. Trong các năm 1950-1960, các nước đã lần lượt được trao trả độc lập. Giáo hội sống mạnh tại miền hồ Tanganyika, với hàng giáo phẩm và cơ cấu tổ chức trọn vẹn bản xứ, cũng như với những tỷ lệ tín hữu công giáo tương đối cao: tại Zambia hơn 50%, tại Tanzania 45%, tại Kenya 28% (38% tin lành).

Bên mạn tây Phi, tình trạng tôn giáo cũng không kém phức tạp: trên phía bắc là vùng hồi giáo, dưới phía nam là khu có một tỷ lệ kitô hữu khá; vùng miền trung là khu tranh giành giữa các phía. Dọc theo bờ biển, tỷ lệ kitô hữu cao đáng kể tại các nước: Ghana và Guinea (9%), Camerun (33%), Nigeria (45% trong hơn 100 triệu dân), Congô/Zaire (50% công giáo, 20% tin lành), và Angola (47% công giáo, 38% tin lành).

Ở Nam Phi, thực dân tin lành không chịu cho thừa sai công giáo đến làm việc; đến nằm 1837 thì được phép nhưng là với điều kiện: thừa sai công giáo chỉ làm việc với người công giáo Châu Âu mà thôi. Tuy nhiên, đến năm 1850, các thừa sai cũng truyền giáo cho cả dân đen. Năm 1951, hàng giáo phẩm được thiết lập, với hơn một triệu giáo hữu gồm cả trắng lẫn đen.

Miền đông bắc Châu Phi có rất ít kitô hữu. Dù đã gia công, tận lực rao giảng Tin mừng trong lao nhọc tại các nước Sômali, Êtiốp, Eritrêa, Sudan… thì các thừa sai cũng chỉ gặt hái được những hoa trái hết sức ít ỏi.

Nói chung, cuộc truyền giáo tại Châu Phi quả đã thành công lớn: năm 1800 chỉ có 50 ngàn kitô hữu; thế mà sau đó chỉ vẻn vẹn hai thế kỷ, đã có hơn 110 triệu, với 544 giám mục (434 gốc bản xứ), và đầy đủ cơ cấu cần thiết để mở mang Giáo hội. Vấn đề then chốt bây giờ là công tác hội nhập văn hóa.[20] Hội nghị của các giám mục Châu Phi (1994) đã nêu bật một số vấn đề bách thiết, mà AMECEA (Association of Member Episcopal Conferences in Eastern Africa) sẽ phải đặc biệt quan tâm đến trong thế kỷ XXI này.

—————

TRUYỀN GIÁO TẠI CHÂU MỸ

Cho đến năm 1908, về mặt rao giảng Tin mừng, vùng Bắc Mỹ trực thuộc Bộ Truyền giáo. [21] Chi phối bởi Tin lành, cách chung, quần chúng Hoa kỳ không có chi mấy thiện cảm đối với Giáo hội công giáo. Trong thế kỷ 16, Tây ban nha đã thành lập nhiều cộng đồng kitô trong các vùng ngày nay đã trở thành miền nam của Hoa kỳ, còn trong các thế kỷ 17-18 thì tại miền California. Bên mạn đông bắc (Canada bây giờ), Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Hội Xuân Bích, v.v. đã đến hoạt động rất sớm: Québec có giám mục năm 1674. Xuất phát từ Québec, các thừa sai Dòng Tên đã đi truyền giáo cho đến tận Mississippi (như trường hợp cha Marquette), nhưng khi Dòng Tên bị giải tán (1773), hầu hết những gì gầy dựng đều tan biến. Năm 1776, Hoa kỳ được hoàn toàn độc lập tự do và thống nhất. Năm 1789, Tòa thánh bổ nhiệm đại diện tông tòa ở Baltimore (1789); nhưng bị Tin lành hành hạ dai dẳng tới độ đến năm 1800, tín hữu công giáo chỉ còn lối 35 ngàn người. Nhưng không bao lâu sau, những người di cư đến lập nghiệp đã tăng lên: 3.103.000 trong năm 1860; 10.041.000 chóng năm 1900; 19.828.000 trong năm 1920. Các công đồng miền Baltimore đã tổ chức và phối hợp lại sinh hoạt của Giáo hội, khiến các tín hữu công giáo ý thức được rõ sự cần thiết phải bảo vệ những gì là đặc thù của mình trong môi trường tin lành đối nghịch. Truyền giáo cho nô lệ da đen bị cấm chỉ (vì các chủ của họ là người tin lành). Năm 1863, khi nô lệ được giải phóng, tính ra đã có gần 100 ngàn tín hữu công giáo da đen, và đến năm 1960 con số đã tăng lên đến 615 ngàn 970. Giáo hội Hoa kỳ hoạt động rất hữu hiệu qua nhiều tổ chức quy củ như: trường học, cơ quan từ thiện, công đoàn, phương tiện truyền thông với nhà in, sách báo, đài phát thanh, truyền hình v.v. Năm 1784, tỷ lệ tín hữu công giáo tại Hoa kỳ là 0.8%, tỷ lệ đã tăng lên đến 23% trong năm 2000. Hiện nay, Giáo hội công giáo Hoa kỳ có 62 triệu tín hữu sống trong 164 địa phận. Ða số là người gốc Châu Âu; thứ đến là người gốc Châu Mỹ Latinh, gốc Mỹ da đỏ và da đen, cùng với một thiểu số gốc Châu Á: quả là một Giáo hội đa chủng.

Lịch sử truyền giáo Châu Mỹ Latinh thì khác. Khoảng năm 1825, các miền trong vùng đã trở thành những nước độc lập, và được coi như là những nước công giáo. Nhưng, suốt trong thế kỷ 19, các thể chế chính trị thường có thái độ đối nghịch ra mặt với Giáo hội; kết quả là tình trạng thiếu hụt linh mục, đánh mất hệ thống giáo dục, v.v. Năm 1899, với kỳ họp công đồng miền Châu Mỹ Latinh, Giáo hội ra sức đẩy mạnh nỗ lực phục hưng và chấn chỉnh, nhưng tại Mêhicô, vẫn còn bị bách hại, vàbị hàng trăm giáo phái Hoa kỳ xâm lấn, gây rối. Hậu bán thế kỷ 20, CELAM (Liên hiệp các Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh) được thành lập; ngoài ra còn xuất hiện nhiều phong trào hoặc sinh hoạt mới mẻ, như các cộng đồng cơ bản, thần học giải phóng, v.v. Nhiều hội nghị có tầm cỡ (đặc biệt là Medellín, năm 1968, và Puebla, năm 1979) đã ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống Hội thánh ở khắp nơi. Các Giáo hội Châu Mỹ Latinh đã mạnh mẽ nêu bật khía cạnh xã hội của đức tin và cách sống đạo bình dân. Thách đố của thiên niên 3 này nằm cả ở nơi việc huấn luyện các tín hữu, và ở nơi phương cách đối phó với sách lược tuyên truyền, hứa hẹn dụ dỗ, với lối hành đạo quá khích của các giáo phái.

PHONG TRÀO TRUYỀN GIÁO CỦA TIN LÀNH

Luther và Calvin không hề đả động gì đến việc truyền giáo. Hồi cuối thế kỷ 17, một giáo phái tin lành ở Ðức đã bắt đầu vận động cho công tác truyền giáo. Năm 1792, William Carey xuất bản một tác phẩm viết về bổn phận truyền giáo của các kitô hữu: cuốn sách đã được coi như là “hiến chương” tin lành về truyền giáo. Từ đó phát sinh Hội truyền giáo Báp-tít, rồi liên tiếp: Hội Truyền Giáo London (Anh quốc) năm 1795, Hội Truyền giáo Scotland năm 1796, Hội Truyền giáo Hòa lan năm 1797, Hội Truyền giáo Giáo hội (Anh giáo) năm 1799, v.v. Ở Ðức một số hội truyền giáo cũng đã được thành lập trong các năm 1824, 1836. Còn tại Hoa kỳ, thì hoạt động truyền giáo được tổ chức theo cách kiểu riêng của giáo phái muốn tổ chức công tác.

Ở Triều tiên, Giáo hội Trưởng lão và Giám lý đã ra tay bắt đầu hoạt động truyền giáo vào năm1884, và giữa thế kỷ 20, nhờ hoạt động của các giáo hội tự lập, số tín hữu của các Giáo hội này đã tăng lên nhiều, đạt đến tỷ lệ 25% dân số toàn nước.

Trong Vùng Thái bình dương, Tin lành hoạt động rất hăng say và hữu hiệu khiến hiện nay, tất thảy toàn dân đều đã tin vào Ðức Kitô.

Ở Châu Phi, Tin lành đã khởi đầu công cuộc truyền giáo hồi thế kỷ 19. Nhiều giáo phái đã thi nhau truyền giáo với kết quả rất khả quan. Tình trạng chia rẽ lộ rõ giữa họ đã làm phát sinh nhiều giáo hội bản xứ, với tín ngưỡng và tổ chức rất khác nhau.

Tin lành cũng đã hoạt động tại Châu Mỹ Latinh, với hậu quả đáng tiếc là gây thêm nhiều chia rẽ giữa các tín hữu kitô, nhất là ở Brasil, Chile, Mêhicô và Trung Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng ấy cũng kéo theo một phản ứng tích cực, là làm cho phong trào truyền giáo Tin lành thấy được và cảm nhận rõ hơn nhu cầu hiệp nhất, nhu cầu tham gia và đẩy mạnh dự án đại kết đang trong thời manh nha hồi năm 1910, khi Hội đồng thế giới về truyền giáo (World Missionary Conference) được thành lập tại hội nghị Edinburg; tiếp theo đó, đã có nhiều tổ chức khác gia nhập, đưa đến việc hình thành (1948) Tổ chức có tên là Hội đồng Ðại kết các Giáo hội Kitô (World Council of Churches). Ngày nay, các Giáo hội Tin lành có mặt trong khắp thế giới và đang giúp cho từng triệu người nhận biết, và tin yêu Ðức Kitô nhờ học và đọc Kinh Thánh.

Bài học lịch sử

Hai mươi thế kỷ lịch sử truyền giáo đã chứng kiến cùng ghi lại biết bao thành công rực rỡ cũng như đầy dẫy những thất bại đau thương. Trở ngại số một (nói ngôn ngữ hiện tượng) là Hồi giáo: từ thế kỷ 7 về sau, họ đã tiêu diệt các Giáo hội ở bắc Phi và Cận Ðông; từ thế kỷ 13 trở đi, các Giáo hội ở trung Á cũng chịu cũng một số phận; trong thế kỷ 20, họ đã tìm cách phá hủy Giáo hội ở trung Phi; mọi cố gắng truyền giáo cho họ đều thất bại. Ðó là một sự kiện (có lẽ là nhiệm mầu) đáng để ý suy nghĩ. Một thực trạng khác cũng đáng lưu ý: nỗ lực truyền giáo cho tín đồ các tôn giáo lớn thì không thành công là mấy.

Công việc truyền giáo đã để lộ cho thấy những gì cao đẹp nhất của Kitô giáo: tâm hồn quảng đại sẵn sàng hy mọi sự vì Thiên Chúa và vì nhân loại; đó là yêu mến theo mẫu gương Ðức Giêsu. Mặt khác, cần phải hiểu cho đúng câu nói: “Máu tử đạo là hạt giống kitô hữu”; nếu hiểu một cách trực tiếp, theo kiểu nhân quả tức thời và cho ngay địa phương được tưới bằng máu các tử đạo, thì không nhất thiết là đúng: trường hợp Nhật bản và Bắc Phi là những bằng chứng; nhưng câu nói có thể giữ nguyên ý nghĩa chính xác của nó, nếu hiểu ảnh hưởng ấy có tác dụng cho khắp nơi trong toàn thế giới và trong toàn bổ thời gian lịch sử loài người. Tuy nhiên, rốt cục, ngoài Thiên Chúa ra, ai có thể biết được lý do tại sao việc truyền giáo thành công hay thất bại ở nơi này hay chốn nọ? Ðó là mầu nhiệm giao thoa giữa ơn Chúa và tự do con người..

Các phương pháp khác nhau được áp dụng cho việc truyền giáo đều cho thấy là có tính cách nước đôi, bởi đã mang lại những kết quả nước đôi: không phương pháp nào đã thành công hơn phương pháp nào. Lối cưỡng ép đã mang lại thành công ở bắc Âu và Châu Mỹ Latinh, nhưng đã thất bại trong thời thập tự chinh. Ở Trung quốc, các phương pháp thích nghi (Dòng Tên) và tabula rasa – xóa sạch (những gì cho là xa lạ với Kitô giáo) – (các Dòng khác) cũng không khác nhau mấy. Tại các nước độc lập (Nhật bản, Thái lan), việc truyền giáo không thành công cho mấy để không nói là thất bại; tại các thuộc địa (Phi luật tân, Thái bình dương) thì thành công, v.v. Bài học rút tỉa từ các kinh nghiệm quá khứ? Tiên vàn và chủ yếu là phải dựa vào ơn của Thần Khí… hơn là vào phương pháp loài người.

Một khuyết điểm trong công cuộc truyền giáo công giáo là tính cánh “duy giáo sĩ” và cơ cấu nặng nề trong Giáo hội, làm cho khó có thể mềm dẻo thích nghi và nhanh chóng ứng biến, thay đổi theo hoàn cảnh, kịp với thời gian tính. Dù bao giờ cũng đã có mặt, thì chỉ từ thế kỷ 19, nữ giới mới thực sự tham dự cách có hệ thống, vào công cuộc truyền giáo; tương lai đòi hỏi phải để tín hữu nữ giới (tu sĩ và giáo dân) góp phần tích cực hơn vào trong việc quyết định chính sách của Giáo hội.

Những thế kỷ đầu, trừ một số ít trường hợp ra, cách chung, Rôma đã không giữ một vai trò trực tiếp trong công tác truyền giáo. Trong thời Trung cổ, các giáo hoàng đã cổ võ việc truyền giáo tại Châu Á, nhưng kế hoạch đã thất bại. Từ thế kỷ 17 về sau, Rôma đã có nhiều sáng kiến hơn, nhưng lại quá chiều theo khuynh hướng độc quyền. Ðiểm tích cực: đã điều phối tác vụ truyền giáo một cách chặt chẽ và hài hòa hơn; điểm tiêu cực: làm cho tinh thần truyền giáo của các Giáo hội địa phương bị mất dần đi.

Lịch sử ghi lại bài học này là khi không sống tự túc được thì các giáo hội địa phương cũng không tồn tại được. Suốt trong quá trình lịch sử Giáo hội cho đến nay, Châu Âu là nguồn suối “cung cấp” thừa sai; bây giờ, xem ra suối đang cạn dần… vì thế, các Giáo hội “trẻ” không những cần phải tự túc, mà còn phải góp phần ngày càng lớn hơn, cho công cuộc truyền giáo tại địa phương, quê nhà cũng như nơi các dân nước khác.

Ròng rã hai mươi thế kỷ, bao giờ công việc truyền giáo cũng diễn tiến giữa không biết bao nhiêu là khó khăn, xung đột về phía đối ngoại, và giữa muôn vàn mâu thuẫn, khác kỵ, tranh cãi… về phía đối nội; thế thì, chắc hẳn không ai dám nghĩ tương lai rồi sẽ khác đi. Nhưng dù sao đi nữa, thì người tông đồ cũng phải luôn luôn sẵn sàng chịu khó khăn, bị hiểu lầm, chối bỏ từ cả phía dân goại lẫn phía của nhiều anh chị em đồng đạo. Ðó đâu phải là chuyện lạ: Thập giá và truyền giáo luôn đi đôi với nhau.

[1] Có nhiều tác phẩm viết về đề tài. Tiện nhất cho việc tham khảo, xin xem Delacroix S. (ed), Histoire Universelle des Missions Catholiques, Paris: Librairie Gund 1956 ; Walls, A. F., The Missionary Movement in Christian History, Maryknoll: Orbis Books 1996; Müller, Karl, Theo Sundermeier, Stephan B. Bevans and Richard H. Bliese, eds. Dictionary of Mission: Theology, History, Perspectives, Orbis Books 1997.

[2] Xin xem Allen Roland, Missionary Methods: St. Paul’s or Ours?, Grand Rapids: Eerdmans 1964; Gardini W., Pablo, un místico sin fronteras, Buenos Aires 1979.

[3] Ramsay MacMullen, Christianity in the Roman Empire (A. D. 100-400), New Haven: CT, Yale Univ. Press 1984.

[4] Epistola 10.17.

[5] Brosse, Jacques, Histoire de la chrétienté d’Orient et d’Occident. De la conversions des Barbares au sac de Constantinople 406-1204, Paris: Albin Michel 1995.

[6] Van den Bercken, W., “The christianisation of Russia in the tenth century: an unique missiological story,” Exchange 25 (1996) 261-284.

[7] I. de Rachewiltz, Papal Envoys to the Great Khans, Stanford Univ. Press 1971; J. Richard, La Papauté et les missions au Moyen Âge, École Franciscaine de Rome 1977.

[8] J. Stewart, Nestorian Mission Enterprise, Edinburg 1928; xin xem Le Coz, R., Histoire de l’Église d’Orient. Chrétiens d’Irak et de Turquie, Paris: Cerf 1995.

[9] Về vấn đề phức tạp này, xin đọc G. Sorge, Il “Padroado”Regio e la S. Congregazione “De Propaganda Fide”nei secoli XIV-XVII, Bologna 1984; II Seminario International de Historia Indo-Portuguesa, Lisboa: Inst. de Inv. Cient. Trop., 1985.

[10] Xin xem Collectanea S. Congregationis de Propaganda Fide, vol. I, Romae 1907, tr. 42. Bản dịch theo Sacerdos, Số 43, Tháng 7, 1965 (số đặc biệt về Truyền giáo), “Huấn dụ Thánh bộ Truyền giáo cho các Vị Ðại diện Tông tòa sắp sang Trung Hoa và Việt Nam, 1659,” tt. 435-436.

[11] Xin xem G. Minamiki, The Chinese Rites Controversy from its Beginnings to Modern Times, Chicago: Loyola Univ. Press 1985.

[12] Peter R. Bachmann, Roberto Nobili 1577-1656, Roma: Inst. Hist. S.J. 1972.

[13] P. Borges et alii, Historia de la Iglesia en Hispanoamérica y Filipinas, Madrid: BAC 1992 (2 cuốn); Pontificia Commissio Pro America latina, Historia de la Evangelización de América. Trayectoria, identidad y esperanza de un Continente, Libreria Edit. Vaticana 1992.

[14] Từ năm 1524 cho đến năm 1545 đã có 11 “Hội tông đồ”; trong thời gian từ 1539 đến 1771 đã có 89 Hội nghị, và từ 1551 đến 1772, đã có 14 công đồng miền.

[15] J. Baur, 2000 Years of Christianity in Africa. An African History 62-1992, Nairobi: Paulines Publ. 1994.

[16] Langue, R., “Les années 1789-1815 dans l’histoire des missions,” Mission de l’Église, 71 (1997)  N. 114:33-48; N. 115:27-36

[17] Về hiện trạng Châu Á, xin xem Scott W. Sunquist (ed), A Dictionary of Asian Christianity, Grand Rapids: Eerdmans 2001.

[18] Agbedi-Kofi, West African Church History. Christian Missions and Church Foundation: 1482-1919, Leiden: E. J.Brill 1986.

[19] W. Anderson, The Church in East Africa 1944-1974, Nairobi: Uzima Press 1978.

[20] W. Buhlmann, Missions on Trial, Slough: St.Paul 1978.

[21] J. Dolan, The American Catholic Experience, Garden City, NY: Doubleday 1985.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *