Tự cao và xét đoán (13.01.2018 – Thứ Bảy Tuần I – Mùa Thường Niên)

 

Lời Chúa: Mc 2,13-17

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

13 Khi ấy, Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. 14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông : “Anh hãy theo tôi !” Ông đứng dậy đi theo Người.

15 Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người. 16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người : “Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi ?” 17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ : “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Mang thân phận yếu đuối, con người thường dễ dàng phạm tội. Thế nhưng, thay vì đồng cảm và nâng đỡ nhau, người ta lại thích phán xét hay xét đoán người khác. Thật vậy, người ta dễ dàng nhìn thấy lỗi phạm của tha nhân nhưng lại chẳng thể nhận ra sự yếu đuối của mình. Họ tự cho mình là người công chính và lên án những người họ cho là tội lỗi. Đều là là tội nhân nhưng chính sự ảo tưởng công chính ấy khiến họ phớt lờ những lầm lỗi của bản thân và thích soi mói những thiếu sót của anh em. Chính vì thế, họ dễ mắc phải căn bệnh tự cao và xét đoán – những căn bệnh trầm kha của tâm hồn.

Ngày nay, xã hội ngày càng phát triển khiến con người tự tin tự tin thái quá về khả năng của mình. Thế nhưng, họ không ngờ rằng, chính sự tự tin quá mức ấy vô tình khiến người ta trở nên tự cao, ngạo mạn và khinh thường người khác. Nếu như ngày xưa, con người xét đoán nhau về sự công chính thì ngày nay, họ xét đoán cả vật chất lẫn trí tuệ của nhau. Sự phân biệt giàu nghèo, phân biệt chủng tộc ngày nay cũng gay gắt, tàn độc chẳng khác gì sự kì thị người tội lỗi thời xưa. Do đó, người ta thường khinh rẻ những người khó khăn, nghèo khổ hoặc những người không cùng tôn giáo, sắc tộc chỉ vì họ không tài giỏi bằng mình. Dần dần, thói xét đoán ấy ngày càng lớn dần và bóp chết cơ hội phát triển của những thân phận bé nhỏ kia, tất cả cũng chỉ vì sự ngạo mạn, tự cao của những người tự cho mình là “thượng đẳng”.

Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi theo mình và dùng bữa cùng họ. Đương nhiên, hành động ấy của Người bị những kẻ tự nhận là công chính xét đoán, chỉ trích. Những kẻ đạo đức giả ấy chẳng quan tâm đến tội lỗi của mình, họ chỉ chực chờ để dìm chết những tâm hồn lỡ bước sa ngã mà thôi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu thì khác, Người ví mình như vị thầy thuốc cứu chữa những người đang bị bệnh tật về tâm hồn. Tất nhiên, chỉ những người nhận ra mình mắc bệnh mới chạy đến cùng Người, còn những kẻ tưởng mình khỏe mạnh lại chẳng cần điều đó và mãi đắm chìm trong tội lỗi.

Là người Kitô hữu, mấy ai trong chúng ta vượt qua được những căn bệnh khó chữa ấy. Đôi khi, chúng ta tự tin rằng mình là người công chính và chối bỏ sự cứu chữa từ Thiên Chúa. Không những thế, đôi khi chúng ta còn lên án tha nhân, lên án những người tội lỗi, kì thị những người nghèo khó, những người không cùng sắc tộc hay tôn giáo… Mỗi khi làm như vậy, chúng ta chẳng khác gì những kẻ đạo đức giả trong bài Tin Mừng hôm nay. Thế nên, muốn được chữa khỏi căn bệnh tội lỗi, chúng ta cần biết khiêm nhường nhận ra lỗi lầm của minh và chấp nhận để Thiên Chúa chữa lành.

Mỗi người chúng ta cần phải tự suy xét lại bản thân, trong những lúc yếu đuối, có bao giờ chúng ta cầu xin Chúa giúp sức chưa, hay lại tự tin vào khả năng của mình và đắm chìm trong sự tự mãn? Chúng ta có thật lòng yêu thương tha nhân và muốn dẫn đưa họ đến với vị thầy thuốc nhân hậu là Thiên Chúa, hay ta chỉ thích chỉ trích, xét đoán và lên án họ? Đừng để thói tự cao và xét đoán khiến chúng ta vấp phạm.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng mình còn nhiều thiếu sót, thế nên chúng con cần Ngài chữa lành. Xin hãy ở bên nâng đỡ, soi sáng những bước đường con đi, để chúng con biết sống sao cho đẹp ý Ngài. Xin cho chúng con cũng biết yêu thương và đồng cảm với tha nhân, để tình yêu của Ngài được thể hiện qua chúng con và từ đó, người ta sẽ nhận ra sự hiện hữu của Ngài. Amen.

Petrus Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *