Thiên khảo luận Truyền Giáo Học – Thần học truyền giáo theo Vaticanô II

CHƯƠNG III : THẦN HỌC TRUYỀN GIÁO THEO VATICANÔ II

Thần học công giáo về tác vụ truyền giáo ngày nay khởi phát từ Vaticanô II, dù không chỉ giới hạn ở trong tầm ảnh hưởng tác động duy nhất của công đồng. Hai văn kiện công đồng chứa đựng giáo lý phong phú và đầy đủ nhất về chủ đề này là hiến chế tín lý về Giáo hội  Ánh Sáng Muôn Dân và sắc lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo hội Ðến Với Muôn Dân (Lumen Gentium vaø Ad Gentes); các tài liệu khác của công đồng cũng nhất trí và mạnh mẽ góp phần cho đà khai triển của thần học về truyền giáo.

I. GỐC RỄ TAM VỊ CỦA DỰ ÁN TRUYỀN GIÁO

 1. Kế Hoạch Cứu Ðộ

Kế hoạch cứu độ điều hợp mọi hoạt động của Thiên Chúa, diễn ra ở trong lịch sử. Nhưng giữa các hoạt động có tính cách lịch sử ấy, hoạt động truyền giáo là hoạt động số một: “Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là hàng động biểu lộ (epiphania) hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa cùng hoàn tất ý định ấy nơi dương thế, ở trong lịch sử thế trần…” (TG 9b; x. 7c). Ý định của Thiên Chúa, ý định “quy tụ mọi sự về cùng một Thủ lãnh duy nhất” (theo thánh Irênêô), đang được thể hiện qua công tác truyền giáo; “bởi vậy, mọi giáo dân đều có nhiệm vụ cao cả này là phải làm sao để ý định cứu độ của Thiên Chúa đạt đến được ngày càng thiết thực hơn, với hết mọi người ở khắp mọi nơi và trong mọi thời đại” (GH 33d).

Như thế, xuất hiện rõ tính chất thống nhất của nhiệm cục: sứ mệnh của Ðức Kitô, của Giáo hội và của mỗi tạo vật đều hướng về cùng một mục đích chung; và, hơn nữa, chính nhờ hoạt động truyền giáo mà lịch sử đạt tới được mục đích ấy. Mục đích cuối cùng là cứu rỗi mọi người qua Ðức Kitô; vì thế, Ngài phải gặp gỡ với mỗi người. Kế hoạch mang tính chất lịch sử, nghĩa là tiến hành theo đà tiệm tiến (x. GH 9, TG 6b, LM 22c, v.v.). Mặt khác, Thiên Chúa tự do chọn lựa thời đại, nơi chốn, thừa tác viên, v.v. để thực hiện kế hoạch, không nhất thiết một mình, song là muốn nhờ đến sự tự do hợp tác của con người. Kế hoạch cũng mang tính chất xã hội, và vì thế, Thiên Chúa muốn tụ hợp mọi người được cứu rỗi thành một dân, một hội thánh (x. GH 2, 9a, TG 2, MV 32a, vv). Nhiệm cục được hiểu như là ý định của Thiên Chúa Cha, ý định sinh ra trong thời gian, thân thể nhiệm mầu của Con Người. Vì kế hoạch Thiên Chúa bao gồm mọi khía cạnh trong sứ mạng con người (x. MV 11a), xét theo tư thế là một cá nhân cũng như theo cương vị là một nhân vật lịch sử (x. MV 34, 57b), nên con người chỉ có thể thành toàn được chính mình trong Giáo hội. Cuối cùng, kế hoạch ấy cũng mang tính chất cánh chung, bởi sẽ hoàn toàn thành tựu khi “mọi người công chính… được tập họp trong Giáo hội phổ quát bên Chúa Cha” (GH 2).

2. Suối Tình Thương Của Chúa Cha

Nguồn gốc tuyệt đối của mọi sự là Chúa Cha. Cụ thể hơn, “ý định [cứu độ] tuôn trào từ ‘suối tình yêu’ tức từ lòng thương của Thiên Chúa Cha, vì chính Người là Nguyên lý vô nguyên lý, bởi Người Chúa Con được sinh ra, và cũng bởi Người và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần; vì quá nhân từ xót thương, Người tự ý dựng nên chúng ta…” (TG 2b). Như thế có nghĩa là đời sống Tam Vị lộ hiện ra trong lịch sử cứu độ, hay nói cách khác: năng động thần linh thúc đẩy hoạt động đưa kế hoạch đến chỗ hoàn tất, tức tuyền giáo. Kế hoạch ấy rốt cuộc là mầu nhiệm tình thương đang tác đôïng giữa nhân loại (x. TG 13b, MV 22a, 45b, 93). Do bởi bản chất, tình yêu thì tự trao ban chính mình. Là tình yêu tuyệt đối, Chúa Cha tự trao ban chính mình cho “Thánh Tử chí ái” (Cl 1:13), và cả hai – trong mối tương ái – hằng tự trao ban chính mình cho Thần Khí; như vậy, theo Âugutino, Ba Ngôi “là chủ thể, là đối tượng của tình yêu, và là chính tình yêu.” [1] Nếu tình yêu là nguyên tắc chuyển giao thần tính trong Ba Ngôi (nhiệm xuất), thì ắt cũng là nguyên tắc chuyển giao sứ mệnh cho Ngôi Hai và Ngôi Ba, với mục đích là chuyển giao thần tính cho con người (x. 2Pr 1:4; GH 40, HN 15a, MK 2). Dụng cụ (bí tích) của kế hoạch này là Hội thánh “phát sinh từ tình yêu Chúa Cha vĩnh cửu” (GS 40b), với nhiêïm vụ chủ chốt là “tỏ bày và đồng thời thực hiện mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa đối với con người” (MV 45a).

NĂNG ĐỘNG BA NGÔI TRONG LỊCH SỬ

Do tự bản tính, năng động của mỗi Ngôi là “đi ra”: Ngôi Cha “đi ra” nơi Ngôi Con, Ngôi Cha và Ngôi Con “đi ra” nơi Thánh Thần, rồi “hướng ngoại,” Thiên Chúa “đi ra” đến với tạo vật (vũ trụ). Trong lịch sử cứu độ, Cha phái gửi Con (Con “đi ra” thành con người Giêsu: x. Ga 16:27, 28; 17:8, v.v.), và cuối cùng Ðức Kitô phái gửi Giáo hội (Giáo hội “đi ra” trong thế gian, tức ra đi truyền giáo). Thế nên, đối với Giáo hội, được sinh ra có nghĩa là được sai đi. Vaticanô II nhận định rằng: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là Giáo hội truyền giáo, vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (TG 2a). Như vậy năng động vĩnh cửu vô tận của Thiên Chúa nhập thế (với giới hạn tất yếu) vào trong Giáo hội. Vì nguồn là Cha, nên hoa quả cuối cùng không phải là sự vật, song là con (nghĩa tử); và khi Thiên Chúa tự trao ban chính mình trọn vẹn (cả Ba Ngôi), thì hoa quả không phải là một cá nhân, song là một “gia đình” (Giáo hội), “một dân tộc đoàn hợp nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (GH 4). Như Ba Ngôi Thiên Chúa, Giáo hội là hiệp thông mà cũng vừa là sứ mệnh; và cũng như sứ mệnh của Ngôi Vị thần linh mang tính chất tự hủy (kenosis), thì khi trao ban chính mình cho dân ngoại qua hoạt động truyền giáo(được sai đi), Giáo hội cũng phải sống cuộc tự hủy (x. TG 5b).

  1. a)Sứ mệnh của Chúa Con.– Sứ mệnh đầu tiên được trao phó khi Chúa Cha ‘sai’ Con làm trung gian tạo hóa (x. Ga 1:3, Cl 1:16) hay là làm Ðấng Cứu độ (x. Ga 3:16; Gl 4:4-5, v.v.); đó là khởi thủy của mọi sứ mệnh cứu độ trong lịch sử. Vì thế, Vaticanô II trình bày về sứ mệnh của Ngôi Con trong các đoạn GH 3, TG 3, MK 4.

Ý định của Thiên Chúa là thần hóa con người. Tạo dựng con người theo hình ảnh mình là Thiên Chúa nắn đúc nó nên giống Ngôi Con, hình ảnh hoàn hảo của Người. Vì thế, khi Ngôi Lời nhập thể, một con người đã được thần hóa hoàn toàn. Ngôi Lời nhập thể lại được ‘sai’ làm trung gian cứu độ duy nhất, qua đó Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau và, nếu không gặp gỡ ở nơi Ngài, thì không thể có một cuộc gặp gỡ nào khác cả. Ngôi Lời được phái gửi một cách vô hình từ khởi điểm của lịch sử, và đã có mặt giữa loài người như “hạt giống” cứu độ: “hạt giống” ấy là nguyên nhân làm phát sinh “luật lương tâm” (x. Rm 2:14-15) và hiện tượng tôn giáo trong lịch sử. Thời xưa, Celsô (cuối thế kỷ 2) và Porphiriô (cuối thế kỷ 3) đã từng bắt bẻ Kitô giáo rằng nếu Ðức Kitô là Ðấng Cứu tinh duy nhất, thì tại sao lại đến trễ như vậy, lại sinh ra tại một nước nhỏ bé như thế? Các giáo phụ trả lời cho thấy rằng Ngài không bao giờ vắng bóng (x. Cv 17:27-8, Kh 13:8) và đã mang ơn cứu độ đến cho bất cứ ai cần. [2]

Tuy nhiên, con đường của “Ngôi Lời vô danh” không phải là đường lối chính Chúa Cha đã chọn. Nếu Lời đã nhập thể và đã chịu đóng đinh trên thập giá, thì chắc chắn không phải là để mọi sự cứ tiếp tục trôi theo con đường cũ. “Ðể củng cố hòa bình tức là mối hiệp thông với Thiên Chúa, và để xây dựng một xã hội huynh đệ giữa loài người, giữa những con người tội lỗi, Người đã quyết định đi vào lịch sử loài người một cách mới mẻ và dứt khoát bằng cách sai Chúa Con mặc lấy xác phàm chúng ta, để chờ Chúa Con, Người giải thoát nhân loại khỏi quyền lực Satan và để trong Chúa Con, Người hòa giải thế gian với chính mình” (TG 3a). Ðó chính là giáo lý của Phúc âm (x. Ga 3:17) và của kinh Tin kính. Như thế nghĩa là “đường lối nhập thể” là con đường mới, tức khác, và dứt khoát, tức các đường lối khác đều phải (bắt đầu) ngừng, không còn hữu hiệu. Ðức Kitô là trung gian cứu độ duy nhất (x. 1Tm 2:5), là Ađam mới, tức là nguyên thủy của nhân loại mới (x. TG 3b), kết hợp với toàn thể nhân loại. Vả, nếu Ngôi Lời đã ôm trọn hết mọi chiều kích, mọi điều kiện của thân phận loài người (lịch sử, văn hóa, tôn giáo, v.v.), thì đường lối cứu độ không còn có thể cứ mãi ù lỳ như xưa. Vai trò trung gian bao gồm nhiều khía cạnh:

  1. Trung gian mạc khải(x. MK 4): giúp cho loài người biết Thiên Chúa như Người muốn được biết. Không chỉ mang Tin mừng đến, Ngài chính là Tin mừng, và – như Ðức Piô XII đã từng nhận định – là “Thiên Chúa-Thừa sai.” [3] Ngài là “ánh sáng muôn dân” (Is 49:6), “sáng soi cho mọi người đến trong thế gian” (Ga 1:9), qua những lời Ngài nói, bởi lời Ngài “là thần khí và là sự sống” (Ga 6:63).
  2. Trung gian “triệu tập” dân mới:“Chúa Kitô, Ðấng trung gian duy nhất, đã thiết lập Giáo hội thánh thiện, một cộng đoàn tin, cậy, mến, như một cơ cấu hữu hình giữa trần thế… qua Giáo hội Ngài đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người” (GH 8a). Sứ vụ của Ðức Kitô là “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11:53), có thế thì việc nhập thể mới nên hữu ích cho mọi người.
  3. “Trung gian của Tân ước”(Dt 8:6, GH 9a) – sứ mệnh tư tế (GH 41d) – Chúa Cha muốn Ngài là “Thầy, Vua và là Tư tế của mọi người” (GH 13a); như thế có nghĩa là mọi hình thức thờ phượng, hiến tế đều phải qua và phải được hoàn tất nơi Ðức Kitô.
  4. Cuối cùng là“trung gian cứu chuộc”:Ðức Kitô đã giải phóng loài người với máu của Ngài (x. 1Cr 6:20, Pr 1:18-9) và như thế, đã quy tập cho mình một dân tộc (x. 1Pr 2:9-10, GH 9). Ðiều Ngài đã hoàn tất cách nhiệm mầu, phải trở thành hiện thực trong lịch sử: “Giáo hội được khai sinh là để làm cho nước Chúa Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu, hầu làm vinh danh Thiên Chúa Cha, tức là làm cho mọi người tham dự vào việc chuộc tội và cứu rỗi” (TÐ 2a). Nếu Giáo hội không truyền giáo, công cuộc cứu độ của Ðức Kitô sẽ bị bỏ dở.

Như vậy, sứ mệnh của Ngôi Con vẫn tiếp tục. Cũng như con người Giêsu vẫn phải lớn lên sau lời fiat của Ðức Maria, thì cũng thế, thân thể Ðức Kitô còn phải tiếp tục mở rộng, lớn mạnh trong lịch sử loài người sau biến cố phục sinh.

  1. b)Sứ mệnh của Thánh Thần.–Trong Thiên Chúa, Thánh Thần “hoàn tất” Ba Ngôi, thì cũng thế đối với kế hoạch cứu độ. Vaticanô II dạy: “Ðể hoàn thành việc đó [‘công bố và truyền bá cho tới tận cùng trái đất’ công trình của Ðức Kitô], Chúa Kitô đã sai Thánh Thần từ Chúa Cha đến để Ngài thực hiện công trình cứu chuộc trong các tâm hồn và thúc đẩy Giáo hội bành triển thêm mãi” (TG 4a). Công đồng nêu lên tính chất độc nhất của tác động mỗi Ngôi trong Tam Vị có đối với kế hoạch cứu độ, và giây liên tục trong thời gian, theo “trật tự” thần linh: Cha định dự án (x. TG 2), Con đến thực hiện (x. TG 3) và Thần Khí hoàn tất (x. TG 4); cuối cùng, hai sứ mệnh ấy tiếp tục kéo dài trong sứ mệnh của Giáo hội (x. TG 5). Như vậy, việc truyền giáo mang đậm Tam Vị tính trong khởi thủy, trong giai đoạn tiến hành và trong cùng đích.

Ngôi Ba ‘nhiệm xuất’ như ân huệ tình yêu; bởi thế, hoa quả sinh nên trong tạo vật cũng mang tính chất yêu mến. Là Thần Khí Tạo hóa (Creator Spiritus), Ngài đã dựng nên trong tạo vật mở lòng đón nhận Ngài, một khả năng yêu mến với cứu cánh tính (teleology) hướng tới mục đích của kế hoạch Thiên Chúa. Ðà hướng ấy là năng động truyền giáo trong Giáo hội. Thần Khí đã hoạt động trước kia (trong Cựu Ước) và đang hoạt động ngoài ranh giới Kitô giáo; chính Thần Khí đảm bảo cho sự hiệp nhất của hai giao ước và của hết mọi giai đoạn trong kế hoạch. Trong Cựu Ước, khi phái gửi ai, thì Yavê ban ruah, Thần Khí Người, cho người ấy để thực hiện sứ mệnh: Thiên Chúa ở với Môsê (x. Xh 3:10-12), và ông truyền Thần Khí cho Giôsuê (x. Ðnl 34:9); nhờ Thần Khí các lãnh tụ đạt được thành tựu trong sứ mệnh; thí dụ: Gêđêôn (x. Tl 6:34), Gíptác (x. Tl 11:29), hoặc Samson (x. Tl 14:6; 15:14). Nơi các tiên tri, Thần Khí linh hứng lời nói (x. Dcr 7:12; Nh 9:30). Tột đỉnh là trường hợp Ðấng Thiên sai: Ngài được đầy Thần Khí (x. Is 61:1; Lc 4:18) “để làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42:1). Và Thiên Chúa đã hứa đổ tràn Thần Khí Người trên hết thảy người phàm, cho họ có khả năng nói tiên tri… (x. Ge 3:1-3).

Trong thời đại thiên sai, lời hứa ấy được ứng nghiệm. Phúc âm Luca (chương 1-2) trình tả sự việc nhiều nhân vật lên tiếng phát biểu bởi nhận được đầy Thần Khí. Chính Ðấng Mêsia cũng đã nhận Thần Khí cách hữu hình ở sông Giorđan để khai mạc tác vụ rao giảng: Thần Khí ‘sai’ Ðức Kitô công bố Tin mừng (x. Lc 4:18-19), và Ngài hứa ban Thần Khí cho các môn đồ để giúp họ làm chứng trước toà dân ngoại (x. Mt 10:20), cũng như để rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Girêrusalem (x. Lc 24:47). Ðể có khả năng chu toàn sứ vụ, Thần Khí biến họ trở nên con người mới nhờ “phép rửa trong Thần Khí” (Cv 1:5). “Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Ngài đã ngự xuống trên các Tông đồ để mãi mãi ở lại với họ: Giáo hội công khai xuất hiện trước mặt dân chúng; Phúc âm bắt đầu được phổ biến giữa muôn dân” (TG 4). Việc đổ tràn Thần Khí trong ngày Hiện xuống quan trọng đến nỗi Gioan quan niệm sự hiện diện của Thần Khí trước Phục sinh (hoặc ngoài Giáo hội) như chưa có gì (x. Ga 7:39). Thần Khí làm cho Giáo hội sinh ra như một “nhà truyền giáo”; vì thế, Ánh Sáng Muôn Dân 17 nói rằng Thần Khí “thúc bách Giáo hội phải cộng tác với Ngài” (ad cooperandum compellitur…) trong sứ vụ truyền giáo. Vì Thần Khí luôn luôn ngụ cư trong Giáo hội, nên các tín hữu cũng có được “cùng một tinh thần truyền giáo” như chính Ðức Kitô! (x. TG 4).

Trước Hiện xuống, Lời Chúa đã triệu tập Giáo hội, Máu Chúa đã cứu chuộc, nhưng tựa như chưa có “linh hồn,” chưa được linh hoạt để làm chứng ra bên ngoài… Thần Khí đã biến các môn đồ thành tông đồ. Vì thiếu tinh thần truyền giáo, nhiều tín hữu và nhiều cộng đoàn làm như đang sống trong tình trạng trước Hiện xuống. Thần Khí làm cho Giáo hội thành nhà truyền giáo: Giáo hội là thánh vì được Thánh Linh linh hoạt từ bên trong; Giáo hội là một, vì nhờ các đoàn sủng và các thừa tác vụ của Thần Khí hiệp thông (x. GH 7c); Giáo hội là công giáo, vì được Thần Khí phái gửi đến với muôn dân, để đoàn tụ muôn dân vào trong chính mình, và nhờ đó được nên phong phú với không biết bao nhiêu là nền văn minh văn hóa, tiếng nói, gia sản v.v. của muôn dân sống trong niềm hiệp nhất của đức tin; Giáo hội là tông truyền, vì Thần Khí bảo toàn tinh thần, giáo lý, thừa tác vụ và sứ mệnh của các tông đồ, cùng làm cho trường tồn qua mọi thế hệ. Yếu tố thúc đẩy truyền giáo, trước hết, không phải là một nhu cầu nào đó, song là tác động của Thần Khí hằng linh hoạt Giáo hội; từ chối truyền giáo là phạm đến Thần Khí.

  1. c)Sứ mệnh của Giáo hội.— Tiếp tục sứ mệnh của Chúa Con và là hiện thân của sứ mệnh Thần Khí, Giáo hội “được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’ theo kế hoạch của Thiên Chúa (x. TG 1); như vậy mỗi Giáo hội địa phương đều được sai đến trong miền xứ của mình (x. TG 20a).Mục tiêu là thiết lập vương quyền Thiên Chúa giữa mọi dân tộc (x. GH 5b). Thánh Phaolô cho biết là Giáo hội đã được tiền định từ đời đời để làm cho muôn dân nhận biết sự khôn ngoan khôn tả của Thiên Chúa (x. Ep 3:8-11). Trên nguyên tắc, Giáo hội có thể chu toàn tác vụ ấy theo hai cách: hướng nội, nên “ánh sáng cho trần gian, – tựa như – một thành xây trên núi” (Mt 5:14), để thu hút mọi người (như Ítraen xưa); hoặc hướng ngoại, loan báo Tin mừng cho những ai chưa biết Thiên Chúa và Ðấng Người sai đến, cùng kêu mời họ tin vào Người. Thế nên, lý do duy nhất vén mở cho thấy ý nghĩa đích thực và tính cách bức bách của công tác truyền giáo: đó là vì ý Thiên Chúa muốn như vậy.

Tiêu đích cuối cùng của sứ mệnh này là vinh danh Thiên Chúa; nhưng trong thời gian lịch sử, vinh danh ấy kết tinh trong một sự kiện cụ thể, đó là giúp con người làm “vinh quang mô thức” cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa của họ. Nhận biết, tin yêu, tôn thờ, ngợi khen, v.v. Ðức Kitô là ơn Chúa Cha ban; nhưng không một ai được thờ ơ với ơn ấy (rốt cuộc đó là ơn được thể hiện qua cuộc nhập thể), bởi nó trực tiếp dính liền với số phận đời đời của mình (x. Mc 16:15).

Thiên Chúa đã chọn phương cách để thực hiện kế hoạch: rao giảng Tin mừng. Ðể tiếp tục sứ mệnh của mình, Ðức Kitô đã chọn các “sứ đồ” – tức các “thừa sai” – làm hạt giống của Giáo hội (x. TG 5). Tự bản chất, sứ đồ phải là người “ra đi,” bằng không thì bội phản Ðấng đã chọn mình cũng như bội phản chính căn tính của mình. Vì thế Phaolô đã mạnh mẽ xác định: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9:16); Vaticanô II đã áp dụng câu nhắc nhở này cho Giáo hội (x. TG 7a, GH 17, TÐ 6). Bởi mang “tông truyền” tính, nên tự bản tính Giáo hội là “thừa sai.”

“Như thế, rõ ràng là hoạt động truyền giáo bắt nguồn sâu xa từ chính bản chất của Giáo hội, hoạt động qua đó, đức tin cứu độ của Giáo hội được truyền bá, niềm hiệp nhất công giáo của Giáo hội đạt đến mức thành tựu nhờ được phổ cập; và đó là hoạt động được tông truyền tính của Giáo hội trợ lực, có sức thể hiện ý nghĩa đoàn thể tính của hàng giáo phẩm trong Giáo hội, chứng thực, quảng bá cũng như cổ xúy sự thánh thiện của Giáo hội” (TG 6f).

Vì thế, trước hết, việc truyền giáo không phải là một “bổn phận,” song là một “chức năng” trong cơ thể Giáo hội.

II. NGUỒN GỐC “KITÔ HỌC”CỦA  SỨ  VỤ TRUYỀN GIÁO

“Ðức Kitô sinh ra là sứ vụ truyền giáo ra đời: Ðức Kitô là vị thừa sai đầu tiên và lớn nhất của Chúa Cha. Hoạt động truyền giáo xuất hiện khi Ngôi Lời nhập thể, và tiếp tục trong lịch sử qua việc tuyên bố và làm chứng của Giáo hội.” [4]

Ðức Kitô là nguồn gốc của sứ vụ truyền giáo vì hai lý do: vì  Ngôi Lời nhập thể, và vì đã truyền lệnh cho các môn đồ đi đến khắp nơi trong thế giới.

  1. Nhập thểcó mục đích ‘gần’ là thâu họp vạn vật dưới một đầu là Ðức Kitô (x. Ep 1:10), và mục đích ‘tối hậu’ là làm cho muôn loài muôn vật quy phục quyền tối cao củaThiên Chúa (x. 1Cr 15:28). Ðức Giêsu Kitô là động cơ của tác vụ này trong lịch sử, theo tư thế vừa như là cứu cánh vừa như là tác nhân, tức như trung gian của ơn cứu độ. Là trung tâm của sứ vụ Giáo hội, Ðức Kitô cũng đứng ở trung tâm trong cuộc tranh luận hiện nay về sứ vụ truyền giáo.

Nếu ý thức thực sự về mầu nhiệm Nhập thể thì không thể nào lẩn tránh mà không kết luận là phải truyền giáo. Kinh Tin kính công tuyên Ngôi Lời từ trời xuống thế để cứu độ nhân loại, tức là nhằm mục đích phổ quát. “Cả những người không minh nhiên tin nhận Ðức Giêsu là Ðấng Cứu thế, cũng có thể nhận được ơn cứu rỗi như là ân sủng đến từ Chúa Giêsu Kitô, qua sự truyền đạt của Chúa Thánh Thần.” [5] Không phải đến một cách tự động, máy móc, nhưng là tùy tự do của mỗi người mà ơn cứu độ sẽ được đón nhận hay bị khước từ. Chính Ðức Giêsu đã chỉ cho biết phương tiện là đức tin và phép rửa (x. Mc 16:16; Ga 3: 5); nhưng “làm sao họ tin Ðấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?” (Rm 10:14-15). Nếu hiểu rằng thần hóa là ‘lý do nhập thể’ – nghĩa là Ngôi Hai chia sẻ chính mình và Thần Khí của mình cho loài người, để nhờ đó hình ảnh Chúa Cha nơi chúng ta được khôi phục và hoàn mỹ – thế tất mỗi người phải gặp gỡ và kết hiệp với Ngài, để có thể nhờ năng lực của Ngài mà đổi mới. Nhập thể là ơn lớn nhất nhân loại nhận được; thật ra, đó là nguồn của hết mọi ơn ban cho con người. Và nhập thể đã xảy ra một cách không phải là vô hình, âm thầm, mà là hiển nhiên trong thời gian và không gian. Ðức Kitô đến “soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tối tử thần” (Lc 1:79); Ngài đến như “ánh sáng soi đường cho dân ngoại” (Lc 2:32)… nghĩa là phải đến với mọi người ở mọi nơi, trong mọi thời: đó là điều mà chỉ hoạt động truyền giáo mới có thể làm cho trở thành hiện thực.

Như mọi công trình khác của Thiên Chúa, công cuộc nhập thể cũng đang từng bước “thành sự” và không ngừng lớn lên cho đến khi đạt “tới tầm vóc viên mãn của Ðức Kitô” (Ep 4:13-16). “Khi nhập thể, thì một cách nào đó, Con Thiên Chúa, đã kết hợp với tất cả mọi người,” (MV 22b); và bây giờ, giữa lòng lịch sử, “mầm mống” ấy tiếp tục mọc lên, hướng tới mọi người như là hướng về với cứu cánh, và thu nhận mọi người vào trong thân thể của mình, tất nhiên là với sự tôn trọng tự do của mỗi cá nhân. Vì thế, ai ai cũng có quyền biết về Ðức Kitô và sứ điệp của Ngài, để có thể tin theo hay không. Còn, một khi đã biết mầu nhiệm nhập thể mà lại không giúp người khác biết về Ðức Kitô, thì chẳng khác chi là tước mất động lực và mục đích của nhập thể. Thần học xác tín rằng nơi mỗi người đều có một yếu tố siêu nhiên của Ðức Kitô, một “hiện sinh thể” kitô (christic existential), làm cho mọi người, trên nguyên tắc, đều thuộc về Ðức Kitô, và vì vậy, theo dự án sáng tạo của Chúa Cha, bản tính con người chỉ được toàn tất ở trong Ngài.

Nhờ phục sinh, mầu nhiệm nhập thể thành tựu sung mãn nơi cá nhân Ðức Giêsu. Ngài trở nên con người phổ quát, với khả năng đạt tới mỗi người trong quá khứ cũng như trong tương lai; đó là ý nghĩa của mầu nhiệm xuống ngục tổ tông. Mối liên đới của Ðấng Phục sinh với mọi người (trong tình yêu liên đới) đòi phải chia sẻ cho anh em vinh quang của mình, chia sẻ niềm vui ‘tiệc cưới’ của mình, chia sẻ cho tất cả những ai đầy tớ gặp thấy ở các ngã đường, như được nói lên qua dụ ngôn… (x. Mt 22:1tt).

Sau Phục sinh, Ðức Kitô đã trở nên “Ađam mới” (1Cr 15:22, 45-49), tổ phụ của nhân loại mới, một tổ phụ phổ quát hơn hẳn tổ phụ cũ (x. Rm 5:16tt). Ơn công chính hóa có khả năng vô tận; nhưng duy chỉ con cái của Ađam mới này mới hưởng được, dù trên nguyên tắc (theo kế hoạch Thiên Chúa) ơn ấy được ban ra cho hết mọi con cái của Ađam cũ.

Do bởi bản tính thần-nhân, Ðức Giêsu Kitô là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, và là trung gian duy nhất (x. 1Tm 2: 5-6). Gặp Ngài là gặp thần-thiêng trong dung mạo nhân-loại, không cần phải nhờ đến một ai khác. Là trung gian của giao ước tốt hơn, tức là mới (x. Dt 8:6; 9:15), Ngài thiết lập Dân mới của Thiên Chúa và dẫn đưa họ vào đất hứa thật. Như cây nho, Ngài thông chuyển nhựasống cho các nhánh, và nếu không tháp ghép vào Ngài thì không có được sự sống (x. Ga 15:1tt). Ngài tự ví mình như cửa ra vào (x. Ga 10:1tt): ai vào qua Ngài thì gặp được Chúa Cha; ai không vào, hoặc vào qua cửa khác, thì không về tới được nhà Cha. Theo tư thế là trung gian của Chúa Cha, Ngài thẳng thắn tuyên bố: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Ðường sẵn có, chỉ cần dấn bước mà đi; cửa đã sẵn mở, chỉ cần bước qua mà vào.

Trung gian mạc khải, Ðức Kitô không chỉ nói lên Lời Chúa, mà hơn nữa, chính Ngài là Lời Chúa (x. Ga 1:1) và, vì thế, Ngài có khả năng làm điều không ai có thể làm được: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một, vốn là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1:18). Ðó là tình trạng sung mãn mà Gioan gọi là “ơn nầy đến ơn khác” (Ga 1:16); đó là sự thật có sức và có quyền giải phóng con người (x. Ga 8:32); đó là sự sống dồi dào mà Chúa nhập thể chia sẻ cho các con chiên (x. Ga 10: 10). Tuy nhiên “sự sống đời đời là họ nhạân biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17:3). Giờ đây, để “họ nhận biết” được thì phải có người đi loan báo. Các tiên tri, các sứ giả Thiên Chúa đã sai phái, đều chỉ nhận lãnh một sứ mệnh cụ thể, giới hạn trong một dân tộc, một thời gian v.v.; còn “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian, và chiếu soi mọi người” (Ga 1:9): sứ mệnh mạc khải phổ quát này vẫn tiến hành qua tác vụ của Giáo hội, với sức năng Thần Khí (x. Ga 20:21-23), để mang ánh sáng và chân lý đến cho mọi người thuộc mọi thời đại. Nếu không mang ánh sáng Ðức Kitô cho muôn dân, tất Giáo hội sẽ chịu trọng tội là đem đèn thắp sáng để dưới đáy thùng (x. Mt 5:14-16).

Trung gian cứu độ, Ðức Kitô Giêsu là nguồn duy nhất mang lại ơn tha tội. Ðành là ơn cứu độ có thể được ban cho cả những người không hay biết (không ý thức) về nó; nhưng ý hiển nhiên của Chúa Cha là bất cứ ai nhận ơn đều có thể biết về ơn mình nhận. Tiên báo: “Một khi được giương cao lên khỏi măït đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32), là Ðức Giêsu muốn ám chỉ đến hấp lực của thập giá. Quả thế, máu của Ðấng Cứu độ được đổ ra cho hết thảy mọi người và, vì thế, Ngài ước mong thu hút hết mọi người vào trong “môi trường cứu độ” là Thân thể hoặc Hiền thê của Ngài, tức Giáo hội. Bằng không ơn cứu độ sẽ chỉ đến với con người theo cách vô thức, không xứng hợp với phẩm giá con người có lý trí và tự do.

Còn có thể bàn nhiều về Ðấng “trưởng tử giữa một đàn em đông đức” (Rm 8:29), mà Chúa Cha đã muốn đặt “đứng hàng đầu trong mọi sự” (Cl 1:18), nhất là trong lãnh vực tôn giáo. Nhưng chỉ xin đơn thuần nêu lên điểm này là: vì Ngôi Lời được “sai đi” (mầu nhiệm nhập thể) nên Ngài cũng đã gửi Thần Khí. Nơi nào có ơn cứu độ là nơi đó có Thần Khí hoạt động, và Thần Khí là như nước mưa làm cho hạt giống (nhập thể) mọc lên. Thần Khí “làm chứng” về Ðức Kitô, và đó cũng là bằng chứng các tông đồ có bổn phận nêu cao (x. Ga 15:26-27). Vaticanô II đã nhắc đi nhắc lại điều này: sự hiện diện của Thánh Thần là nguồn mạch khôn tận của động lực truyền giáo (x. TG 4).

  1. Mệnh lệnh truyền giáo.Ðoạn cuối các Phúc âm Matthêu và Máccô ghi rõ mệnh lệnh truyền giáo của Ðấng Phục sinh: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy, anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tạân thế” (Mt 28:19-20). Maccô có thêm chi tiết: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (x. Mc 16:16). Gioan cũng cho biết Chúa đã sai các tông đồ đi (x. Ga 20:21). Còn Luca thì dù vắn tắt nhưng cũng ghi rõ ý Chúa sai đi như trong các Phúc âm khác (x. Lc 24:47-48, Cv 1:8). Như vậy, cả bốn truyền thống Tin mừng đều làm chứng về ý Ðức Kitô muốn sứ điệp của Ngài được loan báo trong khắp thế giới cho đến tận thế. Dù các nhà chú giải có nêu lên một số vấn đề liên quan đến các lời này, thì cũng phải nhận “đó là Lời Chúa,” được nhận vào chính lục Kinh Thánh và, vì thế, đó chính là quy phạm.

Trong toàn bộ Kinh Thánh, các câu trên đây là những câu đã được công đồng Vaticanô II trích dẫn nhiều nhất: Mt 18 lần, Mc 21 lần, Ga 6 lần và Lc 7 lần, dù được áp dụng cho nhiều chủ đề khác nhau, thì cũng với ý nghĩa minh nhiên chỉ về truyền giáo. Như thế là vì trong thời gian khủng hoảng, khi các động cơ khác làm như đang bị lu mờ đi, Giáo hội nghĩ rằng không gì hùng hồn đối vối kitô hữu cho bằng ý muốn rõ rệt của chính Ðức Kitô đã được Kinh Thánh minh nhiên ghi lại (x. GH 19; HDTG 5).

Giáo hội tin rằng đặc quyền truyền giáo của mình đâm rễ từ quyền toàn năng của Chúa Phục sinh. Nếu hiểu Ðức Kitô phục sinh như là Môsê mới truyền Luật mới cho Dân mới từ trên núi thánh vinh quang, thì mệnh lệnh truyền giáo quả là yếu tố cấu tạo bản chất của Hội thánh. Dù sao, điều hiển nhiên là công tác truyền giáo là nhiệm vụ và bổn phận của Giáo hội, vì tất yếu là phải tuân lệnh củaChúa mình (TG 1a, GH 23b, v.v.).

Khoa chú giải nghỉ rằng các lời ấy không phải là lời nguyên văn chính Ðức Kitô đã nói, song là lời của Giáo hội. Quả vậy: công thức rửa tội giả thiết việc thành hình hoàn chỉnh của giáo lý về một Thiên Chúa Ba Ngôi; nhưng điều đó chỉ đạt được phải nói là nhiều năm sau khi Chúa lên trời. Giả dụ lời Chúa đã sẵn có và rõ ràng như thế, thì tại sao Giáo hội Giêrusalem lại lên tiếng quở trách Phêrô khi ngài rửa tội cho Cornêliô? Và tại sao Phaolô gặp phải nhiều khó khăn như vậy? – Khó mà giải đáp được hết các vấn nạn. Chắc hẳn là cọâng đoàn đầu tiên khá đã phải sống qua một thời chuyển tiếp mù mịt, khi họ cứ cố giữ “rượu mới của Phúc âm trong bầu da cũ của Do thái giáo” (x. Mt 9:16-17). Các biến cố xảy đến đã làm cho họ “nhớ lại” lời Chúa, tức là nhận thức được ý nghĩa của các cử chỉ, lời nói cũng như thái độ, v.v. của Ðức Kitô, và đã diễn tả “lời Chúa” thành văn rõ ràng. Ðối với tín hữu ngày nay, nên nêu bật ba điểm:

1) Mệnh lệnh truyền giáo là yếu tố chủ yếu trong bản chất của Giáo hội. Ðức Giêsu tuyển chọn nhóm Mười hai là “để sai họ đi rao giảng” (Mc 3:14); các vị là mầm mống của Giáo hội. Trước phục sinh, họ đi truyền bá phúc âm cho Ítraen; sau phục sinh, sứ mệnh ấy mang thêm chiều kích phổ quát; hai sứ mệnh tiếp nối liên tục với nhau. Khoa chú giải phát hiện nhiều chủ đề đầy ý nghĩa của Kinh Thánh ở trong đoạn cuối của Mt: Ðức Kitô phục sinh gợi lên hình ảnh của Con Người gặp thấy trong Ðn 7; Giáo hội xuất hiện như là “số sót trung thành” và Ðức Kitô là vua thiên sai: “muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Ngài” (Ðn 7:14). Một quan điểm khác cho rằng Ðức Kitô giống như Môsê trên núi Sinai; những lời: “Thầy đã được trao toàn quyền…” tương tự như: “Hỡi Ítraen, hay nghe đây!” (Ðnl 4:1; 5:1, v.v.), và vì thế mệnh lệnh truyền giáo quả là thập giới, là Luậtcủa Giáo hội. Trong Ga 20:22, Ðức Kitô “thổi hơi” Thần Khí, tương tự như ở trong St 2:7, khi Ðức Yahvê thổi sinh khí chuyền sức sống cho con người đang hình thành qua hành động tạo dựng. Hiện Thần Khí đang tiếp tục tạo nên nhân loại mới, làm nên thời gian của Giáo hội. Vắng bóng Thần Khí thì không thể có truyền giáo; nhưng nếu Thần Khí hiện diện thì không thể không có truyền giáo, như đã từng thấy rõ trong ngày Hiện xuống. Mệnh lệnh, ý muốn của Ðấng thiết lập Giáo hội là chính mục đích của Giáo hội; thế nên, nếu   không truyền giáo, tức Giáo hội tự phủ nhận chính mình.

2) Lòng vâng phục của Giáo hội đối với Ðức Kitô cũng giống như thái độ vâng phục của Ðức Kitô đối với Chúa Cha: vâng phục siêu tuyệt, tức chỉ vì yêu mến, như môn đệ theo bước Thầy mình (x. TG 7c), chứ không phải vì bị bó buộc giữ luật hoặc vì sợ bị trừng phạt. Và vì thế, không chỉ vâng phục Ðức Kitô, mà còn “vâng theo ý Chúa Cha, họ (các thừa sai) sẽ cùng với Ðức Kitô tiếp tục sứ mệnh của Ngài dưới quyền phẩm trật trong Giáo hội, và sẽ cộng tác vào mầu nhiệm cứu độ” (TG 25 cuối). Ðức vâng phục kitô là theo bước Ðức Kitô, và chỉ được thể hiện qua tình yêu. Như Cha sai Con, thì Ðức Kitô cũng sai các môn đệ, tức không phải là sai các tôi tớ, song là các bạn hữu (x.Ga 15:15).

3) Những ai phải vâng lệnh ấy? Phúc âm không nói rõ: Gioan nói là “các môn đệ,” còn Mt và Mc thì chỉ nhắc đến nhóm “mười một.” GH 17 áp dụng mệnh lệnh ấy cho toàn thể Giáo hội: “Theo địa vị [hoặc khả năng] của mình, mỗi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phần truyền bá đức tin.” Lý do sâu xa là vì toàn bộ Giáo hội được xây dựng trên móng các tông đồ và vì thế tất cả mọi thành phần đều là “tông truyền,” đều mang tông đồ tính, đều tham dự vào sứ mệnh của các tông đồ, tức là được sai đi loan báo Tin mừng.

Tuy nhiên, Vaticanô II đã trực tiếp áp dụng mệnh lệnh truyền giáo cho giám mục đoàn, như là cho “những người kế vị các tông đồ” (TG 1a). TG 5 nêu rõ hai nguồn xuất xứ của bổn phận ấy: “do mệnh lệnh rõ ràng đã được các Tông đồ truyền lại cho hàng Giám mục…[và] do sự sống Ðức Kitô thông ban cho các chi thể Ngài…” Số 6 ghi rằng: “Hàng Giám mục… phải chu toàn nhiệm vụ” truyền bá Tin mừng. Và rõ hơn nữa: “Mệnh lệnh qua đó Chúa Kitô sai đi rao giảng Phúc âm cho hết thảy mọi tạo vật, trước hết và trực tiếp nhằm tới các Giám mục, cùng với Phêrô và dưới quyền Phêrô” (TG 38a). Bản văn rõ nhất là GH 23c: “Chuyên chăm rao truyền Phúc âm cho toàn thế giới là trách vụ của đoàn thể các Chủ Chăn, bởi tất cả các vị, trong tư cách là một tổng thể, đã được Ðức Kitô truyền lệnh qua việc trao phó cho một bổn phận chung, như Ðức Giáo hoàng Cêléxtinô đã từng nhắc nhở các nghị phụ công đồng Êphêsô.” Ðược làm thành phần giám mục đoàn qua “bí tích truyền chức và hiệp thông phẩm trật” (GH 22a), là được trở thành “thừa sai”; vì thế, phong chức giám mục là “phong chức thừa sai,” và tiến chức trực tiếp lãnh nhận sứ mệnh này từ Chúa Kitô; do đó, ngài không phải là “phụ tá” của Giáo hoàng.  Thừa tác vụ giám mục bao gồm nhiều khía cạnh; truyền giáo là một yếu tố của nhiệm vụ làm “Thầy”: “Chúa Giêsu… đã trao cho các giám mục, là những người kế vị các tông đồ, sứ mệnh dạy dỗ muôn dân và rao giảng Phúc âm cho mọi tạo vật” (GH 24a). Thừa sai số một là Ðức Giáo hoàng theo tư cách là đầu của giám mục đoàn, “là người được đặc biệt ủy thác nhiệm vụ cao cả, nhiệm vụ truyền bá danh hiệu kitô hữu” (GH 23c).

Còn các linh mục thì lãnh nhận nhiệm vụ truyền giáo qua chức thánh: “Vì là cộng sự viên của các giám mục, nên trước tiên, các linh mục có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc âm của Thiên Chúa, để khi thi hành mệnh lệnh của Chúa: ‘Các con hãy đi khắp thế giới rao giảng Phúc âm cho mọi tạo vật’ (Mc 16:15), các ngài thiết lập Dân Chúa và làm cho Dân Chúa ngày càng thêm đông số” (LM 4a; x. 10a).

Cuối cùng, có những người nhận được đoàn sủng đặc thù để theo ơn gọi thừa sai, nhận lấy mệnh lệnh truyền giáo làm của mình và thực thi theo một cách thức cá nhân dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Họ là “sứ giả” của Ðức Kitô và được tham dự vào sứ mệnh của Ngài; tuy nhiên, “họ cần phải xác tín rằng đức vâng phục là sức mạnh đặc biệt của những thừa tác viên của Chúa Kitô” (x. TG 24ab).

Mệnh lệnh truyền giáo không phải là một lệnh truyền riêng rẽ, bất ngờ của Ðấng Phục sinh, nhưng là lời công bố hồi thành tựu của sứ mạng Ngài. Ðối với các môn đồ, đó là di ngôn của Thầy. Ðối với kitô hữu, đó là nhân tố chủ yếu của “kitô-tính.” Sinh thời, Ðức Giêsu đã triệu tập môn đồ, huấn luyện và sai họ đi rao giảng (x. Mt 10), tức là chia sẻ cho họ sứ mệnh của Ngài. Nhưng sứ mệnh trước và sau Phục sinh thì khác nhau: trước, chỉ được sai đến với đồng bào Do thái; sau, phải đi khắp thế giới; trước, “Tin mừng” có nghĩa là “Nước Trời đã gần”; sau, Tin mừng là Ðức Kitô đã sống lại và những hệ quả của sự việc ấy; trước, Ðức Giêsu làm chứng cho Chúa Cha; sau, các tông đồ làm chứng cho Ðức Kitô. Nhưng hai sứ mệnh (của Ðức Kitô và của các tông đồ) tiếp liền liên tục với nhau (x. Ga 20:21). Tắt một lời, mẹânh lệnh truyền giáo là điểm kết thúc “đương nhiên” của cuộc đời và sứ điệp của Ðức Giêsu.

III. NGUỒN GỐC “GIÁO HỘI HỌC” CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO

Vaticanô II đưa ra ‘luận đề’: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành là Giáo hội truyền giáo, vì Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (TG 2a). Giáo hội “lữ hành” là Giáo hội như được Ánh Sáng Muôn Dân miêu trình ở trong chương 2. Vì có mục đích là thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nên Giáo hội mang bản chất truyền giáo; nói cách khác, chính vì tiêu đích ấy, Thiên Chúa đã gầy dựng Giáo hội. Bản tính của Giáo hội xuất hiện rõ ở trong nguồn gốc (sứ mạng của Con và Thần Khí), ở trong mục đích (thực hiện kế hoạch Thiên Chúa), và ở trong hiện thực (bí tích, dân Chúa, Nhiệm thể, v.v.).

a. Như Bí Tích

Ý niệm “bí tích” được Ánh Sáng Muôn Dân khai triển và áp dựng cho Giáo hội. “Trong Chúa Kitô, Giáo hội là như bí tích hoặc dấu chỉ và là khí cụ của mối hiệp nhất toàn thể nhân loại…” (GH 1), là “bí tích hữu hình của niềm hiệp nhất cứu độ” (GH 9c) cho toàn thể nhân lại (x. GH 48, 59). Giáo lý này được cụ thể hóa trong Sắc lệnh về Hoạt Ðộng Truyền giáo. Sắc lệnh TG bắt đầu: “Ðược Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’,” tức là nếu Giáo hội không đến với một dân nước nào đó, thì một cách nào đó, việc cứu độ ở nơi ấy sẽ phải chịu nhiều ít thiệt thòi. Một cách loại suy, Giáo hội được ví với mầu nhiệm nhập thể (x. GH 8a): dù Ngôi Lời hoạt động ở mọi nơi mọi lúc, nhưng “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Ngài đã [phải] từ trời xuống thế,” thì ơn cứu độ cũng đòi hỏi Giáo hội phải đến với mọi dân tộc.

Kế hoạch cứu độ mang tính cách bí tích; nói thế có nghĩa là Thiên Chúa muốn ban ơn vô hình một cách hữu hình; điển hình là việc Nhập thể. Giáo hội phải truyền giáo không những  là bí tích, mà còn theo cách bí tích. Vì thế Giáo hội phải hiện diện hữu hình ở mọi nơi, ít là phải cố gắng, phải hướng tới mục đích ấy, vì Ðức Kitô đã đặt ở trong Giáo hội “toàn bộ những phương tiện cứu độ” (GH 14b). Ở đây, bí tích là dấu chỉ được cấu tạo do cộng đoàn tín hữu hiệp nhất với hàng giáo phẩm và sống đời kitô hữu, vì là bí tích trong Ðức Kitô và của Ðức Kitô: như ai thấy Ðức Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14:9), thì cũng thế, ai thấy Giáo hội là thấy Ðức Kitô, bởi bộ mặt của Ðức Kitô soi bóng nơi Giáo hội (x. GH 1, 15, GS 43). “Bí tích tính” của Giáo hội phát sinh từ bí tích nguyên thủy là Ðức Kitô; như Ngài, một phần nào, Giáo hội cũng gồm có hai yếu tố ‘thần-nhân’ (x. GH 8a). Kết quả là dấu chỉ càng rõ thì bí tích càng hữu hiệu: toàn thể dân Chúa càng thánh thiện, thì sinh hoạt của Giáo hội càng mang đậm truyền giáo tính. Theo Ga 17:21, khía cạnh tất yếu của dấu hiệu là hiệp nhất; công đồng xác định: “Giáo hội là đoàn chiên duy nhất của Thiên Chúa, làm dấu chỉ nêu cao trước mặt muôn dân” (HN 2e); nếu hiệp nhất bị sứt mẻ, thì sức hữu hiệu của bí tích giảm sút đi. Trong cộng đoàn dân Chúa, hết thảy mọi thành phần đều là ‘thừa tác viên’ của bí tích Giáo hội. Mỗi kitô hữu có trách nhiệm làm dấu chỉ; “để được vậy, Giáo hội, Mẹ hiền, không ngừng cầu nguyện, hy vọng và hành động, cũng như khuyến giục con cái thanh luyện và canh tân, để ấn dấu của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo hội” (GH 15 cuối).

Bí tích Giáo hội thông ban ơn ích nào? Theo Ep 1:10, mầu nhiệm Ðức Kitô nhằm tới việc “đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô.” Thần Khí giúp đạt tới mục đích này qua hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Ơn Giáo hội mang lại là ơn hiệp nhất, đoàn tụ toàn thể nhân loại lại ở trong Ðức Kitô. Ðể nhận rõ hơn về điểm này, xin lưu ý cách riêng đến hai ‘đặc tính’ duy nhất và công giáo của Hội thánh.

Mọi dân tộc đều “được mời gọi vào chung sống trong niềm hiệp nhất công giáo của Dân Thiên Chúa” (GH 13d, GHÐP 25, TG 22). Trong thế giới hiện nay, đang thấy có khuynh hướng nghiêng về với hợp nhất; có thể coi đó như là ơn Thần Khí thúc đẩy loài người trở nên một. Trong đà hướng ấy Giáo hội có một vai trò đặc thù, đóng giữ qua tác vụ truyền giáo. Mục đích là làm cho mọi người, thuộc mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ, mọi nền văn hóa, v.v., trở thành dân duy nhất của Chúa, tuyên xưng cùng một đức tin, tham dự cùng một bàn tiệc thánh trong cùng một Giáo hội. Khi ấy “niềm viên mãn của Ðức Kitô” được thành tựu: trọn vẹn trong hồi cánh chung, nhưng trong lịch sử, cũng đang từng bước hình thành qua việc truyền giáo.

Hiển nhiên: tác vụ truyền giáo phát xuất từ công giáo tính như là từ nguồn cội. “Công giáo”(Hylap: kath’olou=katholiké) có nghĩa là toàn diện (trong lãnh vực đức tin, cơ cấu, v.v.) và, nhất là từ thánh Âugutinô trở về sau, còn mang ý nghĩa chỉ về “toàn cầu.” Trước hết, Giáo hội hiệp thông toàn diện với Ðức Kitô, rồi tuyên xưng cùng truyền bá toàn diện đức tin, và phổ biến rộng rãi phương tiện cứu độ cho toàn cầu. Dù chỉ là “đàn chiên nhỏ bé” nhưng lại mang sẵn trong mình một năng động phổ quát: “Sáng chói nơi dân Thiên Chúa, phổ quát tính này là ân huệ chính Thiên Chúa ban, nhờ đó Giáo hội Công giáo có khả năng để hằng không ngừng và bằng phương cách hữu hiệu, ra sức qui tập toàn thể nhân loại cùng với những gì tốt lành nơi loài người về dưới một Thủ Lãnh là Ðức Kitô, trong niềm hiệp nhất với Chúa Thánh Thần” (GH 13b; x. RM 85). Phổ quát hay công giáo cũng có nghĩa là phong phú và khác biệt trong hiệp nhất. ‘Ngôi Lời tạo hóa’ đã sáng tác nên không biết bao nhiêu là đặc tính cao đẹp và đã phân phát cho hết mọi dân tộc, thì ‘Ngôi Lời cứu chuộc’ cũng muốn nhờ Giáo hội quy tập hết mọi giá trị ấy vào trong Thân Thể của Ngài. Thế nên, Giáo hội có sứ mệnh điều hợp, vào trong niềm hiệp thông của dân Thiên Chúa, hết mọi nét đặc dị của muôn dân; đăïc tính của bất cứ dân tộc nào cũng phải được coi như là lời mời gọi Giáo hội mở rộng lòng đón nhận nó cho Thiên Chúa. Kế hoạch này tiếp diễn suốt trong thời gian lich sử; vì thế, “đối với các cá nhân, các đoàn thể hay dân tộc, Giáo hội chỉ liên hệ và thấm nhập từng bước, và như thế, từ từ thu nhận họ vào trong niềm sung mãn công giáo” (TG 6b). Nói cách khác, công tác truyền giáo lấp đầy quãng trống giữa phổ quát tính cứ luật (cái phải có) và phổ quát tính cứ thực (sự kiện). Ý thức về ‘quãng trống’ ấy mà vẫn không ra tay truyền giáo là mâu thuẫn. Ðức Piô XII xác quyết: “Tinh thần công giáo và tinh thần truyền giáo chỉ là một” (Fidei Donum,  44). “Vì thế, tất cả con cái Giáo hội phải biết ý thức sắc bén về trách nhiệm của mình đối với thế giới, phải lo hun đúc cho mình có được tinh thần thực sự công giáo, và phải hăng say góp sức cho công cuộc rao giảng Phúc âm” (TG 36b).

b. Giáo Hội là một thực thể đang lớn lên

Giáo hội là một cơ thể sống động và vì thế, cần phải triển phát. Ðể miêu tả khía cạnh này của mầu nhiệm Giáo hội, Vaticanô II đã dùng đến một số ẩn dụ, như đọc thấy ở trong các số 5-7 của Hiến chế GH. Xin được vắn tắt bàn đến như sau:

1) Nước Thiên Chúa.— Chính Ðức Giêsu đã giảng về Nước Trời và đã khai mạc thực tại này nơi trần thế (x. Mc 1:15). Còn giữa lòng lịch sử loài người, “Giáo hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa nơi mọi dân tộc” (GH 5b). Ðối với Nước Thiên Chúa, Giáo hội cầm mình là như thế nào? Trước hết, như là mầm mống của Nước Trời, và thứ đến, như là tôi tớ của Nước ấy. Thần học cho rằng: “Giáo hội là Nước Trời đang hiện diện một cách nhiệm mầu” (GH 3), bởi trong đó, mọi thành phần đều minh nhiên tin nhận “Ðức Kitô là Chúa.” Mặt khác, là thực tại cánh chung, Nước Thiên Chúa sẽ chỉ trọn vẹn hoàn tất lúc Chúa trở lại (x. GH 5b, 9b, MV 39c).

Trong tư thế là tôi tớ Nước Trời, Giáo hội đóng giữ một vai trò quan trọng, bởi Chúa đã trao phó “chìa khóa Nước Trời” cho mục tử phổ quát (x. Mt 16:19), quyền “trói buộc và tháo cởi” ở đời này cũng như đời sau cho các mục tử (x. Mt 18:18). Trách nhiệm ấy xuất hiện, trước hết, ở nơi những thực tại cấu thành của chính Giáo hội; về các thực tại cấu thành ấy, xin đan cử hai thí dụ; một là gia đình: được thánh hóa qua bí tích để sống trong tin yêu cửa Ðức Kitô, “gia đình kitô lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc” (GH 35c); hai là đời sống tu trì: đó là bằng chứng hết sức hùng hồn của việc từ bỏ mọi sự trần thế để làm chứng cho giá trị vô song của Nước Trời (x. GH 44). Như vậy, trong đời sống Giáo hội, Nước Trời như đang trong thời thai nghén. Như người mẹ ngóng chờ con trong dạ chào đời, Giáo hội cũng không ngớt khẩn cầu: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 22: 20), “Xin cho Nước Cha trị đến!” Ðấy là đối tượng cơ bản của lời cầu kitô.

Nước Trời cũng phải lớn lên. Những người dự tiệc với các tổ phụ sẽ từ phương đông phương tây mà đến (x. Mt 8:11); nhưng nếu các tôi tớ của Chúa đã không đi mời, thì chẳng ai tới (x. Mt 22:10). Ðó chính là tác vụ rao giảng Tin mừng của tất cả; vì vậy, Vaticanô II khuyên là phải “tập trung năng lực mọi tín hữu lại, để dân Chúa dấn bước trên đường chật hẹp của thập giá mà mở rộng Nước Ðức Kitô, là Chúa, Ðấng thấu suốt muôn thế hệ, và dọn đường chờ Ngài đến” (TG 1cuối).

Ðã là hạt giống tất phải mọc lên, lớn lên, bằng không thì trở thành vô ích và mất đi lý do tồn tại. Cũng vậy đối với Giáo hội là “mầm mống Nước Trời.”

Mầm mống ấy mọc lên trong hai cách.

Cách thứ nhất là “nảy mầm,” tức mọc lên gần như tự động nhờ ẩn lực của Thần Khí (x. Mc 4:26-29). Ðời sống thánh thiện của các tín hữu có ảnh hưởng tích cực đến bước tiến phát của Nước Chúa, còn tội lỗi trong Giáo hội thì làm cho “Nước Chúa phải chùn bước trên đà phát triển” (HN 4f). Cộng đoàn kitô tác dụng như men trong bột (x. Mt 13:33), với sứ vụ “đổi mới xã hội loài người hầu biến thành gia đình của Thiên Chúa” (MV 40b).

Cách thứ hai là loan báo Nước Chúa nhờ đoàn sủng tiên tri trong Giáo hội: “Chúa Kitô, vị Ðại Ngôn Sứ, … hằng thi hành chức vụ ngôn sứ cho đến hồi vinh quang Ngài lộ hiện trọn vẹn, không những nhờ hàng giáo phẩm, … mà còn nhờ các giáo dân, là những người được Ngài đặt làm chứng nhân và ban cho cảm thức đức tin cùng ơn ngôn từ để qua đó, sức mạnh của Phúc âm sáng rực lêntrong đời sống thường nhật, trong gia đình và giữa xã hội” (GH 35a). Rao giảng Tin mừng theo dạng này bao gồm hết mọi nỗ lực nhằm phổ biến những giá trị của Phúc âm, chẳng hạn như: công bằng, tình huynh đệ, hòa bình, hòa giải, tha thứ, tương trợ, v. v.; một xã hội nhân đạo hơn thì cũng gần Nước Trời hơn. Dĩ nhiên là chỉ nhắm tới những tiến bộ vật chất không thôi thì chưa đủ; công đồng xác định rõ: “Giáo hội nhằm một mục đích duy nhất là làm cho Nước Chúa trị đến và toàn thể nhân loại được cứu rỗi” (MV 45a). Mà chẳng có ai được cứu rỗi một cách tự động; những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp; những kẻ dâm đãng, trụy lạc, kê gian, trộm cướp, tham lam, v.v. sẽ không vào được Nước Trời (x. 1Cr 6:9-10). Chính Ðức Giêsu đã đích thân cảnh báo cho đồng bào và các môn đồ Ngài biết là phải vào cửa hẹp (x. Lc 13:24). Giáo hội cũng có bổn phận báo trước về điểm này, kẻo nhiều người phải lỡ bước sa chân.

2) Thân thể Ðức Kitô.— Vaticanô II trình bày giáo lý về Giáo hội “thân thể Ðức Kitô” trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (số 7), theo trình tự các nhà chú giải đề ra. Trong 1Cr và Rm, Phaolô khai triển ý tưởng về thực kiện các kitô hữu làm thành một thân thể; rồi trong Ep và Cl, tác giả quan niệm Giáo hội như là thân thể của Ðức Kitô và chính Ngài là Ðầu. Trong thông điệp Mystici corporis (1943), Ðức Piô XII đã gọi Giáo hội Công giáo  Nhiệm Thể Ðức Kitô. Còn Vaticanô II thì xác định cho thấy rõ là “Nhiệm Thể ấy tồn tại trong Giáo hội Công giáo” (GH 8b). Phương thế để trở nên chi thể Chúa Kitô là phép Thánh Tẩy, bỏi bí tích này làm cho tín hữu hiệp thông với sự chết và sống lại của Ðức Kitô (x. Rm 6:4-5) và với Thần Khí (x. Mc 1:8, Cv 1:5; Ga 3:5). Mối hiệp thông này đạt tới cực điểm với “Phép Thánh thể là nguồn mạch và tuyệt đỉnh của toàn thể công việc rao giảng Tin mừng” (LM 5b).

Nếu kitô hữu có nhận được ân huệ nào thì chính vì là chi thể của Ðức Kitô, và để mưu ích chung cho toàn thể. Và nếu mọi “ân huệ đều là tác vụ” thì huống chi là những đoàn sủng; vì vậy, cứ xem ơn nhận được thì sẽ biết Chúa muốn mỗi người làm gì. Nhiệm vụ số một của chi thể là làm cho thân thể lành mạnh và lớn lên.

Theo các thư Êphêsô và Côlôxê, Ðức Kitô là Ðầu của Hội thánh. Là Ađam mới, Ngài là nguồn sự sống, hiệp thông và liên đới của nhân loại mới. Trích dẫn thánh Tôma, Vaticanô II dạy rằng “nếu ai không hiệp nhất với nhiệm thể thì không thể có ơn cứu rỗi” (GH 26a). Ðó cũng là lý do tại sao công đồng nhấn mạnh đến điểm này: “Cần phải làm sao để tất cả những ai đã một cách nào đó, thuộc về Dân Thiên Chúa, được gia nhập trọn vẹn vào thân thể duy nhất của Ðức Kitô ở trần gian” (HN 3e). Ðàng khác, vì Giáo hội là thân thể Ðức Kitô, nên cũng mang đặc tính của Ðầu, tức làm “con người cho người khác,” làm “tôi tớ muôn loài,” v.v. Ðức Kitô nhận được sự sung mãn không chỉ để cho mình thôi mà còn để chia sẻ cho đàn em của mình: Ngài sống chết cho người khác, Ngài tự ban mình cho người khác, vì Ngài là hiện thân tình yêu phổ quát của Chúa Cha. Vì Ðức Kitô là Ðầu, nên Giáo hội là “pháp nhân phổ quát” đang (phải) lớn lên cho đến khi đạt đến mức sung mãn của Chúa (x. Ep 1:23; 4: 12-16). Trung tâm của Giáo hội không phải là chính Giáo hội, nhưng là Ðức Kitô; mà đường dẫn đến với Ðức Kitô thì đi ngang qua muôn loài. Và, đặc tính của Giáo hội không phải là thu thập, song là phân phát, phân phát tất cả những gì mình có: Tin mừng, phương thế cứu độ, Ðức Kitô, chính mình như một cộng đồng huynh đệ phổ quát.

Thân thể lớn lên theo hai mặt, đối nội và đối ngoại, tức là trong thánh thiện và trong con số chi thể. [6] Vì sự sống chỉ là một, nên lịch sử cho thấy là những thời nhiệt huyết truyền giáo dâng cao cũng là lúc Giáo hội có nhiều nhất những con cái, những cộng đoàn thánh thiện siêu quần, và trái lại, khi đà truyền giáo giảm sút, thì cuộc sống đạo cũng nhạt nhẽo đi.

3) Những hình ảnh khác.— Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân đề cập đến các hình ảnh này trong số 6, vì liên quan với Nước Thiên Chúa (số 5) hơn là với Nhiệm thể (số 7).

Giáo hội được ví như đàn chiên và chuồng chiên (x. Ga 10:1-16); xưa kia, các tiên tri cũng đã dùng hình ảnh này để nói về Ítraen (x. Is 40:11, Ed 34:11v.v.). Ðức Giêsu đã nhắc đến “những chiên khác không thuộc ràn này,” mà Ngài “phải đưa chúng về” (Ga 10:16). Vì là người chăn chiên lành, nên Ngài sẵn sàng để cả đàn chiên 99 con ở trên núi mà đi tìm một con chiên lạc (x. Mt 18:12). Dụ ngôn này chỉ cho Giáo hội thấy cần phải đặt ưu tiên mục vụ ở điểm nào.

Như thửa ruộng, Giáo hội phải mang lại hoa lợi. Cũng có thể nghĩ đến vườn nho (x. Mt 21:33-4) hoặc là cây nho (x. Ga 15:1-5); dù sao thì Chúa cũng đòi phải mang lại hoa trái dồi dào. Trong dụ ngôn “người gieo giống” và “cỏ lùng” (x. Mt 13:1tt), Ðức Giêsu giải thích cho thấy “ruộng là thế gian,” nơi phải gieo lời Chúa. Sẽ có người đón nhận lời và có kẻ từ chối, sẽ có hoa quả tốt hay xấu, nhưng nhiệm vụ của các tôi tớ là phải gieo “hạt giống lời Chúa” để Giáo hội đâm rễ ở khắp nơi (x. TG 6c). “Trong cánh đồng này đã từng mọc lên cây dầu cổ thụ” (GH 6c): câu này ám chỉ đến tông đồ Phaolô với công trình to lớn (x. Rm 11), do việc làm cho dân ngoại được ghép vào cây Ítraen và sống nhờ nhựa của nó. Phaolô rất buồn vì đa số trong dân Ítraen “cứng lòng” không tin vào Ðức Kitô; nhưng ngài đã được biết về mầu nhiệm này là khi “các dân ngoại gia nhập đầy đủ,” thì “toàn thể Ítraen sẽ được cứu độ.” Thế nên, công tác truyền giáo  là việc làm cần thiết để đạt tiêu đích kia, là làm cho các lời hứa của Cựu Ước về dân Do thái được ứng nghiệm trong Ðức Kitô qua Giáo hội.

Giáo hội cũng được gọi là tòa nhà của Thiên Chúa, nghĩa là các tông đồ lấy những “hòn đá sống động” là các tín hữu (x. 1Pr 2:5) mà làm cho “toàn bộ công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa Kitô” (Ep 2:21). Như thế, kế hoạch Thiên Chúa thành tựu với việc thu tập toàn thể loài người vào trong một gia đình tư tế hầu cử hành phụng vụ hiện sinh là dâng hiến trọn cả cuộc đời cho Chúa. Trong công trình xây dựng này, các cơ cấu của Giáo hội giữ vai trò tựa như giàn giáo, vừa giúp xây cất vừa che phủ mặt nhà. Dù có nhiệm vụ khác nhau, nhưng trong Giáo hội tất cả mọi người “đều bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung để xây dựng thân thể Chúa Kitô” (GH 32c, x. TÐ 25a).

Tựu trung, dù có quan niệm Giáo hội theo hình ảnh nào đi nữa, thì mọi thành phần dân Chúa cũng phải ý thức rõ về trách nhiệm của mình là góp phần làm cho Giáo hội ngày càng tăng triển rộng lớn thêm lên, ngõ hầu đón nhận mọi người vào gia đình của Chúa Cha trong Ðức Kitô.

4) Thời gian của Giáo hội: chiều kích cánh chung của công tác truyền giáo.— Sống giữa lòng lịch sử, tất Giáo hội phải triển phát. Vaticanô II giải thích về điểm này ở trong TG 9: “Thời gian hoạt động truyền giáo là thời gian ở giữa hai lần Chúa đến… Thực vậy, trước khi Chúa trở lại, Phúc âm phải được rao giảng cho mọi dân tộc.” Về phương diện này, công việc truyền giáo là tác vụ gấp rút, vì “thời gian chẳng còn bao lâu nữa” (1Cr 7:29). Công trình truyền giáo bắt đầu từ ngày Hiện xuống, khi Thần Khí khai mạc “thời cuối cùng.” Thần học coi khoảng thời gian giữa biến cố nhập thể và hồi quang lâm, là thời gian “làm chứng về Thầy Giêsu… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). “Giáo hội đã lãnh nhận sứ mệnh rao truyền và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa giữa lòng mọi dân tộc. Giáo hội là mầm mống và là khai nguyên của Nước ấy trên trần gian. Trong khi đang từng bước triển phát, Giáo hội hằng mỏi mong cho Nước ấy chóng thành tựu, và tận tình vọng trông cùng thiết tha nguyện ước cho được kết hợp với Vua mình trong vinh quang” (GH 5b).

Việc truyền giáo mang lại ý nghĩa cho lịch sử Giáo hội, và vì thế, cho cả lịch sử loài người nữa, bởi Giáo hội là phương thế Thiên Chúa đã chọn để nhờ đó, nhân loại đạt tới mục đích của mình, là trở nên thân thể Ðức Kitô trong Thần Khí. Khi trở lại, Chúa sẽ “được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” vào lời chứng của các tông đồ (x. 2Ts 1:10), và đó là hoa quả của hoạt động truyền giáo. Nếu Chúa trì hoãn thì chính là để Giáo hội có đủ thì giờ hoàn tất sứ vụ.

Bữa tiệc Tạ ơn phải được cử hành để “loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại cho tới khi Chúa lại đến,” ngõ hầu lúc ấy vẫn có những tôi trung đang tỉnh thức (x. Lc 12:37,1Ts 5:10). Vì vậy, Giáo hội ra sức thành lập những cộng đoàn Tạ ơn ở khắp nơi. Và nhất là vì chính Ðức Giêsu đã nhắn nhủ “phải rao giảng Tin mừng cho mọi dân tộc” trước ngày ấy (x. Mc 13:10; Mt 24:14); đến nỗi có tác giả nghĩ rằng truyền giáo rộng ra khắp nơi là “điều kiện” để Chúa trở lại. [7] Dù ý kiến này quá đáng, thì cũng một chắc chắn là có một quan hệ mật thiết giữa công tác truyền giáo và hồi Chúa quang lâm. Khi rao giảng ở Giêrusalem, thánh Phêrô đã khuyên đồng bào mình sám hối và trở lại “để rồi (hópos àn) thời kỳ an lạc sẽ đến” (x. Cv 3: 20), và trong 2Pr 3:12, tác giả nhắn nhủ các độc giả lo sống đạo đức và thánh thiện “để cho ngày đó mau đến.” Việc truyền giáo làm cho ngày càng có thêm đông số những người tin nhận Ðức Kitô để cùng thiết tha khẩn nguyện: “Nước Cha trị đến!”

Trong hậu cảnh cánh chung, Vaticanô II khai triển chủ đề “Dân Thiên sai” (GH 9b), tức Giáo hội đang mang niềm hy vọng của nhân loại tiến về tương lai tuyệt đối. Sứ vụ chủ yếu của Dân thiên sai trong lịch sử là rao truyền Tin mừng: “Cứu cánh của dân thiên sai là Nước Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa khai sáng nơi trần thế, và phải quảng triển cho tới khi được chính Người hoàn tất trong hồi thế mạt, lúc Ðức Kitô, sự sống của chúng ta, hiện đến… dân thiên sai ấy được Ngài dùng làm khí cụ cứu độ cho mọi người và được sai đi khắp cõi thế làm ánh sáng trần gian và muối đất” (GH 9b). “Thiên sai” tức là được xức dầu để thông dự vào những đoàn sủng của Ðấng Xức dầu (= “kitô”), đặc biệt là đoàn sủng tư tế và tiên tri (x. GH 10, 12), khiến họ có được khả năng và nhiệm vụ làm chứng cho Lời và truyền bá Phúc âm (x. GH 35). Vì Thiên Chúa mời mọi người gia nhập Dân này, nên Giáo hội phải hiện diện ở mọi nơi (x. GH 13). Hơn nữa, vì Thiên Chúa muốn Giáo hội làm khí cụ thiết yếu trong kế hoạch cứu độ (x. GH 14), cho nên Giáo hội phải mở rộng cửa cho mọi người vào. Bởi mang bản chất năng động, dân thiên sai cũng sống thân phận lữ hành, đang trên đường đi về quê Trời (x. GH 14a, 48c, MK 7b), và trong khi vất vả tiến bước giữa dòng lịch sử loài người như thế, dân thiên sai vẫn không ngừng mở rộng cánh cửa cứu độ. Ðó là điểm đặc biệt quan trọng, bởi nó nhắc cho người kitô nhớ rõ mình có bổn phận cổ võ niềm hy vọng kitô giữa một xã hội không biết ý thức về tương lai vinh hiển Thiên Chúa đã dọn cho mọi người.

c. Mối hiệp nhất trong Hội thánh và công việc truyền giáo

Quan hệ giữa hiệp nhất và truyền giáo mật thiết đến độ khó có thể bàn đến một phần mà không nói đến phần kia. Quả thế, chính Ðức Giêsu đã cầu nguyện cho hết thảy những ai tin vào Ngài được trở nên một “để thế gian tin…” (Ga 17:18-21). Không có hiệp nhất thì sứ mệnh của Giáo hội sẽ thất bại. Vaticanô II ý thức rõ về điểm này khi nhận định ở trong lời tựa của sắc lệnh Ðại Kết, nói rằng chia rẽ “phương hại đến công cuộc rất thánh thiện là rao giảng Phúc âm cho mọi tạo vật” (HN 1a). Sắc lệnh Hoạt Ðộng Truyền Giáo cũng nhấn mạnh rằng các kitô hữu phải trở nên một vì cần phải truyền giáo và cùng nhau làm chứng cho Ðức Kitô (x. TG 6f), và vì thế, “cũng cần phải nuôi dưỡng tinh thần đại kết nơi các tân tòng, để họ nhận thức chính xác được rằng bất cứ anh chị em nào đã tin vào Chúa Kitô thì đều là môn đồ của Ngài” (TG 15e). Như thế, rõ ràng là hiệp nhất cần thiết cho truyền giáo; nhưng, mặt khác, không nên quên rằng công tác truyền giáo cũng cần thiết để hiệp nhất thành tựu. Quả thế, lịch sử cho thấy chính phong trào truyền giáo bên phía Tin lành đã đưa đến việc hình thành phong trào đại kết. Tuy nhiên, trong quá khứ cũng như hiện nay tại một số nơi, bởi không được tiến hành cho đúng, nên hoạt động truyền giáo quả đã gây hại cho sự hiệp nhất, thứ nhất, vì thái độ cạnh tranh giữa các nhóm kitô giáo và, thứ hai, vì định kiến cho rằng các kitô hữu khác là đối tượng của hoạtđộng truyền giáo mình theo đuổi. Tài liệu Giáo hội tại Châu Á, số 30, viết: “Ðối thoại đại kết là một thách đố và là một tiếng gọi trở lại, đối với toàn thể Giáo Hội, cách riêng đối với Giáo Hội tại Châu Á, nơi mà dân chúng đang trông đợi người kitô thể hiện một dấu chứng rõ hơn về sự hợp nhất.” Có dấn thân truyền giáo thực sự và đúng đắn thì các Giáo hội mới đáng nhận được ơn hiệp nhất.

IV. CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO VÀ CON NGƯỜI

“Hoạt động truyền giáo cũng có liên hệ chặt chẽ với chính bản tính và những ước vọng của con người” (TG 8a). Nếu công việc truyền giáo là khí cụ trong kế hoạch Thiên Chúa ấn định, thì không thể không có tác dụng đến chính bản thân và đời sống cụ thể của con người.

Công ích số một của một xã hội và của nhân loại là hòa bình. Ðức tin cho biết rằng hòa bình là ơn Chúa ban, và nguồn cội hòa bình là Ðức Kitô. Thư Ephêsô giải thích: “Ngài là bình an của chúng ta… Ngài đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét… Nhờ thập giá, Ngài đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt sự thù ghét. Ngài đã đến loan Tin mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần” (Ep 2:14-18). Vì thế, làm cho mọi người nhận biết và theo gót Ðức Kitô là làm cho họ được sống an bình. Ngoài ra, công ích thường được quan niệm và theo đuổi cách khác nhau tùy theo vũ trụ quan sẵn có. Kitô giáo công hiến một vũ trụ quan mới: vũ trụ quan này đã giúp nhân loại ý thức về phẩm giá của nhân vị (nhân quyền) cùng ý nghĩa của lịch sử và của muôn vật (đó là điểm đã tác động trên khoa học hiện đại). Rồi dĩ nhiên và hơn nữa còn có những lợi ích vĩnh cửu.

Truyền thống đã quan niệm kế hoạch Thiên Chúa theo hai phương diện: tạo hóa và thánh hóa, hoặc tiến bộ vật chất và tiến bộ thiêng liêng. Sách Sáng thế cho thấy rằng tội lỗi con người gây hại cho cả xã hội loài người lẫn thiên nhiên (x. St 3: 16tt; Rm 8:19tt); vì thế, mọi hoạt động nhằm vào việc tiêu trừ tội lỗi ắt phải có ảnh hưởng tích cực trên toàn bộ nhân loại, trên toàn bộ công trình tạo dựng. Vaticanô II nhắc nhở rằng: “Thực ra, trong lịch sử loài người, ngay cả về phương diện trần thế, từng là men tự do và tiến bộ, Phúc âm còn không ngừng tỏ ra là men huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình” (TG 8). Kitô giáo nêu bật giá trị của lao động – chính Thiên Chúa nhập thể là một người thuộc giới lao động! – và bổn phận hợp tác xây dựng công ích. Một điểm khác được giáo lý phúc âm là hết thảy mọi người đều bình đẳng, bình quyền như nhau, không phân biệt quý phái hay bình dân, nam hay nữ, chủng tộc hay màu da, v.v.; đó là cơ sở chủ yếu của văn minh mới.

Thực tế lịch sử cho thấy là các thừa sai đã góp phần rất đắc lực vào việc mở mang trong nhiều lãnh vực văn hóa, xã hội, v.v. trong các dân tộc, nơi họ làm việc. Lúc đầu, hoạt động truyền giáo đi đôi với công việc giáo dục (những trường học) và dịch vụ y tế (bệnh viện, trại phong cùi, v.v.), cũng như mọi sáng kiến phát triển địa phương. Tại nhiều nơi, hai nỗ lực “kitô hóa” và “văn minh hóa” chỉ là một. Vì là thân mình của Tôi tớ Chúa, đi đâu Giáo hội cũng ra sức phục vụ loài người trong những nhu cầu thiết yếu.

Chính vì lý do như thế, nên bao giờ công tác truyền giáo cũng cần phải có đức bác ái làm động cơ và cùng đồng hành. Sắc lệnh Truyền Giáo giải thích rằng: “Sứ mệnh của Giáo hội thành tựu do sự việc, vâng lệnh Chúa Kitô cùng được ân sủng và tình thương Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Giáo hội đã thực sự và toàn diện có mặt trước mắt mọi người và mọi dân tộc …” (TG 5a). “Tình thương” ấy, trước hết, là tình thương Thiên Chúa dành cho con người (x. TG 12) – quả vậy, đó chính là nguồn gốc tuyệt đối của sứ mệnh – và Giáo hội phải là hiện thân của tình thương ấy.  Tình thương này là yếu tố cấu tạo Giáo hội và, vì thế, tựa như sự thiện (amor [bonum] est diffusivus sui), là năng động tự chia sẻ mình cho mọi người. Về phía Giáo hội, chính lòng mến yêu Thiên Chúa và Chúa Kitô hằng không ngừng thúc đẩy Hiền thê dốc lực tìm cách làm cho vinh quang của Chúa mình cả sáng rạng ngời hơn. Về phía cá nhân, thì thật khó mà hiểu được một người con của Chúa Cha, một môn đồ của Ðức Kitô mà không ra sức dấn thân để làm cho muôn dân nhận biết, yêu mến và vâng theo Cha Cả trên trời và Ðấng Cứu chuộc của mình (x. 2Cr 5:14). Giữ thái độ thờ ơ, sống và hành động khác đi, thì thật là vô ơn bạc nghĩa (x. TG 24-25)!

Thông thường tình thương hoặc bác ái được hiểu như là tình thương đối với nhau như Chúa muốn. Tình thương này thúc đẩy tín hữu làm việc cho thế giới được cứu rỗi và để xây dựng Giáo hội (x. DT 6a). Tiêu đích tình thương nhắm tới là lợi ích của người thương, lợi ích về mọi phương diện: vật chất cũng như thiêng liêng, trần thế cũng như vĩnh viễn, cá nhân cũng như thập thể, v.v. Vaticanô II giải thích rằng: “Các chi thể của Giáo hội phải được bác ái thúc đẩy, vì nhờ đó, họ yêu mến Thiên Chúa và ước ao san sẻ cho mọi người các ân huệ thiêng liêng của đời này và đời sau” (TG 7b). Một khi đã nhận thấy rõ quý hóa biết bao những kho tàng to lớn mình đang được hưởng (mạc khải, các bí tích, tử tính thần thiêng, v.v.), hẳn người kitô sẽ nhớ ra lời Ðức Giêsu nhận định: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Vả, kho tàng của Giáo hội không phải để giữ bo bo một cách ích kỷ, nhưng là để, như Chúa muốn, thông báo và truyền đạt cho mọi người. Lợi ích số một mà việc truyền giáo nhắm tới là mang lại ơn cứu độ, như công đồng đã lưu ý (x. GH 16 cuối). Nhu cầu thì nhiều và tại khắp nơi, tuy nhiên, đúng như lời Ðức Piô XI nhận định: “Không ai nghèo túng và trơ trụi, không ai bệnh nặng và đói khát cho bằng người thiếu ơn hiểu biết Thiên Chúa.” [8] Và ai không biết Ðức Kitô thì cũng chẳng biết chính mình. Kitô giáo coi sự thật, chân lý là giá trị hết sức trọng đại; chẳng thế mà Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay nhấn mạnh: “Dĩ nhiên là không thể nào để cho tình bác ái và thái độ nhân hậu [đối với đối thủ] biến chúng ta trở thành dửng dưng đối với điều chân và sự thiện. Mà còn hơn thế, chính tình bác ái ấy thúc bách các môn đệ Chúa Kitô loan báo cho mọi người biết về chân lý cứu rỗi” (MV 28b). Có bác ái thì mới có hoạt động truyền giáo chính thực (x. TG 12). Tắt một lời, bao lâu có bác ái trong Giáo hội thì bấy lâu sẽ có hoạt động truyền giáo; trái lại, ngưng rao giảng Tin mừng cho muôn dân, là dấu hiệu cho thấy rõ không còn tình mến.

[1] “Ecce tria sunt: Amans et quod amatur et Amor” De Trinitate, 8.10.

[2] Xin xem Irênêô, Adv. Haer. 4.11.38; 5.36. v.v. PG 7.1001s, 1105s, 1221s.

[3] “Is he not, as it were, the God-Missionary of the Father… herald of the good news, divine Ambassador…” AAS 32 (1940) 425.

[4] Sứ điệp của Ðức Gioan Phaolô II nhân dịp “Chúa nhật Truyền giáo” năm 2000. Về chủ đề này xin xem Giáo hội tại Châu Á, chương 2.

[5] Giáo hội tại Châu Á, số 14.

[6] Vaticanô II đề cập đến việc Thân thể phải lớn lên, trong nhiều đoạn viết: xin  xem chẳng hạn GH 7, 8, 18, 30, 43…; TG 5, 7, 8, 36…; HN 24; GD 2; TÐ 2; v.v.

[7] Xin xem chẳng hạn Oscar Cullmann, “Le caractère eschatologique du devoir missionaire et la conscience apostolique de saint Paul,” Revue d’Histoire et de Philosophie Religieuse 16 (1936) 210-245; phía Tin lành thường khai triển nhiều về chủ đề này: xin xem chẳng hạn Jim Montgomery, Then the end will come: great news about the great commission, Pasadena: W.Carey Libr. 1997.

[8] Rerum Ecclesiae, AAS 18 (1926) 72.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *