Thơ: Xin đổi kiếp này

Đứng trước những đau thương của thiên nhiên mấy ai có thể có được cảm xúc như cô bé 14 tuổi này. Và ít ai có thể nghĩ rằng ở cái tuổi hồng thơ ngây như vậy em lại có thể viết nên một bài thơ sâu sắc đến nhường này.

XIN ĐỔI KIẾP NÀY

Nếu đổi được kiếp này tôi xin hóa thành cây, 
Thử những nhát rìu rạch sâu da thịt.
Trong biển lửa bập bùng thử mình cháy khét,
Thử chịu thói độc tàn, thử sống kiên trung. 

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng đồng, 
Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất, 
Thử chịu bão giông, thử sâu rày, khô rát, 
Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng. 

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại dương, 
Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối,
Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,
Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin làm không khí, 
Thử khói bụi ngày đêm, thử ngột ngạt trưa hè,
Thử không còn xanh vì lũ người ích kỷ, 
Thử tiếng ồn đinh tai, thử cái chết cận kề. 

Tôi làm gì đây? khi vẫn kiếp con người !
Tôi nhận về bao nhiêu ? Tôi lấy gì trả lại ?
Tôi phá hoại những gì ? Tôi đã từng hối cải?
Xin đổi được kiếp này … !
                                  Trời đất có cho tôi ???

Nguyễn Bích Ngân

***

Cô Nguyễn Quỳnh Nga – giáo viên chủ nhiệm và cũng là giáo viên môn văn lớp 8A1 –  xác nhận đây đúng là bài thơ của em Nguyễn Bích Ngân, học sinh của cô.Lớp cô chủ nhiệm có 52 em, trong đó có 5 em học sinh khuyết tật và Ngân là một học sinh bình thường trong lớp.Cô Nga cũng dành những lời khen ngợi đặc biệt tới năng khiếu của Ngân ở môn học này. “Tôi dạy lớp này từ lớp 6. Ngay từ đầu tôi đã phát hiện ra năng khiếu đặc biệt của Ngân ở môn văn. Em có một giọng văn rất cá tính, khác biệt. Tính cách của em cũng rất đặc biệt so với những đứa trẻ khác. Ngân là một học sinh kín đáo, trầm tính, rất ít khi bộc lộ cảm xúc, nét mặt em lúc nào cũng buồn mặc dù cô bé rất xinh xắn”.

Ngân là học sinh giỏi của trường suốt từ năm lớp 6 đến giờ và cô bé học rất tốt môn văn. “Điểm phẩy môn văn các năm của em đều từ khoảng 8,5 trở lên và trong lớp chỉ có 1, 2 em đạt được thành tích này”.Vì tính cách kín đáo của Ngân nên cô Nga cũng chưa từng đọc được bất cứ bài thơ nào của em trước đó. Khi được hỏi về bài thơ “Xin đổi kiếp này”, em tỏ ra rất vui và cho biết ông ngoại em chỉ đăng lên Facebook cá nhân thôi và có lẽ bài thơ được lan truyền từ đó.

Cô Nga cho biết cũng có một vài lần trao đổi với mẹ em về tính cách của em trên lớp thì mẹ em cho biết “ở nhà cháu cũng như vậy”. Trên lớp, theo để ý của cô thì Ngân rất ít khi nô đùa nghịch ngợm với bạn bè, mà chỉ ngồi im một chỗ trong giờ ra chơi, lấy sách ra đọc hoặc làm gì đó tại chỗ.

 Nguồn Internet Vũ Minh Huệ sưu tầm và tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *