Uy (威) (14.01.2025 – Thứ Ba Tuần I Mùa Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa:  1 Sm 1,9-20 (năm chẵn), Hr 2,5-12 (năm lẻ), Mc 1,21-28


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 1,21-28)

21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy : 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.

Uy (威) (14.01.2025)

Chữ Uy () của Bộ nữ () là một chữ tượng hình hội ý. Hình thành bởi chữ nhung ( – binh khí) và chữ nữ ( – đàn bà, con gái). Ý rằng: Nam giới dùng vũ lực (sức mạnh) để chinh phục thiên hạ, nhưng lại bị phụ nữ (phái yếu) chinh phục.

Từ đó, Uy (oai hay uy quyền): Diễn tả dáng dẻ oai phong, tôn nghiêm khiến người ta kính sợ, nể phục. Điều đáng nói, Uy () không hẳn có từ kẻ mạnh và kẻ có địa vị cao; Uy có thể trong tay người bình thường, nhu hòa, yếu mềm…

Tin Mừng hôm nay (x.1,21-28) là một câu chuyện đẹp được mọi người kinh ngạc, sửng sốt và thán phục. Qua đó, cho thấy sức hút và trọng lượng của Lời-Thiên-Chúa nơi cung cách giảng dạy giáo lý mới mẻ của Chúa Giê-su trong hội đường Ca-phác-na-um và thần thái uy quyền của Ngài khi quát mắng thần ô uế, bảo nó câm đi khi nó chất vấn Ngài, đồng thời ra lệnh cho nó xuất ra khỏi người mà quỷ đang nhập.

Từ đó cho thấy, qua Chúa Giê-su – Vị lãnh đạo thập toàn – Thiên Chúa muốn mọi người được ơn cứu độ; Người muốn đưa muôn vàn con cái mình đến vinh quang của vương triều Thiên quốc và muốn mọi người thoát khỏi sức mạnh của tà thần (x. Dt.2,10-11). Chúa Giê-su mang tự do và sực bình an đến cho nhân loại không phải nhờ một thỏa hiệp với sự dữ, nhưng là nhờ cách thắng vượt sự dữ và hậu quả chết chóc của nó.

Lạy Chúa – tự sức mình – Con người không thể nào vượt qua được những cám dỗ sa ngã. Xin Chúa ban thêm đức Tin và niềm hy vọng cứu rỗi nơi Đức Ki-tô cho chúng con. Amen.

CÁT BIỂN

Lời chữa lành (09.01.2024)

Cha Juan José Gallego, OP thuộc tổng giáo phận Barcelona (Tây Ban Nha) – Một chuyên gia trừ quỷ – Cho biết:

“Khi người ta bị quỷ ám, họ mất hết ý thức, họ nói những thứ tiếng lạ, họ mạnh mẽ lạ thường, họ cảm thấy thực sự rất tệ, bạn có thể thấy họ nôn mửa và phỉ báng người ta”.

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay cho thấy uy quyền của Chúa Giê-su mạnh mẽ, vượt trội và khác hẳn những lời giảng dạy của các kinh sư; khi Chúa giảng dạy dân chúng bên trong hội đường ở Ca-phác-na-um.

Tin Mừng cho biết, mọi người chưa hết ngạc nhiên, sửng sốt khi đang nghe lời giảng dạy của Chúa, thì này có tiếng hét lên: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” Chúa Giê-su liền quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”.

Ngay lập tức thần ô uế xuất ra khỏi cơ thể của người mà nó đang nhập, khống chế, và hành hạ bấy lâu nay. Mọi người lại thêm một phen kinh ngạc và râm ran sầm sì bàn tán, Lời của ông Giê-su này sao mà uy quyền đến thế ? Đến nổi thần ô uế cũng phải vâng nghe và làm theo. Tức thì danh tiếng của Chúa Giê-su được đồn thổi ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận của miền Ga-li-lê. (x. Mc. 1,21-28).

Qua đó, thánh sử Mác-cô trình bày hình ảnh của thân phận con người luôn bị quyền lực ma quỷ thống trị và quấy phá. Và Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ và giải phóng con người khỏi mọi sự thống trị và quấy phá của ma quỷ bằng chính lời nói, phép lạ và hành động của Người. Từ đây, có thể nói việc trừ quỷ là một phần trong sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su. Đồng thời, Chúa cũng trao quyền trừ quỷ cho các tông đồ và Giáo hội (x. Mc 3,14-15). Đây quả thật là một giáo lý mới mẻ, một uy lực mới mẻ: Lời Chúa có giá trị chữa lành, xua đuổi ma quỷ, cứu con người thoát khỏi quyền lực của chúng (x. Mc.1,27)

Lạy Chúa, xin cho con luôn vững tin Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời. Amen.

CÁT BIỂN

Tiếp nối sứ mệnh cứu độ (10.01.2023)

Chúa Giê-su đã bắt đầu sứ vụ hoạt động công khai của Ngài sau khi kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên.tại Ga-li-lê.

Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay cho biết; Chúa Giê-su dẫn các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um và vào hội đường ngay ngày sa-bát để giảng dạy, và trừ quỷ.

Qua đó cho thấy Giáo lý của Chúa Giê-su mới mẻ hơn những điều luật của Mô-sê, lời giảng dạy của Chúa lại có uy quyền không như lời của các kinh sư. Đồng thời, lời của Chúa Giê-su còn là lời của Đấng có thẩm quyền, lời có sức cứu độ và là lời có sức mạnh chữa lành. Lời của Chúa làm cho nhiều người sửng sốt, kinh ngạc, không ngừng bàn tán với nhau và đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê với nhau (x. Mc.1,21-28)

Giáo hội hôm nay vẫn tiếp tục được sai đi để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, được trao quyền để giải thoát con người khỏi quyền lực ác thần và sự chết qua bí tích Giải tội, qua thực thi những việc làm của lòng thương xót Chúa.

Lạy Chúa, tự sức mình con người không thể nào vượt thắng được bản tính ưa sa ngã. Xin Chúa cho con biết luôn bám chặt vào Ngài, vì Chúa chính là Đấng duy nhất cứu độ con bằng chính năng quyền Lời của Ngài. Amen.

CÁT BIỂN

Chỉ ở trong Chúa, chúng ta mới chiến thắng sự dữ (11.01.2022)

Ghi nhớ:

Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”. (Mc 1, 27).

Suy niệm:

Leonardo de Vinci vẽ bức tranh Bữa Tiệc Ly (The Last Supper) trong ba năm trời từ 1495-1498). Trước tiên, ông đi tìm người để vẽ Chúa Giê-su. Ông tốn rất nhiều thời gian cho việc đi tìm kiếm mẫu người này, giữa hàng ngàn thanh niên để tìm ra một người có gương mặt khẻ ái, thánh thiện, một tính cách thanh khết. Sau cùng ông đã tìm được một người để làm mẫu. Người này mỗi ngày phải ngồi cho ông vẽ và vẽ trong một thời gian khoảng sáu tháng. Những năm sau ông vẽ 11 môn đệ. Cuối cùng ông vẽ Giu-đa người môn đệ phản bội bán Chúa với 30 đồng bạc!. Ông hoạ sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ thâm độc! Gương mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đi người bạn thân nhất, người Thầy kính yêu nhất của mình!

Cuộc tìm kiếm tường chừng như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất De Vinci đều thấy vẫn chưa đủ để biểu lộ cái ác của Giu-đa. Bỗng một hôm De Vinci được người ta cho biết có một người mà ngoại hình có thể đáp ứng yêu cầu của ông. Người đó hiện đang ở trong hầm ngục tại Roma, hắn bị kết án tử hình vì tội giết người và nhiều tội ghê gớm khác!

De Vinci lập tức lên đường đi Roma. Trước mặt ông là một gã đàn ông có nước da đen sậm với mái tóc dài bẩn thỉu xoã xuống khuôn mặt xấu xa hiểm ác, nó hiện rõ tính cách của một kẻ bị hoàn toàn bị tha hoá. Đúng đây là Giu-đa.

Được phép đặc biệt của nhà vua, người tù được đưa tới Milan, nơi bức tranh đang vẽ dở dang. Mỗi ngày kẻ tử tội phải ngồi trước De Vinci và người hoạ sĩ thiên tài cần mẫn với công việc truyền tải vào bức tranh diện mạo của kẻ phản phúc.

Khi nét vẽ cuối cùng được hoàn tất, kiệt sức vì phải đối diện với cái ác một thời gian dài. De Vinci quay sang bảo anh lính gác:

  • Anh hãy đem người này đi đi.

Lính canh túm lấy kẻ tử tù, nhưng đột nhiên hắn vung ra và lao đến quỳ dưới chân nhà hoạ sĩ, hắn khóc nức nở.

  • Ôi. Ngài De Vinci! Hãy nhìn tôi. Ngài không nhận ra tôi sao?

De Vinci quan sát kẻ mà sáu tháng nay ông đã liên tục nhìn mặt, rồi ông đáp:

  • Không. Tôi chưa từng nhìn thấy anh, cho đến khi anh được đưa đến từ hầm ngục ở Roma.

 Tên tử tù kêu lên:

  • Ngài Vinci hãy nhìn tôi kỹ đi! Tôi chính là người mà ngài đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Giê-su đấy!

Câu chuyện này có thật, cũng như bức hoạ Bữa Tiệc Ly là có thật! Chàng trai từng được lựa chọn làm hình mẫu vẽ Chúa Giê-su đã tự biến mình thành hình tượng của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử chỉ sau một thời gian ngắn!

Trong mỗi con người luôn tồn tại hai khuynh hướng; Một khuynh hướng hướng về điều thiện và một khuynh hướng khác đối lập khác là lôi kéo chúng ta làm điều xấu. Nhưng xem ra cái khuynh hướng hướng về điều xấu thì mạnh mẽ hơn. Bởi vậy, cho nên chúng ta thấy trong xã hội người tốt thì ít, kẻ xấu lại nhiều. Thánh Tông Đồ Phaolo đã từng than thở: “ Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tội lại cứ làm”.( Rm 7, 19). Chúng ta thấy ngoài xã hội hiện nay, xảy ra biết bao điều xấu xa, đau lòng: Một người mẹ kế nhẫn tâm hành hạ, đánh đập đứa trẻ 8 tuổi cho đến chết! Một ông già đã 90 tuổi rồi mà còn cầm đầu cho một nhóm người chuyên lừa dối và làm nhiều điều trái luân thường đạo lý! Những con người đó đã để cho cái xấu, cái ác trong mình lấn lướt, chiến thắng cái thiện, cái đẹp trong lương tâm mình. Hay nói cách khác là sức đề kháng để bảo vệ cho điều thiện trong con người của họ là không có hoặc rất yếu ớt!

Trong tất cả các cuộc chiên đấu, có lẽ chiến đấu với chính bản thân mình là cam go và khó khăn nhất. Có những kẻ sau khi giết người thì bàng hoàng, hoảng hốt, họ không hiểu rằng tại sao mình lại hành động như vậy? Thưa; đó là họ đã không kháng cự lại khuynh hướng làm điều ác thúc đẩy xâu xa trong tâm thức họ, để rồi chỉ một phút giây thiếu kiểm soát hành vi của mình họ đã trở thành kẻ sát nhân! Vì thế cho nên chúng ta phải hết sức đề phòng và luôn phải biết chiến đấu với chính bản thân mình, không để cho sự ác có cơ hội nảy nở, phát triển trong con người của chúng. Cầm đầu và bày ra sự ác rồi thúc đẩy cho chúng ta làm để rồi đi vào con đường tội lỗi là ma quỷ.

Ngày nay ma quỷ không thâm nhập vào loài người cách công khai, mà nó âm thầm cám dỗ chúng ta bằng nhiều cách thức tinh vi, đôi khi nó dụ dỗ chúng ta làm những việc tưởng chừng như rất đạo đức, tốt lành, song đàng sau đó ma quỷ dần xô đẩy chúng ta đến việc làm những điều xấu, hay việc dữ mà chúng ta chẳng hay.

Tin Mừng hôm nay tường thuật lại biến cố Đức Giê-su đi vào Đền Thờ mà giảng dạy dân chúng, thiên hạ ngạc nhiên về Lời giảng dạy của Người. Và cũng chính ở đây Ngài gặp phải sự phản kháng của ma quỷ; “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng thánh của Thiên Chúa”. Ma quỷ chỉ sợ duy nhất một Thiên Chúa mà thôi, vì chỉ có Ngài mới có thể tiêu diệt chúng, thế nhưng chúng ngày đêm vẫn âm thầm chống lại Thiên Chúa bằng cách dụ dỗ, lôi kéo và mê hoặc để con người đi theo chúng mà phạm tội hầu xa rời Thiên Chúa. Như vậy. Chúng ta chỉ chiến thắng ma quỷ bằng cách chạy đến trú ẩn bên Chúa mà thôi. Một vị thánh đã thường xuyên cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa xin canh chừng con luôn mãi, vì nếu Ngài không để mắt trông coi con thì ngay lập tức con sẽ phản bội Ngài”. Đúc kết lại ; là muốn thoát khỏi sự khống chế của thế lục sự dữ, chúng ta chỉ có một cách duy nhất đó là luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su qua Bí Tích Thánh Thể. Để từ nơi Ngài phát xuất ra sức mạnh, bảo vệ và giữ gìn chúng ta, và khi chiến đấu với ma quỷ, nhờ ơn Ngài chúng ta mới có thể chiến thắng mà thôi. 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Cha hằng hữu, vì muốn chúng con được che chở thoát khỏi sụ dữ là ma quỷ nên Cha đã ban Con Một Ngài đến với chúng con để bảo vệ, gìn giữ chúng con thoát khỏi bàn tay ác thần. Xin cho chúng con sự khôn ngoan để biết phân biệt tốt xấu, biết những gì là đẹp lòng Chúa mà ra sức thi hành, trong cuộc lữ hành trần gian xin cho chúng con một lòng trung kiên phụng thờ Chúa và bền đỗ đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Danh Đức Giê-su ky tô Chúa chúng con. Amen.

Sống Lời Chúa.

Thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Chúa.

Đaminh. Trần Văn Chính.

“QUYỀN” trên muôn loài muôn vật (12.01.2021)

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu bắt đầu thực hiện sứ mệnh cứu thế nơi trần gian: “Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Caphanaum. Ngay ngày sabat, Người vào hội đường giảng dạy”. Trước hết là những lời giảng dạy để con người được hiểu biết về Thiên Chúa, về muôn loài muôn sự cùng ý muốn của Thiên Chúa. Ngay buổi đầu đã được “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền”. Thật vậy! vì là Thiên Chúa, nên Người thấu suốt mọi điều, tất cả đều ở trong Người. Người lại là Đấng có  “quyền” trên muôn loài muôn vật, vì nhờ Người chúng đã được dựng nên. Còn các “kinh sư” là con người, những tạo vật đang cần phải tìm kiếm, học hỏi từ nơi Thiên Chúa ban cho và ngay cả từ nơi các tạo vật nữa.

Hôm nay sự hiện diện của Chúa Giêsu, chỉ với Lời dạy, cũng không rõ hôm đó Chúa đã giảng những gì mà “thần ô uế”, ma quỷ, kẻ dữ đã phải run sợ mà la lên: “Ông Giêsu Nadaret, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”. Xưa kia chỉ một Lời Chúa phán ra đã tạo dựng được muôn loài, muôn vật. Chúa là ánh sáng, Ở đâu có ánh sáng thì ở đó bóng tối là ma quỷ, là sự dữ ắt bị tiêu diệt. Chúa là chân lý, là sự thật, ở đâu có Chúa thì ở đó không còn lỗi lầm dối trá. Vì vậy chỉ một lời quát mắng Chúa đã làm “Thần ô uế” ma quỷ đã phải “xuất khỏi” người kia. Tin Mừng kết luận: “Mọi người đều kinh ngạc… thế có nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh… Danh tiếng Người đã đồn ra mọi nơi…”.

Chúa Giêsu  đã mang giáo lý “mới mẻ” bởi Trời đến mà dạy dỗ nhân loại, không phải như những thứ học thuyết của loài người. Có những người được nghe giảng Tin Mừng mà đem lòng tin tưởng, yêu mến, tuân giữ. Nhưng cũng có những người được nghe, được biết mà hững hờ vô tâm vô cảm. Họ không muốn tin vào Lời Chúa để khỏi bị hệ lụy đến thân xác ươn lười tự do của họ. Họ có thể cũng như “thần ô uế” kia, đã biết Chúa Giêsu “là Đấng Thánh của Thiên Chúa” nhưng không muốn tin tưởng, tôn thờ yêu mến, thì họ sẽ phải xa cách Người đời đời.

Lạy Chúa Giêsu! Con đã được phúc đón nhận giáo lý bởi Trời, mà vì yêu thương, Chúa đã đem đến cho con. Xin cho con luôn cầu nguyện, học hỏi suy gẫm mà yêu mến thực thi giáo lý ấy. để ngày sau con được sống hạnh phúc muôn đời trên quê hương Nước Trời. Amen.

Giuse  Ngọc Năng 

Chúa Giêsu là Đấng có uy quyền (14.01.2020)

Nội dung bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta nhận biết về Chúa Giêsu. Ngài chính là vị ngôn sứ toàn năng mà ông Môsê đã tiên báo cho dân tộc Israel trong thời gian còn ở trong sa mạc: “Từ giữa anh em, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ để giúp anh em”. Thánh sử Máccô đã giới thiệu Đức Giêsu là một Đấng có uy quyền trong lời nói cũng như trong hành động: “Người giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ

Lời Chúa dạy, chúng ta cần biết

Đem thực hành tha thiết nhiệt tâm

Nếu nghe mà chẳng biết làm

Thì cũng vô ích chẳng mang lợi gì

*

Cây mà tốt, tất thời trái tốt

Người nhân lành: mấu chốt thẳng ngay

Lắng nghe tuân giữ Lời Thầy

Thực thi Ý Chúa, tràn đầy niềm vui

Chúa Giêsu đã giảng dạy cho dân chúng như một Ðấng có uy quyền, uy quyền này được xuất phát từ chính sự kết hợp giữa lời nói và hành động của Chúa khi Ngài nói với người bị thần ô uế ám: “Hãy im đi và ra khỏi người này”, thì quỷ liền xuất ra khỏi người đó. Những người được nghe lời Chúa phán và chứng kiến việc Chúa làm đã phải kinh ngạc và thốt lên: “Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho các thần ô uế và chúng đã phải vâng lệnh Người”. Từ đó dân chúng đã thấy được sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các luật sĩ thời bấy giờ.

Tấm lòng tốt, khiến xui làm tốt

Cõi lòng tà sẽ thốt lời ngoa

Để cho tâm trí thật thà

Nói lời chân thật mặn mà nghĩa nhân

*

Theo ý Chúa, ân cần xây dựng

Nhà vững vàng sử dụng dài lâu

Đặt trên đá tảng hàng đầu

Gió mưa, bão lũ dãi dầu chẳng lay

 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta cần quan tâm đến việc học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, để khám phá ra những điều tốt đẹp, thiết thực của Lời Chúa, đồng thời nhận ra quyền năng cao cả của Chúa đã, đang và luôn mãi được thể hiện trong cuộc sống của con người và vạn vật, để chúng ta cùng nhau ca tụng, ngợi khen, tôn thờ và yêu mến Chúa nhiều hơn.

 

Nghe Lời Chúa, hãy mau thực hiện

Cả trí lòng ước nguyện cậy tin

Chúa luôn che chở giữ gìn

Thưởng công bội hậu phúc vinh Thiên Đàng

 

Lạy Chúa! Chúng con luôn tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống cho Chúa, kết hợp với mọi người và biết tránh xa những mưu chước cám dỗ của ma quỷ, để chúng con luôn trung thành phụng sự Chúa với tất cả tấm lòng chân thành của chúng con. Amen.

 HOÀI THANH

Ma quỷ (09.01.2018)

Có một bác nông dân rất giàu nhưng cũng lại rất keo kiệt. Thế rồi bác hối hận và muốn làm lại cuộc đời. Ngày kia một người hàng xóm bị cháy nhà, đến gõ cửa và xin ăn. Bác định cho người ấy một đùi heo trong bếp. Trên đường xuống bếp ma quỷ nói thầm bên tai bác: Cho cái đùi bé bé thôi nhé. Bác chiến đấu với tính keo kiệt cố hữu của mình và đã lấy cái đùi heo lớn nhất. Ma quỷ nhạo cười bác: Mày khùng quá. Thế nhưng bác đã nói lớn: Nếu mày không câm miệng lại, thì ta sẽ cho ông ta cả con heo ngay bây giờ.

Từ câu chuyện trên chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay, kể lại việc Chúa Giêsu xua trừ ma quỉ. Thời buổi chúng ta có nhiều chuyện liên quan tới ma quỉ, không những do sách vở, phim ảnh, mà còn do những nhóm người kỳ dị, thờ cúng Satan. Thật là một lầm lẫn tai hại khi tưởng rằng ma quỷ ở đâu xa, tại một nơi nào đó, hay ở trong một người nào khác chứ không phải ở trong tôi.

Thực sự thì ma quỷ (thoái hư tật xấu) có mặt nơi mỗi người chúng ta. Cảm tạ Chúa vì chúng ta không hoàn toàn sống dưới sự kiểm soát của chúng. Tuy nhiên có điều chắc chắn là cái tinh thần của ma quỷ thì ở trong hầu hết mọi người. Bác nông dân đã đánh bại con quỷ keo kiệt, nhưng nó vẫn còn cám dỗ bác và bác lại đánh bại nó.

Con quỷ kiêu hãnh ở trong nhiều người. Hãy chiến đấu chống lại nó ở mọi nơi và trong mọi lúc, nhưng cũng hãy cảnh giác kẻo nó đưa chúng ta lên khi nghĩ rằng: Tôi là một nhân vật quan trọng do công nghiệp và tài năng riêng của tôi.

Con quỷ mê ăn uống luôn thôi thúc chúng ta ăn quá nhiều, uống quá nhiều đến độ say sứa xỉn, không còn biết tiết độ là gì nữa.

Con quỷ khoái lạc thì đến với chúng ta bằng một bộ mặt thật dễ thương, đồng thời nó còn nhiều đồng minh trợ giúp như sách báo và phim ảnh đồi trụy, hay bè bạn xấu…

Tuy nhiên, chúng ta cần phải chiến đấu chống lại nó. Bất chấp ma quỷ đến với chúng ta dưới hình thức nào, thì chúng ta vẫn có thể và phải nương tựa vào Chúa. Trong quãng đời công khai, Ngài đã nhiều lần trừ quỷ như đoạn Tin Mừng hôm nay kể lại. Thế nhưng Satan vẫn hoạt động, vẫn bành trướng và đã thành công trong việc giết chết Ngài trên thập giá. Tuy nhiên, cũng nhờ cái chết ấy, mà Ngài đã đem lại sự chiến thắng, một sự chiến thắng trọn vẹn và mãi mãi qua mầu nhiệm Phục sinh của Ngài.

Hãy tìm kiếm xem đâu là con quỷ chính yếu đang làm mưa làm gió, đang chi phối cõi lòng chúng ta, rồi sau đó, hãy chạy đến với Chúa để xin Ngài nâng đỡ và chở che như kinh chúng ta vốn thường đọc: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Cuộc chiến Thần – Thế (10.01.2017)

Giáo lý nhà Phật cho rằng “ma” (màra, hay mala) là lũ ác quỷ làm hại con người, gây nhiễu loạn và “quỷ” là linh hồn người thác, âm hồn ác độc thường phá hoại những người còn sống (x. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tự điển Phật học Hán Việt, Hà Nội 1992; Đoàn Trung Côn, Tự điển Phật học, quyển 2, nxb Tp.HCM, 1992).

Giáo lý Công giáo giải thích từ Dia-bolos (Hy lạp) mà các nhà ngôn ngữ dịch là “ma quỷ”; phải hiểu đây là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô (x. GLCG, số 2851).

…Sau khi kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên đi theo mình để khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa; Đức Giêsu đã “mở màn” giảng dạy tại hội đường Ca-phác-na-um, và ra tay trừ quỷ dữ…

Qua việc giảng dạy và trừ quỷ, Đức Giêsu muốn khẳng định với mọi người rằng: Nước Thiên Chúa đã đến rồi; quyền năng cứu độ đã đi vào hoạt động; một thế giới mới được mạc khải; và Thiên Chúa đang biểu lộ quyền năng để giải phóng con người thoát khỏi sự chết và thế lực của thần dữ. Vì thế, lời giảng dạy của Đức Giêsu rất uy quyền, vì đó chính là Lời Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Ma quỷ ngày nay vẫn còn đeo ám con người với thiên hình vạn trạng dưới nhiều dạng thức trong xã hội, như: thói gian xảo lừa đảo, tham lam của người, tham quyền, hám danh, sống giả dối hai mặt, ưa chuộng khoái lạc vật chất, bạo lực gia đình… Có vẻ như quỷ dối trá thâm nhập vào cơ chế xã hội và muốn khoanh vùng để mặc tình thao túng; nó là sức mạnh làm cho con người hành động không còn đúng với nhân tính của mình nữa, và làm tha hóa con nguời một cách trầm trọng.

Là Kitô hữu Đa Minh, tôi luôn xác tín rằng nhờ bí tích Thánh Tẩy, tôi được trở nên con Chúa và chi thể của Nhiệm thể Ngài. Tôi được kêu mời để nên thánh, sống thánh giữa đời. Thế nhưng, các tật xấu và khuynh hướng thích sự tội luôn đeo bám tôi. Chúng chính là loại quỷ dữ luôn vây ám cuộc đời tôi, khi tôi muốn gỡ mình loại bỏ chúng ra khỏi con người mình.

Lạy Chúa, xin cho con xác tín rằng chỉ thắng được tà thần không phải bằng một sự thỏa hiệp và nhượng bộ, nhưng bằng sự thẳng thắn chiến đấu chống lại nó nhân danh sức mạnh và ơn thánh Chúa. Xin cho con xác tín rằng chính Chúa vượt lên trên tất cả các sức mạnh đối kháng, và nếu kết hợp với Ngài, con sẽ có thể đánh bại mọi sự dữ và các sức mạnh thù nghịch. Amen.

CÁT BIỂN 

Chúa uy quyền (12.01.2016)

Ngày Sa bát, Đức Giê-su xuống Caphacnaum giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách giảng dạy của Người, vì lời của Người có uy quyền. Giáo lý của Người thì mới mẻ, không như các kinh sư. Người lấy những hình ảnh cụ thể, dễ hiểu bằng dụ ngôn, lại có phép lạ kèm theo, nên người nghe phải bỡ ngỡ, thán phục và lời Người có sức hút thật mạnh mẽ với dân chúng.

Trong hội đường hôm nay có một người bị quỷ ô uế nhập, có sự hiện diện của Đức Giê-su hắn phải tru tréo la to: “Ông Giê-su Nazarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” Quỷ biết rõ về Chúa hơn con cái loài người, nhưng lại khiếp sợ sự hiện diện của Chúa nên vừa “tuyên xưng” vừa hốt hoảng “trốn chạy”. Cái biết của quỷ không dẫn đưa tới lòng mến, yêu thương. Ngày xưa quỷ từng là thụ tạo xinh đẹp linh thiêng, nhưng vì một phen cậy mình kiêu căng mà chống đối, rồi phải nhận hậu quả không thể lấy lại được, vĩnh viễn phải ở trong “tăm tối” và không được phép “đội trời chung” với Thiên Chúa.

Quỷ biết rõ về Chúa hơn con cái loài người, nhưng lại thích “đi con đường riêng” của mình, nên dẫn đến hậu quả là phải… ở riêng, đời đời xa cách Thiên Chúa. Dù quỷ tuyên xưng “ông là Đấng Thánh”, nhưng hắn không thể tồn tại, bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu: “Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta”. Hắn phải trục xuất khỏi con người theo lệnh của Đức Giêsu.

Sau phép lạ trục xuất quỷ ấy, mọi người kinh ngạc bảo nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” Vì họ chứng kiến phép lạ nên biết về Người, nhưng chỉ là cái biết bề ngoài. “Ông ấy” dù có uy quyền thì cũng chỉ là con bác thợ mộc mà thôi. Trong bài đọc I, bà Anna son sẻ đã nhận biết uy quyền của Thiên Chúa. Bà đã thống thiết cầu nguyện với Đức Chúa và Ngài đã thực hiện mơ ước cho bà: “Tâm hồn cay đắng, bà cầu nguyện với ĐỨC CHÚA và khóc nức nở. Bà khấn hứa rằng: “Lạy ĐỨC CHÚA các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tỳ Ngài đây, nếu Ngài nhớ đến con và không quên nữ tỳ Ngài, nếu Ngài cho nữ tỳ Ngài một mụn con trai… ĐỨC CHÚA đã nhớ đến bà. Ngày qua tháng lại, bà Anna thụ thai, sinh con trai và đặt tên cho nó là Samuel”.

Lạy Chúa! Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con. Xin giúp chúng con luôn nhìn lại mình để biết đang có thứ quỷ nào bên trong. Sức chúng con chẳng làm gì được, nhưng nếu chúng con đón Chúa vào cuộc đời, sức mạnh uy quyền của Chúa sẽ thực hiện và giải thoát chúng con: “Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”

Én Nhỏ

Sửng sốt về lời của Thầy!

Ngày sabát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (Mc 1,21-22).

Suy niệm: Có bao giờ bạn đến thăm hang Sửng Sốt ở Hạ Long chưa? Lách qua một khe đá hẹp, bạn lọt vào trong một cung điện kiến trúc thạch nhũ kỳ ảo mà không một bàn tay con người nào có thể làm nên; và bạn chỉ có thể thốt lên một tiếng “Ồ! Ồ!” đầy sửng sốt. Đám đông dân chúng hôm nay cũng đầy sửng sốt như thế khi nghe lời Thầy Giêsu. Lời của Thầy có sức mạnh cuốn hút; lời của Ngài có thẩm quyền khiến quỷ ma phải cao bay xa chạy; lời của Ngài chứa đựng sức sống khiến bệnh tật tan biến; đối diện với Thầy mọi tâm tư đều bộc lộ ra, mọi tâm hồn được hoán cải.

Mời Bạn: Lời nói tự nhiên đã chứa đựng sức mạnh. Nó có thể làm tan nát cõi lòng, phá hỏng cả cuộc đời; ngược lại nó cũng có thể vực dậy một tâm hồn đang tuyệt vọng, cứu vãn cả đất nước trên bờ vực chiến tranh. Lời nói chứa đựng Lời của Thầy Giêsu càng có sức mạnh linh thiêng hơn nữa, vì đó là lời cứu độ, lời đem lại sự sống đời đời. Mời bạn học với thầy Giêsu, để nói những điều phải nói và lời nói có giá trị cứu rỗi, chia sẻ và cứu chữa.

Chia sẻ: Lời nói quan trọng thế nào đối với bạn? Bạn làm gì để sửa chữa thói nói xấu, hay “thêm mắm thêm muối” khi nghe kể về người khác?

Sống Lời Chúa: Học cách nói của Chúa bằng cách suy niệm Lời Chúa mỗi ngày và tập sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con học cách yêu thương mỗi ngày qua lời nói trong Sự Thật của Thầy. Amen.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *