Bảo vệ sự thật (16.03.2024 – Thứ Bảy Tuần IV Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Gr 11,18-20, Ga 7,40-53

Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Gio-an (Ga 7,40-53)

40 Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong dân chúng, có những người nghe các lời của Đức Giê-su thì nói : “Ông này thật là vị ngôn sứ.” 41 Kẻ khác rằng : “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói : “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao ? 42 Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao ?” 43 Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. 44 Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.

45 Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng : “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây ?” 46 Các vệ binh trả lời : “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy !” 47 Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng : “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao ? 48 Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ? 49 Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa !” 50 Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su ; ông nói với họ : 51 “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không ?” 52 Họ đáp : “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao ? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy : không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.”

53 Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

Bảo vệ sự thật (16.03.2024)

Hai bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa hôm nay đều có chung một chủ đề là người công chính bị bách hại.

Bài đọc I trích trong sách Giêrêmia. Sau khi vương quốc Israel phía Bắc bị đế quốc Át sua tiêu diệt năm 721 tCN, Ngôn sứ Giêrêmia được Thiên Chúa sai đến Giuđa rao giảng, kêu gọi các nhà lãnh đạo và dân chúng phải từ bỏ việc thờ ngẫu tượng, nếp sống gian ác, khuynh hướng dựa vào thế lực ngoại bang để cứu mình mà quên Thiên Chúa của họ. Nhưng tất cả vẫn chẳng ai chịu nghe lời ngôn sứ. Họ lại còn ỷ mình là dân riêng của Thiên Chúa, có Đền thờ là nơi bất khả xâm phạm nên cho rằng chẳng ai đụng đến họ mà yên lành. Và họ cứ sống theo ý mình. Họ còn tìm cách hãm hại Giêrêmia, vị ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến để cảnh tỉnh họ. Họ chẳng khác nào những tá điền sát nhân trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói cho những nhà lãnh đạo Do thái nghe sau này (x. Mt 21,33-46).

Người Do Thái thời Chúa Giêsu được nghe và thấy Chúa Giêsu giảng dạy, được chứng kiến những dấu lạ Người làm thì không khỏi ngạc nhiên. Mỗi người mỗi ý, họ mâu thuẫn, chia rẽ nhau vì Chúa Giêsu, đúng như lời cụ già Simêon đã tiên báo khi Mẹ Maria và Thánh Giuse đem trẻ thơ Giêsu dâng cho Chúa tại Đền Thờ Giêrusalem : “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng ; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” (Lc 2,34) .

Dân chúng chia rẽ vì Chúa Giêsu, nhưng những người lãnh đạo Do Thái thì đã quyết định phải bắt giết Người với lý do thuận tiện nhất là vì Người “đã phá luật vì chữa bệnh ngày sa-bát và tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Ga 5,18), như vậy là phạm thượng, tội phải chết. Còn lý do thực sự của những nhà lãnh đạo Do Thái muốn bắt Chúa Giêsu là vì Ngài đã làm giảm uy tín của họ trước mặt dân, đe dọa địa vị, sự an toàn để hưởng bổng lộc của họ, như lời thú nhận của các thượng tế và các người Pha-ri-sêu trong Thượng Hội Đồng : “Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” (Ga 11,47-48).

Dân chúng chia rẽ vì tin và không tin vào Chúa Giêsu. Mối lo sợ của các nhà lãnh đạo Do Thái dần thành sự thật vì chính những thuộc hạ của các ông  công nhận uy quyền của Chúa Giêsu nên đã không tuân lệnh các ông mà bắt Người. các nhà lãnh đạo chỉ còn cách cho tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu đều là dân dốt nát, “quân bị nguyền rủa”. Ngay trong nội bộ của giới lãnh đạo cũng có người nhận ra sự công chính của Chúa Giêsu và lên tiếng bênh vực Người, đó là ông Nicôđêmô, thì họ cũng miệt thị ông, bất chấp lề luật do ông viện dẫn để bênh vực Chúa Giêsu. Vì chia rẽ nên cuộc họp bất thành, “ai về nhà nấy”.

Để khám phá ra chân dung và căn tính đích thực của Chúa Giêsu thật dễ dàng đối với ai khiêm cung bé nhỏ, nhưng lại vô cùng khó khăn với những kẻ tự mãn kiêu căng. Ông Nicôđêmô là bậc thầy trong dân Do Thái, có vai vế trong Thượng Hội Đồng, có địa vị cao trong xã hội, nhưng ông đã không để cho những thứ đó, nhất là những định kiến của lề luật sẵn có trong giới Pharisêu cản trở ông tìm đến với Chúa Giêsu, bởi vì ông đã thấy những giáo lý của Chúa Giêsu cao siêu, còn mình thì mù mờ không hiểu được những điều Chúa Giêsu nói. Vì thế ông đã “gặp” được Người.

Ngày nay gia đình Kitô hữu cũng bị chia rẽ vì tin và không tin Chúa Giêsu, đúng như Lời Người đã nói cách nay hai ngàn năm :  “Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.” (Mt 10,35-36), bởi vì con người ta vẫn mãi bị những giới hạn cố hữu do tội nguyên tổ gây ra : tội kiêu ngạo, lấy mình làm trung tâm, làm tiêu chuẩn để so sánh, xem xét và quyết định.

Xã hội hiện đang thổi phồng việc suy tôn cá nhân theo những giá trị ảo, thái độ kiêu ngạo của con người càng được nâng cao đến thành ngạo mạn. Với nền tảng như vậy thì con người ngày nay khó mà nhận ra Chúa Giêsu là Đấng nào, nhất là Người lại là Đấng đã thể hiện tình yêu thương hết mức của Thiên Chúa với loài người bằng cách tự nguyện hy sinh chết trên thập giá để cứu độ con người, một việc mà những người không có Đức Tin cho là điên rồ.

Là Kitô hữu, là người được Chúa ban cho Đức Tin, để đáp lại Tình yêu của Ngài là thực hiện lệnh truyền giáo của Đức Giêsu Kitô, tôi luôn sống trong tâm tình mùa chay, làm việc bác ái, đứng về sự thật và bảo vệ sự thật, ít nhất cũng được như ông Nicôđêmô các vệ binh của Thương Hội Đồng xưa, là không theo những xúi dục sai trái làm hại lẽ phải, là trái với lương tâm người Kitô hữu. Tấ cả để cầu nguyện cho Nước Cha trị đến với thế giới điên loạn này, vì “Đối với Thiên Chúa thì không có gì là không thể” (Lc 1,37).

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đã nhận được hồng ân lớn lao là được Chúa ban cho Đức Tin. Xin Chúa giúp chúng con nuôi dưỡng Đức Tin của chúng con ngày càng lớn mạnh và biết chia sẻ hạnh phúc này cho những anh em chưa biết Chúa.

Xin cho chúng biết từ bỏ những ý riêng để đem lại đoàn kết bình an từ trong gia đình đến ngoài công đoàn và xã hội. Amen.

Jos. NM Tưởng

Lạy Chúa, con tin ! (02.04.2022)

Từ khi Ki-tô giáo vừa mới khai sinh, cộng đồng các Ki-tô hữu đã gặp phải sự chống đối, thù ghét, loại trừ, tẩy chay của những người sống xung quanh họ, và chính những người lãnh đạo tôn giáo cũng bị bắt bớ, cầm tù.

Ta thấy tính cách đa dạng của các vị đó, xét từ nhiều khía cạnh: họ thuộc về nhiều quốc gia; nhiều chủng tộc khắp năm châu; họ thuộc về đủ mọi thành phần của Dân Chúa (giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân), và thuộc đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thể trạng (già, trẻ, bé, lớn, mạnh khỏe hay đau ốm, bệnh tật…). Nhưng chung quy, tất cả trong số họ đều chọn cho mình một đời sống như Đức Giê-su và sẵn sàng, vui vẻ tham dự vào cái chết giống như cái chết của Đức Giê-su.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cho ta thấy rõ sự tranh cãi quyết liệt giữa những người tin vào Đức Giê-su, Người chính là Đức Ki-tô, và những người không tin; nhất là trong hàng thủ lãnh, các thượng tế và người Pha-ri-sêu chẳng những không tin Đức Giê-su, là Đức Ki-tô mà họ còn muốn tra tay bắt Người. Họ “quy chụp” những ai có niềm tin vào Đức Giê-su là những kẻ bị lời giảng dạy của Chúa mê hoặc mình rồi, hoặc là bọn dân đen không biết Lề Luật, cả tin, đáng bị nguyền rủa.

Trước thời đại cách mạng kỹ thuật số hôm nay đây, không thiếu những người đang loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình, hoặc chỉ xem Thiên Chúa như một vị thần hộ mệnh, sẽ xuất hiện giúp đỡ con người những khi họ cần đến mà thôi. Vì thế, nhân loại ngày ngày dễ chấp nhận đánh đổi niềm Tin của mình với những nhu cầu thực dụng của cuộc sống. Họ tự đánh mất ân huệ thiêng liêng làm con của Chúa, bởi những lợi lộc phú du trước mắt.

Lạy Chúa, con Tin ! Con tin Chúa là Con Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian kể từ khi con lãnh nhận phép Rửa; xin cho con luôn xác tín Chúa chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống của con. Amen.

CÁT BIỂN

Khuôn mẫu đời mình (28.03.2020)

Hơn hai tháng qua, cả thế giới đều lo sợ bất an với tốc độ lây lan cấp số nhân, kinh hoàng do đại dịch Coronavirus. Sự kinh hoàng ngày càng gia tăng theo tốc độ lây nhiễm lan nhanh, cộng thêm con số tử vong do ôn dịch gây ra đã hơn 11.000 người xảy ra ở 186 quốc gia và vùng lãnh thổ. Là một Ki-tô hữu, tôi đã nghe thấy các cảm xúc tuôn tràn: hoảng loạn, sợ hãi, giận dữ, buồn bã, bối rối và tuyệt vọng… với tất cả mọi người, bất kể là có Đạo hoặc không có Đạo. Chung quy tất cả đều muốn trả lời câu hỏi Thiên Chúa hay ông Trời là ai mà lại để sự thể chết chóc lan tràn thế này ? Người có phải là Đấng Toàn Năng hay không ? Nhiều người đâm ra vấp ngã, và chia rẽ vì Người !

Hơn 2.000 năm qua, chứng kiến Đức Giê-su giảng dạy, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, làm nhiều dấu lạ… Người ta; có nhiều người nhìn nhận Người là Đấng Ki-tô, hay là một ngôn sứ của thời đại. Nhưng cũng có lắm kẻ không tin vì cho rằng Người xuất thân từ Ga-li-lê – Vùng đất không có gì hay ho, thần thiêng; thậm chí trong hàng thủ lãnh, các thượng tế, và người Pha-ri-sêu còn định bắt và giết Người.

Cũng vậy, trong cơn ôn dịch Coronavirus đang hung hãn hoành hành toàn cầu và vẫn đang chưa có dấu hiệu dừng lại. Thì:

Tôi và bạn tin nhận hay chối bỏ Đức Giê-su ?

Tôi và bạn có dám sống theo đức tin tông truyền ?

Tôi và bạn có dám lội ngược dòng lo sợ để sống cho Sự Thật ?

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con hằng luôn vững tin vào Chúa trước những chết chóc bệnh tật, để con hoàn trọn hạnh phúc khuôn mẫu sống của đời mình chỉ duy nhất trong Chúa mà thôi. Amen.

CÁT BIỂN

Rào cản… (06.04.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan đã thuật lại sự mâu thuẫn giữa hai luồng ý kiến của đám đông dân chúng lẫn các thượng tế và biệt phái. Nhiều người trong đám đông đã tin tưởng và tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nhưng phần còn lại của đám đông lại vướng phải rào cản là xuất thân của Người. Các thượng tế và biệt phái cũng thế, xuất thân của Chúa Giêsu là một trong những lí do khiến họ không tin tưởng vào Người, ngoại trừ ông Nicôđêmô – người đã gặp Chúa Giêsu vào ban đêm. Sự mâu thuẫn ấy xuất hiện một phần là do định kiến của đám đông – rào cản khiến người ta không thể chấp nhận Người.

Đôi khi, chúng ta cũng như họ. Định kiến của một số đám đông đã trở thành định kiến xã hội, khiến chúng ta vô tình bị vướng vào rào cản ấy. Tâm lí chung của chúng ta là “nhìn quả biết cây”, “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa”… Một người sinh ra trong gia đình lương thiện thì sẽ lương thiện, sinh ra trong gia đình bất hảo thì sẽ bất hảo, sinh ra trong gia đình quyền quý sẽ lại quyền quý, sinh ra trong gia đình quan chức rồi sẽ lại làm quan… Định kiến ấy ăn sâu vào đầu của từng người trong xã hội, khiến những người bị vướng vào đó khó lòng có cơ hội thay đổi, đặc biệt là những người muốn hoàn lương.

Đã có biết bao người sống cuộc đời tội lỗi trong đau khổ vì không thể trở về. Họ muốn hối cải, muốn hòa nhập lại với cộng đồng, nhưng vì về nhơ của quá khứ đã trở thành rào cản khiến họ bị người khác cô lập, loại trừ. Nên nhớ rằng gia đình tuy ảnh hưởng lớn đến con người nhưng không có nghĩa là người ta sẽ đi theo lối mòn ấy, cha mẹ là người có lỗi không có nghĩa là con cái cũng có lỗi; quá khứ tuy có liên hệ với hiện tại và tương lai nhưng không có nghĩa là kẻ phạm lỗi sẽ không thể hoàn lương… Chúng ta không nên để những định kiến ấy trở thành rào cản ngăn cách chúng ta đến với tha nhân. Trên hết, chúng ta phải có lòng bao dung, quảng đại, biết nhìn nhận anh em mình theo hướng tích cực. Để từ đó, họ có thể có cơ hội trở về.

Mùa Chay Thánh đã gần kết thúc. Trong những ngày cuối này, chúng ta không chỉ phải tiếp tục ăn năn thống hối mà còn phải chiêm niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Người vô tội nhưng đã gánh tội thay cho chúng ta. Đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa, chúng ta nên dìu dắt nhau trở về, tạo cơ hội cho anh em mình nhanh chóng nhận ra tình yêu của Người để cùng nhau thống hối ăn năn, hơn là cùng với số đông loại trừ anh em mình ra khỏi tập thể, khiến họ bị cô lập, tiến thoái lưỡng nan.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng tình yêu Ngài dành cho chúng con là vô cùng vô tận. Ngài muốn anh em chúng con yêu thương, hòa thuận với nhau như Ngài đã làm. Thế nhưng chúng con lại kéo bè kết phái, tạo nên những rào cản định kiến cản trở anh em trở lại với cộng đồng và hơn hết là với Ngài. Xin cho chúng con biết quảng đại, bao dung và khiêm nhường, để chúng con có thể cùng nhau trở về cùng Ngài, đặc biệt là những ngày cuối của mùa Chay Thánh này. Amen.

Petrus Sơn

Lối mòn tư duy (17.03.2018)

Vạn sự đều có khởi đầu và kết thúc. Quá trình đi từ điểm xuất phát đến đích điểm có thể trải qua nhiều con đường, nhưng trong đó chỉ có một con đường mang tính kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, đó là con đường truyền thống. Truyền thống thường là con đường dễ lựa chọn nhất vì nó được lưu truyền qua nhiều thế hệ, các thế hệ sau chỉ cần bước theo lối mòn của thế hệ trước là xong. Tuy nhiên, chính vì thế, những người thích quan điểm truyền thống rất dễ sa vào lối mòn của tư duy, khiến họ không thể thoát ly ra được những suy nghĩ có phần cũ kĩ, lỗi thời.

Sự đối lập giữa truyền thống và cách tân luôn hiện diện trong cuộc sống. Lịch sử đã chứng minh, sự cách tân tuy mang ý nghĩa tích cực nhưng thường bị vướng vào sự chống đối của những người theo quan điểm truyền thống. Nguyên nhân của sự chống đối ấy xuất phát từ cách tư duy theo những lối mòn định sẵn, người ta thích dùng truyền thống làm vật hộ thuẫn cho các quan điểm bảo thủ của mình, bất chấp những tiêu cực do lối mòn tư duy ấy mang lại.

Những người Pharisêu lẫn nhiều người trong đám đông trong bài Tin Mừng hôm nay cũng lạc bước vào lối mòn ấy. Họ không tin Chúa Giêsu là Đấng Kitô chỉ vì Người xuất thân từ Galilê mà theo Kinh Thánh, không có tiên tri nào xuất phát từ vùng đất đó. Chính lối mòn tư duy đã khiến họ vấp phạm. Họ không chỉ dùng truyền thống như chiếc khiên che chở cho sự chống đối của mình, mà họ còn làm nó biến dạng, trở thành thứ vũ khí để công kích Chúa Giêsu. Không dừng lại ở đó, những người Pharisêu còn phản bác cả ông Nicôđêmô – một người trong hàng ngũ của họ đã từng đến gặp Chúa Giêsu vào ban đêm – khi ông có ý bênh vực Người. Chính sự mù quáng bước chân vào lối mòn truyền thống đã khiến họ vấp phạm.

Tuy thường lỗi thời nhưng đôi lúc truyền thống lại là một phương án hữu hiệu, đặc biệt là trong xã hội ngày nay. Thế giới ngày càng hiện đại khiến con người chạy theo khoa học. Việc đó không hề sai, nhưng cái sai nằm ở chỗ họ dùng sự cách tân, tiến bộ ấy để chống lại truyền thống của Công giáo. Bên cạnh đó, những tư tưởng đổi mới lệch lạc, xa rời giáo lý Hội thánh Công giáo của những người quá khích cũng vô tình dẫn đến sự rối loạn không đáng có ngay trong lòng Giáo hội. Chính vì thế, truyền thống tuy thường là lối mòn, nhưng cũng có lúc đó lại là con đường vô cùng an toàn. Do đó, chúng ta cần phải tỉnh thức và cầu nguyện để có thể tuân theo truyền thống theo hướng tích cực nhất.

Lối mòn tư duy đôi lúc là thứ vô cùng nguy hiểm, nó khiến người ta trở thành những kẻ lỗi thời, bảo thủ. Thế nhưng, đôi lúc đó lại là hộ thuẫn bảo vệ ta thoát khỏi những tư tưởng cách tân tiêu cực. Vì thế, vận dụng truyền thống một cách có hiệu quả sẽ giúp chúng ta đạt được thành công trong cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, mang thân phận yếu đuối, chúng con không thể tránh khỏi những tư tưởng sai trái. Xin Ngài thương soi lòng mở trí, để chúng con biết làm những điều đúng đắn, có ích cho bản thân và tha nhân. Bên cạnh đó, xin Ngài cho những người mang tư tưởng truyền thống tiêu cực lẫn cách tân tiêu cực biết nhận ra điểm chưa tốt của mình, để có thể đi theo chiều hướng tích cực hơn, góp phần xây dựng xã hội và Giáo hội ngày càng vững bền cho đến khi Ngài lại đến tong vinh quang. Amen.

Petrus Sơn

Theo Chúa (01.04.2017)

Mặc dầu có một số người đã quyết tâm giết Chúa Giêsu, nhưng không ai dám tra tay bắt Ngài. Cả các vệ binh đã được lệnh vào đền thờ bắt Chúa, nhưng họ trở về tay không, vị thượng tế và các người Pharisêu hỏi họ: Sao không điệu hắn về đây? Họ đã thưa lại: Xưa nay chưa hể có ai nói năng như người ấy. Các thầy Pharisêu xỉ vả họ, cả các anh cũng bị hắn mê hoặc rồi. Có ai trong các vị lãnh đạo và trong các Pharisêu tin đâu, bọn dân đen thì nói làm gì, chúng có biết gì luật thánh đâu. Ông Nicôđêmô tuy cũng thuộc phái Pharisêu, muốn bênh đỡ Chúa Giêsu, nhưng ông bị chụp mũ Galilê, nghĩa là bọn phản loạn gây rối.

Vào thời Cách Mạng Pháp, Giáo Hội tại Pháp bị bách hại dữ dội. Một hôm, cha Stêphanô cải trang đến dâng lễ tại một gia đình đạo đức trong xứ. Đó là gia đình cậu Benjamin. Cậu bé này rất sung sướng, vì đây là lần đầu tiên cậu được dự lễ. Sau Thánh Lễ cậu theo Cha xứ đi đưa Mình Thánh Chúa cho người bị đau liệt.

Bỗng có tiếng người. Một toán lính tiến lại. Thế là cha con bỏ chạy. Nhưng trước khi chia tay nhau, Cha Stêphanô trao cho Benjamin hộp đựng Mình Thánh Chúa vì nghĩ rằng, cậu còn bé nên bọn lính  có lẽ chẳng để ý tới. Trong lúc chạy trốn, Benjamin lấy Mình Thánh Chúa trong hộp ra, rồi nuốt luôn. Vì còn nhỏ chậy chậm, nên Benjamin bị bắt. Rồi một lát sau, cha Stêphanô cũng bị bắt.

Bọn lính tra hỏi cha :

– Ông cất những cái bánh nhỏ ở đâu ?

Cha Stêphanô một mực nín lặng. Tức giận, bọn lính bắn cha chết tại chỗ. Lục soát người Cha Stêphanô một hồi, chúng không thấy gì nên quay sang nạt nộ Benjamin :

– Chắc mày đang giữ mấy chiếc bánh đó phải không ? Đưa ngay cho tụi tao, nếu không sẽ bị chết như thế đấy.

Benjamin vừa can đảm, nhưng cũng vừa ngây thơ trả lời:

– Tôi đang dấu kín lắm.

Chúng hỏi dồn :

– Mày dấu ở đâu ?

Benjamin ngây thơ trả lời :

– Tội dấu ở trong lòng tôi. Các ông muốn lấy thì mổ ra mà lấy.

Điên tiết vì câu trả lời của Benjamin, bọn lính bắn luôn cậu ngay gốc một cây cổ thụ.

Mấy năm sau, Giáo Hội Pháp được bình yên trở lại, một cơn bão làm cho cây cổ thụ kia bị trốc gốc. Dưới gốc cây này, người ta thấy hai xác. Trên xác của Benjamin, người ta thấy một hộp đựng Thánh Chúa vẫn còn sáng ngời.

Benjamin, một cậu bé tuổi đời chẳng có bao nhiêu, học biết về Chúa cũng chẳng là mấy, vì cậu chưa xưng tội rước Chúa lần đầu, vậy mà trước cơn thử thách, phản ứng của cậu thật anh hùng.

Trái lại Nicôđêmô, một con người đã được học hỏi nhiều về Chúa, đã từng đến gặp gỡ trao đổi, thảo luận với Chúa Giêsu, đã được Chúa chỉ vẽ tường tận về giáo lý của Ngài, thế nhưng trước âm mưu ám hại Chúa, trước những kẻ phỉ báng chống đối Chúa, ông chỉ lên tiếng một cách yếu ớt rằng :  “luật pháp của chúng ta lại cho phép chúng ta kết án ai, trước khi nghe người ấy nói và biết người ấy làm gì hay không ?” (Ga.7,51) Thế rồi ông yên lặng để mặc cho người ta hành động.

Như thế những hiểu biết về Chúa có giá trị gì, nếu nó không giúp chúng ta yêu mến Ngài hơn? Mà lòng yêu mến Chúa chỉ có khi chúng ta biết đem những gì chúng ta biết về Chúa ra để sống. Không như thế, thì những hiểu biết của chúng ta sẽ trở thành những chướng ngại cho ta đến với Chúa.

Ngày nay,  thế gian cũng bảo chúng ta bị mê hoặc và chụp cho ta đủ mọi thứ mũ: mũ mê tín, mũ phản động, mũ điên rồ, mũ bịp bợp. Nhưng chúng ta hãy vững tin vào tình yêu Chúa. Chúa muốn chia sẻ cho ta những vinh dự mà Chúa đã phải trả giá bằng đòn vọt, bằng mũ gai, bằng khổ giá. Vì Chúa đã mời gọi ta: Ai muốn làm môn đệ tôi thì phải quên mình, vác lấy khổ giá hằng ngày của mình mà theo tôi.

Theo Chúa chúng ta sẽ đi tới đâu? Thưa trước hết là núi sọ, rồi đến mồ đá. Nhưng từ mồ đá Chúa đã Phục sinh vinh- và chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang phục sinh của Ngài.

Cố chấp và thành kiến (12.03.2016)

Trình thuật Tin Mừng hôm nay nối tiếp sự kiện Đức Giêsu tham dự lễ Lều Trại ở đền thờ Giê-ru-sa-lem (theo truyền thống hàng năm của người Do Thái), Người cũng giảng dạy ở đó. Lễ Lều Trại có rất đông người tham dự vì là những ngày tưởng nhớ những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho dân “It-ra-en” trong biến cố xuất hành và những ngày dân chúng sống du mục nơi sa mạc. Vào ngày bế mạc là ngày long trọng nhất trong dịp lễ, Đức Giêsu đã lớn tiếng công bố: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 39).

Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã mặc khải về : “Thánh Thần” mà Người sẽ trao ban cho những ai tin vào Người; có nhiều người nghe lời ấy, họ liên tưởng đến những giáo lý cao siêu Đức Giêsu đã giảng dạy, có uy quyền như của các ngôn sứ xưa, để hướng dẫn dân chúng thực hiện giao ước với Thiên Chúa. Nhiều người khác lại thấy rằng lời giảng dậy và hoạt động của Đức Giêsu lôi cuốn được nhiều người, họ nghĩ: Đức Giêsu muốn phục hưng Vương Quốc It-ra-en. Dân chúng khâm phục Người như các ngôn sứ và còn hơn thế nữa họ cho rằng Người chính là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để phục hưng dân tộc Ít-ra-en.

Tuy nhiên những người này cũng chỉ mới khởi đầu cho hành trình tin vào Người mà thôi; một số khác tỏ ra am hiểu Kinh Thánh thì phản bác: Đấng Ki-tô phải xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít. Những suy tư ngược chiều của đám đông khiến dân chúng chia rẽ và có ý định tra tay bắt và giết Người. Thấy những phép lạ Người làm; nghe những lời khôn ngoan Người nói, họ trầm trồ khen ngợi; nhưng họ không nhận ra và không tin Người là Đấng Kitô.

Còn những người lãnh đạo Do Thái giáo, là các thượng tế, đầu mục và giới Pha-ri-sêu;  họ vốn cố chấp, có thành kiến với Đức Giêsu nên càng căm ghét và tìm cơ hội để bắt Người; họ nguyền rủa cả những ai không đứng về phía họ để chống lại Đức Giêsu. Tuy nhiên cũng có người đã can đảm bênh đỡ cho Đức Giêsu trước âm mưu bách hại của các thượng tế và người Pha-ri-sêu, đó là ông  Ni-cô-đê-mô, một thủ lãnh của người Do Thái (Ga 3, 1). Ông Ni-cô-đê-mô cũng là thành viên Pha-ri-sêu và trước đây có lần ông đã đến gặp Đức Giê-su để thắc mắc về việc “tái sinh”, ông được Đức Giêsu gọi là bậc thầy trong dân Ít-ra-en (Ga 3, 9).

Thái độ và cách cư xử của dân chúng Do Thái ngày xưa đối với Đức Giêsu cho thấy lòng tin của họ được đặt trên cơ sở thực tế, phải có lợi ích trước mắt như lương thực hằng ngày, không bệnh tật đau khổ; nhất là thoát họ khỏi sự thống trị của đế quốc La Mã; họ trông chờ một vị cứu tinh dân tộc xuất hiện và làm thỏa mãn ước mơ của họ, người đó phải xuất thân từ một vương gia, quý tộc và danh giá; do đó, họ đã xem thường và muốn loại trừ Đức Giêsu. Thái độ đó ngày hôm nay vẫn còn tái diễn trong nhiều người tín hữu. Trước nhu cầu cơm áo, gạo tiền và quyền lực; đức tin của không ít người Kitô hữu dần bị suy thoái vì chỉ nghĩ đến cuộc sống vật chất, trần thế mà quên đi đời sống tinh thần và hạnh phúc đích thực mai sau; nhiều người có đạo nhưng đã dần dần không còn giữ đạo, sống đạo.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Đặt trọn niềm tin nơi Đức Giêsu Na-da-rét, Người chính là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để giải thoát nhân loại khỏi quyền lực tội lỗi và ban cho tôi hạnh phúc Nước Trời.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin cho con nhận ra Chúa đang hiện diện đồng hành với con để từng bước dẫn con đến hạnh phúc vĩnh cửu và cho con biết đặt trọn niềm tin vào Người vì Người là Đấng Kitô thiên chúa sai đến để cứu chuộc muôn dân.

SỐNG TIN MỪNG

Xác tín Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ trần gian duy nhất, hôm qua, hôm nay và mãi mãi; đồng thời nỗ lực lắng nghe và thực thi lời giáo huấn của Người trong mọi khoảnh khắc cuộc sống.

Augustin Thuận

Đức Giê-su, sự thật bị dập vùi

“Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?” (Ga 7,48).

Suy niệm: Gần 28 triệu lượt người đã xem trên Youtube về cô bé 12 tuổi nói chuyện tại hội nghị quốc tế về môi trường tại Rio de Janeiro năm 1992. Cô bé Severn Suzuki ấy đã nói về những gì mà người lớn đang làm và hủy hoại hành tinh này từng ngày từng giờ, và đang cướp mất sự sống của thế hệ tương lai. Điều đáng ghi nhận là toàn thể cử tọa, gồm các quan chức của Liên Hiệp Quốc, đã ngoan ngoãn lắng nghe, bởi cô bé này nói đúng quá và thuyết phục quá. Những người Pha-ri-sêu không có được thái độ tôn trọng sự thật như thế. Nghe các vệ binh trầm trồ về Ngài, họ bảo mấy anh này lú lẫn. Nghe dân chúng thán phục Ngài, họ bảo đúng là đám dân đen bị nguyền rủa. Rồi khi được Ni-cô-đê-mô là một người trong số họ nhắc nhở, họ lại cho rằng ông là kẻ ngốc nghếch. Người ta có thể cứng cỏi đến mức đó! Và sự cứng cỏi này dẫn đến cái chết của Con Thiên Chúa!

Mời Bạn: Đi vào trong tâm tư của Chúa Giê-su để đồng cảm với nỗi cay đắng của thiện chí bị chà đạp, của tình yêu bị từ khước, và của sự thật bị dập vùi. Phải chăng ngày nay, trong đời sống đạo đời của chúng ta, không đang diễn ra một mặt trận đấu tranh gay gắt giữa sự thật và sự dối trá, giữa lương tâm và sự cố chấp, giữa  ý thức trách nhiệm và thói cường quyền vô trách nhiệm?

Sống Lời Chúa: Tôi kiên trung đứng về phía sự thật, ngay cả những khi mà điều này đòi tôi phải trả giá.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là sự thật, nhưng Chúa đã bị loại trừ bởi sự cứng cỏi đẫm màu tham vọng và ích kỷ của con người. Xin cho con luôn  chọn Chúa và trung thành với Chúa.

Đã không tin thì đừng mong chấp nhận!

“Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao?… Không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.” (Ga 7,41.52).

Suy niệm: Những lời trên đây cho thấy lập trường hẹp hòi của giới lãnh đạo Do Thái về Chúa Giê-su. Họ nại cớ phải điều khiển ý kiến, dư luận trái chiều của quần chúng để dân không hiểu sai Thánh Kinh và nguy hiểm đến tiền đồ đất nước, nhưng kỳ thật họ muốn loại trừ Chúa Giê-su. Cho rằng không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê để khỏi phải chấp nhận Ngài là Đấng Cứu Thế, họ quên bao nhiêu việc kỳ diệu Đấng Cứu Thế ấy đã làm giữa họ: người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng (x. Mt 11,2-6: Chúa Giê-su trả lời môn đệ ông Gio-an). Tin Mừng đối với giới lãnh đạo đã trở thành tin buồn, tin lo vì trong dân chúng có lời rỉ tai: “Ông này thật là ngôn sứ, ông ấy là Đấng Ki-tô…”

Mời Bạn: Ngày nay bạn và tôi biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế mà chẳng bận tâm Ngài xuất thân từ vùng đất nào, bởi Tin Mừng của Ngài đang lan rộng đến tận chân trời góc biển. Vấn đề còn lại là ta tin Ngài ở mức độ nào. Tin là chấp nhận vô điều kiện những đòi hỏi của đức tin. Tin như các thánh và Hội Thánh tin. Bạn đã tin như thế chưa hay còn nghi ngại?

Sống Lời Chúa: Nếu có nghi ngại, bạn làm gì? – Cầu nguyện, học giáo lý, bàn hỏi… hay cứ để mối hoài nghi ăn mòn lòng tin của bạn?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con muốn thưa với Chúa như Thánh nữ Mác-ta: “Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” (Ga 11,27). Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *