Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Hc 17,1-15 (năm lẻ), Gc 5,13-20 (năm chẵn), Mc 10,13-16
Bài đọc 1: Hc 17,1-15
Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Người.
Bài trích sách Huấn ca.
1Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người,
rồi lại đưa con người trở về đất.
2Người đã ban cho nó một số ngày và một khoảng thời gian,
cho nó quyền thống trị vạn vật trên mặt đất.
3Người mặc cho nó sức mạnh tương xứng với mình,
và theo hình ảnh mình mà làm ra nó.
4Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người,
để chúng thống trị muông chim cầm thú.
6Người ban cho chúng trí khôn, lưỡi, mắt, tai,
và trái tim để chúng suy nghĩ.
7Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh,
tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu.
8Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng,
để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.
10Danh thánh Người, chúng sẽ ca ngợi,
những công trình vĩ đại của Người, chúng sẽ kể ra.
11Người còn ban kiến thức cho chúng,
và cho thừa hưởng luật đem lại sự sống.
12Người đã lập với chúng một giao ước muôn đời,
và tỏ cho thấy những điều Người phán quyết.
13Mắt chúng đã nhìn thấy vinh quang rực rỡ của Người,
tai chúng đã nghe tiếng uy hùng Người phán.
14Người phán bảo : “Các ngươi hãy tránh xa mọi điều bất chính.”
Bổn phận đối với tha nhân,
Người truyền cho ai nấy phải thi hành.
15Đường lối của chúng luôn luôn ở trước mặt Người,
và không bao giờ giấu mắt Người được.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 10,13-16)
13 Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy họ. 14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.
Cứ để trẻ em đến với Thầy (01.03.2025)
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khiển trách các môn đệ, cũng là dạy cho các ông bài học, về việc các ông coi thường các trẻ nhỏ . Tin Mừng kể: “Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng”.
Các trẻ nhỏ được sinh ra trên đời như bao những con người khác, nhưng các em đã bị xã hội coi thường cho đến thời Chúa Giêsu còn rõ điều ấy. “Đàn bà, con trẻ” ngoài vòng pháp luật, họ không được kể tên trong các văn bản. Tin Mừng Mác cô khi tường thuật phép lạ Chúa hóa bánh và cá ra nhiều cũng không nói gì đến họ mà chỉ ghi: “Số người ăn bánh là 5.000 người đàn ông” (Mc 6,44).
Ở đời có câu: “Thế gian chuộng của chuộng công, nào ai chuộng kẻ chơi không bao giờ?”. Các em là đối tượng không được ưa chuộng ấy: Của không có, sức lực cũng không, quyền thế cũng chẳng có gì. Lại còn đang “ăn hại” từ gia đình, từ xã hội thật nhiều nữa thì mới nên hữu ích cho đời. Các em luôn là đối tượng thấp cổ bé miệng, mà giữa một xã hội mạnh được yếu thua thì đời sống các em sẽ ra sao? Người ta kể về thời Chúa Giêsu, họ có thể vất bỏ những đứa trẻ tàn tật nặng bị coi là vô dụng để cho chết hoặc cho thú ăn thịt. Có những chủ nhân trong tay có cả ngàn nô lệ mà chủ có độc quyền trên mạng sống của họ. Thật là kinh khủng!
Vì tội lỗi đau khổ trầm luân ấy, nên đã đến thời Chúa Giêsu phải đến cứu chuộc. Người đã nhìn các em với con mắt quý trọng biết bao. Người đã nhìn thẳng vào tâm hồn các em mà khẳng định đó là những mẫu người sống để được vào hưởng Nước Thiên Chúa: “Cứ để trẻ em đến với Thầy vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”. Đó là sống nghèo nàn, đơn sơ hiền lành ngay thẳng thật thà, dễ tha lỗi lầm, chẳng có gì là của riêng mà chỉ của cha mẹ. Các em đã có gần đủ các mối phúc Chúa dạy.
Chúa Cứu Thế đã làm cuộc cách mạng tình yêu đảo lộn thế giới, dạy ta: “ Yêu kẻ thù, tha thứ cho cả áo trong khi họ muốn chiếm áo ngoài…” Người mưu cầu hạnh phúc cho mọi người ngay từ trần gian này. Còn các em nhỏ một đối tượng đặc biệt : Là tài sản, là khuôn mẫu, là hiện tại, tương lai của Hội Thánh và của nhân loại. Nên Người dạy phải nuôi dưỡng nâng niu, đào luyện chúng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin cậy phải sa ngã, thì thà buộc cối đã lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42). Người còn dạy: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy…người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).
Tin Mừng tình yêu của Chúa dạy: Giáo Hội đã đi đầu thực thi để thế giới có được như hôm nay. Hội Thánh đi tới đâu là ở đó mọc lên trường học, nhà thương, nhà cô nhi quả phụ… Rồi cũng nhờ đó mà mọi tổ chức khác đã thi nhau làm những công việc yêu thương ấy. Những đối tượng “đàn bà, con trẻ” xưa bị bỏ ngoài vòng pháp luật thì nay đã có ngày vui “Quốc tế phụ nữ”, “ Quốc tế thiếu nhi”.
Ngày nay, đến với các xứ ngoài Bắc thì xứ nào chưa kiếm được đất, chưa làm được nhà giáo lý thì từ cha xứ tới mọi người trăn trở chưa yên. Vào Nam thì nghe được chuyện các Sơ, các Thầy phụ trách các lớp học tình thương. Các nhà trẻ Sơ dạy mà có cả các con em cán bộ xin đến học. Có nhà thì sáng đưa con đến lớp của Sơ, còn chiều thì đến lớp ngoài xã để sau này được vào học lớp 1. Thật vui mừng và cảm mến những vất vả của các phụ huynh đây. Các vị đã chăm lo cho con cháu mình một cách trổi vượt mà Chúa Giêsu hơn 2000 năm nay Người đã yêu thương khởi xướng.
Lạy Chúa ! Xin cho con luôn biết yêu mến chăm lo cho các em nhỏ như lời Chúa dạy, để góp phần làm cho các em được biết yêu mến thờ phượng Chúa, cho xã hội và Giáo Hội được yên vui hạnh phúc ngay từ trên đời này. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Nên giống trẻ thơ và có được Nước Trời (25.05.2024)
Trong xã hội Do thái, đàn bà và trẻ em thường không được tính đến, họ có mặt cũng như không. Cả bôn Tin Mừng đếu có trình thuật Chúa Giêsu hoá năm chiếc bánh và hai con cá ra nhiều cho đám đông dân chúng ăn, và đều có thống kê như “số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con” (Mt 14,21), hoặc con số thống kê rất gọn : “số đàn ông là (khoảng) năm ngàn” (Mc 6,44; Lc 9,14; Ga 6,10). Vì vậy không có gì lạ về việc các tông đồ đã la rầy và đuổi lũ trẻ “đi chỗ khác chơi” khi người ta đưa chúng đến với Chúa. Một hành động không thể chấp nhận được vì đã ngăn cản trẻ em đến với Chúa.
Chúa Giêsu không thể đồng tình với các môn đệ về việc này. Người đã la rầy các ông : “Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.”
Và Chúa Giêsu còn dạy dỗ các ông : “ Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.”
Toàn bộ Tin Mừng Chúa Giêsu rao giảng là để người ta tin theo và được vào Nước Trời, thế mà chỉ khi nào người ta giống như lũ trẻ và đón nhận Nước đó với một tâm hồn như chúng thì mới có được Nước đó.
Ắt hản những “người lớn” phải hết sức ngỡ ngàng. Đám trẻ thì biết gì “tư duy”, lý luận, thần học v.v… để có thể rút ra những những tư tưởng, phương pháp chỉ dẫn cho hành động đúng đắn hầu đạt được mục đích.
Nhiều lần Chúa Giêsu đã đề cao những người đàn bà và các trẻ em, như Người đã khen bà goá nghèo là người quảng đại với Thiên Chúa hơn hết những người khác (x. Mc 12,41-44). Còn với trẻ em thì Ngư ời đã dùng làm mẫu mực để khuyên người ta phải nên giống chúng nếu muốn vào Nước Trời.
Tại sao phải nên giống như trẻ thơ thì mới vào được Nước Trời ? Phải chăng vì chúng ngây thơ vô tội ? Vì Thiên Thần của chúng hằng ở trên Trời chiêm ngắm Thiên Chúa (Mt 18,10) ? Hay vì chúng đã có công đóng góp năm chiếc bánh và hai con cá để Chúa Giêsu làm dấu lạ hoá từng đấy bánh và cá cho năm ngàn người ăn no nê ? (x. Ga 6,5-13).
Chúa Giêsu nói : “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” và “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 18,3)
Như vậy muốn vào Nước Trời thì người ta phải trở nên thân phận như trẻ thơ : bé nhỏ, không chút quyền lực, hoàn toàn cậy dựa vào người bảo vệ, nuôi dưỡng mình. Tức là phải biết khiêm nhường nhận ra mình thấp hèn vô dụng đến thế nào trước Thiên Chúa và hoàn toàn tin tưởng phó thác, lệ thuộc vào Ngài.
Muốn được như vậy chỉ có nhìn lại mình, hoán cải, xoá bỏ mình và vác Thập Giá theo Chúa Giêsu thì mới có thể nên giống trẻ nhỏ và có được Nước Trời.
Hơn nữa, trẻ em là tương lai của thế giới. Việc ngăn cản trẻ em đến với Chúa chính là phá hoại Hội Thánh của Chúa. Mỗi Kitô hữu có nhiệm vụ phải tích cực đưa và tạo điều kiện cho trẻ em đến với Chúa, bằng các việc cụ thể từ trong gia đình như cùng đọc kinh chung sáng tối, giúp chúng vào các đoàn thể Thiếu Nhi, tham dự các lớp học giáo lý, các sinh hoạt chung của giáo xứ v.v… chứ không chỉ lo sắp xếp cho chúng đi học về văn hoá.
CHUYỆN ĐỨC TIN CỦA TRẺ THƠ
Một linh mục kể lại.
… Năm ấy tôi hành hương Lộ Đức. Vào buổi chiều, có cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa dành cho các bệnh nhân. Như thường lệ, tôi giơ cao Mặt Nhật Mình Thánh Chúa và chúc lành cho họ. Khi đến hàng ngũ các em bé tàn tật, tôi cũng giơ cao Mình Thánh Chúa và chúc lành cho từng em. Vừa chúc lành xong một em bé và định bước sang em bé bên cạnh, tôi nghe rõ ràng tiếng nói của em bé đó. Em vừa nhìn thẳng Mình Thánh Chúa trong Mặt Nhật vừa thưa:
– “Chúa đã không chữa con lành bệnh. Con sẽ mách lại với Mẹ Chúa cho mà coi”.
Nghe thế, tôi rất đỗi ngạc nhiên và thật cảm động trước tâm tình đơn sơ phó thác của cậu bé tàn tật. Tôi quay trở lại với cậu bé và giơ cao Mình Thánh Chúa, chúc lành cho cậu bé lần nữa. Sau khi nhận lãnh phép lành, bỗng nhiên cậu bé được khỏi bệnh.
(Theo Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt, trang http://www.binhcang.com)
Lạy Chúa Giêsu, con ước ao được mãi là trẻ thơ trong vòng tay của Chúa.
Nhưng cuộc đời con nhiều vất vả gian nan. Những lúc phải tranh đấu vì miếng cơm manh áo, vì sự sống vật chất của gia đình trong thế giới, trong xã hội này, con đã trở thành “người lớn” với những toan tính để có lợi lộc của thế gian. Nhiều phen con phải chịu những ê chề, mệt mỏi, thất vọng, chán chường. Tạ ơn Chúa, trong những lúc ấy Chúa đã nâng đỡ con bằng chính cuộc đời và những Lời của Người, để con có sức đứng dậy tiếp tục chiến đấu đi theo đường lối của Chúa.
Xin Chúa luôn đồng hành và nâng đỡ con, cho con tìm được sự bình an trong Trái Tim Chúa.
Jos. NM Tưởng
Nên như trẻ thơ… (26.02.2022)
Mới đây xã hội hết sức bàng hoàng vụ cha ruột ném đứa con gái mới 5 tuổi của mình xuống sông Trường Giang (Quảng Nam); rồi mẹ ruột dùng dây sạc điện thoại siết cổ đứa con 3 tuổi của mình tới chết tại một nhà nghỉ ở quận Bình Tân, Tp.HCM. Tàn nhẫn hơn, một sinh viên năm 4, trường ĐH. Văn Hóa Hà Nội ném con gái ruột mới 1 ngày tuổi từ tầng 31 chung cư Linh Đàm xuống trước sảnh khu vực tòa nhà HH2A; rồi một ác phụ ở Giồng Riềng (Kiên Giang) dùng gối đè chết 2 con của mình: bé trai 2 tuổi, bé gái 1 tuổi…
Xin đơn cử vài vụ việc thế thôi, chứ kể ra còn khối chuyện ghê rợn nữa. Không ghê rợn sao được khi những bé con này hoàn toàn không thể tự vệ, không một mảy may nghi ngờ những người mà mình thương yêu, tin tưởng nhất lại ra tay tàn độc không còn một chút tình người như thế…
Tin Mừng hôm nay, lệnh truyền rằng:
Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào (x. Mc. 10, 15).
Hơn bao giờ hết, có lẽ Nước Thiên Chúa dễ nhận thấy; Nước Thiên Chúa dễ cảm nhận, dễ hiểu được; và Nước Thiên Chúa dễ dàng chiếm hữu… khi ai đó biết:
Sống hiền hòa, dễ thương như con trẻ chứ không hung ác, chua cay gắt gỏng.
Sống đơn sơ, ngay thẳng chứ không lắm mưu nhiều mẹo, hoặc ăn gian nói dối.
Sống khiêm nhu, vui vẻ chứ không kiêu căng, khích bác, ghen tương.
Sống hòa thuận, tương thân tương ái chứ không chia bè kéo cánh, đố kỵ.
Lạy Chúa, xin cho con biết học đón lấy Nước Trời như trẻ thơ với lòng tin yêu phó thác tất cả. Amen.
CÁT BIỂN
Tâm hồn đơn sơ, trong sáng (21.05.2016)
SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng hôm nay mặc khải về một trong những điều kiện để trở thành công dân Nước Trời.
Tin Mừng thuật lại: Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì có một số người dẫn con cái của họ đến với Đức Giê-su để Người đặt tay trên chúng. Ba mẹ của những đứa trẻ muốn chúng được Đức Giê-su đặt tay trên đầu và ban phước lành, nên đã dẫn chúng đến gần Người. Họ tôn kính Người như một ngôn sứ được Thiên Chúa tuyển chọn, sai Người đến để dạy dỗ họ; họ kính phục và tin tưởng Đức Giê-su vì Người là người của Thiên Chúa. Các môn đệ thấy trẻ em đến thì sợ chúng quấy rầy Đức Giê-su, nên các ông la mắng và không cho chúng đến gần Người. Theo tập tục truyền thống của cha ông để lại, người Do Thái dưới thời Đức Giê-su có sự phân biệt rõ nét đối với phụ nữ và trẻ em trong xã hội, nhất là trong những sự kiện mang tính cách tập thể, đông người; điều này được minh chứng trong hai lần Đức Giê-su thực hiện phép lạ “bánh hóa nhiều” để nuôi dân chúng; thánh ký Mát-thêu đã ghi chép ở lần thứ nhất “năm ngàn đàn ông không kể đàn bà và trẻ con”. như vậy cho thấy đàn bà và trẻ em bị xếp vào hàng thứ yếu ít được quan tâm, tôn trọng; có thể các môn đệ cũng quan niệm như vậy nên đã ngăn cản xua đuổi không cho chúng đến gần vì sợ Đức Giê-su bị quấy rầy.
Trước cách cư xử không mấy thiện cảm của các môn đệ đối với trẻ em như vậy, Đức Giê-su bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng”. Nghe Đức Giê-su nói vậy, có lẽ các môn đệ đã rất ngạc nhiên khi Người đề cao trẻ em như một khuôn mẫu cho những ai muốn vào Nước Thiên Chúa.
Trước nhận định tiêu cực của xã hội: trẻ em thì ham chơi, thích nghịch phá và chưa chín chắn làm chủ hành vi của mình, nên nhiều khi hư hỏng; do đó chúng bị coi thường. Còn Đức Giê-su, người chú ý đến mặt tích cực của trẻ em và chọn đó là một trong những tiêu chí của những ai muốn đón nhận Nước Thiên Chúa: trẻ em thì đơn sơ, biết mình yếu kém, bé nhỏ nên hoàn toàn cậy dựa vào bố mẹ; chúng yêu mến và sẵn sàng tuân phục những giáo huấn, chỉ dẫn của họ.
“Nhân chi sơ tính bản thiện”. Trẻ em vốn có tâm hồn đơn sơ, chúng không vướng bận những lo toan trong cuộc sống và không bị lôi cuốn bởi những mưu kế gian dối, ích kỷ; chúng hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho ba mẹ, để ba mẹ chăm sóc, dìu dắt. Trẻ em còn có tâm hồn trong sáng, bởi chúng chưa bị vẩn đục bởi những ý tưởng xấu xa và dục vọng thấp hèn; chúng luôn thanh thản và vui tươi trong mọi hành động của mình. Chính những tố chất trên làm cho trẻ em trở nên một khuôn mẫu tuyệt vời cho những ai muốn gia nhập Nước Thiên Chúa. Đức Giê-su nhấn mạnh một lần nữa: “Thầy bảo thật anh em, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”. Tâm hồn trẻ thơ thì khiêm tốn hạ mình, đơn sơ và trong sáng, yêu mến ba mẹ và sẵn sàng vâng phục.
Trong hiến chương Nước Trời, Đức Giê-su cũng đã công bố: “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (Mt 5, 8)
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
Hãy có một tâm hồn như trẻ thơ : biết khiêm tốn hạ mình để nhận ra thân phận yếu đuối, bất toàn của mình mà luôn hoán cải và xin ơn tha thứ; đồng thời đặt trọn niềm tin và lòng yêu mến nơi Thiên Chúa, để được Ngài dẫn đưa vào đường lối thánh thiện của Ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin giúp con biết tận dụng ân phúc trong bí tích Thánh Tẩy để biến đổi tâm hồn con nên như trẻ thơ, biết hết lòng yêu mến và tín thác cuộc đời con nơi Chúa quan phòng và luôn sẵn sàng vâng phục Tin Mừng để xứng đáng được vào hưởng hạnh phúc Nước Trời.
SỐNG TIN MỪNG
Khiêm tốn, đơn sơ và tín thác trong mọi hành vi, lời nói vì lòng mến Chúa và yêu mến tha nhân.
Tựa tâm hồn trẻ thơ (01.03.2014)
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào.” (Mc 10,15)
Suy niệm: Nhà khoa học lừng danh Isaac Newton chia sẻ: “Trong đời mình, tôi nhận biết được hai sự thật: thứ nhất, tôi là kẻ hèn mọn tội lỗi và thứ hai, Đức Giêsu Kitô vĩ đại vô cùng là Đấng cứu độ tôi.” Đứng trước Thiên Chúa cao cả và Nước Trời cao quý của Ngài, nhà khoa học, người trí thức hay kẻ ít học đều phải có tâm hồn của trẻ thơ để có thể đón nhận. Tâm hồn trẻ thơ hay con đường thơ ấu thiêng liêng theo chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là cung cách sống như trẻ thơ: ý thức mình thuộc về Chúa, cần đến Chúa là Cha nhân lành, hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Ngài, không tính toán lời lỗ thiệt hơn khi làm theo ý Thiên Chúa hay khi hy sinh từ bỏ để đi theo Ngài.
Mời Bạn: Vào Nước Trời là mục tiêu cao nhất của đời bạn; có tâm hồn trẻ thơ là khả năng nằm nơi tầm tay của bạn. Vấn đề còn lại là bạn có muốn đạt mục tiêu và sử dụng phương cách ấy hay không? Để trả lời cho câu hỏi sinh tử này, bạn cần xác tín hai điều. Trước hết, bạn thấy mình cần có Chúa, cần Ngài tựa như cần không khí để thở. Thứ đến, bạn cũng tin rằng Ngài cần bạn vì Ngài là Cha nhân lành, yêu thương và muốn bạn hạnh phúc.
Sống Lời Chúa: Tôi tập trở nên như tâm hồn trẻ thơ qua việc ý thức mình lệ thuộc vào Thiên Chúa, cũng như hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi tình yêu thương, quan phòng của Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống tâm tình trẻ thơ khi tuyệt đối vâng phục, tín thác vào tình thương của Chúa Cha. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, luôn cậy trông, tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha nhân lành.