Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Gv 11,9 – 12,8 (năm chẵn), Dcr 2,5-9.14-15a (năm lẻ), Lc 9, 43b-45
43b Khi ấy, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Đức Giê-su làm, thì Người nói với các môn đệ rằng : 44 “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây : Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.” 45 Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa. Nhưng các ông sợ không dám hỏi lại Người về lời ấy.
Khổ đau thập giá (28.09.2024)
“Con Người sắp bị nộp vào tay người đời’’
Tin mừng hôm nay dân chúng và các môn đệ vừa chứng kiến một phép lạ Chúa chữa cho một cậu trai khỏi bệnh : “Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa” . Ngay khi ấy Chúa Giêsu lại loan báo một sứ điệp thật nghiệt ngã : “Con người sắp bị nộp vào tay người đời”. Đó là nội dung mà Chúa muốn ta suy niệm về khổ đau thập giá của Chúa và khổ đau của ta hôm nay
Những yếu tố đau khổ và hạnh phúc, thập giá và vinh quang là cặp đôi luôn gắn liền với nhau trên đời này. Muốn đời sống vật chất dồi dào, con người phải vất vả hy sinh. Muốn hạnh phúc càng lớn thì hy sinh càng phải nhiều. Từ khi tổ tông phạm tội, Chúa đã hứa cứu chuộc nhân loại và người đã không đi ngoài quy luật ấy để cứu chuộc loài người.
Chúa Giêsu là Thiên Chúa quyền phép Người có đủ khả năng cứu chuộc con người không phải qua con đường đau khổ cũng như chỉ phán một lời là có muôn loài muôn vật hay chữa khỏi bệnh người ta .
Các tông đồ cũng không chấp nhận đau khổ ,đến nỗi các ông chẳng hiểu Chúa nói gì. Con người ngày nay cũng tương tự: họ sợ đau khổ, coi đau khổ là như tủi nhục, đời không có đau khổ là như tự hào,hãnh diện. Giáo lý Phật giáo coi đời là bể khổ và họ dùng ý chí của mình để thoát tục chứ không cậy nhờ vào một thần linh nào khác.Còn với con cái Chúa đau khổ là hậu quả của tội Nguyên Tổ. Dù đau khổ vẫn là những mầu nhiệm lớn lao của con người nhưng được lời Chúa hướng dẫn : “Ai muốn theo tôi thì phải từ bỏ chính mình,vác thập giá mình mà theo”.
Như vậy bằng sự hy sinh khổ giá Chúa Giêsu đã thánh hóa những đau khổ của chúng ta, cảm thông với chúng ta,làm cho những đau khổ vì chúa được nên công phúc trước mặt Người. Thánh Giáo Hoàng Phaolo V đã dạy: “Đời không có đau khổ thì cuộc đời này chẳng có ý nghĩa gì” . Đúng vậy đau khổ tôi luyện con người nên con người có ý chí, kiên tâm, giúp ta được góp phần vào công trình cứu độ của Chúa.Như lời thánh Augustino : “Để dựng nên con Chúa không cần có con nhưng để cứu chuộc con Chúa cần có con cộng tác’’. Đau khổ còn giúp ta gần Chúa hơn mà xin người nâng đỡ,ban sức mạnh, ban bình an. Như lời Chúa đã dạy “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng tôi tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Một tân cha xứ vừa phàn nàn về giáo dân của mình chẳng mấy đạo đức, Ngài vừa đi thăm con chiên về kể lại : Đi đến đau cũng gặp người ta khoe khoang, kể lể :Có mấy cháu làm cán bộ lương lậu dồi dào, mấy cháu kia làm ăn xa thì hàng tiền bạc gửi về…Chẳng thấy họ bàn gì về đời sống đạo đức, hướng thượng.
Lạy Chúa ! Con cảm tạ Chúa vì công ơn cứu chuộc khổ đau thập giá Chúa đã dành cho con. Xin Chúa luôn nâng đỡ những đau khổ con chịu hàng ngày, nhất là cho con biết yêu mến chịu đau khổ vì Chúa, vì tha nhân để nên bình an hạnh phúc cho con ở đời này và đời sau. Amen.
Giuse Ngọc Năng
Đường thập giá là đường đến vinh quang (30.09.2023)
Sau khi chứng kiến công việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời của Chúa Giêsu cùng với các dấu lạ Người làm, các môn đệ và dân chúng hết sức thán phục Chúa Giêsu.
Dân chúng thán phục vì những gì Chúa Giêsu giảng dạy “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1,28). Nhất là những dấu lạ cả thể Chúa Giêsu mới làm như hoá năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ cho năm ngàn người ăn no nê; trừ một loại quỷ dữ mà các môn đệ cũng không trừ được. Dân chúng coi Chúa Giêsu là một ngôn sứ, là người có khả năng đáp ứng những nhu cầu của họ một cách khác thường như là thần thánh (x. Mt 21,10-11).
Các môn đệ thán phục Thầy mình không chỉ vì những lý do tương tự như dân chúng thán phục Chúa Giêsu, mà các ông còn tin tưởng, kỳ vọng vào Chúa Giêsu hơn nữa, các ông hiểu Chúa Giêsu như ông Simon Phêrô đã tuyên xưng : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9,12).
Sự hiểu biết, tin tưởng và hy vọng của các môn đệ vào Chúa Giêsu được thể hiện trong lời nói của hai môn đệ trên đường về Emmaus : “Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.” Và : “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en.” (Lc 24, 19.21). Các ông hiểu Chúa Giêsu là Đấng Kitô con Thiên Chúa, là đấng Messia của dân Israel, Đấng phải đến để cứu thoát Israel khỏi ách cai trị của đế quốc Rôma.
Nhất là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê đã thấy vinh quang của Thầy mình khi Ngài biến hình trên núi, thì càng tin rằng ngày Chúa Giêsu khôi phục Israel đã sắp đến rồi.
Để đưa các Tông đồ quay về với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng Nước Trời mà Ngài đã sai các ông đi trước trước đó, Chúa Giêsu đã nhắc lại sứ mệnh và con đường Ngài phải đi. Đó là con đường Vâng Phục của Người Tôi Tớ đau khổ mà ngôn sứ Isaia đã mô tả (Is 53). Sự vâng phục, đón nhận cuộc khổ nạn đau thương đã được Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha làm hiến lễ Tình yêu và là nguồn Cứu Rỗi loài người.
Chúa Giêsu kêu gọi các Tông đồ “hãy ghi vào lòng những lời này” để hiểu mầu nhiệm của sự đau khổ và chấp nhận và cùng đi con đường Thập Giá với Ngài. Nhưng tâm lý nôn nóng và những mơ tưởng danh vọng, địa vị, quyền cao chức trọng đã che khuất, đã làm cho các tông đồ không còn nhận ra, và có phần không chấp nhận, những điều Chúa muốn các ông hiểu trong giáo huấn của Ngài. Lần thứ Nhất khi Chúa Giêsu loan báo cuộc thương khó mà Ngài phải chịu, ông Simon Phêrô đã can gián Ngài. Lần thứ hai này khi Chúa lập lại điều Ngài sẽ phải chịu với lời dặn dò : “Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời” thì các ông tuy chưa hiểu hết, nhưng cũng đã cảm nhận sự bất thường, có mối đe doạ đến tương lai của Thầy trò. Thầy mình uy quyền phép tắc như thế mà sao lại có thể BỊ NỘP ? Các ông đã sợ sự thật nên không dám hỏi Chúa.
Là Kitô hữu, tôi được học giáo lý từ bé, được nghe các vị chủ chăn giảng dạy, có các phương tiện để học hỏi Lời Chúa, nên đã được được hiểu về sứ mệnh của Chúa Giêsu như vẫn đọc trong kinh Tin Kính : “ Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế… và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta…; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết… “
Cuộc đời con người đầy những khổ đau. Tính tự nhiên của con người là muốn thoát khỏi những khổ đau ấy, dù phải gây ra những tội ác, hoặc tàn phá đời sống của mình với vui thú truỵ lạc, nghiện ngập, chứ không chịu chấp nhận đau khổ để đi đến thành công và hạnh phúc.
Chúa Giêsu đã chỉ cách theo Ngài đến vinh quang là phải vác thập giá hàng ngày mà theo Ngài. Nhưng có vẻ tôi chỉ chấp nhận con đường Thập Giá trên lý thuyết. Thực tế tôi vẫn luôn chọn lựa những phương thế để dễ dàng có cuộc sống đầy đủ thoải mái nhất. Những lời cầu nguyện hằng ngày vẫn chỉ là xin Chúa đáp ứng những nhu cầu để tôi thành đạt trong cuộc sống. Tôi cũng như các Tông đồ xưa vẫn tin tưởng và hy vọng vào Chúa sẽ thực hiện những mơ ước thế tục của mình mà bỏ qua không chịu biết Chúa muốn tôi làm gì.
Thánh Giêrônimô, linh mục Tiến sĩ Hội Thánh mà Giáo hội nhớ đến hôm nay là một tấm gương tỉnh thức. Ngài từ bỏ việc làm trong triều đình vua, từ bỏ triết học Cicero là thứ ông rất đam mê, từ bỏ ngành học Tu Từ mà ngài rất giỏi và rất thành công, từ bỏ những nơi làm việc tiện nghi tại Rôma để đến vùng Đất Thánh sống đời tu hành khiêm tốn và chuyên cần nghiên cứu, dịch toàn bộ bộ Thánh Kinh tứ tiếng Hy lạp và tiếng Do Thái sang tiếng La tinh. Bản dịch Thánh Kinh của ngài được gọi là bản Phổ thông (Vulgata) cho đến nay vẫn được Giáo hội coi như bản dịch duy nhất và truyền dùng trong khắp cả Giáo hội.
Lạy Chúa Giêsu, trí óc con cũng như các môn đệ xưa chỉ nghĩ tới những chuyện thế gian, con chỉ cầu nguyện xin Chúa lo cho con có một đời sống thoải mái dễ chịu mà không cần biết tới Chúa muốn con làm gì.
Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Giêrônimô, xin Chúa tha thứ cho mỗi lần chúng con không quan tâm tới những đau khổ Chúa đã chịu để giải thoát chúng con. Xin cho chúng con biết chấp nhận và đi theo ơn gọi : “Hãy vác thập giá mình mà theo Ta” để xứng đáng là môn đệ của Chúa. Amen.
Jos, NM Tưởng
Qua đau khổ đến vinh quang (24.09.2022)
Ghi nhớ
“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. (Lc 9, 44).
Suy niệm
Một phụ nữ được các bác sĩ cho biết là chị đang mắc cơn bệnh nan y. Nghe vậy, chị cảm thấy như có một ngọn lửa bừng lên trong lòng và muốn nói với Chúa rằng chị muốn bỏ Ngài. Thế là giữa đêm khuya, chị bỏ bệnh viện, đi thẳng đến nhà nguyện để gặp Chúa, trước cung thánh chị thốt lên:
Ôi, Chúa ơi, ông đã phỉnh phờ lừa dối tôi. Đã hơn 2000 năm qua, ông tự nhận mình là tình yêu, nhưng mỗi lần có ai đó được hạnh phúc một chút, là ông lập tức lại cho họ trắng tay. Tôi muốn nói cho ông biết là tôi chán ông lắm rồi, từ giờ đây, giữa tôi và ông không còn mối liên hệ gì nữa.
Người phụ nữ chỉ nói được thế rồi ngã quỵ, không còn đủ sức đứng lên được nữa. Nhưng trong ánh sáng mờ ảo trên cung thánh, chị bỗng nhận ra một hàng chữ thêu trên tấm thảm trước mặt chị: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.
Vừa nhìn thấy thế, bỗng cơn giận trong chị tan biến. Chị gục đầu vào đôi tay. Từ trong tĩnh lặng của nhà nguyện, và trong sâu thẳm của cõi lòng, người phụ nữa ấy như nghe thấy có tiếng nói với mình:
Con biết không? Tất cả chỉ là lời mời gọi để hướng đời con về với Ta. Con chưa bao giờ làm như thế. Các bác sĩ đã làm hết sức mình để chữa trị cho con, nhưng chỉ một mình Ta mới có thể cho con được sức mạnh.
Đức Giê-su xuống thế gian vì vâng lời Đức Chúa Cha để Cứu Chuộc nhân loại. Con đường mà Ngài dùng để Cứu Chuộc loài người là con đường thập giá. Con đường đau khổ và tử nạn.
Đây là lần thứ hai Đức Giê-su loan báo cho các môn đệ hay biết điều này, nhưng các ông không hiểu và mặc dù không hiểu nhưng các ông lại cũng không một ai dám hỏi Thầy.
Lúc Chúa nói, các ông đang trong tâm trạng vui mừng trước sự vinh quang và quyền năng của Thầy Giê-su; Thầy làm cho kẻ chết sống lại, khử trừ, xua đuổi ma quỷ… Vì thế các ông không thể hình dung ra một Đấng uy quyền, cao cả như vậy mà phải bị nộp vào tay người đời để rồi bị họ hành hạ, sỉ vả và cuối cùng đem treo lên cây thập tự mà giết đi.
Đức Giê-su đã mặc khải cho các môn đệ cũng như cho chúng ta về mầu nhiệm Cứu Chuộc nhân loại của Thiên Chúa, để từ dó chúng ta hiểu được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người cao vời và sâu thẳm như thế nào! Và khi hiểu biết điều này rồi, chúng ta phải có thái độ sống như thế nào để đáp lại cho cân xứng với tình thương yêu đó.
Một chân lý mà Đức Giê-su muốn cho mọi người được hiểu là: Chỉ qua đau khổ mới dẫn đến vinh quang. Đức Giê-su là Đấng vô tội, thế mà Ngài còn phải chịu đau khổ, bị người đời khinh khi, bị đòn vọt tan nát tấm thân và cuối cùng trần trụi treo trên thập giá! Còn chúng ta những con người mang đầy yếu đuối, tội lỗi thì trách làm chi khi phải chịu đau khổ.
Là thân phận con người, ai cũng phải chịu đau khổ, nhưng đau khổ sẽ trở nên có giá trị khi chúng ta biết nhìn lên Chúa Giê-su để xin kết hợp những đau khổ mà mình phải chịu với Ngài, để đền những lỗi tội vì đã xúc phạm đến Chúa và anh em mình. Ngược lại, nếu vì đau khổ mà ta giận hờn, ca thán trách móc Chúa thì không những ta chẳng nhận được lòng thương xót của Chúa mà còn làm mất lòng Ngài và những đau khổ ta phải chịu hoá ra vô ích mà thôi.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, xin ban cho chúng con cảm nhận được tình Ngài yêu thương chúng con dường nào, để từ sự hiểu biết đó chúng con sẽ dùng những đau khổ trong tâm hồn cũng như thể xác trong cuộc sống chúng con phải chịu do hậu quả của tội lỗi, dâng lên Ngài, để xin ơn tha thứ, sức mạnh và bình an. Amen.
Sống Lời Chúa.
Vui lòng chịu mọi thử thách, mọi khó khăn vì lòng kính mến Thiên Chúa.
Đaminh Trần Văn Chính.
Hiểu… (25.09.2021)
Hiểu, gồm 3 白 (bộ Bạch – trắng) gộp lại, được viết trong Hán tự là 皛 (sáng sủa, rõ ràng). Kiểu tượng hình thật ấn tượng; bởi lẽ một “trắng” là đủ rõ, đàng này tới 3 “trắng”, nghĩa là quá sức sáng (sáng sủa) và quá sức rõ (rõ ràng).
Tin Mừng theo thánh Lu-ca hôm nay chỉ có vỏn vẹn hai câu rưỡi. Ngắn và đúng là ngắn. Đã trình bày một viễn cảnh quá sáng, và một lời tuyên bố của Đức Giê-su quá rõ. Nhưng có một điều thú vị là trong ẩn nghĩa chơi chữ ở đây, thay vì nghe Chúa tuyên bố một cách quá rõ, quá sáng các môn đệ phải dư sức “HIỂU” thế nhưng các rất bất ngờ là các ông lại “KHÔNG HIỂU” và cũng “KHÔNG MUỐN HIỂU” chi cho cực thân (sic).
Hóa ra lâu nay, các môn đệ đi theo Chúa Giê-su là để được mọi người trầm trồ khen ngợi, để mình cũng được “hiển dung” sáng láng giống Chúa, và cũng để mình làm được phép lạ, chữa lành mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền như thầy của mình bấy lâu nay. Còn chuyện từ bỏ mình, vác thánh giá mình theo thầy mình lên núi Sọ thì các ông chưa nghĩ tới và chưa hình dung ra con đường thập giá chính là Con Đường Khải Hoàn Vinh Thắng.
Từ đó, phải hiểu rằng: Ai muốn đạt tới vinh quang muôn đời thì phải can đảm, tin tưởng, và bước từng bước theo Chúa Giê-su trên Con Đường Thập Giá !
Lạy Chúa, xin cho con hiểu được rằng: Theo Chúa là sẵn lòng bước đi trên con đường hẹp đòi hỏi nhiều hy sinh để từ bỏ, và vui vẻ đón nhận một thập giá trên vai mình. Amen.
CÁT BIỂN
Tình yêu tự hiến (26.09.2020)
Trình thuật Tin Mừng hôm nay là lời tiên báo cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su cho các môn đệ lần thứ hai. Các môn đệ không hiểu lời tiên báo, vì đối với các ông lời đó còn bí ẩn., đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa.
Các ông không sao hiểu được là phải. Thầy mình chưa bao giờ chịu khuất phục trước trước một sức mạnh nào từ sóng to, gió lớn, cuồng phong bão tố; các loại bệnh hoạn tật nguyền; các bệnh do quỷ ám, ma nhập; thậm chí còn cho kẻ chết sống lại (x. Lc. 4,33-36; 5,12-13; 7,11-16; 8,22-36; 8,49-56; và 9,37-43). Thế mà bây giờ thầy Giê-su lại nói: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44). Khi nghe Chúa Giê-su nói thế, các môn đệ hết sức bối rối, lo sợ nhưng không dám hỏi lại Chúa. Các ông băn khoăn: Chả nhẽ một bậc thầy “bất khả chiến bại” như Đức Giê-su giờ đây lại chịu thua bại vào tay người đời này ư ?
Phải ! Chính khi đối diện với đau khổ (trong cuộc Thương Khó), chấp nhận đau khổ, hy sinh vì đau khổ… Chúa Giê-su đã mặc cho đau khổ một ý nghĩa cao quý – Tình Yêu Tự Hiến hay Hiến Lễ Tình Yêu – Chấp nhận đau khổ, vượt qua đau khổ bằng cái chết trên thập hình mới chiếm hữu vinh phúc phục sinh.
Lạy Chúa, giữa muôn nghìn khổ đau và thử thách của cuộc sống, xin Chúa cho con biết đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác vào tình yêu tự hiến của Chúa. Amen.
CÁT BIỂN
Đau khổ – bài học khó hiểu (28.09.2019)
Ngày 28.09: Lễ Nhớ THÁNH ÐA MINH I-BA-NHÊ Ê-QUI-XI-A, và các bạn Tử đạo
Bài Tin Mừng hôm nay, tường thuật lời tiên báo về cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su lần thứ hai.
Chúa Giê-su đã dong ruổi khắp xứ Pa-lét-tin để giảng dạy muôn dân, đi tới đâu Ngài chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền; làm nhiều phép lạ cho kẻ đói ăn, cho người khát uống; xua trừ ma quỷ; tha thứ cho các tội nhân…
Quyền năng và uy danh của Ngài làm ma quỷ khiếp sợ; mọi người kinh ngạc, bỡ ngỡ. Chính lúc các tông đồ ngất ngây sự nổi tiếng của thầy mình, tự hào về quyền năng của thầy mình, thì các ông lại hết sức ngỡ ngàng về lời tiên báo cuộc Thương Khó và Đau Khổ sắp đến, mà thầy Giê-su phải chịu:
“Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9,44).
Một Giê-su đầy uy lực trước nay sẽ phải lùi bước trước một thế lực khác. Một Giê-su – Ngôi Hai Thiên Chúa lại phải chấp nhận chịu khổ hình và chết thảm thương trên cây thập hình.
Lời tiên báo của Chúa Giê-su đã làm các tông đồ hết sức bối rối và sợ hãi. Các ông không hiểu lời tiên báo đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa sự đau khổ mà Thầy của mình sắp phải chịu (x. Lc 9,45).
Chấp nhận con đường đau khổ – con đường thập giá – Là chấp nhận con đường Chúa đã đi qua. Chấp nhận con đường Chúa đi chính là chấp nhận chết cho cái tôi của mình, để ký thác đường đời của mình cho Chúa.
Đây quả thật là vấn đề khó hiểu và khó chấp nhận. Như các tông đồ khi xưa, hôm nay đây tôi cũng có những phản ứng tiêu cực trước ý nghĩa đau khổ, và sự chết.
Lạy Chúa, xin cho con can đảm chấp nhận những đau khổ, chướng ngại trong đời; để con biết ý nghĩa lễ Vượt Qua của đời mình. Amen.
CÁT BIỂN
“Tái Ông thất mã” (30.09.2017)
30 Tháng Chín Thánh Giêrônimô, Linh mục, Tiến sĩ Hội Thánh (340 – 420)
Cuộc sống đôi khi không êm đềm như người ta vẫn hằng mong mỏi. Thế nhưng, nếu nó cứ lặng lẽ trôi mà không hề có biến cố nào, chẳng phải sẽ nhàm chán lắm sao? Thế nên, Thiên Chúa mới ban cho mỗi người một cây thánh giá để vác hằng ngày, không phải để chúng ta mất niềm tin vào cuộc sống, mà là để ta biết trân trọng những giây phút bình an khi vượt qua những khó khăn, thử thách đó. Tuy nhiên, cách đón nhận thánh giá ấy của mỗi người lại không hề giống nhau: kẻ bi quan thì than vãn, trách móc Chúa; người lạc quan lại thầm cảm tạ Người vì thánh giá ấy vừa sức mình. Bên cạnh đó, cũng có những người cho rằng họa, phúc là chuyện thường tình, có họa ắt sẽ có phúc, gặp phúc rồi cũng sẽ lại gặp họa, đó là kiểu người có suy nghĩ tương đồng với nhân vật Tái Ông trong điển tích “Tái Ông thất mã”.
Chuyện kể rằng, thuở xưa, ở biên giới phía bắc Trung Hoa, có một ông lão thường gọi là Tái Ông. Ông có một con ngựa khỏe. Một ngày nọ, con ngựa ấy chạy sang nước láng giềng. Hàng xóm đến chia buồn, ông bảo: “Tôi tuy mất ngựa, nhưng đó có thể lại là điều tốt”. Quả thật, vài ngày sau, con ngựa ấy quay trở lại và dẫn theo một con tuấn mã. Hàng xóm đến chia vui, ông lại bảo: “Tôi được ngựa quý, nhưng sợ rằng đó chẳng phải là điềm lành”. Một hôm, con trai ông cưỡi con tuấn mã ấy, chẳng may bị gãy chân. Hàng xóm lại đến chia buồn, ông bảo: “Con trai tôi tuy gãy chân, nhưng đó chưa hẳn đã là điều không may”. Không lâu sau, nước láng giềng kéo sang xâm lược, trai tráng trong làng đều bị xung quân và tử trân gần hết, duy chỉ có con trai của Tái Ông bình an vì bị gãy chân. Lúc ấy, hàng xóm mới nhận ra suy nghĩ thâm thúy của ông.
Trên thực tế, cuộc sống của con người không thể tránh khỏi rủi ro. Thế nhưng, cách đón nhận những rủi ro ấy mới tạo nên sự khác biệt của mỗi người. Những kẻ bi quan thường đầu hàng trước số phận. họ hay nghĩ rằng, việc bản thân gặp chuyện không may là do số phận đen đủi hoặc Thiên Chúa đã bỏ quên họ rồi. Họ không nhận ra được chính thái độ bi quan đó đã khiến họ đánh mất động lực để tiếp tục sống. Ngược lại, những người lạc quan không bao giờ bỏ cuộc trước khó khăn, họ xem đó là những thử thách Thiên Chúa dành tặng cho mình và quyết tâm vượt qua bằng hành động cùng những lời cầu nguyện.
Sống trên đời, chẳng có niềm hạnh phúc nào là bất tận. Thế nhưng, có những người lại an tâm với cuộc sống hiện tại, mải mê chìm đắm trong hạnh phúc và vinh hoa tầm thường. Do đó, khi niềm hạnh phúc ấy bị cướp đi, họ cảm thấy vô cùng hụt hẫng, trời đất như quay cuồng. Phút chốc, mục đích sống của họ không còn nữa. Cuộc sống vốn dĩ họa phúc luân phiên, có phúc ắt sẽ có họa, có họa rồi sẽ lại gặp phúc. Nếu nhận thức được điều đó, chắc hẳn chúng ta sẽ không quá đau buồn khi hạnh phúc vụt khỏi tầm tay, cũng như chẳng còn mải mê chìm lắm trong niềm hạnh phúc hữu hạn ở đời này.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến vấn đề ấy. Khi thấy dân chúng còn đang bỡ ngỡ, hạnh phúc với những phép lạ mình làm, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Qua đó, Người muốn các môn đệ của mình phải ý thức rằng, niềm vui hiện tại sẽ không còn lâu nữa, hãy chuẩn bị tinh thần cho những biến cố sắp tới. Thế nhưng, Người nói điều đó không chỉ để các ông mủi lòng hay mất niềm tin mà ngược lại, Chúa muốn tỏ ra cho các ông biết đằng sau nỗi đau mất mát ấy lại chính là niềm vui cứu độ được đánh đổi bằng chính mạng sống của Người. Người muốn cho chúng ta nhận ra niềm vui rồi cũng sẽ trôi qua và thay vào đó là nỗi đau, nhưng sau nỗi đau ấy lại là niềm hạnh phúc gấp vạn lần.
Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng đã một lần thất bại hoặc gặp khó khăn, gian nan, thử thách. Tuy nhiên, cách vượt qua nỗi đau của chúng ta không hề giống nhau, điều đó thể hiện đức tin và bản lĩnh của mỗi người. Vui vẻ đón nhận nỗi đau ngay sau niềm vui là một điều không hề đơn giản. Vì thế, ngoài việc phải “trung dung” trong mọi vấn đề, chúng ta còn cần phải có ơn trợ giúp từ Thiên Chúa. Hãy chạy đến cùng Người, Người sẽ chẳng bỏ rơi bất cứ ai. Đặc biệt, chúng ta phải ghi nhớ rằng: “Khi cực suy cũng là lúc khởi thịnh, khi mà cực thịnh tức là sắp suy”. Họa phúc xoay vần, đừng quá đắm chìm trong hạnh phúc, cũng đừng nên bi quan trong đau khổ, vì Thiên Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn Ngài vì những ơn lành hồn xác Ngài đã ban cho chúng con. Xin Ngài đoái thương đến những tâm hồn yếu đuối đang trông ngóng sự trợ giúp của Ngài. Không có Chúa, chúng con chẳng thể làm gì được. Vì thế, xin Ngài luôn đồng hành cùng chúng con trong lúc vui cũng như khi sầu não, để chúng con có thêm niềm tin và sức mạnh để vác thánh giá Ngài đã ban, hầu có thể sống xứng đáng với tình yêu Ngài đã dành cho chúng con. Amen.
Petrus Sơn
Sẵn sàng để theo Chúa (24.09.2016)
Thánh Pacifio ở San Severino (1653-1721)
SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại tâm trạng của đám đông sau phép lạ Đức Giêsu dùng lời quyền năng quát mắng quỷ ô uế đang hành hạ một đứa trẻ và xua trừ quỷ xuất ra khỏi đứa trẻ khốn khổ đó. Mọi người chứng kiến sự việc đều kinh ngạc vì ma quỷ cũng sợ hãi, vâng phục Người.
Đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ và vui mừng về việc Đức Giêsu làm, thì Người tỏ lộ cho các môn đệ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”. Trước lời tiên báo của Đức Giêsu về thời điểm Người sắp phải thực hiện sứ vụ mà Chúa Cha giao phó để hoàn tất công trình Cứu độ nhân loại; các môn đệ bàng hoàng, lo âu.
“Con người sắp bị nộp vào tay người đời”. Qua lời tiên báo, Thầy Giêsu sẽ bị các đầu mục và kỳ lão trong dân bắt bớ, hành hạ như một kẻ tội đồ; (vì trên thực tế, giới lãnh đạo tinh thần người Do Thái, nhất là các kinh sư và người Pha-ri-sêu luôn thù ghét, tìm cách bắt bẻ, chống đối và muốn loại trừ Người); tuy nhiên việc này làm sao có thể xẩy ra được khi Người đầy quyền năng trong lời giảng dạy và cả trong việc người làm, điển hình vừa mới đây Người đã chữa cho đứa trẻ khỏi bị quỷ ô uế nhập và hành hạ; hơn nữa những dấu kỳ, phép lạ Người đã làm minh chứng Người quyền năng và Người đang được dân chúng ngưỡng mộ; cả các ông cũng thế, các ông tin và đi theo Người với kỳ vọng xã hội Do Thái sẽ được biến đổi với các tập tục truyền thống trở nên nhẹ nhành hơn và cuối cùng dân tộc cũng sẽ được giải thoát khỏi sự thống trị của đế quốc La-mã.
Việc “Con người sắp bị nộp vào tay người đời”, đặt các môn đệ vào tình huống phải chọn lựa: duy trì niềm tin Người là con Thiên Chúa, là Chúa và là Đấng Mê-si-a, Đấng sẽ đem lại cho mọi người hạnh phúc và sự sống đời đời; đồng thời củng cố đức tin và kiên vững, cùng Người bước vào cuộc thương khó mà nhiều lần Người đã mặc khải cho: “Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo ”. Hoặc các ông có thể bỏ cuộc, dừng chân để tìm sự an nhàn tạm bợ.
Các Môn đệ phân vân không hiểu lời nói của Đức Giêsu nhưng các ông vẫn kiên vững đi theo Người.
Ngày nay, nhiều người theo đạo, giữ đạo theo truyền thống gia đình, họ đã đón nhận đức tin và sống đức tin ấy một cách máy móc; việc tuân giữ lề luật của Chúa, của Giáo hội tùy thuộc vào “lương tâm” vào hoàn cảnh do đó khi gặp thử thách, khó khăn trong cuộc sống họ rất dễ dàng “bỏ qua”
Nhờ ân sủng bí tích Rửa Tội, mỗi người được lãnh nhận đức tin để thuộc về Đức Kitô, bước theo Người và thực thi thánh ý Chúa Cha mà được nên đồng hình đồng dạng với Người. Điều quan trọng chúng ta phải xác tín niềm tin của mình nơi Đức Giêsu Kitô, bước theo Người và để Lời Người biến đổi.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
“Lắng nghe cho kỹ” Lời Thiên Chúa qua việc đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngưỡng lời “Kinh Thánh” để nhận ra mặc khải của Người và sẵn sàng bước theo; vì Người luôn hiện diện và đồng hành với tôi trong cuộc từng ngày.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin ban thêm cho con đức tin và lòng yêu mến nhiệt thành để con biết sẵn sàng bước theo Chúa, tìm kiếm thánh ý Chúa và nỗ lực thực hiện để biến đổi cách sống nên tốt đẹp, ý nghĩa hơn.
SỐNG TIN MỪNG
Hãy lắng tai nghe cho kỹ Lời Chúa phán và sẵn sàng bước theo Người.
Báo cuộc thương khó (26.09.2015)
“Mọi người đều kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa.” Dân tình đang kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa nơi Thầy Giê-su. Thầy chữa bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền chẳng cần thuốc thang, chữa bệnh kinh phong, trừ được những loại quỷ quái ác nhất, hồi sinh kẻ chết, Thầy mới biến hình sáng rực trên núi…
Thầy đang nổi tiếng lẫy lừng, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Thầy làm, thì Thầy lại nói với các môn đệ, đoàn tùy tùng theo Thầy, đang hy vọng được cùng hiển trị với Thầy rằng: “Phần anh em, hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây: Con Người sắp bị nộp vào tay người đời.”
Thầy nói vậy có nghĩa là Thầy… sắp phải chết. Thầy bảo lắng tai mà nghe cho kỹ, chẳng biết các ông có lắng nghe hay không, “nhưng các ông không hiểu lời đó, vì đối với các ông, lời đó còn bí ẩn, đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa.” Đang khỏe re thịnh đạt lại nói ra mình sắp phải chết, ai nghe vậy mà chẳng thấy hụt hẫng và sợ, huống hồ các môn đệ là những người hiền lành chất phác, nhát sợ nên không dám hỏi lại về điều ấy. Nếu là chúng con ngày nay chắc đã dãy nảy lên, hoặc là sẽ xua tay bàn lùi như ông Phê-rô hôm nào. Thầy đang đầy quyền uy cao cả của Thiên Chúa như thế, sao lại chịu bị nộp vào tay người đời mà chết cho khổ, sao lại có chuyện ngược đời như vậy được?
Các ông không thể hiểu nổi một Thiên Chúa quyền uy như thế mà lại chọn con đường đau khổ để cứu độ con người. Các ông sợ vì các ông không dám đương đầu với cái chết của Thầy. Thầy mà chết, hy vọng được cùng thống trị với Thầy sẽ tan thành mây khói.
Còn bỡ ngỡ vì ngược đời hơn, sức mạnh của loài người hèn hạ, lại treo Đấng quyền năng lên thập giá mà sỉ nhục và giết chết.
Chỉ sau khi Thầy Phục Sinh, được Chúa Thánh Thần mở trí và cho sức mạnh can đảm, các ông mới hiểu đường lối cứu độ của Thầy mình, họ sẵn sàng can đảm ra đi làm chứng cho Thầy cho dù phải chết đau thương. Cái chết lúc này không phải thất bại nhục nhã, mà là chiến thắng vinh quang, khác xa cái nhìn của loài người.
Còn chúng con hôm nay cũng chưa hiểu nổi, nên vẫn hoài tìm kiếm vinh quang trước mắt, vẫn trốn tránh khó khăn đau khổ. Chỉ khi được mật thiết thâm sâu trong Chúa, chúng con mới hiểu đường lối của Chúa. Trong Chúa chúng con nhìn rõ cách thức yêu thương của Chúa trong từng biến cố, từng cuộc đời của mỗi con người trần thế.
Một khi được gặp gỡ và nhận ra đường lối yêu thương của Chúa, chúng con luôn sống hạnh phúc bình an, hoan lạc ngay trong cuộc đời phù vân, nay còn mai mất, hôm nay vui sướng, ngày mai đau khổ tàn tạ chợt đến bất cứ lúc nào.
Én Nhỏ
Can đảm đón nhận mọi đau khổ (26.09.2015)
1. Ghi nhớ: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời “ (Lc 9,44)
2. Suy niệm: Đây là lần tứ hai, Đức Giêsu loan báo về cuộc thương khó mà Người sắp chịu ở Giêrusalem. Cho đến nay, danh tiếng Chúa Giêsu đã vang lừng khắp cõi Palestina, thậm chí người ta muốn tôn Ngài lên làm vua. Điều này làm cho các môn đệ Ngài thích thú. Nhưng đây là lần thứ hai Chúa Giêsu cảnh báo các ông. Ngài đến trần gian để cứu độ nhân loại không phải bằng binh mã hay quyền lực trần thế. Công cuộc cứu độ của Ngài không phải chỉ đơn giản là giải thoát chúng ta khỏi kẻ thù là Đế quốc Rôma nhưng đưa ta ra khỏi nô lệ của tội lỗi mà kẻ thù này nguy hiểm hơn là Satan. Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải can đảm đón nhận mọi đau khổ trong cuộc đời với tinh thần muốn kết hợp với Đức Kitô chịu đóng đinh để đền tội lập công cho mình và tha nhân.
3. Sống Lời Chúa: Niềm tự hào dân Chúa là thập giá Đức Kitô.
4. Cầu nguyện: Xin Chúa Giêsu, xin cho con hiểu được những giá trị của đau khổ, thua thiệt, mất mát trong đời này như thập giá đưa con vào nước trời vĩnh cửu. Amen.