11. Giáo phận Bắc Ninh
Kính gửi quý cha, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể gia đình Giáo Phận,
Nguyện xin Chúa ban cho mọi thành phần trong Giáo Phận ơn bình an.
Thưa cộng đoàn!
Như chúng ta đã biết năm mục vụ 2019 là năm Hội đồng giám mục mời gọi toàn thể cộng đoàn tín hữu giúp đỡ các gia đình đang gặp khó khăn bằng những việc làm cụ thể. Trong dịp tất niên vừa qua tôi đã gặp gỡ và lắng nghe đại diện các giáo hạt chia sẻ về đời sống xã hội và đời sống đức tin ngày nay. Qua đó có thể thấy một trong những khó khăn lớn xảy ra nơi các gia đình hôm nay thường phát sinh từ chính những người trẻ. Vì vậy nhân dịp Mùa Chay Thánh này, toàn thể Giáo Phận chúng ta hãy cùng nguyện xin Chúa ban ơn nâng đỡ. Đồng thời, chúng ta hãy cùng suy gẫm, chia sẻ với nhau nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực để đồng hành và giúp đỡ người trẻ trở nên “chứng nhân” Tin Mừng qua việc nên “muối men” giữa lòng xã hội hôm nay.
- Trước tiên chúng ta thấy rằng, sự phát triển về kinh tế – xã hội đã thúc đẩy người trẻ thêm năng động, và sáng tạo hơn nhằm đáp ứng nhu cầu và thích nghi với những đòi hỏi của công việc. Thế nhưng, hệ lụy của nó là phá vỡ đi cấu trúc truyền thống của gia đình, cộng đoàn, xứ họ. Vì học hành, mưu sinh mà người trẻ phải sống xa nhà nên thiếu đi sự bao bọc, bảo vệ của gia đình và cộng đoàn. Cùng với đó, các nhà thờ dần trở nên vắng bóng người trẻ, giờ kinh, giờ lễ ở nhiều nơi chỉ toàn người già. Đời sống đức tin ngày một phai nhạt thể hiện qua việc người trẻ ít tham dự thánh lễ, ít xưng tội hiệp lễ, tỉ lệ sống thử gia tăng, hôn nhân vội vàng rồi “vội bạc” gây ra những đau khổ cho bản thân, lo lắng cho gia đình và làm xáo trộn trật tự xã hội.
- Trước thực tế muối men đã đang dần phai nhạt, tôi mời gọi các bạn trẻ hâm nóng lại đời sống đức tin của mình bằng những việc làm cụ thể như sau: thứ nhất, các bạn hằng ngày nhớ đến Chúa bằng việc cầu nguyện dâng Chúa ngày mới khi vừa thức dậy, xét mình, thống hối và tạ ơn Chúa trước khi đi ngủ; thứ hai phải thường xuyên liên lạc với gia đình, cộng đoàn, xứ họ, sắp xếp về thăm ông bà, cha mẹ, người thân bất cứ khi nào có thể; thứ ba tìm kiếm, quy tụ nhau để thiết lập các cộng đoàn xa quê liên hệ, kết nối với giáo xứ, giáo phận để được định hướng và làm gia tăng tình liên đới; thứ tư thu xếp công việc để không bỏ lỡ lễ Chúa nhật, siêng năng xưng tội hiệp lễ; thứ năm tích cực tham gia vào các công việc bác ái thiện nguyện, tích cực trong công việc chung của giáo hội; thứ sáu tận dụng những phương tiện truyền thông xã hội để theo dõi các sinh hoạt của Hội Thánh, để học giáo lý, để suy niệm và chia sẻ Lời Chúa, để nghe thánh ca và nghe các bài giảng ý nghĩa….
- Trách nhiệm đồng hành và giúp đỡ người trẻ trước nhất thuộc về ông bà, cha mẹ và anh chị em ruột thịt. Muốn đồng hành được thì các bậc phụ huynh và người thân phải là người gương mẫu và hiểu rõ tính cách cũng như tâm sinh lý của con cái mình. Tiếp đến, chính các bậc phụ huynh phải chủ động và thường xuyên liên lạc với con em mình để giúp đỡ và nhắc nhở về bổn phận của người Công Giáo. Việc liên lạc với con em ở xa ngày nay đã trở nên thật dễ dàng. Nhờ điện thoại thông minh và mạng xã hội mà cha mẹ có thể “tai nghe mắt thấy” con cháu mình ở bất kỳ đâu trên thế giới. Vì vậy, các bậc phụ huynh cũng phải tích cực học cách sử dụng các thiết bị điện tử viễn thông tân tiến nhằm duy trì kết nối và trao đổi thông tin cách nhanh chóng và hiệu quả nhất, đặc biệt là những gia đình có con em đi học hay làm ăn ở nước ngoài thì càng cần thiết hơn.
- Như đã nói ở trên, sự phát triển kinh tế – xã hội đã làm thay đổi cấu trúc của các xứ họ. Hiện nay chúng ta thấy xuất hiện hai thái cực di dân, đó là việc các bạn trẻ trong các xứ họ đi lao động và học tập ở nơi khác, ngược lại cũng có rất đông các bạn trẻ từ các nơi khác đến các xứ họ, giáo phận chúng ta học tập và lao động. Bởi vậy, giáo phận và các xứ họ phải chú trọng đặc biệt đến công tác mục vụ di dân. Trên địa bàn giáo phận, các khu công nghiệp ngày một mọc lên nhanh chóng, số lượng người trẻ tới làm việc cũng không ngừng gia tăng. Vì vậy, ban mục vụ di dân giáo phận phải phối hợp với các giáo xứ có đông anh chị em di dân nhằm quy tụ và tổ chức cho các anh chị em này thành hội, thành nhóm để cầu nguyện, tham dự thánh lễ, học hỏi Kinh Thánh, giáo lý, tổ chức những buổi gặp mặt hội thảo hay văn nghệ để nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Đồng thời, mỗi xứ họ cũng phải thiết lập ngay một ban mục vụ di dân của mình để thống kê và thường xuyên cập nhật thông tin của các bạn trẻ đang học tập và lao động ở xa. Từ đó có cách thức quy tụ các bạn vào các dịp thuận lợi để nhắc nhở, trợ giúp và khích lệ nhau trong đời sống đức tin và cuộc sống thường ngày. Ở cấp giáo phận, ban mục vụ di dân phải nắm bắt kịp thời thông tin ở những nơi có nhiều bạn trẻ của giáo phận tới sinh sống, học tập, và làm việc dù trong nước hay ngoài nước để kịp thời liên hệ và quy tụ các bạn này lại với nhau thành các hội- nhóm có sinh hoạt định kỳ và liên kết trực tiếp với giáo xứ, giáo phận quê hương.
- Môi trường xã hội có phần nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn là một thách thức không hề nhỏ với đức tin của người Công giáo trẻ nhưng đó cũng là cơ hội để các tín hữu Chúa trở nên chứng nhân Tin mừng bằng việc tôn trọng, xây dựng công bằng xã hội, đồng thời yêu thương, chăm sóc những người yếu thế, cô thân trong xã hội. Để từ đó, các tín hữu nhất là các bạn trẻ không chỉ giữ đạo cho riêng mình, sống đạo trong gia đình, truyền đạo nơi cộng đoàn mà hơn cả là cùng Chúa ta đi vào đời, dấn thân Loan báo Tin mừng hầu trở nên “men muối” cho đời, “ánh sáng” cho thế gian. Thực thi được những việc cụ thể ấy là chúng ta đang chung tay xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống ở ngay chính môi trường xã hội nơi chúng ta đang sống.
Mùa chay là dịp thuận lợi để chúng ta hồi tâm nhìn lại cuộc sống của mình, để rũ bỏ con người cũ hầu mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô. Nhờ vậy mà mỗi gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận sẽ trở nên tươi mới và phát triển. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta trở nên muối men cho đời, “muối mà nhạt đi thì lấy gì ướp lại” (Mt 5, 13), do vậy mỗi tín hữu đặc biệt là các bạn trẻ phải ý thức về sứ mệnh của mình. Khi ngọn lửa đức tin được thắp sáng bằng đức ái thì những thách đố, khó khăn sẽ bị đốt cháy và trở nên ngọn lửa Tin mừng. Ước mong sao mỗi thành viên trong gia đình giáo phận, nhất là những người trẻ trở nên “muối mặn” và “men nồng” làm cho Tin Mừng Chúa phục Sinh thấm nhuần vào mọi con người, mọi ngõ ngách trong xã hội. Nguyện xin Đức Mẹ Mân Côi và các thánh tử đạo Bắc Ninh chuyển cầu cho chúng ta.
Bắc Ninh, thứ Tư Lễ Tro năm 2019
Cosma Hoàng Văn Đạt, SJ.
Giám Mục Bắc Ninh
(Đã ký)
Tải file word
10. Giáo phận Xuân Lộc
Toà Giám mục Xuân Lộc, ngày 28 tháng 02 năm 2019
Thư Chung
Gửi Gia đình Giáo phận
MÙA CHAY 2019
và Anh Chị EmGiáo hữu Giáo phận Xuân Lộc.Anh Chị Emrất thân mến,
Hiệp cùng toàn thể Hội Thánh, ngày 06 tháng 3, chúng ta cử hành Lễ Tro để khai mạc Mùa Chay Thánh. Nhân dịp này, tôi xin gửi đến toàn thể gia đình Giáo phận và mọi người đang cư ngụ trên mảnh đất Giáo phận, lời nguyện chúc chân thành: “Chúc anh chịem được đầy tràn lòng thương xót, sự bình an và tình thương.” (Gđ 1,2).1. “Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con” (Tv 25,16)
Thiên Chúa chúng ta là “Đấng giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô.”[1].Chúa Giêsu, được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu chuộc nhân loại lầm than tội lỗi, đã không ngừng bày tỏ lòng thương xót cho mọi người: Ngài đi tìm chiên lạc (x. Lc 15,4-7), kêu gọi “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28), Ngài mong muốn thiết tha cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Được lòng Chúa thương xót thúc đẩy, tôi tha thiết mời gọi toàn thể gia đình Giáo phận, “chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” (Dt 4,16). Tôi cũng muốn dùng lời Thánh Phaolôđể mời gọi: “Nhân danh Đức Ki-tô, tôi nài xin anh chị em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2Cr 5,20) và “phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh chị em trong Đức Ki-tô.” (Ep 4,32).
Với tinh thần và nỗ lực trên, tôi mời gọi tất cả chúng ta cùng “quyết tâm sống Mùa Chay này như Mùa Chay năm nay sẽ là ‘Mùa Lòng Thương Xót’ cho Giáo phận chúng ta”[2].
Thể theo đề nghị của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu từ Năm Thánh Lòng Thương Xót 2016, tôi kêu gọi các Giáo Xứ, Hội Dòng trong Giáo phận cố gắng thực hiện “24 Giờ Cho Chúa”, kết hợp với việc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải vào thứ Sáu và thứ Bảy ngày 29 và 30 tháng Ba. Hình thức và thời gian có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh của mỗi Giáo xứ và Hội Dòng, để giúp mọi người cảm nghiệm sâu xa hơn Lòng Thương Xót của Chúa, đồng thời cầu nguyện đặc biệt cho Giáo Hội và Giáo Phận.
Trong tâm tình Lòng Thương Xót, chúng ta đặc biệt quan tâm đến những gia đình gặp khó khăn là đối tượng ưu tiên của chương trình mục vụ năm Phụng Vụ 2018 – 2019 của Giáo phận.
Theo thánh ý Thiên Chúa, gia đình phải là tổ ấm yêu thương, các thành viên không ngừng cảm thông và nâng đỡ nhau trong hành trình nên thánh. Thế nhưng vì thực tế thân phận con người mỏng giòn, nhiều gia đình lại biến thành nguồn gốc của đau khổ. Tôi tha thiết mời gọi những gia đình đang gặp khó khăn hãy đến với Chúa, nhất là qua Bí tích Hòa Giải và Bí tích Thánh Thể, để được an ủi, đỡ nâng. Nhờ đó, anh chị em sẽ canh tân các tương quan trong gia đình để tìm lại niềm vui của tình yêu thuở ban đầu và trở nên “Dấu chỉ lòng thương xót của Chúa”.
+ Với cộng đoàn:
Chia sẻ bác ái là một việc làm truyền thống của Mùa Chay và là một việc làm thích hợp với các cộng đoàn. “Giữa một thế hệ gian tà, sa đọa, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).Những chia sẻ bác ái, đặc biệt những cuộc thăm viếng của các giới, các hội đoàn trong giáo xứ đến với những gia đình đau khổ, những gia đình lương dân sẽ tỏa sáng lòng thương xót và là cách thế truyền giáo đầy thuyết phục. Những hỗ trợ vật chất cho các gia đình gặp khó khăn không những giúp đỡ họ trong cơn ngặt nghèo mà còn giúp bản thân người giúp đỡ được giải thoát khỏi tính ích kỷ và lo lắng thái quá cho đời này.[3]
+ Với các linh mục:
Để khích lệ và hỗ trợ cho hành trình hoán cải, hòa giải và canh tân hạnh phúc gia đình, với năng quyền của Giám Mục Giáo Phận, tôi ủy thác cho các Cha Giải Tội trong Giáo phận,kể cả các Cha khách, trong suốt Mùa Chay và Mùa Phục Sinh, từ Thứ Tư Lễ Tro (06.3.2019) đến hết Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (09.6.2019),được quyền ban Bí tích Hòa Giải và tha vạ cũng như hình phạt cho các hối nhân trong những trường hợp sau đây:
Phá thai là tội ác rất trầm trọng, nhưng bất cứ ai đã phạm tội này mà thành tâm ăn năn hối cải và trở về với Thiên Chúa giầu lòng thương xót thì vẫn được Ngài đón nhận và tha thứ.“Trong tình thương yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, không tội nào là không thể tha thứ, một khi đã nhìn rõ trái tim rớm máu”.
Các linh mục miền Nam Việt Nam đã nhận được quyền tha vạ được ghi trong Bản Năng Quyền Thập Niên 1971-1980 số 23 (tr. 47)[4];sau đó, quyền tha vạ này đã được các Đức Giám Mục Giáo phận tiền nhiệm của tôi ban cho quý Cha trong Giáo phận khi trao Bản Năng Quyền Thập Niên này cho các Tân Linh Mục; trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban quyền tha vạ cho tất cả các Linh mục trong Giáo Hội. Nay tôi xin xác địnhviệc trao cho quý Cha giải tội Năng Quyền tha vạ phá thai.Xin quý Cha Giải Tội lấy lòng thương xót đón nhận các hối nhân thành tâm thống hối, khích lệ, nâng đỡ, ban ơn tha tội và tha vạ cho họ.
Những lý do đưa đếnviệc làm này có thể rất khác nhau; có người vì nhẹ dạ, có người đã bị xâu xé trong lòng trước khi hành động. Nhưng tất cả, khi đến Tòa Cáo Giải đều là những hối nhân nài van lòng thương xót của Chúa. Xin quý Cha Giải Tội lấy lòng thương xót đón nhận các hối nhân này, nâng đỡ họ trong đời sống Đức Tin, đồng thời ban ơn tha tội và tha cho họ hình phạt chiếu theo quy định của Giáo phận.
Sau cùng, với lòng quý mến, tôi muốn ký thác cho quý Cha, quý nam nữ Đan sĩ, quý Cụ Cao niên,quý Anh Chị Em đang gánh chịu những đau khổ xác hồn sứ mạng cao cảlà dâng lên Thiên Chúa những đau khổ cùng với lời cầu xin tha thiết để cầu cho con cái của Giáo phận từ chủ chăn đến đoàn chiên kiên trì dấn thân trên hành trình Lòng Thương Xót.
Xin Mẹ Maria mở rộng cánh tay hiền mẫu che chở và xin Thánh Giuse, Quan Thầy Giáo phận cầu bầu cho đoàn Dân Chúa trong Giáo phận được ơn canh tân cuộc sống theo tinh thần Lòng Thương Xót để Giáo phận trở thành “Thánh địa của Lòng Thương Xót”.
Thân mến chào Anh Chị Em.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
9. Giáo phận Phát Diệm
Tải bản PDF tại đây
8. Giáo phận Đà Nẵng
8. Giáo phận Quy Nhơn
THƯ ĐỨC GIÁM MỤC GIÁO PHẬN
NHÂN NGÀY ĐẦU MÙA CHAY 2019
Anh chị em thân mến,
1. Với thứ tư Lễ Tro, chúng ta cùng với toàn thể Hội Thánh bước vào hành trình Mùa Chay, để chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Phục Sinh. Theo lời Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp Mùa Chay năm 2019, số 3, “Mùa Chay mời gọi các Kitô hữu thể hiện mầu nhiệm Vượt Qua cách sâu sắc và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, trên hết qua việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí”. Dựa theo chủ đề mục vụ năm 2019 của Hội Thánh Việt Nam là “đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”, chương trình mục vụ năm nay của Giáo phận Qui Nhơn chúng ta được thể hiện theo khẩu hiệu: “Gia đình vượt khó, có Chúa cùng vui”. Mùa Chay chính là thời gian tuyệt vời và thuận lợi nhất để chúng ta thực hiện khẩu hiệu này.
2. Trước hết, chúng ta hãy sống Mùa Chay này trong niềm vui, “vì Chúa ban cho các tín hữu hằng năm được hân hoan đón chờ mầu nhiệm Vượt Qua với tâm hồn đã được thanh tẩy” (Kinh Tiền tụng Mùa Chay I), và vì xác tín về sự hiện diện của Chúa, như lời Chúa Giêsu đã dạy trong Tin Mừng: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay… Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,16-17). Trong suốt Mùa Chay này, mỗi người chúng ta hãy đem niềm vui vì có Chúa hiện diện đến cho những gia đình đang gặp khó khăn, qua việc chay tịnh, cầu nguyện và làm phúc bố thí.
3. Chay tịnh là phương thế giúp mỗi người chúng ta từ bỏ con người tội lỗi của mình, để nối lại mối dây thân tình với Thiên Chúa và tha nhân, sẵn sàng để cho tình yêu lấp đầy sự trống rỗng do tội lỗi gây nên trong con tim chúng ta, từ đó chúng ta xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất trong sự hiện diện của Chúa, nhờ đó mỗi người biết quên mình để đem lại hạnh phúc cho người thân. Nhìn sang bên cạnh, nếu thấy có những gia đình bất hạnh, vì vợ chồng bất thuận, ly hôn, hoặc đang sống trong tình trạng rối hôn phối, chúng ta hãy tìm cách giúp họ thực hiện tinh thần chay tịnh, tức là sám hối để giao hòa với Thiên Chúa và với nhau, nhờ đó có thể hàn gắn những đổ vỡ và phục hồi hạnh phúc thuở ban đầu.
4. Để việc chay tịnh đạt được kết quả mong muốn, mỗi người cần phải nối kết nó với việc cầu nguyện. Cầu nguyện là mở rộng tâm hồn cho Thiên Chúa, để nhận ra sự hiện của Ngài trong cuộc đời chúng ta và để đón nhận những ơn lành cùng với sự trợ giúp của Ngài. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta gia tăng và nâng cao phẩm chất của việc cầu nguyện hằng ngày, nhất là việc cầu nguyện chung trong gia đình, để mỗi người luôn ý thức về sự hiện diện của Chúa trong gia đình, nhờ đó gia đình luôn được an vui và có sức vượt qua mọi đau khổ hoặc gian nan thử thách. Chúng ta cũng hãy hiệp ý cầu nguyện cho các gia đình đang sống trong những hoàn cảnh khổ đau vì có những người bệnh tật hoặc già cả neo đơn, giúp họ cầu nguyện hoặc cùng cầu nguyện với họ.
5. Việc ăn chay và cầu nguyện được liên kết với việc làm phúc bố thí để chia cơm sẻ áo với những người nghèo khổ, đặc biệt những gia đình gặp khó khăn về vật chất do thất nghiệp, thiếu điều kiện sản xuất, thiếu nhà ở hoặc không có nơi cư trú xứng hợp, phải sống trong tình trạng thiếu ăn thiếu mặc, thiếu thuốc men cho người già cả bệnh tật, con cái suy dinh dưỡng và không được học hành, v.v. Qua việc làm phúc bố thí, chúng ta làm cho người nghèo nhận ra sự hiện diện của một vị Thiên Chúa đầy lòng thương xót đối với họ, chẳng những luôn quan tâm săn sóc họ, mà còn tự đồng hóa với họ qua Con yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô, và khi chúng ta giúp đỡ người nghèo là chúng ta phục vụ chính Chúa.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và đồng hành với mỗi người chúng ta trong suốt Mùa Chay thánh này, để chúng ta thực hiện được những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa và Hội Thánh mong muốn, đồng thời chuẩn bị tâm hồn xứng đáng đón nhận niềm vui Phục Sinh.
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
7. Giáo phận Vinh
Kính thưa quý cha,
quý tu sĩ nam nữ,
anh chị em giáo dân thân mến,
Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta sắp khai mạc Mùa Chay năm 2019. Chúng tôi xin gửi đến Cộng đoàn Dân Chúa Giáo Phận Vinh Thư Mục Vụ này, với mong ước rằng tất cả chúng ta sống Mùa Chay cách thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa và mang lại lợi ích cho nhiều người.
Chúng ta biết rằng Mùa Chay kéo dài từ Thứ Tư Lễ Tro đến Thứ Năm Tuần Thánh, gợi nhớ 40 năm hành trình của dân Do Thái trong sa mạc hướng về Đất Hứa và sự kiện Chúa Giêsu Ăn Chay 40 đêm ngày trong hoang địa, trước khi khởi đầu sứ vụ công khai của Người. Tiếp đến là Tam Nhật Vượt Qua diễn tả biến cố Chúa Giêsu chịu khổ hình, chịu chết và sống lại. Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội cử hành canh thức Vọng Phục Sinh, là mẹ của các Lễ Vọng, là khởi đầu Mùa Phục Sinh, được cử hành long trọng và hân hoan suốt 50 ngày sau đó.
Như vậy, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh là hai Mùa Phụng Vụ quan trọng nhất, qua đó Giáo Hội tưởng niệm và diễn tả mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Vì tầm quan trọng đó, Giáo Hội dành Mùa Chay để chuẩn bị tâm hồn tín hữu cho xứng đáng, và Mùa Phục Sinh để mừng Chúa sống lại.
Trong Mùa Chay, Giáo Hội kêu gọi Dân Chúa thực hành 4 việc sau đây: Sám hối, Cầu nguyện, Ăn chay và Làm việc bác ái.
- Sám hối: Vì tội lỗi nhân loại, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, mà Chúa Giêsu đã phải chết. Ngài chết thay cho tất cả chúng ta. Ngài mong chúng ta sám hối tội lỗi, trở về với Thiên Chúa, như đứa con hoang đàng trong dụ ngôn ‘người cha nhân hậu’ (x. Lc 15,11-31). Sứ điệp đầu tiên của Ngài khi bắt đầu rao giảng là “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Tinh thần sám hối trải dài trong đời sống Kitô hữu, cách đặc biệt trong Mùa Chay. Mỗi người hãy thu xếp công việc để tham dự tĩnh tâm, lắng đọng tâm hồn, nhận thức mình đang ở trong tình trạng nào để giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh qua Bí Tích Hòa Giải. Đừng bỏ xưng tội trong Mùa Chay! Xin quý cha tổ chức tĩnh tâm cho các giới và dành thời gian ngồi toà giải tội để giúp các hối nhân. Giáo phận sẽ tổ chức ‘24 giờ cho Chúa’ vào thứ Sáu 29 tháng 3 tới, trong ngày đó mỗi giáo xứ sẽ chầu Thánh Thể trọn ngày và các linh mục ngồi toà giải tội cho giáo dân.
- Cầu nguyện: Mùa Chay cũng là thời gian thuận tiện để cầu nguyện, như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21, 36). Xin anh chị em hãy chuẩn bị cho mình tâm hồn sâu lắng và cầu nguyện thân tình với Thiên Chúa, tham dự các giờ kinh sáng tối ở nhà thờ hay tư gia. Có cầu nguyện, chúng ta mới có ơn Chúa để thắng vượt những cám dỗ của ma quỷ, thế gian, xác thịt.
- Ăn chay: Chúa Giêsu đã ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày trước khi bắt đầu sứ vụ công khai. Hiện nay, Giáo Hội dạy chúng ta giữ chay hai ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh. Xin anh chị em cố gắng ăn chay kiêng thịt trong hai ngày này. Giữ chay vừa có ý nói lên lòng chúng ta sám hối tội lỗi, đồng thời củng cố tinh thần chúng ta, hầu có thể vượt thắng các cám dỗ. Dĩ nhiên, với người già lão (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới tuổi khôn (7 tuổi), phụ nữ mang thai và nuôi con sơ sinh, người bị đau ốm bệnh tật thì được miễn.
- Làm việc bác ái: Đây là nét đẹp của Kitô giáo chúng ta. Chúa Giêsu dạy: “Hãy cho đi thì sẽ được cho lại. Người sẽ lấy đấu hảo hạng đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con” (Lc 6,38). Thánh Phaolô cũng nhắc lại lời dạy của Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Chúng ta làm việc bác ái trong mọi nơi, mọi lúc, đặc biệt, trong Mùa Chay, chúng ta cần ý thức hơn. Chúng ta hãy rộng tay chia sẻ vật chất và tình thương với những người đói khổ, nghèo hèn. Hãy làm việc bác ái trong niềm vui và yêu thương. Chúng ta chẳng nghèo vì cho đi, trái lại, chúng ta được giàu có thêm, bởi vì những gì chúng ta cho đi vì tình thương là những gì chúng ta tích lũy cho cuộc sống mai hậu của mình. Hưởng ứng định hướng mục vụ năm nay của Hội đồng Giám mục Việt Nam là đồng hành với những gia đình gặp khó khăn, chúng ta hãy thăm viếng, an ủi, khích lệ những gia đình bên bờ đổ vỡ, chia ly hay những cặp vợ chồng mỗi người mỗi ngả, con cái thiếu tình thương cha mẹ… giúp họ vững tin vào Chúa và sống tốt trong mọi hoàn cảnh.
Hy vọng rằng truyền thống đạo đức sâu sắc bao đời của con cái Giáo phận Vinh sẽ gia tăng luôn mãi và được thể hiện cách đặc biệt trong trong Mùa Chay này.
Anh chị em thân mến,
Với tư cách Giám mục Giáo phận Vinh, tôi xin chân thành cám ơn tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận, từ Đức cha Phụ tá đến quý cha, quý tu sĩ và anh chị em giáo dân đã cầu nguyện, chúc mừng, chung tay tổ chức Thánh lễ tựu chức của tôi vào ngày 12-02-2019 vừa qua. Thánh Lễ thật tốt đẹp, để lại ấn tượng khó phai nhòa trong lòng mọi người tham dự tại Nhà thờ Chính tòa Xã Đoài, cũng như qua các phương tiện truyền thông. Xin Chúa ban nhiều ơn lành cho anh chị em vì lòng quảng đại của anh chị em dành cho tôi.
Trong Mùa Chay, chúng tôi sẽ thực hiện các chuyến thăm mục vụ các giáo xứ, nhằm mục đích nhận định, hiểu biết hoàn cảnh đặc thù và nhu cầu của mỗi nơi, làm quen với quý cha, quý tu sĩ và anh chị em giáo dân, nhờ đó chúng tôi có thể phục vụ cách hiệu quả hơn.
Nhờ sự chuyển cầu của Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, Bổn mạng Giáo phận, xin Thiên Chúa ban phúc lành cách đặc biệt cho tất cả chúng ta trong Mùa Chay Thánh này.
Toà Giám mục Xã Đoài, ngày 28 tháng 02 năm 2019
+ Anphong Nguyễn Hữu Long
Giám mục Giáo phận
+ Phêrô Nguyễn Văn Viên
Giám mục Phụ tá
6. Giáo phận Bùi Chu
Kính gửi : Quý Cha, quý Phó tế, quý Tu sĩ nam nữ, quý Chủng sinh,
Quý Chức ban hành giáo và toàn thể anh chị em giáo dân giáo phận Bùi Chu
Trước hết tôi xin gửi tới tất cả mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận lời chào thăm sức khỏe và lời cầu chúc bình an trong Chúa và Mẹ Maria.
Mùa Chay Thánh năm nay bắt đầu từ ngày 06/03/2019. Trong mùa này, Giáo hội mời gọi chúng ta ăn năn sám hối, trở về với Chúa, chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để bước vào Tuần Thánh, nhất là Tam Nhật Thánh, thời gian Giáo hội cử hành trọng thể những biến cố Chúa Giêsu đã thực hiện để cứu chuộc nhân loại. Bước vào Mùa Chay Thánh, chúng ta cũng được mời gọi các đặc biệt suy niệm và theo sát Chúa Kitô trong mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Người.
Để có thể suy niệm, theo sát Chúa Kitô và cử hành xứng đáng những màu nhiệm cứu chuộc, Mùa Chay Thánh năm nay, tôi xin anh chị em lưu ý về việc sống tinh thần sám hối và thực hành việc hy sinh hãm mình. Sống tinh thần sám hối là nhận biết thân phận yếu đuối tội lỗi của con người, sự tốt lành thánh thiện và lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa. Việc sống tinh thần này giúp mỗi người chúng ta biết quay trở về với Chúa, xin Chúa xót thương và là điều kiện để Chúa thứ tha tội lỗi và ban ân sủng cho chúng ta. Sống tinh thần sám hối, không những giúp mỗi người chúng ta cố gắng làm hòa với Thiên Chúa mà còn thôi thúc chúng ta làm hòa với người khác và giúp người khác làm hòa với nhau. Các riêng trong năm mục vụ gia đình này, đó là việc đồng hành và giúp cho việc hòa giải trong các gia đình đang gặp hoàn cảnh khó khăn, những gia đình bất hòa, ly tán…
Việc thực hành hy sinh hãm mình là những việc làm cụ thể đẹp lòng Thiên Chúa, chứng tỏ tinh thần sám hối của mỗi người chúng ta. Nhất là khi chúng ta biết dâng những hy sinh hãm mình, kết hợp với chính Hy Lễ của Chúa Kitô trên Thập giá và với những đau khổ của anh chị em đồng loại. Khi đó, những hy sinh hãm mình của chúng ta, nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, sẽ giúp ích cho phần rỗi của chúng ta và phần rỗi của cả những người khác. Có nhiều cách thức để chúng ta thực hiện việc hy sinh hãm mình. Xin đề nghị với anh chị em vài việc làm cụ thể : Tránh nghĩ xấu, nói xấu về người khác – giảm bớt những chi tiêu hằng ngày không cần thiết để làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khổ, người già cả neo đơn, trẻ em bị khuyết tật, mồ côi, bị bỏ rơi không nơi nương tựa…
Ước gì Mùa Chay Thánh năm nay là thời gian thuận tiện, qua việc sống tinh thần sám hối và thực hành việc hy sinh hãm mình, giúp chúng ta thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội, giúp cho đời sống đức tin của cả giáo phận ngày càng thăng tiến. Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
Thân mến chào anh chị em
Ấn ký
+ Tôma Vũ Đình Hiệu
Giám mục Bùi Chu
*Xin quý Cha cho đọc thư này tại các nhà thờ vào các Thánh Lễ thứ Tư Lễ Tro ngày 06/03/2019
5. Giáo Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Nhật
Anh chị em rất thân mến,
Vào ngày 06 tháng 3, chúng ta sẽ bước vào Mùa Chay Thánh, qua nghi thức xức tro. Mùa Chay là mùa mời gọi hối cải, quay trở về với Thiên Chúa Tình Yêu qua việc hòa giải với Chúa, hòa giải với anh chị em bằng cách bỏ đi những hành vi, những lối sống tội lỗi, những thói quen ích kỷ, và cố gắng sống bác ái với mọi người một cách cụ thể, bằng những việc hy sinh, hãm mình và luôn quảng đại chia sẻ về tinh thần, cũng như vật chất với những anh chị em thiếu thốn, đau khổ.
Mùa Chay là mùa của hối cải, của quay trở về với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, để xin Ngài tha thứ và cứu chuộc chúng ta.
Trong thời gian 40 ngày Mùa Chay này, Thiên Chúa mời gọi chúng ta một cách đặc biệt biết xé lòng, nghĩa là biết bỏ đi sự ích kỷ, chỉ nghĩ đến những quyền lợi cá nhân, để có thể quảng đại chia sẻ với những người nghèo khổ, thiếu thốn; biết sống công bằng, tôn trọng quyền lợi, của cải của tha nhân; sống trong sự thành thật: có nói có, không nói không; không trộm cắp, không lỗi đức công bằng. Nếu chúng ta ăn chay, kiêng thịt, mà trộm cắp, gian dối, thì đối với Chúa chỉ là sự nhục mạ. Nếu chúng ta sáng đi lễ, chiều đọc kinh, mà ly dị giả, làm hôn thú giả, thì chúng ta chỉ thờ Chúa ngoài môi miệng và Chúa sẽ không bao giờ đón nhận chúng ta, như Ngài đã từng xua đuổi những người biệt phái, những kẻ giả hình trong thời của Ngài: “Ta không biết các ngươi là ai”.
Xin Chúa giúp chúng ta biết lợi dụng thời gian ân sủng của 40 ngày chay thánh này, để biết quay trở về với Chúa trong tâm tình sám hối, chay tịnh, trong việc hãm mình và biết hòa giải, yêu thương phục vụ anh chị em trong các việc bác ái, từ thiện và tha thứ.
Tháng ba cũng là tháng Giáo Hội đặc biệt kính nhớ Thánh Cả Giuse, gương mẫu cho các bậc làm chồng, làm cha và lao động. Thánh Cả Giuse đã sống một cuộc sống thánh thiện trong sự âm thầm yêu mến, phục vụ Thiên Chúa qua bổn phận của một người cha, một gia trưởng trong công việc khiêm tốn hàng ngày. Xin cho chúng ta cũng biết noi gương Ngài, hy sinh nuôi dưỡng con cái trong sự khiêm tốn và đạo đức. Chúng ta cũng cầu xin thánh cả Giuse, quan thầy của Giá Hội Việt Nam, cầu bầu cùng Chúa thương ban cho quê hương Việt Nam sớm được thoát ách cộng sản vô thần, để mọi người dân Việt Nam được sống trong hạnh phúc đích thực, được tự do tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tổ quốc, làm cho người dân được sống trong bình an.
Tháng 3 năm nay là thời gian ân sủng mà Chúa đặc biệt ban cho Giáo Đoàn công giáo Việt Nam tại Nhật, Chúa đã vui nhận những hiến tế của các anh chị em, thành viên của Giáo Đoàn chúng ta, được diễn tả qua những thánh lễ truyền chức linh mục, các lễ khấn dòng. Vào ngày 23 tháng 3, Giáo Đoàn sẽ có thêm một tân linh mục, đó là thầy Giuse Nguyễn Thành Hy, Dòng Ngôi Lời truyền giáo, sẽ được Đức Giám Mục Giáo Phận Nagoya truyền chức linh mục tại nhà thờ chính tòa Nanzan. Xin chân thành chúc mừng và tạ ơn Chúa với tân linh mục, Giáo Đoàn luôn đồng hành với cha trong hành trình mục vụ của cha qua lời cầu nguyện, và qua những hy sinh khiêm tốn âm thầm. Xin Đức Kitô, Linh Mục đời đời, ban cho cha thật nhiều ơn lành và niềm vui để cha luôn quảng đại phục vụ dân Chúa.
Cũng vào ngày Ngày 23 tháng 3, em Têrêsa Hoàng thị Tính, thuộc dòng Phanxicô Bệnh Viện, Nibuno, Hyogo-Ken, sẽ được tuyên khấn lần đầu.
Ngày 24/3, tại nhà nguyện dòng nữ Thánh Giuse Truyền Giáo Osaka, sơ Nguyễn thị Thương sẽ được khấn trọn đời và hai em Maria Hoàng thị Thiên và Maria Nguyễn thị Tình sẽ được tuyên khấn lần đầu.
Ngày 25/3, tại nhà nguyện dòng Thánh Tâm Truyền Giáo ở Fujisawa, 3 em: Maria Trần thị Chiến, Rosa Nguyễn thị Sáng và Anna Trần thị Yến sẽ được tuyên khấn lần đầu. Cũng vào ngày đó, tại Nibuno, Hyogo-Ken, em Têrêsa Phạm thị Thúy Kiều, thuộc Dòng Đức Mẹ Dâng Mình, sẽ được tuyên khấn lần đầu.
Chúng ta cũng hiệp lòng cám tạ Chúa, vì Chúa luôn quảng đại ban thêm cho Giáo Đoàn chúng ta những vị mục tử, những nữ tu mới, đã luôn quảng đại dâng hiến cuộc đời của mình để phục vụ Chúa và Dân Ngài.
Giáo Đoàn của chúng ta cũng muốn mời gọi mọi người trong Giáo Đoàn trong tháng 3 này, cầu nguyện đặc biệt cho các anh chị em Kitô hữu đang bị bách hại trong các quốc gia Hồi Giáo quá khích, các nước cộng sản, đặc biệt cầu nguyện cho các anh chị em Việt Nam đang bị bách hại ngay tại quê hương của mình vì đức tin, vì sự thật. Xin cho họ luôn can đảm tuyên xưng đức tin vàsẳn sàng làm chứng niềm tin đó bằng chính mạng sống của mình.
Cầu chúc tất cả anh chị em một mùa chay thánh thiện, biết lợi dụng của cải Chúa ban để chia sẻ với những anh chị em đang túng thiếu, đau khổ. Xin cho chúng ta cũng biết xử dụng thời gian chóng qua, để phục vụ và để kiến tạo một xã hội công bằng, tràn đầy yêu thương, để nhờ đó, mọi người nhận biết Đức Kitô, tuy là Thiên Chúa, đã đến giữa chúng ta, đã hiến dâng cuộc sống của mình để cứu chuộc chúng ta khỏi cái chết đời đời.
Tôi luôn nhớ và cầu nguyện cho anh chị em. Hẹn gặp lại anh chị em vào đầu tháng tới
Linh Mục của anh chị em
P.M.Nguyễn Hữu Hiến
4. Giáo phận Long Xuyên
Anh chị em thân mến,
Hiệp thông với toàn thể Giáo hội, Giáo phận Long Xuyên bước vào Mùa Chay thánh trong tâm tình hướng về kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo phận (1960- 2020). Vì thế, chủ đề của Thư mục vụ tháng 3/2019 là “Hướng về Kỷ Niệm 60 năm Thành Lập, Giáo Phận Long Xuyên sống Mùa Chay Thánh với Lòng Sám Hối và Tinh Thần Hòa Giải”.
Trước hết, chúng ta suy niệm bài Tin mừngChúa Nhật I Mùa Chay năm C (Lc 4, 1-13) để rút ra ba (03) ý tưởng nòng cốt cho chương trình tu đức, mục vụ và loan báo Tin mừng của Giáo phận trong tháng này là:
1. “Nếu ông là con Thiên Chúa…” (c.3). Thâm độc của ma quỷ khi cám dỗ Chúa Giêsu là tìm cách tâng bốc phẩm giá “Con Thiên Chúa” để quy chiếu về cái tôi chính mình. Thật vậy, theo Tin Mừng, ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu quy chiếu về cái tôi để khôngthực hiện chương trình cứu độ theo cách mà Chúa Cha muốn. Quy về cái tôi là lợi dụngthực hiện chương trình của Thiên Chúa để tìm thành tích, thành công, thành quả cho bản thân; Sử dụng Thiên Chúa như một dụng cụ để đánh bóng bản thân. Người quy chiếu cái tôi sẽ bị cám dỗ tôn thờ các thứ ngẫu tượng là tiền tài, danh vọng và thú vui như tôn thờ Thiên Chúa.
2. “Ma quỷ bỏ đi, đợi chờ thời cơ”(c.13). Sự cám dỗ của ma quỷ luôn xuất hiện dọc theo cuộc hành trình đời người. Điển hình nơi Chúa Giêsu là, ở giai đoạn đầu của cuộc đời công khai, Chúa Giêsu chịu thách thức bởi ma quỷ (Lc 4, 1-13). Trong cuộc đời công khai (Mt 12,38), Chúa vẫn chịu thách thức bởi con người, là quần chúng, là giáo quyền, là thế quyền, kể cả môn đệ của mình. Và ở cuối cuộc hành trình cuộc đời, Chúa chịu thách thức bởi tính yếu đuối của bản tính làm người trong Vườn Cây dầu (Lc 22, 39-44) và trên Cây Thánh giá. Hơn nữa, mưu đồ của ma quỷ thất bại nơi Chúa Giêsu, nhưng chúng vẫn kiên trì “đợi chờ thời cơ” nơi con người chúng ta. Quả thật, càng lớn tuổi, ta càng có nhiều kinh nghiệm về những cám dỗ của ma quỷ trong cuộc hành trình cuộc đời, dù là giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, chủng sinh hay giáo dân.
3. “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (c.8). Chúa Giêsu luôn là người chiến thắng. Trong bài Tin Mừng, Chúa chiến thắng ma quỷ nhờ cầu nguyện và chay tịnh. Trong sự hiệp thông cùng với tinh thần cầu nguyện và chay tịnh, Chúa ý thức về căn tính là Con rất yêu dấu của Chúa Cha, nên Ngài luôn chọn sống theo Lời Chúa, và dùng sức mạnh Lời Chúa để chiến thắng ma quỷ (c.4, 8, 12). Ý thức cầu nguyện và chay tịnh được lặp đi lặp lại trong suốt cuộc hành trình sứ vụ của Chúa. Khởi đầu tại bờ sông Giordan (Lc 3, 22), trên đường lên Giêrusalem, trên núi Tabore (Lc 9, 28-36), và trước khi bước vào cuộc khổ nạn tại Vườn Cây dầu (Lc 22, 39-44). Tinh thần cầu nguyện và chay tịnh của Chúa được cô đọng trong lời cầu xin:“Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Lc 22, 42).
Trong ánh sáng của bài Tin mừng, chúng ta nhìn lịch sử 59 năm của giáo phận Long Xuyên (1960- 2019) với nhiều thách đố trong cuộc hành trình kiếm tìm ý Chúa để thực hiện. Quả thật, không phải là không có thách đố trong lịch sử giáo phận khi con người lấy những cơ sở vật chất, những sinh hoạt rầm rộ,trọng hình thức bên ngoài, trở thành thước đo cho sự thành công. Không phải không cónhững thách đố trong lịch sử của giáo phận khi đón nhận những đặc ân đặc quyền từ xã hội trần thế làm niềm tự hào. Không phải không có những thách đố trong lịch sử giáo phận khi vì miếng cơm manh áo, vì địa vị xã hội với những hứa hẹn danh vọng, vì hoàn cảnh đen tối của một giai đoạn đời người, đã có những người con của giáo phận có sự chọn lựa ngược lại với phẩm giá làm con Thiên chúa.
Thực tế là, trong cuộc hành trình này, đã có những thành công, nhưng không thiếu những vụng về thiếu sót; đã có nhiều trung tín nhưng cũng không thiếu những bất trung. Giáo phận cần sám hối và canh tân. Cũng từ kinh nghiệm lịch sử Giáo phận cho thấy, chính Chúa luôn luôn can thiệp trong lịch sử của Giáo phận để thanh luyện và canh tân. Đã có những cuộc thanh luyện gây nhiều đớn đau, mất mát, thua thiệt, nhục nhã… nhưng sáng lên tình yêu Chúa và lời mời gọi hãy chọn lựa tôn thờ một mình Thiên Chúa.
Nhìn lại lịch sử Giáo phận với tinh thần sám hối và canh tân, chúng ta đọc lại đoạn Sách Khải huyền: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi…Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu (Kh 2, 1-7).
Từ gợi ý này, Giáo phận được mời gọi trở về với tình yêu ban đầu để thực hiện những đề xuất mục vụ và loan báo Tin mừng trong Mùa chay này:
1. Giáo phận bày tỏ lòng hối cải với tình yêu thuở ban đầu qua Bí tích Giải tội. Mọi thành phần dân Chúa được mời gọi sống Sám hối và Hòa giải qua việc xét mình và xưng tội. Đặc biệt, các linh mục sống lại tinh thần Đức ái mục tử thuở ban đầu khi lãnh nhận chức thánh linh mục bằng cách siêng năng ngồi tòa cho giáo dân.
2. Giáo phận cũng bày tỏ tinh thần khổ chế Mùa chay, trở lại với tinh thần kỷ luật bản thân bằng cách trung thành giữ luật Giáo hội “kiêng thịt ngày thứ Sáu cùng những ngày khác Hội thánh dạy”.
3. Kết hợp với cầu nguyện và chay tịnh, Giáo phận còn được mời gọi sống Đức ái thực tiễn. Cụ thể là trong mùa chay, các cộng đoàn quan tâm đến các bệnh nhân liệt giường. Các đoàn hội được cổ vũ thăm viếng, đọc kinh, và an ủi bệnh nhân. Trong những điều kiện có thể, các linh mục được khích lệ dâng lễ cho các bệnh nhân lâu năm trong Mùa chay hay mùa Phục Sinh.
4. Ngoài ra, các cộng đoàn Giáo xứ, Giáo họ, được kêu gọi bày tỏ trách nhiệm bác ái đối với các gia đình gặp khó khăn. Đặc biệt trong Mùa chay, các linh mục, tu sĩ và tông đồgiáo dân… cần quan tâm đến là các gia đình nguội lạnh, khô khan, trễ nải, bỏ xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh, các gia đình ly thân, ly dị, ly dị tái hôn…
5. Cuối cùng, Giáo phận cũng được nhắc nhở thể hiện tình yêu ban đầu qua sự nhiệt tâm dấn thân cho công cuộc loan báo Tin mừng. Các linh mục nên tổ chức cho các nhóm tông đồ giáo dân trong Giáo xứ, Giáo họ đi ra khỏi ranh giới của mình, đến thăm các giáo điểm truyền giáo, để hiện diện, để gặp gỡ, để cùng cầu nguyện, và nâng cao ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Anh chị em thân mến,
Chúng ta đang bước vào Tháng ba- tháng kính Thánh Giuse. Thánh Giuse là Đấng chăm sóc Thánh Gia, chúng ta cùng nguyện xin: “Ông Thánh Giuse là quan thày gìn giữ Hội thánh – Xin cầu cho Hội thánh Long Xuyên chúng con”.
+ Giuse Trần Văn Toản
Giám mục giáo phận Long Xuyên
3. Tổng Giáo phận Hà Nội
Tòa Tổng Giám mục Hà Nội
40 – Nhà Chung – Hoàn Kiếm – Hà Nội
Kính thưa Anh Chị Em,
Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh. Phụng vụ mượn lời Thánh Phaolô để gọi Mùa Chay “làthời Thiên Chúa thi ân và là ngày Thiên Chúa cứu độ” (x. 2 Cr 6,2). Quả vậy, như con chim biết mùa làm tổ và chuyên cần tạo lập cho mình một mái ấm an toàn để tránh bão tố mưa giông, người tín hữu cũng dùng thời gian Mùa Chay để củng cố đức tin, giúp chúng ta kiên vững trước phong ba cuộc đời. Như cây nho cần có thời cắt tỉa để sinh nhiều trái ngọt, người Kitô hữu cần có thời sám hối để trưởng thành và nên hoàn thiện. Nhờ sống tinh thần của Mùa Chay, chúng ta đoạn tuyệt với tội lỗi, trở nên con người mới, mặc lấy Chúa Giêsu phục sinh, cùng với Người đem ơn cứu độ cho trần gian.
“Hãy trở về!”. Đó là lời mời gọi quen thuộc, thường được xướng lên trong các buổi cử hành Phụng vụ mỗi khi Mùa Chay về. Lời mời gọi này được gửi đến tất cả mọi người, già cũng như trẻ, nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo, học hành uyên bác cũng như kiến thức bình dân. Lời mời gọi trở về còn vượt qua ranh giới các cộng đoàn tín hữu để đến với mọi người không cùng niềm tin tôn giáo, giúp họ đạt tới cuộc sống an bình. Lời ngôn sứ Giôen được đọc lên trong Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro, như một lệnh “tổng động viên”, thúc bách mỗi người hãy can đảm bước ra khỏi cái tôi ích kỷ để đến với Chúa và tha nhân. Nói đến “trở về” có nghĩa là chúng ta đang sống ở xa, hoặc chúng ta đang đi lạc đường. Nói đến trở về, cũng là nói đến nhà của mình, nơi đó có những người thân đang chờ đợi và sẵn sàng đón nhận chúng ta, bất kể chúng ta ở vào tình trạng nào.
Lời mời gọi của Mùa Chay hướng chúng ta trở về với Chúa, một sự trở về giống như người con hoang đàng lầm lạc, nay hồi tâm và dứt khoát lên đường trở về với cha mình (x. Lc 15, 11-32). Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại. Ngài tôn trọng tự do của con người khi họ dứt khoát ra đi, đồng thời Ngài cũng luôn chờ đợi và sẵn sàng giang rộng vòng tay, khi họ thành tâm sám hối trở về. Mùa Chay giúp chúng ta trở về với Chúa, với xác tín rằng: Ngài luôn bao dung tha thứ và đón nhận chúng ta.
Mùa Chay cũng là mùa trở về với tha nhân. Tác giả sách Sáng Thế kể lại với chúng ta, sau khi con người phạm tội mất lòng Chúa, thì họ cũng bất hòa với nhau, kể cả trong mối tương quan ruột thịt. Điển hình là trường hợp Cain, vì ghen tương, đã giết chết em trai mình là Aben. Cuộc sống bon chen xuôi ngược hôm nay dễ làm cho chúng ta quên lãng những người xung quanh. Lối sống ích kỷ dễ làm cho chúng ta tự coi mình là trung tâm điểm, để bắt mọi người phải quy phục mình. Sám hối là trở về với tha nhân, nhận ra mọi người đều là anh chị em với nhau và đều đáng được tôn trọng. Sám hối canh tân sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau, để chung tay xây dựng cuộc sống an bình bác ái. Nhờ đó, thế giới sẽ bớt hận thù, xã hội sẽ bớt bạo lực và gia đình sẽ bớt chia rẽ.
Tội lỗi đã đoạn giao mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thiên nhiên tạo vật. Canh tân hối cải sẽ làm cho con người gần gũi và tôn trọng thiên nhiên. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa tội lỗi của con người và tạo vật Bởi lẽ trái đất này là căn nhà chung của gia đình nhân loại. Dựa trên lời Thánh Phaolô: “Tạo vật nóng lòng chờ đợi sự mạc khải của các con cái Thiên Chúa” (Rm 8,19), Đức Thánh Cha hy vọng tinh thần sám hối của Mùa Chay sẽ làm cho con người sống hài hòa với nhau và thân thiện với mọi tạo vật. Những năm gần đây, chúng ta đã cảm nhận được sự “nổi loạn” của thiên nhiên, gây nên bão lụt, lở đất, hạn hán và sóng thần. Những thiên tai này, một phần lớn là do sự tàn phá và khai thác vô trách nhiệm của con người. Mỗi năm, hàng ngàn héc-ta rừng bị hoang mạc hóa. Đức Thánh Cha đã so sánh, vì tội lỗi của ông Ađam và bà Evà, vườn địa đàng đã trở nên hoang địa. Khi con người thành tâm sám hối, hoang địa sẽ thành vườn địa đàng, trở về với vẻ đẹp tinh khôi của thuở ban đầu. Nếu trái đất đã ra gai góc do tội lỗi của con người, thì nay nhờ sự sám hối của mọi cá nhân, những đóa hoa muôn màu muôn sắc sẽ đua nở khắp nơi.
Sự hoán cải của Mùa Chay giúp chúng ta sống mầu nhiệm thập giá. Con Thiên Chúa làm người đã chấp nhận cái chết trên thập giá. Thập giá là lời mời gọi sống vì hạnh phúc của người khác, sẵn sàng tha thứ cho những xúc phạm. Thập giá cũng là lời kêu gọi hãy ngưng bạo lực, chấm dứt hận thù, để cùng nắm tay nhau xây dựng yêu thương. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha viết: “Mùa Chay chính là dấu chỉ mang tính Bí Tích của sự hoán cải. Mùa này kêu gọi các Kitô hữu hãy để cho mầu nhiệm Vượt Qua trở nên hữu hình cách mạnh mẽ và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, đặc biệt là thông qua việc chay tịnh, cầu nguyện và bác ái”. Chay tịnh, cầu nguyện và chia sẻ bác ái, đó là ba thực hành truyền thống của Mùa Chay, giúp chúng ta trở về với Chúa và với tha nhân và với thiên nhiên vũ trụ. Đức Thánh Cha đề nghị những việc làm cụ thể để những thực hành Mùa Chay truyền thống này mang một ý nghĩa mới, ngài viết: “Ăn chay có nghĩa là học để thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến” mọi thứ để thỏa mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ có khả năng hy sinh vì tình yêu, và khả năng lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta. Cầu nguyện để học biết cách khước từ sự sùng bái thần tượng cũng như tự mãn về cái tôi của mình, đồng thời thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài. Chia sẻ bác ái để tự giải thoát khỏi tính ngông cuồng, khiến chúng ta chỉ sống cho mình, với ảo tưởng rằng mình sẽ có được một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta” (số 3).
Kính thưa Anh Chị Em, Kinh Thánh Cựu ước giới thiệu với chúng ta một mẫu gương sám hối, đó là vua Đavít. Sau khi phạm tội, ông đã ăn năn hối hận và đã cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 50,12). Lời cầu nguyện này đẹp lòng Chúa và Chúa đã tha tội cho vua. Noi gương vua Đavít, chúng ta hãy xin Chúa canh tâm tâm hồn và ban cho chúng ta niềm vui của ơn Cứu độ.
Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Quan thày Tổng Giáo phận, xin Chúa giúp Anh Chị Em có một Mùa Chay thánh thiện, chan chứa ơn sủng và bình an.
Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2019
+ Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội
2. Tổng Giáo phận Sài Gòn
TOÀ TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu – Quận 3
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
( (84.28) 3930 3828 Ngày 28 tháng 02 năm 2019
E.mail: tgmsaigon@gmail.com
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY VÀ PHỤC SINH 2019
Kính gởi quý linh mục, quý nam nữ tu sĩ,
quý thầy đại chủng sinh,
và toàn thể anh chị em giáo dân trong Tổng giáo phận.
Anh chị em rất thân mến,
1. Chúng ta lại bước vào mùa Chay thánh, mùa của sám hối. Trong sứ điệp mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô giúp chúng ta suy niệm tư tưởng của Thánh Phaolô: “Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8,19). “Con cái Thiên Chúa” là phẩm giá mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta qua công trình tạo dựng và công trình cứu độ nhờ Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, ngày nay phẩm giá ấy không ngừng bị đe dọa bởi tội lỗi, nhằm phá vỡ những mối tương quan căn bản của con người: với Thiên Chúa, với tha nhân, và với chính mình. Cùng với thao thức của Đức Thánh Cha, chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em vài điểm thực hành sám hối, hầu có thể đón nhận trọn vẹn niềm vui Phục Sinh, niềm vui của con cái Thiên Chúa:
2. Sống tư cách con cái Thiên Chúa trong tương quan với chính Thiên Chúa. “Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2). Trong mùa Chay thánh này, chúng tôi mời gọi anh chị em hãy gia tăng việc lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là bí tích Thống Hối và bí tích Thánh Thể; nhờ đó, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không chỉ được chữa lành, nhưng còn được nuôi dưỡng và củng cố. Ngoài ra, anh chị em cũng hãy chuyên cần hơn trong việc cầu nguyện, không chỉ cầu nguyện cá nhân, nhưng còn cầu nguyện với gia đình và cộng đoàn. “Cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ thói thờ ngẫu tượng và sự tự mãn của bản thân, giúp ta nhận ra rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Người”*.
3. Sống tư cách con cái Thiên Chúa trong tương quan với tha nhân. Việc củng cố mối tương quan với Thiên Chúa là Cha đồng thời đòi hỏi chúng ta đón nhận nhau như anh chị em. Để thực hiện điều ấy, chúng tôi khuyến khích anh chị em gia tăng việc bác ái. “Việc thực thi bác ái giúp chúng ta thoát khỏi sự điên cuồng tích trữ mọi thứ cho bản thân […]. Và như thế, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui trong chương trình của Thiên Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người và anh chị em mình”*. Chúng ta cần thực thi bác ái không chỉ qua việc đón nhận, cảm thông, nâng đỡ những anh chị em đang gặp khó khăn về đời sống vật chất; nhưng còn chú tâm cách đặc biệt đến ba mục tiêu trong định hướng mục vụ năm nay của Tổng giáo phận: đồng hành với giới trẻ, dấn thân loan báo Tin Mừng, và quan tâm đến những gia đình gặp khó khăn.
4. Sống tư cách con cái Thiên Chúa trong tương quan với chính mình. Noi gương Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ sống mùa hồng ân này trong chay tịnh. Việc chay tịnh giúp chúng ta “từ bỏ cám dỗ ‘ngấu nghiến’ mọi thứ nhằm thỏa mãn lòng khao khát tham lam của mình, và sẵn sàng chịu đau khổ vì tình yêu, là thứ có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta”*. Do vậy, chay tịnh không chỉ được thực thi qua việc tiết chế ăn uống và tiêu xài, nhưng còn trong việc hạn chế sử dụng internet, điện thoại, hay các phương tiện giải trí… để sứ điệp Tin Mừng của Chúa mới có thể lấp đầy con tim khao khát của chúng ta.
5. Cuối cùng, một việc rất cụ thể để tất cả chúng ta thể hiện tư cách con cái Thiên Chúa của mình trong hoàn cảnh hiện tại của Tổng giáo phận là tiếp tục cộng tác tích cực trong công việc trùng tu Nhà Thờ Chánh Tòa qua lời cầu nguyện cũng như những hy sinh đóng góp vật chất. Đợt quyên góp này sẽ kéo dài từ đầu mùa Chay đến hết mùa Phục Sinh năm nay.
Ước mong khát vọng sống tư cách con cái Thiên Chúa của chúng ta trong mùa Chay thánh này đem lại hoa trái thật dồi dào, và niềm vui Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô sẽ kiện toàn khát vọng ấy nơi anh chị em.
(Đã ký và đóng dấu)
+ Giuse ĐỖ MẠNH HÙNG
Giám Quản Tông Tòa
+ Louis NGUYỄN ANH TUẤN
____________________
* Trích Sứ Điệp Mùa Chay năm 2019 của Đức Thánh Cha Phanxicô.
1. Giáo phận Hải Phòng
46 Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng
Của Đức Tổng Giám mục Giuse – Giám quản Tông tòa
gửi mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Hải Phòng
Kính thưa Anh Chị Em,
Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta bước vào Mùa Chay Thánh. Phụng vụ mượn lời Thánh Phaolô để gọi Mùa Chay là thời Thiên Chúa thi ân và là ngày Thiên Chúa cứu độ” (x. 2Cr 6,2). Quả vậy, như con chim biết mùa làm tổ, chuyên cần tạo lập cho mình một mái ấm an toàn, tránh bão tố mưa giông; người tín hữu cũng dùng thời gian Mùa Chay để củng cố đức tin, hầu được kiên vững trước phong ba cuộc đời. Như cây nho cần có thời cắt tỉa, để sinh nhiều trái ngọt; người Kitô hữu cần có thời sám hối để trưởng thành và nên hoàn thiện. Nhờ sống tinh thần của Mùa Chay, chúng ta đoạn tuyệt với tội lỗi, trở nên con người mới, mặc lấy Chúa Giêsu phục sinh, cùng với Người đem ơn cứu độ cho trần gian.
“Hãy trở về!”. Đó là lời mời gọi quen thuộc, thường được xướng lên trong các buổi cử hành Phụng vụ mỗi khi Mùa Chay về. Lời mời gọi này được gửi đến tất cả mọi người, già cũng như trẻ, nam cũng như nữ, giàu cũng như nghèo, học hành uyên bác cũng như kiến thức bình dân. Lời mời gọi trở về còn vượt qua ranh giới các cộng đoàn tín hữu để đến với mọi người không cùng niềm tin tôn giáo, giúp họ đạt tới cuộc sống an bình. Lời ngôn sứ Giôen được đọc lên trong Phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro, như một lệnh “tổng động viên”, thúc bách mỗi người hãy can đảm bước ra khỏi cái tôi ích kỷ để đến với Chúa và tha nhân. Nói đến “trở về” có nghĩa là chúng ta đang sống ở xa, hoặc chúng ta đang đi lạc đường. Nói đến trở về, cũng là nói đến nhà của mình, nơi đó có những người thân đang chờ đợi và sẵn sàng đón nhận chúng ta, bất kể chúng ta ở vào tình trạng nào. Lời mời gọi của Mùa Chay hướng chúng ta trở về với Chúa, như người con hoang đàng lầm lạc, nay hồi tâm và dứt khoát lên đường trở về với cha mình (x. Lc 15,11-32). Thiên Chúa là Cha của gia đình nhân loại. Ngài tôn trọng tự do của con người khi họ dứt khoát ra đi, đồng thời Ngài cũng luôn chờ đợi và sẵn sàng giang rộng vòng tay, khi họ thành tâm sám hối trở về. Mùa Chay giúp chúng ta trở về với Chúa, với xác tín rằng, Ngài luôn bao dung tha thứ và đón nhận chúng ta.
Mùa Chay cũng là mùa trở về với tha nhân. Tác giả sách Sáng Thế kể lại với chúng ta, sau khi con người phạm tội mất lòng Chúa, thì họ cũng bất hòa với nhau, kể cả trong mối tương quan ruột thịt. Điển hình là trường hợp Cain, vì ghen tương, đã giết chết em trai mình là Aben. Cuộc sống bon chen xuôi ngược hôm nay dễ làm cho chúng ta quên lãng những người xung quanh. Lối sống ích kỷ dễ làm cho chúng ta tự coi mình là trung tâm điểm, để bắt mọi người phải quy phục mình. Sám hối là trở về với tha nhân, nhận ra mọi người đều là anh chị em với nhau và đều đáng được tôn trọng. Sám hối canh tân sẽ giúp mọi người xích lại gần nhau, để chung tay xây dựng cuộc sống an bình bác ái, nhờ đó thế giới sẽ bớt hận thù, xã hội sẽ bớt bạo lực và gia đình sẽ bớt chia rẽ.
Tội lỗi đã đoạn giao mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thiên nhiên tạo vật. Canh tân hối cải sẽ làm cho con người gần gũi và tôn trọng thiên nhiên. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa tội lỗi của con người và tạo vật Bởi lẽ trái đất này là căn nhà chung của gia đình nhân loại. Dựa trên lời Thánh Phaolô : “Tạo vật nóng lòng chờ đợi sự mạc khải của các con cái Thiên Chúa” (Rm 8,19), Đức Thánh Cha hy vọng tinh thần sám hối của Mùa Chay sẽ làm cho con người sống hài hòa với nhau và thân thiện với mọi tạo vật. Những năm gần đây, chúng ta đã cảm nhận được sự “nổi loạn” của thiên nhiên, gây lên bão lụt, lở đất, hạn hán và sóng thần. Những thiên tai này, một phần lớn là do sự tàn phá và khai thác vô trách nhiệm của con người. Mỗi năm, hàng ngàn héc-ta rừng bị hoang mạc hóa. Đức Thánh Cha đã so sánh, vì tội lỗi của ông Ađam và bà Evà, vườn địa đàng đã trở nên hoang địa. Khi con người thành tâm sám hối, hoang địa sẽ thành vườn địa đàng, trở về với vẻ đẹp tinh khôi của thuở ban đầu. Nếu trái đất đã ra gai góc do tội lỗi của con người, thì nay nhờ sự sám hối của mọi cá nhân, những đóa hoa muôn màu muôn sắc sẽ đua nở khắp nơi.
Sự hoán cải của Mùa Chay giúp chúng ta sống mầu nhiệm thập giá. Con Thiên Chúa làm người đã chấp nhận cái chết trên thập giá. Thập giá là lời mời gọi sống vì hạnh phúc của người khác, sẵn sàng tha thứ cho những xúc phạm. Thập giá cũng là lời kêu gọi hãy ngưng bạo lực, chấm dứt hận thù, để cùng nắm tay nhau xây dựng yêu thương. Trong Sứ điệp Mùa Chay, Đức Thánh Cha viết: “Mùa Chay chính là dấu chỉ mang tính Bí Tích của sự hoán cải. Mùa này kêu gọi các Kitô hữu hãy để cho mầu nhiệm Vượt Qua trở nên hữu hình cách mạnh mẽ và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, đặc biệt là thông qua việc chay tịnh, cầu nguyện và bác ái“. Chay tịnh, cầu nguyện và chia sẻ bác ái, đó là ba thực hành truyền thống của Mùa Chay, giúp chúng ta trở về với Chúa, với tha nhân và với thiên nhiên vũ trụ. Đức Thánh Cha đề nghị những việc làm cụ thể để những thực hành Mùa Chay truyền thống này mang một ý nghĩa mới, ngài viết: “Ăn chaycó nghĩa là học để thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác cũng như đối với mọi loài thụ tạo: từ cơn cám dỗ muốn “ngấu nghiến“ mọi thứ để thỏa mãn sự thèm muốn của mình, đến chỗ có khả năng hy sinh vì tình yêu, và khả năng lấp đầy sự trống rỗng của con tim chúng ta. Cầu nguyện để học biết cách khước từ sự sùng bái thần tượng cũng như tự mãn về cái tôi của mình, đồng thời thú nhận rằng, chúng ta cần tới Thiên Chúa và Lòng thương xót của Ngài. Chia sẻ bác ái để tự giải thoát khỏi tính ngông cuồng khiến chúng ta chỉ sống cho mình, với ảo tưởng rằng mình sẽ có được một tương lai bảo đảm, trong khi tương lai đó không thuộc về chúng ta“ (số 3).
Kính thưa Anh Chị Em, Kinh Thánh Cựu ước giới thiệu với chúng ta một mẫu gương sám hối, đó là vua Đavít. Sau khi phạm tội, ông đã ăn năn hối hận và đã cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ (Tv 50,12). Lời cầu nguyện này đẹp lòng Chúa và Chúa đã tha tội cho vua. Noi gương vua Đavít, chúng ta hãy xin Chúa canh tâm tâm hồn và ban cho chúng ta niềm vui của ơn Cứu độ.
Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, Quan thày Giáo phận, xin Chúa giúp Anh Chị Em có một Mùa Chay thánh thiện, chan chứa ơn sủng và bình an.
+Giuse Vũ Văn Thiên
Tổng Giám mục Hà Nội
Giám quản Tông tòa Hải Phòng
Chủ đề của sứ điệp năm nay lấy từ thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” (Rm 8,19).
Dưới đây là bản dịch Việt ngữ toàn văn sứ điệp này.
“Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” (Rm 8: 19).
Anh chị em thân mến,
Mỗi năm, thông qua Giáo Hội Mẹ, Thiên Chúa “ban cho chúng ta mùa hân hoan này khi chúng ta chuẩn bị mừng đón mầu nhiệm Vượt Qua với lòng trí được đổi mới… khi chúng ta nhớ lại những sự kiện vĩ đại đã mang đến cho chúng ta cuộc sống mới trong Chúa Kitô (Kinh Tiền Tụng Mùa Chay I). Do đó, chúng ta có thể hành trình từ mùa Phục Sinh này đến mùa Phục Sinh khác hướng đến sự viên mãn của ơn cứu độ chúng ta đã được nhận lãnh nhờ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô – “vì trong hy vọng chúng ta đã được cứu” (Rm 8:24). Mầu nhiệm cứu độ này, đã hoạt động nơi chúng ta trong cuộc sống dương thế, là một quá trình năng động cũng bao trùm lịch sử và tất cả muôn loài thọ tạo. Như Thánh Phaolô nói: “muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:19). Trong viễn cảnh này, tôi muốn đưa ra một vài suy tư để đồng hành cùng hành trình hoán cải của chúng ta trong Mùa Chay sắp tới.
1. Ơn cứu chuộc của muôn loài thọ tạo
Cử hành Tam nhật Vượt qua kính nhớ cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, là đỉnh cao của năm Phụng Vụ, kêu gọi chúng ta hàng năm thực hiện một hành trình chuẩn bị, với nhận thức rằng được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô (xem Rôma 8:29) là một món quà vô giá của lòng thương xót Chúa.
Khi chúng ta sống như con cái Chúa, như những người được cứu chuộc, được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần (xem Rôma 8:14) và có khả năng nhìn nhận và tuân thủ luật pháp Chúa, bắt đầu với lề luật được ghi khắc trong tâm hồn và trong tự nhiên, chúng ta cũng mang lại lợi ích cho sáng tạo bằng cách hợp tác trong công trình cứu độ của tất cả tạo vật. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô nói rằng muôn loài thọ tạo háo hức đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người; nói cách khác, tất cả những ai được hưởng ân sủng của mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu có thể trải nghiệm sự viên mãn trong ơn cứu chuộc của chính thân xác con người. Khi tình yêu của Chúa Kitô biến đổi cuộc sống của các thánh trong tinh thần, thể xác và linh hồn, các ngài ca khen tán tụng Thiên Chúa. Thông qua cầu nguyện, chiêm niệm và nghệ thuật, các ngài cũng bao gồm các thụ tạo khác trong lời tụng ca đó, như chúng ta thấy được thể hiện một cách đáng ngưỡng mộ trong “Bài ca Tạo vật”, của Thánh Phanxicô thành Assisi (x. Laudato Si, 87). Tuy nhiên, trong thế giới này, sự hài hòa được hình thành bởi ơn cứu độ liên tục bị đe dọa bởi sức mạnh tiêu cực của tội lỗi và sự chết.
2. Sức mạnh hủy diệt của tội lỗi
Thật vậy, khi chúng ta không sống như con cái Chúa, chúng ta thường cư xử theo chiều hướng hủy diệt đối với người lân cận và các thụ tạo khác – cũng như chính chúng ta – vì chúng ta bắt đầu nghĩ, một cách có ý thức hay vô thức, rằng chúng ta có thể sử dụng chúng theo ý chúng ta muốn. Khi đó, sự quá độ chiếm ưu thế: chúng ta bắt đầu sống một cuộc sống vượt quá những giới hạn được áp đặt bởi chính tình trạng con người và bản chất của chúng ta. Chúng ta chiều theo những mong muốn vô độ mà Sách Khôn ngoan coi là điển hình của kẻ vô đạo, là những người hành động mà không nghĩ gì đến Chúa cũng chẳng có chút hy vọng cho tương lai (xem 2: 1-11). Trừ khi chúng ta giữ khuynh hướng liên tục hướng tới lễ Phục sinh, hướng về phía chân trời Phục sinh, não trạng được thể hiện trong các khẩu hiệu “Tôi muốn tất cả và tôi muốn ngay bây giờ!” và “Quá nhiều chẳng bao giờ là đủ” sẽ dành được thế thượng phong.
Căn nguyên của mọi sự ác, như chúng ta biết, là tội lỗi, mà từ lần xuất hiện đầu tiên, nó đã phá vỡ sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác và với chính thiên nhiên, mà chúng ta được liên kết một cách đặc biệt qua cơ thể của chúng ta. Sự rạn nứt trong tình hiệp thông với Thiên Chúa cũng làm suy yếu mối quan hệ hài hòa của chúng ta với môi trường mà chúng ta được kêu gọi để sống, đến nỗi vườn địa đàng đã trở thành một nơi hoang dã (x. Stk 3: 17-18). Tội lỗi dẫn con người đến chỗ coi mình là thần minh của thiên nhiên, coi mình là chủ nhân tuyệt đối của nó và sử dụng nó, không phải cho những mục đích phù hợp với thánh ý của Đấng Tạo Hóa, mà vì tư lợi của chính mình, gây phương hại cho các tạo vật khác.
Một khi luật Thiên Chúa, luật tình yêu, bị từ bỏ, thì luật mạnh được yếu thua sẽ thắng thế. Tội lỗi ẩn giấu trong lòng con người (x. Mc 7: 20-23) mang hình dạng của sự tham lam và theo đuổi lạc thú vô độ, thiếu quan tâm đến thiện ích của người khác và thậm chí của chính mình. Nó dẫn đến việc khai thác sáng tạo, cả con người lẫn môi trường, do sự thèm muốn không kềm chế, trong đó coi mọi ham muốn như một quyền [đáng được hưởng], và sớm hay muộn sẽ hủy diệt tất cả những gì trong tầm tay của nó.
3. Sức mạnh chữa lành của sự ăn năn và tha thứ
Muôn loài thọ tạo đang cần một cách cấp thiết sự mặc khải vinh quang của con cái Thiên Chúa, là những người đã được tạo ra như “một thọ tạo mới”. Vì “ai ở trong Đức Kitô thì đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi.”(2 Cr 5:17). Thật vậy, khi được mặc khải, bản thân tạo vật có thể đón mừng một cuộc Vượt Qua, mở chính mình ra trước một trời mới và một đất mới (x. Kh 21: 1). Con đường đến với lễ Phục sinh đòi hỏi chúng ta phải canh tân diện mạo và tâm hồn mình như các Kitô hữu thông qua sự ăn năn, hoán cải và tha thứ, để sống trọn vẹn ân sủng dồi dào của mầu nhiệm Phục sinh.
Sự “trông mong háo hức” này, sự mong đợi của mọi loài thụ tạo này, sẽ được viên mãn trong sự mặc khải con cái Thiên Chúa, nghĩa là khi các Kitô hữu và tất cả mọi người bước một cách dứt khoát vào “cuộc hành trình” đòi hỏi sự hoán cải. Mọi loài thụ tạo được kêu gọi, cùng với chúng ta, “thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8:21). Mùa Chay là một dấu hiệu bí tích của sự chuyển hoá này. Mùa Chay mời gọi các Kitô hữu thể hiện mầu nhiệm Vượt qua sâu sắc và cụ thể hơn trong đời sống cá nhân, gia đình và xã hội của họ, trên hết qua việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Chay tịnh, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả những loài thọ tạo, học cách từ bỏ cám dỗ “nuốt chửng” mọi thứ để thỏa mãn lòng khao khát tham lam của chúng ta và sẵn sàng chịu đựng cho tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta. Lời cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ thói thờ ngẫu tượng và sự tự mãn của bản ngã, giúp ta nhìn ra rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài. Việc bố thí, nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân với niềm tin viễn vông rằng chúng ta có thể bảo đảm cho mình một tương lai không hề thuộc về chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui trong chương trình của Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người, anh chị em của chúng ta, và toàn bộ thế giới, và tìm thấy nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta.
Anh chị em thân mến, thời kỳ “mùa chay” trong bốn mươi ngày của Con Thiên Chúa trong sa mạc thiên nhiên là nhằm biến nó một lần nữa trở thành khu vườn hiệp thông với Thiên Chúa như trước khi xảy ra tội nguyên tổ (x. Mc 1: 12-13; là 51: 3). Cầu xin Mùa Chay năm nay của chúng ta là một hành trình trên cùng con đường đó, mang lại niềm hy vọng của Chúa Kitô cho sáng tạo, để thiên nhiên có thể “được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8:21). Chúng ta đừng để mùa hồng ân này trôi qua vô ích! Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta cất bước trên con đường hoán cải thực sự. Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tính ích kỷ và sự tự hấp thụ vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đứng bên cạnh những anh chị em đang túng thiếu của chúng ta, chia sẻ những của cải tinh thần và vật chất của chúng ta với họ. Nhờ thế, khi chào đón vào cuộc sống của chúng ta một cách cụ thể chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và cái chết, chúng ta cũng sẽ phản chiếu ánh quang rạng rỡ quyền năng biến đổi của chiến thắng ấy cho tất cả các tạo vật.
+ Đức Thánh Cha Phanxicô
Từ Vatican ngày 4 tháng 10, 2018
Lễ Thánh Phanxicô thành Assisi
Công bố: 26 tháng Hai, 2019