Từ bỏ chính mình (15.02.2024 – Thứ Năm Sau Lễ Tro)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Đnl 30,15-20, Lc 9,22-25

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 9,22-25)

22 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

23 Rồi Đức Giê-su nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. 24 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. 25 Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì ?”

Từ bỏ chính mình (15.02.2024)

“Ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta hiểu ngay đây là “mùa trở về” – trở về với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình:

  • Trở về với Thiên Chúa để cảm nghiệm được tình thương của Người trên cuộc đời chúng ta.
  • Trở về với tha nhân để nhận thấy bổn phận yêu thương, liên đới và chia sẻ với anh chị em đồng loại.
  • Trở về với chính mình để nhận ra mình tội lỗi và cần được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ.

Như vậy, cả ba mối tương quan, chúng ta thấy có một điểm chung là: nhận thấy mình bất toàn, ích kỷ, kiêu ngạo, nên cần phải trở về với Thiên Chúa, tha nhân và ngay cả với chính mình để được trở nên hoàn thiện. Muốn hàn gắn và xây dựng lại những mối tương quan ấy, chúng ta hãy để ý đến lời mời gọi của Chúa Giêsu: phải từ bỏ chính mình và phải vác thập giá mình.

Điều kiện tiên quyết để đi theo Chúa Giêsu mà Ngài nêu ra vẫn còn nguyên giá trị cho đến tận ngày nay: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Chúa Giêsu cho biết rõ con đường của Chúa là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá; và ai muốn đi theo Ngài cũng phải đi qua con đường thập giá, phải vác thập giá hằng ngày.

Chúng ta, những người Kitô hữu, đang bước theo Chúa Giêsu, chúng ta không thể đi con đường khác. Từ bỏ mình là từ bỏ những tính mê nết xấu tội lỗi mình. Từ khi nguyên tổ phạm tội, con người luôn hướng về điều xấu, mà Thiên Chúa thì muốn kéo chúng ta lên để hướng về sự thánh thiện, cho nên cần phải chiến đấu không ngừng để lựa chọn đúng.

Bỏ mình còn có nghĩa tích cực là quên mình đi vì Chúa và vì anh em. Quên mình vì nghĩ đến kẻ khác, muốn phục vụ kẻ khác; quên mình vì muốn sống tha thứ, nhịn nhục và yêu thương. Con người sinh ra vốn ích kỷ, muốn sống quên mình vì Chúa vì anh em thật là khó, cần phải có ơn Chúa, cần phải biết chạy đến với Chúa; cần phải có một đời sống kín múc từ Lời Chúa và các Bí tích.

Bên cạnh việc bỏ mình, đó là vác thập giá mình. Nhiều người hiểu thập giá đời mình là những rủi ro, bệnh hoạn, những bất hạnh trong cuộc sống. Nhưng thập giá của mỗi người chúng ta còn là những cuộc chiến chống lại mọi khuynh hướng xấu, tội lỗi trong ta; thập giá của mỗi người còn là những tương quan với những con người bất toàn hằng ngày ta tiếp xúc. Thập giá còn là những việc bổn phận phải chu toàn hàng ngày.

Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ thì nói: “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo.” Phải chăng Thiên Chúa muốn con người đau khổ chứ không muốn con người hạnh phúc? Thưa không! Chắc chắn là Người muốn cho con người hạnh phúc. Bằng chứng là Người đã sai Con Một xuống trần để đem lại hạnh phúc cho con người. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu chọn con đường thập giá để cứu chuộc con người chẳng những vì tội lỗi con người nặng nề, phải được đền bù cho cân xứng, mà còn vì đó là cách Ngài biểu lộ tình yêu cách mãnh liệt nhất. Và Ngài cũng muốn mời gọi con người bước đi trên con đường đó để đi theo làm môn đệ Ngài.

Hành trình theo Chúa là một hành trình leo ngược lên con dốc sa ngã mà ngày xưa nguyên tổ đã lao xuống. Hành trình này đòi chúng ta phải trải qua bao gian lao vất vả, phải nỗ lực không ngừng, có khi phải chấp nhận tủi nhục, phải gánh chịu thiệt thòi. Thoạt nhìn từ bên ngoài, thập giá mà mỗi người chúng ta đang vác đôi khi nặng nề quá sức mình, và đôi khi có vẻ phi lý. Thế nhưng, những gian khổ ấy chính là những phương tiện thích hợp giúp chúng ta nên thánh. Chúa không trao cho chúng ta những thập giá vượt quá sức của chúng ta. Khi trao thập giá, Ngài luôn ban cho chúng ta các ơn cần thiết giúp chúng ta vác được nó mà đi theo Ngài. Nếu chúng ta thấy thập giá của mình quá nặng nề, ấy là vì chúng ta chỉ vác nó với sức riêng của mình mà không trông cậy vào Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin soi sáng cho chúng con biết từ bỏ tội lỗi, sống yêu thương, đón nhận thập giá trong đời và trung thành vác lấy cách yêu mến. Xin cũng ban cho chúng con ơn trở về trong Mùa Chay thánh này. Amen.

Joston

Tôi tìm lời lãi nơi đâu? (23.02.2023)

Bỏ lại đằng sau những niềm vui của ngày tết, gác lại những lắng lo của công việc hằng ngày, chúng ta đã chính thức bước vào Mùa Chay kể từ thứ tư Lễ Tro. Đây là mùa của sự ăn năn thống hối những lỗi làm mình đã phạm với Chúa và với tha nhân trong năm qua. Mùa Chay là còn là dịp ta quan tâm đến nhau hơn, vì chính Chúa Giêsu vì yêu chúng ta nên đã hy sinh mạng sống, Ngài dạy ta cũng yêu anh em mình như thế.

Bước vào bài tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy rằng:

“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

Sống trong cuộc đời, chúng ta biết thân phận yếu đuối của mình, một mai rồi cũng sẽ trở về bụi tro. Không một con người nào có thể thoát khỏi quy luật Sinh – Lão – Bệnh – Tử, cho dù người đó có là tỷ phú, là nhà hiền triết, là người già hay người trẻ,… Ngay cả chính Chúa Giêsu khi mặc lấy thân phận loài người cũng phải gánh lấy cái chết nghiệt ngã. Từ đây, chúng ta mới cần có những khoảng lặng trong cuộc sống để nhìn lại bản thân.

Chúng ta sống vì điều gì? Chúng ta sống cho ai? Mỗi ngày ta đều đi làm, ai ai cũng mong mỏi mình kiếm được nhiều tiền, vậy tiền nhiều rồi để làm gì? Có nhiều người nói rằng: “Tôi chẳng có thời gian đi lễ, tại vì tôi phải lo đi làm kiếm sống, nhà tôi nghèo lắm!”. Lại có người nói rằng: “Tôi không thể đi lễ được, tại vì tôi quá bận với những công việc của tôi, cơ hội đang đến với tôi, và tôi phải giàu hơn nữa. Khi tôi có nhiều tiền rồi, tôi sẽ đi lễ đầy đủ”.

Ôi, Chúa buồn biết bao khi thấy con cái bỏ rơi Ngài. Có khi nào chúng ta thỏa mãn về sự giàu có? Người không có thì mong cho có nhiều tiền, Người có nhiều tiền rồi thì lại mong cho có nhiều tiền hơn nữa. Không có điểm dừng. Hôm nay Chúa nói thẳng với chúng ta, Người không nói quanh co: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì?” Thiên Chúa muốn chúng ta ký thác đường đời cho Chúa, chỉ cần tin tưởng nơi Ngài, thì Ngài sẽ ra tay. Chẳng lẽ Chúa ban tai họa đổ xuống trên những đứa con thơ chạy đến cùng Ngài sao? Chẳng nhẽ ơn của Chúa không đủ trên chúng ta hay sao, để mà ta còn phải dùng mưu mô thủ đoạn để muốn chiếm đoạt được nhiều tiền bạc?

Trong Mùa Chay Thánh này, hãy gác bớt những lắng lo, hãy đến bên Chúa, vì đây là lúc chúng ta cần an ủi Chúa, chính Ngài đã ban Con Một để chết cho ta, để cứu độ ta. Hãy tin tưởng nơi Chúa.

“Hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa trước hết

Còn lại thiếu gì Người sẽ thêm cho.”

Ngọn cỏ ven đường.

Con Người phải chịu đau khổ nhiều (03.02.2022)

Vừa bước vào Mùa Chay, Tin Mừng trưng lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”! Thật là một lời cốt lõi.

Lời tiên báo đã làm giật mình các môn đệ và bao người. Họ đang mong mỏi Đấng Cứu Thế sẽ xây dựng nước của Người ở trần gian này phồn vinh mà cất đi mọi khổ đau ô nhục cho dân Chúa. Nào ngờ Chúa lại nói như vậy.

Chúa lại đòi các người theo Chúa thì “Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”. Đối với người vô thần thì chẳng ai họ chấp nhận. Nhưng với người tin Thiên Chúa như các môn đệ thì Người dặn đừng sợ cái  “vác thập giá, từ bỏ mình kia” vì làm theo con đường Chúa dặn là đem lại hạnh phúc cho mình, cho tha nhân, là chính con đường Chúa sẽ đi để đem hạnh phúc cho nhân loại. Chúa là người đầu tiên từ bỏ mình ví chúng ta, vì Chúa Cha. Còn tôi, tôi có thể làm được gì? Chúa đã vạch rõ cái khả năng của tôi:“Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn nếu ai liều mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

Chúa Giêsu đến cứu chuộc trần gian, Người không cất đi những đau khổ, dù là Thiên Chúa, Người thừa sức làm việc ấy. Người vẫn dạy: vác thập giá mình mà theo Tôi”.Mục đích của Thiên Chúa là sự sống, là hạnh phúc cho con người nhưng trước khi tới đó phải đi qua đau khổ, thập giá. Người ban cho con người lòng tin, lòng cậy, lòng mến để họ thắng vượt khổ đau đường đời .

Phật giáo dạy “đời là bể khổ”. Sinh, lão, bệnh, tử, đều là khổ. Họ chẳng dạy gì về Thiên Chúa hay Thượng Đế. Khổ là do khát vọng ham biết, ham sống… mà không đạt được. Vì thế phải tự vượt thắng chính mình, diệt dục để thoát khổ. Có 12 nguyên nhân gây ra đau khổ và 8 cách diệt khổ. Đạt được bát chánh ấy là đạt giải thoát niết bàn.

Người Công Giáo chung với Phật giáo về diệt trừ những đau khổ, nhưng chỉ những đau khổ vô ích thôi. Còn đau khổ vì Chúa và tha nhân thì Chúa mời gọi. Trần gian này không là bể khổ, nhưng là  “đấu trường”, thi nhau tới bờ bến để được gặp Đấng Tạo Hoá yêu thương là phần thưởng của họ. Trong cuộc vượt biển ấy chẳng thiếu lúc trời đất thanh bình êm trôi, mà cũng chẳng vắng bão táp, phong ba. Nhưng mọi lúc mọi nơi ấy đều sống trong tin yêu, hy vọng tới bến bờ. Cuộc vượt biển ấy, ai nấy không chỉ dùng ý chí nghị lực của mình, mà còn phải cậy nhờ ân sủng Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và là nguyên nhân của mọi sức mạnh.

Một gia đình có người con làm ăn đổ bể vì bị lừa đảo, vỡ nợ tiền tỷ. Bố mẹ già cũng bị mất theo những gì mình đã tích góp cả đời. Người ta lo lắng thương thay, nhưng ông bà vẫn thấy vui vẻ. Ông còn khoe với nhiều người lộc thánh mình mới rút được dịp tết: “Mọi sự xảy đến cho con, con hãy chấp nhận và trải qua bao thăng trầm, con hãy cứ kiên nhẫn”(Hc 2,4). Ông nói:“ Chúa đã  an ủi tôi, có Chúa thì tôi còn buồn chi?”.

Các môn đệ theo Chúa, các ông đã kín múc, kiểm nghiệm tất cả lời dạy và việc làm của Chúa. Nhất là cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Các ông đã triệt để tin theo và sống Lời Chúa. Còn thánh Phao lô, người bắt đạo đã trở nên tông đồ hết lòng vì Chúa, khi đang ngồi tù ngài đã viết thư cho Timôthê:“ Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị thẩm phán chi công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”(Tm 4,6-8).

Lạy Chúa! Xin ban cho con luôn bền chí, yêu mến vác thánh giá đời mình đến trọn đời. Để ngày sau hết con được về bên Chúa hưởng hạnh phúc muôn đời – Amen.

Giuse Ngọc Năng 

Vinh phúc người vác thập giá Chúa Kitô (18.02.2021)

Xuân năm nay không có sự nhộn nhịp, xuân đến rồi xuân đi, đêm giao thừa không pháo hoa, các khu vui chơi hội hoa xuân, không người tấp nập, vì biến thể của bệnh dịch. Thánh lễ online ở gia đình tiếp tục vang lên, lời cầu nguyện lúc này thật cần thiết, thánh Gioan Climacô nói:“ Lời cầu nguyện cưỡng bách lòng Thiên Chúa”.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiên báo với các môn đệ về hành trình Người phải trải qua để Ơn Cứu Độ đến muôn người: “Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại”. Chúa cho các môn đệ biết nhiệm vụ loan báo Tin Mừng là con đường đầy chông gai? Khó khăn không chỉ là đường đi vượt suối băng rừng đến các vùng miền xa lạ, mà còn bắt nguồn từ cõi lòng của con người. Liệu các tông đồ có hiểu ý nghĩa của lời dự báo này chăng? Thánh Grêgôriô chia sẻ: “ Ganh tị sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác gặp may lành”, sự dửng dưng và nguội lạnh của các tâm hồn xơ cứng chăm chăm giữ những Luật lệ từ thời xưa. Xuất phát từ chính những người thông thái đang giữ nghiêm nhặt lề luật đạo Chúa, đồng thời cũng là người lên tiếng phản đối, để Người phải trả giá bằng tính mạng mình.

Chúa Giêsu vạch ra con đường mà các tông đồ sẽ bước đi nếu theo Ngài : “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”.  Chân phước G.M Balaguer cho chúng ta kinh nghiệm: “ Thập giá, phiền muộn, gian truân, bạn còn có mãi suốt cuộc đời. Đó là đường Chúa đi, và môn đệ không hơn Thầy”. Vác Thập giá theo Chúa ngày trước mà các Thánh Giáo Hoàng Linô (67-76), Giáo Hoàng Sixtô (115-125), Giáo Hoàng Êvaristô (97-105)…, đã thực hiện là không ngại hy sinh mạng sống. Và phần thưởng cao quý các ngài được nhận: “Nếu cùng chịu đau khổ với Chúa Ki tô, thì cũng sẽ được đồng hưởng vinh quang với Người”  Rm 8,17.

Còn ngày nay vác Thập giá mình là dâng lên Chúa cuộc sống của mỗi người: thánh Anphongs chia sẻ: “ Ai thấy mình hay chiều về tính kiêu ngạo thì hãy quyết chí tập đức khiêm nhường, bằng lòng nhận chịu các sự nhục nhã bởi kẻ khác. Ai có tính tham ăn, hãy bắt xác thịt thèm nhạt, không ăn những đồ ngon mình thích. Và đối với các nết xấu cũng vậy”, chúng ta kiên trì cầu xin Chúa giúp chúng ta biết hy sinh, biết hoán cải con người mình vượt qua các cơn cám dỗ. Thánh Augustino đã nói: “Thánh giá là chiếc tàu, không ai có thể vượt biển trần gian, nếu không được chở bằng Thánh giá Chúa Kitô”.

Bước vào mùa Chay, Giáo hội kêu gọi toàn thể tín hữu biểu lộ lòng thống hối, thánh Phanxicô Xaviê chia sẻ: “Mỗi người chỉ có một linh hồn. Nếu được rỗi thì được hưởng Thiên đàng, nếu bị mất thì phải sa Hỏa ngục”. Chúng ta hãy sám hối và nhận ra trong cuộc sống còn nhiều việc thiện phải làm để thế giới ngày một tốt đẹp hơn.

Anna Anh

Bước theo Đức Ki-tô (27.02.2020)

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta một con đường phải đi để đạt đến sự sống đời đời. Nhưng con đường này thật khác với những suy nghĩ của con người. Con đường đó là: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”

Mới nghe qua lời mời gọi này, chúng ta cảm thấy thật khó chấp nhận. Vì bản tính của con người, ai cũng thích sự thoải mái, dễ dãi, tự do và phóng khoáng… Vì thế, theo thói thường, người ta đi theo ai, hay cộng tác với một người nào đó, là vì người ta thấy mình sẽ có được một chút lợi lộc, danh vọng, hay địa vị nào đó, nhờ đó mà tìm cơ may cho đời mình có sự an nhàn, thanh thản; thêm chút tiện nghi, dễ dàng và thoải mái hơn trong cuộc sống này. Ấy thế mà hôm nay, Chúa Giê-su lại kêu gọi con người ta hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá mà đi theo Ngài.

Xuyên suốt Tin Mừng, chúng ta thấy, lời mời gọi này là một trong những lời dạy chủ yếu của Chúa Giê-su được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong khi Ngài đi rao giảng Nước Trời. Qua lời dạy này, Chúa Giê-su muốn chỉ ra cho chúng ta ba điều phải sẵn sàng làm, nếu chúng ta muốn sống cuộc đời Ki-tô hữu, đó là: Phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo, và điều căn bản nhất là phải muốn bước theo Chúa Giê-su:

+ Thứ nhất, phải từ bỏ chính mình. Để trở nên môn đệ Đức Ki-tô, mỗi người phải biết vâng nghe thánh ý Chúa, từ bỏ những điều cản trở, những sự dính bén trần thế này, mà bước đi trên con đường nên thánh của mình. Chúa Giêsu hiểu con người còn hơn con người hiểu chính mình. Ngài thấu tỏ lòng con người. Ngài biết con người có khuynh hướng thích những gì dễ dãi, ham danh vọng, thích uy quyền và hưởng thụ; nhưng tất cả những khuynh hướng này chỉ làm cho con người xa lý tưởng mà Thiên Chúa đã dự định cho con người.

Vì thế, Chúa Giêsu đòi con người phải từ bỏ chính mình, tức là từ bỏ ý riêng mình để sống theo thánh ý của Thiên Chúa. Từ bỏ những cái tôi ích kỉ, những ham muốn thấp hèn đã chi phối đời sống, mà đặt Chúa làm quy tắc hướng dẫn cuộc đời mình.

+ Thứ hai, phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Nghĩa là gánh chịu sự hy sinh, gian khổ. Đời sống Ki-tô hữu là đời sống hy sinh phục vụ. Ki-tô hữu có thể phải bỏ mọi thứ cao vọng hay vọng trọng của cá nhân để phục vụ Chúa. Điều phải hy sinh thường xuyên của người theo Chúa chắc chắn đó là công sức, thời giờ, tiền bạc; hy sinh sự nhàn rỗi, những giờ giải trí,… để phục vụ Chúa trong công tác phục vụ đồng loại.

Bên cạnh đó, những hy sinh của những người theo Chúa còn có thể là những đau khổ, nhục mạ, tù đày, đánh đòn, chết chóc vì niềm tin của mình.

Chắc chắn, những hy sinh, những vất vả, hay khổ đau đó sẽ đến với những ai bước đi theo Ngài. Như là điều tất yếu xảy ra với những ai tin nhận và bước theo Chúa Giê-su, Ngài cũng muốn con người vác tất cả các đau khổ này hằng ngày mà theo Ngài, vì nó sẽ sinh lợi ích cho con người, và giúp con người đạt tới lý tưởng mà con người theo đuổi. Vì chính Ngài cũng qua con đường đau khổ đó để đem lại ơn Cứu Độ cho con người.

+ Thứ ba, phải muốn theo Chúa Giê-su. Đây là điều kiện tiên quyết để trở nên một môn đệ đích thực của Chúa Giê-su. Con người được Thiên Chúa ban cho tự do để lựa chọn; không ai có thể bắt họ làm điều họ không muốn. Tuy Thiên Chúa có thể bắt, nhưng nếu làm như thế, Ngài sẽ mâu thuẫn với chính Ngài.

Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày cho con người biết hết những tốt đẹp của cuộc sống mai hậu, và những điều tai hại nếu con người không đạt mục đích này; sau đó, Ngài để cho con người tự do lựa chọn. Vì thế, Ngài mới mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Và những ai bước theo Ngài như thế, thì sẽ có những phần thưởng là sự sống đời đời, trái lại, nếu không bước theo đường lối Ngài dạy thì sẽ mất sự sống mai sau: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.”

 Như thế, qua Tin Mừng hôm nay, chúng ta nhận ra rằng, để trở nên môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta phải biết lắng nghe và vâng theo lời Thiên Chúa dạy; biết từ bỏ chính mình, và phải vác thập giá mình mà bước đi trong tin tưởng và tự do.

Chúng ta cũng biết rằng, cuộc đời chúng ta đầy những thử thách và gian khổ, đoạn đường vác thập giá theo Chúa sẽ không chỉ có một giờ hay hai giờ; sẽ không chỉ là có một ngày hay hai ngày…mà cả là một đời của mỗi người chúng ta. Với một thời gian dài như vậy, làm sao chúng ta lại không bị thói đời, cùng cái tôi của mình chi phối, lôi kéo, cám dỗ được?

Vì thế, chúng ta phải không ngừng xin Chúa nâng đỡ, trợ giúp để chúng ta luôn vững tin vào Chúa, để khi gặp phải những thử thách nghiệt ngã, chúng ta luôn nhận biết Chúa vẫn đang ở bên cạnh và đồng hành với chúng ta, với một niềm xác tín như thánh Phaolô ngày xưa “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỉ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.” (Rm 8,38-39). Amen.

Bình Minh

Hành trình tìm về Nước Hằng Sống

Ghi nhớ:

Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9, 25).

 Suy niệm:

Odette là một cô gái rất xinh đẹp, sinh ra trong một gia đình quí tộc ở nước Bỉ.

Năm mười bảy tuổi cô quyết định đi tu. Nhưng chỉ sau vài ngày vào dòng, cha mẹ cô đã đến bắt cô trở về. Rồi đem gả cho một lãnh chúa ở lâu đài gần nhà cô. Vì biết con gái mình không muốn lập gia đình nên cha mẹ cô đã âm thầm xắp đặt đám cưới cách kín đáo, nhằm tạo ra sự việc đã rồi!

Buổi sáng hôm đó Odette thứ dậy thì thấy nhà mình huyên náo, ồn ào khác thường. hỏi gia nhân thì họ cho hay; rằng ông bà chủ đang chuẩn bị lễ cưới cho cô…

Trong lễ cưới, khi linh mục chủ sự hỏi:

  • Con có nhận Simon làm chồng theo luật Hội Thánh không? Thì cô đã dõng dạc trả lời:
  • Con không nhận Simon hay bất cứ một người đàn ông nào làm chồng. bởi vì tình yêu và lòng chung thủy của con đã hiến dâng cho Thiên Chúa rồi, do vậy, không có thế lực nào có thể tách con ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được. Chỉ có Đức Giê-su là bạn trăm năm duy nhất của đời con thôi!…

Sáng hôm sau, không thấy con gái xuống nhà. Linh cảm điều gì đó không hay nên ông bố lên phòng thì nhìn thấy Odette đang gục đầu trên vũng máu. Ông đau đớn nhìn con và hiểu ngay ra rằng; vì để có thể theo Chúa nên cô con gái đã hy sinh nhan sắc của mình: Cô đã dùng gươm cắt đi chiếc mũi xinh đẹp.

Khi lành vết thương Odette đã được nhận trở lại dòng và chỉ vài năm sau đó. Cô đã trở thành tu viện trưởng lúc đó Odette mới có hai mươi ba tuổi đời!

Bài Tin Mừng hôm nay, phần đầu Chúa Giê-su loan báo về việc Ngài phải chịu nhiều đau khổ, chịu tử nạn và  sau ba ngày thì phục sinh cho các môn đệ biết: “ Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy.” Như vậy, để cho các môn đệ khỏi ngỡ ngàng và hoang mang vì những biến cố săp xảy ra. Đồng thời Chúa cũng muốn  cho các ông hiểu một chân lý mới, đó là phải qua đau khổ thì mới đến được bến bờ vinh quang.

Kế đến Chúa Giê-su đòi hỏi những ai  muốn đi theo Ngài phải biết từ bỏ chính mình và  vác thập giá mà bước đi theo Chúa.

Việc từ bỏ chính mình để đi theo Chúa là sự khởi đầu cho một hành trình tìm về Nước Hằng Sống. Mà Nước ấy rất có giá trị đến nỗi nếu có đem cả thế gian này mà trao đổi thì cũng không có nghĩa lý gì hết. Chính Đức Giê-su đã khẳng định: “ Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”.

Theo Chúa là phải từ bỏ mình; tức là bỏ đi cái TÔI ích kỷ, hẹp hòi, tham lam, ghen ghét, giận hờn, kiêu căng và lười biếng…

Nói  “từ bỏ” xem ra có vẻ dẽ dàng nhưng đi và thực hiện thì chẳng đơn giản chút nào . Muốn từ bỏ những gì không đẹp ý Chúa, chúng ta phải có quyết tâm cao và trên hết là phải có ơn Chúa trợ lực. Bởi vậy, trong mùa chay thánh này là dịp để chúng ta xin Chúa giúp sức, ban ơn  cho chúng ta thực sự biết hy sinh từ bỏ chính mình hàng ngày trong cuộc sống trần gian này, để sau khi cuộc sống dương trần này kết thúc thì chúng ta xứng đáng được hưởng hạnh phúc nơi Nước Hằng Sống muôn đời.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su xin ban cho chúng con có một niềm tin vững vàng và sức mạnh để chúng con biết từ bỏ những gì không đẹp lòng Chúa, và ra sức làm việc thiện làm rạng danh Chúa, để ngày sau xứng đáng hưởng Nước Trời. Amen. 

Sống Lời Chúa:

Vâng lời các Đấng  các bâc trong Giáo Hội.

Đaminh Trần văn Chính

Tìm hạnh phúc Nước Trời (15.02.2018)

Ghi nhớ :

Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,25)

Suy niệm :

  • Này bạn, tôi thấy bạn rất chăm chỉ học, để làm gì vậy?
  • Thì để đỗ đạt, có bằng cấp cao.
  • Có bằng cấp cao để làm gì?.
  • Để sau này ra trường sẽ kiếm được việc làm có thu nhập cao.
  • Có thu nhập cao, để bạn làm gì?
  • Thì tôi sẽ dành dụm tậu nhà, sắm xe và  còn tiền đẻ trang trải cho cuộc sống cao sang hơn.
  • Rồi sau đó bạn sẽ làm gì nữa?.
  • Tôi sẽ cưới vợ và xây dựng một gia đình  hạnh phúc!
  • Bạn  giàu sang, có một gia đình hạnh phúc rồi thì sau đó bạn sẽ làm gì?.
  • Tôi sẽ ung dung hưởng cảnh thư thái an nhàn cho đến khi về già!
  • Rồi gì nữa?
  • Sao bạn lại hỏi tôi những câu hỏi xem ra vô bổ như vậy nhỉ?.
  • Bạn ơi, không đâu. Tôi chỉ muốn nhắc bạn một điều là: “Được lời lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì.”

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giesu kêu gọi mọi người phải ý thức rằng cho dầu được cả và thế gian này mà đánh mất sự sống mai sau, thì có ích lợi gì? Nhưng nếu muốn chiếm được sự sống đời sau thì phải theo Ngài, từ bỏ chính mình vác thập giá hàng ngày mà đi. Để trở nên môn đệ của Chúa và để có được sự sống vĩnh cửu sau này, chúng ta trong cuộc sống đời thường hôm nay phải biết từ bỏ những ý muốn riêng tư ích kỷ, phải noi theo gương Ngài: yêu thương và phục vụ anh em dù trên con đường phục vụ đó chúng ta có phải trả giá bằng những thiệt thòi, bằng chịu nhiều mất mát, khổ đau.

Thập giá hàng ngày mà chúng ta phải vác là khi chịu đựng những cái nhìn thiếu thiện cảm, những lời nói chướng tai hay chịu đựng những tính khí bất thường của người anh em… vác thập giá là phải vượt qua chính mình mà vươn lên, không để cho những tính hư nết xấu làm chủ mình. Bởi vì muốn có vinh quang chúng ta phải trải qua đau khô theo con đường mà chính Chúa Giê-su đã nêu gương.

Bởi vì cuộc sống trên trần gian này là một cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ với chính bản thân, với thế gian và với ma quỷ. Trong cuộc chiến đó chúng ta phải chiến thắng nhờ vào ơn Chúa và như vậy chúng ta mới chiếm hữu được sự sống muôn đời.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết rằng sống ở đời, cho dù có được hưởng mọi sự giầu sang, quyền uy, phú quí đến mấy đi nữa mà đánh mất linh hồn thì thật vô phúc cho chúng con. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng sông trên trần gian này là để đi tìm hạnh phúc Nước Trời, mà ra sức thực thi ý Chúa, hãm mình, hy sinh, chịu khó và mai sau chúng con xứng đáng hưởng sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng. Amen.

Sống lời Chúa:

Dùng thời gian nghỉ ngơi để làm việc đạo đức.

Đaminh Trần văn Chính. 

Vác thập giá (02.03.2017)

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu báo trước một thực tại đau buồn sẽ xảy đến cho Người: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,22). Người báo trước cho các môn đệ cuộc tử nạn của Người, đây là điều các môn đệ thật khó mà tin nổi, khi họ đã chứng kiến Người từng làm bao nhiêu phép lạ, với quyền năng của một Đấng Mêsia quyền năng trong mấy năm rao giảng.

Rồi Người nói với mọi người, những người đang nghe và theo mình: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24).

Muốn theo Chúa thì phải từ bỏ chính mình, từ bỏ nhiều điều, nhất là điều mình lại ưa thích gắn bó, nhưng đi ngược lại với giáo huấn của Chúa là vô cùng khó khăn đối với sức riêng của con người. Nhưng nếu tôi mở lòng cho Chúa ngự trị và lấy Chúa là nguồn vui hạnh phúc, sống gắn bó hạnh phúc trong Chúa, tình yêu Chúa tràn đầy khỏa lấp tâm hồn thì những thứ kia sẽ tự giảm thiểu và không cần thiết nữa. Chính sức mạnh của Chúa sẽ khử trừ những lầm lạc và những thứ vô bổ đó ra khỏi con người mỏng dòn, ham hố của tôi. Bởi vì “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26).

Theo Chúa thì phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai cũng thấy khó chịu và khổ sở khi “vác” thập giá dù là nặng nhẹ. Nếu không có Chúa cùng đi với con, một mình mang lấy thì quả là nặng nề và sẽ bực dọc kêu ca, phản kháng. Nhưng khi sống mật thiết đậm đà với Chúa, thấy rằng luôn có Chúa đi trước, cùng đi với con và với tình yêu, thập giá hằng ngày của trở nên nhẹ nhàng và con sẽ chiến thắng vượt qua.

Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống vì Chúa thì lại cứu được mạng sống mình. Nghịch lý này đã thể hiện trong chính cuộc đời Đức Giêsu, Người đã hy sinh chịu chết và đã sống lại, cho muôn người được ơn cứu độ và được sống. Chính các thánh tử đạo đã liều mất mạng sống vì Chúa, nên được lại mạng sống, đã chiến thắng với nhành thiên tuế. Máu các ngài đã trổ sinh nhiều tín hữu.

Trong bài đọc I sách Đệ Nhị Luật khẳng định: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh (em) chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ… nghĩa là hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), nghe tiếng Người và gắn bó với Người, vì như thế anh (em) sẽ được sống, sống lâu mà ở lại trên đất ĐỨC CHÚA đã thề với cha ông anh (em), là ông Abraham, ông Issac và ông Giacob, rằng Người sẽ ban cho các ngài” (Dnl 30, 15.20).

Lạy Chúa! Xin cho con biết sống gắn bó, mật thiết đậm đà với Chúa. Sống trong tình yêu Chúa, chúng con sẵn sàng vui vẻ vác lấy thập giá mình để theo Chúa. Sống trong tình yêu của Chúa, chúng con cũng biết hiến dâng, cho đi, trao ban mọi sự và hiến dâng đến cả mạng sống mình nữa. Amen.

  Én Nhỏ  

Từ bỏ mình, vác thập giá theo Chúa (11.02.2016)

Đức Mẹ Lộ Đức

1- Ghi nhớ:

     “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta (Lc 9, 23.)

2- Suy niệm:

       Ba điều kiện để trở nên môn đệ Chúa: Theo Tin Mừng Nhất Lãm, động từ “theo” có nghĩa “trở nên môn đệ.” Theo Chúa Giêsu là muốn trở nên môn đệ của Ngài. Điều này có nghĩa không những người môn đệ chấp nhận lý tưởng mà còn chấp nhận cách thức để đạt lý tưởng của Thầy mình. Lý tưởng của Chúa Giêsu là làm sao cho tất cả mọi người đạt được ơn Cứu Độ mà Ngài sắm sẵn cho họ qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Để đạt tới lý tưởng này, Chúa Giêsu đòi 3 điều kiện như sau:

–  Phải muốn theo: Con người được Thiên Chúa ban cho tự do để lựa chọn; không ai có thể bắt họ làm điều họ không muốn. Tuy Thiên Chúa có thể bắt, nhưng nếu làm như thế, Ngài sẽ mâu thuẫn với chính Ngài. Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày cho con người biết hết những tốt đẹp của cuộc sống mai sau, và những điều tai hại nếu con người không đạt mục đích này; sau đó, Ngài để cho con người tự do lựa chọn.

–  Phải từ bỏ chính mình: Chúa Giêsu hiểu con người còn hơn con người hiểu chính mình. Ngài biết con người có khuynh hướng thích những gì dễ dãi, ham danh vọng, thích uy quyền và hưởng thụ; nhưng tất cả những khuynh hướng này chỉ làm cho con người xa lý tưởng mà Thiên Chúa đã dự định cho con người. Vì thế, Chúa Giêsu đòi con người phải từ bỏ chính mình, tức là từ bỏ ý riêng mình để sống theo thánh ý của Thiên Chúa.

– Phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo: Chúa Giêsu cũng biết con người không thích đau khổ, nhục mạ, tù đày, đánh đòn, chết chóc; nhưng Ngài muốn con người vác tất cả các đau khổ này hằng ngày mà theo Ngài, vì nó sẽ sinh lợi ích cho con người, và giúp con người đạt tới lý tưởng mà con người theo đuổi. Chính Ngài cũng qua con đường đau khổ đó để đem lại ơn Cứu Độ

3- Cầu nguyện :

 Lạy Chúa! Con đường theo Chúa đòi hỏi chúng con phải không ngừng từ bỏ chính mình, từ bỏ những ý riêng của mình để nỗ lực vượt qua những cản trở trên hành trình theo Chúa. Khi từ bỏ chính mình, chúng con sẽ cậy nhờ vào sức mạnh của Chúa và bước đi dưới sự hướng dẫn, dìu dắt của Chúa trong tâm tình phó thác tin yêu của chúng con. Amen.

4- Sống Lời Chúa :

Cái gì cũng có giá của nó! Là Ki-tô hữu, chúng ta nghĩ sao về lời nhắc nhở của Chúa Giê-su : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích gì?”

 HOÀI THANH

Giá trị đời người

“Người nào được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích gì?” (Lc 9,25)

Suy niệm: Thánh Inhaxiô, đấng sáng lập dòng Tên, bạn của thánh Phanxicô Xaviê, cứ nhắc đi nhắc lại mãi cho bạn mình câu Lời Chúa này. Ban đầu Phanxicô khó chịu nhưng cuối cùng Lời này đã đánh động Phanxicô: ngài được biến đổi, gia nhập dòng Tên và trở thành nhà truyền giáo không mệt mỏi cho vùng Á Châu. Quả thật sở hữu cả thế gian này cũng không đủ cân xứng với giá trị một con người; bởi vì “nhân linh ư vạn vật,” con người có giá trị linh thiêng mà Thiên Chúa đã phú ban khi tạo dựng. Phẩm giá con người con cao quý hơn nữa bởi vì đã được cứu chuộc bởi chính mạng sống của Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa.

Mời Bạn: Thế giới ngày nay đang chạy theo trào lưu tục hoá và thực dụng. Chúng ta dễ đặt vật chất làm tiêu chuẩn đánh giá: những ai sở hữu nhiều của cải, nhiều quyền lực có địa vị cao trong xã hội được coi là thành đạt. Mùa Chay là cơ hội thuận lợi để chúng ta xác định lại giá trị thật của đời người, nhất là giá trị của một người xét như là con cái Thiên Chúa.

Chia sẻ: Đứng trước những đòi hỏi ‘phải có điều này’, phải ‘sở hữu cái kia’, Bạn đã phản ứng ra sao để giữ được chất Kitô trong con người Bạn?

Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi lặp đi lặp lại câu Lời Chúa này nhiều lần, xin Chúa giúp tôi hoán cải cuộc sống như thánh Phanxicô Xaviê.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khơi gợi cho con thấy lại những giá trị đích thực của con người con. Xin cho con biết bảo tồn những giá trị đó bằng cách dám can đảm từ khước những gì làm phương hại đến chúng. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *