Niềm vui trong Chúa (10.05.2024 – Thứ Sáu tuần VI Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 18,9-18, Ga 16,20-23a

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 16,20-23a)

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21 Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. 22 Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. 23a Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa.”

Niềm vui trong Chúa (10.05.2024)

Cha Anton Nguyễn Cao Siêu, có một nhận xét rất chí lý khi suy gẫm đoạn Tin Mừng trên như sau:

“Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn

mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy.”

Vâng, khi đọc đi đọc lại đoạn Tin Mừng này, quả thực đã có rất nhiều từ nói đến niệm vui và nỗi buồn…

Hầu như trong cõi đời này luôn tồn tại hai chiều kích trái ngược nhau, thí dụ  như: Bóng tối và ánh sáng, hội ngộ và chia ly, đau khổ và hạnh phúc. Và để có một kết cuộc có hậu, một happy ending, mọi loài thụ tạo đều trải qua một quá trình phấn đấu: “qua đau khổ mới đến được vinh quang..”

Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt được vào bên trong cơ thể một con trai. Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất xà cừ óng ánh để bọc quanh hạt cát. Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp…Cũng thế, muốn đạt kết quả tốt trong học tập, một học sinh, một sinh viên phải học tập chăm chỉ. Muốn có được thành quả tốt trong công việc, một công nhân, một kĩ sư phải làm việc cật lực. Muốn có lợi nhuận cao, một thương gia phải nghiên cứu thị trường thật kĩ càng và phải cung cấp cho thị trường đúng những mặt hàng thị trường cần… Như thế để gặt hái thành công dù ở lãnh vực nào thì con người cần cố gắng và có khi vất vả thật nhiều. Muốn có được thành công càng lớn thì sự vất vả, nỗ lực ấy càng phải nhiều hơn.

Không những chỉ mọi loài thụ tạo, mà chính cuộc đời của Chúa Giêsu, Con Một Chúa, đã là một bằng chứng cụ thể. Ngài đã chấp nhận mọi nỗi đau đớn, tủi nhục, gian khổ, nhưng sau cùng Ngài đã phục sinh vinh hiển, và đồng thời Ngài cũng phục sinh toàn thể nhân loại tội lỗi chúng ta nữa…

Cha Nguyễn Cao Siêu lại viết tiếp những dòng thơ đẹp như mơ về niềm vui Kitô giáo:

Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo,

bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia:

Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu.

Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức,

qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ,

qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối,

qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.

Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi.

Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong.

Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập.

Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường.

Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui.

Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.

Vâng, Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa, cũng như: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”(Thánh Phanxicô Salêsiô)

Vậy thì, chúng ta nghiêm túc đọc lại bài suy niệm của Cha Antôn Siêu nhé:

Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ,

nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu.

Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời,

người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.

 Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con biết rằng đau khổ chính là mảnh đất tốt cho cây sự sống mọc lên và kết trái hạnh phúc. Đau khổ là lưỡi cày cày xới ruộng đất cho phì nhiêu. Buồn phiền là phân bón cho cây sự sống lớn mạnh. Khóc lóc phát sinh nước mắt tưới cho hạnh phúc kết trái. Rồi đau khổ sẽ qua. Hạnh phúc sẽ đến. Bấy giờ “nỗi buồn biến thành niềm vui”. Đau khổ là điều kiện phát sinh và là tường thành chắc chắn cất giấu kho tàng hạnh phúc, không ai có thể lấy mất được. Tất cả những gian nan thử thách ở đời này giống như giây phút người phụ nữ sinh con. Khi đến giờ thì rên la đau đớn. Nhưng khi sinh con rồi thì hạnh phúc chứa chan. Sẽ đến ngày Chúa “xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân… sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,… sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người”. Amen.

Têrêsa Hảo

Niềm vui hóa giải nỗi buồn (19.05.2023)

Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Gioan (Ga 16,20-23a) Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ: “các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui.” Chúa nhắc đến chuyện người đàn bà sắp sinh con, Chúa muốn nói đến nỗi lo lắng và đau đớn của bà sẽ phải trải qua nhưng niềm hạnh phúc sẽ đến vì có thành viên mới chào đời, cái giá cho nỗi đau trước mắt nhưng sau đó lại được niềm vui.

Cách đây cũng khá lâu vào năm 1989, con rể của chú tôi phải chấp nhận từ bỏ đường công danh sự nghiệp khi lấy con gái chú. Em đã được đề cử trong danh sách cán bộ quản lý dự bị của ngành, nhưng khi em lấy vợ công giáo và hơn nữa chú tôi là sĩ quan chế độ cũ đang học tập cải tạo thì sự nghiệp thăng tiến bị dừng lại. Người trong gia đình và ngay họ hàng của gia đình em cũng như nhiều người trong ngành giáo dục đều tiếc cho em. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ bước đầu là một sự khó khăn về kinh tế, vì cả hai cùng ngành giáo, nhưng điều kỳ diệu là 15 năm sau người con rể ấy vẫn được đứng trong đội ngũ cán bộ quản lý của ngành, là một trong những cán bộ giỏi, quản lý một trường Trung học cơ sở lớn nhất trong quận. Tạ ơn Chúa, sau những năm tháng thăng trầm, gia đình em thăng hoa trong niềm vui hạnh phúc.

Trong đời sống gia đình, sự hy sinh phục vụ của cha mẹ khi chăm sóc con cái từ nhỏ cho đến trưởng thành là trách nhiệm mà Thiên Chúa trao ban, thành quả những tháng ngày vất vả của cha mẹ là quá trình dài nhưng cần thiết để mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình. Con trẻ khôn lớn, thành đạt trong cuộc sống nhờ đôi bàn tay nâng đỡ, sự bảo ban của cha mẹ, nói lên chính tình yêu thương nhau là mối liên kết chặt chẽ giữa cha mẹ và con cái. Thánh Catarina Siênna từng chia sẻ: “Con người được tạo dựng nên do tình yêu, để con người sống cho tình yêu”.

Trong giáo xứ, người Kitô hữu thể hiện đức tin qua hành động phục vụ anh em, bước theo Chúa là chấp nhận sự biến đổi về nhân cách của mỗi người, không còn sự riêng lẻ của từng cá nhân hay hội đoàn mà phải hòa với cái chung theo hoạt động phát triển giáo xứ. Chúng ta luôn được mời gọi tham gia vào sứ vụ loan truyền Tin Mừng qua đời sống chứng nhân của bản thân và gia đình. Thân thể huyền nhiệm của Đấng Cứu Thế được xây dựng trên tình yêu thương nhau, đồng trách nhiệm của cộng đoàn dân Chúa. Kinh nghiệm của Thánh Cyprien cho chúng ta biết: “ Đối với Thiên Chúa, lễ dâng đẹp nhất là chúng ta sống an bình, hòa thuận, và toàn dân thánh hiệp nhất trong Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.

Lạy Chúa Kitô phục Sinh, xin Chúa giúp chúng con nhận ra để trở thành những môn đệ của Chúa thì chúng con phải học ở Chúa nhân đức hy sinh vì người khác, trong thư Thánh Phaolo tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-sô : “ Chính Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta và đã tự nộp mình làm hy lễ đền tội thượng tiến Thiên Chúa vì chúng ta” Ep 5,2.

Anna Anh

Nỗi buồn trở thành niềm vui (27.05.2022)

Cuộc đời con người là chặng đường dài mà ai cũng sẽ trải qua, có thể là chuỗi ngày thật êm ấm, hạnh phúc, nhưng cũng có thể gặp bước ngoặc gian truân thử thách vì nhiều lý do chủ quan và khách quan tác động đến đời sống gia đình. Người càng nhiều tuổi càng kinh nghiệm về cuộc sống nhất là những thay đổi ngoài xã hội ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Chân phước Têrêxa Calcutta chia sẻ: “Khi đau khổ xảy tới, các bạn hãy mỉm cười đón nhận. Hồng ân lớn nhất mà Thiên Chúa có thể ban, đó là can đảm mỉm cười đón nhận bất cứ điều gì Ngài tặng ban và dâng Ngài bất cứ điều gì Ngài muốn lấy lại”. Khu phố tôi có gia đình thoạt nhìn bề ngoài thật phong lưu khá giả, nhưng những ai cư ngụ lâu năm ở đây đều biết họ cũng có nhiều năm tháng kinh tế gia đình kiệt quệ, túng thiếu, ngày tháng khó khăn trôi qua, họ tạ ơn Chúa bằng các chuyến bác ái ở vùng sâu vùng xa.

Trang Tin Mừng hôm nay là Lời Chúa cảnh báo với các môn đệ về hành trình rao giảng Nước Trời, các ông sẽ gặp nhiều sự gian nan, khó khăn, thậm chí cả nỗi buồn thất vọng … “ Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”. Ga 16,20, phần thưởng của các ông được hưởng là niềm vui ngày Chúa trở lại. Chúa Giêsu đưa hình ảnh của người nữ sắp sinh con với nỗi lo sợ của cơn đau đớn vật vả: “Người đàn bà khi sinh con thì lo buồn, vì giờ đã đến, nhưng khi sinh con rồi, thì bà mừng rỡ…” Ga 16,21. Ông bà ta ngày trước đã cảm nhận nỗi đau khổ ấy: người phụ nữ khi sinh con là vượt cạn một mình, giữa cái sống và cái chết nhưng vẫn phải đi đến đích cho đứa con được chào đời và rất hạnh phúc khi nhìn thấy con mình.

Chúa Giêsu nối kết nỗi buồn và khổ nhọc của các môn đệ với sự xuất hiện của một nhân loại mới. Chúa Phục Sinh bảo đảm cho người Kitô hữu niềm vui không ai lấy mất được. “Nếu cùng đau khổ với Chúa Kitô, thì cũng sẽ được đồng hưởng vinh quang với Người” Rm 8,17.

Khi tham gia làm việc ngoài xã hội, người Kitô hữu đôi khi cũng sẽ trải qua những lúc chịu thiệt thòi, buồn bực vì sự trung thực, thẳng thắn cho lẽ công bằng. Nhưng chúng ta hãy kiên tri và nhẫn nại học theo thánh Anphongsô: “Khi yêu mến Thiên Chúa trong những đau khổ là chúng ta đang gieo hạt giống tốt cho hạnh phúc”. Làm điều tốt lành cho mọi người thể hiện tình tương thân tương ái quên mình, là điều cần thiết để mang lại niềm vui đích thực. Trong bậc sống nào cũng sẽ có lúc vui buồn đan xen nhau, chính trong thời điểm ấy là lúc chúng ta nhận ra tình yêu thương với nhau như Lời Chúa dạy. Người Kitô hữu không tránh né những đau khổ đến với mình, mà chấp nhận với tinh thần sẵn sàng vì Chúa.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, chiến thắng của Chúa trên thập giá là nguồn sức mạnh và niềm vui cho chúng con. Thánh Maria Mađalêna Pazzi từng nói: “Bất cứ nỗi khổ cực nào, cho dù to lớn đến đâu cũng trở nên êm dịu khi người ta nhìn ngắm Chúa Giêsu trên thập giá”. Xin Chúa giúp chúng con hiểu rằng: khi Chúa kêu mời chúng con tha thứ cho nhau, là Chúa muốn biến đổi chúng con thành những con người mới.

Anna Anh

Qua đau khổ đến vinh quang (22.05.2020)

Ghi nhớ:

“Thật, Thầy bảo thật anh em; anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.” (Ga 16, 20).

 Suy niệm:

Vào cuối thế kỷ trước, những người vẽ bản đồ Liên Xô đau đầu vì phải viết lại tên cũ của những thành phố ở khắp nơi trên lãnh thổ của họ. Bởi vì theo nguyện vọng của dân chúng thì phải hoàn trả lại những tên cũ. Tên mới mà Stalin đặt cho phải được xóa bỏ.. Tại Leningrat, dân chúng yêu cầu bỏ đi và để tên cũ là Petersburg hay St. Petersburg. Nghĩa là đô thị của thánh Phêrô. Những người muốn đặt lại tên cũ cho những địa danh, họ lập luận rằng;

– Cũng như người ta có quyền giữ tên mà cha mẹ đã dặt cho mình thế nào, thì cũng vậy, một thành phố  phải được quyền gìn giữ cái tên khai nguyên của nó.

Tại Cộng Hòa Georgia, trường đại họcTbilisi đã xóa bỏ tên của Lenin và ngay cả tượng đài của ông cũng bị đạp đổ! Gorky sẽ được phục hồi như trước là Novgorod. Bezhnev sẽ được mang tên cũ là Nabereznye còn Zhadanov sẽ được phục hồi là Mariupol; nghĩa là Thành phố của Đức Mẹ.

 Chúa Giê su mượn tâm trạng buồn vui của một người phụ nữ sắp sanh con để biểu đạt cho các môn đệ biết; Phải qua đau khổ mới bước vào vinh quang. Nhìn vào cuộc đời Chúa Cứu Thế, chúng ta thấy nổi lên chân lý đó. Từ lúc sinh ra trong cơ hàn, lớn lên thì Ngài bôn ba đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, xua trừ ma quỷ, chữa lành người đau yếu tật nguyền và cuối cùng bị người ta hành hạ rồi giết chết bằng cách đóng đinh vào thập giá. Nhưng chính lúc Ngài chết đi thì cũng là lúc Thên Chúa tỏ cho thế gian biết vinh quang Phục Sinh của Ngài. Đây là một chân lý mà Chúa Giê-su muốn cho chúng ta thấm nhuần; Là  phải qua đau khổ thì mới đến được vinh quang!

Cuộc hành trình theo Chúa, chúng ta cũng sẽ phải đương đầu với rất nhiều cám dỗ, gian nan, khổ đau. Vì vậy chúng ta phải kiên tâm chịu đựng để vượt qua và khi chúng đã vượt qua được thì chân trời hạnh phúc sẽ rộng mở đón tiếp chúng ta.

Chúa Giêsu đến thế gian Ngài không tiêu diệt đau khổ, nhưng Ngài sẽ nâng đở chia sẻ, ban sức mạnh cho những ai đau khổ nhưng biết cậy trông và cùng bước đi với Ngài trên con đường thập giá. Có Ngài cùng đồng hành, chắc chắn chúng ta sẽ đạt tới niềm vui và hạnh phúc viên mãn mà Chúa đã hứa ban cho những kẻ kiên tâm, can đảm bước đi theo Ngài

 Cầu nguyện:

 Lạy Chúa Giê-su. Con đường của Chúa là con đường qua đau khổ mới đến vinh quang, cuộc sống của chúng con có rất nhiều khó khăn, gian khổ. Xin giúp chúng con kiên tâm bền chí, biết can đảm đón nhận mọi sự với niềm tin tưởng, tín thác, vì chúng con biết rằng có Chúa cùng đi bên chúng con chúng con sẽ vượt qua mọi thử thách, khổ đau. Amen.

 Sống Lời Chúa:

Tin tưởng, phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng của Chúa.

Đaminh Trần Văn Chính.

Trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống (26.05.2017)

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20). Trong cuộc sống, chúng ta sẽ có lúc thăng, lúc trầm; lúc vui mừng, lúc buồn sầu. Chẳng ai có thể giữ được niềm vui suốt cả cuộc đời của mình. Những niềm vui đó chỉ là niềm vui của thế gian. Những gì thuộc về thế gian thì không tồn tại lâu dài, nghĩa là nó dễ thay đổi và mau chóng qua đi. Khi mất đi niềm vui thế gian, nó sẽ để lại cho chúng ta nỗi buồn sầu, đau khổ. Từ đó sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự tuyệt vọng nếu như chúng ta không biết bám lấy niềm vui là chính Thiên Chúa. Chỉ có một niềm vui duy nhất, không bao giờ mất đi đó là chúng ta biết tìm đến với Thiên Chúa và trung thành với Ngài.

 

Con theo Chúa, một lòng theo Chúa

Vững niềm tin, lời hứa trung kiên

Dẫu cho gian khó triền miên

Tin tưởng phó thác, một niềm cậy trông

*

Con theo Chúa, quyết không lùi bước

Hướng lòng lên, nguyện ước kính tôn

Cuộc sống tươi sáng đẹp hơn

Tình con với Chúa “keo sơn” mặn mà

 

Con người thường nản lòng, dễ bỏ cuộc trước những gian nan, khổ cực, hay thất bại của đời sống. Thế nhưng, nếu chúng ta trung thành với Chúa, biết đón nhận các hoàn cảnh ấy cách vui tươi, thì nhờ ơn Chúa, các gian nan, khổ cực và thất bại ấy sẽ giúp chúng ta trở thành người Kitô hữu trưởng thành hơn. Các môn đệ lo sợ, buồn phiền trước các đau khổ xảy ra cho Thầy mình và cho chính mình. Thế nhưng, Chúa muốn các ông hướng nhìn về niềm vui trọn vẹn không ai có thể tước đoạt khỏi các ông, khi các ông chứng kiến Ngài sống lại vinh quang. 

 

Con theo Chúa đường xa không ngại

Cứ bình tâm, đạt toại ước mong

Hân hoan phấn khởi trong lòng

Cuộc sống rạng rỡ, ấm nồng yêu thương

*

Con theo Chúa chung đường thẳng tiến

Bao nỗi buồn tan biến qua mau

Gian truân vất vả u sầu

Con luôn lướt thắng, đương đầu khó khăn

Người Kitô hữu phải có khả năng đem lại niềm vui cho mọi người, không phải thứ niềm vui tạm bợ, nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con, nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn nữa. Người Kitô hữu không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ, nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu. Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời, người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân và thử thách trong cuộc sống.

Con theo Chúa lướt ngăn cản trở

Quyết một lòng tin ở Chúa thôi

Dù cho gian khó cuộc đời

Trung thành theo Chúa rạng ngời hân hoan

*

Con theo Chúa đầy tràn ơn phúc

Bao niềm vui rộn khúc hoan ca

Tình Chúa rộng lớn bao la

Đoái thương che chở đậm đà yêu thương

Qua đau khổ, chúng ta sẽ gặp được niềm vui. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người phụ nữ sinh con để diễn tả cụ thể niềm vui. Sự buồn sầu mà Chúa Giêsu nói đến ở đây là sự buồn sầu gây nên bởi việc ra đi của Ngài. Nhưng rồi sự buồn sầu đó sẽ qua đi để nhường chỗ cho một niềm vui vĩnh cửu, đó là niềm vui do sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Niềm vui ấy sẽ kéo dài mãi mãi vì Thánh Thần sẽ hiện diện mãi mãi trong Giáo hội và trong các tâm hồn. 

Lạy Chúa! Chúa đã chọn con đường khổ giá và hy sinh để  tôn vinh Thiên Chúa Cha và cứu độ nhân loại. Chúa đã dạy chúng con rằng: “qua đau khổ mới tiến tới vinh quang”. Xin cho chúng con biết dâng cho Chúa những hy sinh trong cuộc sống, biết từ bỏ những thói hư tật xấu để được xứng đáng là con của Chúa để chúng con sẵn lòng vác thập giá bổn phận hằng ngày với niềm yêu mến Chúa nồng nàn và yêu mến tha nhân như chính mình. Amen.

HOÀI THANH

Tin yêu tín thác (06.05.2016)

“Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng.” (Ga 16,22)

Chúng ta đang sống trong mùa Phục Sinh, mừng Chúa Giê-su sống lại. Chúa Giê-su đang sống. Thế nhưng Lời Chúa hôm nay, lại đưa chúng ta trở về khung cảnh từ biệt của Chúa Giê-su với các môn đệ năm xưa, lúc đó Chúa Giê-su chưa đi chịu nạn chịu chết: Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em. Nhắc lại một khung cảnh hoài niệm như thế có ích gì không?

Bởi hôm nay, Chúa Giêsu đang sống, chúng ta có thể gặp Chúa qua Lời và Thánh Thể của Chúa. Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô XVI, trong tập sách: “Đấng Chịu Đâm Thâu” đã trả lời ít nhiều cho chúng ta: lịch sử và toàn thể nhân loại xuất hiện trước chúng ta như một khối không chia cắt trước sau được. Mùa Phục Sinh vẫn không đọng lại trong tâm hồn ta bao lâu lòng mình còn chất chứa đầy những toan tính ích kỷ; với một tâm hồn như thế, dù là hôm nay, chúng ta vẫn sống như thể Chúa Giê-su chưa sống lại.

Vì thế, khung cảnh Lời Chúa hôm nay vẫn còn nguyên giá trị cho chúng ta: nỗi buồn của chúng ta bây giờ sẽ thành niềm vui, khi lòng chúng ta khao khát và gặp được Chúa Giê-su. Chúng ta có thể  tập nhịn nhục…im lặng trước lời phỉ báng xúc phạm của ai đó, để nỗi buồn thành niềm vui, để lòng mình bình an trong sâu thẳm nội tâm, để được nên giống Chúa Giê-su hơn mỗi ngày.

Lạy Chúa Giê-su giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con luôn biết nhìn vào gương Chúa để sống từng ngày trong niềm tin yêu tín thác vào lòng Chúa xót thương, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương xót Chúa đây, để niềm vui Phục Sinh của Chúa mãi kéo dài trong cuộc đời chúng con, dẫu rằng chúng con đang phải chịu nỗi đau khủng khiếp của môi trường sống hiểm nghèo ngày nay…, nỗi đau xé lòng của các ngư dân khi chứng kiến cá biển chết hàng loạt, môi trường sinh thái bị ô nhiễm nặng nề, hiểm họa đói nghèo đang đe dọa thê lương…Cúi Lạy Chúa, xin dủ lòng thương xót chúng con.

BCT

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *