Niềm vui trong Chúa (17.05.2024 – Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Cv 25,13b-21, Ga 21,15-19

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 21,15-19)

15 Sau khi dùng bữa với các môn đệ tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su Phục Sinh hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.”

Niềm vui trong Chúa (17.05.2024)

Cha Anton Nguyễn Cao Siêu, có một nhận xét rất chí lý khi suy gẫm đoạn Tin Mừng trên như sau:

“Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn

mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy.”

Vâng, khi đọc đi đọc lại đoạn Tin Mừng này, quả thực đã có rất nhiều từ nói đến niệm vui và nỗi buồn…

Hầu như trong cõi đời này luôn tồn tại hai chiều kích trái ngược nhau, thí dụ  như: Bóng tối và ánh sáng, hội ngộ và chia ly, đau khổ và hạnh phúc. Và để có một kết cuộc có hậu, một happy ending, mọi loài thụ tạo đều trải qua một quá trình phấn đấu: “qua đau khổ mới đến được vinh quang..”

Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt được vào bên trong cơ thể một con trai. Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất xà cừ óng ánh để bọc quanh hạt cát. Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp…Cũng thế, muốn đạt kết quả tốt trong học tập, một học sinh, một sinh viên phải học tập chăm chỉ. Muốn có được thành quả tốt trong công việc, một công nhân, một kĩ sư phải làm việc cật lực. Muốn có lợi nhuận cao, một thương gia phải nghiên cứu thị trường thật kĩ càng và phải cung cấp cho thị trường đúng những mặt hàng thị trường cần… Như thế để gặt hái thành công dù ở lãnh vực nào thì con người cần cố gắng và có khi vất vả thật nhiều. Muốn có được thành công càng lớn thì sự vất vả, nỗ lực ấy càng phải nhiều hơn.

Không những chỉ mọi loài thụ tạo, mà chính cuộc đời của Chúa Giêsu, Con Một Chúa, đã là một bằng chứng cụ thể. Ngài đã chấp nhận mọi nỗi đau đớn, tủi nhục, gian khổ, nhưng sau cùng Ngài đã phục sinh vinh hiển, và đồng thời Ngài cũng phục sinh toàn thể nhân loại tội lỗi chúng ta nữa…

Cha Nguyễn Cao Siêu lại viết tiếp những dòng thơ đẹp như mơ về niềm vui Kitô giáo:

Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo,

bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia:

Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu.

Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức,

qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ,

qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối,

qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.

Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi.

Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong.

Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập.

Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường.

Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui.

Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.

Vâng, Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa, cũng như: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”(Thánh Phanxicô Salêsiô)

Vậy thì, chúng ta nghiêm túc đọc lại bài suy niệm của Cha Antôn Siêu nhé:

Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ,

nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu.

Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời,

người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách. 

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con biết rằng đau khổ chính là mảnh đất tốt cho cây sự sống mọc lên và kết trái hạnh phúc. Đau khổ là lưỡi cày cày xới ruộng đất cho phì nhiêu. Buồn phiền là phân bón cho cây sự sống lớn mạnh. Khóc lóc phát sinh nước mắt tưới cho hạnh phúc kết trái. Rồi đau khổ sẽ qua. Hạnh phúc sẽ đến. Bấy giờ “nỗi buồn biến thành niềm vui”. Đau khổ là điều kiện phát sinh và là tường thành chắc chắn cất giấu kho tàng hạnh phúc, không ai có thể lấy mất được. Tất cả những gian nan thử thách ở đời này giống như giây phút người phụ nữ sinh con. Khi đến giờ thì rên la đau đớn. Nhưng khi sinh con rồi thì hạnh phúc chứa chan. Sẽ đến ngày Chúa “xé bỏ chiếc khăn che phủ muôn dân… sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người,… sẽ xóa sạch nỗi ô nhục của dân Người”. Amen.

Têrêsa Hảo

Sứ vụ chăn chiên (26.05.2023)

Ngày 26.05: Lễ Nhớ Thánh Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục

Từ ngày nghỉ hưu, ai nấy về nhà, qua zalo chúng tôi vẫn tám với nhau, chung lời cầu nguyện mỗi ngày, bạn tôi có tiền sử bệnh về chân nên rất hạn chế đi lại, chỉ có chúng tôi đến thăm là chính. Chúng tôi từng công tác thời gian dài với nhau trong quận, dù không cùng trường, nhưng do thường xuyên sinh hoạt chuyên môn, học các khóa bồi dưỡng chuyên đề, tập huấn chương trình giảng dạy … dần dà hiểu ý nhau và trở nên thân tình. Tình thân mến là mối dây liên kết làm chúng tôi luôn nhớ về nhau dù đã xa cách mười năm, khi nhắc nhớ đến người bạn ấy thì rất nhiều kỷ niệm ập đến, làm sao quên được mối thân tình. Chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau vào các ngày vui của gia đình bạn bè….

Trang Tin Mừng hôm nay theo thánh Gioan (Ga 21,15-19) là câu chuyện của Chúa Giêsu và thánh Phêrô nói về tình yêu mến. Chúa Giêsu đã liên tục ba lần hỏi thánh Phêrô: “Con có yêu mến Thầy không?” và cả ba lần Chúa đều gởi gấm cho ngài: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Chỉ có tình yêu mến Chúa thì thánh Phêrô mới đảm đương được công việc mà Chúa trao phó, chỉ có tình yêu mến thì mới chu toàn nhiệm vụ và không sờn lòng trước những khó khăn trở ngại. Lời Chúa nhắn nhủ với thánh Phêrô cũng như với chúng ta, nếu yêu mến Chúa thì hãy tỏ ra bằng hành động: yêu thương, dạy dỗ, che chở như những người là “chủ chăn” của Chúa, chúng ta là người bố, người mẹ thì ngoài tình yêu thương còn trách nhiệm dẫn dắt con cái trong gia đình mình, tiếp đến là tình thân lan tỏa ra những người xung quanh chúng ta và những người đang rất cần sự giúp đỡ. Thánh Têrêxa HĐG từng nói: “Không có tình yêu, mọi việc dù vĩ đại đến đâu, cũng chỉ là hư không. Chúa Giêsu không đòi chúng ta phải làm những việc trọng đại, Ngài chỉ muốn chúng ta yêu mến.”

Trong căn nhà cấp 4, chúng tôi đang đứng cạnh bệnh nhân mà bệnh viện cho về, để gia đình chuẩn bị lo hậu sự, bà nằm li bì, không mở mắt được, nhưng nghe tiếng đọc kinh cầu nguyện, bà chợt tỉnh và cử động đôi chút. Hoàn cảnh hiện tại của bà thật cô độc, đã ngoài 90 tuổi, các con cái ở nước ngoài từ lâu, vì phản đối việc bà có thời gian sống với người đàn ông khác, nên không còn thăm hỏi bà nữa. Bà thiếu người chăm sóc, lại mặc cảm tội lỗi nên nhiều năm không đến nhà thờ dự lễ. Có người quen nhắn Huynh đoàn đến, chúng tôi chia nhau đọc Lời Chúa và cầu nguyện, bà mở mắt, miệng không nói được nhưng tay chân bà vẫn cử động, có chị giúp bà làm dấu thánh giá. Chân phước Têrêxa Calcutta chia sẻ: “ Những kẻ đau khổ cùng túng nhất, trước tiên họ thiếu tình thương. Bởi thế, chúng ta phải xây dựng đời mình trên tình yêu đối với Thiên Chúa, để luôn có tình yêu đó hầu trao tặng tha nhân. Cầu xin Chúa thương xót và tha thứ cho bà, xin cho bà dốc lòng sám hối, phó thác và vâng theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con mừng lễ Chúa thăng thiên, Chúa đang ngự bên hữu Chúa Cha, xin giúp chúng con nhận ra rằng chúng con luôn có Chúa chăm sóc cuộc đời mỗi người.  Xin Thánh Thần Chúa biến đổi tâm hồn để chúng con biết sống quảng đại và biết yêu thương chăm sóc anh chị em mình.

Anna Anh

Yêu mến Thầy thì chăn chiên của Thầy (03.06.2022)

Rất tình cờ tôi gặp lại cô giáo đã dạy tôi cách đây 45 năm tại trường Regina Pacis Bà Huyện Thanh Quan, hiện nay cơ sở này là chi nhánh của trường Đại Học Sài Gòn. Cô sống độc thân và bất ngờ nữa là cô theo đạo Công giáo, gia đình cô truyền thống thờ ông bà. Suốt 20 năm qua cô là thành viên AIC của Tu Hội Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, thật không thể kể hết niềm vui cô trò gặp nhau, cô nói với mọi người, Chúa đã dẫn tôi đến. Thế là hành trình đi thăm người nghèo của nhóm bác ái Nữ Vương Hòa Bình có thêm người mới, cô giáo đem tất cả quà tặng của người thân, bạn bè, học trò xa gần và lợi nhuận từ nguồn tích lũy cả đời dạy học của mình làm quà cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa nơi các soeur Dòng Vinh Sơn đang phục vụ. Mỗi lần đi trải nghiệm với nhóm bác ái, tôi nhớ bài học của Cha giáo Vinh Sơn lớp Docat: “Công ích có ý nghĩa gì cho người nghèo? Và hình ảnh minh họa cảnh các gia đình trẻ em đang sinh sống trong khu ổ chuột, khu di dân: “ Hãy nhìn đi, đây là tài sản của Giáo Hội! (Docat 98), tôi cảm nhận sâu sắc là cô chọn công tác bác ái làm niềm vui vì cô yêu mến Chúa. “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em đã chu toàn luật Đức Kitô”. Gl 6,2.

Trang Tin Mừng hôm nay Ga 21,15-19 thuật lại là cuộc đối thoại giữa ông Phêrô và Chúa Giêsu phục sinh về tình yêu của ông: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy không?. Vì sao Chúa Giêsu hỏi ông đến ba lần, phải chăng vì tinh thần của ông còn yếu đuối, vì ông đã từng chối Chúa ba lần, hay đức tin của ông còn mong manh và chưa có định hướng cho tương lai? Khi ông Phêrô kiên định với Chúa ba lần rằng: “Thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”, Người đã gởi gấm ông: “Con hãy chăn dắt các chiên con của Thầy”. Điều này có ý nghĩa là Chúa đang rất cần người môn đệ tiếp tục sứ vụ của Người, trong vai trò là người Mục Tử chăn dắt đàn chiên của Chúa, phải là người có tình yêu thương quên mình, xem người khác trọng hơn chính mình, dù cuộc sống không suông sẻ cũng không nản lòng, để tiếp nối hành trình của Thầy Giêsu đang thực hiện.

Ông Martin Luther King từng nói: “Chúng ta đã từng học bay trên trời như chim, học bơi dưới nước như cá, nhưng đến nay vẫn chưa học nổi cách đi trên mặt đất cùng nhau như anh chị em một nhà”. Sống đời sống phục sinh với Chúa Giêsu là biết quan tâm chăm sóc những người sống với mình, chứ không chỉ lo tìm kiếm lợi lộc cho bản thân. Làm sao để tiếp nối sứ vụ của Chúa, chủ đề “Hướng đến một Hội Thánh hiệp hành” đã được triển khai, thông điệp có điểm mới về một Giáo Hội cùng đồng hành với toàn thể gia đình nhân loại, chia sẻ “ vui mừng và hy vọng, âu lo và lo lắng” của con người, tạo nên những mối tương quan mới mẻ và sâu sắc hơn, xây dựng những nhịp cầu không chỉ lan tỏa trong giáo dân mà còn với các tín đồ tôn giáo bạn, lắng nghe người đã không còn niềm tin, đến với người nghèo… để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn theo giá trị Tin Mừng.

Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, xin giúp chúng con thấm nhuần lời đối thoại của Chúa hằng ngày. Xin Thánh Thần Chúa biến đổi mỗi người chúng con để biết chăm sóc anh chị em chúng con như thánh Cyrillô chia sẻ: “Chúng ta không chỉ được Thánh Thần soi sáng mà còn được chính Ngài ngự trong chúng ta nữa.”                                             

 Anna Anh

Hãy chăn dắt chiên của Thầy (21.05.2021)

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu sống lại, hiện ra với các môn đệ bên bờ hồ Tibêria. Đây là lần hiện ra cuối cùng, trước khi Người về cùng Chúa Cha. Lần này Chúa đã làm phép lạ cho các ông được một mẻ cá kì lạ “Lưới đầy những cá lớn”.

Tiếp đến, Chúa như muốn sát hạch, kiểm tra lại xem cái đức tin, lòng mến của môn đệ mình sau ba năm dạy dỗ huấn luyện, đến nay đã được bao nhiêu? Nhất là với Phêrô mà Chúa muốn chọn làm đầu các tông đồ: “Này anh Simon con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Ta cũng vui mừng vì ông đã trưởng thành mà thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Phêrô đã trải qua bao thử thách thăng trầm. Có lúc tỏ ra nổi trội hơn anh em khi tuyên xưng về Thầy: “Thầy là Đức KiTô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,13). Mà cũng có lúc đã lỗi phạm tày đình: ba lần chối Chúa.

Thật là tế nhị mà cũng thật là xót xa khi mà Chúa hỏi ông tới ba lần “Anh có mến Thầy không?”. Đối với Phêrô thì sự xót xa có lẽ là nhiều vì Chúa như khoét sâu cái vết thương lòng ông đang đau đớn, hối hận ngày đêm. Còn đối với Chúa thì đây là tình thương, ân huệ Chúa dành cho ông. Khi hỏi tới ba lần, Chúa thửa biết Phêrô sẽ xót xa chừng nào, nhưng hỏi vậy mà cảm thông cho sự yêu đuối của con người, của ông, để mà khắc sâu đức tin, lòng mến cho ông, để từ nay không còn phạm tội như vậy nữa.

Phêrô được Chúa chọn làm tông đồ trưởng thật xứng đáng và hữu hiệu. Người ta kể về cuộc đời ông sau này cả là một đời ăn năn hối lỗi, say sưa mến Chúa. Mỗi ngày cứ gà gáy sáng là ông khóc lóc thảm thiết, đến nỗi đã hằn trên má ông hai vết sâu dòng nước mắt. Ông hết lòng hết sức chăn dắt đàn chiên là Hội Thánh ban đầu Chúa trao phó. Ông bị bắt rồi bị án tử hình thập giá. Thấy mình không xứng đáng được chết như Thầy mình, ông đã xin cho mình được đóng đanh ngược, chứng minh cho lòng tin yêu tuyệt đối vào Thầy mình là Đức Giêsu.

Hôm nay Chúa Giêsu cũng dạy ta tiêu chí để chọn người phục vụ Chúa: trước hết đó là “Lòng yêu mến”. Sứ mệnh của Phêrô ngày xưa cũng chính là sứ mệnh của các đức Giáo Hoàng và hàng Giám Mục ngày nay: “Chăn dắt các chiên của Thầy”. Chắc chắn các ngài cũng được tuyển chọn theo tiêu chí ấy.

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II, năm 1978 sau nhiều lần đầu phiếu ngài mới được trúng cử, vì từ một nước Đông Âu. Bởi sống hết mình với đoàn chiên nên có người cho biết: ngài có nguy cơ bị ám sát. Nhưng ngài đã vui vẻ trả lời: “Satan chúng có thể có trăm phương nghìn kế, nhưng tôi chẳng quan tâm. Mạng sống tôi ở trong tay Chúa”. Thế rồi khi bị bắn, ngài đã chẳng cần gì việc điều tra, mà còn đến thăm và tha lỗi cho kẻ bắn giết, làm cho kẻ sát nhân đã quỳ xuống mà hôn tay ngài. Ngài quá đỗi tin yêu Thầy mình và ân cần chăn dắt đàn chiên, và “tử thần đã không thắng nổi”(Mt 16,18-19).

Lạy Chúa! Con xin cảm tạ Chúa vì đã ban cho Hội Thánh Chúa những Đấng chăn chiên hết lòng. Nhờ đó con được hưởng ân phúc mà qua các ngài Chúa đã ban cho. Xin cho con biết cảm thông với  trọng trách lớn lao ấy mà biết vâng nghe, mà đỡ đần được gì, hầu làm vui lòng các ngài. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Đạo mến Chúa, yêu người (29.05.2020)

Ghi nhớ:

“Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến thầy” (Ga 21, 17).

 Suy niệm:

Một vị linh mục nọ, ngài rất có lòng mến Chúa yêu người. Một hôm, đang trên đường trở về nhà xứ sau khi đi giúp kể liệt, cha vừa đi vừa lần hạt. Cùng lúc đó phía sau có hai tên côn đồ, chúng rất ác cảm với cha, bởi khỏe mạnh nên chẳng mấy chốc đã vượt qua cha, chúng chuyện trò với nhau và cho rằng ông cha này chỉ là một con người đạo đức giả. Ngay lúc ấy có một người hành khất, ngồi ở vệ đường xin ăn. Thấy vậy, một thằng đề nghị:

 – Chắc chắn là một lát nữa ông cha kia cũng sẽ tới đây. Tao cá cược với mày, ông ấy sẽ chẳng cho người ăn mày này một xu! Bây gời chúng ta sẽ núp vào một bụi rậm để xem lời tao nói có đúng không?

  Khi cha tới,  người ăn xin lên tiếng;

 – Ông ơi, xin giúp đỡ kẻ nghèo này với!

 Sau khi lục soát túi trên, túi dưới, cha không tìm được gì nên trả lời:

 Anh thông cảm vì hôm nay tôi chẳng mang theo tiền!

 Người ăn xin năn nỉ.

 – Xin ông có thể cho tôi, một cái gì đó cũng được!

 Nhìn thấy người đối diện, mặc cái quần rách nát, cha liền bảo người hành khất.

 – Anh chờ tôi giây lát. Đoạn cha tìm đến một chỗ khuất, vén áo chùng thâm lên, cởi cái quần bên trong ra cuốn lại, rồi mang đến đưa cho người ăn xin:

 – Cái quần này tuy đã cũ! Nhưng có lẽ nó sẽ giúp phần nào cho anh. Đừng kể chuyện này cho ai nhé. Nếu muốn cám ơn tôi thì hãy cầu nguyện xin Chúa ban cho tôi một điều gì đó tốt đẹp.

 Sáng hôm sau, có hai người khách đến bấm chuông nhà xứ rất sớm. Vị linh mục nhậm lời ra ngồi tòa cáo giải cho họ. Và tất cả đầu đuôi câu chuyện lần lượt được kể lại từ miệng hai người cùng đi chung đường với cha hôm qua! Họ đã hối hận, họ đã ăn năn. Còn cha xứ thì ngỡ ngàng thốt lên rằng:

 – Ôi! Lạy Chúa nhân lành! Chỉ với một chiếc quần cũ của con mà Ngài đã đen về cho con hai linh hồn đó sao?

 Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan tường thuật lại sự việc là Chúa Giê-su trao quyền trông coi Giáo Hội cho thánh Phêrô. Nhưng trước khi được giao trọng trách đó Ngài đã  hỏi thánh Phêrô đến ba lần cùng một câu hỏi: “ Này anh Si-mon con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Có hai lần thánh Phêrô trả lời: “ Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Nhưng đến lần hỏi thứ ba của Chúa Giê-su thì ông trả lời rằng: “ Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Qua những câu trả lời của thánh phêrô chúng ta thấy nơi thánh nhân toát lên sự khiêm hạ và tin tưởng vào Thầy mình. Ông không còn dám cậy dựa vào sức riêng mình, không còn sự năng nổ bộc phát nữa, thay vào đó là sự chín chắn,  điềm đạm. Đó là sự trưởng thành sau nhưng bài học, đặc biệt là sau “biến cố” chối Thầy ba lần.

Như vậy, với một trách nhiệm cao cả như thế, Chúa đòi hỏi nơi thánh nhân phải có lòng mến; đó là nhân đức căn bản, là nền tảng để Chúa trao cho nhiệm vụ rất quan trọng là dẫn dắt  cả đoàn chiên mẹ và chiên con của Chúa

Sử sách đã ghi chép cho chúng ta biết; suốt cuộc đời còn lại của thánh nhân, ngài đã thể hiện lòng mến Chúa như thế nào? Cho dù có biết bao trở ngại, biết bao gian khó cũng không làm thui chột lòng mến đó và rồi cuối cùng thánh nhân đã chịu chết treo mình trên cái giá hình chữ X để thể hiện lòng mến Chúa của mình.

Trong thư gửi cho giáo đoàn Corintô thánh Phao-lô cũng đã viết: “ Giả như tôi có nói được các thứ tiêng của loài người…Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và biết được hết mọi bí nhiệm…Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi… Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.( X 1Cor 13, 1-13).

Đạo Công Giáo được gọi là đạo mến Chúa, yêu người. Như vậy, noi gương thánh Phêrô, trước tiên chúng ta phải hết lòng kính mến Thiên Chúa. Đấng quyền năng, thánh thiện và yêu thương chúng ta vô cùng, để rồi từ lòng kính mến đó chúng ta sẽ có lý tưởng và động lực để phục vụ tha nhân, mà cụ thể là mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những người sống bên cạnh mình.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su Xin cho chúng con luôn tràn đầy lòng mến Chúa. Để từ lòng mến chân thành đó giúp chúng con thực thi giới luật yêu thương mọi người cách nhẹ nhàng, tự nguyện và vô vị lợi. Để sau cuộc đời này chúng con xứng đáng được hưởng phúc trường sinh. Amen.

Sống Lời Chúa:

Sống theo tôn chỉ của đạo; mến Chúa và yêu người

Đaminh Trần Văn Chính.

Chúa biết con… (07.06.2019)

Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: ‘Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?’ Ông đáp: ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy’ (Ga 21,15)

Chúa Giê-su hỏi Phê-rô những ba lần “Này anh Si-mon… Anh có yêu mến Thầy không ?” Cả ba lần Phê-rô đều nói: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”.

Phê-rô ba lần tỏ bày kiên định lập trường yêu Thầy Giê-su là để thật lòng chuộc lại tội đã từng chối Thầy ba lần.

Khi nói: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Phêrô đã trở nên khiêm tốn, nhận biết tình yêu của mình mong manh, dễ vỡ nếu không biết cậy dựa vào tình yêu của Thầy Giê-su.

Sau đó, Thầy Giê-su nói với Phê-rô: “Hãy theo Thầy”. Lời mời gọi xưa kia cũng là lời mời gọi được lặp lại bây giờ. “Hãy theo Thầy”, sau những vấp ngã, yếu đuối và chối Thầy.

Có lẽ ngay hôm nay Chúa Giê-su Phục sinh cũng hỏi các Ki-tô hữu như đã hỏi Phê-rô: Con có yêu mến Thầy không ? Con hãy theo Thầy !

Lạy Chúa, Chúa biết rõ con yêu mến Chúa, nhưng nhiều lần con đã làm buồn lòng Ngài. Xin Chúa ban cho con biết sống yêu thương mọi người với tình yêu của thánh tâm Ngài. Amen.

 CÁT BIỂN

Mến Chúa và yêu người (18.05.2018)

 

Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Gioan thuật lại việc Chúa Giêsu trước khi về trời, Ngài đã trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên cho Thánh Phêrô. Trước khi được trao nhiệm vụ quan trọng đó, Ngài đã hỏi Phêrô: “Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Chúa Giêsu muốn Phêrô xác tín về tình yêu mến của ông đối với Ngài như thế nào, chính vì thế mà Ngài đã hỏi ông đến ba lần. Tuy có chút buồn phiền vì Thầy Giêsu đã hỏi đến lần thứ ba, nhưng ông vẫn vui vẻ và mạnh dạn đáp lời: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Chúa là cùng đích đời con

Cho con sự sống, cho con ơn lành

Với bao ước nguyện hoàn thành

Bến bờ hạnh phúc luôn dành chờ con

 

Chúa Giêsu đã dành tình cảm ưu ái cho Phêrô và Ngài cũng rất hiểu Phêrô. Ngài biết Phêrô không nói dối khi ông tuyên bố sẵn sàng sống chết vì Ngài; nhưng ngài cũng thấu hiểu sự yếu đuối của con người. Nếu chỉ dựa vào sức mình mà không có ơn Chúa ban, con người chẳng làm được chuyện gì. Đức Giêsu đã hiểu rất rõ về Phêrô và đồng thời Ngài cũng biết sư vấp phạm của ông khi ông từ chối không biết Ngài ba lần. Đây cũng là điều cần thiết để rèn luyện ông nên người lãnh đạo thực thụ của Ngài trong tương lai.

 

Con xin ghi dạ sắt son

 Phụng thờ Thiên Chúa, đâu còn gì hơn

Có Chúa vững bước chẳng sờn

Quên đi gian khổ giận hờn thương đau

Thời gian thấm thoát qua mau

Đêm qua, ngày tới, trời màu xanh tươi

*

Yêu thương tất cả mọi người

Tận tâm phục vụ cho đời hoan ca

Ca khen Tình Chúa bao la

Nhân từ thương xót, chan hòa tình thương

Chúa dạy con phải đúng đường

Kính mến Thiên Chúa, yêu thương mọi người

 

Chúa vẫn hằng yêu thương và tin tưởng chúng ta. Ngài trao cho mỗi người chúng ta những nhiệm vụ khác nhau trong từng địa vị, môi trường và hoàn cảnh sống khác nhau như: trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái, người trên đối với người dưới, thầy cô đối với học trò, anh chị đối với các em … Mỗi người chúng ta đều có sứ mệnh của người Kitô hữu. Chúa vẫn tin tưởng và trao phó sứ mệnh cho chúng ta, dù Ngài biết rõ chúng ta vốn mỏng dòn, yếu đuối và chỉ là kẻ tài hèn sức mọn.

 

Tim con rực lửa sáng ngời

Cháy lên lòng mến, vang lời thiết tha

Ngày mai hội ngộ hoan ca

Thiên Đàng hạnh phúc mãi là niềm vui

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng tình yêu của chúng con đối với Chúa phải được thể hiện qua việc chúng con yêu mến tha nhân. Xin giúp chúng con biết yêu thương mọi người một cách cụ thể bằng việc quan tâm đến những niềm vui cũng như nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ được hưởng hạnh phúc trong cuộc sống. Amen. 

HOÀI THANH

Yêu mến (02.06.2017)

Câu chuyện về yêu mến

Vào ngày 13.5.1981, tên khủng bố Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ, đã cố ý giết chết Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bằng ba phát súng lục trong một cuộc tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phêrô ở Roma.

Hai năm sau vụ ám sát, vào ngày 23.12.1983, Đức Gioan Phaolô II đã đích thân vào phòng giam thăm tên khủng bố Ali Agca, nói chuyện với y và nhất là ngài đã tha thứ cho y.

ĐHY Stanislaw Dziwisz tường thuật lại là trong cuộc gặp gỡ và nói chuyện này tại nhà tù, Ali Agca chỉ lặp đi lặp lại với Đức Thánh Cha một câu hỏi duy nhất:

“Tại sao Ngài lại không chết? – Tôi biết chắc chắn là tôi đã nhắm rất trúng đích. Tôi cũng biết rằng phát đạn tôi bắn ra có hiệu quả tàn phá và gây tử thương một cách chắc chắn. Nhưng tại sao Ngài lại không bị tử thương?”

Về phần Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II thì hoàn toàn xác tín rằng chính nhờ bàn tay hiền mẫu của Đức Mẹ Fatima che chở nên ngài mới có thể thoát chết một cách lạ lùng như thế. Bởi vì, ngày ngài bị ám sát tại Rôma – ngày 13 tháng 5 (1981) – cũng chính là ngày Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ chăn chiên năm xưa tại Fatima, ngày 13 tháng 5 (1917). Hơn nữa, theo Đức Gioan Phaolô II, thì vị Giám Mục mặc áo trắng phải chịu đau khổ nhiều mà Đức Mẹ đã cho ba trẻ trông thấy trong một thị kiến khi hiện ra với ba trẻ tại Fatima, chính là ngài.

Suy niệm:

Lòng yêu mến vượt lên tất cả “Sự hận thù”, để bao dung, tha thứ, dấn thân, phục vụ.

Đức Giáo Hoàng đã yêu mến Đức Mẹ say đắm nên ngài đã thuộc về Mẹ, được Mẹ che chở, nâng đỡ, chọn làm dấu chỉ yêu thương qua viên đạn với lỗ hổng trên triều thiên của Mẹ.

Người được Mẹ chở che trong cơn gian truân chính là Đức Gioan Phaolô II. Cũng vậy, Thánh Phêrô cũng được Chúa Giêsu trao cho chìa khoá Nước Trời và sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa là Giáo Hội. Vì ông yêu mến Chúa Giêsu Kitô trên hết mọi sự.

Lòng yêu mến của ông Phêrô vượt lên tất cả, cả lý trí, cả tình cảm, ông hoàn toàn thuộc về Chúa. Chúa đã gọi ông: “Hãy theo Thầy.”

Chúa hỏi ông Phêrô lần thứ nhất: “Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em không?” Ông đáp: Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Lần thứ nhất, Chúa tác động vào lý trí của ông, để ông so sánh lòng yêu mến của ông với các anh em ông: “anh có yêu mến Thầy hơn các anh em không?” và ông trả lời: Thầy biết con yêu mến Thầy.

Chúa hỏi ông Phêrô lần thứ hai: “Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Lần thứ hai, Chúa đánh động đến con tim của ông: “anh có mến Thầy không?” Con tim ông mách bảo rằng: đã từ lâu ông rất yêu mến Thầy, cái tình cảm ông dành cho Thầy mình là tất cả: “Thầy biết con yêu mến Thầy.”

Chúa hỏi ông đến lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Lần này, Chúa tác động đến cả lý trí của ông, cả tình cảm của ông để hoà quyện làm một trong thân xác của ông, nên ông buồn rầu, vì thực sự từ khi theo Thầy ông đã yêu mến Thầy và thuộc hoàn toàn về Thầy, cho Thầy. Chúa muốn ông như thế, ông phải thuộc hoàn toàn về Chúa để ông: “Hãy theo Thầy”, làm như Thầy: “Chăm sóc chiên của Thầy”, “Hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên.”

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy, con thờ lạy và yêu mến Chúa. Xin cho tâm trí con luôn hướng về Chúa, miệng lưỡi con luôn ca vang ngợi khen Thiên Chúa. Xin cho trái tim con luôn thuộc về Chúa, để con luôn biết yêu thương anh em con bằng một tình yêu dâng hiến, cho đi nhưng không như Chúa đã yêu thương con và chết vì con. Xin cho con trở nên khí cụ bình an của Chúa. Amen./.

Gã Đầu Bạc

Yêu Giêsu trong Mẹ (13.05.2016)

Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21,15).

Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giê-su ba lần giao cho Phê-rô nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên Chúa sau khi hỏi ông có yêu mến Ngài không. Ngài đòi hỏi nơi Phê-rô không phải là một tình yêu chung chung, mà là một tình yêu có đối tượng rõ rệt: “yêu mến Thầy,” và đồng thời dành cho Thầy vị trí ưu tiên, tuyệt đối: “hơn các anh em này.” Phê-rô đã lặp đi lặp lại ba lần cùng một chọn lựa: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Lúc này, Phê-rô ý thức rất rõ Thầy vẫn yêu thương ông kể cả khi ông yếu đuối vấp ngã, và ông càng tin yêu gắn bó với Thầy khi, giờ đây, Thầy trỗi dậy từ cõi chết và đang xuất hiện hữu hình trước mắt ông. Lời tuyên xưng của Phê-rô hàm ý rằng ông quyết sống trọn vẹn tình yêu đối với Thầy Giê-su cho đến hơi thở cuối cùng.

Tin theo đạo Chúa không phải chỉ là theo một lý tưởng đạo đức làm người, ăn ngay ở lành như bất cứ tôn giáo nào khác, nhưng trên hết và trước hết, là đặt niềm tin tuyệt đối nơi Chúa Giê-su, và hết lòng yêu mến gắn bó với Ngài đến mức sẵn sàng hiến dâng mạng sống để phụng sự và sống theo giáo huấn của Ngài.

Yêu Chúa Giê-su và Mẹ Maria, hôm nay Giáo Hội mừng kính Mẹ, Mẹ đã từng hiện ra ở Fatima để trao gửi cho chúng ta một thông điệp hết sức quan trọng vượt qua mọi không gian và thời gian, vẫn mang trọn ý nghĩa được lập đi lập lại mỗi ngày một khẩn trương hơn, vì thế giới ngày càng có nhiều biến động nguy nan và tha hóa trần tục, nền đạo đức cũng bị băng hoại tới mức trầm trọng, nhiều tiếng chuông cảnh báo đã vang lên từ trong Giáo Hội và cả ngoài xã hội nữa. Lời Mẹ hôm nay lại một lần nữa vang vọng thúc bách khẩn thiết đến toàn thể nhân loại chúng ta: “ Hãy ăn năn sám hối và siêng năng lần Chuỗi Mân Côi..”, để nhận được ơn cứu độ , vì ngày giờ Chúa gần đến rồi…

Lạy Chúa Giê-su, được biết Chúa và đi theo Chúa là một hồng ân cho chúng con. Xin cho chúng con biết lặp lại với Chúa như thánh Phê-rô: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa.” Xin giúp chúng con cũng biết theo gương của Mẹ Maria trong hai tiếng “Xin vâng” Amen.

BCT

Mến Chúa – theo Chúa

Đức Giê-su hỏi ông Si-mon Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,18)

Suy niệm: Nếu có ai hỏi một em bé có yêu mến mẹ em không, chắc chắn em bé đó sẽ không ngần ngại trả lời “có”. Dễ hiểu, vì đối với em, mẹ là tất cả. Khi yêu mẹ, em chẳng những không mất gì mà lại có tất cả. Thế nhưng đối với tông đồ Phê-rô thì khác. Chúa hỏi ông “có yêu mến Thầy không”, ông yêu mến Thầy nhưng lại thưa “có” một cách dè dặt khiêm tốn vì biết rằng Thầy biết mình: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” và hơn nữa ông cũng biết rằng mình có phải sống theo lời khẳng định này và can đảm đi đến hết cuộc đời với lời thưa “có” ấy, đó là “dang tay cho người ta thắt lưng và dẫn đến nơi anh chẳng muốn.”

Mời Bạn: Yêu mến Chúa thì đi theo Chúa, để đảm nhận sứ mạng “chăm sóc các chiên của Chúa”. Đó chính là tình yêu đã trải nghiệm và trưởng thành qua thử thách, một tình yêu không nhẹ dạ tự phụ nhưng khiêm tốn để Chúa hướng dẫn theo ý Ngài trong hành trình đi theo Chúa. Những ngày mừng mầu nhiệm Phục Sinh này là thời gian để bạn cảm nếm được sự ngọt ngào sâu xa của mầu nhiệm tình yêu lớn lao đó.

Sống Lời Chúa: Trước khi làm việc gì, bạn dừng lại một giây để dâng lên Chúa tâm nguyện làm việc này vì lòng yêu mến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, vị lãnh đạo duy nhất của con. Chúa đã vâng theo ý Chúa Cha cho đến chết. Xin cho con biết can đảm luôn đi theo lời Chúa soi dẫn, để dù phải gặp nghịch cảnh trên đường đời, con cũng vững bước mà thể hiện lòng mến Chúa thật. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *