Lá Thư Đặc Trách Tháng 01 / 2019
Chân lý sẽ giải thoát anh em
Anh chị em huynh đoàn thân mến,
Tiếp nối chủ đề chân lý, xin ghi nhớ ba câu Kinh Thánh đặc biệt trong tin mừng thánh Gioan. Đó là : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người được sống muôn đời” (Ga 3,16), “Người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng trong tinh thần và chân lý” (Ga 4, 23), và “Chân lý sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 31).
Thiên Chúa yêu thế gian…
Đúng thế, chân lý đầu tiên chúng ta tuyên xưng là tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho nhân loại. “Ngài luôn ghé mắt nhìn và lắng tai nghe lời nhân loại nguyện xin” (2Sb 7,14). “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình yêu Ngài cũng trổi cao” (Tv 103, 10-13).
Dù nhân loại lỗi lầm hay phản bội, Thiên Chúa vẫn luôn trung tín. Ngài là “Đấng từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Gr 2,13). Ngài đoan hứa : “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1,18). Tình yêu Chúa mở rộng cho toàn thể nhân loại, cả với dân thành Ninivê, nơi nhiều người không phân biệt được bên phải với bên trái (Xc Gn 4, 11).
Và Người Con Một yêu dấu mà Thiên Chúa ban cho trần gian cũng có một trái tim yêu thương như thế : “Ngài không xét đoán theo như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe, nhưng Ngài sẽ lấy đức công bình mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở” (Is 11,3-4)
Thánh Phaolô đã triển khai nội dung này trong thư gửi tín hữu Rôma : “Một khi đã ban Người Con, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta ?” (Rm 8, 32).
Đến nỗi ban Con Một …
Như thế tình thương của Thiên Chúa đã được cụ thể hóa nơi Con Một yêu dấu. Trong lời nguyện hiến tế, Đức Giêsu xác định : “Sự sống đời đời đó là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là đức Giêsu Kitô (Ga 17, 3). Chính Ngài nói với thánh Tôma : “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Và Ngài nói với người Do thái : “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8, 12). Ngài cũng quả quyết với Philatô : “Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi” (Ga 18, 37).
Đức Giêsu chính là lời cứu độ, lời ban sự sống, nên thánh Phaolô khẳng định : “Quả thật Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh” (2Tm 1,10). Còn thánh Phêrô thì nói : “Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác, để nhờ vào Danh ấy, mà chúng ta trông được cứu độ !” (Cv 4, 12).
Thờ phượng trong tinh thần và chân lý
Đức Giêsu hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa Cha, nên : “đã vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 8-9).
Thực vậy, chỉ có Chúa Giêsu mới là Vua bình an, là Tư tế tối cao của Thiên Chúa, và là Vua công chính (x Dt 7,2). Ngài đã tiến vào cung thánh trên trời “để giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta.” (Dt 9, 24). Đức Giêsu chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo (Dt 9, 28).
Hiến tế của Ngài thay thế những hình thức thờ phượng cũ. Vì “đã đến giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật. (Ga 4,23-24)
Thế nào là thờ phượng trong thần khí và sự thật ? Thưa, là không nô lệ vào lề luật, vì “ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát“ (Mc 2,27); là sống tinh thần tự do con cái Chúa; và chu toàn giới răn cao trọng nhất là mến Chúa yêu người.
Thờ phượng trong thần khí và sự thật, là sống trong “nước Thiên Chúa… là công chính, bình an, hoan lạc trong Thánh Thần … là theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau” (x. Rm 14,17-19).
Chân lý sẽ giải thoát anh em
Thời nay, con người hay lỗi về sự trung thực, Người ta dễ dàng nói dối, nói sai lệch, nói thêm bớt, vu khống, hứa mà không làm, hẹn mà không giữ, hoặc nói một đàng làm một nẻo.
Tôn trọng chân lý, dĩ nhiên chúng ta phải trung thực trong lời ăn tiếng nói : “Thầy bảo thật, lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra” (Mt 5, 37). “Nếu anh em ở lại trong lời của Thày, thì anh em thật là môn đệ Thày; anh em sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8, 31-32).
Đức Giêsu không hứa cho các môn đệ thoát khỏi khó khăn, nhưng Ngài hứa cho họ ơn bình an : “Thầy nói với anh em những điều đó để anh em được bình an trong Thầy. Giữa thế gian, anh em sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Xác tín vào Thiên Chúa, chúng ta tin mình đang được gắn kết vào tình yêu của Ngài : “Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).
Niềm tin đó giúp người môn đệ không sợ hãi hay bị khuất phục trước bạo lực, nhưng luôn ung dung tự tại; không tìm lợi ích trần gian, nhưng nhắm đến hạnh phúc vĩnh cửu.
Hạnh thánh Gioan Kim Khẩu
Thánh Gioan Kim Khẩu, là giám mục tại đế đô Rôma, đã mạnh dạn lên án nếp sống trụy lạc của triều đình, kể cả nữ hoàng Euxodia. Khi nữ hoàng cho quân đến hăm dọa, ngài nói : “Hãy về thưa với nữ hoàng : Gioan này không sợ giam cầm, vì có thời gian để cầu nguyện, không sợ đòn dánh, vì được kết hiệp với cuộc khổ nạn của Đức Kitô, không sợ bị chém đầu, vì đó là lúc được hội ngộ với Đấng tôi hằng yêu mến. Điều duy nhất Gioan sợ, là phạm tội mất lòng Chúa”.
Trong tâm tình ấy chúng ta cùng nhau thưa lên lời thánh vịnh 119 : “Đường chân lý, này con đã chọn, quyết định của Ngài, con khao khát đợi trông” (Tv 119, 30).
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
Ghi chú :2Sb = Sử biên niên cuốn hai