Thư Tháng 08.2017 : Gia đình : chiếc nôi nuôi dưỡng ơn gọi tu trì

Lá Thư Đặc Trách Tháng 08 / 2017

Gia đình : Chiếc nôi nuôi dưỡng ơn gọi tu trì

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Đầu tháng 7 vừa qua, được hiệp dâng lễ mở tay tân linh mục quý tử của ông Phanxicô, trưởng Ban phục vụ Huynh đoàn giáo phận Long Xuyên, lòng tôi bỗng trào dâng một niềm vui dịu ngọt, khi nhận ra một sứ vụ cao quý mà Huynh đoàn Đa Minh đã và đang tích cực đóng góp cho giáo hội Việt Nam, đó là nuôi dưỡng ơn gọi tu trì trong gia đình.

Dù chưa thể thực hiện thống kê chính xác, nhưng tôi đã gặp rất nhiều linh mục và tu sĩ xác định mình là con cháu các ông bà cố thuộc huynh đoàn Đa Minh. Năm 2016, riêng huynh đoàn giáo phận Xuân Lộc đã góp thêm 20 tân linh mục, 27 thày gia nhập Đại chủng viện, 29 thầy và 52 sơ khấn trọn đời. Xin tạ ơn Chúa về hồng ân cao quý này, và xin một lần nữa cổ võ các gia đình trở thành chiếc nôi nuôi dưỡng ơn gọi tu trì.

Vai trò gia đình với ơn gọi của con cái

Ai trong chúng ta cũng biết vai trò đặc biệt quan trọng của các gia đình trong việc định hình tương lai của con cái. Tuổi thơ được ví như tờ giấy trắng, nên mỗi chúng ta đều mang nơi mình suốt cuộc đời, những dấu ấn căn bản hao hao giống với cha mẹ mình. Giống trong tính tình, trong ngôn ngữ và cử chỉ, thậm chí đôi khi giống cả trong sở thích và dáng đi nữa.

Công đồng Vatican II trong hiến chế Tín Lý (Lumen Gentium, số 11) nhắc nhớ : “Trong gia đình như là Hội Thánh tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái, cha mẹ phải giúp phát huy ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt chăm sóc cho ơn gọi hướng tới thánh chức”

Hạnh tích thánh giáo hoàng Pio X kể lại : Năm 1884, khi được đặt làm giám mục giáo phận Mantua, thánh nhân về thăm và khoe với mẹ chiếc nhẫn mục tử của mình. Thân mẫu ngài đã chỉ vào chiếc nhẫn cưới cũ kỹ trên tay mà nói : “Không có chiếc nhẫn của mẹ thì chẳng có chiếc nhẫn của con”. Quả là một câu nói thật sâu xa và đầy ý nghĩa.

Gia đình là chủng viện đầu tiên

Với các giám mục, linh mục, tu sĩ giàu kinh nghiệm, thì gia đình chính là chủng viện đầu tiên, nơi họ được khai tâm vào đời sống đức tin, được thụ giáo những bài học đầu tiên về mến Chúa yêu người..

Trong lá thư gửi người Mẹ đã khuất được đăng trên mạng, một linh mục đã tâm sự : “Những bài học ở chủng viện gia đình in sâu vào tâm trí con, có lẽ đến muôn đời không bao giờ nhạt phai được … Mẹ cho con sự sống và đức tin. Mẹ gieo vào lòng con ước mơ lành thánh, gắn vào môi con lời kinh chúc tụng làm phương tiện để hồn con hướng lên trời cao, in vào tâm trí con hình ảnh nhân lành của Thiên Chúa tình yêu, khắc vào con hy sinh làm sức mạnh và tha thứ là đỉnh cao của tình yêu”.

Đấng đáng kính, hồng y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận thì khẳng định : “Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến đâu có thể làm thay cha mẹ được. Nếu cơ sở bậc nhất ấy bị hỏng, tương lai Hội thánh và xã hội cũng rung rinh sụp đổ” (Đường Hy vọng, 505).

Thánh giáo hoàng Gioan XXIII, trong một lá thư gởi cha mẹ nhân ngày mừng ngũ tuần đã tuyên dương chủng viện đầu tiên này : “Thưa Ba Mẹ, hôm nay con được 50 tuổi. Chúa thương ban cho con nhiều chức vụ trong Hội thánh, được đi nhiều nơi, học nhiều sách, nhưng không có trường học nào dạy dỗ và làm ích cho con bằng những ngày con được ngồi trên chân ba mẹ”.

Thánh Đa Minh và Cp. Mannes đặt vòng hoa cho thân mẫu, Cp. Gioanna Aza

Gia đình cha thánh Đa Minh

Đó cũng là điều chúng ta thấy nơi gia đình của thánh Đa Minh. Ngay từ khi chào đời và suốt thời thơ ấu, thánh nhân được sống trong bầu khí thuận lợi để chuẩn bị cho sứ vụ trong tương lai. Tuy thuộc gia đình quí tộc, mọi người đã đón chờ và nuôi dưỡng cậu để trở thành giáo sĩ chứ không phải hiệp sĩ.

Giấc mơ của người mẹ, chân phước Gioanna Aza chứng tỏ ngay từ lúc mang thai bà đã mong ước cho con trai mình trở thành nhà giảng thuyết, được diễn tả bằng biểu tượng phổ biến đương thời. Vì thời đó, “con chó ngậm bó đuốc sáng rực” là biểu tượng của nhà thuyết giáo, hỗ trợ vị mục tử Giêsu, canh chừng cho đoàn chiên thoát khỏi sói rừng.

Khi lên bảy, gia đình đã gửi Đa Minh đến người cậu ruột là linh mục xứ Gumiel gần đó. Sử gia Constantin d’Ovieto so sánh sự kiện này như tiên tri Samuel được gửi đến thày cả Hêli trong Cựu Ước. Năm 14 tuổi, Đa Minh theo học tại trường nhà thờ chính tòa Palencia. Nơi đây, anh không màng đến văn chương nghệ thuật, chỉ miệt mài học hỏi Lời Chúa. Đến độ “nhiều đêm gần như không ngủ để học hỏi Kinh Thánh“.

Như vậy, song thân của thánh Đa Minh đã vun trồng nơi con mình ước vọng tận hiến cho Thiên Chúa, và tìm ra môi trường thích hợp để thánh nhân được đào sâu Lời Chúa trong Kinh Thánh và sẵn sàng đảm nhận những ưu tư của giáo hội. Cũng phải nói đây là một gia đình đặc biệt, vì thánh Đa Minh có hai người anh trai cũng là linh mục. Anh cả Antôniô sau làm tuyên úy bệnh viện, còn anh thứ, chân phước Mannes, sau vào Dòng Thuyết Giáo của em mình.

Nuôi dưỡng ơn gọi trong gia đình

Như chúng ta đã biết, ơn thiên triệu là một hồng ân phát xuất từ Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu khẳng định : “Không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy chọn anh em…” (Ga 15,16). Nhưng Chúa thường kêu gọi các môn đệ qua trung gian nhân loại. Thánh Anrê theo Đức Giêsu nhờ lời giới thiệu của thánh Gioan Tẩy Giả, và sau đó liền trở về giới thiệu Chúa cho thánh Phêrô (Ga 1, 35). Hai anh em Giacôbê và Gioan đã được chính mẹ mình dẫn đến với Chúa (Mt 20, 27).

Để vun trồng và bảo vệ các mầm non ơn gọi tu trì nơi tâm hồn con cái, phải quan tâm đến môi trường gia đình. Các phụ huynh phải giúp cho con em hiểu sự cần thiết, cao quý và bản chất của ơn thiên triệu. Chính gương sáng đời sống đức tin của cha mẹ sẽ khai tâm cho con cái biết cầu nguyện, yêu thích Lời Chúa, giúp con cái phân định và khám phá dần ơn gọi riêng của mình. Nếu được, cũng cần tạo điều kiện cho con cái có cơ hội tiếp xúc với các linh mục và tu sĩ đạo đức, hoặc sinh hoạt trong các đoàn thể tôn giáo.

Vai trò quyết định của gia đình với ơn gọi

Trong sứ điệp Ngày Ơn Gọi 2002, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II xác định : “Các gia đình được mời gọi nắm giữ vai trò quyết định đối với các ơn gọi trong tương lai của Giáo hội. Sự thánh thiện của tình yêu hôn nhân, sự hòa hợp của đời sống gia đình, tinh thần đức tin khi đương đầu với những khó khăn hằng ngày, việc cởi mở với người khác, nhất là với các người nghèo khổ, việc tham dự vào đời sống cộng đoàn đức tin, tất cả hình thành nên môi trường xứng hợp cho việc lắng nghe tiếng Chúa gọi và cho việc đáp lại quảng đại của con cái”.

Xin chúc mừng và cảm ơn quý ông bà cố đã quảng đại dâng hiến cho giáo hội những người con ưu tú. Ước mong các cha mẹ “dám” kêu mời con cái đáp lại tiếng Chúa gọi.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *