Thư tháng 08.2018 : Sống bác ái theo gương các tiền nhân

Lá Thư Đặc Trách Tháng 08 / 2018

Sống bác ái theo gương các tiền nhân

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Chúng ta đã bước vào Năm Thánh mừng kỷ niệm 30 năm, 117 hiển thánh Tử Đạo tại Việt Nam được tuyên thánh (19.6.1988). Đây là cơ hội đặc biệt để học hỏi mẫu gương sống của các tiền nhân. Lá thư tháng này xin đề cập đến mẫu gương bác ái của các ngài. Nếu hiến tế tử đạo là cách thể hiện tình yêu lớn lao nhất, thì yêu thương chính là nét nổi bật trong cuộc đời của các thánh vị tử đạo tại Việt Nam.

Những mẫu gương bác ái yêu thương

Với người có đồng ăn đồng để như thánh y sĩ Simon Phan Đắc Hòa, ông rộng rãi giúp những người nghèo khổ, riêng với bệnh nhân túng thiếu, không những ngài chữa bệnh miễn phí, lại còn giúp tiền giúp lúa.

Với thánh Martinô Thọ, thì : “công bằng chưa đủ, phải có bác ái nữa, mà muốn thực thi bác ái phải có điều kiện”, và ngài trồng thêm vườn dâu kiếm tiền giúp những người thiếu thốn. Cùng tử đạo với thánh nhân là thánh Gioan Cỏn từng mạnh dạn đấu tranh cho người nghèo chống lại một lý tưởng đòi sưu cao thuế nặng. Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông là ân nhân của viện cô nhi trong vùng. Thánh Antôn Nguyễn Đích thường xuyên thăm viếng trại phong và sẵn sàng nuôi người mắc bệnh dịch ngay tại nhà mình.

Nếu tình thương bác ái đã được Chúa Giêsu coi là dấu chỉ của những môn đệ (Ga 13,35), ta không lạ gì thánh linh mục Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sẵn sàng nhường tiền bữa ăn ân huệ trước giờ xử tử : “Xin cầm tiền và gửi cho người nghèo dùm tôi”. Thánh linh mục Philipphê Phan Văn Minh dặn đừng tổ chức an táng lớn, để dành tiền giúp người bần cùng.

Cũng thế, gia phả thánh Giuse Án Khảm kể lại : “Gia nhân phải kiếm kẻ nghèo vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm”. Thánh linh mục Phêrô Hoàng Khanh ở trong tù, đã chữa bệnh cho thân nhân viên cai ngục. Và thánh giám mục Henares Minh đi đâu cũng mang theo tráp thuốc chữa bệnh miễn phí.

Dưới ánh sáng của Tin mừng

Hạnh tích cho thấy các thánh thực hiện bác ái dưới ánh sáng của Tin Mừng. Với thánh Giuse Cai Tả, yêu thương để xứng với tình Chúa yêu, khi châm chước cho những người mắc nợ và nói “Mình quên nợ người, Chúa quên tội mình”.

Với thánh Antôn Năm Quỳnh thì bác ái là hoa quả của đức tin, ông nói với gia đình : “Bà và các con không đồng ý cho tôi lấy của nhà để giúp người nghèo, tôi sẽ đi vay mượn hoặc làm thuê kiếm tiền giúp đỡ họ”, vì ngài nói : “Tôi chưa thấy ai hay giúp người nghèo khó lại túng bấn bao giờ. Kinh Thánh chẳng dạy chúng ta phải coi họ như chi thể của Chúa đó sao ? Chúa đã cho chúng ta sống, tất sẽ quan phòng cho ta đủ dùng”.

Với thánh Micae Hồ Đình Hy thì : “Đừng làm việc thiện cách máy móc qua lần chiếu lệ, mà phải làm với thiện ý”. Ngài từng chăm sóc nuôi dưỡng một bệnh nhân bơ vơ, suốt 15 ngày sáng tối thăm hỏi, và khi người bệnh lìa đời, đã tổ chức lễ an táng tử tế. Thánh nhân cũng nuôi hai bé gái bị bỏ rơi cho đến lúc trưởng thành, một xin đi tu một xin lập gia đình, ông quảng đại lo đến nơi đến chốn.

Mẫu gương bác ái tập thể

Khi xảy ra thiên tai hay nạn đói, các tín hữu đã cùng nhau thực thi đức bác ái, như lời kể của đức cha Davoust (Đa-vút) năm 1786 : “Tôi đã gửi hai thư luân lưu cho các linh mục, các nhà phước và các bổn đạo, là hãy lợi dụng thời cơ để rửa tội tất cả trẻ em chưa đến tuổi khôn mà họ cho rằng chúng khó thoát chết. Và, vì gương tốt mạnh hơn lời nói, sau Phục sinh, tôi tập trung tất cả người của tôi, trình bày cho họ hiểu mối lợi lớn lao họ có thể làm, bằng cách đi kiếm những trẻ hấp hối mà rửa tội cho chúng. Mọi người đếu sốt sắng theo kế hoạch của tôi. Được trang bị một số thuốc và một ít tiền, họ đi vào khắp các làng các xóm mà nạn đói kém hoành hành. Chẳng mấy chốc thành quả vượt xa ước mơ của họ và chính tôi.

Ngạc nhiên vì thấy những người không có động lực nào khác, lại đến thăm nhà mình để an ủi nâng đỡ, người ngoại mở rộng túp lều của mình, cho phép họ rửa tội cho con cái mình, có khi lại xin được dạy dỗ về thứ tôn giáo thương người thể ấy và hứa nếu thoát chết sẽ theo đạo đó… Hôm nay 29.6, danh sách người lớn rửa tội đã hơn một trăm, còn trẻ em là 5.713. (1)

Phong trào thánh Nhi

Theo phong trào Thánh Nhi, do đức cha Forbin Janson lập (1843) nhằm giúp trẻ em xứ truyền giáo. Mọi người thi đua nhau, nhất là các y sĩ, các dì phước và các bà đỡ tìm mọi cách rửa tội cho trẻ em bị bỏ rơi. Họ thăm nom, săn sóc nuôi nấng, thuốc men và an táng. Các em sống sót được đưa về nuôi ở nhà thiên thần, được học giáo lý và nghề nghiệp cho đến khi tự lập. Hiện nay, gần tòa giám mục Bùi Chu, còn tồn tại cô nhi viện thánh An, do thánh giám mục Sanjurjo An lập năm 1852.

Và đây là chứng từ của linh mục Pavec : “Thấy cảnh nghèo của dân chúng, tôi đã phân công cho một số người lo phân phối gạo cho người nghèo. Một số khác thì dựng những túp lều làm trạm xá chăm sóc bệnh nhân. Một số khác đi phát thuốc và rửa tội cho các thiếu nhi nguy tử. Tôi xin các dì phước hy sinh một phần nhà làm nơi trú ngụ cho các bệnh nhân nữ. Tôi đã xin các giáo hữu tham gia công cuộc từ thiện. Nhờ đó chúng tôi có thể nuôi sống khoảng 500 người suốt năm tháng qua. Năm mươi người đã được rửa tội trước khi chết. Còn trẻ em thì được 759 trẻ. (2)

Theo công đồng Kẻ Sở 2012 thì : “Trong các địa phận miền Bắc Kì này, hằng năm gặt được ở đất kẻ ngoại đạo một bó hơn bảy vạn linh hồn, để thu vào kho tàng trên thiên đàng” (3)

Sống đạo yêu thương

Cũng phải kể đến mẫu gương đặc biệt của tín hữu trong các mùa bệnh dịch. Các tín hữu có mặt bên giường bệnh nhân, đưa họ đi nhà thương chăm sóc. Đó là giai đoạn các linh mục có thể đi lại tự do. Ngay tại kinh đô Phú Xuân năm 1851, người ta được chứng kiến nghi lễ an táng trọng thể, đi đầu là thánh giá nến cao, tiếp đến hai hàng tín hữu, rồi linh mục với phẩm phục khăn choàng, họ vừa đi vừa hát vang lên bài thánh ca tiễn biệt.

Nhớ lại thời sơ khai hội thánh Việt Nam, trong thư ngày 31-12-1632, cha Gaspar d’Amaral đã viết : “Lương dân không biết gọi đạo mới là đạo gì, đã gọi các bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau”. (4)

Những mẫu gương yêu thương của các tín hữu xưa với mảnh đất và con người Việt Nam, quả là một di sản quí giá cho tín hữu hôm nay. Chúng ta được kêu mời viết tiếp định nghĩa của đạo công giáo chính là “đạo yêu thương”.

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

 

1. Những bức thư xây dựng và lý thú, tập VI, tr 450-452
2. Thư 12-9-1810. Những bức thư xây dựng và lý thú, Q. 8, tr 288-290
3. Công đồng Kè Sở, Kẻ Sở 1915. P. IV, đoạn 6, 1
4. Gaspar d’Amaral, Archivum Romanum Societatis Iesu Jap-Sin. 85, tờ 132.

NB. Hình Hành hương ba vị thánh Bồ Ngọc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *