Vài chục năm trước, các gia đình thường khá đông con, cha mẹ không có nhiều kiến thức giáo dục, đứa lớn trông coi đứa bé…nhưng lại không có nhiều trẻ hư. Có thể nói trẻ em và thanh thiếu niên khi ấy được giáo dục nhờ vào bầu khí chung của xã hội, nhờ vào truyền thống gia tộc nhiều hơn là một sự giáo dục trực tiếp của cha mẹ. Khi ấy, gia đình chưa phải đối mặt với bầu khí “ô nhiễm tinh thần”.
Hiện nay, xã hội và gia đình đã thay đổi rất nhiều; và điều nguy hiểm là nhiều bố mẹ vẫn cứ tiếp tục nuôi dạy con cái giống như chính mình đã được nuôi dưỡng, giống như thời mình được nuôi dạy cách đây vài chục năm.
Chẳng hạn, trước đây, cha mẹ không hề lo giáo dục trẻ biết giá trị của tiền bạc, vì thực tế là trẻ cũng chẳng có tiền; những món đồ chơi của trẻ đều do tự chúng làm ra, và trong các trò chơi thì chính những trẻ có tài mới thống trị cuộc chơi… Thế nhưng, xã hội ngày nay đã khác. Mọi thứ đều do tiền, đồ chơi phải mua bằng tiền và trong cuộc chơi giữa bạn trẻ với nhau, người có tiền luôn là kẻ có quyền thống trị…; và người ta dễ bị tha hoá vì đồng tiền…
Thật ra thì xã hội nào cũng có những tệ nạn : bạo lực, bụi đời, ma tuý, bài bạc, rượu chè, mua bán dâm…; và thời nào cũng có những tệ hại của đời sống gia đình như : vợ chồng cãi vã, ngoại tình, ly dị, phá thai… Nhưng trước kia, nhưng điều đó ở mức độ tương đối ít. Hiện nay, những tệ nạn xã hội và trục trặc trong đời sống gia đình trở thành phổ biến, giới trẻ tiếp xúc với các phương tiện truyền thông quá dễ dàng…; và như thế, những người trẻ hiện nay phải đối diện trực tiếp với nhiều quá cám dỗ, nhiều gương xấu…
Đồng thời, khi những tệ nạn trở nên phổ biến thì những giá trị tích cực cũng trở nên quá nhạt nhoà. Cụ thể, trước đây, các người trẻ vị-thành-niên, ở tuổi teen, thường nhìn đời bằng cặp kính mầu hồng, luôn có những ước mơ cao đẹp, thường lý tưởng hoá hình ảnh cha mẹ, thích chọn cho mình một thần tượng nào đó như thầy giáo, thầy xứ, cha xứ, hoặc một nhân vật lý tưởng nào …. Rồi khi đến tuổi trưởng thành, có thể các bạn hiểu ra những hình ảnh lý tưởng ấy thật sự không đẹp, không tốt như mình tưởng; nhưng lúc này các bạn đã khá trưởng thành để làm chủ cuộc đời của mình một cách chín chắn… Quá trình tiệm tiến ấy hiện không còn nữa. Giới trẻ hiện nay “khôn sớm”, chúng biết thừa những sai lỗi của cha mẹ, chúng thành thạo về những trò đời ngay trong môi trường giáo dục hoặc tôn giáo, chúng hiểu rõ mặt trái của những “thần tượng”… và hầu hết những thanh thiếu niên hiện hay không có lý tưởng được trở nên những con người tốt, không biết mơ ước trở thành anh hùng để giúp ích cho xã hội…
Thêm vào đó, điều nguy hiểm thứ ba là bầu khí xã hội trở nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt, cạnh tranh khốc liệt ngay ở độ tuổi mẫu giáo. Đẳng cấp xã hội trở thành tiêu chuẩn nhận định trong mọi tình huống thường ngày, từ quần áo, xe cộ, điện thoại, đồ chơi…cho đến địa vị xã hội của cha mẹ… đều biểu lộ một sự phân cấp đầy thách thức đối với các bạn trẻ. Sự phân cấp xã hội theo tiêu chuẩn của tiền bạc và sự thành đạt như thế trở nên một chuẩn mực căn bản của cuộc sống. Trước thách đố ấy, trong tâm hồn các bạn trẻ cũng như trong thế giới người lớn, những chuẩn mực luân lý, nhân bản của con người trở nên quá mỏng manh.
Nhiều hiện tượng, trước đây, là một thái độ lố bịch, thì nay lại là lý do để người trẻ hãnh diện của người trẻ : hiện tượng khoe khoang “mày biết bố tao là ai không ?”; hiện tượng được chích ngừa vaccine cao cấp nhờ “tiêu chuẩn ông ngoại”, hoặc chỉ thị phân cấp loại vaccine theo đẳng cấp xã hội… Những điều đó cho thấy rõ, trong tâm hồn con người ngày nay, đẳng cấp xã hội lớn hơn phẩm tính luân lý, đè bẹp mọi giá trị nhân bản… Hiện tượng xã hội phân cấp và nhất là một sự phân cấp có quá nhiều bất công, lại trở nên bình thường, lại trở nên thứ có thể khoe khoang được… chứng tỏ sự “ô nhiễm tinh thần” đã đạt đến mức báo động đỏ; chúng huỷ hoại con người từ chính nền tảng giá trị.
Thế giới hiện nay đã trở nên “thế giới phẳng”; trong đó, tiến trình phát triển tiệm tiến của người trẻ bị đảo lộn. Xã hội ô nhiễm và gia đình cũng ô nhiễm. Như thế, ngay ở độ tuổi vị thành niên, các bạn trẻ hiện nay đã dễ dàng bị xô đẩy đến tình trạng chọn lập trường buông xuôi về luân lý để chỉ nung nấu ý muốn thành công và thành đạt bằng mọi giá…
Làm thế nào để giáo dục người trẻ trong thế giới ô nhiễm này ? Đó là một bài toán nan giải.
Nói chung, trước đây, nhờ bầu khí xã hội và gia đình, có thể nói người trẻ được giáo dục bằng phương cách “động vật vỏ cứng”, nghĩa là người trẻ được bảo vệ nhờ lớp vỏ “tường cao luỹ dày”, nhờ tránh xa những tệ nạn. Phương cách này hiện nay có lẽ không thể áp dụng được nữa.Tình trạng ô nhiễm đã trở nên quá phổ biến. Phải chăng, hiện nay, phương cách khả thi và hữu hiệu hơn phải là mô hình “động vật có xương sống” ? Mô hình này chú trọng đến “xương sống”, tức là đào tạo khả năng chủ động, đào tạo con người có bản lãnh như một chủ thể, biết phân biệt đúng sai, dám quyết định theo thiện tránh ác… Điều ấy đòi buộc nhiều nơi các ông bố, bà mẹ, và dĩ nhiên, cũng đòi hỏi những vị có trách nhiệm mục vụ trong Giáo hội. Điều ấy đòi hỏi mọi người dám thay đổi thứ “văn hoá đe nẹt” bằng thứ “văn hoá tôn trọng”. Xin Chúa chúc lành và soi sáng cho tất cả chúng ta trong trách nhiệm khó khăn này.