Thư Tháng 11.2021: Thế nào là Hậu – Covid ?

Chưa biết bao giờ mới có thể thực sự nói được là giai đoạn hậu-covid. Tuy vậy, ở Việt Nam, những ngày căng thẳng nhất trong cuộc chiến chống Covid 19 có vẻ như đã trôi qua. Không ít người đã thở phào nhẹ nhõm, không ít người đã “nhớ quá” nếp sống trước – covid và đang háo hức chuẩn bị thẻ xanh để có thể lại đi, lại làm việc, lại ăn, lại chơi,… như trước đây…; và có một vài thứ cũng đang rục rịch trở lại với đời sống người Việt Nam : lại có chuyện lừa đảo, lại có chuyện nâng giá các mặt hàng, lại có những phương cách để tranh giành hơn thua…

Rồi cũng có người lại nhớ, không phải thời trước – covid, mà là nhớ quá thời covid ! Không phải là thích nhìn người bệnh, người đói, người chết,… nhưng là nhớ những nhóm thiện nguyện, những con người xả thân phục vụ, những tấm lòng hào hiệp để đón đoàn người về quê, trao cho nhau một chai nước, một bình xăng, một ổ bánh mì, vài trăm ngàn làm lộ phí…, nhớ quá một phong thái làm người, nhớ quá những hành động tình nghĩa, nhớ quá nét duyên kỳ lạ của tình nghĩa hiển lộ nơi những con người thật bình dị trong cuộc sống thường ngày. Chất người chân thật ấy bỗng nhiên lại lan tràn khắp nơi, không ai bảo ai, không cần tuyên truyền, …mà cứ như thể một thứ “dịch lây lan”, “dịch của tình người”…

Làm sao để giữ mãi được phong cách làm người ấy ? Phải tuyên dương ? phải khen thưởng ? phải lập tượng đài ư ? … Nhưng như thế có phải là thừa nhận phong cách làm người ấy đã qua rồi ? Phải chăng thứ tình nghĩa ấy chỉ có nơi một số người đặc biệt ? trong một thời điểm đặc biệt ?

Không phải như thế ! Cơn đại dịch đau thương này đã đánh thức một tâm tình căn bản : trân trọng sự sống của mỗi con người, ngay cả nơi những con người “thấp kém” và “vô ích” nhất trong tính toán của nền kinh tế thị trường hoang dã. Cơn đại địch đau thương này đã hồi sinh khát vọng sâu xa nhất của phận người, khát vọng được yêu thương, được liên đới với nhau, mà thế giới ganh đua trước đây đã vùi lấp nó đi… Trong cơn đại dịch đau thương này, không phải chỉ có một số nhân vật anh hùng, nhưng chính là phẩm tính anh hùng của bản chất người được phục sinh để chiến thắng tội luỵ và những bóng ma của sự chết… Một bác sĩ đi làm thiện nguyện đã từng thốt lên : chưa thấy bao giờ người ta thương nhau như lúc này ! Nhiều người xem thấy những cảnh người thân nhận lại kỷ vật của người đã qua đời; cảnh em bé chia tay ông ngoại đang bị cách ly; cảnh gia đình chỉ còn lại một em bé đơn độc đứng trước bàn thờ cha mẹ; cảnh những gia đình bồng bế, gồng gánh đủ mọi thứ linh kỉnh, người đi xe, kẻ đi bộ, từ mấy trăm đến cả ngàn cây số, để về quê…; xem mà không cầm được nước mắt… Cám ơn “nhà báo”, dù chỉ mới tác nghiệp một lần thôi; cám ơn những “nhà thơ”, có đủ cả thơ phú hay thơ cóc; cám ơn những nhạc sĩ; cám ơn những bức tâm thư của những nhà lãnh đạo tôn giáo… cám ơn tất cả những người đã làm vang lên “tuyên ngôn tình người” trong lòng dân Việt trong thời covid này …

Tuy nhiên, điều cần phải làm là tiếp tục dưỡng nuôi sự sống chân thật ấy… Mối thương cảm mà con người dành cho nhau trong cơn đại dịch sẽ biến thành “tình cảm nhất thời”, khi mà ta chỉ thấy những đau thương, nét “tội nghiệp” nơi những con người phải chết, nơi những gia đình tan hoang, nơi những đứa trẻ mồ côi…

Đúng hơn, mối thương cảm ấy phải bắt rễ từ một sự trân trọng sự sống của con người, tôn trọng phẩm giá của mọi người. Tình nghĩa trong cơn đại dịch phải được trải nghiệm  nghiệm như cội nguồn tương quan của con người với nhau… Sự sống liên luỵ trong đại dịch không phải như một trường hợp bất thường, nhưng chính là sự “phục sinh” khát vọng sâu xa của con người…

Nhân loại đã phải trả một giá quá đắt trong con đại dịch covid 19 này. Giá cả đắt đỏ ấy đã đổi lại được cái gì ? Chẳng lẽ lại là một “thân xác” rệu rã, một tinh thần hoảng sợ và tệ hơn nữa là một bầu khí tang hoang để cho những trò lừa đảo, chặt chém lại tha hồ nẩy sinh và phát triển ? Nhân loại cần phải tìm lại được phẩm tính quí giá mà mình đã thoáng gặp được : một lòng tôn trọng sự sống, một sự tương trợ quảng đại và một niềm hạnh phúc được nếm vị ngọt cánh chung qua sự san sẻ miễn phí những món quà đầy ắp tình người. Chỉ với hành trang đó, chúng ta mới hiên ngang bước vào thời kỳ “hậu Covid”.

Chúa đã “đau nỗi đau cùng con” trong con đại dịch, Chúa cũng “hăng hái và hy vọng cùng con” trong hành trình tương lai.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *