Thư tháng 12.2021: Gia đình sống vội

Thế giới hiện đại đang diễn ra như một cuộc chạy đua. Người ta đã từng nói sự tiến bộ của một năm trong thế kỷ XX bằng mười năm trong những thế kỷ trước. Đến thế kỷ XXI của chúng ta, sự tiến bộ lại càng nhanh hơn và nhanh hơn nữa…

Hiện nay, có một thứ người ta gọi là “văn hoá nhanh” lan rộng khắp nơi thấm nhập vào hầu hết các quốc gia trên thế giới và đến mọi giai tầng xã hội. Văn hoá nhanh làm biến đổi mọi sinh hoạt xã hội bên ngoài cũng như chi phối sâu xa đến tâm thức bên trong của con người.

Có lẽ thứ “văn hoá nhanh” của thế giới hiện đại là nguyên nhân gần gây ra những nhiều biến đổi trong tâm thức con người cũng như tác động nhiều vào đời sống gia đình : “gia đình ô nhiễm”, “gia đình nghịch giờ” hay “gia đình dịch chuyển”…

Thế giới ngày nay đặt người ta vào môi trường một cuộc “chạy đua”, một cuộc chạy đua khắc nghiệt mà người nào không theo kịp sẽ bị loại trừ khỏi cuộc chơi của nhân loại. Những phát triển quá mau về khoa học, về kinh tế, về giáo dục…không đồng bộ, khiến người có điều kiện càng ngày càng thuận lợi hơn để phát triển, người không có điều kiện càng ngày càng mất cơ hội phát triển. Người giầu càng giầu thêm, người giỏi càng giỏi thêm và người có quyền lực cũng càng ngày thống trị người yếu kém…

Trong cuộc chạy đua của thế giới này, có lẽ “quảng cáo” hoặc nói chung các phương tiện truyền thông là một yếu tố tạo nên những tác động lớn. Quảng cáo làm cho con người khó lòng dừng lại để tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, quảng cáo dẫn dụ người ta thay đổi, quảng cáo làm cho người ta tưởng phải mau chóng đạt tới những đẳng cấp mới, quảng cáo làm lộ ra sự khác biệt giữa người có điều kiện và người không có điều kiện; quảng cáo đặt cuộc đời mỗi người vào sự so sánh hơn thua, từ sự so sánh những vật dụng bên ngoài mà người ta sử dụng, cho đến so sánh những thế đứng hơn thua, và so sánh đụng chạm đến cả phẩm giá của con người.

Văn hoá nhanh thúc bách con người phải chạy và không ai có thể dừng lại hoặc phản kháng mà không bị bầm dập te tua. Người ta luôn phải thăng tiến và luôn phải bảo vệ vị thế của mình; người ta chẳng thể yên ổn với cuộc sống hiện tại vì bao mối đe doạ hiển hiện trên từng lãnh vực: không tiến tức là lùi, không tiến bộ sẽ bị kẻ khác qua mặt và loại bỏ, không tiến bộ sẽ có nguy cơ mất hết cả những gì mình đã đạt được…. Ngày nay, không còn chuyện “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Người ta có nhiều cơ hội để đổi đời, nhưng khát vọng đổi đời cũng xô đẩy biết bao người vào vòng xoáy nghiệt ngã. Cuộc chạy đua thăng tiến ấy ra như không bao giờ đủ và vì thế, lòng người cũng chẳng thể yên… Con người ngày nay luôn sống trong tâm trạng “bài toán cuộc đời chưa có đáp số”.

Những điều ấy tạo nên một mạng lưới chằng chịt lôi kéo suy tư và hành động, lôi kéo cả ý nghĩa và giá trị cuộc sống… lôi kéo vận mạng của một con người vào cuộc chạy đua. Trước áp lực của xã hội, cộng thêm áp lực của những người thân trong gia đình,…mỗi cá nhân không còn có đủ năng lực để đứng. Một thầy giáo, chẳng hạn, muốn sống thanh bạc với đồng lương của mình cũng không thể không chạy, vì con cái của mình cũng cần phải được học ở những trường khá hơn, có vật dụng học tập tốt hơn, hoặc có điều kiện sống mà không phải cúi mặt trước bạn bè…

Cuộc sống “chạy” quá nhanh, nên người ta không còn cảm nhận được chính niềm vui của cuộc sống. Cuộc sống “chạy” quá nhanh nên người ta không còn đọng lại một giá trị nhân bản, hoặc một ý nghĩa thân thương, hay một một giá trị “thiêng liêng” nào cho tâm hồn mình. Quả thật, trong nếp sống vội vã, người ta không còn có thể thưởng thức cuộc sống, ngẫm nghĩ về cuộc sống, tìm thái độ chân thực trước áp lực của cuộc sống…người ta ăn vội, ngủ vội, làm việc vội vã…

Trẻ em bây giờ cũng quá “bận rộn”. Trẻ con cũng chạy đua như người lớn, nhà nhà cùng chạy, người người cùng chạy đua… Người ta không còn có thể nhìn vào bên trong gia đình mình để an vui và hưởng nếm hạnh phúc, nhưng luôn nhìn ra ngoài để so sánh… Không ai muốn con cái mình thua sút bạn bè, nên cũng phải cho con em học thêm điều này, có được kỹ năng kia, tham gia sinh hoạt nọ và nhiều đứa trẻ “không còn giờ để thở”  và không có được một sự phát triển quân bình…

Đức Gioan Phaolô II Gioan Phaolô II đã nói: “Quả thực, người ta không thể chối được là, thời kỳ của thay đổi mau lẹ và phức tạp này đã làm cho những thế hệ trẻ phải cảm thấy mất những điểm tựa chính thức”( Thông điệp Đức Tin và Lý trí, số 6)

Ước mong sao, người trẻ nhận ra được Chúa Giêsu đang đồng hành với mình, các gia đình nhận ra Chúa Giêsu đang chia sẻ những thách đố của đời sống với mình, để có thể tìm được sự bình an Chúa ban, bình an vì có Chúa trên đường đua với mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *