1. Thuyết trình của ĐHY Reinhard Marx
ĐHY Marx cho biết ngài sự minh bạch (trasparenza) ở đây là những hành động, những quyết định, tiến trình xét xử và các thủ tục, v.v. có thể hiểu được và để lại dấu vết, có thể kiểm chứng.
Ngài phê bình sự kiện có những tòa GM không giữ hồ sơ, hoặc tiêu hủy hoặc không lập các hồ sơ về những vụ giáo sĩ bị cáo lạm dụng tính dục trẻ vi thành niên.
Xét lại qui luật bí mật Giáo Hoàng
Nhắc đến những vấn nạn cho rằng nhiều khi phải giữ bí mật Giáo Hoàng, để tránh làm thương tổn thanh danh của những LM vô tội hoặc của chức linh mục hay của Hội Thánh nói chung, vì những lời cáo gian, nếu những lời tố cáo ấy được công bố. Theo ĐHY, những vấn nạn ấy không đứng vững trong việc chống lại tính chất có thể kiểm chứng và minh bạch. Cần có những lý lẽ có sức thuyết phục để duy trì bí mật Giáo Hoàng đối với sự truy tố những tội phạm lạm dụng chống trẻ vị thành niên. Hiện nay, ĐHY nói, tôi không thấy có những lý lẽ đó.
Các nguyên tắc phải coi bị cáo là vô tội cho đến khi bị kết án chung kết và nguyên tắc bảo vệ các quyền của cá nhân, và sự cần thiết phải minh bạch, những điều ấy không loại trừ nhau, trái lại còn hỗ trợ cho nhau.
Minh bạch không có nghĩa là chấp nhận bừa bãi và phổ biến vô trật tự những lời cáo buộc lạm dụng. Mục đích nhắm tới là một cuộc xét xử minh bạch, làm sáng tỏ và chỉ rõ những lời cáo cuộc, và theo những tiêu chuẩn thường được chấp nhận, liên quan đến vấn đề khi nào và theo thể thức nào công chúng, nhà cầm quyền và giáo triều Roma phải được thông báo. Những thể thức tiêu chuẩn ấy giúp hiểu rõ rằng không phải sự minh bạch làm hại cho Giáo Hội, nhưng đúng hơn là những hành vị lạm dụng đã phạm, sự thiếu minh bạch hoặc sự che đậy sau đó.
Xác định lại mục đích và giới hạn của bí mật giáo hoàng
Cụ thể, ĐHY Marx kêu gọi xác định mục đích và giới hạn bí mật giáo hoàng, vì những thay đổi xã hội hiện nay ngày càng mang đặc tính của những kiểu mẫu thông tin thay đổi. Trong thời đại các mạng xã hội hiện nay, tất cả và mỗi người chúng ta có thể liên lạc và trao đổi thông tin hầu như tức khắc qua Facebook, Twitter, vv. nên cần phải xác định lại tính chất kín đáo và bí mật, phân biệt chúng với sự bảo vệ các dữ kiện. Nếu chúng ta không thành công trong vấn đề này, chúng ta sẽ làm uống phí cơ hội duy trì một mức độ tự quyết đối với thông tin hoặc chúng ta sẽ bị nghi ngờ về tội ém nhẹm. (Rei 22-2-2019)
2. Thuyết trình của bà Linda Ghisoni
Bà Ghisoni, 54 tuổi, có gia đình và 2 người con gái, chuyên gia giáo luật, giáo sư tại Đại học Gregoriana và là thẩm phán tại một số tòa án của Giáo Hội ở Roma, trước khi được ĐTC bổ nhiệm làm Phó Tổng thư ký Bộ giáo dân, gia đình và sự sống.
Quan tâm đến con người nạn nhân và gia đình họ
Trong bài thuyết trình gợi ý, Bà nêu nhận xét: việc phòng ngừa nạn lạm dụng tính dục trẻ em không thể kết thúc trong ”một chương trình đẹp”, nhưng phải trở thành ”một thái độ mục vụ thường nhật”. Bà trưng dẫn chứng từ của một nạn nhân, gọi là ”những coi sói hú” tất cả những mục tử của Giáo Hội lẻn vào chuồng chiên để gây kinh hãi và phá tán đoàn chiên, và bà khẳng định rằng chúng ta không bao giờ có thể nói về việc bảo vệ những trẻ bị thành niên mà không để ý đến các nạn nhân và gia đình họ, không biết kẻ lạm dụng, những người đồng lõa, những người chối bỏ tệ nạn này và những người lơ là không quan tâm, những người ém nhẹm, che đậy, và chúng ta phải biết cả những người tìm cách lên tiếng và hành động, nhưng tiếng nói của họ bị bóp nghẹt im bặt.
Bà Linda Ghisoni lượt qua một loạt những nghĩa vụ được đề ra trước mỗi tội ác kinh khủng lạm dụng tính dục trẻ em: trước tiên là phải biết và ý thức về những gì đã xảy ra, nghĩa vụ tìm sự thật và công lý, nghĩa vụ sửa chữa và phòng ngừa để khỏi tái diễn tội ác.
Tìm trách nhiệm trong tinh thần hiệp thông
Đề cập đến nghĩa vụ tìm kiếm trách nhiệm trong tinh thần hiệp thông, Bà Ghisoni bác bỏ quan niệm cho rằng việc tìm kiếm sự thật về những vụ lạm dụng chỉ là trách vụ của ĐGH và các GM, nhưng mọi thành phần Dân Chúa, đều tham gia vào nghĩa vụ này, do bí tích rửa tội. Mỗi người được kêu gọi can dự năng động, tuy rằng sứ vụ GM mang trách nhiệm đưa ra quyết định cuối dùng, sử dụng những đóng góp và lời cố vấn của tất cả mọi người.
Đề nghị duyệt lại qui luật phải giữ bí mật giáo hoàng trong các vụ lạm dụng
Bà Ghisoni cổ võ sự tìm hiểu và học hỏi những phương thức thực hành do các HĐGM khác đề xướng trong các môi trường Giáo Hội khác. Và trong số những đề nghị cụ thể, bà bày tỏ mong ước có sự duyệt lại qui luật về ”bí mật Giáo Hoàng” để bí mật này bảo vệ các giá trị mà nó nhắm bảo vệ, tức là phẩm giá của những người liên hệ, thanh danh của mỗi người, thiện ích của Giáo Hội, nhưng đồng thời giúp phát triển một bầu không khí minh bạch và tín nhiệm hơn, tránh quan niệm sử dụng bí mật giáo hoàng để che giấu các vấn đề, thay vì bảo vệ các thiện ích có liên hệ.
Kêu gọi thông tin đúng đắn
Sau cùng bà Ghisoni kêu gọi các nhân viên truyền thông hãy kiện toàn những tiêu chuẩn để thông tin đúng đắn, biết dung hòa giữa những đòi hỏi của sự minh bạch với những đòi hỏi của sự kín đáo, để tránh gây hại cho sự thật.
Nhận xét của ĐTC
Lên tiếng sau bài tham luận của bà Linda Ghisoni, ĐTC nhận xét rằng ”Đây chính là Giáo Hội nói.. Khi mời một phụ nữ lên tiếng, đây không phải là đi vào cách thức của một chủ nghĩa nữ quyền Giáo Hội, vì rốt cuộc chủ nghĩa nữ quyền chỉ là một ”chủ nghĩa duy nam giới mặc váy”. Không phải vậy, khi mời một phụ nữ nói về các vết thương của Giáo Hội, đó là mời Giáo Hội nói về chính mình, về những vết thương của Giáo Hội.. Phụ nữ là hình ảnh của Giáo Hội vốn là một phụ nữ, là người vợ và người mẹ.”
”Đường lối tư tưởng của tiến sĩ Ghisoni là đường lối của một người mẹ, và kết thúc với trình thuật về những gì xảy ra khi một phụ nữ sinh ra một người con. Đó là mầu nhiệm nữ tính của Giáo Hội là vợ và là mẹ. Vấn đề ở đây không phải là trao thêm các chức năng cho phụ nữ trong Giáo hội – điều này là tốt, nhưng không giải quyết vấn đề – vấn đề là hội nhập phụ nữ như một hình ảnh của Giáo Hội trong tư tưởng của chúng ta, là suy tư về Giáo hội với những phạm trù (categorie) của một phụ nữ”.
Phiên họp chiều ngày 22-2-2019 được tiếp tục với phần hội thảo nhóm, tường trình kết quả hội thảo của 11 nhóm, sau cùng là kinh nguyện dựa trên chứng từ của một nạn nhân bị lạm dụng (Rei 22-2-2019)
G. Trần Đức Anh OP – Vatican