Tiến Sĩ George Weigel – Phúc Âm Hóa: Những Gì Và Khi Nào?

Tiến Sĩ George Weigel – Phúc Âm Hóa: Những Gì Và Khi Nào?

Trong khi ca ngợi khả năng của đại hội trong việc “thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau trên thế giới,” Đức Cha Athanasius Schneider, 61 tuổi, Giám Mục Phụ Tá Astana, Kazakhstan đã phàn nàn về “Siêu thị các tôn giáo”, nói rằng ngài tin rằng đại hội có “nguy cơ” khi đặt Công Giáo lên cùng bình diện với các tôn giáo khác và tạo ra ấn tượng đạo nào cũng như đạo nào.

Đức Cha Schneider nói với các phóng viên tại nhà thờ chính tòa của Astana: “Nó có thể tạo ấn tượng về một siêu thị của các tôn giáo, và điều đó là không chính xác, bởi vì chỉ có một tôn giáo thực sự, đó là Giáo Hội Công Giáo do chính Chúa thành lập”.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Evangelization: What And When?”, nghĩa là “Phúc Âm Hóa: Những Gì Và Khi Nào?” nhằm đóng góp thêm ý kiến sau những phàn nàn của Đức Cha Schneider.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tại “cuộc họp thông tin” của Hồng Y Đoàn trong hai ngày 29 và 30 tháng 8 vừa qua, đã có sự đồng ý đáng kể rằng việc truyền giáo là mệnh lệnh hàng đầu của Công Giáo trong thế kỷ 21 — một sự đồng thuận có thể thấy dễ dàng là sẽ làm hài lòng tác giả của cuốn sách gây bối rối vào năm 2013 với tiêu đề thật khiêu khích Evangelical Catholicism – Đạo Công Giáo Tin lành. Tuy nhiên, cho dù có sự đồng thuận đó rồi, những câu hỏi nghiêm trọng vẫn cần được giải quyết. Khảo sát bối cảnh Công Giáo thế giới ngày nay, và xem xét bầu không khí hỗn loạn của Giáo hội trong thập kỷ vừa qua, có bốn câu hỏi “what – những gì” và một câu hỏi “when-khi nào” cần được đặt ra và giải quyết, nếu sự đồng thuận về sự cần thiết của việc truyền giáo muốn có kết quả là lôi kéo những người khác đến với Chúa, hoặc quay lại với Chúa.

Câu hỏi “what – những gì” đầu tiên thuộc về Kitô học: Liệu Giáo hội có thể truyền giáo không nếu Giáo Hội không đề xuất Chúa Giêsu Kitô là biểu hiện chính xác của sự tự mặc khải của Thiên Chúa cho nhân loại và là Đấng Cứu Tinh duy nhất của thế giới? Đó là lời dạy rõ ràng của Giáo Hội Công Giáo từ bài giảng của Thánh Phêrô trong sách Tông Đồ Công Vụ 4:12 thông qua tuyên ngôn Dominus Iesus hay Chúa Giêsu, do Bộ Giáo lý Đức tin ban hành với sự chấp thuận có thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Đại Năm Thánh 2000. Niềm xác tín đó có còn là nền tảng của việc truyền giảng và dạy giáo lý Công Giáo ngày nay hay không? Nếu trả lời vẫn còn, thì làm thế nào để Giáo hội có thể hiểu được Tuyên Ngôn Abu Dhabi năm 2019, do Đức Thánh Cha Phanxicô ký, trong đó khẳng định rằng sự “đa nguyên” và sự “đa dạng” của các tôn giáo trên thế giới là do “ý muốn của Thiên Chúa”? Có sự căng thẳng ở đây, thậm chí có thể là mâu thuẫn, cần phải được làm rõ?

Câu hỏi “what – những gì” thứ hai thuộc về giáo hội học: Giáo Hội Công Giáo có phải là Giáo hội phổ quát với các biểu hiện giáo hội địa phương hay Giáo Hội Công Giáo chỉ đơn thuần là một liên đoàn lỏng lẻo của các giáo hội địa phương, mỗi giáo hội có “con đường” giáo lý và đạo đức riêng – chữ ‘con đường’ này tôi mượn một thuật ngữ từ các Giám Mục Đức – weg?

Anh giáo thế giới là một ví dụ về thứ liên đoàn lỏng lẻo này; và tình trạng đáng tiếc của Khối Hiệp Thông Anh giáo, vốn gây khó khăn cho việc triệu tập một cuộc họp của các thành viên, là một câu chuyện đáng cảnh giác. Hơn nữa, chúng ta sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức hơn đối với việc truyền bá Tin Mừng trong thế kỷ 21, nhiều vấn đề lớn hơn, thậm chí nhiều vấn đề trầm trọng hơn, khi các giáo hội địa phương công bố các phúc âm khác nhau và các cách sống khác nhau, không phải như thế sao? Công Giáo Đức mang đậm sắc mầu thể chế, dường như quyết tâm tự tái tạo lại mình với tên gọi là Giáo hội Của Những Con Người Nhạy Bén – the Church of Woke, sẽ có gì để cung cấp cho các nỗ lực truyền giáo của Giáo hội ở Phi Châu và Á Châu? Làm thế nào mà một Đạo Công Giáo theo mẫu mới của Đức, mà hầu như không thể phân biệt được với chủ nghĩa thế tục cấp tiến, lại có thể tái truyền giáo cho những khu vực hậu Kitô giáo của thế giới Bắc Đại Tây Dương? Điều gì sẽ xảy ra cho việc truyền bá Tin Mừng khi Giáo hội mất mối liên kết với “một Chúa, một đức tin, một phép rửa” (Êphêsô 4: 5)?

Câu hỏi “what -những gì” thứ ba liên quan đến cấu trúc của đời sống luân lý: Thông điệp Veritatis Splendor hay Chân Lý Huy Hoàng năm 1993, khẳng định rằng một số hành vi trong chính nó và liên quan đến chính nó “tự bản chất là tội lỗi”, có còn được xem là xác định đúng đắn nền tảng Kinh thánh và thần học mà giáo huấn luân lý Công Giáo phải dựa trên nữa không? Hay giờ đây Giáo Hội Công Giáo chấp nhận lý thuyết luân lý-thần học được gọi là “thuyết tương xứng”, trong đó người ta hiểu đời sống luân lý như một cuộc thương lượng liên tục, mà lương tâm cá nhân phải tự hài hòa giữa các chuẩn mực đạo đức không ổn định, các tiêu chuẩn xã hội thay đổi và ý định cá nhân? Giáo hội có thể truyền giáo được không nếu không dám nói, với lòng trắc ẩn và với xác tín Tin Mừng, rằng đây mới là cách sống công chính, SỐNG KHÁC THẾ NÀY LÀ KHÔNG ĐƯỢC, bởi vì hành động khác đi chỉ đơn thuần là lầm lạc, CHẤM HẾT?

Câu hỏi “what – những gì” thứ tư liên quan đến chính sách ngoại giao của Vatican: Làm thế nào Giáo hội có thể truyền giáo được, đặc biệt là trong các nền văn hóa và trong các chính thể thù địch với Kitô giáo, nếu Vatican dường như không muốn bảo vệ chính mình? Con đường “đối thoại” được thực hiện ở Hương Cảng và Trung Quốc, với Nga, và với các cuộc đàn áp tàn bạo chống Công Giáo ở Cuba, Venezuela và Nicaragua, đã tạo ra rất ít kết quả tích cực, nếu không muốn nói là chẳng được ơn ích gì. Tác động của việc truyền bá Tin Mừng trong tương lai là gì khi Vatican miễn cưỡng bảo vệ công khai cả cá nhân những người Công Giáo như Jimmy Lai bị giam cầm ở Hương Cảng và Đức Cha Rolando Álvarez bị giam cầm ở Nicaragua và quyền tự do thể chế của Giáo hội, chẳng hạn như trong việc bổ nhiệm giám mục ở Trung Quốc? Liệu việc truyền giáo có thể thành công hay không nếu những nỗ lực “đối thoại” với những kẻ bắt bớ chung cuộc lại bóp nghẹt chính tiếng nói tiên tri của Giáo hội trong việc nói lên chân lý trước quyền lực thế gian?

Đối với câu hỏi “when – khi nào”, tháng trước, hơn một Hồng Y ở Rôma đã hỏi làm thế nào để tiến hành một chương trình truyền bá Tin Mừng mạnh mẽ nếu Giáo hội cứ liên tục họp – hết cuộc họp này đến cuộc họp khác từ Thượng Hội Đồng giáo phận, đến Thượng Hội Đồng quốc gia, Thượng Hội Đồng lục địa cho đến Thượng Hội Đồng toàn cầu. Việc trở thành Giáo hội “vĩnh viễn trong sứ mệnh truyền giáo” của Đức Thánh Cha Phanxicô không dễ gì tương hợp với việc trở thành một Giáo hội vĩnh viễn trong các cuộc họp. Và vấn đề quản lý thời gian thận trọng đó càng trở nên phức tạp khi các cuộc họp được đề cập được tiến hành trên tiền đề rằng có rất ít hoặc chẳng có gì ổn định trong một Đạo Công Giáo với những “thay đổi tận căn”.

Truyền bá Tin Mừng, chắc chắn là điều phải làm: Nhưng truyền bá thông điệp nào và bằng phương tiện gì?


Source:First Things

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *