Nếu: Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào… thì: Tình cha ấm áp như vầng thái dương…
Mỗi người chúng ta ai cũng có cha mẹ, dù cha mẹ có thể là quyền cao chức trọng, hay thảo dân bần cố. Cha mẹ có thể là học vấn cao siêu, hay i tờ điểm chỉ. Cha mẹ có thể là đại gia nổi tiếng, hay ăn xin góc chợ.
Nhưng tất cả, tất cả vẫn là cha mẹ, là người sinh thành chúng ta, chúng ta có bổn phận phải báo hiếu cha mẹ, không chỉ những năm tháng các ngài còn… “thường trú” ở trần gian, mà cả khi các ngài đã… “chuyển hộ khẩu” về thế giới bên kia.
Chị mồ côi mẹ từ khi mới ba tháng tuổi, nên không có diễm phúc được hưởng, được dìm mình trong bao la tình mẹ.
Nhưng chị vô cùng tự hào, khi luôn được sưởi ấm trong vầng dương ấm áp của cha. Vì vậy, dù đã lên chức bà mười lăm năm rồi, nhưng mỗi khi nghe hai cô cháu ngoại líu lo hát bài “Bố là tất cả”, chị lại thấy trào dâng một cảm giác khó tả.
Cảm ơn nhạc sĩ Thập Nhất, đã thay lời mọi người, cất lên tiếng lòng yêu thương, biết ơn những người cha nhân hậu, một đời hy sinh vì con cháu, trong đó có bố chị, người bố thân yêu, tuyệt vời và vô cùng nhân hậu. Sau mấy năm kết hôn, mẹ lặng lẽ ra đi, để lại cho bố, một thanh niên mới hai mươi ba tuổi với vết thương lòng ứa máu, cùng hai đứa con thơ dại. Con trai lớn tên Văn, tròn hai tuổi, còn chị khi ấy mới ba tháng tuổi.
Gia đình chị tan đàn xẻ nghé, anh trai về ở với ông bà ngoại, chị ở với bà nội, bố đi công tác. Bà nội bảo: “Thời bao cấp, lon sữa bò thì chẳng dám mơ, hạt đường thì quý hơn rổ cá, thúng lúa.”
Vì quê chị là đồng chiêm chũng, rổ cá, thúng lúa kiếm còn được, chứ có tiền cũng khó mà mua được đường, đừng nói gì đến gia cảnh nhà chị.
Ngày ấy nước đường cho chị uống là một thứ xa xỉ, không phải lúc nào cũng có. Nhiều người bảo: chị sống được là nhờ nước bọt cơm và đi xin bú của mọi người trong làng.
… Và con nhớ mãi những ngày tháng qua…
Khi lớn lên, một lần vô tình chị đọc được trang nhật ký của bố, với sự dằn vặt, tiếc nuối vì đánh mất… “một cân đường”. Dòng nhật ký đã lấy đi bao nước mắt của chị trong những đêm khuya, kéo dài cho đến tận bây giờ.
Bố viết: “mình được cấp trên cảm tình, cử đi học một tuần, vừa được một hôm thì cái ví đã bị rơi đâu mất, tiền thì chẳng đáng là bao, nhưng tiếc hơn cả là cái phiếu đường của con M. Cả bảy hôm học là cả bảy hôm buồn, về nhà chẳng dám nói với ai, chỉ than thở với con M. rằng: M. ơi! bố đã làm mất phiếu đường của con.”
Sau hơn ba mươi năm công tác, đi khắp đó đây, bạn bè gần xa quý mến, bố vẫn không… “đi bước nữa”. Ai hỏi thì bố thủng thẳng tự biên tự diễn:
Thương vong gãy một bên chân
Muốn thay khúc gỗ, cho thân vững vàng
Sợ rằng những lúc dở dang
Gỗ queo vướng víu, lại càng khó đi
Một chân đứng vậy sợ gì?
Chẳng… “đi” thì… “đứng” việc chi mà buồn?
Ở đời bao nỗi nguồn cơn
Hỏi ai có biết thiệt hơn, bảo dùm?
Thời gia gần đây bố sụt cân, khó thở, huyết áp thất thường và sốt nhẹ. Chị cùng bố dắt díu nhau đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, sức khỏe bố mỗi ngày một yếu. Một ngày kia chị đau xót, khi nghe bác sĩ thông báo: bố chị bị ung thư phổi.
Chị giấu không cho bố biết. Nhìn bố chỉ còn da bọc xương, chị luôn phải giấu đi những giọt nước mắt đắng đót.
Bố gầy như ống nứa khô
Con đi nuôi bố, cũng khô cõi lòng
Trong đêm con lén… “cân đong”
Ước chừng, cộng với ước mong cho người
Ước chừng bố nặng đầu ba
Ước mong bố lại như là… bố ơi!
Đời con dẫu có chơi vơi
Chẳng bằng đời bố bơi trong nhọc nhằn
Đêm nay con viết trang này
Dâng lên bố: cả những ngày đời con.
Lần thứ bốn bố phải cấp cứu, chị nước mắt ngắn nước mắt dài, cầu nguyện trong bấn loạn, rối ren. Mong Chúa thương nhận lời, dù lời cầu của chị không đầu không cuối, nhưng chị vẫn tin: bố sẽ được mọi ơn lành, bố ơi!
Mờ- inh