Hiệp Hành là chủ đề mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi mọi thành phần dân Chúa khởi từ Giáo hội địa phương đến Giáo hội hoàn vũ, quan tâm đóng góp cho Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 16, là hướng tới một Giáo hội Hiệp Hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Tại Việt Nam hầu hết các Giáo phận khai mạc chủ đề Hiệp Hành vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa vọng 2022.
Như các bạn sinh viên biết hai từ Hiệp Hành được dịch ra từ tiếng Hy lạp Synodality. Hiệp Hành nghĩa là cùng đi hay cùng nhau trên một hành trình như Chúa Giê-su và hai môn đệ trên đường Emmau (Lc 24,13-35). Hiệp Hành cũng có nghĩa là chúng ta cùng đi trên con đường của Chúa Giê-su mời gọi: “Ta là đường là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Vậy trong mùa chay thánh này, các bạn sinh viên sống chủ đề Hiệp Hành như thế nào? Trước khi đi vào nội dung chính, chúng ta tìm hiểu thêm Hiệp Hành có từ bao giờ?
Vì cha không chuyên về lịch sử Giáo hội nên không rõ Giáo hội dùng từ Hiệp Hành từ khi nào. Theo cha được biết lần gần đây nhất là khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết tông huấn Christus Vivit (25/3/2019), ngài dùng từ Hiệp Hành. Tuy nhiên dựa vào sách Sáng Thế và ý nghĩa của Hiệp Hành, chúng ta thấy ngay từ lúc khởi đầu tạo dựng, đã xuất hiện hình ảnh hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Theo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo: “Chúa Cha tạo dựng, Chúa con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa” (GLCG.37). Ba Ngôi cùng hiệp thông, tham gia và thi hành sứ vụ. Ngoài ra, sau khi Chúa tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa (St 1,26). Ngài cũng muốn con người hiệp thông, tham gia và thi hành sứ vụ vào chương trình sáng tạo của Chúa qua việc canh tác, gìn giữ và sinh sản để tiếp nối chương trình của Ngài… Trải qua dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa tiếp tục chọn các tổ phụ, các tiên tri để hiệp thông, tham gia và thực hiện thánh ý Ngài. Đến thời Tân ước, khi Chúa Giê-su thi thành sứ vụ công khai, Ngài cũng kêu gọi các Tông đồ để hiệp thông, tham gia và thi hành sứ mệnh Chúa trao (Mt 10,1-4). Theo diễn tiến trên giờ đây xin mời các bạn sinh viên cùng sống Hiệp Hành Mùa Chay qua ba việc sau:
- Hiệp Hành qua đời sống trí thức và đạo đức
Mỗi đất nước đều có văn hóa, phong tục và tập quán khác nhau. Đặc biệt là nền tảng giáo dục và an sinh xã hội. Các nước đang phát triển như Việt Nam chúng ta, đa số học là vì sự nghiệp tương lai, hay nói cách khác là học để thành tài. Còn các nước phát triển, đặc biệt là những nước có nền tảng Ki-tô giáo, học là để thành nhân trước và thành tài sau. Học trước tiên là để hiểu biết, để nhận thức, giúp chúng ta thành nhân trọn vẹn hơn. Mà để thành nhân tốt, chúng ta phải để ý đến chiều kích đạo đức, nhân bản. Vì vậy, ông bà ta có câu “có đức mặc sức mà ăn; có tài mà không có đức trở thành vô dụng”. Nhìn vào gương Chúa Giê-su, Ngài không những trí thức mà còn rất đạo đức. Nhiều lần Ngài bị gài bẫy bởi các nhà thông luật, các kinh sư, đặc biệt là qua câu chuyện người phụ nữ ngoại tình, Ngài nói: “Ai trong các ngươi sạch tội thì ném đá chị ta trước đi… thế là họ bỏ ra về hết. Tôi cũng vậy… chị hãy đi bình an và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,1-11). Hơn nữa, theo sách Giáo lý Công Giáo, Chúa Giê-su giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi (GLCG. 470).
Một chút nhìn vào nền tảng giáo dục nước nhà, các bạn cảm thấy thế nào? Tại sao đất nước chúng ta có nhiều tệ nạn xã hội, có nhiều vụ án lớn nhỏ như kit test Covid 19 và nạn tham nhũng trong mọi lãnh vực… nguyên nhân do đâu? Vậy các bạn sinh viên đang trau dồi kiến thức, nhưng hết sức quan tâm đến đạo đức. Các bạn ưu tiên việc sống làm người thật tốt, cộng thêm kiến thức chuyên môn, để hiệp thông với Chúa, hiệp thông với nhau và tham gia các chương trình thiện nguyện hầu mang tình thương, hơi ấm đến cho nhiều người trong xã hội và Giáo hội hôm nay.
Ngoài ra, các bạn sinh viên trau dồi trí thức và đạo đức để ca ngợi quyền năng của Thiên Chúa và hết lòng kính mến Ngài. Thật vậy, Theo Tác giả Javier Ordovás có 25 nhà khoa học lừng danh nói về Thiên Chúa, xin được trích dẫn một vài người sau đây:
Johannes Kepler (1571–1630), Một trong những nhà thiên văn vĩ đại nhất: “Thiên Chúa thật vĩ đại. Quyền năng Ngài vĩ đại và sự khôn ngoan thì vô hạn. Hãy ca tụng Ngài bằng ngôn ngữ của mình, hỡi trời và đất, mặt trời và mặt trăng, các tinh tú. Lạy Thiên Chúa và là Đấng Tạo Dựng nên con! Với trí khôn giới hạn của con, con muốn loan báo sự kỳ diệu của các công trình Ngài cho mọi người hiểu được”.
Alessandro Volta (1745–1827), người khám phá ra các ý niệm cơ bản về điện: “Tôi tuyên xưng đức tin Công giáo Roma, thánh thiện và tông truyền. Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi đức tin này, nhờ đó mà tôi có một ý hướng vững chắc để sống và chết”.
Augustin Louis Cauchy (1789–1857), nhà toán học kiệt xuất và nhà sáng lập môn Toán phân tích phức tạp (complex analysis): “Tôi là Kitô hữu, có nghĩa là tôi tin vào thần tính của Đức Kitô, giống như tất cả các nhà thiên văn vĩ đại khác cũng như các nhà toán học lớn trong quá khứ”.
Thomas A. Edison (1847–1931), nhà sáng chế nắm giữ 1200 bằng sáng chế: “Tôi tôn trọng và ngưỡng mộ tất cả các kỹ sư, đặc biệt là người kỹ sư vĩ đại nhất: Thiên Chúa”.
Robert Millikan (1868–1953), Nhà vật lý Hoa Kỳ, giải Nobel 1923: “Tôi có thể khẳng định rằng việc từ chối đức tin là thiếu nền tảng khoa học. Theo quan điểm của tôi, không có bất kỳ sự mâu thuẫn nào giữa đức tin và khoa học”.
Wernher von Braun (1912–1977), kỹ sư tên lửa và kiến trúc sư không gian: “Trên hết mọi sự là vinh quang Thiên Chúa, Đấng mà con người và khoa học khám phá và tìm kiếm mỗi ngày với sự tôn kính thẳm sâu”.
- Hiệp Hành qua đời sống dấn thân và phục vụ
Sau những tháng học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh, giờ đây các bạn đang học trực tiếp. Nên nhà trường muốn củng cố kiến thức cho sinh viên, dẫn đến lịch học quá nhiều, làm các bạn không còn thời gian cho việc dấn thân và phục vụ trong mùa chay thánh này. Tuy nhiên, theo cha, cố gắng học, thì đó cũng là dấn thân, và trau dồi các kỹ năng sống cũng là cách phục vụ, tại sao? Bởi vì, các bạn học không chỉ cho riêng các bạn mà còn cho xã hội và Giáo hội sau này. Nhìn vào gương của các nhà khoa học ở trên, có người từng thất bại không chỉ một lần mà nhiều lần và cố gắng tìm ra những định luật, khoa học hầu đem lại những điều tốt đẹp cho con người và thế giới như internet, dụng cụ y khoa, máy móc… cùng những phát minh hữu ích cho hiện tại và tương lai.
Ngoài ra, Thánh Tê-rê-sa Caculta nói: “không phải chúng ta làm việc to hay nhỏ nhưng là đặt tình yêu vào đó nhiều hay ít”. Vậy việc phục vụ không phải khi nào các bạn làm những việc to lớn, nhưng đôi khi chỉ làm những việc rất nhỏ như hy sinh nhặt rác, dọn vệ sinh, giúp đỡ những ai khi cần kể cả dừng xe dẫn cụ già qua đường, hay viết cảnh báo những nơi nguy hiểm và thậm chí cố gắng giữ gìn sức khỏe tránh lây nhiễm Covid 19 ở hiện tại, hầu giúp ngành y tế tránh quả tải, với lòng bác ái hy sinh, thì vẫn có giá trị trước mặt Chúa trong Mùa chay thánh này…
- Hiệp Hành qua đời sống cầu nguyện và bác ái
Có lẽ với đời sống sinh viên nói chung và sinh viên miền Sài Gòn nói riêng, hầu hết đều bận rộn với việc học tập và thậm chí có em còn lo kiếm thêm thu nhập để phụ giúp gia đình trong hoàn cảnh hiện nay. Vậy thử hỏi giờ đầu mà các bạn có thể cầu nguyện và làm việc bác ái? Đúng như vậy, nhưng các bạn sinh viên hãy nhìn vào gương sáng của ba nhà khoa học nổi tiếng và đặc biệt là gương Chúa Giê-su sau đây:
Carl Linnaeus (1707–1778), nhà sáng lập môn thực vật học hệ thống: “Tôi đã thấy Thiên Chúa toàn năng, vô hạn và vĩnh cửu đi ngang qua rất gần, và tôi quỳ xuống bái lạy Ngài”.
Guglielmo Marconi (1874–1937), nhà sáng chế vô tuyến điện thoại, giải Nobel 1909: “Tôi hãnh diện tuyên xưng rằng mình là một tín hữu. Tôi tin vào quyền năng của sự cầu nguyện, và tôi tin không chỉ như là người Công giáo mà còn là một nhà khoa học”.
Luis Pasteur, Một sinh viên trẻ ngồi cùng toa xe lửa với một ông già đang lần hạt. Anh mạnh dạn bắt chuyện với ông: “Thay vì lần hạt, tại sao ông không dành thời gian học hỏi và tự đào luyện bản thân đôi chút nhỉ? Tôi có thể gởi cho ông một cuốn sách hướng dẫn” Ông già đáp: “Anh làm ơn gởi cuốn sách đến địa chỉ này”, và ông trao cho anh sinh viên tấm danh thiếp. Tấm danh thiếp ghi là: Luis Pasteur, Viện kho học Paris. Anh sinh viên cảm thấy xấu hổ vô cùng. Ạnh định khuyên nhủ một học giả lừng danh nhất của thời đại mình, nhà sáng chế ra vaccines, được cả thế giới ca tụng và là một người siêng năng lần hạt.
Chúa Giê-su: Dựa vào Tin Mừng nhất lãm, các ban sinh viên thấy một ngày làm việc của Chúa Giê-su bắt đầu từ sáng sớm, Ngài đi lên núi hay tìm một nơi thanh vắng cầu nguyện. Tiếp đến Ngài đi rao giảng lời Chúa, chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, làm phép lạ và thậm chí đến chiều tối Ngài tiếp tục trừ quỷ… (Mc 1,29-39); Vậy mà Ngài không ngừng cảm tạ Chúa Cha. Chính vì thế, ít nhất chúng ta được nghe Chúa Cha phán hai này: “Này là con Ta yêu dấu hãy vâng nghe lời người” (Mt 3,17; Mc 9,7).
Các bạn sinh viên thân mến, trên đây là một vài gợi ý đơn sơ, hy vọng giúp các bạn đôi chút chất liệu sống mùa chay, qua việc học tập, đạo đức; cũng như tinh thần không ngừng vươn lên về mọi mặt, hầu làm sáng danh Chúa và sinh nhiều hoa trái tốt đẹp cho bản thân, gia đình, nhóm, xã hội và Giáo hội, cách riêng trong mùa chay thánh Hiệp Hành 2022 này.
Hiệp Hành Giáo Hội gọi mời
Sinh viên Sài Gòn đáp lời Hiệp Thông
Tham gia Sứ vụ chờ mong
Trau dồi kiến thức đợi trông từng ngày.
Hành trình đạo đức hôm nay
Dấn thân phục vụ trải dài yêu thương
Cầu nguyện bác ái tỏ tường
Trong từng hoàn cảnh là đường Chúa đi.
Hy sinh một chút sá chi
Theo gương bác học sợ gì chung quanh
Sáng tạo Thiên Chúa đồng hành
Giê-su con Chúa vinh danh cuộc đời.
Sinh Viên hạnh phúc gọi mời
Mùa chay thánh thiện đáp lời hy sinh
Cầu nguyện ăn chay hãm mình
Là đường vinh thắng thiên đình mai sau.
Lm. Biển Xanh.