1. Chế độ Ortega trục xuất Sứ thần Tòa Thánh khỏi Nicaragua
Đóng cửa hơn nữa với cộng đồng quốc tế, chính phủ của Daniel Ortega tuyên bố Sứ thần Tòa Thánh ở Nicaragua là “persona non grata”, tức là “người được hoan nghênh” và trục xuất ngài.
Đức Tổng Giám Mục Ba Lan Waldemar Stanislaw Sommertag, sứ thần Tòa thánh tại Nicaragua, đã bị buộc phải rời khỏi đất nước sau khi bị “trục xuất trên thực tế” và hiện đang ở Rôma.
Tòa Sứ thần đã công bố một ghi chú ngắn vào ngày 7 tháng 3 chỉ đơn giản nói rằng Đức Tổng Giám Mục người Ba Lan đã “vắng mặt” khỏi đất nước vào ngày hôm trước.
Vatican dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố trước cuối tuần để làm rõ hoàn cảnh ra đi của ngài, nói rõ rằng ngài đã bị chính phủ trục xuất.
Một bước ngoặt trong mối quan hệ xấu đi giữa Vatican và chế độ Ortega là vào ngày 18 tháng 11 năm 2021, khi chính phủ Nicaragua loại bỏ tư cách “niên trưởng đoàn ngoại giao đoàn” của Sứ Thần Tòa Thánh bằng một sắc lệnh. Ở hầu hết các quốc gia có đa số là Công Giáo, sứ thần của Giáo hoàng theo truyền thống đóng vai trò là niên trưởng đoàn ngoại giao đoàn.
Đức Tổng Giám Mục Sommertag bị cách chức niên trưởng đoàn ngoại giao đoàn ngay sau khi ngài bắt đầu sử dụng thuật ngữ “tù nhân chính trị”, là điều mà ngài đã tránh trong gần ba năm làm người đối thoại trong hậu trường giữa chính phủ và gia đình của hàng trăm tù nhân.
Trong số những người đang được chính phủ bắt giữ có tất cả các ứng cử viên đối lập, những người đã lên tiếng bày tỏ ý định tranh cử chống lại Ortega trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức năm ngoái.
Các nguồn tin cho biết quyết định trục xuất Sứ thần Tòa Thánh trực tiếp đến từ Ortega và vợ ông ta, là phó tổng thống Rosario Murillo, là những người từ lâu đã xung đột với hàng giáo phẩm Công Giáo, vì các giám mục lên án hành động đàn áp bạo lực của một cuộc biểu tình ôn hòa năm 2018.
Source:Crux
2. Ukraine là mô hình cho Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công
Theo Reuters, Ukraine là một mô hình cho cách Đài Loan có thể đáp trả nếu Trung Quốc vi phạm chủ quyền của nước này bằng cách tấn công vũ trang.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói trong một cuộc điều trần tại Thượng viện hôm thứ Năm rằng cách thức Ukraine kiên cường bảo vệ đất nước là mô hình cho Đài Loan nếu Trung Quốc chọn cách xâm phạm chủ quyền của hòn đảo bằng cách tấn công vũ trang.
Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng là nhà cung cấp vũ khí chính cho họ, và từ lâu đã thúc giục nước này mua các hệ thống phòng thủ cơ động và hiệu quả về chi phí được gọi là vũ khí “bất đối xứng” để chống lại sức mạnh to lớn hơn của Trung Quốc về phương diện quân sự.
“Tôi nghĩ rằng tình hình mà chúng ta đang thấy ở Ukraine hiện tại là một nghiên cứu điển hình rất đáng giá cho họ về lý do tại sao Đài Loan cần phải làm tất cả những gì có thể để xây dựng các năng lực bất đối xứng, chuẩn bị sẵn sàng dân chúng hết sức có thể”. Mara Karlin, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chiến lược cho biết như trên.
Theo chính sách “một Trung Quốc” của Hoa Kỳ, Washington ghi nhận lập trường của Trung Quốc rằng hòn đảo này thuộc sở hữu của họ, nhưng không có quan điểm nào về chủ quyền của Đài Loan.
Vào tháng Giêng, Đại sứ Bắc Kinh tại Washington cảnh báo rằng việc Hoa Kỳ khuyến khích độc lập có thể gây ra xung đột quân sự giữa hai siêu cường.
Source:Reuters
3. Tổ chức bác ái Công Giáo giúp các Kitô Hữu chạy trốn khỏi Taliban hiện đang hoạt động ở Ukraine
Jason Jones có một câu nói mà anh thường lặp đi lặp lại với nhân viên của mình tại tổ chức nhân đạo mà anh thành lập “Dự án những người dễ bị tổn thương”, gọi tắt là VPP.
Anh nói: “Những người dễ bị tổn thương không phải là những người yếu đuối. Họ là những người mạnh mẽ đã được đặt trong những tình huống bất khả thi.”
Dự án Người dễ bị tổn thương, mà Jones mô tả là một hoạt động tông đồ Công Giáo bằng giáo huấn xã hội Công Giáo, đã được khởi động vào năm ngoái để đối phó với một tình huống “bất khả thi” như vậy: đó là cuộc khủng hoảng nhân đạo nổ ra sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, và quốc gia này nhanh chóng rơi vào tay Taliban.
Giờ đây, VPP đang giúp mọi người thoát khỏi một tình huống khẩn cấp thảm khốc khác: cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Jones, một nhà sản xuất phim Công Giáo, diễn giả, tác giả và nhà hoạt động, nói với CNA: “Chúng tôi đang thấy người dân Ukraine bị mắc kẹt giữa hai tác nhân quyền lực này, giống như cách người dân Afghanistan bị mắc kẹt giữa Hoa Kỳ và Taliban.
VPP vẫn đang giúp di tản những Kitô Hữu và các dân tộc thiểu số khác khỏi Afghanistan hàng tuần, Jones nói.
Giờ đây, tổ chức này đang thực hiện công việc tương tự ở Ukraine, nơi Jones nói rằng họ đã vận chuyển hàng nghìn người khỏi cuộc giao tranh và tàn phá.
Nhiều người trong số họ có Aleksi Voronin để cảm ơn vì điều đó.
Người đàn ông 35 tuổi gốc Kiev /ki-ép/ quản lý một đội ngũ tài xế, chính anh ta cũng là một tài xế, những người tự nguyện đưa đón cư dân của Kiev /ki-ép/ và Kharkiv, các thành phố lớn của Ukraine hiện nằm trong tay quân Nga, đến sự an toàn tương đối của miền Tây Ukraine hoặc qua biên giới vào Ba Lan.
Các tài xế chủ yếu lái xe tải nhưng một số xe chở khách. Với các xe tải, Voronin cho biết, có thể di tản tới một chục hành khách. Anh ấy nói với CNA rằng anh ấy đang làm việc để có được một chiếc xe buýt có thể di tản 50 người.
Các xe tải đông chật người, nhưng Voronin nói rằng anh ấy cố gắng cung cấp cho người dân những tấm chăn để ít nhất mang lại cho họ “sự thoải mái tối thiểu”. Anh ấy ước tính rằng anh ấy đã giúp di tản hơn 200 người, cho đến nay.
“Tôi không thể tìm được từ thích hợp để giải thích tình trạng của mọi người khi tôi đón họ,” Voronin nói với CNA, cố kìm nước mắt.
Vì thành công của VPP ở Afghanistan, một người bạn Ukraine của Jones đã đề nghị anh giúp giải cứu một số thành viên gia đình khỏi Ukraine sau cuộc xâm lược. Kết quả là, nỗ lực nhân đạo mới nhất của VPP, Hy vọng cho Ukraine, đã ra đời.
Jones không nói được tiếng Ukraine. Vì vậy, việc liên lạc với những người Ukraine trên thực địa đặt ra nhiều khó khăn, ông nói.
Nhưng Ơn Chúa Quan Phòng, một trong những người bạn của Jones là diễn viên hài Irina Skaya người Los Angeles, là một người Mỹ gốc Ukraine.
Irina Skaya tạm gác lại sự nghiệp hài kịch để làm tình nguyện viên toàn thời gian cho Dự án Những người dễ bị tổn thương.
Skaya, người nói thông thạo tiếng Nga, Ukraine và tiếng Anh, có khoảng 200 người thân ở Ukraine. Thông qua các mối quan hệ của mình, cô đã liên lạc được với Voronin.
Skaya đã lên kế hoạch cho một chương trình hài kịch vào ngày 25-26 tháng 2 tại Kiev /ki-ép/, nhưng điều đó đã bị hủy bỏ do cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2.
Skaya cho biết cô luôn nghĩ mục đích sống của mình là đóng phim hài.
“Phim hài rất tuyệt. Tôi yêu hài kịch. Và khi chuyện này kết thúc, tôi sẽ biểu diễn ở Ukraine và cố gắng đưa nhiều nghệ sĩ hài Mỹ đến Ukraine nhiều nhất có thể,” cô nói.
Nhưng chiến tranh đã sắp xếp lại các ưu tiên của cô ấy. “Mục đích sống tuyệt đối của tôi bây giờ, là để bảo vệ đất nước của tôi, để cứu đất nước của tôi, để cứu người dân của tôi.”
Jones nói rằng chương trình Hope for Ukraine có khoảng 100 tình nguyện viên Ukraine, với các tình nguyện viên khác đến từ Ba Lan, Ireland, Hoa Kỳ và các nơi khác.
Tuy nhiên, ngay cả một nỗ lực nhân đạo do tình nguyện viên thực hiện cũng rất tốn kém. Việc giữ các xe chở khách và các phương tiện khác của Aleksi Voronin trên đường ngày càng tốn kém hơn do giá nhiên liệu tăng nhanh.
Jones nói với CNA rằng VPP đã huy động được 15,000 đô la cho Hope for Ukraine, nhưng đã chi khoảng 50,000 đô la để mua các thứ.
Source:Catholic News Agency